Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year – Paschal Time”, Book I, Volume 7, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 14-20.
👉 CHƯƠNG I: LỊCH SỬ CỦA MÙA PHỤC SINH>>>
CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM CỦA MÙA PHỤC SINH
Trong tất cả các mùa của Năm Phụng Vụ, Mùa Phục Sinh là mùa phong phú nhất về các mầu nhiệm. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng Phục Sinh chính là đỉnh cao về Mầu Nhiệm của Phụng Vụ Thánh. Người Kitô hữu nào được diễm phúc cảm thấu và yêu mến Mầu Nhiệm Vượt Qua với trọn tâm trí của mình thì người ấy đã chạm đến trung tâm của đời sống siêu nhiên. Do đó, Giáo Hội dốc toàn lực để giúp các tín hữu đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Mầu Nhiệm Vượt Qua này. Mọi sinh hoạt mà Giáo Hội đã thực hiện trước đó đều nhằm mục đích chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh. Những khát khao thánh thiện của Mùa Vọng, niềm vui ngọt ngào của Mùa Giáng Sinh, những qui luật nghiêm khắc của khoảng thời gian chuẩn bị, tâm tình ăn năn và sám hối của Mùa Chay, cùng với khung cảnh đau thương của Cuộc Thương Khó – tất cả đều được ban tặng cho chúng ta như những giai đoạn chuẩn bị, như những con đường dẫn đến Đại Lễ Vượt Qua vinh quang và cao cả mà giờ đây chúng ta đang cử hành.
Và để chúng ta xác tín về tầm quan trọng tối thượng của đại lễ này, Thiên Chúa đã muốn rằng Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần của Kitô giáo phải được tiên báo qua các lễ nghi trong Luật Do Thái – một ngàn năm trăm năm với những hình ảnh tiên trưng tuyệt mỹ đã báo trước thực tại này: và giờ đây, thực tại ấy thuộc về chúng ta!
Trong những ngày này, chúng ta được chiêm ngắm hai cuộc tỏ bày vĩ đại về lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho nhân loại – Lễ Vượt Qua của Israel và Lễ Vượt Qua của Kitô giáo; Lễ Ngũ Tuần tại Sinai và Lễ Ngũ Tuần của Giáo Hội. Chúng ta làm thế nào để các hình bóng xưa kia được hoàn tất trong các thực tại của Lễ Vượt Qua mới và Lễ Ngũ Tuần, và làm sao hoàng hôn của Luật Môsê sẽ nhường chỗ cho ánh sáng rạng ngời của Tin Mừng? Nhưng chúng ta không thể cưỡng lại cảm thức tôn kính thánh thiêng khi nghĩ rằng các nghi lễ trọng đại mà chúng ta sắp cử hành đã có hơn ba ngàn năm tuổi, chúng sẽ được tái diễn hằng năm cho đến khi tiếng loan báo của thiên thần vang lên: “thời gian không còn nữa!”[1] khi đó, cửa trường sinh sẽ được mở ra.
Sự sống đời đời trên thiên quốc chính là Lễ Vượt Qua đích thực: vì thế, Lễ Vượt Qua mà chúng ta cử hành nơi trần thế này là Lễ trọng đại nhất của các lễ, Đại lễ của các đại lễ. Nhân loại đã chết trong tội lỗi; là nạn nhân của án phạt, bị kết án trở về tro bụi trong phần mộ của mình; cánh cửa sự sống đã đóng lại trước mắt họ. Nhưng kìa! Con Thiên Chúa đã trỗi dậy từ trong ngôi mộ và bước vào sự sống vĩnh cửu. Và Người không phải là Đấng duy nhất sẽ không bao giờ chết nữa, vì như thánh Tông Đồ dạy chúng ta rằng: “Người là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”.[2] Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy xem mình như đã cùng được sống lại với Đức Giêsu và đã được thông phần vào sự sống đời đời. Các Thánh Giáo Phụ dạy chúng ta hãy nhìn vào 50 ngày Phục Sinh này như hình ảnh của niềm vui hạnh phúc vĩnh cửu. Đây là những ngày được dành trọn vẹn cho niềm vui; mọi hình thức u buồn sầu thảm đều bị nghiêm cấm; và Giáo Hội không thể nói về Đấng Lang Quân chí thánh của mình mà không hòa cùng những lời ca vang vinh quang của thiên quốc, Alleluia – tiếng hoan ca mà trong Phụng Vụ thánh luôn vang vọng không ngừng trên các nẻo đường và tại quảng trường Giêrusalem trên trời. Suốt chín tuần qua, chúng ta đã không được cất lên lời hoan ca này, vì chúng ta được mời gọi cùng chết với Đức Kitô. Nhưng giờ đây, khi đã cùng Ngài trỗi dậy từ ngôi mộ và quyết tâm không bao giờ chết nữa trong sự chết về phần linh hồn – sự chết mà đã làm cho Đấng Cứu Độ chúng ta phải chết trên cây thập giá, bởi vậy, chúng ta có quyền được ca vang Alleluia.
Sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập sự hài hòa giữa thế giới hữu hình và công trình siêu nhiên của ân sủng, đã muốn rằng mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa chúng ta sẽ diễn ra vào chính mùa đặc biệt trong năm khi mà ngay cả Thiên Nhiên cũng dường như trỗi dậy từ cõi chết. Các cánh đồng khoác lên mình màu xanh tươi mát, cây cối đâm chồi nảy lộc, chim muông cất tiếng hót vang trời, và mặt trời – hình ảnh của Đức Giêsu khải hoàn – tuôn đổ muôn vàn ánh sáng trên mặt đất, và nhờ đó, mặt đất được đổi mới nhờ mùa xuân rực rỡ. Vào lễ Giáng Sinh, mặt trời còn yếu ớt và chỉ lưu lại với chúng ta trong một khoảng thời gian ngắn; điều đó hòa hợp với cuộc giáng sinh khiêm hạ của Emmanuel, Đấng đã đến giữa chúng ta trong đêm tối và được bọc trong tã. Nhưng giờ đây, Ngài như “thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng, và vui sướng lên đường như tráng sĩ. Từ chân trời này, thái dương xuất hiện, rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia, chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng.”[3] Lời trong sách Diễm Ca nói với người tín hữu và mời gọi họ tham dự vào đời sống mới mà chính Ngài ban tặng cho mọi loài thụ tạo, chính Chúa chúng ta đã phán: “Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi. Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây. Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta. Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào. Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào!”[4].
Trong chương trước, chúng ta đã giải thích vì sao Đấng Cứu Độ chúng ta đã chọn ngày Chúa Nhật để sống lại từ cõi chết, nhờ đó, Ngài chiến thắng sự chết và loan báo sự sống cho toàn thế giới. Chính vào ngày được ưu tuyển này mà bốn ngàn năm trước, Ngài đã dựng nên ánh sáng; và khi chọn ngày đó để khởi đầu sự sống mới mà Ngài đã ân ban cho nhân loại, Ngài cũng muốn tỏ cho chúng ta thấy rằng Lễ Phục Sinh chính là sự canh tân toàn thể công trình sáng tạo. Không chỉ là ngày kỷ niệm Phục Sinh vinh quang của Ngài trở thành ngày trọng đại nhất, mà từ nay, mỗi Chúa Nhật trong suốt năm cũng trở thành một cuộc cử hành Phục Sinh thu nhỏ, một ngày thánh thiêng và cao cả. Theo lệnh truyền của Thiên Chúa, Hội Đường Do Thái đã giữ ngày thứ Bảy thánh, tức ngày Sabát, để tưởng nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi sau sáu ngày sáng tạo; nhưng với Giáo Hội, Hiền Thê của Đức Kitô được mời gọi tôn vinh công trình cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Giáo Hội để ngày thứ Bảy trôi qua – đó là ngày mà Đức Giêsu an nghỉ trong nấm mồ. Nhưng giờ đây, khi được ánh sáng Phục Sinh chiếu rọi, Giáo Hội dành ngày thứ nhất trong tuần để chiêm ngắm công trình cứu độ của Người. Đó là ngày của ánh sáng, bởi chính vào ngày ấy, Thiên Chúa đã gọi ánh sáng trần thế xuất hiện – ánh sáng đầu tiên chiếu soi giữa tình trạng hỗn mang. Cũng vào ngày ấy, Đấng là “Phản ánh vinh quang Chúa Cha”[5] và là “Ánh Sáng thế gian”[6] đã sống lại khải hoàn từ trong bóng tối của nấm mồ.
Vậy, hãy để tuần lễ với ngày Sabát trôi qua; điều mà người Kitô hữu chúng ta mong đợi chính là ngày thứ tám – ngày vượt khỏi giới hạn của thời gian, ngày của cõi vĩnh hằng, ngày mà ánh sáng không còn ngắt quãng hay giới hạn, nhưng là bất tận và vô biên. Các thánh Giáo Phụ đã nói như thế khi giải thích về việc thay thế ngày Chúa Nhật cho ngày thứ Bảy. Thật vậy, con người phải giữ ngày mà Đấng Tạo Hóa của thế giới hữu hình đã nghỉ ngơi làm ngày nghỉ ngơi thánh thiêng hằng tuần của mình; nhưng đó chỉ là việc tưởng niệm công trình sáng tạo thế giới hữu hình mà thôi. Ngôi Lời hằng hữu đến trần gian mà chính Ngài đã tạo dựng; Ngài đến với ánh sáng rạng ngời của thần tính được che phủ dưới tấm màn khiêm hạ của xác phàm; Ngài đến để kiện toàn những hình bóng của Giao Ước Cũ. Trước khi bãi bỏ ngày Sabát, Ngài đã tuân giữ ngày ấy như mọi điều khoản của Lề Luật. Ngài dành ngày ấy làm ngày nghỉ ngơi sau cuộc Khổ Nạn, trong sự thinh lặng của nấm mồ: nhưng, vào rạng sáng ngày thứ tám, Ngài đã sống lại và sự sống ấy là sự sống vinh hiển. Vị viện phụ uyên bác và đạo đức Abbot Rupert nói: “Chúng ta hãy để người Do Thái tiếp tục giữ ngày Sabát cũ, ngày tưởng niệm công trình tạo dựng thế giới hữu hình. Họ không biết phải yêu mến hay khao khát thế nào hoặc nhận thấy mình không xứng đáng với bất cứ điều gì ngoài những thực tại trần thế…”. Họ đã không muốn nhận Đấng Tạo Hóa của thế gian này làm Vua của họ, vì Ngài đã nói: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó!” và “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!”. Nhưng ngày Sabát của chúng ta đã được chuyển từ ngày thứ bảy sang ngày thứ tám và ngày thứ tám cũng chính là ngày thứ nhất. Và thật chính đáng khi ngày thứ bảy được đổi thành ngày thứ tám, vì chúng ta là những Kitô hữu tìm thấy niềm vui nơi một công trình cao trọng hơn việc tạo dựng thế gian… Hãy để những kẻ yêu mến thế gian giữ ngày Sabát để tưởng nhớ công trình tạo dựng; nhưng niềm vui của chúng ta hệ tại nơi ơn cứu độ trần gian, vì sự sống của chúng ta, nói đúng hơn, sự nghỉ ngơi đích thực của chúng ta đang tiềm ẩn với Đức Kitô trong Thiên Chúa.”[7]
Mầu nhiệm của ngày thứ bảy được tiếp nối bởi ngày thứ tám như một ngày thánh, một lần nữa được Giáo Hội nhắc lại qua con số các tuần trong Mùa Phục Sinh. Con số này gồm bảy tuần; chúng tạo thành một “tuần của các tuần,” và ngày kế tiếp của chúng lại là một Chúa Nhật – đại lễ vinh quang của Lễ Ngũ Tuần. Những con số huyền nhiệm này – chính Thiên Chúa đã ấn định khi thiết lập Lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau biến cố Vượt Qua lần thứ nhất – đã được các Thánh Tông Đồ đón nhận khi quy định về Đại Lễ Phục Sinh Kitô giáo, như chúng ta đã học được từ Thánh Hilary thành Poitiers, thánh Isidore, Amalarius, Rabanus Maurus, và tất cả các nhà chú giải cổ xưa về các mầu nhiệm của Phụng Vụ Thánh. Thánh Hilary nói: “nếu chúng ta nhân bảy với bảy, chúng ta sẽ thấy rằng mùa thánh này thực sự là ngày Sabát của các ngày Sabát; nhưng điều làm cho nó trở nên trọn vẹn và đưa đến sự viên mãn của Tin Mừng chính là ngày thứ tám tiếp theo – một ngày vừa là ngày thứ tám, vừa là ngày thứ nhất. Các Thánh Tông Đồ đã thiết lập một quy định rất thánh thiêng cho bảy tuần lễ này, đến nỗi trong suốt thời gian ấy, không ai được quỳ gối hay làm lu mờ niềm vui thiêng liêng của đại lễ kéo dài này bằng việc ăn chay. Quy luật thiêng liêng này cũng đã được mở rộng đến mỗi ngày Chúa Nhật; bởi vì ngày Chúa Nhật vốn tiếp nối ngày thứ Bảy, và đã trở thành ngày thứ nhất trong tuần nhờ sự ứng nghiệm trong tiến trình của Tin Mừng, sự hoàn tất của ngày thứ Bảy, là ngày của đại lễ và vui mừng.”[8]
Vì thế, tất cả mùa Phục Sinh mang trong mình mầu nhiệm mà mỗi ngày Chúa Nhật trong năm đều diễn tả. Chúa Nhật là ngày trọng đại nhất trong tuần đối với chúng ta, vì được tô điểm bởi ánh huy hoàng về mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa chúng ta, mà việc tạo dựng ánh sáng vật chất chỉ là hình bóng báo trước. Chúng ta đã nói rằng việc thiết lập này đã được tiên trưng trong Luật Cũ, mặc dầu dân Do Thái hoàn toàn không ý thức được điều đó. Lễ Ngũ Tuần của họ rơi vào ngày thứ năm mươi sau Lễ Vượt Qua; đó là ngày tiếp theo sau bảy tuần. Một hình ảnh khác về Mùa Phục Sinh của chúng ta chính là Năm Toàn Xá, mà Thiên Chúa đã truyền cho Môsê quy định cho dân Người. Cứ vào mỗi năm thứ năm mươi, nhà cửa và ruộng đất đã bị chuyển nhượng trong suốt bốn mươi chín năm trước đó sẽ được trả về cho chủ sở hữu ban đầu; và những người Israel vì nghèo khổ mà phải bán mình làm nô lệ sẽ được trả tự do. Năm nay, được gọi là năm hưu lễ (năm toàn xá), tiếp nối bảy tuần năm trước đó, và trở thành hình ảnh của ngày thứ tám, ngày mà Con Đức Maria, nhờ sự Phục Sinh của Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ của sự chết và phục hồi cho chúng ta quyền thừa kế sự sống bất diệt.
Những nghi thức riêng biệt của Mùa Phục Sinh theo qui luật hiện nay của Giáo Hội gồm hai điều: việc không ngừng lặp lại lời “Alleluia,” mà chúng ta đã đề cập trước đó, và màu sắc phẩm phục phụng vụ được sử dụng trong hai đại lễ của mùa này là: màu trắng cho lễ thứ nhất và màu đỏ cho lễ thứ hai. Màu trắng phù hợp với mầu nhiệm Phục Sinh: đó là mầu nhiệm của ánh sáng vĩnh cửu, không vết nhơ, không bóng tối; đó cũng là mầu nhiệm mang lại cho tâm hồn tín hữu niềm vui và sự thanh khiết. Lễ Ngũ Tuần ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng là “Ngọn Lửa Thiêu Đốt”[9], được biểu trưng bằng phẩm phục màu đỏ, diễn tả mầu nhiệm Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình lưỡi lửa trên các môn đệ đang tề tựu trong Nhà Tiệc Ly. Về tập tục cổ xưa không quỳ gối trong Mùa Phục Sinh như đã đề cập trước đó, hiện nay trong Phụng vụ Latinh chỉ còn giữ lại một dấu vết nhỏ của truyền thống này.
Các nghi thức của Giáo Hội sơ khai liên quan đến các tân tòng, những người được tái sinh nhờ Bí tích Rửa Tội trong đêm Vọng Phục Sinh, thật sự rất đáng quan tâm và mang nhiều ý nghĩa giáo huấn. Tuy nhiên, vì những nghi thức này đặc biệt gắn liền với hai tuần Bát Nhật của Lễ Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống, nên chúng tôi sẽ giải thích chi tiết hơn trong phần trình bày về những ngày Phụng Vụ này.
Chú thích
[1] Kh 10, 6.
[2] Col 1, 18.
[3] Tv 19, 6-7.
[4] Dc 2, 10-13.
[5] x. Dt 1, 3.
[6] x. Ga 8, 12.
[7] De Divinis Officiis, lib. vii, cap. xix. (De Divinis Officiis, cuốn 7, chương 19).
[8] Prologus in Psalmos, (Lời tựa dẫn vào Thánh Vịnh).
[9] x. Hr 12, 29.
Vui lòng ghi: “Nguồn: Truyền Thông Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam – ngoiloivn.net” khi đăng tải lại các bài viết từ trang này.