BÌNH TÂM THEO MARCUS AURELIUS TRONG TÁC PHẨM SUY TƯỞNG

0
94

Tác giả: Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Tâm, SVD

MỤC LỤC

DẪN NHẬP

    1. Lý do chọn đề tài
    2. Phương pháp nghiên cứu
    3. Tài liệu nguồn và giới hạn đề tài
    4. Nội dung đề tài

CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI

    1. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
    2. Tác giả
    3. Tác phẩm
    4. KHÁI QUÁT NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG
    5. Chủ nghĩa Khắc kỷ
    6. Marcus Aurelius, con người và thời đại
    7. Văn hóa và đời sống

III.    ĐỊNH NGHĨA CÁC HẠN TỪ

    1. Bình tâm
    2. Hạnh phúc
    3. Logos

Tiểu kết chương I

CHƯƠNG II: BÌNH TÂM THEO MARCUS AURELIUS

    1. BÌNH TÂM LÀ GÌ?
    2. Bình tâm trong tương quan với hạnh phúc
    3. Bình tâm trong khía cạnh nội tại
    4. Bình tâm như là một phần thưởng
    5. PHƯƠNG PHÁP ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC BÌNH TÂM
    6. Nguyên tắc nền tảng
    7. Một đòi hỏi nơi bản thân
    8. Một chọn lựa tự do

Tiểu kết chương II

CHƯƠNG III: ẢNH HƯỞNG VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÌNH TÂM TRONG CUỘC SỐNG

    1. TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐẦY BIẾN ĐỘNG
    2. Nhận định về thế giới
    3. Một nhu cầu cho sự thay đổi
    4. Một điểm tựa
    5. TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ GIÁO
    6. Giáo Hội hôm nay
    7. Kỷ luật phụng vụ và bí tích
    8. Đời sống thánh hiến và sự chiêm niệm

Tiểu kết chương III

KẾT LUẬN

Thư mục tham khảo

Bài viết này là một Tiểu luận Triết học của tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Tâm, SVD với sự hướng dẫn của Giáo sư Phêrô Lê Đình Trị, OFM.

DẪN NHẬP

1.         Tại sao chọn “Bình Tâm”?

Thế kỷ XXI đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nhân loại về mọi mặt. Ở đó, chúng ta có thể thấy sự phát triển về mặt tri thức, khoa học kỹ thuật, kinh tế, y tế, xã hội. Tất cả đều phát triển cách nhanh chóng đến nỗi nhân loại vốn tạo ra các điều ấy lại dường như không kịp thích nghi với chúng.

Sống trong một bầu khí như thế, con người dường như một cách nào đó bị cuốn vào một dòng chảy không thể dừng. Cũng từ đó, họ sống trong một áp lực lớn lao khiến cuộc sống trở nên căng thẳng và bất an. Nhân loại giờ đây không chỉ vật lộn với những căng thẳng trong cuộc sống nhưng còn phải đối diện với tình trạng bất an trong tương quan với nhau. Ngay cả đời tu, vốn được xem như là một đời sống thanh thoát với mọi lo toan của cơm áo gạo tiền, thảnh thơi với những cuộc đua tranh xã hội, giờ đây, dường như bị cuốn vào vòng xoáy mà cuộc sống thời đại đang tạo ra. Các tu sĩ giờ đây cũng lao vào trong việc tìm kiếm danh lợi với những sự ganh đua “cho sáng danh Chúa”: nào là xây dựng các công trình để biểu lộ uy danh Chúa, nào là tổ chức những buổi thuyết giảng để chinh phục người khác, nào là trình diễn ca nhạc, tạp kỹ để thu hút sự chú ý của giới trẻ. Với nhiều tu sĩ, họ nghĩ rằng những thứ như thế chính là hạnh phúc và là mục đích của cuộc đời họ. Thế nhưng, sau khi có được những thứ theo đuổi, họ có thật sự hạnh phúc chăng? Cuối cùng, câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống phải chăng đã được trả lời cách thỏa đáng? Marcus Aurelius, một hoàng đế Rôma, sống cách chúng ta hai thiên niên kỷ đã đưa ra một nhận định khiến chúng ta phải suy xét: “Anh đã đi lang thang khắp nơi, cuối cùng anh nhận ra rằng anh chưa bao giờ tìm thấy cái mà anh đeo đuổi: sống như thế nào?”[1]

Sống như thế nào? Đó là một trong những câu hỏi quan trọng của nhân loại. Triết gia Immanuel Kant một cách nào đó đã đặt vấn đề như thế trong bốn câu hỏi chủ đạo: “Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? Tôi có thể hy vọng gì? Con người là gì?”[2] Qua những câu hỏi đó, dường như tác giả muốn cho thấy mối quan hệ giữa biết và làm, và đó cũng là tiền đề cho những giải đáp của các vấn đề mà các câu hỏi sau đã nêu lên. Và trong một nghĩa nào đó, vấn đề mà Emmanuel Kant bận tâm cũng là vấn đề mà Marcus Aurelius đã từng đề cập tới: phải sống thế nào?

Vấn đề mà Marcus Aurelius nêu ra không phải là vấn đề bàn giấy, được thể hiện qua việc tìm kiếm những lý luận cao xa, hay đưa ra những lý thuyết cao vời. Nhưng đúng hơn đây là vấn đề của cuộc sống, là một vấn đề thiết thực để làm cho cuộc sống trở nên đầy tràn và có ý nghĩa hơn. Marcus Aurelius cũng đã nói về điều này khi ông bảo: “Đừng nghĩ về triết học như một ông thầy dạy của anh, mà như miếng bọt biển và lòng trắng trứng chữa cho anh khỏi chứng viêm mắt, thứ thuốc mỡ êm dịu, thứ thuốc nước ấm áp”[3].

Và cũng như Marcus Aurelius đã cho thấy, đây không phải là vấn đề tự vấn, nhưng là vấn đề thực tế mà mỗi người cần phải nhận biết và thực thi. Để nhờ đó, họ có thể giữ cho tâm hồn mình được thanh thản và bình an trước những thách đố của thời đại hôm nay. Quả thế, ngay từ thời cổ đại, các triết gia cũng đã từng có những băn khoăn về việc tìm kiếm bình an cho tâm hồn. Và cho dẫu thời đại họ sống không giống như thời đại hôm nay, nhưng câu hỏi về việc sống như thế nào để đạt được sự bình an vẫn là điều làm họ băn khoăn thao thức. Các triết gia Khắc kỷ, và đặc biệt là Marcus Aurelius, một vị vua sống trong nhung lụa đã cho chúng ta thấy rằng sự sung túc, giàu có không hẳn đã đem lại bình an trong tâm hồn, và đó là lý do cho ông đi tìm một lời giải đáp bên ngoài những sự ấy.

Chính những điều này đã khiến người viết chọn lựa chủ nghĩa Khắc kỷ làm chủ đề nghiên cứu và đã quyết định chọn đề tài “Bình Tâm Theo Marcus Aurelius Trong Tác Phẩm Suy Tưởng” để làm bài tiểu luận tốt nghiệp chương trình triết học của mình. Người viết hy vọng rằng việc tìm hiểu này sẽ giúp khám phá ra những điều hữu ích trong việc giữ được sự bình tâm trong cuộc sống và cũng giúp cho những người dấn thân trong đời sống tu trì khám phá ra một lối đường cho việc đạt tới sự bình an sâu xa nhờ những phương cách của nhân loại.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Qua tìm hiểu và suy tư về đề tài, người viết trình bày bài nghiên cứu của mình bằng phương pháp thu thập các dữ liệu, phân tích và sau đó tổng hợp các dữ liệu đó. Nhờ việc xem xét và tìm hiểu tài liệu nguồn cũng như các tài liệu tham khảo có liên quan, người viết hy vọng có thể làm sáng tỏ tư tưởng của Marcus Aurelius liên quan đến chính đề tài.

  1. Tài liệu nguồn và giới hạn đề tài

Bình Tâm là một trạng thái được nói khá nhiều trong các tác phẩm viết về cuộc sống, nhất là trong Phật giáo và các tôn giáo khác. Tuy nhiên, trong bài tiểu luận này, người viết chỉ tập trung vào tư tưởng của vị hoàng đế Marcus Aurelius trong tác phẩm Suy Tưởng được dịch giả Tiết Thái Hùng dịch, chú giải và giới thiệu.

  1. Nội dung đề tài

Đề tài “Bình Tâm Theo Marcus Aurelius Trong Tác Phẩm Suy Tưởng” được người viết trình bày trong ba chương. Trong chương I, người viết giới thiệu một chút về tác giả và tác phẩm cũng như khái quát sơ lược nền tảng tư tưởng của tác giả. Trong chương II, cũng là chương trọng tâm của đề tài, người viết sẽ trình bày tư tưởng của vị hoàng đế Rôma về trạng thái bình tâm. Đặt trọng tâm trên cùng đích của đời người, Marcus Aurelius đã trình bày hướng đi và những chọn lựa phải theo dựa trên cách thức mà chủ nghĩa Khắc kỷ đã đề ra. Tiếp đến, ở chương III cũng là chương cuối, người viết sẽ cố gắng nói lên tầm quan trọng của tư tưởng của Marcus Aurelius trong thời đại hôm nay. Và qua đó, đặt nó trong mối liên hệ với đời sống của con người hôm nay, đặc biệt là trong đời sống tu trì của Kitô giáo.

 

CHƯƠNG I

TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI

 Cổ nhân có câu: “Thời thế tạo anh hùng”. Câu nói này có nghĩa là hoàn cảnh sống và môi trường sống sẽ tác động trực tiếp lên mỗi người và hoặc sẽ giúp người ta phát triển hoặc sẽ khiến người ta bế tắc trong sự thăng tiến bản thân. Câu nói này cũng thật đúng trong hoàn cảnh của Marcus Aurelius: một vị hoàng đế Rôma và cũng là một triết gia vĩ đại. Gọi ông là triết gia vĩ đại chính là vì ông có những tư tưởng vượt thời gian. Vậy đâu là những yếu tố đã tác động và gợi hứng cho ông? Trước khi đi vào với những tư tưởng vượt thời đại của ông, người viết sẽ sơ lược về bối cảnh lịch sử cũng như những yếu tố đã tác động đến nhận thức của ông.

  1. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
  2. Tác giả

Marcus Aurelius tên thật là Marcus Catilius Severus Annius Verus, sinh ngày 26 tháng 4 năm 121[4]. Năm lên 3 tuổi, cha của Marcus là Verus đột ngột qua đời. Cậu được ông mình đưa vào cung điện và nuôi dưỡng. Nơi đây, cậu nhận được một nền giáo dục tốt với những người thầy nổi tiếng. Cậu được làm quen với triết học khá sớm, nhất là triết học Khắc kỷ, vốn là tư tưởng triết học được yêu thích nhất thời đó.

Ngày 25 tháng 2 năm 138, hoàng đế Hadrian băng hà. Trước khi chết, ông đã truyền ngôi cho nguyên lão Antonius Pius, khi ấy đã 50 tuổi, với điều kiện là Pius phải nhận nuôi Marcus. Kể từ đây, Marcus lấy họ của cha nuôi và được gọi là  Marcus Aurelius Antonius[5].

Năm 161, khi đã được 40 tuổi, ông chính thức được sắc phong làm hoàng đế[6]. Điều mà Marcus luôn tâm niệm và mong muốn là trở nên một người tốt hơn cho quốc gia dù phải đối diện với điều gì đi chăng nữa. Quả thật, cuộc sống ông gặp khá nhiều đau khổ khi chứng kiến người vợ yêu quý và những người con của ông lần lượt qua đời. Trong số mười ba người con, chỉ có năm người được may mắn sống sót đến khi trưởng thành[7]. Triều đại của ông được đánh dấu bằng một trận đại dịch tên là Antonine, kéo dài 15 năm, và đã cướp đi mạng sống của ít nhất năm triệu người. Bên cạnh đó, ông còn phải đối diện với những cuộc chiến kéo dài cả 19 năm trời[8].

Năm 178, Marcus Aurelius dẹp yên được các cuộc nổi dậy của các bộ lạc người Đức trên sông Danube và nghỉ ngơi tại các khu phố tại Vindobona. Hai năm sau, vào ngày 17 tháng 3 năm 180, Marcus đã từ giã cõi đời ở độ tuổi 59[9]. Cách ông đón nhận cái chết cũng vĩ đại như cách ông đã đối diện với các khó khăn trong đời, ông đón nhận tất cả với một thái độ bình thản và vững vàng. Như ông đã viết: “Vậy hãy ra đi với sự phong nhã, với chính cái vẻ phong nhã mà đời diễn cho anh xem”[10].

Thân xác ông có thể nằm xuống, cuộc đời ông có thể chấm dứt, nhưng tên tuổi của ông thì vẫn mãi được lưu truyền cho đến tận ngày hôm nay.

  1. Tác phẩm

Suy Tưởng là tác phẩm duy nhất được biết đến của Marcus Aurelius. Tựa đề tiếng Anh của tác phẩm là Meditations, được dịch từ chữ “Ta eis heauton” (cho chính mình)[11]. Với tựa đề này, Marcus cho thấy ông viết cuốn sách này cho chính mình, nhằm nhắc nhở bản thân. Điều này sẽ được xác nhận bởi bất kỳ ai đã đọc qua tác phẩm này, bởi lẽ nó thật sự giống như một quyển hồi ký.

Tác phẩm gồm có 12 quyển, Marcus Aurelius đã viết tác phẩm này vào những năm 170[12], thập niên cuối đời của ông. Trong số 12 quyển, quyển đầu tiên có cấu trúc và nội dung khác hẳn. Marcus Aurelius đã ghi nhận và hệ thống hóa lại những điều ông đã học được từ những người quan trọng trong cuộc đời ông[13]. Ông nhìn thấy sự nhã nhặn và điềm đạm nơi người ông của mình, nhìn thấy sự nam tính và khiêm nhường nơi người cha, sự tận tụy và độ lượng từ người mẹ, tinh thần làm việc nơi những người gia sư, và sự biết ơn đối với những vị thần đã cho ông được sống giữa những người tốt. Trong các quyển còn lại, ông cứ lặp đi lặp lại các chủ đề mà ông luôn tâm niệm. Đó là những điều mà tác giả cố gắng nhắc nhở bản thân chuẩn bị sẵn tinh thần để đối diện với mọi thứ mà cuộc đời mang đến cho ông.

Suy tưởng là một tác phẩm được nhiều người ưa thích đọc và suy gẫm. Đặc biệt đối với những ai đang ở trong tình trạng “quá tải”, những người sống dưới áp lực nặng nề của cuộc sống. Những người đó sẽ cảm nghiệm được nhiều điều hơn khi đọc tác phẩm. Khi ấy, họ cũng phần nào hiểu được những áp lực nặng nề mà chính Marcus Aurelius đã phải chịu đựng trong suốt cuộc đời, cách ông đối diện và vượt qua những khó khăn để hướng tới một cuộc sống ý nghĩa.

  1. KHÁI QUÁT NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG
  2. Chủ nghĩa Khắc kỷ

Ta thật khó để hiểu tư tưởng của Marcus Aurelius nếu như không biết về chủ nghĩa Khắc kỷ. Ngay chính trong quyển 1, tác giả đã ghi nhận học được nhiều điều từ chính những người thầy đầu tiên của ông. Marcus mô tả: “Kiên nhẫn chịu đựng những bất tiện, không đòi hỏi. Làm những việc của tôi, nhắc tôi chú ý đến công việc của mình, không có thời gian ngồi nói xấu ai”[14]. Hay những điều ông học được từ Diognetus, Rusticus, Sextus, Maximus, họ là những người thấm nhuần tư tưởng trường phái Khắc kỷ.

Nhìn lại lịch sử triết học Tây phương kể từ sau cái chết của Socrates, các trường phái triết học phát triển một cách rầm rộ. Các triết gia bắt đầu chuyển mối quan tâm của họ từ những lí thuyết xa vời về vũ trụ đến những suy tư về thân phận con người. Họ bắt đầu hình thành các nhóm nhỏ để truyền bá tư tưởng của mình cho người khác. Trong đó, chúng ta phải kể đến trường phái Khuyển nho, trường phái Khắc kỷ, trường phái Khoái lạc, và các học viện chính thức như Academy và Lyceum được thành lập bởi Plato và Aristotle.[15]

Về trường phái Khắc kỷ, Zeno thành Citium là người đã thành lập trường phái này vào khoảng năm 300 TCN. Các thành viên của trường phái này thường gặp gỡ trao đổi với nhau tại một cái sảnh có cổng vòm (Stoa) được sơn vẽ đầy màu sắc ở phía bắc Agora thuộc Athens. Vì lí do này, họ được gọi là những người Stoics[16]. Zeno và các nhà Khắc kỷ đầu tiên đã đi theo câu hỏi của triết gia Socrates: làm thế nào để sống một cuộc sống tốt đẹp?[17] Họ tập trung giải quyết vấn đề này với mục đích cải thiện phẩm chất và trở thành những con người tốt hơn. Sau khi Zeno qua đời, trường phái Khắc kỷ trở thành một trong những trường phái triết học nổi tiếng của Athens.

Năm 155 TCN, Diogenes thành Babylon, vị thủ lĩnh thứ năm của trường phái Khắc kỷ, và những người lãnh đạo các trường phái triết học nổi tiếng ở Athens đã được chọn làm đại diện trong một nỗ lực ngoại giao chính trị với Rôma[18]. Nhân chuyến đi này, họ đã phổ biến những triết lý của Hy Lạp cho người dân Rôma. Kể từ đây, trường phái Khắc kỷ trở nên thịnh hành và phát triển mạnh mẽ ở Rôma với các nhà Khắc kỷ nổi tiếng như: Seneca, Musonius Rufus, Epictetus và Marcus Aurelius.

Thuyết Khắc kỷ chứng minh rằng triết học không đơn thuần chỉ là những tuyên bố thuần lý về bản tính của thế giới hay các học thuyết cao xa viển vông; nhưng trên hết nó là một thái độ hay lối sống[19]. Các nhà Khắc kỷ tuyên bố rằng chỉ cần đức hạnh là đủ để mưu cầu hạnh phúc còn những cái khác bên ngoài thì không liên quan. Đây cũng chính là những điều mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp được trong các tư tưởng của Marcus Aurelius. Trong tác phẩm Suy Tưởng, Marcus nhấn mạnh đến việc kỷ luật ở ba khía cạnh: kỷ luật nhận thức, kỷ luật hành động và kỷ luật ý chí[20]. Cả ba khía cạnh kỷ luật này giúp cho những người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ sống một cuộc đời viên mãn hơn như là điều họ vẫn hằng khao khát vươn tới.

  1. Marcus Aurelius, con người và thời đại

Cuộc sống con người là một tiến trình khởi đi từ sinh ra cho đến chết. Tất cả những gì tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống chúng ta đều là cơ sở để hình thành và phát triển nhận thức. Vì thế, qua việc tìm hiểu càng nhiều, càng chi tiết về điều kiện sống của một ai đó, chúng ta có cơ hội hiểu họ được nhiều hơn.

Vì lí do này, người viết đã cố gắng tìm hiểu về cuộc đời và những điều kiện sống của Marcus Aurelius để có thể hiểu rõ hơn những tư tưởng của ông. Vì giới hạn của bài nghiên cứu cũng như điều kiện tài liệu hạn hẹp, người viết chỉ có thể trình bày một cách sơ lược bối cảnh lịch sử cũng như những yếu tố chính trị, luật pháp và đời sống văn hóa trong xã hội thời kì đầu của đế quốc Rôma.

  • Chính trị

Đế quốc Rôma, là giai đoạn tiếp nối của nền Cộng hòa Rôma. Đế quốc Rôma có phạm vi rộng lớn bao gồm vùng đất ở Địa Trung Hải, Tây Ban Nha, Gaul (nước Pháp ngày nay), Panonia, Dalmatia (thuộc Hungary và Croatia ngày này), Ai Cập và hầu hết các quốc gia ở Tây Nam châu Âu cho đến tận sông Danube[21].

Caesar Augustus được xem là hoàng đế đầu tiên của đế quốc Rôma. Ông trị vì Rôma trong vòng 44 năm. Ông đã đưa đế quốc bước vào một trang sử mới, vẻ vang và phồn thịnh chưa từng có trước đó. Ông thành lập hệ thống thuế khóa mới, hệ thống tòa án tập trung quyền hành do ông giám sát. Ông cũng cho các địa phương quyền tự trị, và thiết lập hệ thống bưu chính phức tạp trên toàn đế quốc. Ông còn bổ nhiệm các quan chức hành chính theo tiêu chuẩn kinh nghiệm và tài trí. Trong tư cách là Tổng đốc, ông điều khiển trực tiếp các thủ hiến ở các tỉnh và trừng trị nghiêm khắc tội hối lộ và bòn rút. Ngoài ra, ông còn ban hành những đạo luật để chấn chỉnh các tệ nạn xã hội và sự sa đọa đạo đức như ly dị, diệt chủng và ngoại tình[22].

Đây được xem là thời gian thái bình của đế quốc Rôma, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trong lãnh vực chính trị. Mặc dù nền cộng hòa Rôma đã sụp đổ nhưng chưa hoàn toàn chấm dứt. Để xoa dịu lòng dân, hoàng đế Augustus đã cho khôi phục nền cộng hòa trên danh nghĩa, bằng cách khôi phục viện nguyên lão nhưng thực quyền vẫn thuộc về hoàng đế. Viện nguyên lão chỉ có một số quyền hạn nhất định. Đây cũng là lí do chính dẫn đến những cuộc đảo chính và bất ổn chính trị thời bấy giờ[23].

  • Luật pháp

Luật pháp của đế quốc Rôma kế thừa những di sản của các thể chế trước đó và được mở rộng thêm. Luật Rôma phát triển thành ba bộ phận: Dân luật, luật Quốc tế, và luật Tự nhiên[24]. Trong đó, luật Tự nhiên đáng quan tâm và có tầm quan trọng nhất về nhiều mặt. Nó là kết quả của quá trình suy tư triết học chịu ảnh hưởng của trường phái Khắc kỷ. Trường phái Khắc kỷ cho rằng thiên nhiên có một trật tự rõ ràng mà lí trí dễ dàng nắm bắt được, thể hiện sự công bằng và quyền lợi. Như Cicero (106 – 43 TCN), một diễn giả và là nhà chính trị nổi tiếng của Rôma đã viết:

Luật pháp chân chính là cái lẽ đúng đắn hòa hợp với tự nhiên, san sẻ giữa mọi người, bất biến và trưởng cửu. Ban hành những quy định vi phạm luật này, hay dùng tôn giáo để cấm đoán, chúng ta cũng chẳng có quyền thông qua viện Nguyên lão hay toàn dân để tha thứ cho chúng ta được[25].

Với những lời kể trên, Cicero khẳng định luật Tự nhiên có trước cả nhà nước, vậy nên, mọi chính quyền phải tôn trọng luật này và phải xây dựng luật pháp dựa trên luật Tự nhiên[26].

  • Văn hóa và đời sống

Giai đoạn khoảng từ năm 27 TCN – 200 là giai đoạn rực rỡ nhất của đế quốc trong lịch sử Rôma[27]. Chính trong khoảng thời gian này, triết học của người Rôma đạt được hình thức tiêu biểu của nó, khoa học kỹ thuật cũng có sự chuyển mình, nghệ thuật cho ra đời những tác phẩm hay công trình tồn tại mãi với thời gian.

  • Triết học

Chủ nghĩa Khoái lạc và Khắc kỷ là hai luồng tư tưởng phổ biến nhất trong xã hội thời bấy giờ. Trong đó, chủ nghĩa Khắc kỷ được người Rôma đón nhận và yêu mến hơn cả. Lý do chính là vì trường phái triết học này đề cao bổn phận, sự tự kiềm chế, tuân theo trật tự tự nhiên của vạn vật. Bên cạnh đó, chủ nghĩa Khắc kỷ còn nhấn mạnh tới bổn phận công dân đối với thế giới, phù hợp với lòng kiêu hãnh và tham vọng của người Rôma[28]. Chính nhờ vậy mà phái Khắc kỷ phát triển mạnh mẽ và sản sinh những nhân vật nổi tiếng như Seneca, Epictetus và hoàng đế Marcus Aurelius.

  • Kiến trúc và điêu khắc

Kiến trúc và điêu khắc là loại hình nghệ thuật biểu hiện tính đặc trưng của Rôma. Cả hai loại hình này có tính chất đồ sộ để thể hiện quyền lực và sự vĩ đại của đế quốc hơn là thể hiện sự tự do tư tưởng[29]. Một trong số chúng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay là nhà tắm Caracalla, đấu trường Colosseum, đền thờ Pantheo, và một số công trình khác.

  • Phân cấp xã hội

Nhờ ảnh hưởng của thuyết Khắc kỷ, số nô lệ ở Rôma đã giảm dần so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn đó sự căng thẳng giữa giai cấp chủ – nô. Tình trạng nô lệ ám sát chủ và bỏ trốn, hay tình trạng nổi dậy của các nô lệ vẫn còn tràn lan trong đế quốc[30].

  • Đời sống đạo đức

Có thể nói đời sống đạo đức thời kì này suy đồi một cách rõ rệt. Đây là những dấu hiệu tồn tại từ thể chế chính trị trước đó mà đến thời đế quốc vẫn chưa chấm dứt được. Tình trạng ly dị và ngoại tình trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Vào thời hoàng đế Trajan, người ta ước tính có khoảng 32.000 gái mãi dâm và tình trạng đồng tính luyến ái cực kì phổ biến[31]. Thời bấy giờ, người ta xem các trận đấu sinh tử là những trò vui tiêu khiển với những trận giác đấu đẫm máu tại các đấu trường. Khi một đấu sĩ bị thương và bại trận, mạng sống của họ sẽ được định đoạt bởi khán giả ở trên khán đài. Phần lớn các đấu sĩ là các tên tội phạm hoặc các nô lệ.

  • Tôn giáo

Mặc dù đạo đức suy đồi nhưng tôn giáo vẫn được nhiều người quan tâm. Người dân Rôma thời bấy giờ thờ thần Mithra, thần Isis, thần Sarapis và nhiều vị thần khác. Trong đó, đạo thờ thần Mithra được hàng ngàn người tin theo. Kitô giáo tuy là tôn giáo mới nổi và mới được truyền bá tới Rôma thời kì này nhưng đã phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ đến nỗi lấn át tất cả các tôn giáo khác[32].

  • Kinh tế

Kinh tế thời kì này khá phát triển. Thương mại phát triển khắp mọi miền của đế quốc, sang tận Ả Rập, Ấn Độ và Trung Hoa. Công nghiệp chế tạo tiến bộ, nổi trội là các mặt hàng gốm sứ, vải, kim loại và thủy tinh. Người dân ở Rôma lúc bấy giờ đã biết luân canh, có kỹ thuật bón phân nên nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, của cải không được phân bố đồng đều mà chỉ tập trung phần lớn vào giai cấp thượng lưu. Nô lệ và những người nông dân nghèo khổ phải vất vả hơn bao giờ hết[33].

Tóm lại, đế quốc Rôma thời kì này được nhìn nhận là khá phát triển, tuy vẫn còn những bất ổn về chính trị và văn hóa. Những điều này tác động mạnh mẽ và định hình nên nhận thức của Marcus Aurelius như được thấy trong tác phẩm của ông.

  • ĐỊNH NGHĨA CÁC HẠN TỪ
  1. Bình tâm

Bình tâm có thể được hiểu là một từ ghép được nối bởi hai từ ‘bình’ và ‘tâm’. Trong đó, ‘bình’ đến từ bình thản, bình an; còn ‘tâm’ đến từ tâm hồn. Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, bình tâm là “giữ được sự bình tĩnh trong lòng”[34]. Trong tác phẩm Suy tưởng, dịch giả Tiết Thái Hùng đã sử dụng các hạn từ như ‘thanh bình’ (Q. 4.3), ‘bình an’ (Q. 4.18), ‘thanh thản’ (Q. 6.9), ‘bình thản’ (Q. 11.18) để diễn tả điều này. Như vậy, bình tâm được hiểu là một trạng thái của tâm hồn khi chúng ta cảm thấy lòng mình được bình thản hay bình an.

Dù được dịch trong nhiều nghĩa khác nhau, ‘bình tâm’ mà Marcus muốn nói trong trong tác phẩm Suy tưởng có nét chung là việc giữ cho tâm hồn luôn được bình tĩnh, không để bị hỗn loạn, sợ hãi, hay bị lệ thuộc bất cứ điều gì nhưng được hoàn toàn tự do chọn lựa những điều giúp chúng ta đạt tới đức hạnh.

  1. Hạnh phúc

Hạnh phúc là chủ đề được bàn đến khá nhiều bởi các triết gia cổ đại. Họ cho rằng hạnh phúc là điều mà ai cũng mong muốn đạt được. Chữ hạnh phúc trong tiếng Hy lạp được các triết gia cổ đại sử dụng là ευδαιμονία (eudaimonia). Các học giả đã nhấn mạnh rằng ý nghĩa của hạn từ eudaimonia rộng hơn nhiều so với từ “happiness” (hạnh phúc) trong tiếng Anh, “Nó dùng để chỉ cuộc sống an lạc (well-being) thực sự, chứ không đơn thuần là cảm giác hài lòng đậm tính chủ quan”[35].

Bên cạnh đó, các triết gia Khắc kỷ còn đồng nghĩa khái niệm hạnh phúc với đức hạnh, “Nếu sống đức hạnh thì ta sẽ hạnh phúc. Nếu muốn hạnh phúc thì ta phải có đức hạnh”[36]. Chính Diogenes, người viết cuốn Tiểu sử của các triết gia, đã viết: “Hạnh phúc cốt ở trong đức hạnh”[37]. Mà đức hạnh là những phẩm chất tốt đẹp của con người. Như thế, con người chỉ hạnh phúc khi họ sống đúng với những phẩm chất tốt đẹp của mình. Và khi họ sống với những phẩm chất tốt đẹp bên trong mình, thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy hạnh phúc. Các triết gia Khắc kỷ còn cho rằng, con người có bốn đức tính cơ bản: khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ[38].

  1. Logos

Logos ( λόγος) là “một từ của tiếng Hy Lạp có nhiều nghĩa, trong lãnh vực thảo luận triết học, nó chủ yếu được hiểu là một nguyên tắc lý trí và trí hiểu, hay trật tự thâm nhập vào một điều gì đó, hay nguồn gốc cho trật tự đó, hoặc trả lý cho trật tự đó”[39]. Theo nghĩa này, Logos được hiểu như là “Tự nhiên”, “Thượng đế”, hay “Chúa” trong các tôn giáo.

Các nhà Khắc kỷ tin rằng mọi vật đều được sinh ra từ Logos, quyết định bởi Logos và quy hướng về Logos. Khởi đi từ một quan điểm như thế, một cách nào đó họ cho rằng không có chỗ cho ý chí tự do của con người, và vì thế không có trách nhiệm về mặt đạo đức. Họ cho rằng con người là một sinh vật trong vũ trụ nên phải chấp nhận sự “sắp đặt” của Logos. Vì thế, họ cố gắng giải thích cho tự do ý chí bằng cách tự nguyện chấp nhận những gì không nằm trong tầm kiểm soát của mình[40].

Tiểu kết chương I

Cuộc đời Marcus Aurelius trải qua khá nhiều biến cố quan trọng. Nhìn chung, ông may mắn hơn biết bao người: được sinh ra trong gia đình quyền quý, được nhiều người yêu thương che chở, được nhận một nền giáo dục tốt. Tuy nhiên, ông cũng đã nếm trải nhiều sự mất mát lớn trong cuộc đời. Và nhờ đó, ông đã cảm nghiệm rõ giới hạn của thân phận con người. Dù là một hoàng đế của một đế quốc hùng mạnh, ông cũng phải chấp nhận những điều bất ưng xảy đến và những điều không thể thay đổi trong cuộc sống.

Chính qua những kinh nghiệm cụ thể đó, Marcus đã học để chấp nhận quy phục Logos, vui vẻ chấp nhận sự sắp đặt của Logos, và luôn sẵn sàng thuận theo lẽ tự nhiên. Ông đã xác định điều đó qua tác phẩm Suy Tưởng của mình và mời gọi chúng ta chia sẻ với ông kinh nghiệm mà ông đã trải qua.

CHƯƠNG II

BÌNH TÂM THEO MARCUS AURELIUS

Sống giữa một thế giới vội vã, tranh chấp, nhiều lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi, áp lực và chán nản. Vì thế, chúng ta cố gắng tìm kiếm cho mình một điểm tựa với mong muốn tâm hồn luôn được bình an, thanh thản. Phần lớn, con người tìm kiếm điểm tựa ấy thông qua các tôn giáo như Phật giáo, Lão giáo, Kitô giáo, và nhiều tôn giáo khác. Một số khác đi tìm lối đi khác của triết lý như các triết gia Khắc kỷ, và một trong số đó chính là Marcus Aurelius. Sau đây, người viết sẽ trình bày tư tưởng của Marcus Aurelius về chủ đề bình tâm.

  1. BÌNH TÂM LÀ GÌ?
  2. Bình tâm trong tương quan với hạnh phúc

Hạnh phúc là điều mà ai cũng mong muốn có được trong cuộc sống. Chẳng ai lại mong muốn sống một cuộc đời bất hạnh. Chúng ta nỗ lực, chúng ta ra sức cố gắng, chúng ta chấp nhận hy sinh vì tin rằng những hành động đang làm sẽ mang đến cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc. Ngay cả những người làm điều xấu cũng vậy, họ cũng tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc đời. Họ làm những điều mà mọi người cho là xấu vì họ tin rằng chính điều đó sẽ đem đến cho họ hạnh phúc. Nhìn chung, con người nhân danh một lý tưởng nào đó để tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình và họ sống lý tưởng đó thông qua hành động của mình.

Các triết gia Cổ đại, nhất là các triết gia Khắc kỷ, cũng là những người tìm kiếm hạnh phúc. Họ tin rằng: “Muốn tìm hạnh phúc chúng ta cần kiểm soát những yếu tố nằm trong khả năng của mình (thái độ, phán đoán, niềm tin); và tránh tìm cách thay đổi những điều ngoài tầm tay của chúng ta (đau khổ, cái chết)”[41]. Ở đây, các nhà Khắc kỷ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lý trí trong việc kiểm soát bản thân, kiểm soát các cảm xúc của con người. Nghĩa là lí trí phải hoàn toàn được tự do và không bị lệ thuộc bởi các cảm xúc như nóng giận, lo lắng, sợ hãi, ham muốn, đau khổ và các sắc thái cảm xúc khác. Đây chính là trạng thái bình tâm mà các nhà Khắc kỷ muốn nói tới. Hay nói khác đi, theo các nhà Khắc kỷ, con người có thể đạt được cuộc sống hạnh phúc nếu như họ có thể bình tâm trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Điều này được Marcus Aurelius diễn giải như sau:

Nếu anh giữ cho mình khỏi bị sao nhãng, phân tâm, và giữ cho linh hồn trong anh không bị thương tổn, như thể anh phải trả nó về bất cứ lúc nào. Nếu anh có thể tha thiết với điều ấy mà không sợ hãi không mong đợi, có thể thấy đủ trong những gì anh hiện đang làm, như Tự nhiên đã định, và trong tính chân thực siêu nhân (từng chữ từng lời nói ra) – thì cuộc sống của anh sẽ hạnh phúc. Không ai cản được[42].

Như vậy, theo Marcus Aurelius, bình tâm được xem như là tiền đề dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc.

Không những thế, bình tâm còn là dấu chỉ chứng tỏ một cuộc sống hạnh phúc. Thử hỏi một người luôn để cho những nỗi sợ hãi, lo lắng choáng ngợp cuộc sống mình, thì cuộc sống của người đó có hạnh phúc được chăng? Hay một người luôn bị lôi kéo bởi những khao khát, ước mơ cái này cái kia trong cuộc sống thì cuộc sống của người ấy làm sao hạnh phúc được? Ngược lại, nếu người đó luôn tự do làm theo lý trí của mình, không để bị gánh nặng của cuộc sống đè bẹp, không để nỗi sợ hãi bào mòn thân xác, không bị cuốn vào những khao khát đến mất ăn mất ngủ những thứ họ không có, một người như thế chẳng phải đang hạnh phúc lắm sao? Đành rằng trong cuộc sống, con người sẽ luôn phải gặp những thử thách, phải đối diện với những khó khăn. Nhưng họ cần phải biết rằng cuộc sống là như thế, và khó khăn, thử thách chính là hương vị của cuộc sống. Marcus Aurelius cũng nói: “Cảm thấy đau ở tay hay chân là chuyện bình thường, nếu anh dùng tay làm tay và dùng chân làm chân. Và đối với một con người, cảm thấy căng thẳng là chuyện bình thường, nếu anh ta sống cuộc sống bình thường của con người”[43].

Đúng vậy, căng thẳng, lo âu, sợ hãi là chuyện bình thường của cuộc sống. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa người hạnh phúc và người đau khổ là biết làm sao để những cảm xúc và những áp lực đó của cuộc sống không tác động tiêu cực đến cuộc sống của mình. Người hạnh phúc là người luôn duy trì được trạng thái bình tâm khi đối diện với những thử thách trong cuộc sống. Và khi họ luôn duy trì được trạng thái bình tâm, chúng ta có thể nhận ra rằng họ đang có cuộc sống hạnh phúc.

  1. Bình tâm trong khía cạnh nội tại

Cuộc sống xung quanh chúng ta luôn biến chuyển, luôn vận động. Trong sự vận động của cuộc sống, chúng ta có thể gặp biết bao cơ hội tốt đẹp, tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ có thể gặp những điều bất trắc. Ta không thể biết trước điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Vì thế, cách khôn ngoan để có thể sẵn sàng đối diện với mọi tình huống của cuộc sống là luôn chuẩn bị ngay trong giây phút hiện tại.

Nhiều người cho rằng sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống là lo tích trữ của cải vật chất. Họ tin rằng “có tiền mua tiên cũng được”. Nghĩa là khi có đủ tiền, người ta có thể làm được mọi thứ trong cuộc sống. Vậy nên, muốn có được cuộc sống bình an và thanh thản, trước hết, con người cần phải có đủ của cải vật chất để đáp ứng được nhu cầu cho cuộc sống. Về khía cạnh này, lí luận của họ xem ra thật hợp lý. Thế nhưng liệu bao nhiêu mới đủ? Cuộc sống luôn biến chuyển, xã hội ngày càng phát triển, thì nhu cầu của con người cũng ngày càng nhiều hơn. Thật thế, khi còn túng thiếu thì người ta chỉ nghĩ đến “cơm no, áo ấm”; nhưng khi đã được đầy đủ, thì vấn đề trở thành “ăn ngon, mặc đẹp”. No và ấm có thể đo lường được, nhưng ngon và đẹp thì không. Sự thật là dục vọng sẽ chẳng bao giờ dừng lại. Con người sẽ chẳng bao giờ cảm thấy đủ nếu cứ bận tâm đến những nhu cầu riêng của mình. Cách duy nhất để giải quyết được vấn đề là trở về với chính tâm hồn mình, cội nguồn của mọi vấn đề. Như Marcus Aurelius nói: “Bằng cách hướng vào bên trong anh. Anh không thể tìm đến nơi nào thanh bình – không bị quấy rầy – hơn linh hồn anh”[44]. Hay nơi một chỗ khác: “Tâm hồn không có dục vọng là một pháo đài. Không có nơi nào an toàn hơn. Một khi ẩn nấp ở đấy chúng ta sẽ được an toàn mãi mãi”[45].

Cũng vậy, không phải những thứ bên ngoài cuộc sống làm cho chúng ta trở nên rối loạn nhưng là chính ở trong tâm hồn chúng ta, cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Đại đức Hae Min, một sư thầy Phật giáo ở Hàn Quốc, có diễn tả:

Lý do sóng thần đáng sợ không phải do nước biển mà là do những thứ nước biển cuốn theo. Chúng ta không chết vì những cơn gió lốc trong bão mà chết vì va phải những thứ cơn gió cuốn theo. Thứ làm chúng ta khổ không phải những sự việc xảy ra với chúng ta, mà là những suy nghĩ phức tạp của chúng ta về những sự việc ấy[46].

Đây là điều được các triết gia Khắc kỷ bàn tới thường xuyên. Họ cho rằng con người không thể lựa chọn được hoàn cảnh, nhưng có thể lựa chọn cách nghĩ về những hoàn cảnh ấy. Con người không thể lựa chọn cách mình sinh ra, lựa chọn nơi mình sống và lựa chọn những thứ thuộc về mình hay những thứ khác, nhưng người ấy có thể lựa chọn cách suy nghĩ của mình. Nhà Khắc kỷ Epictetus nói về điều này:

Hạnh phúc và tự do bắt đầu với sự hiểu biết về một nguyên tắc: một số nằm trong tầm kiểm soát của ta, và một số khác thì không. Chỉ sau khi bạn đã đối mặt và chấp nhận cái nguyên tắc nền tảng này, và học cách phân biệt giữa những gì bạn có thể và không thể kiểm soát, thì bạn mới có thể đạt tới bình an nội tâm và cách hành xử hữu hiệu[47].

Ông cho rằng quan niệm, khát vọng, những tình cảm yêu ghét là những thứ thuộc về mình, còn mọi thứ khác thì không thuộc về mình[48]. Như vậy, khi đối diện với bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống, dù khó khăn hay cơ hội, con người vẫn có thể quay trở về với tâm hồn mình để cảm nhận sự bình an và thanh thản ở trong đó. Marcus Aurelius đã viết: “Khi không tránh khỏi bị chấn động bởi các hoàn cảnh, hãy lập tức quay về với bản thân mình, và đừng để mất nhịp điệu chừng nào anh còn giữ đuợc. Anh sẽ nắm bắt tốt hơn sự hài hòa nếu anh luôn trở về với nó”[49].

Như thế, bình tâm không phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài như mọi người vẫn lầm tưởng mà phụ thuộc vào chính tâm hồn bên trong. Bởi vì bình tâm thuộc về nội tại, bình tâm là một trạng thái của tâm hồn.

  1. Bình tâm như là một phần thưởng

Khi đã nhận ra vấn đề nằm ngay trong tâm hồn mình, bước tiếp theo để đạt được trạng thái bình tâm là thực hành các phương pháp mà chủ nghĩa Khắc kỷ đề ra. Như đã nói, mục đích của các nhà Khắc kỷ là đi tìm hạnh phúc cho cuộc đời. Nhưng điều ngạc nhiên là trong tác phẩm suy tưởng, Marcus lại nhắc đi nhắc lại trạng thái bình tâm. Tại sao vậy? Phải chăng, vị vua triết gia muốn nói rằng bình tâm được xem như là phần thưởng dành cho những ai kiên trì đi tìm hạnh phúc của cuộc đời? Thật vậy, Marcus Aurelius đảm bảo rằng nếu như chúng ta kiên trì một mực trước sau để đi tìm hạnh phúc, bình an và sự thanh thản sẽ đến.

Các triết gia Khắc kỷ đã cố gắng tìm kiếm con đường dẫn tới hạnh phúc thông qua lí trí, “tức là sự khôn ngoan để kiểm soát những gì nằm trong khả năng của con người và để chấp nhận những gì tất yếu xảy đến cho con người với một sự chịu đựng xứng với phẩm giá con người”[50]. Họ vận dụng lý trí để điều khiển các năng hướng trong linh hồn. Theo Plato, linh hồn con người gồm có ba thành tố: tinh thần, dục vọng và lý trí[51]. Theo đó, tinh thần luôn thúc dục chúng ta vươn tới những thứ cao đẹp, vươn tới sự thiện tuyệt đối. Ngược lại, dục vọng lại chính là những ước muốn của thân xác chúng ta. Nó kéo con người ta đi xuống, làm trì trệ và làm biến chất linh hồn. Nhiệm vụ của lý trí được ví như người cầm cương điều khiển hai con ngựa là tinh thần và dục vọng. Khi lý trí làm tốt nhiệm vụ của mình, linh hồn con người sẽ sung mãn và cuộc sống trở nên tròn đầy.

Theo quan niệm trên, lý trí có nhiệm vụ điều khiển tinh thần và dục vọng sao cho đúng. Tuy nhiên, thực tế thì việc lý trí điều khiển thế nào là một điều rất khó khăn. Bởi đôi lúc trong cuộc sống, người ta không biết phải lựa chọn bên nào cho tốt. Việc lựa chọn theo tinh thần có thể đem lại cảm giác an bình, nhưng dục vọng cũng hứa hẹn đem lại cho thân xác chúng ta những niềm vui ngay ở giây phút hiện tại. Việc lựa chọn như thế xem ra là một sự bối rối của lý trí và đưa đến việc mất cảm giác bình an, giống như việc “đứng núi này trông núi nọ”.

Các nhà Khắc kỷ đã đưa ra giải pháp khi chúng ta gặp những tình huống này. Theo đó, họ đề ra những phương pháp và những mục tiêu của cuộc đời. Việc kiên trì tuân thủ những phương pháp này sẽ giúp con người không phải băn khoăn khi đưa ra quyết định. Khi một người có cho mình những chỉ dẫn rõ ràng, người đó hẳn sẽ luôn cảm thấy bình an và không bối rối trước những kết quả do sự lựa chọn. Đây chính là phần thưởng của những người tìm kiếm hạnh phúc theo con đường của các nhà Khắc kỷ. Họ sẽ luôn cảm thấy bình an và thanh thản trong cuộc sống.

  1. PHƯƠNG PHÁP ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC BÌNH TÂM
  2. Nguyên tắc nền tảng

Con người sẽ không thể làm được việc gì lớn lao nếu như không có cho mình một phương pháp, nguyên tắc rõ ràng và rành mạch. Muốn đạt được thành công trong mọi việc thì trước khi làm bất cứ việc gì, người đó cần phải lên kế hoạch cho mình, dự trù những phương án có thể xảy ra và cách giải quyết các vấn đề phát sinh ấy. Đó là cách thức làm việc của người khôn ngoan. Qua đó, có thể thấy tầm quan trọng của phương pháp và nguyên tắc làm việc. Marcus Aurelius cũng nói: “Không hành động bữa bãi, hành động không dựa trên một nguyên tắc nào cả”[52]. Ông còn nhấn mạnh đến việc thực hiện nguyên tắc và theo đuổi một mục đích nhất quán, “Nếu anh không có một mục đích kiên trì trước sau như một trong đời, anh không thể sống nhất quán trước sau như một”[53]. Thật thế, chúng ta cần phải có một cách thức thống nhất, cần có cho mình một phương pháp để đạt được mục tiêu nào đó, nhất là với mục tiêu lớn nhất của cuộc đời là cuộc sống hạnh phúc. Ở đây, những nhà Khắc kỷ, trong đó có Marcus Aurelius, đã đề ra nguyên tắc để theo đuổi hạnh phúc.

  • Sống với niềm tin

Trong toàn bộ học thuyết Khắc kỷ, điều quan trọng nhất của họ là niềm tin vào một nguyên lý bao trùm vũ trụ, nguyên lý ấy chính là Logos. Theo họ, vũ trụ này được tổ chức một cách vô cùng hợp lý, chặt chẽ và mạch lạc. Mọi sự được sinh ra từ Logos, tồn tại trong Logos và quy hướng về Logos. Marcus Aurelius viết: “Muôn sự từ đó [Logos] mà ra. Bởi vậy có nhu cầu cần thiết của thế giới, cái thế giới mà bạn là bộ phận”[54]. Logos hoạt động cả trong cá nhân lẫn trên bình diện vũ trụ. Trong mỗi cá nhân, Logos chính là khả năng suy lý. Trong bình diện vũ trụ, Logos là nguyên lý hợp lý chi phối việc tổ chức vũ trụ[55].

Theo đó, con người xét chung cũng là một phần của thế giới tự nhiên. Mà tự nhiên theo quan niệm của các triết gia Khắc kỷ là tốt. Do đó, “mục đích sống là để hòa hợp với tự nhiên”[56]. Chỉ có sống hòa hợp với tự nhiên, sống theo nguyên lý chung của vũ trụ thì con người mới có được hạnh phúc. Họ còn giải thích rằng con người chỉ có thể sống hòa hợp với tự nhiên bằng cách sống với đức hạnh bên trong mình. Điều này được Zeno, người sáng lập chủ nghĩa Khắc kỷ, viết trong cuốn On Human Nature: [sống hòa hợp với tự nhiên] “nghĩa là sống cuộc đời đức hạnh, bởi thiên nhiên luôn dẫn chúng ta đến với đức hạnh”[57].

Bên cạnh đó, cuộc sống luôn mang đến nhiều sự chọn lựa. Như đã nói ở trên, đôi lúc, con người bị lôi cuốn chiều theo dục vọng để thỏa mãn thân xác mình. Như Marcus Aurelius ví dụ:

Sáng ra, nếu anh thấy khó ra khỏi giường, hãy tự nhủ: ta phải đi làm việc, như một con người. Có gì phải phàn nàn, khi ta phải làm cái công việc mà vì nó ta sinh ra, ta được đưa đến thế giới này để làm? Hay ta được sinh ra chỉ để nằm co mình trong chăn cho ấm?

Nhưng ở trong này khoái hơn…

Vậy anh sinh ra chỉ để cho khoái? Chứ không phải để làm việc và trải nghiệm… Anh không thấy cây cối, chim chóc, kiến, nhện, và ong đi làm nhiệm vụ của chúng để làm cho thế giới trở nên trật tự nhất có thể theo khả năng của chúng? Còn anh thì không sẵn lòng đi làm công việc của con người? Tại sao anh không sốt sắng chạy đi làm cái công việc mà bản chất của anh đòi hỏi?

– Nhưng đôi khi chúng ta cũng cần phải ngủ…

– Đồng ý. Nhưng tự nhiên đã đặt một giới hạn cho nó, cũng như với việc ăn và uống. Và anh đã vượt giới hạn. Anh đã có đủ và còn nhiều hơn thế. Và không làm việc. Anh vẫn còn làm ít hơn phần việc dành cho anh[58].

Những lúc như thế, con người cần có cho mình một động lực cao cả để có thể vượt thắng chính dục vọng bên trong mình. Ở ví dụ trên, động lực của Marcus chính là chu toàn bổn phận của một con người. Bổn phận này được tự nhiên thiết đặt trong con người và con người cần phải chu toàn trách nhiệm để có thể sống hòa hợp với tự nhiên.

Tóm lại, để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ thì điều quan trọng nhất và không thể thiếu chính là phải có một niềm tin không thể lay chuyển vào Logos. Nhờ đó, con người có một lý tưởng cao cả để tiến tới và một nguồn động lực giúp mình vượt thắng mọi lời mời gọi khác của thân xác.

  • Tập trung vào mục tiêu

Sau khi đã có cho mình một mục tiêu để vươn tới, họ cần phải tập trung vào chính mục tiêu ấy và tránh xao nhãng vào những điều xung quanh mình. Như Thánh Phaolô nói:

Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại[59].

Với một vận động viên điền kinh, nếu họ muốn chiến thắng cuộc đua thì điều quan trọng nhất họ cần làm là phải luôn nhắm đến cái đích của mình. Khi đó, họ sẽ phấn đấu hết sức để đến được đích nhanh nhất có thể. Đối với việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ cũng vậy, Marcus Aurelius nói: “không mất thì giờ cho những chuyện vớ vẩn. Không bị thu hút bởi những người làm trò ảo thuật hay những người nghệ sĩ không may, với những đũa phép, thần chú của họ và những thứ đại loại như thế”[60]. Hạnh phúc cuộc đời là một đích đến, một mục tiêu quan trọng nhất trong đời và nếu như chúng ta không tập trung vào nó thì sẽ không thể nào đạt được. Vị hoàng đế Rôma còn nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải “tập trung mọi phút như người La Mã – như một con người – và làm những việc trước mắt bạn một cách chính xác, thật sự nghiêm túc, ân cần, hồ hởi, và công bằng. Và tránh tất cả mọi thứ khác làm sao nhãng”[61].

Với các nhà Khắc kỷ, để đạt được mục tiêu cuộc đời là hạnh phúc, con người phải sống theo các giá trị của đức hạnh. Họ cho rằng đức hạnh là cái gì đó tốt và vì nó là tốt nên nó sẽ giúp con người tìm thấy hạnh phúc. Theo các nhà Khắc kỷ, có bốn đức hạnh nổi bật là khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Do đó, tất cả những gì khiến con người lạc xa các giá trị đức hạnh ấy thì chúng ta cần phải tránh và những gì giúp phát triển các giá trị ấy thì cần phải làm theo bằng bất cứ giá nào. Marcus còn nhấn mạnh rằng: “Xóa sạch trí tưởng tượng của anh đi. Biến dục vọng anh thành đá. Dập tắt mọi khao khát. Để tâm trí anh tập trung hết vào bản thân nó”[62].

  • Kỷ luật

Tác giả Wayne W. Dyer vào năm 2021 đã cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề Hạnh phúc là hành trình, không phải là đích đến. Trong đó, ông khẳng định: “Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc tự nó là con đường”[63]. Như thế, hạnh phúc cuộc đời phải chăng cũng chính là hành trình cuộc đời. Nếu mọi khoảnh khắc trong cuộc sống đều đem lại cảm nhận hạnh phúc, bình an thì phải chăng đó là một cuộc đời hạnh phúc. Nếu như thế, mục tiêu hạnh phúc cuộc đời được đặt ra phải là một quá trình xuyên suốt mọi giây phút của cuộc sống. Và như vậy, con người cũng phải luôn luôn tập trung vào cái mục tiêu ấy cả cuộc đời. Ở đây, có một sự khó khăn không thể tránh khỏi đến từ khả năng chịu đựng hay sự kiên trì theo đuổi mục tiêu. Do đó, một điều thiết yếu là phải có một kỷ luật vững vàng. Đây cũng là điều Marcus nhấn mạnh trong tác phẩm của ông. Kỷ luật được ông nhấn mạnh ở đây thể hiện cả trong nhận thức, trong hành động và trong ý chí.

Kỷ luật nhận thức đòi hỏi việc duy trì tính cách khách quan của sự vật. Nghĩa là phải nhìn thấy sự vật đúng như “nó là”. Ông viết: “Đừng bao giờ quên những điều này: Bản chất của tự nhiên, bản chất của tôi, tôi liên hệ với thế giới như thế nào, tôi đã tạo ra tương quan nào với nó”[64]. Sở dĩ ông nhấn mạnh điều này bởi con người thường nhìn sự vật dưới cái nhìn chủ quan, và vì thế, không thể nhìn thấy sự vật đúng như “nó là”. Thật thế, con người không phải tự nhiên mà có, nhưng họ phải trải qua một quá trình, được sinh ra và lớn lên. Trong quá trình đó, lí trí con người tiếp thu và trau dồi tri thức qua sự tiếp xúc với thế giới xung quanh. Cũng vì thế, lí trí họ bị ảnh hưởng, bị tác động và từ đó hình thành nên những lối mòn trong tư duy, trong nhận thức. Những lối mòn ấy đóng khung tri thức con người và được triết gia Francis Bacon gọi là các ngẫu tượng. Theo Bacon, ngẫu tượng là một hình ảnh bám rễ rất sâu, chiếm lĩnh tinh thần con người, được tôn thờ nhưng lại không có thực chất nào cả và là những rào cản cho nhận thức[65]. Tâm trí con người thường bị những ngẫu tượng này chi phối và đánh giá sự vật không đúng như bản chất của nó. Vì thế, con người thường cảm thấy bị thu hút, bị lôi cuốn với sự vật này, sự vật kia. Marcus nhắc nhở rằng:

Anh cần phải tránh một số ý nghĩ trong chuỗi suy tư của anh: mọi ý nghĩ tình cờ hú họa, mọi ý nghĩ không thích đáng. Và nhất là mọi ý nghĩ tự cho mình là quan trọng, hay độc ác. Anh phải quen với việc sàng lọc ý nghĩ của mình, (…) phải tỏ rõ rằng những ý nghĩ của anh là ngay thẳng và thận trọng, đúng mực[66].

Epictetus cũng viết: “hãy nhìn sự vật đúng như thực tướng của chúng”[67]. Khi nhìn thấy sự vật đúng như bản chất thật của nó, chúng ta sẽ có được một sự chọn lựa chính xác hơn và nhờ đó, chúng ta sẽ tránh được các lựa chọn sai lầm.

Kỷ luật hành động đòi buộc phải hành động vì lợi ích cộng đồng. Bởi vì con người là một sinh vật có đặc tính xã hội, và mỗi cá nhân là một thành phần. Để xã hội này trở nên tốt đẹp thì đòi hỏi mỗi cá nhân phải hành động vì lợi ích chung của cộng đồng. Mỗi người cần làm những điều tốt cho người khác với một sự tự do, “không hành động dưới sự cưỡng bức, vì lòng ích kỷ, không cân nhắc, còn nghi ngại (…) không làm những hành động không cần thiết”[68]. Marcus còn khẳng định:

Nếu anh làm công việc ấy [Công việc theo quy luật tự nhiên đòi hỏi là lòng tốt và sự công bằng] một cách có nguyên tắc, chuyên cần, đầy nghị lực và kiên nhẫn, nếu anh giữ cho mình khỏi bị sao nhãng, phân tâm, và giữ cho linh hồn trong anh không bị thương tổn, như thể anh phải trả nó về bất cứ lúc nào. Nếu anh có thể tha thiết với điều ấy mà không sợ hãi không mong đợi, có thể thấy đủ trong những gì anh hiện đang làm, như Tự nhiên đã định, và trong tính chân thực siêu nhân (từng chữ từng lời nói ra) – thì cuộc sống của anh sẽ hạnh phúc[69].

Kỷ luật ý chí đòi hỏi phải có một lập trường vững vàng. Khi đã nhìn thấy sự vật đúng như bản chất của nó, và đã chọn lựa những hành động đem lại lợi ích cho mình và cho tha nhân, khi ấy, dù ai có nói gì, có chỉ trích ra sao hay bàn luận thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải kiên vững với chọn lựa của mình. Marcus khẳng định: “bình an sẽ đến khi anh thôi quan tâm người khác nói (hay nghĩ, hay làm) gì. Chỉ nghĩ đến việc anh làm (có làm đúng không? Có phải việc nên làm không?). <…> đừng để bị phân tâm bởi bóng tối của chúng”[70].

Cả ba kỷ luật trên tập hợp lại thành một trong những nguyên tắc không thể thiếu trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Chúng giúp con người có thêm sức mạnh vượt thắng được những cám dỗ về việc chọn lựa dễ dãi với bản thân và nhờ đó có thể đạt được trạng thái bình tâm.

  1. Một đòi hỏi nơi bản thân

Như đã nói, bình tâm là một trạng thái của tâm hồn khi con người cảm thấy bình an, thanh thản. Như vậy, bình tâm mang khía cạnh nội tại. Nghĩa là nó nằm ngay chính trong tâm hồn. Và do đó, có thể đạt được trạng thái bình tâm hay không đều do chính bản thân người đó.

Tất nhiên, để đạt được bình tâm, chúng ta cần phải chấp nhận từ bỏ những thứ khác thuộc về dục vọng trong mình. Chúng ta không thể cứ khư khư ôm lấy những thứ đó mà lại muốn tâm hồn được bình an, cũng như không thể bình tâm khi cứ tùy tiện sống theo cảm xúc và muốn làm gì thì làm. Quả thế, muốn đạt được trạng thái bình tâm thì chúng ta cần phải chấp nhận đánh đổi. Marcus chế nhạo những người nghĩ rằng việc đạt được bình tâm là điều dễ dàng là những người trẻ con, “Nhún vai coi khinh và lau sạch – mọi chuyện phiền hà và làm sao nhãng – và đạt tới tĩnh lặng hoàn toàn. Trò trẻ con”[71]. Hơn ai hết, Marcus hẳn cảm nhận được sức nặng mà dục vọng đè lên tâm trí và các quyết định của ông. Với tư cách là một vị hoàng đế của một đế chế rộng lớn, ông có thể dễ dàng chiều theo cám dỗ của dục vọng để làm bất cứ điều gì ông muốn. Thế nhưng, ông đã từ chối những lời mời gọi của dục vọng để sống theo lý tưởng của mình. Tất nhiên, đó không phải là một điều dễ dàng. Chính thánh Phaolô cũng cho thấy kinh nghiệm đó khi ngài đã phải chiến đấu rất vất vả với chính dục vọng của mình để trở nên môn đệ đích thật của Chúa Kitô. Ngài viết: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”[72].

Do đó, con người cần phải luôn cố gắng hết mình để sống tốt và luôn tâm niệm những điều mình đã quyết tâm ở trong lòng. Triết gia Khắc kỷ này hướng dẫn rằng: “cho dù ai có nói bất cứ điều gì, nhiệm vụ của tôi vẫn cứ là tốt. Giống như vàng, ngọc lục bảo, áo tía, lặp lại nhiều lần câu tự nhủ “cho dù ai làm hoặc nói bất cứ điều gì, nhiệm vụ của tôi vẫn cứ là ngọc lục bảo, màu của tôi vẫn không phai”[73].

  1. Một chọn lựa tự do

Bình tâm là một trạng thái phụ thuộc vào sự chọn lựa tự do của mỗi người. Người ta có thể chọn lựa bình tâm, cũng có thể chọn lựa không. Và nếu chọn lựa không thì cuộc sống này chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Marcus nói: “vâng, cứ để linh hồn bạn suy thoái đi. Nhưng cơ hội cho phẩm giá của bạn sẽ bay mất ngay. Mỗi người chỉ có một cuộc đời”[74].

Cuộc sống là của riêng mỗi người. Con người hoàn toàn có thể tự do chọn lựa lối sống thế nào mình muốn. Đôi lúc, họ có thể chọn lựa sống theo những thứ dục vọng bên trong. Thật thế, suốt ngày nằm ì trên giường và lướt xem Facebook cũng thoải mái lắm chứ, hay việc suốt ngày đợi người khác đưa đồ ăn đến cho chẳng dễ chịu lắm sao? Nhưng chẳng lẽ như một con người, được ban cho một lí trí biết tư duy lại chỉ để sống như một con vật, lại là một điều hợp lý sao? Vị triết gia Khắc kỷ nhận xét: “Đó chính là cách mà khoái lạc bẫy chúng ta, đúng không? Chẳng lẽ lòng khoan dung không phải đáng ưa hơn? Hay tự do? Hay trung thực? Cẩn trọng? Ái quốc? Và có cái gì khác đáng ưa hơn bản thân tư duy – hơn logic, hơn sự thấu hiểu?”[75] Tất nhiên, những giá trị như lòng khoan dung, tự do, trung thực, và những giá trị đức hạnh khác mới thực sự là điều nên chọn lựa hơn, những điều ưu tiên theo đuổi hơn. Marcus nói rằng: “Không ai có thể ngăn cản anh sống như bản chất của anh đòi hỏi. Không gì xảy ra với anh mà không phải đòi hỏi của Tự nhiên”[76]. Do đó, con người nên tự do chọn lựa những gì mà bản chất của họ đòi hỏi, là sống tốt, sống hòa hợp với tự nhiên.

Tất nhiên, đây phải là một chọn lựa mang tính tự do, chứ không phải vì bị ép buộc. Con người sống hòa hợp theo tự nhiên với mục đích là để có thể hạnh phúc, để có thể bình tâm. Đó là lợi ích của chính mình chứ không phải chịu sự ép buộc từ người khác. Marcus nói rằng: “thẳng, chứ không phải được nắn thẳng”[77]. Nghĩa là tự do chọn lựa sống ngay chính, sống theo đức hạnh đòi hỏi chứ không phải bị người khác ép buộc làm những việc mình không muốn làm.

Tiểu kết chương II

Cuộc đời Marcus Aurelius trải qua nhiều biến cố và nhiều thử thách. Chính nhờ đó, ông đã có cơ hội va chạm với cuộc đời để hình thành cho mình những kinh nghiệm thú vị. Những kinh nghiệm ấy trước hết là cho chính bản thân ông, sau nữa là cho những người đến sau ông.

Quả thế, cuộc sống luôn mang đến những sự vật, sự việc, con người không thể lường trước. Những tình huống ấy có thể là cơ hội, cũng có thể là những thách đố. Tất cả đều phụ thuộc vào cách con người phản ứng với chúng. Sự việc luôn luôn là một sự việc như thế, tự bản thân nó không tốt cũng chẳng xấu. Chính suy nghĩ của con người làm cho nó trở nên tốt hoặc xấu. Vì thế, cần thanh lọc suy nghĩ và học cách nhìn nhận và đánh giá sự việc sao cho đúng như thực chất của nó. Khi ấy, họ có thể dễ dàng chọn lựa những điều khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Chính Marcus Aurelius là một mẫu gương trong chính cuộc sống của ông: một đàng là những may mắn ông có trong cuộc sống, đàng khác là những điều bất lợi xảy đến trong cuộc đời ông. Nhưng mặc cho thuận lợi hay bất lợi, ông vẫn không để cho mình bị đánh gục hay lôi kéo vào điều xấu. Ông vẫn luôn cố gắng để trở nên tốt hơn mỗi ngày trong cách thức khả dĩ nhất của ông. Nhìn vào cuộc sống của ông, chúng ta có thể cảm nhận được sự bình an và thanh thản của tâm hồn ông trong các lựa chọn mà ông đã quyết định.

Những kinh nghiệm mà ông đã trải qua, nhất là những phương pháp mà ông nêu ra để đạt tới hạnh phúc cuộc đời là một trong những kinh nghiệm quý báu mà ông đã để lại cho đời. Học hỏi từ kinh nghiệm của ông và thực hành những phương pháp mà ông để lại có thể giúp con người cảm nhận được hạnh phúc, bình an và thanh thản trong nỗ lực của mình để sống tốt hơn mỗi ngày.

CHƯƠNG III

ẢNH HƯỞNG VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÌNH TÂM TRONG CUỘC SỐNG

 Để hiểu về tầm quan trọng của bình tâm, chúng ta có thể lấy tư tưởng của Khổng Tử. Ông viết: “Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc. Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân. Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm”[78]. Nghĩa là đời xưa, người nào muốn làm sáng đức của mình trong thiên hạ thì trước hết phải trị nước của mình. Muốn trị nước, trước hết họ phải chỉnh tề gia đình của mình. Muốn gia đình chỉnh tề, trước hết họ phải tu thân cho tốt. Muốn tu thân, trước hết họ phải sống với tâm chính đáng của mình. Những câu trên được Khổng Tử (551 – 479 TCN), một nhà tư tưởng lớn của Đông phương, viết trong cuốn Đại Học. Nội dung của những câu ấy nói lên tầm quan trọng của việc tu thân. Bởi mỗi cá nhân là một thành phần nhỏ nhất trong một cộng đồng; như vậy, tất cả mọi thành phần phải tốt thì cộng đồng mới có thể tốt, ngược lại, cộng đồng sẽ trở nên xấu nếu như có một hoặc nhiều thành phần xấu. Hơn nữa, cốt lõi của việc tu thân chính là ở việc dưỡng tâm, nghĩa là làm cho tâm hồn được sáng lên như cách nói của Khổng Tử là “minh minh đức”. Khi ấy, bản thân mỗi người mới cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn. Nhờ đó, họ sẽ dễ dàng đối diện với mọi cảnh huống trong cuộc đời.

I.      TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐẦY BIẾN ĐỘNG

1.         Nhận định về thế giới

“Tôi tư tưởng, vậy tôi hiện hữu”[79] (Cogito ergo sum), đây là câu nói được Descartes thốt lên khi đang ngồi trước một lò sưởi trong một đêm đông giá rét. Kể từ khi câu nói ấy được thốt lên, lịch sử thế giới đã rẽ sang một hướng khác. Trên con đường truy tầm chân lý, lý trí khẳng định vị trí độc tôn của mình. Người ta chỉ tin vào những gì có thể “cân đo đong đếm”, còn lại những gì không thể kiểm chứng, họ cho là vô nghĩa hoặc chẳng đáng quan tâm. Với lối tiếp cận thuần lý và khoa học là đặc trưng của thời đại này, nhân loại đã đạt được những thành tựu nhất định trong mọi lĩnh vực của đời sống con người[80]. Tuy nhiên, họ cũng đã gặp phải những vấn đề nan giải liên quan đến nền tảng tri thức, đạo đức, và cả những vấn đề mà khoa học hiện nay đang đối diện.

Nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học, con người đã thay đổi diện mạo của thế giới. Khoảng cách mọi người trên thế giới được kéo sát lại gần nhau tạo điều kiện cho việc tiếp thu tri thức và giao lưu kinh tế, văn hóa. Khoa học máy tính đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tạo chúng ta những vi xử lý nhỏ hơn, mạnh mẽ hơn, giúp tối ưu hóa những chương trình phần mềm ngày càng phức tạp hơn, nổi bật trong số đó là việc phát triển thành công chương trình Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence). Bên cạnh đó, công nghệ sinh học cũng có những tiến bộ vượt bậc kể từ khi James Deway Watson và Francis Harry Compton Crick phát hiện ra cấu trúc xoắn kép của DNA trong những năm 1950[81]. Nhờ đó, con người đang đứng trước những tiềm năng vô cùng to lớn mà họ khó có thể tưởng tượng nổi. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như thiên văn, địa chất, tâm lý học, nhân chủng học, y học, và mọi lĩnh vực khác của đời sống con người đều có những phát kiến và ứng dụng mới, giúp cho tri thức và đời sống con người thay đổi một cách rõ rệt.

Thế nhưng, cùng với những sự phát triển ấy, nhân loại ngày nay cũng đang gặp phải những hệ lụy kéo theo vô cùng nan giải. Con người đã hoàn toàn vỡ mộng khi tin rằng chỉ nhờ vào lối biện luận thuần lý và phương pháp khoa học, con người có thể truy tầm đến chân lý tối hậu. Việc chủ trương loại bỏ chiều kích siêu hình và đề cao các yếu tố vật chất như khoa học đòi hỏi đã dẫn con người đến với những vấn đề ngày càng phức tạp hơn mà lý trí không thể nào giúp họ giải quyết rốt ráo được[82]. Để rồi, người ta bắt đầu phụ thuộc hơn vào trực giác, thể hiện tính chủ quan trong các phán quyết của mình và xem các tuyên bố về chân lý như là cảm nhận riêng của cá nhân và của nền văn hóa. Về điều này, Okamoto Yuichiro nhận xét chung về tư tưởng của các triết gia sau thời kỳ Hậu Hiện đại như sau:

Những quan niệm “thiện ác” trên phương diện đạo đức và “chính nghĩa” trong luật lệ, đều không được xem như những “chân lý” phổ biến nữa, mà chẳng qua chỉ là những ý kiến khác nhau. Tôi nghe nói, trong trường hợp cực đoan, thậm chí liên quan đến những vấn đề thuộc khoa học tự nhiên, vì lí do này mà có hàng tá hướng giải thích khác nhau khiến người ta không thể quyết định được giải thích thế nào mới là đúng[83]

Với não trạng này, con người không tìm ra được một chỉ dẫn rõ ràng và dứt khoát trong các vấn đề của thời đại ngày hôm nay. Người ta nhận ra rằng lý trí của con người có những giới hạn chứ không toàn năng như họ từng nghĩ. Những phát minh do con người tìm ra đều có những “tác dụng phụ” nhất định kèm theo. Tất cả các lý thuyết khoa học đều có những lỗ hổng nhất định chứ không chính xác như người ta vẫn kỳ vọng. Trong tác phẩm Công Cụ Cộng Sinh, Ivan Illich đã nhận định:

Thuốc chữa cho quản lý tồi là quản lý nhiều hơn. Thuốc chữa cho nghiên cứu chuyên ngành là nghiên cứu liên ngành tốn kém hơn, cũng như thuốc chữa cho các dòng sông ô nhiễm là thêm nhiều chất tẩy rửa không gây ô nhiễm nhưng tốn kém hơn. Việc tổng hợp các kho lưu trữ thông tin, việc tích trữ thêm kiến thức, nỗ lực các áp đảo các vấn đề hiện tại bằng cách cho ra nhiều khoa học hơn cuối cùng vẫn là nỗ lực để giải quyết khủng hoảng bằng sự leo thang[84].

Đứng trước những vấn đề của lý trí, con người thời nay bắt đầu cảm thấy hoang mang, lo sợ vì không biết phải đặt nền móng ở đâu. Họ không biết đâu mới là những tiêu chuẩn chắc chắn để họ dựa vào đó mà xây dựng thế giới này. Nhân loại dường như đang đi vào ngõ cụt và không biết lối ra thật sự ở đâu.

2.         Một nhu cầu cho sự thay đổi

Vào thời điểm bài tiểu luận này được viết, cuộc chiến tranh giữa Israel với Hamas và cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraina đang hết sức căng thẳng. Cùng với đó, nhân loại đang đối diện với những nỗi lo lắng liên quan đến sự phát triển và tương lai của Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như đạo đức sinh học. Nhân loại vẫn chưa thể tìm ra được một câu trả lời chung và một giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề nói trên, trong khi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội cũng như lịch sử nhân loại vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng từng phút, từng giây.

Với những thành quả nhân loại đã, đang và sẽ đạt được, chúng ta bắt buộc phải lo lắng cho tương lai của mình. Liệu rằng lịch sử loài người sẽ hoàn toàn chấm dứt khi chiến tranh thế giới lần thứ III nổ ra? Điều đó hoàn toàn có khả năng khi các nước buộc phải sử dụng tới vũ khí hạt nhân cho chiến tranh quân sự. Với trữ lượng đầu đạn hạt nhân các nước trên thế giới đang sở hữu, liệu rằng hành tinh này có khả năng tồn tại khi các đầu đạn hạt nhân cùng được kích hoạt? Còn đối với Trí tuệ nhân tạo thì sao?

Trong tác phẩm Homo Deus, Yuval Noah Harari đã cung cấp một cái nhìn khá tổng thể về khả năng của Trí tuệ nhân tạo ở thời điểm hiện tại[85]. Theo các nhà khoa học, trí thông minh của máy tính đã có thể vượt qua con người ở thời điểm hiện tại khi nó có khả năng tổng hợp lượng dữ liệu khổng lồ. Và trong một tương lai không xa, ai có thể đảm bảo được rằng con người vẫn có thể là chủ nhân của máy tính? Còn nữa, công nghệ sinh học cũng đang đưa con người vào những tình huống hết sức nan giải. Các nhà khoa học đã có thể ứng dụng công nghệ sinh học để chỉnh sửa gien nhằm lựa chọn cho em bé những khả năng vượt trội và tránh khỏi những khiếm khuyết. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng với những đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình khó khăn hơn. Hoặc chính những đứa trẻ bị chỉnh sửa gien, liệu chúng có hoàn toàn tự do khi cuộc đời của chúng chỉ như là công cụ để thỏa mãn mong ước của cha mẹ?

Tất cả những điều này chính là những thách đố trong lĩnh vực đạo đức con người thời nay. Khi đề cao tự do cá nhân quá mức[86], mỗi người đều có quyền tự do làm những gì mà họ muốn. Điều tồi tệ xảy ra khi người ta lạm dụng quyền lực, làm dụng tiền của, địa vị để làm những chuyện trái đạo đức nhưng tòa án lại không thể xét xử. Bởi đơn giản là họ thừa sức để thuê những vị luật sư giỏi nhất biện hộ cho hành vi của họ. Trong những trường hợp như thế, chúng ta phải đối diện thế nào? Chúng ta lấy cơ sở nào để đặt nền tảng cho vấn đề đạo đức? Nhìn xa hơn, làm sao chúng ta có thể xác định đâu là những tiêu chuẩn đạo đức để nhờ đó con người xây dựng đời sống tương lai của họ? Hơn bao giờ hết, con người ngày nay rất cần một điểm tựa để chống chọi với những thách đố hôm nay.

3.         Một điểm tựa

Trong một thế giới đầy biến động hôm nay, nhân loại cần vạch rõ cho mình những đường hướng phát triển. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhận định về thế giới hôm nay: “Cần phải ghi nhận rằng một trong những khía cạnh nổi bật nhất của hoàn cảnh chúng ta ngày nay là “cuộc khủng hoảng về ý nghĩa”[87]. Theo lời ngài, não trạng duy khoa học của con người thời nay đã khiến cho cuộc sống của họ lạc mất ý nghĩa. Con người chẳng còn đặt các câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Người ta sống theo kiểu “nay còn mai mất”. Vì đối với họ, niềm tin vào một cuộc sống mai sau, niềm tin vào cứu cánh cuộc đời chỉ là những điều mơ hồ không thể kiểm chứng, và do đó chúng là vô giá trị. Cũng vì thế, con người chỉ có thể đặt ra cho mình những giá trị tạm thời. Đây chính là vấn đề của thế giới ngày hôm nay. Và để giải quyết được tình trạng này, nhân loại hôm nay cần phải đặt ra cho mình những tiêu chuẩn vững bền. Nhưng họ dựa vào đâu để đặt ra cho mình những tiêu chuẩn đó?

 Chính nơi đây, chủ nghĩa Khắc kỷ dạy cho chúng ta những bài học thiết thực nhất. Thật thế, trong sự tìm kiếm tri thức, các nhà Khắc kỷ vẫn không bao giờ rời bỏ niềm tin vào Logos. Họ có một niềm tin không hề lay chuyển là thế giới này được tổ chức một cách mạch lạc và chặt chẽ bởi một lực lượng tràn ngập khắp nơi là Logos. Đối với những nhà Khắc kỷ, Logos chính là điểm tựa vững chắc nhất để nhờ đó con người xây dựng và phát triển đời sống của mình.

Cũng vậy, nhân loại ngày nay cũng cần phải tái khám phá lại những bài học khôn ngoan từ những nhà Khắc kỷ. Họ cần đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đấng Sáng Tạo. Và cần phải xây dựng cho mình những luật lệ, giá trị đạo đức vững bền để nhờ đó mà xây dựng thế giới này theo đúng ý Ngài. Chỉ khi con người sống đúng với những giá trị đạo đức vững bền thì họ mới có thể sống một cuộc đời ý nghĩa và cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn.

II.    TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ GIÁO

  1. Giáo Hội hôm nay

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”[88] . Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi Ngài trở về cùng Chúa Cha. Mang theo niềm vui ấy, các ngài đã ra đi loan báo Tin Mừng nước Chúa cho thế gian. Trải qua dòng lịch sử, Giáo Hội vẫn luôn ý thức về lệnh truyền ấy bằng cách đi vào giữa thế gian và sống với thế gian. Giáo Hội đã thánh hóa mọi người bằng ơn Chúa qua gương lành của các thánh. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc sống giữa thế gian cũng phần nào khiến không ít Kitô hữu nhuốm “bụi trần” và quên mất sứ mạng của mình. Lối sống của họ không khác gì lối sống của dân ngoại, những người chưa từng nghe biết Tin Mừng của Thiên Chúa.

Điều này đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến trong Tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng. Trong đó, ngài chỉ ra nguyên nhân của việc mất bình an trong tâm hồn là do đánh mất “điểm tựa” của cuộc đời là Đức Kitô phục sinh. Nếu như sự bình tâm của những nhà Khắc kỷ đến từ niềm tin vào Logos, vào những gì đã được đặt định trong trật tự mà Logos thiết lập, thì đối với Kitô hữu, Đức Kitô chính là điểm tựa của đời sống họ. Ngài chính là nền tảng vững chắc để nhờ đó các tín hữu có thể yên tâm xây dựng ngôi nhà của mình một cách vững chãi mà không sợ mưa sa nước cuốn. Một khi đánh mất điểm tựa ấy, chúng ta sẽ mất phương hướng và chạy theo những thứ chóng qua. Giống như việc xây nhà trên cát luôn để lại những nguy cơ, thì cũng thế, lòng chúng ta luôn cảm thấy bất an và lo lắng khi thiếu đi một nền tảng vững chắc cho tất cả mọi quyết định của đời mình.

Đức Phanxicô cũng cho thấy rằng biểu hiện của việc đánh mất điểm tựa chính là việc làm cho các hoạt động thánh thiêng mất đi vẻ thánh thiện và ý nghĩa đích thực. Ngài nói: “Nơi một số người, chúng ta nhận thấy có một sự chăm sóc phô trương về phụng vụ, tín lý và uy tín của Hội Thánh, nhưng không bận tâm gì đến việc thực sự lồng Tin Mừng vào dân Thiên Chúa và những nhu cầu thực tế của lịch sử”[89].

Không chỉ nơi hàng giáo sĩ, nơi các tín hữu, biểu hiện ấy còn được thể hiện trong hệ tư tưởng của họ. Một số sinh ra thái độ chủ quan, chỉ quan tâm tới những lý luận thuần lý hay kinh nghiệm bản thân và cho đó là chân lý; một số khác lại quá tin tưởng vào bản thân và cho mình vượt trội hơn người khác vì tuân giữ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn đã được thiết lập trong quá khứ[90]. Đức Giáo hoàng đã lên án những tư tưởng này và cho rằng đó là biểu hiện của một học thuyết xem con người là cái rốn của vũ trụ (immanentisme anthropocentrique).

Vị kế nhiệm thánh Phêrô cũng nhắc nhở rằng chính vì tư tưởng sai lầm ấy, chúng ta đang đánh mất đi bản chất của mình. Chúng ta bị tha hóa đến nỗi không còn nghe thấy tiếng khóc than đau khổ của tha nhân nữa, không thể rơi những giọt nước mắt trước thảm cảnh của người khác nữa, và trở nên thờ ơ lạnh lùng trước tiếng rên xiết của tha nhân[91].

Vì thế, hơn bao giờ hết, mỗi người tín hữu cần tái khám phá lại niềm tin của mình. Họ đang đặt niềm tin của mình vào ai? Một Đức Kitô phục sinh và đang sống giữa chúng ta hay chỉ là một Đức Kitô của quá khứ được viết trên những trang giấy cũ kỹ. Chỉ khi chúng ta khám phá ra Đức Kitô mà chúng ta đang tin tưởng đó là ai, Ngài có thể làm gì, Ngài có ý nghĩa gì với tôi, khi đó, chúng ta sẽ hoàn toàn phó thác nơi Ngài và luôn cảm thấy bình an, thanh thản cho dù gặp phải bất cứ điều gì, cho dù thế giới có biến động ra sao.

  1. Kỷ luật phụng vụ và bí tích

Đặt điểm tựa trên Chúa Giêsu, chính là sống sự hiện diện của Chúa cách cụ thể nơi phụng vụ và các bí tích. Đức Giáo hoàng gợi nhớ lại lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đêm tiệc ly: “Hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy”. Ý nghĩa lệnh truyền này là Chúa đã trao cho Hội Thánh quyền cử hành các bí tích. Và mỗi khi Hội Thánh cử hành các bí tích thì chính Chúa sẽ đến hiện diện ở giữa Hội Thánh, Ngài sẽ chữa lành và cứu chữa chúng ta bằng chính quyền năng Ngài[92]. Đức Phanxicô khẳng định:tự bản chất của nó, Phụng vụ là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất chống lại những chất độc này”[93]. Ngài ví những hệ tư tưởng luôn tự cho mình là chân lý cũng như việc cho rằng tự sức mình có thể được cứu độ là những chất độc đang bào mòn sức sống của con người. Và chúng ta chỉ có thể được giải độc bằng các bí tích qua các cử hành phụng vụ.

Chính vì tầm quan trọng này, chúng ta cần phải đặt một sự chú tâm vào phụng vụ. Chúng ta cần tuân giữ đúng nghi thức phụng vụ đã đặt ra chứ không tìm lí do để biện minh cho việc làm hời hợt của mình. Vì, “bản thân nghi thức là một quy định, và quy định không phải là mục đích tự thân, nhưng nó phục vụ cho một thực thể cao hơn mà nó muốn bảo vệ”[94]. Đây không phải là công việc của riêng hàng linh mục nhưng là việc của tất cả mọi người, người cử hành phụng vụ và người tham dự phụng vụ. Mỗi người cần có một thái độ nội tâm xứng đáng khi cử hành phụng vụ, phải tìm lại cung cách cao cả và ý hướng của việc cầu nguyện. Muốn làm được điều này, mỗi tín hữu cần tuân giữ kỷ luật, từ bỏ tình cảm ủy mị, làm việc nghiêm túc, tuân phục Hội Thánh trong con người và các hành động thờ phượng của chúng ta[95].

Tất nhiên, việc cử hành phụng vụ sẽ không thể đạt được chất lượng nếu như chúng ta thiếu ý thức về sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng là điểm tựa cho sự bình tâm của chúng ta và giúp chúng ta được bình tâm. Trong kinh nghiệm con người, chúng ta nhận ra mình thường bị cột chặt vào những sở thích cá nhân, những lôi cuốn của thế gian, của tính lười biếng, của lo lắng sự đời và những cám dỗ khác. Những điều này giống như những cơn sóng cuộn trào trong tâm hồn, khiến chúng ta không thể tập trung được vào việc cử hành phụng vụ. Vì thế, mỗi người cần đến trạng thái bình tâm để giúp tâm hồn mình được tự do, không bị lệ thuộc bất cứ điều gì. Khi đó, họ sẽ có thể dễ dàng kết hợp một cách sâu sắc hơn với Thiên Chúa qua các cử hành phụng vụ. Mỗi người đến với Thiên Chúa bằng chính tâm hồn, bằng tình yêu chứ không phải chỉ vì việc chu toàn lề luật, cũng chẳng phải vì “ánh mắt” của người khác.

Bên cạnh đó, việc tập trung trên Chúa Kitô, Đấng là Tư Tế và là Của Lễ giúp mỗi người biết tập trung hoàn toàn vào các hoạt động phụng vụ, bỏ qua các lời tranh luận đúng sai của những người khác mà biết tìm về với chính bản chất của phụng vụ chứ không phải chỉ vì vẻ bề ngoài của nó. Nhờ đó, mỗi người được dự phần vào hồng phúc vượt qua của Chúa và cuộc sống của họ sẽ trở nên mới mẻ mỗi ngày[96].

  1. Đời sống thánh hiến và sự chiêm niệm

Giữa một thế giới đề cao các giá trị vật chất, giữa một thế giới ồn ào, náo động, vẫn còn đó một nhóm người đang đi ngược dòng đời. Họ là những người bước theo Chúa Giêsu Kitô một cách sát hơn, với mong ước trở nên đồng hình đồng dạng với Người.

Công đồng Vaticano II định nghĩa đời tu với cụm từ Sequela Christi (đi theo Chúa Kitô)[97]. Và với định nghĩa này, đời sống thánh hiến cần phải cố gắng để có thể họa lại được khuôn mặt của Chúa Giêsu một cách rõ nét nhất. Người sống đời thánh hiến cần phải sống thế nào để người khác nhìn thấy chính Chúa Giêsu qua đời sống của họ. Nhờ những lời rao giảng, nhờ những hành động yêu thương của những người sống đời thánh hiến, những người dân ngoại có thể nhận biết Chúa Giêsu là ai. Và cũng chính nhờ đó, Tin Mừng cứu độ đến được với tất cả mọi người. Đó chính là trọng tâm của đời sống thánh hiến.

Thế nhưng, phải thừa nhận rằng, ơn gọi thì cao quý nhưng lại được chứa đựng trong những “bình sành”[98]. Chính vì thế, không ít người sống đời thánh hiến đã lãng quên ơn gọi của mình để rồi sống theo bản năng yếu kém và thấp hèn: vẫn có đó những người chạy theo của cải vật chất, chạy theo danh vọng cá nhân, sa vào chước cám dỗ. Sống theo bản tính yếu hèn của con người, họ không còn là những người phục vụ nữa mà chỉ đòi được người khác phục vụ. Quên đi sứ mạng của mình, họ chỉ thường lui tới với những người giàu có, trong khi sứ mạng của họ lại là đem niềm vui đến với những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Thân xác họ không còn “ám mùi chiên”[99] nữa mà chỉ toàn là mùi của những loại nước hoa đắt tiền.

Hơn bao giờ hết, người sống đời thánh hiến cần phải tìm lại ý nghĩa ơn gọi của mình. Họ phải cảm nghiệm được niềm vui của đời sống thánh hiến, niềm vui của việc được Chúa kêu gọi cách đặc biệt. Muốn thế, người sống đời thánh hiến không thể không ý thức đến việc cầu nguyện và chiêm niệm. Bởi chỉ qua cầu nguyện và chiêm niệm, họ mới có thể gặp gỡ được Đấng mà họ đang theo đuổi và mới có thể lấy Chúa làm điểm tựa của đời mình chứ không phải một điểm tựa nào khác. Chỉ khi đó, họ mới có thể múc lấy sức sống từ Đấng là Nguồn Sự Sống để hăng hái lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ và đủ sức chống lại những cám dỗ trong thời đại hôm nay.

Tiểu kết chương III

Dân gian có câu: “Tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng”. Câu nói này muốn nói rằng tình trạng của tâm hồn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tinh thần, sức lực, và toàn bộ con người. Thật thế, một khi chúng ta đang ưu tư, lo lắng chuyện gì đó, thân xác chúng ta sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thiếu tập trung vào các công việc khác. Khi đó, dù chỉ là một việc cực kì đơn giản cũng khiến chúng ta cảm thấy nặng nề. Ngược lại, khi chúng ta đang cảm thấy hân hoan, vui vẻ, thân xác chúng ta sẽ tràn đầy sức sống, làm việc gì cũng thấy thích thú và hiệu quả.

Đó là tầm quan trọng của bình tâm trong cuộc sống chúng ta. Khi tâm hồn chúng ta cảm thấy bình an, thanh thản, chúng ta sẽ dễ dàng đối diện với mọi thứ. Nhất là trong một thế giới biến động như hôm nay, khi mà mọi thứ thay đổi với một tốc độ quá nhanh. Sống trong một thế giới biến động như thế, con người sẽ cảm thấy một áp lực nặng nề đè lên cuộc sống mình, phải cố để thay đổi, cố để thích nghi với mọi thứ, cố để chạy cho kịp với thời đại. Cứ thế, mỗi người sẽ bị bào mòn sức sống đến chết, nếu không quay về với tâm hồn để tìm lại sự bình an đích thật. Đức Kitô, Chúa chúng ta chính là nguồn bình an đích thật như Người đã khẳng định[100]. Và chúng ta luôn gặp thấy Người, nguồn mạch bình an của chúng ta, trong đời sống phụng vụ.

Bình tâm còn đặc biệt quan trọng với những người sống đời thánh hiến trong thời đại hôm nay. Giữa một thế giới đề cao giá trị vật chất, người sống đời thánh hiến cần phải tìm thấy điểm tựa chắc chắn của mình nơi Đức Kitô. Họ cần xây dựng đời sống của mình dựa trên các chuẩn mực của điểm tựa ấy, chỉ có như thế, tâm hồn họ mới cảm thấy bình an. Và khi tâm hồn họ bình an, họ sẽ trở thành những “khí cụ” hữu dụng trong tay Chúa.

 

KẾT LUẬN

 Đã năm năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, nhân loại có lẽ vẫn không thể quên được kí ức kinh hoàng đó. Mạng sống con người có thể bị cướp mất bất cứ lúc nào. Người ta phải sống trong nỗi sợ hãi, nhất là nơi những vùng tâm dịch, tiếng xe cứu thương vang lên nhức óc. Bầu không khí tang thương bao trùm lấy tất cả. Con người cảm thấy bất lực trước sức hủy hoại của một loại vi rút bé tí. Chính lúc đó, người ta cảm thấy thèm muốn một cảm giác bình an hơn bao giờ hết.

Qua sự kiện đó, cùng với những cơ hội và thách đố mà thời đại ngày hôm nay đặt ra, người viết nhận thấy tầm quan trọng và cần thiết của trạng thấy bình tâm trong cuộc sống. Người viết đã tìm kiếm trong triết học một sự an ủi dành cho tâm hồn con người khi đối diện với nghịch cảnh. Quả thật, triết học Khắc kỷ đã cố gắng để giải đáp cho vấn đề này. Điều này được minh chứng rõ nét qua cuộc đời của triết gia Marcus Aurelius. Ông là một vị vua của một đế chế lớn. Nhưng ông vẫn luôn ý thức rằng con người, dù có vĩ đại đến đâu, vẫn luôn mang trong mình những giới hạn của một loài thụ tạo. Thật thế, dù nắm trong tay quyền hành to lớn, ông cũng phải chấp nhận những khó khăn, thử thách, đau đớn mà cuộc đời gửi đến cho ông. Vì thế, ông vẫn luôn cố gắng sống sao cho phù với trật tự của tự nhiên, của Logos mà ông luôn tin tưởng.

Logos bao trùm mọi vật và chi phối mọi vật. Vì thế, con người, một thành phần trong thế giới tự nhiên, cũng phải tuân theo trật tự của Logos nếu họ muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Đó là nguyên tắc quan trọng nhất của triết học Khắc kỷ. Khi đã đặt hoàn toàn tin tưởng nơi Logos, các nhà Khắc kỷ lập ra cho mình những giá trị bền vững để tuân theo, một trong số chúng là các nhân đức như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Họ sẽ điều chỉnh lối sống của mình, hành vi, lời nói, và tư tưởng của họ sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn đã được đặt ra. Tất nhiên, để luôn trung thành với các tiêu chuẩn ấy, việc thực hành kỷ luật đối với bản thân là điều không thể thiếu nơi các nhà Khắc kỷ. Điều này đỏi hỏi nơi bản thân họ một sự tự do và lòng khao khát hướng về Logos. Và khi thực hành được những điều đó, tâm hồn sẽ luôn cảm thấy bình an.

Có thể nói, bình an trong tâm hồn là điều mà ai ai cũng mong muốn có, nhất là trong một xã hội biến động như ngày hôm nay. Khi mà xã hội phát triển theo một chiều hướng quá nhanh, chúng ta dường như cảm thấy khó lòng để thích nghi kịp với thời đại. Chúng ta luôn mang trong mình một cảm giác bất an bởi bất cứ lúc nào cũng có thể bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là tâm trạng của cả những người sống đời thánh hiến. Bị ảnh hưởng bởi não trạng duy vật, người sống đời thánh hiến ngày nay cũng rất dễ bị cám dỗ chạy đua với đời, ham mê quyền lực, vật chất, danh vọng. Họ chọn sai điểm tựa của mình, chọn sai nền móng, để rồi luôn phải sống trong bất an và lo lắng. Và khi tâm hồn cảm thấy bất an, cuộc sống của họ sẽ trở nên nặng nề chẳng khác nào địa ngục ở trần gian.

Tóm lại, bài học mà chủ nghĩa Khắc kỷ đã khám phá ra cách đây hơn hai ngàn năm vẫn còn rất thiết thực trong xã hội ngày hôm nay. Qua tác phẩm Suy Tưởng, triết gia Marcus Aurelius đã dạy cho con người ngày hôm nay nhiều bài học quý giá. Marcus đã chứng minh cho thấy rằng danh vọng, quyền lực, vật chất đều không thể đem lại cho con người một cuộc sống hạnh phúc. Muốn được hạnh phúc, muốn tâm hồn luôn tràn ngập niềm vui và bình an, con người cần phải đặt niềm tin tuyệt đối vào Đấng Tạo Hóa. Họ cần xây dựng các tiêu chuẩn vững bền dựa vào trật tự Tạo Hóa đã lập ra để hướng dẫn đời sống của họ. Chỉ khi đó, con người mới có thể cảm nhận được bình an và thế giới này mới trở nên tươi đẹp đáng sống hơn.

 

Bài viết này là một Tiểu luận Triết học của tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Tâm, SVD với sự hướng dẫn của Giáo sư Phêrô Lê Đình Trị, OFM.

Thư mục tham khảo

  1. Tài liệu nguồn:

MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, dịch giả Tiết Thái Hùng, Nxb Tri Thức, Tp. Hà Nội, 2022.

  1. KINH THÁNH VÀ TÀI LIỆU HUẤN QUYỀN:
    1. Kinh Thánh, do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Ấn bản 2011,Nxb Tôn Giáo, Tp. Hà Nội.
    2. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Fides et Ratio (14-09-1998), dịch giả Nguyễn Hông Giáo, Nxb Tôn Giáo, Tp. Hà Nội, 2015.
    3. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata (25-03-1996), Thư viện Dons Scotus, 1996.
    4. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (08-12-2013), dịch giả Nguyễn Văn Trinh, Nxb Tôn Giáo, Tp. Hà Nội, 2014.
    5. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông thư Desiderio Desideravi(29-06-2022), dịch bởi Ủy Ban Phụng Tự HĐGM Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, Tp. Hà Nội, 2022.
  • Tài liệu tham khảo:
    1. DESCARTES, Phương Pháp Luận, dịch giả Trần Thái Đỉnh, Nxb Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1973.
    2. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, dịch giả Lưu Văn Hy – N. Trí Tri, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Tp. Hà Nội, 2008.
    3. EPICTETUS, Nghệ Thuật Sống, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa, Nxb Hồng Đức, Tp. HCM, 2016.
    4. FRANCIS BACON, Bộ Công Cụ Mới, dịch giả Đỗ Minh Hợp – Nguyễn Trọng Chuẩn, Nxb Tri Thức, Tp. Hà Nội, 2017.
    5. GIUSE TÂN NGUYỄN. OFM, Đạo Đức Học Tổng Quát, Nxb Phương Đông, Tp. HCM, 2016.
    6. HAE MIN, Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã, dịch giả Nguyễn Việt Tú Anh, Nxb Hội Nhà Văn, Tp. Hà Nội, 2023.
    7. IVAN ILLICH, Công Cụ Cộng Sinh, Dịch giả Nguyễn Phương Anh, Nxb Dân Trí, Tp. Hà Nội, 2023.
    8. JOHN SELLARS, Thuyết Khắc Kỷ, dịch giả Đinh Hồng Phúc, Nxb Thế Giới, Tp. Hà Nội, 2021.
    9. CHU HY, Tứ Thư Tập Chú, dịch giả Nguyễn Đức Lân, Nxb VH-TT, Tp. Hà Nội, 1999.
    10. MICHAEL POCOK – GAILYN VAN RHEENEN – DOUGHLAS MCCONNELL, Diện Mạo Đang Thay Đổi Của Các Sứ Vụ Truyền Giáo Trên Thế Giới, dịch giả Nguyễn Duy Khương, Nxb Tôn Giáo, Tp. Hà Nội, 2022.
    11. RICHARD DAVID PRECHT, Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu?, dịch giả Trần Vinh, Nxb Thế Giới, Tp. Hà Nội, 2019.
    12. RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, dịch giả Đinh Nguyễn, Nxb Thanh Niên, Tp. HCM, 2021.
    13. SAMUEL ENOCH STUMPF, Lịch sử Triết học và các luận đề, người dịch Đỗ Văn Thuấn – Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, Tp. Hà Nội, 2004.
    14. TED HONDERICH, Hành Trình Cùng triết Học, dịch giả Lưu Văn Hy, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Tp. Hà Nội, 2002.
    15. WAYNE W. DYER, Hạnh phúc là hành trình, không phải là đích đến, dịch giả Dương Bùi, Nxb Thanh Niên, Tp. HCM, 2021.
    16. YUVAL NOAH HARARI, Homo Deus – Lược Sử Tương Lai, dịch giả Dương Ngọc Trà, Nxb Thế Giới, Tp. Hà Nội, 2018.
  1. TỪ ĐIỂN

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2001.

  1. TÀI LIỆU INTERNET

ĐỨC PHANXICÔ, Mục Tử Phải Mang Lấy Mùi Chiên (28/03/2013), trong https://www.tonggiaophanhanoi.org/qmuc-tu-phai-mang-lay-mui-chien, truy cập ngày 15/04/2024

Chú thích

[1] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, dịch giả Tiết Thái Hùng, Nxb Tri Thức, 2022, q. 8.1, tr. 243.

[2] RICHARD DAVID PRECHT, Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu?, dịch giả Trần Vinh, Nxb Thế Giới, 2019, tr. 12.

[3] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 5.9, tr. 175.

[4] x. RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, dịch giả Đinh Nguyễn, Nxb Thanh Niên, Tp. HCM, 2021, tr. 358.

[5] x. Lời giới thiệu của Gregory Hays, trong MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, tr. 12.

[6] x. RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, tr. 361.

[7] x. RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, tr. 362.

[8] x. RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, tr. 362.

[9] x. RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, tr. 383.

[10] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 12.36, tr. 354.

[11] x. RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, tr. 369.

[12] x. Lời giới thiệu của Gregory Hays, trong MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, tr. 26.

[13] x. MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 1, tr. 93 – 109.

[14] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 1.5, tr. 94.

[15] x. JOHN SELLARS, Thuyết Khắc Kỷ, dịch giả Đinh Hồng Phúc, Nxb Thế Giới, Tp. Hà Nội, 2021, tr. 22.

[16] x. JOHN SELLARS, Thuyết Khắc Kỷ, tr. 22.

[17] x. JOHN SELLARS, Thuyết Khắc Kỷ, tr. 24.

[18] x. RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, tr. 84.

[19] x. JOHN SELLARS, Thuyết Khắc Kỷ, tr. 24.

[20] x. Lời giới thiệu của Gregory Hays, trong MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, tr. 42 – 49.

[21] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, dịch giả Lưu Văn Hy – N. Trí Tri, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Tp. Hà Nội, 2008, tr. 334 – 357.

[22] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 358.

[23] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 358.

[24] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 370.

[25] EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 370.

[26] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 370.

[27] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 359.

[28] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 359.

[29] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 363.

[30] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 366.

[31] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 367.

[32] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 367.

[33] x. EDWARD MCNALL BURNS – PHILIP LEE RALPH, Các Nền Văn Minh Thế Giới, tr. 368.

[34] VIỆN NGÔN NGỮ HỌC, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2001, tr. 69.

[35] JOHN SELLARS, Thuyết Khắc Kỷ, tr. 243.

[36] JOHN SELLARS, Thuyết Khắc Kỷ, tr. 243.

[37] trích lại từ JOHN SELLARS, Thuyết Khắc Kỷ, tr. 246.

[38] RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, tr. 30.

[39] TED HONDERICH, Hành Trình Cùng triết Học, dịch giả Lưu Văn Hy, nxb Văn Hóa Thông Tin, Tp. Hà Nội, 2002, tr. 640.

[40] x. Lời giới thiệu của Gregory Hays, trong MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, tr. 31.

[41] GIUSE TÂN NGUYỄN. OFM, Đạo Đức Học Tổng Quát, Nxb Phương Đông, Tp. HCM, 2016, tr. 26.

[42] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 3.12, tr. 137 – 138.

[43] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 6.33, tr. 205.

[44] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 4.3, tr. 143.

[45] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 8.48, tr. 261.

[46] HAE MIN, Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã, dịch giả Nguyễn Việt Tú Anh, Nxb Hội Nhà Văn, Tp. Hà Nội, 2023, tr. 36.

[47] EPICTETUS, Nghệ Thuật Sống, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa, Nxb Hồng Đức, Tp. HCM, 2016, tr. 19.

[48] JOHN SELLARS, Thuyết Khắc Kỷ, tr. 225.

[49] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 6.11, tr. 195.

[50] SAMUEL ENOCH STUMPF, Lịch sử Triết học và các luận đề, người dịch Đỗ Văn Thuấn – Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, Tp. Hà Nội, 2004, tr. 57.

[51] x. SAMUEL ENOCH STUMPF, Lịch sử Triết học và các luận đề, tr. 57.

[52] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 4.2, tr. 143.

[53] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 11.22, tr. 331.

[54] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 2.3, tr. 114.

[55] x. Lời giới thiệu của Gregory Hays, trong MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, tr. 30.

[56] RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, tr. 30.

[57] trích lại từ RYAN HOLIDAY, Khắc Kỷ, tr. 30.

[58] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 5.1, tr. 169.

[59] 1Cr 9, 24-27.

[60] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 1.6, tr. 94.

[61] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 2.5, tr. 115.

[62] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 9.7, tr. 273.

[63] WAYNE W. DYER, Hạnh phúc là hành trình, không phải là đích đến, dịch giả Dương Bùi, Nxb Thanh Niên, Tp. HCM, 2021, tr. 282.

[64] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 2.9, tr. 116.

[65] x. FRANCIS BACON, Bộ Công Cụ Mới, dịch giả Đỗ Minh Hợp – Nguyễn Trọng Chuẩn, Nxb Tri Thức, Tp. Hà Nội, 2017, tr. 34.

[66] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 3.4, tr. 130.

[67] EPICTETUS, Nghệ Thuật Sống, tr. 25.

[68] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 3.5, tr. 132.

[69] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 3.12, tr. 137 – 138.

[70] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 4.18, tr. 149 – 150.

[71] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 5.2, tr. 170.

[72] Rm 7,19.

[73] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 7.15, tr. 221.

[74] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 2.6, tr. 116.

[75] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 5.9, tr. 176

[76] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 6.58, tr. 214.

[77] MARCUS AURELIUS, Suy Tưởng, q. 7.12, tr. 220.

[78] CHU HY, Tứ Thư Tập Chú, dịch giả Nguyễn Đức Lân, Nxb VH-TT, Tp. Hà Nội, 1999, tr. 15.

[79] DESCARTES, Phương Pháp Luận, dịch giả Trần Thái Đỉnh, Nxb Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1973, tr. 80.

[80] x. MICHAEL POCOK – GAILYN VAN RHEENEN – DOUGHLAS MCCONNELL, Diện Mạo Đang Thay Đổi Của Các Sứ Vụ Truyền Giáo Trên Thế Giới, dịch giả Nguyễn Duy Khương, Nxb Tôn Giáo, Tp. Hà Nội, 2022, tr. 178.

[81] OKAMOTO YUICHIRO, Các Nhà Triết Học Trên Thế Giới Đang Suy Tư Chuyện Gì? dịch giả Nguyễn Hữu Luân, Nxb Dân Trí, Tp. Hà Nội, 2023, tr. 123.

[82] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Fides et Ratio (14-09-1998), số 46.

[83] OKAMOTO YUICHIRO, Các Nhà Triết Học Trên Thế Giới Đang Suy Tư Chuyện Gì?, tr. 38.

[84] IVAN ILLICH, Công Cụ Cộng Sinh, dịch giả Nguyễn Phương Anh, Nxb Dân Trí, Tp. Hà Nội, 2023, tr. 24.

[85] YUVAL NOAH HARARI, Homo Deus – Lược Sử Tương Lai, dịch giả Dương Ngọc Trà, Nxb Thế Giới, Tp. Hà Nội, 2018, tr. 364 – 412.

[86] x. NGUYỄN HỒNG GIÁO, Để Đọc Thông Điệp, trong GIOAN PHAOLÔ II, Đức Tin Và Lý Trí, tr. XIV.

[87] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Fides et Ratio, số 81.

[88] Mc 16,15.

[89] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 95.

[90] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium,  số 94.

[91] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 54.

[92] x. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông thư Desiderio Desideravi (29-06-2022), số 11.

[93] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông thư Desiderio Desideravi, số 18.

[94] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông thư Desiderio Desideravi, số 48.

[95] x. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông thư Desiderio Desideravi, số 50.

[96] x. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông thư Desiderio Desideravi, số 20.

[97] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata (25-03-1996), số 14.

[98] 2Cr 4,7

[99] ĐỨC PHANXICÔ, Mục Tử Phải Mang Lấy Mùi Chiên (28/03/2013), trong https://www.tonggiaophanhanoi.org/qmuc-tu-phai-mang-lay-muichienq/#:~:text=%C4%90%E1% BB%83%20c%C3%B3%20m%C3%B9i%20chi%C3%AAn%2C%20m%E1%BB%A5c,chi%C3%AAn%20%C4%91i%20theo%20m%E1%BB%A5c%20t%E1%BB%AD%E2%80%9D, truy cập ngày 15/04/2024.

[100] x. Ga 14,27

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 1 Mùa Chay)
Bài tiếp theoThánh Giuse – người hành hương của niềm hy vọng