Lúc 10h sáng thứ Sáu mùng 6 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Hiển Linh bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Ðức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến để bái lạy Người” (Mt 2:2)
Qua những lời này, các Đạo Sĩ, đến từ phương xa, nói cho chúng ta biết lý do của cuộc hành trình xa diệu vợi của các vị, đó là họ đến để bái lạy Vị Vua mới sinh. Thấy và thờ lạy. Hai hành động này nổi bật trong trình thuật Tin Mừng này. Chúng tôi thấy một ngôi sao và chúng tôi muốn thờ lạy.
Những người này đã thấy một ngôi sao làm họ cất bước lên đường. Việc khám phá ra điều gì đó bất thường trên bầu trời khởi động một loạt các sự kiện. Ngôi sao này không chỉ chiếu sáng cho riêng họ, và họ cũng chẳng có một DNA đặc biệt nào để có thể thấy được vì sao đó. Như một trong các Giáo Phụ đã nhận xét thật chí lý rằng các Đạo Sĩ không cất bước lên đường vì họ đã thấy một ngôi sao, nhưng thực ra họ thấy ngôi sao bởi vì họ đã cất bước lên đường (x. Thánh Gioan Kim Khẩu). Tâm hồn họ mở ra với chân trời và họ có thể thấy điều mà các tầng trời tỏ ra cho họ, vì họ được hướng dẫn bởi một thao thức nội tâm khôn nguôi. Họ mở lòng mình ra cho những điều mới mẻ.
Do đó, các Đạo Sĩ tượng trưng cho tất cả những ai tin, những ai hoài mong Thiên Chúa, những ai khát khao quê hương thiên quốc của mình. Họ phản chiếu hình ảnh của tất cả những ai trong cuộc sống mình không để cho tâm hồn bị gây mê.
Một lòng hoài mong Thiên Chúa bùng lên trong tâm hồn những ai tin vì họ biết rằng Tin Mừng không phải là một biến cố của quá khứ nhưng là của hiện tại. Một lòng hoài mong Thiên Chúa giúp chúng ta tỉnh thức khi đối diện với mọi cám dỗ muốn giản lược hay bần cùng hóa đời sống của chúng ta. Một lòng hoài mong Thiên Chúa là một ký ức đức tin, nổi loạn trước tất cả mọi thứ tiên tri chết chóc. Lòng hoài mong ấy giữ cho niềm hy vọng sống động trong cộng đồng các tín hữu, một niềm hy vọng mà từ tuần này đến tuần kia vẫn tiếp tục khấn xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.
Cùng một lòng hoài mong ấy đã dẫn cụ già Simêon đi lên Đền Thờ mỗi ngày, với xác tín rằng đời ông sẽ không chấm dứt trước khi ông được ẵm Đấng Cứu Thế trong tay mình. Lòng hoài mong cũng đã khiến Người Con Hoang Đàng từ bỏ lối sống tự hủy diệt và tìm kiếm vòng tay của người cha mình. Đây là lòng hoài mong thôi thúc người chăn chiên bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc. Maria Mađalêna đã kinh nghiệm cùng một lòng hoài mong ấy vào sáng Chúa Nhật khi bà chạy đến mồ và gặp Thầy phục sinh của bà. Lòng hoài mong Thiên Chúa lôi kéo chúng ta ra khỏi sự cô lập chai đá của chúng ta, là điều làm cho chúng ta nghĩ rằng chẳng có gì có thể thay đổi được. Lòng hoài mong Thiên Chúa phá tan những tập quán nhàm chán của chúng ta và thúc đẩy chúng ta thực hiện những thay đổi mà chúng ta muốn và cần. Lòng hoài mong Thiên Chúa có căn cội trong quá khứ nhưng không dừng lại ở đó, trái lại nó vươn tới tương lai. Các tín hữu cảm nhận được lòng hoài mong này đang được đức tin hướng dẫn để tìm kiếm Thiên Chúa, như các nhà Đạo Sĩ đã làm từ xa xưa trong lịch sử, vì các ngài biết rằng Thiên Chúa đang đợi chờ họ. Họ đi đến những vùng ngoại biên, đến những biên cương, đến những nơi chưa được phúc âm hoá, để gặp gỡ Thiên Chúa. Họ không làm điều này vì một cảm thức cao trọng hơn người khác, nhưng trái lại như những người ăn mày không thể tỉnh bơ trước ánh mắt của những người mà Tin Mừng vẫn là một lãnh vực chưa được biết đến.
Một thái độ hoàn toàn khác ngự trị trong cung điện của vua Hêrôđê, chỉ cách Bethlehem một khoảng cách rất ngắn, nơi mà không ai nhận ra điều gì đang xảy ra. Khi các nhà Đạo Sĩ thực hiện cuộc hành trình của họ, thì Giêrusalem đang say ngủ. Thành đô này ngủ vùi trong một sự thông đồng với Hêrôđê là người, thay vì tìm kiếm, cũng đang ngủ vùi. Ông ngủ vùi, tê liệt bởi một lương tâm đã chai thành sẹo. Ông đã hoang mang, sợ hãi. Đó là sự hoang mang mà khi đối diện với sự mới mẻ thay đổi tận gốc lịch sử thì khép mình lại, co cụm trong chính nó và nơi những thành tựu, những hiểu biết, và những thành công của nó. Đó là sự hoang mang của một người ngồi trên sự giàu có của mình nhưng không thể vượt lên trên sự giàu có ấy. Đó là sự hoang mang trú ngụ trong tâm hồn của những người muốn kiểm soát mọi thứ và mọi người. Đó là sự hoang mang của những người đã bị nhận chìm trong nền văn hoá phải thắng cho bằng được, trong một nền văn hoá chỉ có chỗ cho những “kẻ chiến thắng”, bằng bất cứ giá nào. Đó là sự hoang mang được sinh ra từ sợ hãi và run rẩy trước bất cứ điều gì thách đố mình, hay đặt vấn đề về những xác tín, và những chân lý của chúng ta, cũng như những cách thế chúng ta bám víu vào thế giới và cuộc đời này. Hêrôđê đã sợ hãi, và nỗi sợ ấy dẫn đến việc tìm kiếm an ninh của mình nơi tội ác: “Ngươi đã giết những kẻ bé nhỏ trong thân xác của chúng, vì sự sợ hãi đang giết chết ngươi trong tâm hồn ngươi” (Thánh Quodvultdeus, Bài Giảng thứ 2 về Kinh Tin Kính: PL 40, 655).
Chúng tôi muốn thờ lạy. Những người này đến từ Phương Đông để thờ lạy, và họ đến để thờ lạy trong một nơi xứng hợp với một vị vua, đó là cung điện. Cuộc tìm kiếm đã dẫn họ đến đó, vì thật phù hợp là một vị vua cần phải được sinh ra ở một cung điện, giữa một hoàng cung và tất cả mọi thứ thuộc về ngài. Vì đó là dấu chỉ của quyền lực, của thành công, và của một cuộc đời thành đạt. Người ta có thể hoàn toàn mong đợi một vị vua được tung hô, kính sợ và sùng bái. Đúng vậy, nhưng không nhất thiết là được yêu mến vì những thứ này đều là trần tục, đều là những ngẫu tượng hèn mọn mà chúng ta tỏ lòng tôn kính vì thế lực, những dáng vẻ và thế giá bề ngoài của nó. Những ngẫu tượng đó chỉ hứa hẹn mang đến cho ta những u sầu và nô lệ.
Chính tại đó, nơi cung vàng điện ngọc này, mà những nhà Đạo Sĩ, đã đến từ phương xa, sẽ khởi hành một chuyến đi dài nhất của họ. Tại đó, họ đã can đảm cất bước trên một hành trình gian truân và phức tạp hơn. Họ phải khám phá ra rằng điều họ mưu tìm không có trong một cung điện, nhưng ở nơi khác, trên cả hai phương diện hiện sinh và địa lý. Ở trong cung điện đó, họ không thấy một ngôi sao chỉ đường cho họ khám phá ra một Thiên Chúa là Đấng muốn được yêu thương. Chỉ dưới lá cờ tự do, chứ không phải là độc tài, ta mới có thể nhận ra rằng cái nhìn của vị vua không được biết đến nhưng được hoài mong này không hạ thấp, nô lệ hóa, hay giam cầm chúng ta; và nhận ra rằng cái nhìn của Thiên Chúa nâng chúng ta lên, tha thứ và chữa lành. Chúng ta cũng nhận ra rằng Thiên Chúa muốn được sinh ra ở một nơi bất ngờ nhất, ở một nơi mà chúng ta quá thường khi từ khước Ngài. Chúng ta cũng nhận ra rằng trong đôi mắt của Thiên Chúa luôn có chỗ cho những người đang bị tổn thương, mệt mỏi, bị đối xử tàn tệ và bị bỏ rơi. Sức mạnh và quyền năng ấy của Ngài được gọi là lòng thương xót. Đối với một số người trong chúng ta, Giêrusalem xa Bethlehem diệu vợi biết bao!
Hêrôđê không thể thờ lạy vì ông ta không thay đổi hay không thể thay đổi cách nhìn của mình trước mọi sự. Ông không muốn thôi tôn thờ chính bản thân mình, và tin rằng mình là trung tâm của mọi sự. Ông không thể thờ lạy, vì mục đích của ông là làm cho người khác phải thờ lạy mình. Các tư tế cũng không thể thờ lạy, vì mặc dù họ hiểu biết rộng, và thấu đáo những lời tiên tri, họ không sẵn sàng lên đường hay thay đổi đường lối của mình.
Các Đạo Sĩ kinh nghiệm được lòng hoài mong; họ đã mỏi mệt với yến tiệc thường ngày. Họ cũng đã quen quá, và mỏi mệt quá, với những Hêrôđê trong thời của họ. Nhưng ở đó, nơi Bethlehem, có sự hứa hẹn cho một điều mới mẻ, và nhưng không. Có điều gì đó mới mẻ đang diễn ra. Các Đạo Sĩ đã có thể thờ lạy, vì họ đã có can đảm để cất bước lên đường. Và khi bái quỳ trước một Hài Nhi bé nhỏ, nghèo khó và mỏng manh, một Hài Nhi của Bethlehem không được mong đợi và không được ai biết đến, họ đã khám phá ra vinh quang của Thiên Chúa.
(nguồn: vietcatholic.net)