Tính Quốc Tế và Căn Tính Dòng Ngôi Lời

0
346

Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ

[Antonio M. Pernia, SVD, “Internationality and SVD Identity”, Verbum SVD 38 (1997), tr. 45-61]

Đề tài được chia cho vị đại diện Tổng quyền đối với khóa học hội này là “Tính quốc tế và căn tính Dòng Ngôi Lời”. Ở cái nhìn thoáng qua đầu tiên, có vẻ như có sự mơ hồ nào đó trong cách thức mà tựa đề của đề tài này được hình thành. Dù mơ hồ được mong muốn hay không thì rất khó nói. Tôi biết ơn về sự mơ hồ này, bởi vì tôi nghĩ nói thúc đẩy chúng ta suy tư nghiêm túc hơn về đề tài quan trọng này.

Sự mơ hồ nằm ở chỗ rằng, ít nhất là theo cách mà tựa đề của nó được hình thành, đề tài này có thể được hiểu theo hai cách. Theo cách thứ nhất, tính quốc tế được hiểu như là một yếu tố chỉ được thêm vào căn tính Dòng Ngôi Lời. Hay nói cách khác, có thể có một điều gì như là căn tính Dòng Ngôi Lời mà không có tính quốc tế, và chỉ ở thời điểm thứ hai căn tính Dòng Ngôi Lời mới liên quan đến tính quốc tế. Ở đây, từ “và” sẽ được giải thích theo cách phân biệt – “Tính quốc tế và căn tính Dòng Ngôi Lời,” điều đó có nghĩa là tính quốc tế ở một bên và căn tính Dòng Ngôi Lời ở bên kia. Tuy nhiên, theo cách thức hai, từ “và” được đọc hiểu theo cách liên kết, và vì thế chúng ta nói “Tính quốc tế và căn tính Dòng Ngôi Lời” nhưng muốn nói “Tính quốc tế như là căn tính của Dòng Ngôi Lời,” điều đó có nghĩa là tính quốc tế là một phần không thể thiếu của căn tính Dòng Ngôi Lời, và do đó không thể có một điều gì như là căn tính Dòng Ngôi Lời mà không có tính quốc tế.

Tôi tin rằng cách hiểu thứ hai về đề tài trung thành hơn đối với Hiến pháp của chúng ta. Do đó, tôi bắt đầu bằng một suy tư về điều mà Hiến pháp nói về tính quốc tế.

  1. Tính quốc tế trong Hiến pháp

Mặc dù bảng chú dẫn cho Hiến pháp chỉ chứa 11 mục từ (entries) dưới từ “tính quốc tế,” (Tính quốc tế, 503, 504.1; Bài sai (appointment), 116.2, 516.5, 619.2; Làm phong phú (enriching), 303.1; Biểu tượng (symbol), Phần mở đầu, 104, 113.1; Kiên nhẫn, 303.6; Lứa tuổi thứ ba, 519) Bảng chú dẫn phân tích của Hiến pháp Dòng Ngôi Lời, vốn được phát hành tại Rôma vào năm 1994, chứa 15 mục từ dưới cùng một đề tài:

Dòng Ngôi Lời – một cộng đoàn huynh đệ từ nhiều quốc gia và ngôn ngữ khác nhau, Phần mở đầu; đoàn sủng được đặc trưng bởi, 104; các thành viên học cách sống nó cách phong phú và sâu xa, 113.1; các bài sai và, 116.2; việc làm phong phú kinh nghiệm lẫn nhau, 303.1; cuộc sống cộng đoàn và, 303.6; việc đào tạo như là sự phát triển trong một cộng đoàn có nhiều quốc gia và văn hóa, 501; việc thực tập hàn lâm và chuyên nghiệp và, 503, 504.1; bầu không khí trong các nhà đào tạo và, 511.2; các kinh nghiệm xuyên văn hóa cho các tu huynh, 515.3; đối với các chủng sinh, 516.4; thần học hải ngoại, 516.5; được củng cố bởi chương trình lứa tuổi thứ ba, 519; nhân viên Tổng quyền, 619.2.

Sự khác biệt giữa hai danh sách này nằm ở chỗ rằng bốn điều Hiến pháp sau đây trong danh sách thứ hai không có không danh sách thứ nhất: 501, 511.2, 515.3, 516.4. Trong khi những điều Hiến pháp này không sử dụng cách rõ ràng thuật ngữ “tính quốc tế,” tuy nhiên chúng quy chiếu đến ý tưởng này bằng việc sử dụng những thuật ngữ khác như “kinh nghiệm xuyên văn hóa” hay “các quốc gia và nền văn hóa khác.”

Tôi tin rằng việc đọc toàn bộ 15 điều Hiến pháp cùng với nhau trong một buổi họp sẽ là một bài tập tốt, nếu chỉ lấy một vài ý nghĩa của những gì mà Hiến pháp chúng ta nói về tính quốc tế. Thay vì làm điều đó, tôi muốn tổng hợp cách đơn giản những vấn đề chính mà tôi cảm thấy sẽ nổi bật từ việc đọc như thế. Chúng là bốn điểm sau đây:

1.1 Tính quốc tế là yếu tố nền tảng trong đoàn sủng của Hội dòng chúng ta

Tuy nhiên, Hiến pháp số 104 có vẻ trái ngược với điều này. Nó nói rằng đoàn sủng của Hội dòng chúng ta được đặc trưng thêm nữa bởi việc rằng “chúng ta làm chứng cho tính chất phổ quát của Giáo hội và cho sự hợp nhất của tất cả mọi người xuyên qua tính cách quốc tế của Hội dòng chúng ta” – (cùng với việc chu toàn “công cuộc phục vụ truyền giáo trong một cộng đoàn huynh đệ gồm giáo dân và giáo sĩ,” và việc có “tinh thần cởi mở của đấng sáng lập chúng ta … để luôn chú ý đến các dấu chỉ của thánh ý Thiên Chúa, luôn luôn mau mắn, linh động và sẵn sàng dấn thân vào những công việc mới.”) Nói cách khác, điều Hiến pháp này có vẻ ám chỉ rằng tính quốc tế chỉ là điều gì đó được thêm vào căn tính Dòng Ngôi Lời, và rằng đã có sẵn một căn tính Dòng Ngôi Lời trước khi nó được đặc trưng thêm nữa bởi tính quốc tế.

Tuy nhiên, trong những điều Hiến pháp khác, tính quốc tế xuất hiện không chỉ như một đặc trưng thêm nữa nhưng như một ý tố nền tảng trong đoàn sủng của Hội dòng chúng ta. Vì thế, Phần mở đầu (prologue), vốn miêu tả cách ngắn gọn bản chất nền tảng của Hội dòng chúng ta, đã chứa đựng ý tưởng về tính quốc tế: “Trong tư thế là một cộng đoàn bao gồm những anh em khác nhau về ngôn ngữ và dân tộc, chúng ta trở nên một dấu chỉ sống động cho sự hiệp nhất và tính đa dạng lớn lao của Giáo hội.” Có lẽ điều 501 còn rõ ràng hơn khi nó nói rằng “mục tiêu của tất cả việc đào tạo và giáo dục trong Hội dòng của chúng ta là sự tăng trưởng nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần trong đời sống hiệp nhất với Ngôi Lời nhập thể của Cha và trong cộng đoàn truyền giáo bao gồm các phần tử xuất thân từ nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa …” Nói cách khác, cùng với sự lớn lên trong tư cách người môn đệ như là tu sĩ truyền giáo, một đòi hỏi nền tảng trong việc trở thành một thành viên Dòng Ngôi Lời là tính quốc tế. Điều Hiến pháp này hầu như nói rằng người ta không thể là một thành viên Dòng Ngôi Lời nếu họ không học cách sống trong các cộng đoàn quốc tế và đa văn hóa.

Đối với tôi, cả Phần mở đầu (Prologue) và Hiến pháp số 501 nhấn mạnh đến việc rằng tính quốc tế là một yếu tố nền tảng trong đoàn sủng của Hội dòng chúng ta.

1.2 Tính quốc tế đã là sứ vụ truyền giáo

Một ý tưởng khác nổi lên từ việc đọc cách chăm chú các điều Hiến pháp về tính quốc tế, và liên hệ cách gần gũi với điểm đầu tiên, là: tính quốc tế đã là sứ vụ truyền giáo rồi. Nói cách khác, ngay trước khi chúng ta thực hiện việc gì như là các nhà truyền giáo (ví dụ, mục vụ giáo xứ, tông đồ thánh kinh, công lý và hòa bình, truyền thông xã hội, trường học, …), chúng ta đã là các nhà truyền giáo bởi việc chúng ta hiện diện như là một cộng đoàn quốc tế. Như đã nêu ngay từ sớm, Hiến pháp số 104 nói rằng thông qua đặc tính quốc tế của Hội dòng chúng ta, chúng ta làm chứng cho tính phổ quát của giáo hội và tính hợp nhất của mọi dân tộc. Chứng tá này đã là truyền giáo, bởi vì trong ý nghĩa sâu xa nó là một sự công bố Tin mừng về “tình yêu giải phóng và hợp nhất” của Thiên Chúa (cf. Phần mở đầu).

Vì thế, qua việc là một gia đình huynh đệ tu sĩ truyền giáo đến từ nhiều quốc gia và nền văn hóa, chúng ta làm chứng cho tính phổ quát của Giáo hội và tính phổ quát của Tình Yêu Thiên Chúa. Chúng ta đang nói rằng Tình Yêu Thiên Chúa không loại trừ một ai và rằng mọi người đều có chỗ trong Giáo hội – bất chấp văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ hay dân tộc của họ. Đồng thời, chúng ta làm chứng cho sự hợp nhất của mọi dân tộc và mang đến niềm hy vọng cho một thế giới bị chia rẽ theo sự khác biệt văn hóa và phân chia sắc tộc. Qua việc là một cộng đoàn tu sĩ truyền giáo quốc tế, chúng ta đang nói rằng những sự khác việc văn hóa của chúng ta không phải chia rẽ chúng ta, chúng có thể làm chúng ta phong phú lẫn nhau, vì thế, chúng ta đang nói rằng, dù mọi việc diễn ra xung quanh chúng ta, những người thuộc các dân tộc và nền văn hóa khác nhau đến sống chung trong hòa bình và hài hòa như một gia đình là điều có thể.

Trong khoảng tháng 10 và tháng 11 năm 1995, tôi đã kinh lý Tỉnh dòng Ghana của chúng ta ở châu Phi. Một phần công việc của tôi với tư cách người kinh lý là phải chủ tọa việc làm phép và khánh thành Trung Tâm Đào Tạo Chung tại Tamale, Miền Bắc Ghana. Trong bài giảng, tôi đã nói đến viễn cảnh về Chương Trình Đào Tạo Chung của vùng AFRAM trong bối cảnh đặc tính quốc tế của Hội dòng chúng ta. Tôi đã nói:

Chương trình này đã hình dung một cộng đoàn đào tạo, vốn huấn luyện các nhà truyền giáo tương lai có nguồn gốc từ những dân tộc khác nhau của châu Phi và ngoài châu Phi, và nó đã được trù định cho nhiều dân tộc ở châu Phi và ngoài châu Phi. Ở đây, các ứng sinh tu huynh và các ứng sinh linh mục học cách phát triển trong ơn gọi truyền giáo chung của họ; ở đây, họ học cách lắng nghe với ân sủng của Chúa Thánh Thần và học cách nói với thần lực của Ngôi Lời Thiên Chúa. Cũng ở đây, họ học cách yêu mến văn hóa riêng của họ và tôn trọng các nền văn hóa của những người khác. Vì thế, ở đây họ học cách đến với các nền văn hóa khác và hiểu những tôn giáo khác. Nói cách khác, ở đây, họ học cách trở thành những con người đối thoại, những con người hiệp thông, những con người của Ngôi Lời – nói tóm lại, những nhà truyền giáo của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Tại buổi đón tiếp sau đó, một trong các giám mục tham dự đã phát biểu ngắn. Quy chiếu đến bài giảng, ngài đã nói rằng việc bắt đầu chương trình đào tạo chung tại một nơi mà chỉ gần đây nhiều người đã mất mạng vì xung đột sắc tộc và chiến tranh bộ tộc hoàn toàn là công trình mang tính ngôn sứ của Dòng Ngôi Lời.

Giống như Giáo hội, Hội dòng chúng ta cũng mang tính truyền giáo không chỉ trong những việc mà Hội dòng thực hiện, những cũng còn trong những gì mà Hội dòng là. Chúng ta là những nhà truyền giáo không chỉ thông qua các công việc phục vụ mang tính truyền giáo của chúng ta, nhưng còn thông qua chứng tá mà chúng ta mang đến qua sự hiện diện quốc tế của chúng ta. Sự liên kết mật thiết và bất khả phân ly này giữa sứ vụ truyền giáo và tính quốc tế nhấn mạnh đến điểm đầu tiên được nêu ở trên, nghĩa là tính quốc tế là một yếu tố nền tảng trong đoàn sủng của Hội dòng chúng ta.

1.3 Tính quốc tế là một lý tưởng cần được tìm kiếm

Hiến pháp số 303.1 nói với chúng ta rằng “một trong những sắc thái nổi bật của đời sống cộng đoàn của chúng ta là có các anh em tu sĩ thuộc nhiều chủng tộc và nhiều quốc gia khác nhau cùng sống và làm việc chung với nhau.” Vì thế, như Hiến pháp số 116.2 diễn đạt điều đó, “vì đặc tính của Hội dòng chúng ta, các anh em trong Hội dòng được chỉ định đến phục vụ tại các tỉnh dòng khác nhau theo nguyên tắc của tính cách quốc tế tương đối đó.” Tuy nhiên, như đã nêu lên từ sớm, Hiến pháp điều 501 nói rằng mục đích đào tạo trong Hội dòng chúng ta là “sự tăng trưởng trong cộng đoàn truyền giáo bao gồm các phần tử xuất thân từ nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa.” Do đó, các chương trình và cơ cấu đào tạo của chúng ta sẽ phải đa dạng (Hp. số 504.1) và các cơ hội để có kinh nghiệm xuyên văn hóa phải được tạo ra cho cả các ứng sinh tu huynh và linh mục của chúng ta (Hp. số 515.3; 516.4). Đối với các ứng sinh linh mục, việc học thần học có thể được thực hiện tại một quốc gia khác với một sự giới hạn (Hp. số 516.5). Chương trình lứa tuổi thứ ba tại Nemi cũng được khuyến khích như là một cách thức để củng cố tinh thần gia đình trong cộng đoàn quốc tế của chúng ta (Hp. số 519). Thậm chí việc bầu chọn các thành viên hội đồng và việc bổ nhiệm các nhân viên tại Tổng quyền nên tính đến đặc tính quốc tế của Hội dòng chúng ta (Hp. số 619.2).

Vậy thì, rõ ràng rằng tính quốc tế phải là điều gì đó được cổ vũ cách có ý thức trong Hội dòng – trong các chương trình đào tạo cơ bản của chúng ta, trong các chương trình thường huấn của chúng ta, trong đời sống cộng đoàn của chúng ta, trong công việc truyền giáo của chúng ta, trong việc quản trị và lãnh đạo của Hội dòng chúng ta. Như thế, tính quốc tế được xem như là một yếu tố làm phong phú đời sống và công việc tu sĩ truyền giáo của chúng ta. Quả thật, Hiến pháp số 504.1 nói về “tính chất phong phú của tính quốc trong Hội dòng chúng ta,” trong khi Hiến pháp số 303.1 nói rằng tính quốc tế “trở thành một kinh nghiệm làm phong phú cho nhau với điều kiện là chúng ta phải tôn trọng quốc tịch và nền văn hóa của mỗi người anh em.” Cho nên, Hiến pháp số 113.1 nhắc nhở chúng ta rằng “Hội dòng chúng ta cũng học sống tính quốc tế của mình một cách đậm đà và sâu sắc hơn” qua việc cổ vũ sự đa dạng trong thần học, linh đạo, các chương trình và cơ cấu đào tạo.

Đối với tôi, ý tưởng về tính quốc tế như một lý tưởng phải được tìm kiếm là điều gì đó phân biệt chúng ta với những Hội dòng truyền giáo quốc tế khác. Một vài Hội dòng chỉ mang tính quốc tế cách ngẫu nhiên hay cách bắt buộc. Vì thế, chúng ta biết rằng một vài Hội dòng đặt cơ sở tại châu Âu đã bị thúc ép tìm kiếm ơn gọi từ châu Á để sống sót. Những Hội dòng khác, khi mang tính quốc tế theo nghĩa rằng họ có các thành viên đến từ nhiều quốc gia, được tổ chức theo cách thức mà các tỉnh dòng hay các cộng đoàn địa phương hoặc các vùng truyền giáo của họ không thực sự mang tính quốc tế. Do đó, chúng ta nghe về tỉnh dòng Trung quốc, hoặc một tỉnh dòng Ai-len, hay tỉnh dòng Úc của họ.

Trái lại, tính quốc tế của chúng ta không đơn giản là ngẫu nhiên và cũng không phải do bắt buộc; tính quốc tế của chúng ta là một tính quốc tế cách cố ý. Vì thế, trong khi chúng ta cũng nói đến các tỉnh dòng Ai-len hay Đức hay Úc của chúng ta, chúng ta thực sự muốn nói đến các tỉnh dòng Ngôi Lời tại Ai-len, hoặc tại Đức, hay tại Úc và bao gồm các thành viên không chỉ là những anh em người Ai-len, hoặc người Đức, hoặc người Úc. Khi chúng ta khởi đầu một sứ vụ truyền giáo, chúng ta cố gắng gửi đến một nhóm quốc tế ngay từ đầu. Nó đã là như thế tại Hàn Quốc, tại Cuba, tại Madagascar. Nó cũng sẽ như thế tại Mozambique trong tương lai rất gần. Thú thật, đã có một khác biệt nhỏ tại Vùng Nga Trắng (White Russia) hay Mát-xcơ-va. Ở đó, chúng ta đã chỉ bắt đầu với những anh em người Balan. Rất sớm, nhu cầu – hay thậm chí là sự khao khát – về một cộng đoàn quốc tế đã bị thất bại. Vì thế, bây giờ hai chủng sinh người Indonesia đang học tại Ba Lan với ý định làm quốc tế hóa sự hiện diện của chúng ta tại cả hai nơi này. Cũng từ rất sớm, cha Tổng quyền muốn cha Gaspard Mudiso, một người anh em châu Phi của chúng ta ở Hội đồng Tổng quyền, đến thăm Việt Nam, để đánh tan bất kỳ ấn tượng nào có thể được tạo ra nơi Dòng Thánh Giuse rằng Dòng Ngôi Lời chỉ là người Mỹ, hay người Úc, hay người Philippines.

1.4 Tính quốc tế là một thách đố cho việc sống cộng đoàn và sự làm việc nhóm

Trong việc trình bày tính quốc tế như là một lý tưởng được tìm kiếm, Hiến pháp chúng ta không lờ đi những khó khăn thực tế nổi lên từ nó. Do đó, Hiến pháp số 303.1 nhắc nhở chúng ta rằng đặc tính quốc tế của chúng ta trở nên phong phú lẫn nhau chỉ khi nó được đặt trên sự tôn trọng hết sức đối với quốc tịch và văn hóa lẫn nhau. Hơn nữa, Hiếp pháp số 113.1 khuyến khích chúng ta học cách sống đặc tính quốc tế của chúng ta cách phong phú và sâu xa hơn. Cuối cùng, Hiến pháp số 303.6 khuyên nhủ chúng ta chịu đựng những yếu đuối cá nhân lẫn nhau cách kiên nhẫn và chịu đựng những căng thẳng phát sinh từ các khác biệt về tính khí, tuổi tác, quốc tịch và văn hóa.

Bất kỳ ai đã có kinh nghiệm sống trong một cộng đoàn quốc tế hay đa văn hóa sẽ chứng nhận thực tế rằng có nhiều vấn đề có phát sinh từ việc khác biệt về mặt văn hóa, nghĩa là những cách khác nhau để nhìn các sự việc, những lối khác nhau để sống cộng đoàn, những cách thức khác nhau để thể hiện bản thân mình, những thái độ khác nhau đối với thực tại xã hội, … Do đó, đặc tính quốc tế cũng có thể được sử dụng để che đậy những khiếm khuyết hay sự thất bại. Vì thế, những sự bất đồng phát sinh từ những khác biệt về tuổi tác hay tính khí hoặc quan điểm cũng dễ dàng được quy cho những khác biệt văn hóa. Cuối cùng, tính quốc tế cũng có thể được sử dụng như một cái cớ thuận tiện cho một thuyết tương đối không lành mạnh (“chúng tôi làm điều này tại quê hương cho nên tôi nên được cho phép làm điều này ở đây”) hay một sự không liên lụy phi thực tế (escapist uninvolve-ment) (“chúng tôi không làm điều ấy tại quê hương cho nên tôi không liên quan đến điều ấy ở đây”).

Gần đây, tôi đã có một cuộc nói chuyện với một sơ SSpS, vốn là một tham dự viên của khóa học mục vụ Kinh Thánh tại Nemi. Sơ ấy là một người châu Á, vốn đang làm việc như là một nhà truyền giáo ở châu Phi với các chị em đến từ những nơi khác trên thế giới. Sơ ấy đã kể cho tôi những khó khăn mà sơ gặp phải không chỉ trong việc thích nghi với hoàn cảnh châu Phi nhưng còn trong công việc như là một nhóm với các chị em SSpS của sơ ấy. Một trong các bình luận của sơ ấy là: việc nói về tính quốc tế là tuyệt vời, nhưng thực tế của tính quốc tế có thể thường đang làm tổn thương và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho ơn gọi của người ta. Cuối cùng, sơ ấy đã nói rằng sơ sẽ trở lại với sứ vụ của mình, bởi vì sơ đã trưởng thành nhờ tính quốc tế hơn là sơ chịu khổ vì nó.

Hoàn toàn có thể, lời bình luận của sơ ấy tổng hợp thái độ của hầu hết các anh em chúng ta đối với tính quốc tế. Tất cả mọi sự được đặt chung với nhau, những lợi ích của tính quốc tế có giá trị hơn nhiều so với các vấn đề của nó, và hầu hết chúng ta sẽ mang tính quốc tế và đối diện với các vấn đề của nó hơn là không mang tính quốc tế và vẫn có những vấn đề khác.

  1. Tính quốc tế tại vùng châu Á-Thái Bình Dương

Sau khi suy tư về lý tưởng tính quốc tế như nó được hàm chứa trong Hiến pháp của chúng ta, bây giờ hãy cho phép tôi chuyển đến việc kiểm tra thực tế tính quốc tế trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.

2.1 Các con số

Các bảng thống kê sau đây được dựa trên Catalogus, ngày 01.01.96, và chỉ bao gồm những thành viên khấn trọn.

(a) “Tính quốc tế qua những con số”

Cột 1: Tỉnh dòng

Cột 2: Con số thành viên khấn trọn

Cột 3: Con số thành viên bản xứ khấn trọn

Cột 4: Con số thành viên ngoại quốc khấn trọn

Cột 5: Phần trăm thành viên bản xứ trên tổng số thành viên

Cột 6: Phần trăm thành viên ngoại quốc trên tổng số thành viên

Cột 7: Con số quốc tịch trong tỉnh dòng

Cột 8: Con số quốc tịch trong tỉnh dòng từ ngoài vùng châu Á-Thái Bình Dương

Cột 9: Con số quốc tịch trong tỉnh dòng từ vùng châu Á-Thái Bình Dương

1 2 3 4 5 6 7 8 9
IDE 212 167 45 78.77 21.22 11 9 2
PNG 188 1 187 0.53 99.46 23 17 6
PHC 161 111 50 68.94 31.05 16 10 6
INC 140 134 6 95.71 4.28 6 5 1
INS 132 128 4 96.96 3.03 4 3 1
INE 125 121 4 96.80 3.20 4 3 1
IDJ 113 98 15 86.72 13.27 6 4 2
PHS 105 79 26 75.23 24.76 11 8 3
IDT 101 80 21 79.20 20.79 9 7 2
JPN 99 51 48 51.51 48.48 17 12 5
PHN 86 60 26 69.76 30.23 10 6 4
IDR 82 64 18 78.04 21.95 8 7 1
SIN 76 14 62 18.42 81.57 19 14 5
AUS 46 9 37 19.56 80.43 16 10 6
KOR 10 1 9 10.00 90.00 6 2 4
  1676 1118 558 66.70 33.29      
ISA 508 409 99 80.51 19.48 14 12 2
IND 397 383 14 96.47 3.52 8 7 1
PHI 352 250 102 71.02 28.97 19 14 6

Chú thích:

(1) Các tỉnh dòng được liệt kê theo kích cỡ, nghĩa là con số các thành viên khấn trọn. Theo nghĩa này, IDE đứng hàng đầu với 212 thành viên khấn trọn, theo sau là PNG (188), PHC (161), INC (140), v.v… (cf. cột 2).

(2) Nếu – và đây là một cái “nếu” lớn – mức độ của tính quốc tế được đo lường bởi con số quốc tịch trong một tỉnh dòng, thì PNG sẽ đứng đầu với 23 quốc tịch, theo sau là SIN (19), AUS và PHC (mỗi tỉnh dòng với 16 quốc tịch), v.v… (cf. cột 7).

(3) Nếu, thay vì điều nói trên, tính quốc tế được đo lường bởi tỷ lệ giữa các thành viên bản địa và các thành viên ngoại quốc trong một tỉnh dòng, thì xem cột 5 và cột 6. Tuy nhiên, rất khó để nói tỷ lệ lý tưởng là gì. Về mặt tỷ lệ các thành viên ngoại quốc, PNG có tỷ lệ cao nhất với 99.4%, theo sau là KOR (90.4%), SIN (81.5%), AUS (80.4%), v.v…

(4) Trong tổng số 1676 anh em khấn trọn đang làm việc trong vùng, có 1118 anh em bản xứ và 558 anh em ngoại quốc.

(5) Dưới các con số tổng cộng là những con số đối với ba quốc gia có hơn một tỉnh dòng (Indonesia, Ấn độ, Philippines).

(6) Một chú thích đặc biệt nên được đưa ra đối với Hàn Quốc. Trong khi tất cả các tỉnh dòng khác có nhiều quốc tịch ở bên ngoài vùng châu Á-Thái Bình Dương hơn là các quốc tịch thuộc vùng này, Miền Dòng Hàn Quốc có nhiều quốc tịch thuộc vùng chấu Á-Thái Bình Dương hơn là các quốc tịch ở bên ngoài vùng này (cf. cột 8 và 9).

(b) “Các quốc tịch trong vùng châu Á-Thái Bình Dương”

ISA 440 26.25% ENG 5 0.29%
IND 406 24.22% ARG 3 0.17%
PHI 286 17.06% CHI 3 0.17%
GER 146 8.71% PAN 3 0.17%
USA 80 4.77% NZL 2 0.11%
POL 71 4.23% PAR 2 0.11%
JPN 52 3.10% ESP 2 0.11%
HOL 51 3.04% GHA 2 0.11%
IRE 19 1.13% ZAI 2 0.11%
SIN 18 1.07% SCO 2 0.11%
OES 16 0.95% BRZ 2 0.11%
AUS 14 0.83% KOR 1 0.05%
ITA 11 0.65% PNG 1 0.05%
HUN 10 0.59% BEL 1 0.05%
SLO 9 0.53% POR 1 0.05%
SWI 7 0.41% BOL 1 0.05%
VIE 6 0.35% URS 1 0.05%

Chú thích:

(1) Tổng số quốc tịch = 34 (trong số khoảng 58 quốc tịch của toàn Hội dòng, hay chiếm 58.62%).

(2) Tổng số các thành viên = 1676 (trong số 4334 thành viên của toàn Hội dòng, hay chiếm 38.67%).

(3) Tổng số các tỉnh dòng/miền dòng = 15 (trong số 51 tỉnh dòng/miền dòng của toàn Hội dòng, hay chiếm 29.41%).

Các quốc tịch châu Âu (15):

GER 146 (8.71%)
POL 71 (4.23%)
HOL 51 (3.04%)
IRE 19 (1.13%)
OES 16 (0.95%)
ITA 11 (0.65%)
HUN 10 (0.59%)
SLO 9 (0.53%)
SWI 7 (0.41%)
ENG 5 (0.29%)
ESP 2 (0.11%)
SCO 2 (0.11%)
BEL 1 (0.05%)
POR 1 (0.05%)
URS 1 (0.05%)

Các quốc tịch châu Mỹ (7):

USA 80 (4.77%)
ARG 3 (0.17%)
CHI 3 (0.17%)
PAN 3 (0.17%)
PAR 2 (0.11%)
BRZ 2 (0.11%)
BOL 1 (0.05%)

Các quốc tịch châu Phi (2):

GHA 2 (0.11%)
ZAI 2 (0.11%)

Các quốc tịch châu Á-Thái Bình Dương (10):

(xem biểu đồ tiếp theo)

(c) “Các quốc tịch châu Á-Thái Bình Dương trong vùng châu Á-Thái Bình Dương”

Cột 1: Quốc tịch

Cột 2: Tổng số anh em đang làm việc trong vùng châu Á-Thái Bình Dương

Cột 3: Tổng số anh em đang làm việc trong quốc gia của mình

Cột 4: Tổng số anh em đang làm việc ngoài quốc gia của họ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương

Cột 5: Phần trăm con số anh em đang làm việc trong quốc gia của họ tại vùng châu Á-Thái Bình Dương trên tổng số

Cột 6: Phần trăm con số anh em đang làm việc bên ngoài quốc gia của họ trên tổng số.

1 2 3 4 5 6
ISA 440 409/ 31 92.95% 7.04%
IND 406 383/ 23 94.33% 5.66%
PHI 286 250/ 36 87.42% 12.58%
JPN 52 51/ 1 98.07% 1.92%
SIN 18 14/ 4 77.77% 22.22%
AUS 14 9/ 5 64.28% 35.71%
VIE 6 0/ 6 0.00% 100%
NZL 2 0/ 2 0.00% 100%
KOR 1 1/ 0 100% 0.00%
PNG 1 1/ 0 100% 0.00%
10 1226 1118/ 108 91.19% 8.80%

Chú thích:

(1) Tổng số các quốc tịch = 10

(2) Tổng số các thành viên châu Á-Thái Bình Dương đang làm việc tại vùng này = 1226

(3) Tổng số các thành viên châu Á-Thái Bình Dương đang làm việc bên trong quốc gia của mình tại vùng này = 1118

(4) Tổng số các thành viên châu Á-Thái Bình Dương đang làm việc bên ngoài quốc gia của mình tại vùng này = 108

2.2 Một vài nhận xét trên các con số

Mục đích của việc trình bày những con số này không phải là để cố khẳng định tính quốc tế, cũng không phải là để chứng minh về việc tỉnh dòng nào mang tính quốc tế nhất hay những tỉnh dòng nào mang tính quốc tế hơn các tỉnh dòng khác. Tôi cảm thấy cuộc tranh luận như thế không có ích cho sứ vụ của chúng ta và cũng không có ích cho Triều Đại Thiên Chúa. Mục đích là đưa ra cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về việc các tỉnh dòng thuộc vùng châu Á-Thái Bình Dương nổi bật về phương diện quốc tế như thế nào. Trong bối cảnh này, cho phép tôi đưa ra ba nhận xét liên quan đến các con số:

(a) Hiển nhiên, do những hạn chế của chính phủ, các tỉnh dòng của chúng ta tại Ấn Độ và Indonesia đang gặp nguy cơ mất đặc tính quốc tế của họ. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng những quốc gia lớn này cũng là những quốc gia có nhiều khác biệt về mặt văn hóa nơi họ. Vì thế, khi đề cập đặc biệt đến Ấn Độ và Indonesia, chúng ta nói đến tính đa văn hóa và không chỉ nói đến tính quốc tế trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Chắc chắn rằng tính đa văn hóa là một phần bổ sung phong phú cho tính quốc tế và nên được khích lệ như thế. Tuy nhiên, người ta có thể tự hỏi tính đa văn hóa là một sự thay thế đầy đủ cho tính quốc tế được hay không. Thông thường, khi không có tính quốc tế, những vấn đề liên văn hóa nội tại của một tỉnh dòng – hay của một quốc gia – được thổi phồng lên. Chúng ta cần nêu lên một vài câu hỏi quan trọng: Chúng ta làm điều gì trong những hoàn cảnh như thế này? Có những cách thức để duy trì tính quốc tế dù cho có những hạn chế của chính quyền? Chúng ta khai thác tính đa văn hóa như là một phần bổ sung hay thậm chí, nếu cần thiết, như là một sự thay thế cho tính quốc tế như thế nào?

(b) Tuy nhiên, những hạn chế của chính quyền chỉ là một phần lý do của sự thiếu tính quốc tế trong các tỉnh dòng có nhiều ơn gọi bản xứ như Ấn Độ và Indonesia. Một lý do rất thực tế khác là có nhiều ơn gọi bản xứ trong những tỉnh dòng này. Do đó, ấn tượng được tạo ra cách dễ dàng rằng những tỉnh dòng này không cần các nhà truyền giáo từ hải ngoại. Thậm chí có thể xảy ra rằng chính những nhà truyền giáo ngoại quốc cảm thấy không có nhu cầu cần họ ở những tỉnh dòng này. Những người khác tin rằng họ đã thực hiện công việc của họ và vui mừng rằng những tỉnh dòng này đã đến tuổi trưởng thành và đã trở thành những tỉnh dòng gửi các nhà truyền giáo. Ở đây, các tỉnh dòng Philippines, Ấn Độ và Indonesia đang có nguy cơ đánh mất tính quốc tế của họ. Ở đây, một vài câu hỏi cũng cần được nêu lên: Tính quốc tế có nghĩa gì trong những tỉnh dòng mà có nhiều ơn gọi bản xứ? Vai trò của các nhà truyền giáo ngoại quốc là gì trong những tỉnh dòng mà các anh em bản xứ đã nắm giữ những vị trí họ thường có? Tính quốc tế được cỗ vũ như thế nào trong những trường hợp như thế?

(c) Khi nhìn vào đầu bên kia của sự phân bố, chúng ta cũng có thể tự hỏi tính quốc tế có nghĩa là gì hay nên có nghĩa gì trong những tỉnh dòng mà có quá ít các thành viên bản xứ như tại PNG, Trung Quốc, Úc. Tôi hướng đến việc nghĩ rằng một tính quốc tế lành mạnh cần có một “nền tảng địa phương.” Nếu không có nền tảng địa phương như thế, thì tính quốc tế có thể bị đồng hóa cách dễ dàng với tính ngoại quốc hay tính xa lạ, nghĩa là Hội dòng nơi một tỉnh dòng không có một nền tảng địa phương đầy đủ có thể xem ra là ngoại kiều hay xa lạ. Nó phải là sự uy tín (credit) của Hội dòng chúng ta mà, ngoại trừ một vài nơi, nó không mất nhiều thời gian cho đến khi chúng ta bắt đầu nhận các ơn gọi bản xứ vào hàng ngũ chúng ta. Điều này chắc chắn nói đến tính quốc tế như là một đặc tính cơ bản của Hội dòng chúng ta. Tuy nhiên, mặt khác việc tuyển ơn gọi cho Hội dòng chúng ta khi chúng ta bắt đầu một sứ vụ truyền giáo (mission) cũng không phải là lành mạnh ngay tức khắc. Ở đây cũng có một vài câu hỏi được gợi ra: Chúng ta phải đợi bao lâu để bắt đầu tuyển ơn gọi địa phương? Tính quốc tế có nghĩa là gì trong những tỉnh dòng mà có quá ít các thành viên bản xứ? Chúng ta có thể làm gì để cổ vũ ơn gọi cho Hội dòng chúng ta tại các nơi như Úc, Trung Quốc và Tân Ghi Nê?

Như chúng ta đã thấy, những con số vô thưởng vô phạt trong Catalogus của chúng ta làm nổi lên nhiều câu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời liên quan đến tính quốc tế. Khi để lại những câu hỏi cho các anh em suy nghĩ, hãy để tôi đi đến phần thứ ba của bài thuyết trình này, vốn là một suy tư hơn nữa về tính quốc tế.

  1. Những suy tư hơn nữa về tính quốc tế

Ở đây, tôi muốn đưa ra hai suy tư hơn nữa về tính quốc tế. Một là về những đòi hỏi cơ bản của tính quốc tế thật sự, và hai là về những hàm ý của nó đối với sứ vụ truyền giáo.

3.1 Những đòi hỏi căn bản của tính quốc tế

Tôi tin rằng, để cho tính quốc tế trở nên xác thực, hai yêu cầu căn bản được đòi hỏi, nghĩa là một linh đạo tương ứng và một cơ cấu tổ chức tương ứng. Yêu cầu thứ nhất là điều mà chúng ta có thể gọi là một yêu cầu nội tại, yêu cầu thứ hai là một yêu cầu ngoại tại. Có lẽ không có ý định làm như thế cách rõ ràng, nhưng hai Tổng tu nghị vừa qua đã đưa ra hình dáng cho hai yêu cầu này. Tổng tu nghị 13 năm 1988 đã nói rõ ràng cho chúng ta linh đạo vượt qua (spirituality of passing over) như là linh đạo cho tính quốc tế, trong khi Tổng tu nghị 14 năm 1994 đã phát triển cho chúng ta cơ cấu Vùng (Zonal structure) như là cơ cấu cho tính quốc tế.

  1. A) Linh đạo vượt qua

Khi đưa ra những khó khăn tiềm ẩn mà tính quốc tế có thể tạo ra cho các cộng đoàn đa văn hóa của chúng ta, thì tính quốc tế cần được yểm trợ bởi một linh đạo tương ứng. Tôi tin rằng linh đạo này là linh đạo vượt qua, hay – tôi nghĩ rằng điều gì đó tương tự – linh đạo đối thoại (spirituality of dialogue) mà Tổng tu nghị 1988 đã nói rõ ràng cho chúng ta.

Như tôi hiểu nó, từ đầu linh đạo vượt qua đã được hình dung như là một linh đạo cho công việc truyền giáo của chúng ta với mọi dân tộc. Vì thế, chúng ta nói đến ba lĩnh vực đối thoại – với các nền văn hóa, với những truyền thống tôn giáo khác, và với người nghèo. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta nên dành riêng lại (re-appropriate) linh đạo này như là linh đạo cho đời sống chung của chúng ta trong các cộng đoàn đa văn hóa và cho sự làm việc chung của chúng ta như là các nhà truyền giáo trong các nhóm quốc tế. Tài liệu của Tổng tu nghị 1988 về linh đạo có nhiều điều tuyệt vời để nói về sự vượt qua đến với người khác của chúng ta; thật sự đó là những điều tương tự có thể được nói về sự vượt qua để đến với nhau của chúng ta trong các cộng đoàn đa văn hóa và các nhóm quốc tế. Tôi muốn nói rằng sự vượt qua để đến với người khác của chúng ta trở nên khả thể và đáng tin chỉ khi đó là một suy tư hay sự mở rộng việc vượt qua để đến với nhau. Thật là tốt nếu chúng ta đọc lại tài liệu này trong tinh thần chúng ta đối thoại lẫn nhau hơn là trong tinh thần chúng ta đối thoại với người nghèo, với các tôn giáo khác và với các nền văn hóa khác. Tôi nghĩ có thể lấy lại một chút bài thánh ca tuyệt vời về sự vượt qua (vốn đã trở nên như thể đó là bài thánh ca của Hội dòng chúng ta) và nói:

Được sai đi bởi Chúa Giêsu, chúng tôi lên đường đi.

Gắn với nhau như là những huynh đệ từ nhiều nền văn hóa,

chúng tôi vượt qua để ở với nhau,

trao hiến và đón nhận tin mừng,

với sự tôn trọng, thấu hiểu, lòng trắc ẩn, và tình yêu.

Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, chúng tôi đi vào.

Cách vui vẻ, tràn đầy hy vọng,

chúng tôi phục vụ, chia sẻ và trở nên một với nhau,

đặc biệt với những ai thuộc các nền văn hóa khác với nền văn hóa của chúng tôi.

Và như thế chúng tôi làm chứng, và giúp tạo mẫu

cho sự hiệp thông đầy yêu thương của toàn thể nhân loại,

và sự hiệp thông của nhân loại với Thiên Chúa Ba Ngôi,

Đấng yêu thương chúng ta.

Về việc này, chúng ta cần nhận thức rằng tính quốc tế chỉ đặt trong trong cùng một cộng đoàn mà các anh em đến từ nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau. Tính quốc tế thật sự đòi hỏi sự cố gắng đầy ý thức để vượt qua đến với người khác và cho phép người khác làm phong phú chúng ta. Giống như bất kỳ cộng đoàn nào khác, một cộng đoàn quốc tế thật sự không chỉ xảy ra; nó cần được tạo nên. Theo nghĩa này, linh đạo vượt qua là cần thiết cho tính quốc tế. Một yếu tố quan trọng trong linh đạo này là khả năng không hỏi quá nhiều câu hỏi tại sao người khác khác biệt với tôi cũng như câu hỏi tại sao tôi khác biệt với người khác.

  1. B) Tổ chức Vùng

Tôi đã viết về điều này trong tờ báo Arnoldus Nota vừa rồi, nhưng vì tại một vài nơi, những xuất bản của Tổng quyền chỉ được trưng bày cách đẹp đẽ nhưng không được đọc kỹ, tôi sẽ lặp lại những điểm chính của lá thư mở rộng này.

Nhà thần học Aylward Shorter, vào thời gian Thượng hội đồng giám mục châu Phi, đã đưa ra một bài diễn thuyết mà trong đó ngày đã nói rằng để Giáo hội trở nên thật sự là Giáo hội hiệp thông, nó cần phải trở nên một Giáo hội đa trung tâm về văn hóa (a culturally polycentric Church). Tôi nghĩ rằng một điều gì đó tương tự có thể được nói về Hội dòng chúng ta, nghĩa là để Hội dòng chúng ta trở nên thật sự là quốc tế, nó cần phải trở nên một dòng tu truyền giáo đa trung tâm (a polycentric religious missionary congregation). Thiếu thực tại đa trung tâm này, tính quốc tế sẽ chỉ là một lớp vỏ bên ngoài, vốn bao phủ chủ nghĩa độc nhất văn hóa của một Hội dòng độc tâm.

Tuy nhiên, thật hạnh phúc, Hội dòng chúng ta đã sẵn sàng di chuyển từ chủ nghĩa độc tâm sang chủ nghĩa đa tâm. Điều này đã hiển nhiên trong Tổng tu nghị 1994 khi mà các tỉnh dòng đã đến dự không chỉ như những tỉnh dòng đơn lẻ nhưng như những tỉnh dòng thuộc về một Vùng – châu Phi-Madagascar, châu Á-Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Âu. Hệ thống các Vùng đã không chỉ tạo ra cảm giác thuộc về nhưng đã còn tạo ra cảm thức về căn tính giữa các tỉnh dòng thuộc một vùng địa lý hay văn hóa. Điều này thực sự đặc biệt đối với các tỉnh dòng trẻ hơn của châu Phi và châu Á. Khi khám phá lẫn nhau, họ nhận thấy chính họ và vì thế họ thủ đắc được một căn tính của riêng họ như là các tỉnh dòng châu Phi và châu Á, khác với nhưng không phải là ở dưới những tỉnh dòng lâu đời hơn của châu Âu và châu Mỹ. Như là những Vùng, họ đã tìm thấy tiếng nói của họ và đã nói cho chính họ như là các bên bình đẳng trong cuộc đối thoại được diễn ra tại Tổng tu nghị.

Cuộc đối thoại giữa các vùng này đã gây ra sự nhận thức rằng không có một Vùng hay tỉnh dòng nào là tự mãn (self-sufficient) và rằng mỗi Vủng hay tỉnh dòng đều cần đến Vùng hay tỉnh dòng khác. Việc phân chia cũ giữa tỉnh dòng gửi và tỉnh dòng nhận; không một tỉnh dòng nào chỉ gửi đi hay chỉ nhận vào; bây giờ mọi tỉnh dòng đều là tỉnh dòng gửi và tỉnh dòng nhận. Điều nổi lên từ cuộc đối thoại này là cảm giác rằng Hội dòng là một Hội dòng truyền giáo quốc tế thực sự. Điều mà công đồng Vatican II đạt được cho Giáo hội, thì Tổng tu nghị 14 cũng đã đạt được cho Hội dòng, nghĩa là sự ý thức về sự phổ quát, và không còn thực tế châu Âu chiếm ưu thế. Với sự nhìn nhận vai trò các Vùng của Tổng tu nghị trong đời sống và trong việc lãnh đạo của Hội dòng chúng ta, đã có một bước di chuyển lớn từ chủ nghĩa độc tâm sang chủ nghĩa đa tâm, vốn làm cho tính quốc tế trong Hội dòng không còn chỉ là lời nói đạo đức giả nhưng là một thực tế cụ thể.

3.2 Những hàm ý về truyền giáo

Ở đây tôi không muốn giải quyết trước hay sao lại phần thuyết trình của John M. Prior về những khuynh hướng mới trong truyền giáo (cf. chương 7). Tôi chỉ muốn lưu ý rằng có nhiều hàm ý về truyền giáo từ thực tế rằng chúng ta đã trở nên một Hội dòng quốc tế và đa trung tâm. Ở đây tôi chỉ nêu ra hai điều:

  1. A) Một lối suy tư mới về truyền giáo

Trước tiên, chủ nghĩa đa tâm ám chỉ một lối suy tư mới về truyền giáo. Lối hiểu truyền giáo mang tính “độc hướng” (uni-directional) nào đó đã được liên kết với chủ nghĩa độc tâm. Truyền giáo đã là mọi thứ bên ngoài trung tâm châu Âu, và việc Tin mừng hóa đã đi từ trung tâm Kitô giáo đến phần còn lại của thế giới ngoại giáo. Nhân loại đã được thành những người tin và những người không tin, và Giáo hội được chia thành Giáo hội truyền giáo và các Giáo hội được truyền giáo. Trái lại, chủ nghĩa đa tâm được cắm rễ trong cái nhìn rằng giáo hội là truyền giáo tự bản chất, và điều này bao gồm mọi giáo hội địa phương ở bất kỳ phần nào của thế giới. Như là bí tích của Triều Đại Thiên Chúa, Giáo hội được mời gọi để tập hợp nhân loại bị chia rẽ vào trong sự hiệp thông nơi Chúa Giêsu Kitô. Một lối hiểu truyền giáo mang tính “định hướng khác” (other-directional) được với chủ nghĩa đa tâm. Việc Tin mừng hóa đang đi vào trong cuộc đối thoại với người khác, nghĩa là những ai khác với chúng ta hay tách biệt với chúng ta bởi các hàng rào tôn giáo, văn hóa và xã hội; và truyền giáo là vượt qua từ các trung tâm đến các vùng ngoại biên của xã hội.

Tổng tu nghị 1994 thể hiện lối hiểu truyền giáo này rằng truyền giáo là phục vụ cho sự hiệp thông. Hay nói cách khác, truyền giáo không là gì khác hơn, nhưng là chia sẻ về kế hoạch Thiên Chúa kéo toàn thể nhân loại vào trong sự hiệp thông trọn vẹn giữa họ và với Ngài.

  1. B) Những lối làm việc truyền giáo mới

Thứ hai, chủ nghĩa đa tâm dẫn đến việc nổi lên những cách làm việc truyền giáo mới. Khi các nhà truyền giáo đã đến từ chỉ một trung tâm, đã xảy ra rằng cơ bản chỉ có một lối làm việc truyền giáo. Cũng xảy ra rằng khi các nhà truyền giáo ngày nay đến từ nhiều trung tâm, sẽ có nhiều cách làm việc truyền giáo mới. Một trong những cách này sẽ là cách làm việc truyền giáo của châu Á. Tương lai được dự định cách rõ ràng, bởi vì quả thật lối làm việc truyền giáo này còn phải định hình. Khi nó định hình, tôi đánh bạo nói rằng nó sẽ được đặc trưng bởi những đặc tính sau:

Truyền giáo từ vị thế của một người yếu thế

Vì phần lớn các nhà truyền giáo châu Á đến từ những quốc gia được đặt trưng bởi kinh nghiệm lịch sử về sự thực dân, một điều kiện kinh tế-xã hội nghèo, và một tình trạng mà ở đó Kitô giáo là thiểu số, nên nhà truyền giáo châu Á sẽ không loan báo Tin mừng từ vị thế của kẻ có quyền lực hay kẻ mạnh, cũng không từ vị thế của văn hóa trên hay của tôn giáo chiếm đa số. Dĩ nhiên là nhà truyền giáo ấy sẽ vượt qua để đến với người khác và trở nên một với người khác trong hoàn cảnh bị áp bức và nghèo khó, phân biệt đối xử và mất căn tính, đau khổ và tội lỗi của họ. Nhà truyền giáo ấy sẽ không đứng lên chống lại những người ở vị thế trên, nhưng đứng bên cạnh họ trong sự liên đới đích thực.

Truyền giáo qua sự hiện diện chiêm niệm

Một đặc trưng khác của châu Á là tinh thần tôn giáo và chiêm niệm của nó, sự hiện diện chiếm ưu thế hơn sự làm việc. Nhà truyền giáo châu Á sẽ loan báo Tin mừng không bằng sự làm việc cho dân nhưng bằng sự hiện diện với họ và việc làm cho chính họ có khả năng làm việc. Phương pháp truyền giáo của nhà truyền giáo ấy sẽ được đánh dấu không phải bởi hoạt động điên cuồng nhưng bởi sự hiện diện chiêm niệm giữa Dân Thiên Chúa. Nhà truyền giáo ấy sẽ không bị lôi cuôn vào việc giải thích cặn kẽ mầu nhiệm Thiên Chúa qua việc giảng dạy lan man, nhưng sẽ cố gắng hướng dẫn dân đi vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa qua cuộc đối thoại tôn trọng.

Truyền giáo bằng những người phục vụ niềm tin

Một đặc trưng khác của châu Á là niềm tin Kitô giáo đã đến những biên bờ của nó như là một điều gì đó được nhập cảng hay thậm chí được áp đặt từ bên ngoài. Bất chấp những cố gắng hội nhập văn hóa, niềm tin Kitô giáo tại châu Á và Thái Bình Dương vẫn còn xa lạ hay ngoại lai, nó vẫn chưa thực sự trở nên của châu Á. Nhà truyền giáo châu Á sẽ không chia sẻ niềm tin như thể họ đã có nó, khi họ đọc những thuật ngữ mà nhờ đó niềm tim phải được thấu hiểu, sống và cử hành. Đúng hơn, họ sẽ chia sẻ niềm tin như là một hồng ân mà chính họ đã lãnh nhận, ý thức về chính bản thân họ như là người phục vụ niềm tin hơn là người sở hữu niềm tin hay người làm chủ niềm tin.

  1. Kết luận

Sẽ rất thú vị để tiếp tục mơ về điều có thể là hình dáng của cách làm việc truyền giáo của châu Á. Tuy nhiên, đây là lúc để kết luận. Hãy cho phép tôi làm thế bằng cách quy chiếu đến Tin mừng Gioan 14,1-2, vốn là một đoạn Tin mừng mà chúng ta sẽ thường xuyên đọc trong những ngày trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống này, và tôi nghĩ rằng người ta nói đến tính quốc tế và tính đa nguyên. Đây là chỗ mà Chúa Giêsu nói: “Lòng anh em đừng xao xuyến … trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở.”

Thật thế, trong nhà của Chúa Cha có nhiều phòng – một phòng cho tất cả con cái của Thiên Chúa, một phòng cho những người châu Phi, những người châu Âu, những người châu Mỹ, những người châu Á như là chính họ. Trong nhà của Chúa Cha, chúng ta không ngừng khác biệt lẫn nhau, dù là chúng ta sẽ trở nên một trong Ngài và với Ngài. Việc trở nên con cái của Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta bỏ lại phía sau những sự khác biệt của mình. Thiên Chúa vĩ đại hơn chúng ta có thể tưởng tượng, vĩ đại hơn bất kỳ sự đồng nhất hay tính độc tôn văn hóa chật hẹp nào.

Chúng ta, những người được mời gọi bước theo Chúa Giêsu trong việc làm cho toàn thể nhân loại nhận biết vị Thiên Chúa này, cần thấy rằng Giáo hội, và Hội dòng chúng ta, phải có phòng cho mọi người – cho người Tân ghi nê và người Hàn quốc, người Philippines và người Trung quốc, người Ấn độ và người Nhật bản, người Úc và người Indonesia, và nhiều người khác nữa. Do đó, đừng để cho lòng chúng ta xao xuyến, vì trong nhà của Chúa Cha có nhiều phòng!

Bài trướcVideo Ngày Hội Truyền Thông tại TGP Sài Gòn năm 2017
Bài tiếp theoPhim ngắn đoạt giải: “The Confession” (Xưng tội)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.