Dòng Ngôi Lời: Tổng Tu Nghị và các chiều kích Đặc Sủng

0
419

TỔNG TU NGHỊ VÀ CÁC CHIỀU KÍCH ĐẶC SỦNG

Cha Marcelo Cattaneo, SVD

Điều phối viên vùng PANAM

(Bài viết ngày được lấy từ tờ Arnoldus Nota, tháng 05.2018)

Đời sống và sứ vụ của chúng ta dưới ánh sáng của Tổng tu nghị thứ XVIII

Không biết chúng ta có đủ độ tự tin để cho phép chúng ta trải qua tiến trình canh tân không? Cùng một lúc chúng ta vừa là các tác giả, vừa là những người giữ vai trò chủ đạo và vừa là những người thừa hưởng lợi ích từ việc canh tân linh đạo mà chúng ta mong mỏi. Có lẽ chúng ta đang hy vọng rằng sự thay đổi sẽ đến từ trên, từ Tổng tu nghị, từ Ban Lãnh Đạo?

Các chiều kích đặc sủng

Thật khó để xác định những yếu tố chỉ cho biết sự thay đổi trong các cộng đoàn của chúng ta cũng như trong các Tỉnh dòng/Miền dòng/Giáo điểm về phương diện hướng nội của các chiều kích đặc sủng. Phương diện hướng ngoại dễ đo lường hơn hay dễ xác nhận hơn kết quả liên quan đến các mục tiêu. Tuy nhiên, những yếu tố nào sẽ cho phép chúng ta khẳng định rằng cuộc sống và sứ vụ của một cộng đoàn đã được làm phong phú bởi các chiều kích đặc sủng trong những năm vừa qua? Hiển nhiên là ở đây chúng ta quy chiếu đến “phẩm chất” của đời sống chúng ta và không phải quy chiếu đến các hoạt động làm nên các chương trình nghị sự và các bảng báo cáo của chúng ta. Rõ ràng các bảng báo cáo có thể thể hiện “phẩm chất” của đời sống chúng ta, nhưng không nhất thiết.

Với tư cách là các tu sĩ truyền giáo chúng ta đã quyết định dâng hiến cuộc sống chúng ta cho mục tiêu Triều Đại Thiên Chúa. Điều này khiến chúng ta tập chú vào Thiên Chúa, đấu tranh cho công lý và hòa bình, vươn ra bên ngoài và ôm lấy toàn thể nhân loại và truyền cảm hứng cho những ai nổ lực cùng với chúng ta trong mục tiêu chung này. Khi làm vang vọng sứ điệp Tin mừng (Mt 25) và Hiến pháp chúng ta (Hp. 102), Ban lãnh đạo tổng quyền hiện tại đã nhấn mạnh viễn cảnh đặc biệt mà vì đó ngày nay chúng ta sống cuộc đời dâng hiến: “Đặt những người rốt hết lên hàng đầu”. Những người bị loại trừ (những người nghèo, những người bên lề xã hội, các nạn nhân, các người tị nạn) không chỉ là những khuôn mặt, những con số thống kế, hay là những người thụ hưởng lòng bác ái của chúng ta. Họ là những người được ưu tiên của Thiên Chúa, và vì lý do này họ là sự thần hiển, một thực tại cụ thể mà Thiên Chúa đã luôn chọn và qua đó Thiên Chúa tiếp tục làm cho danh ngài được biết. Do đó, những người bị loại trừ (những người bé mọn) là một nguồn trong linh đạo của chúng ta, là lý do cho ơn gọi và đời sống cộng đoàn của chúng ta, là khuôn mẫu lãnh đạo của chúng ta, là khung đạo đức cho sự quản trị tài chính và tiến trình thường huấn của chúng ta.

Đời sống chúng ta được tập chú vào Thiên Chúa

Cùng với Lời Chúa, Thánh Thể và di sản thiêng liêng của Giáo hội và Hội dòng chúng ta, chúng ta cũng có sự phong phú thiêng liêng không bao giờ cạn của các anh em chúng ta. Ngoài điều đó, những người sống bên lề xã hội tạo ra cho chúng ta những đầu mối quý giá để chúng ta đào sâu đời sống thiêng liêng và sự trung thành của chúng ta đối với Tin mừng như thế nào. Họ giống như những viên ngọc quý giúp chúng ta nhận hiểu tốt hơn ơn gọi của chúng ta và giúp chúng ta sống sứ vụ của mình cách tròn đầy. Họ hướng chúng ta đến việc thanh tẩy hình ảnh mà chúng ta có về Thiên Chúa. Với họ chúng ta có thể tán dương Thiên Chúa của cuộc sống và của lịch sử. Họ hướng chúng ta đến sự phát triển trong mối tương quan của chúng ta với Đức Giêsu Nagiarét và qua họ chúng ta củng cố sự dấn thân của chúng ta trong việc cổ võ công lý.

Ngày nay chúng ta kinh nghiệm ở cấp độ toàn cầu về thực tế những người di dân và tị nạn vì chiến tranh, đói kém và nghèo khổ. Sự đói khát công lý của những đám đông này, như đã được ngôn sứ Êdêkien miêu tả (cf. Ed 37,1-14), cho chúng ta thấy những khuôn mặt đau khổ của Đức Kitô. Ngày nay, qua họ Thiên Chúa đặt ra cho chúng ta cùng một câu hỏi: những con người này sẽ có khả năng đạt được sự tròn đầy của cuộc sống không? Điều đó có nghĩa là: chúng ta (những nhà truyền giáo, các nguồn lực và cơ cấu của chúng ta) có tập trung và dấn thân cho cùng dự án như Đức Giêsu để thăng tiến đời sống trên tất cả các cấp độ của nó không?

Ngày nay, việc đọc Tin mừng của Đức Giêsu Kitô theo viễn cảnh lịch sử ngược lại, theo viễn cảnh bị loại trừ ra bên lề xã hội là thật cần thiết. Ngày nay, Thiên Chúa đang nói điều gì với chúng ta đối với những hoàn cảnh con người này? Đó có phải là vấn đề đem ‘Tin mừng’ cho những người này, hay là cho phép họ giúp chúng ta có được một sự thấu hiểu hơn về Tin mừng?

Trách nhiệm đối với việc chăm sóc tạo vật trong tinh thần công lý và hòa bình

Tất cả chúng ta sống đời sống thánh hiến tại một nơi cụ thể và trao hiến những công việc phục vụ đặc biệt với tầm nhìn hướng về Triều Đại Thiên Chúa. Triều Đại này, vốn không phải là một tình trạng sống hay một nơi chốn được vươn tới trong tương lai, mà là một lựa chọn và là một năng động sống thực sự và liên lỉ. Trong năng động này, không tính đến những khán giả và những người tiêu thụ; tất cả chúng ta là những người đóng vai chính.

Những người bên lề xã hội đòi buộc chúng ta xem xét thực tại kinh tế từ một viễn cảnh khác, đặc biệt là trách nhiệm của chúng ta trong việc quản lý các nguồn lực của chúng ta. Khi chúng ta ngày càng ý thức hơn về việc mình thuộc về Hội dòng, chúng ta cần ý thức hơn nữa rằng chúng ta đơn giản là những người quản lý các nguồn lực, các cơ cấu, các quỹ, các của dâng cúng, và các sáng kiến tài chính. Việc tìm kiếm lợi ích cá nhân từ điều vốn thuộc về tất cả mọi người chứng tỏ sự vô trách nhiệm.

Hiện nay, việc buôn người và việc khai thác bừa bãi các tài nguyên thiên nhiên là những biểu hiện rõ rằng các hệ thống chính trị và kinh tế đang đe dọa lôi kéo toàn thể nhân loại vào con đường vô trách nhiệm và tự phá hủy chính mình. Đối với tầm mức lớn hơn, (với tư cách là một Hội dòng và là Giáo hội) chúng ta tiếp tục hổ trợ các hệ thống này một mặt như chỉ là những khán giả hay mặt khác như chỉ là những người tiêu thụ. Chúng ta từng bước xây dựng con đường tiến đến công lý và hòa bình bằng những thái độ và quyết định cụ thể chống lại những tại họa toàn thế giới này.

Ngôn sứ Mikha cho chúng ta thấy sự dấn thân hoàn toàn cho việc xây dựng công lý và hòa bình như là việc thờ phượng thật sự thích đáng đối với Thiên Chúa (cf. Mk 6,8). Có lẽ chúng ta cần tự thuyết phục mình rằng “sự thánh thiêng” không được tìm thấy trong các đền thờ, nhưng là nơi mỗi con người, đặc biệt là nơi những con người bị loại trừ. Những con người thấp kém và bị coi thường là nơi mà Thiên Chúa đã chọn và là nơi mà Ngài muốn được thờ phượng, một sự thờ phượng trong công lý và sự thật.

Nhân bản hóa chính chúng ta và nhân bản hóa cuộc sống bằng những mối dây huynh đệ

Có một vài yếu tố trong năng động xã hội của những người nghèo nhất đáng để suy tư. Đối với chúng ta, những tu sĩ truyền giáo, nếu chúng ta cuối xuống và đến gần với dân chúng, chúng ta sẽ được rất nhiều điều quý giá. Họ sẽ không những chỉ cho chúng ta biết rằng họ hiểu các bài giảng của chúng ta, nhưng còn cho thấy rằng các suy tư của chúng ta được thật sự ngấm vào trong thực tế hằng ngày mà trong đó họ đang sống. Những cử chỉ thân thiện, những cuộc đối thoại ngẫu nhiên với mọi người, sự nhạy cảm đối với những thực tại đau khổ và âu lo, cái ôm huynh đệ, một lời cảm ơn đối với người giáo dân đồng hành hằng ngày với chúng ta, việc nhận ra lỗi lầm của chúng ta và việc xin sự tha thứ, khả năng đánh dấu cuộc sống trong những thời khắc đặc biệt của những con người cụ thể, …, là những bài thực tập hằng ngày, vốn làm cho chúng ta có khả năng tạo dáng cho tinh thần và tâm hồn của chúng ta để tái tạo môi trường mà chúng ta đang sống trong đó.

Tính hung hăng là một virút làm xói mòn và làm phi nhân tính các mối tương quan của chúng ta. Chúng ta cũng thấy cảm giác cô độc đến từ việc bỏ rơi, loại trừ, phân biệt và lạm dụng. Tất cả những yếu tố này nhắc chúng ta nhớ đến sự mất nhân bản ngày càng tăng vì cách thức mà chúng ta truyền thông và vì sự nghiêm trọng ngày càng gia tăng của các trường hợp trầm cảm và cá nhân chủ nghĩa.

Thật sự, chúng ta chỉ truyền thông khi chúng ta truyền đi việc chúng ta là ai; phần còn lại chỉ là thông tin. Chúng ta có thể lấp đầy các trang internet với những tin tức, và nó cần được thực hiện để đạt đến một khán thính giả rộng hơn, đặc biệt là các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ngoài việc nói cho người khác những gì chúng ta đang làm, ngày nay chúng ta cũng có sự đòi buộc cho phép chúng ta được tạo dáng bởi Người thợ gốm của chúng ta đến mức chúng ta có thể truyền thông Tin mừng của Ngài bằng đời sống của chúng ta (cf. Gr 18,1-4). Với tư cách là những người đóng vai trò chính thật sự trong việc xây dựng cộng đoàn, chúng ta có một nhu cầu cấp thiết là chăm sóc và cổ võ cho những mối dây huynh đệ vốn vượt ra bên ngoài phụng vụ hay bàn ăn. Việc chăm lo cho việc huấn luyện nhân bản riêng của mỗi người chúng ta và việc quan tâm đến việc huấn luyện nhân bản của những người khác là một cách truyền thông cuộc sống rất hữu hiệu.

Việc thông truyền niềm vui được tham dự vào kế hoạch Tin mừng

Hành trình canh tân của chúng ta, vốn được tập chú vào chủ đề được đề nghị cho Tổng tu nghị thứ XVIII, chắc chắn sẽ dấn đến niềm say mê và nhiệt tình hơn đối với sứ vụ truyền giáo. Trong mọi lĩnh vực đời sống và sứ vụ của chúng ta, các anh em nhận được hơi thở của thần khí để nhận ra Ngôi Lời; một thực tại không tồn tại nếu không có sự hiện diện của chúng ta. Thật sự đó cũng là một bầu không khí đôi khi bị che phủ bởi những thái độ, những biểu hiện và khuyết điểm của chúng ta. Tuy nhiên, nơi nào chúng ta có thể hiện diện và nhóm nào chúng ta có thể đồng hành và phục vụ có thể là cơ hội duy nhất để linh hoạt truyền giáo và để phát triển các giá trị Tin mừng.

Có lẽ chúng ta không nên quá lo lắng về sự giảm sút con số những người Kitô hữu thực hành, hay về sự giảm sút ơn gọi sống đời thánh hiến. Có lẽ khẩn thiết hơn là chúng ta tái khám phá, củng cố, và làm phấn khởi lại lòng nhiệt thành truyền giáo của chúng ta. Các ‘cơ cấu vật chất’ của chúng ta (nhà thờ, trường học, bệnh viện, trung tâm truyền thông, …) vẫn tồn tại đó để mọi người xem xét và được dân chúng đánh giá cao. Điều mà phần lớn dân chúng cần xem thấy và cảm nhận là niềm đam mê Nước Trời của chúng ta, những con người thánh hiến luôn đối diện với những thách đố, luôn sẵn sàng để ôm lấy những ý tưởng và kế hoạch mới, và buông bỏ những ‘bài viết’ và các tiêu đề mang tính lý thuyết suông.

Ở đây, chúng ta cũng được giúp đỡ bởi ‘sự khôn ngoan của những người rốt hết và bị loại trừ’, những người mà cuộc sống của họ không bị ràng buộc bởi những cơ cấu cứng nhắc nhưng được linh hoạt bởi một thái độ cởi mở đối với tính mới lạ. Điều đó cho phép họ ngạc nhiên với các sự kiện hàng ngày, vì thế tránh đi sự lặp đi lặp lại nhàm chán và khô khan. Khi được đảm bảo bởi tiềm năng mà chúng ta có trong các nguồn lực và cơ cấu của chúng ta, chúng ta mở lòng ra cho những lời khích lệ của ngôn sứ Isaia, vốn là người cho chúng ta biết một Thiên Chúa hoàn toàn tự do đối với những giới hạn và khuôn mẫu cố định, và lo thắp lại ngọn lửa và lòng nhiệt huyết truyền giáo của Dân Ngài (cf. Is 43,18-19).

Kết luận

Chính nơi những con người bình thường, những nhà thừa sai giáo dân của chúng ta, những cội rễ văn hóa riêng của chúng ta; những thực tế khác nhau trong cuộc sống dân chúng mà chúng ta chia sẻ, có lý do và động lực cho sự canh tân thiêng liêng sâu xa. Từ điểm lợi thế này, chúng ta đọc lại Kinh Thánh và đặc mình vào trong cùng quan điểm của Thiên Chúa: “Kẻ được Ta đoái nhìn: đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ” (Is 66,2).

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD 

30Trưởng ban dịch thuật chuyển ngữ

Bài trướcThường Niên – Tuần XIII – Năm B
Bài tiếp theoDòng Ngôi Lời: Bài Huấn Từ của ĐTC Phanxicô với các Tham dự viên Tổng Tu Nghị thứ 18 Dòng Ngôi Lời

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.