(Suy tư cho ngày Lễ Truyền Tin)
✍️ Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD
Cuộc sống là những gì xảy ra …
Và những gì xảy ra thì tuân theo quy luật của cuộc sống, chứ không nhất thiết theo chương trình được con người sắp đặt. Dù vậy hay chính vì vậy, nhiều người vẫn mơ ước có thể tính trước được mọi bước, ước lượng được mọi chuyển động trong tương lai. Nhu cầu có được cảm giác an chắc trong mọi trường hợp, thời nay được đủ các loại bảo hiểm hứa hẹn thỏa đáp. Nhưng cuộc đời thì không thiếu những ngạc nhiên khó lường, không ai có thể tiên đoán được.
Đó có thể là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như một chuyến du ngoạn đã được lên kế hoạch, nhưng bị “thất bại” do trời mưa gió. Có lúc là những kế hoạch và mong muốn to lớn hơn của chúng ta: như khi không tìm được nơi học nghề hay chỗ làm mình mơ ước; khi ước muốn có một đứa con không thể thành hiện thực; khi một căn bệnh hay cái chết của người thân, đột ngột thay đổi hoàn toàn trật tự đời mình.
Cuộc sống là những gì xảy ra, trong khi chúng ta đang tất bật lên các chương trình, lập các dự án (John Lenon). Maria cũng đã trực tiếp trải nghiệm điều này: đã đính hôn với Giuse và có lẽ đang trong quá trình chuẩn bị đám cưới, thiếu nữ này mơ ước một cuộc sống hôn nhân và gia đình bình thường tại ngôi làng Nadarét quen thuộc. Rồi bỗng dưng một điều hoàn toàn mới mẻ xảy đến với người thiếu nữ này. Cuộc sống bắt đầu bị đảo lộn với lời chào của sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
Lời chào nặng ký này không phù hợp với hình ảnh của Maria về bản thân mình. Nó khiến cho người thiếu nữ lúng túng, mất bình tĩnh, không biết nên xử trí thế nào. Bình tâm lại, Maria bắt đầu nghĩ xem điều này có ý nghĩa gì. Đó chính xác là những gì chúng ta làm, khi những việc không lường trước được chợt xảy ra trong cuộc sống đang bình yên. Để giải tỏa tâm trạng bối rối chúng ta cố gắng nắm bắt những điều mới mẻ trong tâm trí mình. Chúng ta so sánh điều mới với những trải nghiệm trước đây, và cố gắng ước tính hệ quả. Nhưng đôi khi chúng ta không thể tiến xa hơn, vì cơn địa chấn quá mạnh làm đảo lộn mọi sự.
Lúc này Đức Maria cần đến lời khích lệ của sứ thần: “Đừng sợ!” Nhưng cách sứ thần mô tả về tương lai mà Thiên Chúa định cho Maria, khó làm yên tâm: thay vì cuộc sống gia đình bình thường ở Nadarét, thì sứ thần lại nói về một đứa trẻ, là “Con Đấng Tối Cao”, sẽ bước vào đời bà cách diệu kỳ.
Sứ thần vào nhà trinh nữ …
Maria đang ở nhà, khi sứ thần Gabriel đến. Trong môi trường quen thuộc của mình, người thiếu nữ Nadarét tuổi 13,14 có thể đón nhận sứ điệp to lớn quá sức tưởng tượng, không được mong đợi, và làm thay đổi cả cuộc đời. “Ở nhà” muốn nói rằng Maria biết rõ mình là ai, và có những ước mơ gì cho tương lai. Nhờ đó, Maria cũng tỉnh táo nhận ra những điều khó hiểu, và các khó khăn trong lời của sứ thần nói với nàng. “Ở nhà” mình, nên Maria không để cho sứ điệp to lớn quật ngã hay làm tê liệt mình. Trái lại, sau hồi bối rối Maria đã tìm lại được sự an chắc trước đó của mình, để có thể bình tĩnh “lời qua tiếng lại” với sứ thần.
“Ở nhà” là điều kiện tiên quyết. Cho nên, câu hỏi “Tôi có thỉnh thoảng ở nhà mình không?” nghe là lạ, nhưng cần được đặt, vì nó thật quan trọng cho đời sống thiêng liêng. Chia lòng chia trí, lo ra, không tập trung, là những dấu hiệu cho thấy rằng tôi không thích hay gặp khó khăn với việc “ở nhà” – một mình. Đây là điều mỗi người đều quen ít nhiều nơi bản thân.
Trong thực tế, tôi thích lang thang với đủ mọi đề tài của thế giới xung quanh, hay trong đời người khác. Biết đủ thứ chuyện và thích nhận định, phán xét, chê bai người khác, nhưng không có hiểu biết sâu sắc về mình. Không thích “ở nhà”, tôi khó có thể biết rõ tôi là ai, thực sự muốn gì. Chỉ thích hướng ra ngoài, nên nhiều thời gian và sức lực được đầu tư vào những nơi đông vui, ồn ào náo nhiệt. Và tôi chỉ công nhận những gì “mắt thấy tai nghe”.
Trong khi đó, sứ điệp của Thiên Chúa được nói cho người “ở nhà”, nghĩa là sứ thần nói vào trong hồn con người. Sứ thần nói vào trong mộng, như đã làm nhiều lần với Giuse. Ở trong đó, ngài đã tìm thấy các hướng dẫn sống theo Thiên Ý. Không “ở nhà”, thì tôi khó lòng nghe ra các sứ điệp nằm sâu trong lòng mình. Đây là điều cần đến sự tập trung và thời gian dài đủ. Không ngạc nhiên khi nông cạn là tình trạng chung, và khả năng lắng nghe kém phát triển nơi những người ưa sống vọng ngoại. Sứ điệp của sứ thần chỉ được nghe “qua loa”, và được lập lại như những “khẩu hiệu đạo đức”. Chúng không đến từ bên trong tôi, nên không là xác tín.
Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói
Khi nói lời này, Maria đã đi đến điểm có thể buông bỏ những kế hoạch và kỳ vọng của riêng mình; chúng không còn cản đường giữa người thiếu nữ và Thiên Chúa nữa. Maria có thể dấn thân một cách đầy hy vọng và công khai vào cuộc sống, vào ý Chúa, vào một tương lai bất định.
Maria không hỏi “Tôi phải làm gì?”, mà lại hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” Và sứ thần cũng không nói đến việc làm, mà nói về tác động huyền nhiệm của Thiên Chúa. Vậy, công việc của Maria là gì? Không làm gì, ngoại trừ để Ý Chúa thể hiện: là để cho Thánh Thần ngự xuống trên mình, và để cho quyền năng Thiên Chúa phủ che đời mình.
Đối với những người muốn kiểm soát mọi thứ, thì đây quả là một thách đố lớn. Kinh nghiệm gặp khủng hoảng hoặc trọng bệnh, là khi tôi không còn nắm chắc được mọi thứ trong tay theo ý mình, thì việc để cho “Ý Cha thể hiện” có thể mang đến sự giải thoát. Thực tế là không ai có được thái độ bình thản như vậy chỉ sau một vài giờ hay vài ngày. Vượt qua được những lo âu sợ hãi và sẵn sàng để cho “Ý Cha thể hiện”, là kết quả của một quá trình tu luyện dài lâu.
Chúng ta có thể tin chắc rằng: Thần Khí Chúa không chỉ hoạt động nơi những người đặc biệt như Đức Maria. Quyền năng của Thiên Chúa vẫn sống động và hoạt động trong mỗi người chúng ta. Nói vậy không có nghĩa là tốt nhất nên để hết mọi việc xảy ra với mình, thay vì nhúng tay vào, tự làm để thay đổi cuộc đời. Nghệ thuật sống đúng là nhận biết khi nào cần phải hành động và sáng tạo tích cực, khi nào thì để cho xảy ra và bình tĩnh chờ đợi. Khả năng phân định được đòi hỏi ở đây. Chắc chắn được đòi hỏi nơi chúng ta là sự sẵn sàng buông bỏ những quan niệm cố định, để có không gian cho trải nghiệm điều mà Dietrich Bonhoeffer viết: “Có một cuộc sống viên mãn dù còn nhiều ước muốn chưa được thực hiện”.