Tương quan Mẹ Thiên Nhiên và Tôi

0
480

Tu sĩ Gioan Lê Đình Thuần, SVD

S.O.S.! “Mẹ Thiên nhiên” đang “hấp hối” bởi sự phá hoại, “bòn rút” của con người. Cách nào đó, chúng ta cũng góp một tay vào việc làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Dù rằng chúng ta cũng cố gắng gầy dựng lại môi trường nhưng chừng đó là chưa đủ. Nếu chúng ta không giảm bớt hay ngừng những chương trình chỉ vì lợi ích ngắn hạn để gây ra các tổn hại như ngày nay thì môi trường tự nhiên sẽ “chết” theo nghĩa nào đó. Theo linh đạo của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, bảo vệ môi trường cũng là một trong những chiều kích mà Hội Dòng nhắm đến. Là một tu sĩ của Hội Dòng, tôi nhận thức thế nào về chiều kích này?

Thông điệp Laudato Si của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhớ rằng trái đất là căn nhà chung, là người chị của chúng ta, mà chúng ta chia sẻ cuộc sống và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mình[1]. Bổn phận làm “con” là chúng ta phải có trách nhiệm yêu thương và chăm sóc khi “mẹ” đau yếu và bệnh tật. Hãy lắng nghe tiếng rên xiết, than trách của “mẹ” khi chúng ta nhẫn tâm ngược đãi, nhẫn tâm bỏ qua không thèm nhìn đến vết thương của “mẹ”. Cả Thông điệp là tiếng kêu gọi đầy hy vọng: mọi người cùng chung tay tái thiết lại ngôi nhà chung. Lời kêu gọi này đánh động tôi rất nhiều, nhất là khi tôi nhìn và nghe tin tức nơi quê nhà miền Trung của mình. Cứ mỗi mùa mưa bão về, miền Trung lại là nơi gánh chịu những thảm họa thiên tai nhiều nhất, gây biết bao đau thương cho nhiều gia đình. Trước những thảm cảnh đó, con người thấy mình nhỏ bé và bất lực. Họ chẳng còn biết bám víu vào ai, chẳng còn nơi nào để trú ngụ và đau thương nhất đó là mất đi cả chính những người thân bên mình. Khoan hãy nói đến vị trí địa lý của miền Trung Việt Nam, tôi đang xét đến việc chúng ta đã gây ra những gì cho môi trường: tàn phá rừng đầu nguồn, xây dựng đập thủy điện không nghiên cứu kỹ lưỡng tác động của nó đến đời sống của con người … đã phần nào nói lên rằng: thay vì xây dựng, vun trồng, chăm sóc, chở che “mẹ”, chúng ta lại tàn phá không thương tiếc. Đừng đổ lỗi cho “mẹ” thiên nhiên rằng “mẹ” không còn thương chúng ta nữa.

Điều này càng giúp tôi ý thức hơn trong vai trò của mình. Tôi không còn thờ ơ trước những lời kêu gọi của các nhà bảo vệ môi trường, trước những cảnh báo của các hội bảo vệ thiên nhiên và càng thấm thía hơn khi đọc Thông điệp LaudatoSi của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Tôi đang có một món nợ: món nợ môi sinh.[2] Nếu tôi nhạy cảm hơn thì có lẽ món nợ này không để lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Nhưng thái độ của tôi hoàn toàn trái ngược vì sự thiếu trách nhiệm và thiếu nhạy cảm trước nỗi đau của thiên nhiên và có khi là trước những người đau khổ, nghèo hèn nữa. Hành động này khiến tôi thấy hổ thẹn khi đang sử dụng những nguồn nguyên liệu được cung cấp cho không nhưng tôi lại không biết quý trọng, nhiều lúc còn làm hủy hoại hơn người khác nữa. Điều này càng đánh động trực tiếp là: chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật, muôn loài đều tốt đẹp, cho chúng ta khi thiên nhiên nối kết với con người trong tình trạng hoàn hảo. Con người đã sử dụng tự do của mình phá vỡ đi mối tương quan ấy bằng việc phạm tội. Tội lỗi đã phá vỡ hoàn toàn các mối tương quan: Thiên Chúa, tha nhân và thiên nhiên.[3] Thế nên, chúng ta dựa vào đó để coi thiên nhiên là “nô lệ” của mình và quên đi mối liên kết ban đầu vốn có. Vì vậy, cách vô tình hay cố ý, chúng ta đi ngược lại tương quan tốt đẹp mà từ khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Thực vậy, chúng ta không thể coi thiên nhiên như là cái gì tách biệt khỏi chúng ta hay như một cái khung cho đời sống chúng ta,[4] mà là “mẹ”, là “bạn hữu” thân tình…

Để xây dựng được mối tương quan ấy, tôi phải thiết lập lại những mối tương quan bắt đầu từ chính con người của mình, từ chính thân xác yếu đuối của tôi. Tôi không loại trừ mình ra khỏi môi trường nữa nhưng hòa mình vào như là một chấm nhỏ trong muôn vạn chấm của vũ trụ. Tôi đón nhận thân xác tôi như là hồng ân của Thiên Chúa thì tôi cũng sẽ đón nhận được mọi vật xung quanh như là dấu chỉ Thiên Chúa ban cho tôi cũng như mọi người. Như thế, tôi sẽ không loại trừ ai vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, dù họ có khác biệt đi chăng nữa thì vẫn mang dấu ấn của Thiên Chúa tạo nên. Trong sự khác biệt như vậy, tôi thấy mình thật hạnh phúc vì vẫn còn đó những mối tương quan đẹp giữa thiên nhiên và con người. Nên những gì làm nguy hại đến mối tương quan này, tôi cố gắng loại bỏ từng ngày để rồi chính tôi sẽ có được một mối tương quan thân tình.

Vậy tôi sẽ làm gì? Hành động như thế nào? Tôi không thể chỉ ngồi nhìn, phân tích đưa ra những lý thuyết suông mà cần hành động, cần những cuộc đối thoại, cần những việc làm không chỉ của tôi mà của mọi người nữa để tránh khỏi vòng luẩn quẩn tự hủy diệt mà chúng ta đang đương đầu. Để làm được điều này, tôi nghĩ rằng cái cần thiết nhất, quan trọng nhất là chính mình phải dẹp bỏ cái tôi ích kỉ, mưu tìm lợi ích cá nhân, tư lợi riêng cho bản thân. Đây không phải là điều mới mẻ. Nhìn vào thế giới, các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm nào cũng có nhưng kết quả chẳng có được như mong muốn, có khi còn đi vào ngõ cụt. Đến nỗi Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lên tiếng rằng: Nếu họ có can đảm làm, thì họ sẽ có thể tái nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ như một người và họ sẽ để lại một chứng tá về trách nhiệm quảng đại, sau khi họ đi vào lịch sử.[5]

 Mọi thứ cần phải thay đổi và hành trình đó thì dài hơi nhưng thiết thực và cần kíp. Nếu chúng ta chỉ ngồi trên bàn giấy thảo luận và chỉ đưa ra những con số, những phương thức giải quyết mà không có hành động cụ thể thì tất cả chỉ là con số không, hay chỉ là những phương án mãi mãi nằm trong những trang giấy đẹp nhưng sáo rỗng. Đầu tiên, chúng ta hãy hướng đến giới trẻ giúp họ nhận thức được những hệ lụy nguy hiểm đang tồn tại. Thứ đến, chúng ta kết hợp những phương tiện truyền thông (Hội Dòng của chúng ta đang trên đà phát triển chương trình này) để nói, cảnh báo mọi người quan tâm. Phần tôi, người đang được thụ huấn cũng dành những thời giờ để học hỏi và quan tâm đến môi trường xung quanh mình, để hiểu và đồng cảm. Tự xét bản thân mình, tôi nhận thấy còn quá thờ ơ trước những thảm cảnh trong tự nhiên, còn vô cảm trước những cảnh đời cơ nhỡ…Thiết nghĩ, tôi còn quy về bản thân mình quá nhiều mà quên đi tha nhân. Đó là một trong những phận vụ mà tôi còn cần học hỏi nhiều hơn nữa, vì nó cần thiết cho sự dấn thân mai sau trong sứ vụ của mình. Ước gì những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đánh thức tôi cũng như những ai đang sống mà quên đi trách nhiệm của mình đối với “mẹ” thiên nhiên.

[1] Đức giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, số 1, (Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh biên dịch), Tôn Giáo, 2015.

[2] Ibid, số 51.

[3] Ibid, số 66.

[4] Ibid, số 139.

[5] Ibid, số 181.

Bài trướcPhủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong tiến trình cải tổ Giáo triều
Bài tiếp theoĐại hội Truyền giáo toàn quốc Indonesia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.