Mùa hè là khoảng thời gian mang ý nghĩa đặc biệt với biết bao bạn trẻ, các em thiếu nhi, và cả với riêng tôi, một tu sĩ Dòng Ngôi Lời. Đó là những tháng ngày hạnh phúc khi tôi được tạm gác lại việc học hành, thảnh thơi nghỉ ngơi và háo hức mong chờ những chuyến đi đến những vùng đất mới lạ, để trải nghiệm bao điều vẫn hằng ấp ủ.
Hè 2024, tôi cùng một người anh em có dịp đến với mảnh đất và con người miền núi tại giáo xứ Tầm Ngân, thuộc giáo hạt Ninh Sơn, giáo phận Nha Trang. Giáo xứ Tầm Ngân tọa lạc trên địa phận tỉnh Ninh Thuận, do Cha Giuse Phạm Hoàng Huy coi sóc chánh xứ và Cha Giacôbê Trì Văn Pháp phụ trách phó xứ. Qua tìm hiểu, tôi được biết giáo xứ có hơn 1500 giáo dân, phần lớn là đồng bào K’hor. Tầm Ngân là một xứ đạo miền núi, bao quanh bởi núi non và sông suối. Tuy vậy, đây không phải vùng cao nên hệ thống đường sá khá thuận tiện, giúp người dân đi lại, làm ăn dễ dàng hơn. Thời tiết nơi đây khá nóng, đặc biệt gay gắt vào những giờ trưa. Chính đặc điểm khí hậu và địa hình này đã định hình kinh tế của người dân, chủ yếu dựa vào trồng trọt các loại cây như bắp, đậu, lúa, kết hợp cùng chăn nuôi gia súc.
Thực tế, đời sống kinh tế của bà con nơi đây còn nhiều vất vả, khó khăn. Chất lượng nông sản phụ thuộc lớn vào thời tiết, khí hậu. Ngay cả việc mua bán trâu bò đôi khi cũng không được giá, chẳng tương xứng với công sức và thời gian người dân bỏ ra. Tôi từng nghe kể có trường hợp cần bán gấp một con bò lớn mà chỉ được 5 đến 7 triệu đồng, chưa bằng một nửa giá trị thực. Một khó khăn nữa là người dân thường phải vay mượn phân bón, thuốc trừ sâu và giống cây trồng, rồi đến mùa thu hoạch mới có thể thanh toán. Đáng buồn là sau khi trừ đi các chi phí, nhiều gia đình chẳng còn lại đồng dư nào. Tôi nhận thấy công việc có vẻ mang lại chút ít lợi nhuận và giúp họ có tiền dư dả hơn là trồng đậu đỏ và mở cửa hàng tạp hóa.
Tìm hiểu sâu hơn, tôi được biết những vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp để trồng các loại cây ăn trái như măng cụt, chôm chôm, thanh long… lại thường nằm ở khu vực đồng bằng. Tuy nhiên, phần lớn những mảnh đất màu mỡ này đã được người di cư mua lại từ đồng bào bản địa. Bên cạnh đó, có thể nhận thấy sự phân hóa rõ rệt về mật độ dân cư. Đồng bào K’hor thường sinh sống và canh tác ở vùng chân núi hoặc sâu hơn nữa vào trong, trong khi khu vực kinh tế ổn định và phát triển hơn, như vùng Sông Pha cách đó chừng 4 km hướng ra quốc lộ, lại có mật độ dân cư khác.
Dù đời sống kinh tế còn nhiều gian khó, tôi lại cảm mến một điều: mọi người nơi đây vẫn luôn lan tỏa niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống thường nhật. Tình cảm họ dành cho nhau dường như không bao giờ vơi cạn. Họ sống thật đơn sơ, chân thành, nhẹ nhàng và vui tươi. Mọi người thường giúp đỡ nhau trong công việc đồng áng, như cùng đi làm cỏ, tỉa bắp (mà họ gọi là “tăm a vâu”), phun thuốc, hay trông coi trâu bò giúp khi nhà khác có việc bận.
Còn các em nhỏ thì thật dễ thương, gương mặt luôn ánh lên vẻ hồn nhiên, đáng mến, vui tươi và yêu đời. Dù trong cảnh thiếu thốn, các em vẫn biết san sẻ cho nhau từng chiếc bánh, que kem, hay miếng bánh tráng trộn. Niềm vui con trẻ còn thể hiện qua sự hòa mình vào thiên nhiên: những buổi chiều tà í ới rủ nhau tắm suối, những lúc trời đổ mưa lại tinh nghịch nô đùa, hay những trưa hè tụ tập chơi ném lon, chơi “mít xoài”, hái dừa… Những hình ảnh ấy gợi cho tôi nhớ về ký ức tuổi thơ thật đẹp của chính mình. Với các bạn lớn hơn một chút, dù điều kiện còn thiếu thốn, tôi vẫn thường thấy cảnh 4 đến 6 bạn xúm lại cùng chơi chung một chiếc điện thoại thông minh.
Khi đến Tầm Ngân, tôi được giao phụ trách các lớp văn hóa từ mầm non đến lớp 7, diễn ra từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, đồng thời cùng tổ chức các buổi sinh hoạt buổi tối cho các em thiếu nhi. Bên cạnh đó, tôi còn đảm nhận một lớp đàn nhỏ gồm 5 em. Lớp học để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là lớp các bé “mầm non”. Quả thật, việc trông trẻ đòi hỏi tình yêu thương, sự vui tươi và lòng kiên nhẫn vô bờ. Các em rất đáng yêu và ngoan ngoãn; nghĩ lại những khoảnh khắc ấy, tôi vẫn thấy lòng mình ấm áp và bất giác mỉm cười. Hầu như không buổi học nào mà chỉ chừng 5 phút sau khi vào lớp, lại không có một bé lí nhí: “Thầy ơi, con muốn đi tiểu”, và rồi liên tiếp sau đó là… “Con cũng muốn đi tiểu nữa”. Đó là một trải nghiệm lần đầu nhưng cũng thật đáng yêu, dễ mến. Với lứa tuổi còn nhỏ này, tôi thường tập cho các em những bài hát ngắn, quen thuộc, chỉ dạy từng nét chữ, hướng dẫn các em cầm bút và bắt đầu với những con chữ đơn giản. Chính các bé “mầm non” đã dạy tôi nhiều điều: sự nhẹ nhàng, lòng kiên nhẫn khi tiếp xúc, cũng như sự cần thiết phải thay đổi cách giảng dạy và trò chuyện sao cho phù hợp. Tôi thường nói như sau: “Các con cùng học với thầy nhé”, “Các con nhìn lên bảng nào, đọc cùng thầy nhé”, “Thầy viết mẫu cho con xem nha”, “Con giỏi quá, cố lên nhé!”… Và còn rất nhiều điều tôi học được từ những tâm hồn trẻ thơ ấy, những điều mà Chúa Giêsu đã từng khuyên nhủ các môn đệ: trở nên như trẻ nhỏ, vì nước trời thuộc về những ai giống như các em (x. Mt 19, 14).
Mỗi sáng Chúa Nhật, sau thánh lễ, tôi lại có dịp đi thăm từng giáo họ trong giáo xứ: giáo họ Gioan Baotixita, giáo họ Đa Minh, giáo họ Anrê, giáo họ Mân Côi, giáo họ Phêrô (nằm gần giáo xứ nhất) và giáo họ Phước Bình (nằm xa nhất, cách khoảng 35 km). Qua những chuyến thăm và thực hiện một vài công việc sổ sách liên quan, tôi có cơ hội hiểu thêm về đời sống gia đình, con người và tình hình kinh tế của bà con. Đa phần các em chỉ theo học đến lớp 8 hoặc lớp 9 rồi nghỉ do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Số em học tiếp lên lớp 12 rất ít, và những em vào được cao đẳng, đại học lại càng hiếm hoi hơn. Về phía các bậc phụ huynh, hầu hết cũng chỉ học đến lớp 4 hoặc thậm chí không có điều kiện đến trường. Một thao thức có lẽ luôn hiện hữu trong tâm trí các nhà mục vụ không chỉ là giúp nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, mà quan trọng hơn là giúp mọi người nâng cao nhận thức, khuyến khích con em đến trường học lấy con chữ, con số, để rồi từ đó nuôi dưỡng khát khao vươn lên, dám ước mơ và dám thực hiện.
Đến Tầm Ngân, tôi biết rằng mảnh đất này không chỉ có cộng đồng Công giáo. Nơi đây còn có anh em Tin Lành và cả những người không theo một tôn giáo nào. Các cộng đồng sống cạnh nhau rất chan hòa, không hề có sự phân biệt. Tôi còn được biết về một phong tục cưới hỏi khá đặc biệt: khi một đôi nam nữ có tình cảm với nhau, gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị một khoản tiền (có thể thương lượng với nhà trai, thường dao động từ 20 đến 50 triệu đồng) để xin cưới người con trai. Mọi người thường gọi nôm na là “mua chồng”. Sau khi hai bên thống nhất, nhà gái sẽ trao tiền cho gia đình nhà trai và đón chàng rể về ở nhà mình, giống thức “ở rể”. Dĩ nhiên, cả hai sẽ cùng nhau tìm hiểu, học giáo lý hôn nhân và cử hành bí tích Hôn phối. Tuy nhiên, nếu cả hai muốn giữ đạo riêng cho mình thì vẫn được, và cha chánh xứ sẽ làm phép chuẩn cho họ. Trong đời sống vợ chồng, theo quan sát của tôi, người vợ dường như có phần “ưu thế” hơn. Chẳng hạn, nếu người chồng về ở nhà vợ mà không chịu khó làm ăn, hoặc có những điều khiến người vợ không hài lòng, cô ấy có quyền cho chồng về lại nhà cha mẹ đẻ. Thậm chí, tôi còn nghe kể rằng, nếu hai người không còn chung sống, người chồng sẽ rời đi mà không được hưởng bất kỳ tài sản nào. Tôi còn được biết, người đồng bào K’hor vẫn còn theo hệ thống “mẫu hệ”, nên việc sinh con ra thì người con sẽ mang họ mẹ, dù rằng một số bé vẫn mang họ cả bố và mẹ nhưng thật hiếm hoi. Khác với người đồng bào khác, người đồng bào K’hor thì các bé trai sẽ được gọi là Ha và bé gái sẽ gọi là Ka trước tên thường gọi của mình. Thật là những điều thú vị và cũng thật nhiều thao thức khi đến với mảnh đất và con người nơi giáo xứ Tầm Ngân.
Hai tháng hè dù ngắn lắm nhưng cũng giúp tôi biết thêm và có cái nhìn gần hơn với sứ vụ làm việc của bản thân trong tương lai. Tôi nhận thức được rằng, để đi đến với người khác thì bản thân phải có tình yêu mến và thao thức để làm sao sống cho và sống với. Có lẽ, khi được làm việc mục vụ và sống với những người nghèo, sống với những mảnh đất hoang sơ, bản thân không chỉ là người chữa lành, mang Tin Mừng đến cho người khác, mà ngang qua người khác bản thân tôi cũng được định hình, được chữa lành và nhận ra Chúa trong mình, trong tâm hồn mọi người.
Tôi sẽ mãi nhớ về con người và mảnh đất Tầm Ngân. Nguyện ước mọi người luôn bình an, mạnh khỏe và sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Tuấn, SVD