Tự do như người bị ám?    

0
425

Bài và ảnh: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Câu chuyện về “Người bị quỷ ám ở Ghêrasa” (Mc 5, 1-20) nêu lên nhiều câu hỏi. Nó cũng đặt vấn đề về tự dophi tự do của con người[1]. Nhưng tự do là gì? Câu trả lời quen nhất nghe vậy: Là không phải sống theo ý người khác. Không có ai nói trước, định trước cho tôi phải làm gì, ăn gì mặc gì, hay đi đứng, suy nghĩ và nói năng ra sao, hay phải học trường nào, lấy ai làm vợ/chồng, được phép có mấy đứa con. Tự do được hiểu như là được sống đời mình, được là chính mình.

Người bị bị quỷ ám ở Ghêrasa sống theo hướng đó. Anh cởi tháo hết những trói buộc do người khác định đặt, chẳng quan tâm đến những gì thiên hạ bàn tán. Anh từ chối họ và chứng minh rằng không ai trói buộc anh được. Thực tế cho thấy chẳng ai mạnh hơn sự nóng giận bất kham của anh. Anh sống hoàn toàn không lệ thuộc vào những áp đặt bên ngoài.

Dù vậy, chúng ta nhận ra rằng con người muốn làm gì thì làm này không thực sự tự do. Phá tan hết mọi ràng buộc bên ngoài nhưng anh có một nội tâm bị trói chặt một cách kinh khủng. Ở đây, chúng ta học được một điều quan trọng về tự do: Chỉ biết muốn thoát khỏi những gông cùm nào thì chưa đủ, mà còn cần phải biết tôi muốn tự do để làm gì. Khi không biết rõ ràng mục đích của tự do, muốn đạt đến những giá trị nào qua cuộc giải phóng, thì kết quả sẽ thường là ngược lại: nhân danh tự do con người lại nô lệ hóa nhau một cách tệ hại hơn trước đó!

Bên ngoài, người đàn ông bị ám hoàn toàn tự do: anh ta muốn làm gì thì làm. Nhưng bên trong, anh bị giam hãm và trói buộc bởi những sức mạnh vô hình. Hỏi có những gì trói buộc anh ta vậy? Anh tự gây đau đớn cho mình, tự hành hạ mình, anh kêu rống xin giúp đỡ, và đồng thời anh xua đuổi những ai đến gần. Nhưng không cho ai đến gần thì làm thế nào mà giúp được?

Đến cứu tôi! Hãy cút đi!

Thực tế bị đẩy tới giật lui trong nội tâm của người bị quỷ ám tỏ hiện rõ trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu. Rất có thể anh cảm nhận được sức mạnh chữa lành nơi Người, nhưng anh nói điều ngược lại: “Đi đi!” Anh sấp mình xuống đất, nhưng trong chuyển động đó anh cũng tỏ bày sự tự vệ và chống trả. Anh cảm nhận được rằng Đức Giêsu là lời giải đáp cho vấn đề của mình, nhưng anh không biết rõ anh có thật lòng muốn điều mà Đức Giêsu dành riêng cho anh hay không. Anh mơ ước, tìm kiếm tự do mà Đức Giêsu có thể mang lại cho anh, và đồng thời anh sợ hãi điều đó.

Trong điểm này thì anh ta giống hầu hết chúng ta. Đa số đều sợ tự do. Cho dù trong đáy lòng chúng ta khao khát nó, nhưng đồng thời có chút gì đó trong ta chống trả lại sự tự do này: “Đi đi! Đừng hành hạ tôi!” Vì sống tự do thì không dễ chịu; và cũng không có lối dễ đi và lối tắt đến đó. Tự do có nghĩa là phải ra đi, bỏ lại những gì quen thuộc lại sau lưng, và đi một lối mới chưa ai khai phá. Đó là điều gây sợ hãi và mệt nhọc vất vả, nhưng cũng là một giá trị cao nhất đòi tất cả sự dấn thân. Tự do là bỏ lại chữ tại, bớt chữ mình và sống đậm hơn chữ tôi. Nghĩa là phát triển mạnh chữ tự, như: tự suy nghĩ, tự chọn chựa, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Thật lòng mà nói, chúng ta không hoàn toàn xa lạ với kinh nghiệm bị đẩy tới giật lui như nơi người đàn ông ở Ghêrasa. Và người ta lắm khi sẵn sàng chịu một sự bất hạnh mà biết trước, hơn là một mình đi vào một tương lai không biết chắc trước. Cái đau cái khổ khi phải chui nhủi trong mồ mả một mình thì dù sao cũng đã quen rồi. Nhưng không ai trong chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra khi Thiên Chúa bước vào đời. Thật vậy, sống lâu như vậy trong một tình trạng bi đát người ta sẽ quen dần và không còn nghĩ đến việc đổi thay. Vì đã thích nghi với những điều kiện như vậy rồi.

Đức Giêsu hỏi ám-thần: “Tên ngươi là gì?” Nó trả lời: “Đạo binh. Vì tôi là một đạo binh thần.” Không chỉ có tiếng lòng, mà có hàng ngàn tiếng nói nhỏ to. Và người bị ám phải hành động theo những mệnh lệnh đó. Cái-Tôi của nạn nhân bị chiếm giữ bởi một đội quân xa lạ, đạp nát hồn anh bằng những đôi giày chiến. Mỗi lần anh mở miệng thì người ta cứ phải hỏi: Anh muốn bày tỏ điều gì với những ú ớ khó hiểu? Có phải là một bịnh tâm thần? Có phải là cái thú tính, là bản năng sôi sục trong anh, và tỏ hiện như ma quái khi thoát ra từ miệng mà không được thanh lọc và kiểm soát? Hay là đó thật là những thần dữ, nghĩa là những sinh linh từ thế giới vô hình, đã chiếm đoạt người đàn ông này? Hay hỏi như vậy:

Bị ám có nghĩa là gì?

Bị quỷ ám là cách sách Tân Ước giải thích tình trạng và thái độ của người đàn ông. Các triệu chứng nơi người bị ám cho thấy anh không còn là chính mình, mà có cả đạo binh “sống” trong anh. Người bị ám sống biệt lập, tách rời khỏi cộng đoàn và những người khác. Ẩn mình giữa các mồ mả, anh được bao quanh bởi toàn người chết. Tự gây thương tích trên thân, tự làm đau, là để biết mình chưa chết. Anh kêu cứu và đồng thời sợ hãi được cứu giúp.

Tùy theo lối giải thích, người ta có thể gọi là “ma, quỷ, thần, vong”, khi một người bị các triệu chứng đó tấn công, hành hạ, và làm nạn nhân xa lạ với bản thân. Ngày nay, người ta dùng ngôn ngữ chuyên môn của khoa học để gọi, và coi hiện tượng đó như một bịnh tâm thần. Các yếu tố khác cũng có thể gây nên những triệu chứng như được mô tả: các thúc ép, cưỡng bức bên ngoài hay bên trong, một căn bệnh đè nặng trên cơ thể, một chủ nghĩa, một chứng nghiện, một tương quan lệ thuộc, một lối giáo dục gây sợ hãi, đòi buộc vâng phục tuyệt đối… Đạo binh là tên cho ngàn vạn ảnh hưởng tiêu cực như vậy.

Ba bước đến tự do

Gặp gỡ Đức Kitô anh được giải thoát từ bên trong, và như vậy sự tự do được ban là thật. Đời anh được biến đổi, mà khi đọc lại đoạn Tin Mừng chúng ta có thể nhận ra ba bước:

Bước một: Đức Giêsu hỏi quỷ về tên của nó. Có một nguyên tắc cơ bản trong việc chữa bệnh: Điều gì không biết thì không thể chữa. Cho nên, đặt tên cho vấn đề là bước đầu cần phải làm. Ma quỷ làm việc trong bóng tối, vì vậy phải lôi nó ra ánh sáng, kéo ra khỏi chốn ẩn nấp vô danh, có thể là từ tầng vô thức. Chính vì thế Đức Giêsu đặt câu hỏi: “Tên ngươi là gì?” Đó là câu hỏi mang tính quyết định. Khi thiên hạ có vấn đề gì, họ hay tự hỏi: “Tôi phải làm gì?” Hay là tệ hơn: “Tại sao tôi phải như vậy? Tại sao tôi gặp phải chuyện này?” Nhưng câu hỏi giúp bước xa hơn là: “Tôi thực sự là ai?”, “Điều gì sống trong tôi?”, hay là: “Hồn tôi có chuyện gì?”. Lắng nghe câu trả lời và thú nhận: “Tôi thực sự không tự do như tôi cho/nghĩ, như tôi tỏ ra. Trong tôi có cả đạo binh của “thần lành và thần dữ.”

Bước hai là một thách đố: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” Đó là một xác ngôn mạnh mẽ. Ở đây, Đức Giêsu không giải thích và nhẹ nhàng lịch sự, mà rõ ràng dứt khoát. Cũng vậy, nếu có cái gì đó trong đời làm nát tan trong tôi và cuốn theo tất cả những gì quanh tôi, thì tôi cần phải quyết đoán và tách mình khỏi ảnh hưởng đó! Trong câu chuyện Kinh Thánh thì việc phân tách này được thực hiện qua nhiều lần. Các ám thần không dễ dàng buông bỏ và biến đi ngay. Và chúng lắm lời nhiều chuyện hồi lâu, trước khi chịu nói tên mình ra.

Điều xảy ra ở đây vượt qua khả năng trị liệu. Đây là việc mà Kinh Thánh gọi là “toàn quyền”, nghĩa là một sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Có một mức độ áp đặt từ bên ngoài và một sự đánh mất bản thân, mà với các khả năng của con người thì không thể khắc phục và cứu giúp được. Các bản văn Kinh Thánh làm rõ: Không có sự can thiệp của Thiên Chúa, không có lời cầu nguyện của sự tin tưởng, thì con người không được cứu thoát khỏi tình trạng quỷ ám.

Một đạo binh gồm khoảng 12 ngàn lính cần nhiều chỗ. Hồn ai mà chứa nổi! Không điên mới lạ! Bị đuổi đi, chúng xin được nhập vào hai ngàn con heo. Chúng ta hãy hình dung sức mạnh tàn phá của đội quân đã chiếm giữ hồn người đàn ông! Sức mạnh phá hoại đó của các ám quỷ bị nhận chìm xuống biển. Cả đội quân. Những gì đã đè nặng tôi biến mất; mọi tan nát được chữa lành. Có người làm kinh nghiệm được giải thoát như vậy, khi Đức Giêsu bước vào đời.

Bước ba: Đức Giêsu trao nhiệm vụ cho người được tự do. Người cần đến ông trong miền đất không Do Thái như là chứng nhân cho sức mạnh giải thoát của Tin Mừng. Đức Giêsu trao một sứ vụ cho người được chữa lành: ơn phúc đón nhận cần được chia trao tiếp. Tự do như thoát khỏi điều gì chỉ đạt trọn ý nghĩa, nếu được nối liền với sự tự do cho một sứ vụ khác. Nếu tôi không muốn rơi lại vào tình trạng mất tự do, thì tôi cần một vision [tầm nhìn], cần biết tự do tôi được đón nhận để làm gì. Cho nên, không có sự giải thoát mà không trao sứ vụ nơi Đức Giêsu. Tự do được Người ban không chỉ là thoát khỏi những trói buộc cũ, mà còn là một tự do cho tình yêu, tự do cho dấn thân. Tóm lại, tự do để thực hiện sứ mệnh thiên thánh của đời tôi.

Thực tế có những trói buộc tôi cả đời không tháo gỡ hết (như những tội mà cứ xưng cả đời). Nhưng nếu chúng ta dâng Chúa hết, nhất là những ràng buộc khó dứt đó, thì chúng ta vẫn có thể thực hiện mục đích mà Thiên Chúa đặt cho mình, khi Chúa tác tạo nên con người. Và đó là sự tự do quan trọng nhất tồn tại trên trái đất, trong kiếp người. ●

Chú thích:

[1] Tài liệu tham khảo: Jörg Zink, Licht über den Wassern. Geschichten gegen die Angst, Stuttgart 1978; Klaus Douglass / Fabian Vogt, Expedition zum Ich. In 40 Tagen durch die Bibel, Glashütten 32006.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật 24 Thường Niên – C)
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên, Năm C (Lc 16,1-13)