Tự do của dân Chúa

0
713
Photo:https://dailytimes.com.pk

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

“Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Aicập… Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Aicập… Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi…đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Aicập” (Xh 3,7-8). Thiên Chúa muốn dẫn dắt dân của Ngài bước ra khỏi cảnh nô lệ ở Aicập và trở về với sự tự do mà Thiên Chúa đã hứa ban cho cha ông họ. Thế nhưng, phần đông dân Chúa thời bấy giờ lại muốn sống trong tình cảnh nô lệ ở Aicập hơn là sự tự do mà Thiên Chúa mời gọi. “Tình cảnh nô lệ” ở Aicập lại là “tình trạng tự do” mà dân Chúa thời bấy giờ chọn lựa. Thiết nghĩ, điều đó mời gọi chúng ta suy tư về tự do mà phần đông dân Chúa thời bấy giờ mong đợi và sự tự do đích thực mà Thiên Chúa muốn trao ban. Đâu là tự do đích thực của dân Chúa? Lời giải cho vấn đề vẫn phải khởi đi từ những câu hỏi nền tảng như “Tự do nên được hiểu như thế nào?” và “Đâu là tự do đích thực?”

Luận bàn về tự do vẫn luôn là điều mà con người không ngừng quan tâm và nỗ lực đi tìm một câu trả lời rốt ráo. Về lãnh vực này, chúng ta bắt gặp quan điểm của triết gia hiện sinh Gabriel Marcel[1], một cái nhìn thật gần với cái nhìn Kitô giáo. Điều đó giúp chúng ta có một lối nhìn không ư là “quá giáo điều” như là cụm từ quen thuộc mà các tác giả vô thần vẫn thường dùng khi nói về giáo lý Kitô giáo.

  1. Tự do nên được hiểu như thế nào?

Trước hết, Gabriel Marcel khởi đi từ câu hỏi: “Tự do có phải là muốn làm gì thì làm không?”. Thoạt tiên, đó là suy nghĩ mà đa phần đều nghĩ đến, tự do là được làm mọi sự như ý mình. Marcel không chối bỏ điều đó: theo ông, con người bị ràng buộc bởi những nhu cầu sinh lý, xã hội và tinh thần. Bao lâu con người còn sống trong sự thiếu thốn, bị căng thẳng bởi những đòi hỏi chính đáng, con người vẫn chưa được “thong dong”, và vẫn luôn luôn bị giày vò bởi những lo nghĩ sinh sống. Nhưng Marcel bổ sung thêm: Thỏa mãn những nhu cầu, dầu là những nhu cầu rất chính đáng, mới chỉ là một thứ tự do tiêu cực, tự do của con người được thả ra khỏi tù túng. Những nhu cầu kia như trăm ngàn thúc bách luôn luôn hành hạ con người và đôi khi đi tới mức làm cho ta hình như chỉ sống để lo những công việc đó, và không còn thời giờ để lo tới ý nghĩa đời sống của ta nữa. Marcel nhấn mạnh đến trường hợp những người nhân danh tự do để hành động bạt mạng: Những người này không tự do chút nào; họ hoàn toàn sống dưới sức thúc đẩy của bản năng và dục vọng. Họ bị hoàn cảnh chi phối và thúc đẩy. Đó là họ đang hành động theo tự do tiêu cực.[2] Thế nhưng, trớ trêu thay, thứ tự do ấy xem ra lại mang nhiều sức quyến rũ hơn đối với con người. Theo đó, tự do với họ như một sở hữu hơn là một ân ban.

Điều đó giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tại sao dân Chúa lại thích sống trong tình cảnh nô lệ ở Ai Cập hơn là sự tự do là Thiên Chúa hứa ban cho họ. Nơi Aicập, họ đạt được thứ tự do “mốn làm gì thì làm”, thứ tự do tiêu cực, thứ tự do đi tìm sự thoả mãn những nhu cầu: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Aicập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này” (Ds 21,5), “Ông đem chúng tôi ra khỏi Aicập để làm gì?”.

  1. Vậy đâu là tự do đích thực?

Con người hiện sinh là con người tự do và tự do là sáng tạo, chung tay với Đấng Tạo Hóa và trong niềm thông hiệp với Ngài, Gabriel Marcel nhấn mạnh điều đó. Con người không tự tạo nên mình; do đó, con người không có quyền coi mình như chúa tể sáng tạo ra một thế giới mới cũng không có quyền tự coi mình như nguyên thủy của một kỷ nguyên mới. Vì lẽ đó, về tất cả mọi giá trị, con người không phải là mực thước cho mình, nhưng con người phải ướm mình trên mực thước cao cả là Thiên Chúa. Con người sẽ tìm thấy tự do đích thực và cách sống toàn thiện khi con người cộng tác với Thánh ý Thiên Chúa để phát triển đầy đủ các khả năng của mình, hầu thể hiện cuộc hiện sinh của mình một cách tuyệt mỹ. Vậy tự do đích thực là hành vi sáng tạo của con người hiện sinh. Người tự do là người tự tìm lấy đường mà đi, – hoặc đảm nhận lấy con đường đạo lý của tiền nhân làm con đường của mình, sau khi đã suy nghĩ và nhận xét kỹ càng. Không phải ai cũng có khả năng tìm ra một cách sống thích hợp với địa vị cao quý của con người, những ai cũng có thể và phải sống tự do và tự chủ, nếu không thì không đáng gọi là người.[3]

Không ít những bậc vĩ nhân trong lịch sử nhân loại, những người đã tìm ra đường cho riêng mình, có lẽ đã tìm ra được tự do cho riêng họ cũng như mở lối cho bao người khác. Thật vậy, đó là một cách thức bước tới tự do. Vấn đề ở đây là “không phải ai cũng có khả năng tìm ra một cách sống thích hợp với địa vị cao quý của mình”, nghĩa là không phải ai cũng có thể tìm lấy đường vươn tới tự do, hoặc chắc gì đường mà mình tìm được đã là đường dẫn tới tự do. Không ít người đã “lầm đường lạc lối” vì lẽ đó. Thế mới có chuyện như Marcel nhấn mạnh đến trường hợp những người nhân danh tự do để hành động bạt mạng. Những người đã cho rằng mình đã tìm được đường tự do cho riêng mình mà quả thực họ chẳng tự do chút nào; họ hoàn toàn sống dưới sức thúc đẩy của bản năng và dục vọng.

Dân Chúa hướng tới sự tự do không bằng cách thức tự tìm lấy đường mà đi nhưng là  đảm nhận lấy con đường của Đức Giêsu, sau khi đã suy nghĩ và nhận xét kỹ càng. Quả thật, Đức Giêsu là đường dẫn tới sự tự do đích thực như chính Người đã quả quyết: “Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống” (x. Ga 14,6). Sự tự do của Đức Giêsu mặc khải sự tự do của Thiên Chúa Ba Ngôi và đó là sự tự do trọn hảo. Thiên Chúa Cha tự do trao ban Con Một yêu dấu và Người Con ấy tự do đáp trả lời mời của của Thiên Chúa Cha để sẵn sàng chịu chết và chết trên cây thánh giá, hầu mở đường tự do cho những ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh. Bước theo Đức Kitô không lấy mất sự tự do của chúng ta, nhưng thay vào đó mang lại hạnh phúc thật sự, vì nó giải phóng người môn đệ khỏi sự ích kỷ, tội lỗi và phóng túng.

Photo: https://myrepublica.nagariknetwork.com
  1. Đâu là tự do của dân Chúa?

Tự do không phải là làm những gì chúng ta muốn và thích; nhưng là bước đi trong đường lối của Thiên Chúa. (Trong bài giáo lý ngày 20/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày có đoạn):

Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã nhấn mạnh rằng tự do của dân Chúa không phải là “làm những gì chúng ta muốn và thích”. Loại tự do này, không có mục đích và không có tham chiếu, sẽ là một thứ tự do trống rỗng. Và trên thực tế, nó để lại khoảng trống trong tâm hồn: bao nhiêu lần, sau khi chỉ làm theo bản năng, chúng ta nhận ra mình chỉ có một sự trống vắng vô cùng và chúng ta đã sử dụng sai kho tàng tự do của mình. Tự do đích thực luôn giải phóng chúng ta, trong khi nếu chúng ta sử dụng tự do đó cho những gì mình thích và không thích, cuối cùng chúng ta vẫn cảm thấy trống rỗng. Cũng trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh nhân đáp trả những người ủng hộ một ý tưởng không đúng về tự do: “‘Được phép làm mọi sự’; nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Được phép làm mọi sự”; nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng” (1Cr 10,23). Ngài nói thêm: “Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác” (1Cr 10,24). Đây là quy tắc để vạch trần bất kỳ kiểu tự do ích kỷ nào. Ngoài ra, đối với những người bị cám dỗ muốn giảm bớt tự do chỉ theo sở thích của mình, thánh Phaolô đặt trước họ đòi hỏi của tình yêu.[4]

Thật vậy, chúng ta tìm tự do của riêng mình trong kinh nghiệm trở nên con người mà chúng ta đã được trao ban, chính chúng ta và cuối cùng chịu trách nhiệm về chính chúng ta. Đó là kinh nghiệm về tự do, kinh nghiệm này đi trước, điều khiển và hiện diện trong toàn thể những kinh nghiệm đặc thù và thường ngày của chúng ta. Kinh nghiệm tự do không thể bị cô lập hay tách rời trong bất cứ phần riêng lẻ nào của cuộc đời chúng ta.[5] Thần học gia Karl Rahner định nghĩa tự do con người dưới dạng khả năng quyết định của chúng ta mà cuối cùng, chúng ta sẽ đứng trước Thiên Chúa. Do đó, đối với Thiên Chúa, tự do của dân Chúa phải là tự do đảm nhận lấy con đường của Đức Giêsu, chứ không thể là một thứ tự do làm những gì chúng ta muốn và thích. Đức tin Kitô giáo nói một điều rất ý nghĩa về bản chất của tự do mà chúng ta đang khám phá. Những chọn lựa mà chúng ta thực hiện không những giúp vươn tới tự do nhưng nó là những câu trả lời thể hiện mục đích, giá trị và giấc mơ mà chúng ta hướng tới. Đức tin Kitô giáo mời gọi chúng ta nhìn về Đức Giêsu, mẫu gương sống tự do đích thực, nền tảng của sự tự do của Ngài là ở trong sự chọn lựa cơ bản của Ngài: chọn Nước Thiên Chúa, chọn chính Thiên Chúa.

 Tự do đích thực đi kèm với trách nhiệm

Nghe như, sự tự do không hiện diện nơi đây. Tự do đi kèm với trách nhiệm, khác gì, trách nhiệm đã ràng buộc tự do. Thế nhưng, tự do đi kèm với trách nhiệm là một sự tự do trọn hảo, bởi lẽ trách nhiệm của người Kitô hữu không phải là những gánh nặng. Trách nhiệm của người Kitô hữu là yêu thương, vì đó là con đường của Đức Giêsu.

Không có tự do nếu không có tình yêu: Nhưng làm sao giải thích được nghịch lý này? Tự do ích kỷ làm những gì mình muốn không phải là tự do, bởi vì nó quy về chính mình, nó không có kết quả. Nhờ tình yêu: chính tình yêu của Đức Kitô đã giải thoát chúng ta và vẫn là tình yêu giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tồi tệ nhất, ách nô lệ của cái tôi của chúng ta; do đó tự do phát triển cùng với tình yêu. Dĩ nhiên, đó không phải là với tình yêu thân mật, không phải với sự đam mê chỉ tìm kiếm những gì thoả mãn chúng ta muốn và chúng ta thích, nhưng với tình yêu mà chúng ta thấy trong Đức Kitô, đó là lòng bác ái: điều này là tình yêu thực sự tự do và giải phóng. Đó là tình yêu tỏa sáng trong việc phục vụ nhưng không, theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu, Đấng rửa chân cho các môn đệ và nói: “Thầy làm gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13).

Tự do trong phục vụ: Sự hoàn toàn đáp trả của chúng ta là điều mà chúng ta nhận lãnh như món quà chứ không phải là sản phẩm của chúng ta làm ra: “Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19). Đó là cốt lõi của sự tự do này, theo thánh Phaolô. Thánh nhân khẳng định rằng đó là bất cứ điều gì ngoại trừ “tính xác thịt” (Gl 5,13): tự do không có nghĩa là một cuộc sống phóng túng, theo xác thịt hay theo bản năng, những ham muốn cá nhân và sự ích kỷ của chính mình; trái lại, thánh nhân viết, sự tự do của Đức Giêsu khiến chúng ta “phục vụ lẫn nhau”.

Nhưng đây có phải là sự ràng buộc không? Đó không phải là sự ràng buộc được hiểu theo nghĩa đen nhưng mặt khác, tự do trong Đức Kitô có một số ràng buộc, một số chiều kích đưa chúng ta đến việc phục vụ, sống vì người khác. Nói cách khác, tự do đích thực được thể hiện trọn vẹn trong lòng bác ái. Một lần nữa chúng ta phải đối mặt với nghịch lý của Tin Mừng: chúng ta tự do trong phục vụ, không phải là làm những gì chúng ta muốn. Chúng ta được tự do trong phục vụ, và từ phục vụ chúng ta được tự do; chúng ta sở hữu sự sống nếu chúng ta cho đi (x. Mc 8,35). Đây là điều tự do hoàn toàn theo Tin Mừng. Đó là tự do của dân Chúa.

Tạm kết

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, không ít người vẫn nhân danh tự do như một “lý do chính đáng” để hành động bạt mạng. Họ định nghĩa đó là tự do. Nhưng quả thực, những người này không tự do chút nào; họ hoàn toàn sống dưới sức thúc đẩy của những bản năng và những dục vọng. Đó là họ đang hành động theo tự do tiêu cực. Điều này cũng đã từng xảy ra đối với dân Chúa, những người đã thà chọn lựa “tự do” trong tình cảnh nô lệ ở Aicập hơn là bước vào đời sống tự do của dân Chúa.

Đức Giêsu đến thế gian và mở lối cho con người bước vào nẻo đường tự do đích thực. Đức Giêsu trao ban cho chúng ta sự tự do, sự tự do của người làm con cái Thiên Chúa: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,13).

Dân Chúa cần hiểu rằng sự giải thoát sâu xa để con người được sống tự do tiên vàn và chủ yếu là công việc của Thiên Chúa. Thế nên, hành động của chúng ta luôn phải đi kèm với kinh nguyện và lời tạ ơn. Hơn thế nữa, bước theo con đường tự do của Đức Giêsu, mỗi người môn đệ được mời gọi vừa phải tỏ ra là những con người tự do, vừa phải giúp những người khác sống tự do. Chúng ta được tự do trong phục vụ, và từ phục vụ chúng ta được tự do; chúng ta sở hữu sự sống nếu chúng ta cho đi (x. Mc 8,35). Đây là điều tự do hoàn toàn theo Tin Mừng. Đó là tự do của dân Chúa.

Còn về phần tôi, tôi có muốn được tự do như dân Chúa hay chăng?

 

Chú thích:

[1] Gabriel Marcel (1889-1973), triết gia người Pháp thuộc trào lưu triết học hiện sinh.

[2] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn hoá (2005), tr. 115.

[3] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn hoá (2005), tr.115-116.

[4] Xem: https://vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-thu-galat-tu-do-tinh-yeu-bac-ai.html

[5] Karl Rahner, Thần học Karl Rahner, Dg: Lm. Phaolô Nguyễn Khoa Luật, OFM, Nxb Tôn giáo, trang 44.

Bài trướcGIÁO XỨ VĨNH TUY: HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ RA MẮT – MÙA HY VỌNG MỚI
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 1 MV)