Thánh Thể – Dung Mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha

0
1042

A – DẪN NHẬP

Bối cảnh xã hội hiên nay.

Sở dĩ Đức Thánh cha Phan-xi-cô mở năm Thánh Lòng Thương Xót, và tôn vinh Bí Tích Thánh Thể là Dung Mạo của Lòng Thương Xót, là vì trong một thế giới văn minh tiến bộ lên đến tột đỉnh nhưng lòng thương xót lại xuống dốc không phanh, con người đối xử với nhau không còn cảm thấy “sống trên đời sống cần có một tấm lòng” mà chỉ còn “lạnh lùng và vô cảm”.

 Hồi giáo quá khích chặt đầu trẻ em, khủng bố, tự sát giết những người vô tội, bắt phụ nữ, trẻ em làm nô lệ, những thai nhi bị giết vì ích kỷ của người lớn. Các thai nhi bị giết nói lên pháp luật và lương tri nhiều người đã chết. Nạn bạo lực, bất công, áp bức, chiến tranh, đói khổ không phải thiếu lương thực nhưng thiếu lòng nhân ái, sẻ chia. Nền luân lý, đạo đức xã hội và gia đình tụt dốc không phanh, gây nên biết bao nhiêu tệ nạn: tham nhũng, lạc hậu, lừa đảo, nghiện hút, chém giết lẫn nhau, bạo lực gia đình, hôn nhân đỗ vỡ. Môi trường ô nhiễm, không khí ô nhiễm, lương thực ô nhiễm gây ra biết bao đau khổ cho con người. Như vậy, thế giới đầy dẫy những khốn cùng. Chính vì lý do đó, mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi chúng ta đi vào Năm Thánh Lòng Thương Xót để tạ tội, để cầu xin và nhất là để sống Thương Xót như Chúa Cha. Đồng thời chiêm ngắm, tôn vinh, và bắt chước Chúa Giêsu Dung mạo của Lòng Thương Xót.

Vào ngày 30-04-2000 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lập ra Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót , và gọi Bí Tích Thánh Thể là “dung mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha”.

B – NỘI DUNG

  1. Thánh Thể Dung Mạo Lòng Thương Xót Của Chúa Cha.

Vì, dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh. Chúa Cha, Đấng “giàu lòng thương xót” ([1]), sau khi đã mặc khải cho Môsê biết danh của Ngài là “Thiên Chúa thương xót và nhân hậu, nhẫn nại, đầy lòng trắc ẩn và trung tín”([2]), đã không ngừng mặc khải thần tính của Ngài bằng nhiều cách thế và vào nhiều thời điểm khác nhau. “Lúc đến thời gian viên mãn” ([3]), khi mọi sự đã được sắp xếp đúng theo dự định cứu độ, Ngài  sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mặc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Ngài. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha([4]). Đức Giêsu Nazareth đã mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người ([5]).

Trong tông thư  Đức Thánh Cha khuyên chúng ta ‘cần phải liên tục chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót? Bởi vì, đó là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an. Đặc biệt ơn cứu độ của chúng ta phụ thuộc vào đó. Đức Thánh Cha nói tiếp: ‘Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giêsu cũng là thấy Chúa Cha([6]). Chúa Giêsu thành Nadarét, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha.([7])

           1.1- Lòng Thương Xót qua ánh mắt của Chúa Giêsu.

Thật vậy, Chúa Giêsu với ánh mắt bao dung và tha thứ. Ngài nhìn người phụ nữ phạm tội như không có tội.([8]) Điều này được diễn tả qua Ngôn sứ Mica như sau: ‘Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân, mọi lỗi lầm chúng ta người ném xuống biển.([9]) Chúa nhìn Giakêu như là con cháu của Abraham trong khi người Do thái nhìn anh ta như một người xa lạ; bằng ánh mắt kỳ thị và khinh dễ. Chúa Giêsu đã nhìn thấy dân chúng đói khát và làm phép lạ cho dân chúng ăn no nê trong khi các Tông đồ không nhận ra.([10]) Đức Thánh Cha mời gọi, lúc này, lúc khác chúng ta được mời gọi dán mắt nhìn chăm chú hơn lòng thương xót để chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ thuyết phục hơn cho tác động của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta.

          1.2- Lòng Thương Xót qua trái tim của Chúa Giêsu.

Vì yêu thế gian Chúa Giêsu đã ra khỏi địa vị Thiên Chúa để sống như một người phàm “trở nên đồng hình đồng dạng với chúng ta”([11]). Ngài đã ra khỏi mình đến tận cùng đến chịu khổ hình, chịu giết chết trên thập giá để rồi ôm trọn mọi kiếp người trong Lòng Thương Xót Chúa Cha. Đặc biệt những mảnh đời bị hắt hủi, bị loại trừ, bị oan ức, bị bất công trong xã hội ([12]). Quả vậy Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông sắc Misericordiae Vultus : “Chúa Giêsu Kitô là dung mạo của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo xem ra được trình bày một cách chính xác trong câu nói ấy. Trong Chúa Giêsu thành Nazareth, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng, và đã tìm thấy tột đỉnh điểm của nó”([13]). Mọi bàn luận về Lòng Thương Xót của Chúa Cha cần bao gồm Bí Tích Thánh Thể vì cả hai là một. Lòng Thương Xót là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể. Hay nói đúng hơn, Thánh Thể chính là Chúa Giêsu đầy  lòng Thương Xót của Chúa Cha.

           1.3- Lòng Thương xót nơi Nhà Tạm.          

Chúa nói với một linh hồn tội lỗi, trong nhật ký của thánh Fautina “Nầy, Ta đã thiết lập một Tòa Thương Xót nơi trần thế vì con – đó là Nhà Tạm – và từ Tòa này Ta muốn ngự vào lòng con”([14])

 Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu. Chúa yêu chúng ta nên Người muốn cho chúng ta được sống, và được sống dồi dào([15]). Người muốn ở với chúng ta luôn mãi ([16]). Người yêu chúng ta đến cùng([17]), đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta ([18]). Không những thế, Người muốn chúng ta nên một với Người bằng cách ban chính Thịt và Máu Người làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Trong chương 6, Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa nói rằng Người là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Người nói thêm:
Vì Thịt Thầy chính là của ăn, và Máu Thầy chính là của uống… Thật, quả thật, Thầy nói với các con, nếu các con không ăn thịt Con Người và uống máu Người, trong mình các con sẽ không có sự sống; ai ăn thịt Thầy và uống máu Thầy có sự sống đời đời, Thầy sẽ cho nười ấy sống lại trong ngày sau hết([19]).

Vậy Bí Tích Thánh Thể là Tòa Thương Xót. Chúa thương xót chúng ta là những con người yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội, nên đã ban chính Thịt và Máu Người để thêm sức mạnh cho chúng ta và chữa lành chúng ta.

          1.4- Lòng Thương Xót Nời Mình Và Máu Chúa Kitô

          Sách GLHTCG dạy rằng lúc Truyền Phép, bánh và rượu trên bàn thờ trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu.
Trong Linh Ảnh Lòng Thương Xót, có những tia Máu và Nước phát ra từ chỗ Trái Tim Chúa bị đâm thâu qua. Thánh Faustina cũng thấy những tia đó phát ra từ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể nơi mặt nhật.

Chị viết: “Khi tôi ở trong nhà thờ chờ xưng tội, tôi cũng thấy những tia sàng này phát ra từ mặt nhật và tỏa ra cả nhà thờ. Hiện tượng này kéo dài suốt giờ chầu. Sau khi ban phép lành, tia sàng tỏa ra cả hai bên rồi trở lại mặt nhật. Những tia sáng này rất rạng rỡ và trong như pha lê. Tôi xin Chúa Giêsu đoái thương đốt lửa yêu mến Chúa trong tất cả các linh hồn rất nguội lạnh. Dưới những tia sáng này một tâm hồn sẽ ấm áp lên dù nó có lạnh như một tảng băng; dù có cứng như đá, nó sẽ tan vỡ thành bụi tro”([20]). Rồi tôi nghe những lời sau: Những tia sáng thương xót này đã chiếu qua Bánh Thánh, và chúng sẽ chiếu soi toàn thế giới” ([21]).

           1.5- Lòng Thương Xót  qua việc Sống Thánh Thể       

Chúa muốn chúng ta không những chỉ rước Thánh Thể, mà còn muốn chúng ta sống Thánh Thể. Sống Thánh Thể có nghĩa là để cho Chúa Giêsu ngự vào từng tế bào thân thể của chúng ta và để ân sủng Người biến đổi toàn diện con người chúng ta. Nhờ thế chúng ta trở thành biểu tượng của tình yêu cao vời của Người giữa thế gian.

 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: Bí Tích Thánh Thể bao trùm hết mọi khía cạnh của đời sống, bằng cách biến đổi chính đời sống này: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” ([22]). Là mầu nhiệm để sống ([23]), Thánh Thể dẫn đưa chúng ta vào trong thực tại hằng ngày để mọi sự được thực hiện vì vinh quang của Thiên Chúa ([24]).
Sống Thánh thể là để những tia sáng thương xót từ Thánh Thể Chúa chiếu qua chúng ta đến toàn thế giới. Nhờ đó chúng ta trở nên hình ảnh của Lòng Thương Xót, chiếu Tình Yêu và Lòng Thương Xót vào lòng tha nhân.
“Các con là ánh sáng thế gian, một thành xây trên đồi cao không thể giấu được. Không ai thắp đèn và để ở đưới đáy thùng, nhưng để trên giá mà soi sáng cả nhà. Hãy tỏa sự sáng của các con ra trước mặt mọi người, để họ thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con trên Trời”([25])

Chúa muốn chúng ta đón rước Người trong việc rước và viếng Thánh Thể thường xuyên. Người muốn ban phát dư đầy ân sủng cho chúng ta, nhưng nhiều người trong chúng ta còn quá lơ là. Trong một lời nhắn nhủ cùng Thánh Faustina, Người nói:          “Họ đối xử với Ta như một vật vô tri, trong khi Trái Tim Ta đầy tình yêu và thương xót.” ([26])

          1.6- Lòng Thương Xót qua Quyền Năng của Bí Tích Thánh Thể 

Bí Tích Thánh Thể làm cho trái tim chúng ta nên sốt sắng và thêm lòng yêu Chúa. Quyền năng của Bí Tích Thánh Thể làm cho chúng ta liên kết với Chúa Giêsu bằng một mối dây liên hệ mật thiết. Bí Tích này tha các tội nhẹ, đem lại bình an, sức mạnh và làm thỏa mãn những ai có lòng ăn năn chừa cải tội lỗi.
Khi chúng ta cảm thấy các lỗi lầm của mình quá trầm trọng hoặc đức tin mình quá yếu, hay cảm thấy khô khan, đừng chỉ dựa vào tình cảm của mình mà suy nghĩ và hành động, nhưng phải dựa trên niềm tin vào Sự Hiện Diện Thật của Chúa và quyền năng của Người trong Bí Tích Thánh Thể mà đến với Người.

C- KẾT LUẬN.

Để kết thúc, tôi xin được trích lại lời nhắn nhủ và cũng là lời mời gọi tha thiết của Cha Chung Giáo hội trong Năm Thánh Lòng Thương xót này rằng : “Giờ đây chúng ta hướng tâm trí về Người Mẹ của Lòng Thương Xót. Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt Năm Thánh này, để mỗi người chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đến từ lòng khoan dung của Thiên Chúa. Không ai thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho bằng Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được định hình bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào thánh điện của Lòng Thương Xót, vì đã thông dự mật thiết vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa.”([27])

Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Của Lòng Thương Xót, không ngừng ghé mắt thương xem nhìn đến mỗi người chúng con, và cho chúng con được ngắm nhìn Dung Mạo của Lòng Thương Xót, là Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ quá Bí Tích Thánh Thể; để nhờ đó, mỗi chúng con biết mở rộng lòng mình, đón nhận ân sủng, tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa Cha, hầu trở thành dấu chỉ sống động của tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa cho mọi người, trong môi trường sống của chúng con. Amen.

Tài Liệu Tham Khảo

1- Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus (Dung Mạo Lòng Thương Xót), ngày 11-04-2015, số 1.

2-  Xc. Ga 15, 9.

3- Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót – “Miseridordiae Vultus”, số 09.

4-  Các giờ kinh Phụng Vụ, Ca vãn kính Đức Mẹ, Sau giờ kinh Tối.

5-  Xc. Vat. II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội – “Lumen Gentium”, số 52 -53.

6- Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót – “Miseridordiae Vultus”, số 24.

7- Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2016, số 03.

8- Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót – “Miseridordiae Vultus”, số 24.

9- Nhật Ký của Thánh Faustina và Tông Huấn Sacramentum Caritatis, cùng tài liệu của Hội Tông Đồ Lòng Thương Xót.

[1] (Ep 2,4)

[2] (Xh 34,6)

[3] (Gl 4,4)

[4] (x. Ga 14,9)

[5] – x. Công Đồng Vaticanô II, Dei Verbum, 4.

[6] (Ga 14, 9)

[7] – Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót – “Miseridordiae Vultus”, số 09.

[8] (Ga 8, 1-11)

[9]  (Mica 7, 18-19)

[10] (Ga 6, 1-15)

[11] (Ga 17, 21)

[12] (x. Pl 2,6-11)

[13]– Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus (Dung Mạo Lòng Thương Xót), ngày 11-04-2015, số 1.

[14] (Nhật Ký của Thánh Faustina, 1485)

[15] (x. Ga 10:10)

[16] (x. Mt 18:20)

[17] (x. Ga 13:1)

[18] (x. Ga 15:13)

[19]  (Ga 6:53-54)

[20] (Nhật Ký, 370)

[21] (Nhật Ký, 441)

[22] (1 Cor 10, 31)

[23]– (x. Lumen gentium, số 39-42)

[24] – (Sacramentum Caritatis .79)

[25]  (Mt. 5:14-16)

[26] (Nhật Ký, 1447)

[27] – Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót – “Miseridordiae Vultus”, số 24.

 

 Lm. Micae Trần Phúc Ca, Svd

(Bài giảng Tĩnh Tâm Gx Công Chính, Gp.BMT 16/09/2016)

Bài trướcMừng Sinh Nhật Dòng Ngôi Lời lần thứ 141 (1875-2016)
Bài tiếp theoChương trình phụng vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô từ nay đến khi bế mạc Năm Thánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.