THÁNG 11 – THÁNG CÁC ĐẲNG LINH HỒN

0
1949

Trong tháng này, Hội thánh muốn chúng ta đặc biệt cầu cho các đẳng được về với Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa. Tháng 11 phải thương nhớ và cầu nguyện cho các đẳng. Các đẳng là những con người đã bước qua kiếp chết: xác thể tan rã còn hồn thì ở trong án lịnh của Chúa, đó là những con người đã qua đời, nhưng linh hồn còn lại, không bị xác thể bao vây, nên ở trong tình trạng cao siêu hơn, vì thế chúng xưng tặng là các đẳng là các vị các đẳng ở cấp cao siêu hơn.

Cầu nguyện, làm việc lành giúp các đẳng đó là giữ tình liên kết của Giáo hội. Việt nam chúng ta phần lớn tin ông bà, cha mẹ qua đời rồi, vẫn còn liên hệ với con cháu, nên trên giường thờ vẫn để bài vị (thẻ ghi tên tuổi ông bà). Tin hồn ông bà vẫn còn ở lại với con cháu, không những ở lại mà còn phù hộ nữa.

Kiếp sống tạm là thời gian hạn định Chúa ban cho con người tự do, dùng tự do để làm lành lánh dữ, tạo cho chính mình nên tốt hay thành xấu (tạo nhân phẩm). Qua thời gian hạn định (kiếp sống tạm) thì con người không còn khả năng kiến tạo con người của mình nữa mà chỉ còn phải đón nhận án lịnh của Chúa.

Án lịnh của Chúa thế nào? Lành thánh được thưởng trên Thiên đàng; còn tội ác thì phạt vào hoả ngục; còn ai không lành hẳn, còn nhiều khiếm khuyết thì Chúa đặt vào một nơi mà chúng ta thường gọi là Luyện ngục.

Thiên đàng, luyện ngục, và cộng đoàn tín hữu ở trần gian, ba nơi đó mỗi người đều có mối dây liên kết với nhau nên một Nhiệm Thể, sống liên kết nên một Nhiệm Thể. Chúng ta gọi là sống hiệp thông. Hiệp thông, nghĩa là mọi thành phần ở thiên đàng, nơi luyện ngục và mọi tín hữu nơi cõi trần đều chung nhau tôn thờ, ca tụng Chúa. Đối với người còn nơi trần thế: cùng nhau van xin cho biết dùng ơn Chúa, dùng tự do, thích dụng thời gian để được nên thánh. Còn đối với các đẳng, giờ chết là thời gian hạn định đã hết, không còn khả năng lập công đền tội cho mình nữa.

Do đó, xem ra phải nhớ và cầu nguyện cho các đẳng nhiều hơn. Thân nhân qua đời, người gia tộc vẫn nhớ thương; người luyến ái càng khó quên. Tuy nhiên, có thể một ngày, có khi một giờ cũng đủ để quên…

Sống Tháng Các Đẳng phải sống như thế nào? Thương nhớ, cầu nguyện, có thể hiểu ăn chay, hãm mình, bố thí giúp người nghèo, làm việc lành, xem lễ, dâng lễ, việc đạt ân xá, đại xá….v.v.

Chúng ta còn nhờ mạc khải và tin tưởng xác tín sâu xa hơn: Chúa dựng nên cả nhân loại vì thế “tứ hải giai huynh đệ”, nhưng bởi nhân loại sinh rồi nẩy nở quá nhiều không giữ được tình liên kết gia tộc, nên Chúa đã thành lập Hội thánh như một đại gia đình quy tụ nhân loại nên một, không những đối với con người còn tại thế mà cả với những đấng đã vào thiên đàng và những linh hồn trong luyện ngục. Đó là giáo lý hiệp thông, chúng ta, dầu ở nơi nào cũng là con cái Chúa nên vẫn liên kết hiệp thông với nhau, cùng nhau tôn thờ ca tụng Chúa, cùng cầu cho nhau.

Đối với các thánh, chúng ta hiệp thông, không những chung nhau tôn thờ ca tụng Chúa, mà cũng ít nhiều tham gia phần vinh phúc của các thánh. Còn luyện ngục và trần thế chúng ta có thể cầu Chúa cho nhau!

Tháng các đẳng, chúng ta sống hiệp thông với các đẳng bằng cầu nguyện, bằng việc lành, bằng các việc có hưởng ân xá, đại xá, nhường lại cho các ngài. Dĩ nhiên các đẳng cũng cầu Chúa cho chúng ta. Vậy việc giúp các đẳng phải kể là một việc khẩn thiết. Hội thánh lập tháng các đẳng thúc đẩy chúng ta cố gắng hâm mộ làm nhiều việc giúp các đẳng mà hằng ngày trong buổi đọc kinh, chúng ta thường đọc: chúng tôi cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các đẳng linh hồn đặng lên chốn nghỉ ngơi.

Cầu nguyện cho các đẳng là phận sự con cái – nhớ ông bà đã qua đời – là một việc giúp chúng ta sống giáo lý hiệp thông, cũng là một công trình từ thiện đặc biệt: vừa hiếu thuận, vừa thương yêu. Thương yêu người cần được giúp đỡ.

Các đẳng đã vào tình trạng đời đời, tình trạng vĩnh định (định rồi không sửa đổi được), nên các ngài không còn phương tiện để đền tội, để tự cứu. Một việc từ thiện chắc được hiệu quả mà không sợ bị lạm dụng. Chúng ta xin Chúa cho mình biết ham mộ cầu nguyện cho các đẳng, không thực hiện theo máy móc mà ý thức thương yêu thực sự.

Nota: Người tân tòng có được cầu nguyện cho ông bà người lương đã qua đời không?… Vẫn được, vẫn nên cũng có thể nói cần nữa. Thiên Chúa là Chúa cả nhân loại.

 

Bài trướcNguồn gốc lễ Các Thánh Nam Nữ (1.11) và lễ Các Đẳng Linh Hồn (2.11)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 31 Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây