Mưa Sài Gòn có làm nhạt muối?

0
547
Photo: Tintuc.vn

Giuse Hồ Xuân Hương, Học viện Ngôi Lời

Mới đến Sài Gòn ít ngày mà thấy Sài Gòn có nhiều thứ lạ quá. Có những người thật giàu ngồi trên những chiếc xe hơi mát lạnh. Có những người thật nghèo phải đi bán từng chiếc vé số. Lại có những em bé chưa đến tuổi lao động phải đi chào từng món hàng tại các quán nhậu. Một thành phố phát triển năng động với hàng trăm ngôi nhà cao tầng nhưng cũng đầy dẫy những người đang nằm ngủ bên vỉa hè hay bên lề đường.

Sài Gòn có mưa, có lẽ cũng là điều thường hay xảy ra. Chạy vội về cộng đoàn Triết học sau khi kết thúc lớp tại Học viện Dòng Tên, tiếng người mua bán, đổi chác hòa lẫn với tiếng mưa tạo thành một âm thanh có quen mà cũng lạ. Cộng đoàn triết học nằm sát bên chợ An Nhơn, một khu chợ khá sầm uất với đủ thứ hàng hóa, thực phẩm. Ngồi ngẫm nghĩ, tôi nhớ đến câu chuyện “mẹ hiền dạy con” được trích trong “Liệt nữ truyện” của Mạnh Tử kể về mẹ của Mạnh Tử ba lần chuyển nhà vì con. Chuyện kể rằng, lần thứ nhất, mẹ con Mạnh Tử sống gần bãi tha ma. Hằng ngày, Mạnh Tử vẫn thường ra đây nô đùa, Mạnh Tử thường diễn lại những cảnh ông nhìn thấy ở bãi tha ma. Mạnh Mẫu nhận thấy đây không phải là chỗ ở tốt cho con trai mình, bà liền chuyển nhà sang một khu chợ mua bán sầm uất nhưng tình hình không khả quan cho lắm. Mạnh Tử học cách cân, đong, đo, đếm của những kẻ mua bán, hay khoe khoang đồ của mình. Lần này, Mạnh Mẫu chuyển nhà đến gần một ngôi trường, Mạnh Tử sống gần đây nên học những khuôn mẫu lễ giáo, học hành chăm chỉ, lúc bấy giờ Mạnh Mẫu mới thở phào: “Đây mới là chỗ ở của con ta”.

Những hạt mưa rơi xuống chạy dài trên khung cửa sổ, cơn gió mạnh thổi bay những chiếc lá bồ đề đã héo úa. Những dòng suy nghĩ như hòa làm một với cơn mưa chạy dài. Câu nói của Mạnh Mẫu một lần nữa dội lại trong tâm trí khiến tôi tự hỏi: Giữa một thành phố năng động và phát triển, hàng nghàn, hàng triệu con người đổ xô về nơi đây để học tập, làm việc và mưu sinh, đây có phải là chỗ ở của ta? Liệu tôi có bị ảnh hưởng bởi sự gian dối, lọc lừa kiểu thế gian? Việc chọn lựa môi trường để sinh sống và làm việc là một điều cần thiết vì “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Lời khuyên của người xưa không phải là không có lý. Như vậy, nhà tu ở gần chợ phải chăng là bất hợp lý? Không.  Chính ngay giữa một thành phố hoa lệ, giữa những khu chợ lắm chiêu kế để mưu sinh ta vẫn nghe đâu đó vang lên những lời kinh cầu thật thật đẹp, thật nên thơ. Vẫn có những nơi thật yên bình, những người tu thánh thiện để người đời có thể tìm đến nghỉ ngơi, để tựa vào những lúc chơi vơi hay ngã quỵ. Cuộc sống nhờ đó trở nên đẹp hơn và ý nghĩa hơn. Vì thế, người tu sống nơi huyên náo là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Hoặc là họ sẽ nhạt đi khi bị hòa tan hoặc chính họ sẽ là muối, là men giữa lòng đời. Hoặc là người tu mất dần đi căn tính đời tu của mình hoặc là nhờ họ mà người đời được cảm hóa để tìm đến Chân-Thiện-Mỹ. Quả thật, có sống gần đời mới biết mình gần Chúa bao nhiêu, có sống gần nơi chợ búa huyên náo mới biết tâm hồn mình thanh tịnh thế nào.

Phía bên ngoài khung cửa mưa đã tạnh tự bao giờ. Tiếng người mua, kẻ bán đưa khu phố trở lại với vòng quay của cơm áo gạo tiền, của mưu sinh, còn ở đây vẫn vang lên tiếng kinh cầu nhè nhẹ vấn vương. Mưa chẳng kéo dài mãi nhưng đời tu thì đâu có ngừng. Làm sao sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian? Làm sao để hòa nhập mà không hòa tan? Làm sao để giữ mãi cái tư lự “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Và liệu “mưa” Sài gòn có làm “muối” nhạt đi?

 

 

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba Tuần 19 TN)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XX Thường Niên, Năm C (Lc 12,49-53)