(Hình ảnh minh họa)
Disciplina della Chiesa e giusta autonomia negli istituti di vita consacrata (c. 586)
(RECCHI S. [Silvia Recchi], Quaderni di diritto ecclesiale 1988, Fascicolo. 3, 180-186)
- Một vài tiền đề
Việc viết một bài diễn văn về chức năng của kỷ luật Giáo hội đối với đời sống thánh hiến, và còn đối với mối tương quan tự trị và phụ thuộc của đời sống thánh hiến với Giáo hội, giả thuyết về một tầm nhìn nhất định đối với Giáo hội và một tầm nhìn nhất định đối với đời sống thánh hiến. Chính tầm nhìn này, khi thì nhấn mạnh một vài phương diện này khi thì nhấn mạnh những phương diện khác, đã xác định loại kỷ luật và mối quan hệ giữa nhà chức trách của Giáo hội với các gia đình đời sống thánh hiến trong suốt dòng lịch sử. Chẳng hạn ai cũng biết rằng ngày từ đầu, “đặc tính giáo hội” của đời sống thánh hiến có vẻ ít rõ rệt; vai trò của thể chế giáo hội đối với đời sống thánh hiến là hầu như không đáng kể. Phải mất hơn một thế kỷ hiện hữu của đời sống đan sĩ trước khi sự cho phép của Giám mục để thành lập một đan viên được yêu cầu. Chính những Quy tắc luật (Regole) đã không cần đến sự phê chuẩn mang tính giáo luật trong nhiều thế kỷ, một vài Quy tắc luật đã được đặt ra do quyền bính riêng và do tập quán mà dân Kitô giáo chấp nhận.
Chúng ta cũng biết rằng, bắt đầu từ công đồng Vatican II, khi trải qua sự suy tư phong phú hậu công đồng, cội rễ đoàn sủng sâu xa của đời sống thánh hiến luôn được làm rõ hơn. Công đồng nói rằng bậc sống bước theo Chúa Kitô thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội (LG 44). Việc Bộ giáo luật lấy lại khẳng định này (đ. 207 §2) gợi ý cách xác tín rằng thực tại mang tính đoàn sủng của đời sống thánh hiến thuộc về mô tế bào cấu tạo của Giáo hội.
Đời sống thánh hiến tạo nên một bậc sống mang tính giáo luật được vào tổ chức của Giáo hội cách bền vững. Điều này còn được thể hiện cách rõ nét hơn bởi việc các Tu hội đời sống thánh hiến không còn được xếp vào trong số những hiệp hội giáo dân đơn giản như đã từng như thế cho đến Lược đồ (Schema) 1980. Thật thế, những hiệp hội giáo dân không tạo nên một status vitae (bậc sống), như điều đó xảy ra đối với những người bước theo Chúa Kitô qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm: họ được liên kết với nhau cách không đơn giản trên sự ưng thuận tự do của họ và bậc sống của họ đòi hỏi một tổ chức mang tính pháp lý đặc biệt, và nó khởi đi từ những tiền đề khác nhau.
Chiều kích đoàn sủng của đời sống thánh hiến đặt nền trên một loạt những hồng ân Thiên Chúa mà Bộ giáo luật đề cập: các lời khuyên Phúc Âm (đ. 575), đoàn sủng của các đấng sáng lập (đ. 578), lời mời gọi của Thiên Chúa (đ. 574 §2), sự đa dạng của các hình thức mà Chúa Thánh Thần gợi lên (đ. 577).
Tuy nhiên, trong Bộ giáo luật không bao giờ xuất hiện thuật ngữ “đoàn sủng” (carisma), nhưng ngược lại điều đó đã xảy ra trong Lược đồ 1980, nơi mà thuật ngữ này đã xuất hiện tám lần khi nói đến các Tu hội đời sống thánh hiến: chúng ta không thể hối tiếc về lựa chọn chung cuộc này, mặc dù khái niệm đoàn sủng được thể hiện trong các điều luật bằng một thuật ngữ tương đương.
Mặc dù đời sống thánh hiến được đặt nền trên thực tại đoàn sủng, nhưng nó liên quan đến tổ chức của Giáo hội: chính Hiến chế của công đồng Vatican II về Giáo hội đã đòi hỏi rằng các đoàn sủng phải phục tùng các vị Chủ chăn. Về phần mình, các vị Chủ chăn phải cố gắng không để dập tắt Thánh Thần (LG 12b).
Đoàn sủng của đời sống thánh hiến không được coi là một thực tại chóng qua trong Giáo hội, nó là một dấu vững bền trong hệ thống của Giáo hội: theo nghĩa này nó đòi hỏi một kỷ luật đặc biệt trong lòng cộng đoàn giáo hội, khi liên quan đến trật tự mang tính giáo luật mà nó không thể được xem như là một y phục bên ngoài, hay hơn nữa nó không thể trái ngược với bản chất của Giáo hội và với những đòi hỏi của Giáo hội.
- Kỷ luật về đời sống thánh hiến
Những tiền đề mà chúng ta đã khởi đi từ đó, một mặt, cho chúng ta thấy chiều kích đoàn sủng của đời sống thánh hiến, mặt khác, cho chúng ta thấy nó đòi hỏi được đặt vào trong cơ cấu của Giáo hội, bởi vì nó tham gia vào sự hình thành của Giáo hội.
Cũng cần phải nói rằng, trước khi đi vào trong thể chế của Giáo hội, đoàn sủng của đời sống thánh hiến “gặp gỡ” với thể chế mà chính từ đó nó phát xuất, với một kỷ luật sống mà chính nó đòi hỏi. Trong lịch sử, biện chứng đoàn sủng-thể chế và sự căng thẳng mà từ đó phát xuất và đánh dấu đời sống của các Tu hội bằng cách này hay cách khác là điều quá rõ ràng. Cũng trong lĩnh vực này, suy tư của những thập niên vừa qua đã có được những sự chắc chắn lớn hơn. Suy tư chính yếu nhấn mạnh đến việc luôn xem xét đoàn sủng không như một yếu tố linh đạo đơn thuần, vốn đối kháng với phương diện thể chế như là một giới hạn và một sự ép buộc bên ngoài. Đoàn sủng chính là một năng lực sống làm sản sinh đồng thời một tinh thần và những cơ cấu để thể hiện tinh thần ấy. Những cơ cấu này mang tính nội tại đối với chính đoàn sủng và chúng làm cho đoàn sủng trở nên hiệu quả trong không gian và thời gian, nghĩa là làm cho nó trở nên hoạt động trong lịch sử. Từ tinh thần này và từ những cơ cấu này nảy sinh một kỷ luật sống, nảy sinh những quy tắc ứng xử để làm cho sự hiệp thông giữa các thành viên có thể trở nên hiện thực và có hiệu quả. Tất cả điều đó được thể hiện trong một Quy tắc luật (Regola), vốn xác nhận sự thể chế hóa đầu tiên của đoàn sủng trong nội bộ của nhóm.
Thường thì chúng tôi tập trung làm sáng tỏ những căng thẳng và khó khăn mà một đoàn sủng mới phải chịu khi nó phải đối diện với thể chế giáo hội để có thể tự khẳng định và nó có nguy cơ đánh giá thấp khó khăn này: nghĩa là khó khăn của khuynh hướng đoàn sủng sản sinh một cơ cấu riêng, một kỷ luật “nội bộ”, vốn có thể thật sự thể hiện đoàn sủng, bảo vệ đoàn sủng và loàn truyền đoàn sủng. Trong giai đoàn tế nhị và bấp bênh này, đoàn sủng, hay tốt hơn là những giải thích đầu tiên về đoàn sủng, phải “phát minh” ra những cơ cấu riêng, một tổ chức mang tính quy phạm pháp lý riêng, vốn biết tương ứng cách thích đáng và hiệu quả với tính mới mẻ và không xu thời của nó, khi chống lại với cám dỗ thay đổi bởi những hình thức khác đã được khẳng định và đã được củng cố bởi kinh nghiệm.
Tiếp theo, đoàn sủng này sẽ gặp gỡ cơ chế giáo hội: Quy tắc luật (Regola) sẽ được phê chuẩn với những quy định pháp lý xác thực (norme positive), vốn thừa nhận sự linh hứng mang tính đoàn sủng của nó và chứng thực sự phù hợp của nó với mục đích cứu độ của Giáo hội. Lúc ấy, chính đoàn sủng này, một đoàn sủng có khả năng mang lấy những đòi hỏi về tính bền vững, tính liên tục và tính công khai, tìm thấy lời đáp trả cho những đòi hỏi này trong cuộc gặp gỡ với cơ chế giáo hội. Cơ chế giáo hội, vốn tránh việc kiềm chế sự tự do mang tính năng động đoàn sủng, làm cho đoàn sủng này hiển hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nó, làm cho nó trở nên hữu hình và hoạt động trong lịch sử, đặt nó vào trong sự hiệp thông rộng lớn hơn của Giáo hội.
Với điều đó chúng ta đã vạch dấu cách nhanh chóng tiến trình “thể chế hóa” đoàn sủng của đời sống thánh hiến. Ân sủng của Thần Khí bắt đầu ở bên trong nhóm môn đệ đầu tiên và được sống trong một sự tổng hợp giữa sự tự do và các ràng buộc, giữa tính nội tại và tính hữu hình, giữa tính sáng tạo và các cơ cấu. Toàn thể thực tại này, tập hợp các quy phạm pháp lý và cơ cấu cơ bản này, kinh nghiệm thiêng liêng này, vốn chín mùi và được thể hiện thông qua các truyền thống riêng, sẽ được đưa vào trong “luật riêng”, vốn thể hiện sự kỷ luật tự giác đầu tiên của đoàn sủng. Tiếp đến, nó sẽ phải tiếp xúc với cơ chế giáo hội, vì nó là một ân sủng để xây dựng Giáo hội. Giáo hội không chỉ là sự hiệp thông nội tại, mà còn là một sự hiệp thông hữu hình, xã hội và công khai. Cho nên, Giáo hội được cơ cấu theo một trật tự của nó. Sự gặp gỡ này được cụ thể hóa trước hết bằng việc phê chuẩn của nhà chức trách giáo hội.
Về điểm này, vấn đề được đặt ra là vấn đề về sự quân bình tinh tế giữa sự tự trị và sự lệ thuộc, về vai trò hữu hiệu của kỷ luật Giáo hội đối với đời sống thánh hiến, vốn đòi hỏi một khoảng không gian tự do thực thụ trên cơ sở tất cả những gì được nói ở trên.
- Sự tự trị của các tu hội đời sống thánh hiến theo điều 586.
Điều 586 §1 nói rằng: «Mỗi tu hội được thừa nhận có quyền tự trị chính đáng trong sinh hoạt, nhất là trong việc lãnh đạo, nhờ đó, tu hội có một kỷ luật riêng trong Giáo Hội và có thể bảo toàn nguyên vẹn gia sản của mình được nói đến ở điều 587.»
Điều luật khẳng định quyền có một sự tự trị riêng của từng tu hội đời sống thánh hiến. Sự tự trị riêng ấy phải thể hiện và bảo vệ ân sủng của Thần Khí. Điều luật này là mới mẻ theo nghĩa không có một điều luật tương đương trong Bộ giáo luật cũ.
Trong điều luật này, nhà lập pháp «thừa nhận» một khoảng không gian tự trị trong mỗi tu hội đời sống thánh hiến. Sự thừa nhận này, đúng như thuật ngữ (agnoscitur) được sử dụng nói đến, không phải là việc tạo ra sự tự trị này thông qua một sự ban phát nhân từ của nhà chức trách lớn hơn của Giáo hội. Một sự thừa nhận tương tự được đòi hỏi bởi chính thực tế của các tu hội đời sống thánh hiến. Ngược lại sự thừa nhận này tạo ra cách thật sự một không gian pháp lý cụ thể bên trong luật phổ quát, nhờ đó việc công bố sự tự trị được nói ở trên không còn nằm ở mức độ là một sự phát biểu thuần túy nguyên tắc.
Điều luật khẳng định rằng những người hưởng lợi từ sự tự trị này là các tu hội, mỗi mội tu hội hưởng sự tự trị theo ân sủng đã nhận được từ Thần Khí.
- Nền tảng của sự tự trị
Nhà lập pháp không làm sáng tỏ trong điều luật này cơ sở nền tảng của sự tự trị này, nhưng nền tảng này có thể được quy chiếu cách dễ dàng đến những điều đã được giải thích rõ trong các điều luật khác (ví dụ trong các điều 577 và 578) và trong mỗi trường hợp được đặt nền tảng trong chính thần học về đời sống thánh hiến. Nghĩa là Giáo hội thừa nhận một thực tế rằng Giáo hội đã không tạo ra đoàn sủng, rằng mình chỉ đang đứng trước một ân sủng không được dự kiến trước. Và đoàn sủng ấy đi vào đời sống Giáo hội để thể hiện cách hiệu quả những đòi hỏi căn bản của Nước Thiên Chúa. Giáo hội thừa nhận rằng ân sủng phải được chấp nhận trong việc tôn trọng bản chất của nó. Trong điểm này, Giáo hội ở trong thái độ của “những người đón nhận”, vốn mang tính thụ động từ ban đầu. Chúng ta còn có thể nói cách rõ ràng rằng từ ban đầu Giáo hội không đóng vai trò gì cả; thường thì sự hoài nghi và khó khăn, những sự bất đồng và căng thẳng, sự thù nghịch và đau khổ luôn đi cùng với tính chất độc đáo và tính không thể dự kiến được của một đoàn sủng đời sống thánh hiến mới (MR 12).
Cho nên Giáo hội thừa nhận một sự linh hứng, vốn không đến từ Giáo hội và chính Giáo hội không thiết lập. Nhưng Giáo hội chỉ chấp nhận, phê chuẩn, tuyên bố cách chính thức, khích lệ, làm cho bền vững và loan truyền sự linh hứng ấy.
- Loại tự trị
Điều 586 §1 nói đến một sự tự trị chính đáng. Trước hết sự tự trị chính đáng được đòi hỏi bởi lôgíc nội tại của từng đoàn sủng và trong nghĩa này nó không bị giới hạn nhưng được cân xứng, “đo lường”, với những nhu cầu của các tu hội. Sự tự trị này phải chịu một biên độ rộng lớn khác nhau tùy theo các tu hội và tùy vào vị trí chúng, nhưng vẫn giống nhau đối với tất cả về cốt lõi của nó (xem đ. 593 và đ. 594).
Điều luật nói về sự tự trị “về đời sống”, khi gợi lên một khái niệm khá rộng bằng thuật ngữ này và khi nhất mạnh rằng: “nhất là về sự quản trị”. Nó không chỉ về sự quản trị, nhưng trên hết là về sự quản trị. Đáng lưu ý là phương diện này trong đời sống thánh hiến liên quan đến những vấn đề khá tế nhị đối với cơ chế giáo hội; mặt khác, trước hết chính việc quản trị nơi tu hội có chức năng cho phép đạt đến những mục đích của chính tu hội trong sự trung thành và nhất quán với ơn gọi của nó. Một sự can thiệp từ bên ngoài trong việc quản trị có thể được coi là một nguy hiểm cho đời sống của tu hội.
Cụ thể, sự tự trị này là một sự tự trị để tổ chức đời sống nội bộ riêng (cf. MR 13), để ban hành một kỷ luật riêng, một luật riêng với một khoảng không gian pháp lý bên trong luật phổ quát của Giáo hội và nhờ đó nó phải duy trì một mối quan hệ hài hòa và không mẫu thuẫn. Về mục đích này, nhà chức trách giáo hội đòi hỏi một thẩm quyền riêng của mình để phê chuẩn Bộ luật căn bản hay Hiến pháp, cũng những thay đổi có thể xảy ra của những Bộ luật và Hiến pháp này (đ. 587).
Tuy nhiên, có lẽ sẽ bị sai lầm khi gắn liền sự tự trị này với trật tự nội bộ đơn giản; và điều này theo một nghĩa nào đó cũng là sự tự trị trong hoạt động, sự tự trị để hoạt động trên cơ sở căn tính riêng: quả thật, mỗi đoàn sủng đời sống thánh hiến, vì được ban tặng để xây dựng Giáo hội, đụng chạm đến thực tại bên ngoài bằng linh đạo riêng, bằng lối sống và sứ mạng riêng. Và tất cả những điều đó đòi hỏi một khoảng không tự do. Đó chính là điều mà Giáo hội đã thừa nhận khi, ví dụ, ban sự miễn trừ như là sự bảo vệ đối với yêu sách này.
- Những lý do của sự tự trị
Theo điều 586 §1, những lý do, nhờ đó Giáo hội thừa nhận sự tự trị mà chúng ta đã nói đến, được làm sáng tỏ dưới một phương diện kép: nhờ sự tự trị mà các tu hội có được một kỷ luật riêng trong Giáo hội, nhờ đó các tu hội thể hiện đời sống và diện mạo mang tính đoàn sủng của mình; hơn nữa, nhờ sự tự trị mà các tu hội có thể bảo vệ cách toàn diện di sản thâm sâu của tu hội.
Về điểm này, trong điều luật 586 §1 có một sự tham chiếu đến điều 578, vốn là điều luật đưa ra những yếu tố cơ bản để xác định di sản này. Điều luật được tham chiếu đến phát xuất từ việc thừa nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các đấng sáng lập và khích lệ để mục đích nền tảng của họ cũng như những ý định của họ được tôn trọng cách trung thành bởi tất cả mọi người với việc quy chiếu đặc biệt đến các phương diện cơ bản, vốn đã xác định diện mạo của tu hội: “bản chất” của tu hội, nghĩa là loại mà nó thuộc về (ví dụ, nó có thể là một dòng tu (istituto religioso) hay là một tu hội đời (istituto secolare); “đặc tính” của nó, nghĩa là căn tính riêng của nó – bao gồm tất cả các phương diện – ở bên trong một loại rất rộng, chẳng hạn đặc tính của nó có thể là đặc tính của một dòng chiêm niệm hay của một dòng hoạt động tông đồ; vì thế “mục đích”, nghĩa là mục đích đặc biệt mà đấng sáng lập mong muốn cho sự thành lập của ngài và cuối cùng là “tinh thần”, linh đạo phát sinh từ đoàn sủng và làm một phương diện của mầu nhiệm Chúa Kitô trở nên hiện tại và hữu hình.
Việc bảo vệ di sản này, vốn cũng bao gồm cả những truyền thống lành mạnh của tu hội, chắc chắn đòi hỏi một khoảng không gian tự do và tự trị chính thức để cho di sản này có thể được bảo vệ và do đó có thể lưu truyền sự phong nhiêu của nó.
Chính nhà chức trách của Giáo hội có bổn phận giám sát để cho di sản ấy được bảo vệ và duy trì cách trung thành. Chính điều 586 §2 thêm rằng “việc duy trì và bảo vệ quyền tự trị ấy thuộc về các Đấng Bản Quyền địa phương”.
Kết luận
Theo một nghĩa nào đó, sự hiện hữu của đời sống thánh hiến trong Giáo hội gây xáo trộn trật tự của Giáo hội, khi ép buộc Giáo hội phải can thiệp vào thực tại không thể dự kiến trước được, vốn phát xuất từ Chúa Thánh Thần để xây dựng chính Giáo hội.
Từ đó nảy sinh ra thách đố về một kỷ luật biết đến sự can thiệp này và biết bảo vệ phạm vi tự do và sáng tạo mà quà tặng ân sủng đòi hỏi trong từng tu hội. Mặt khác, viễn tượng này đã thể hiện một trong những nguyên tắc hướng dẫn việc sửa đổi một phần Bộ giáo luật có liên quan đến các tu hội đời sống thánh hiến.
Viễn tượng này không thể gây ra bất cứ sự chống đối nào nếu như các tu hội có được từ Giáo hội sự tự trị chính đáng, vốn cho phép họ sống ân sủng mà họ đón nhận và thực hiện sứ mạng mà nhờ đó họ đã được sinh ra.
Lm. Antôn P. Nguyễn Thanh Hà,SVD chuyển ngữ
Thư mục
D.J. Andrés, Il diritto dei religiosi (Luật của các tu sĩ), Roma 1984, 19-23.
- Beyer, Risposte a quesiti e dubbi sul nuovo diritto degli Istituti di vita consacrata (Những câu trả lời cho các câu hỏi và hoài nghi về luật mới của các tu hội đời sống thánh hiến), in Vita Consacrata 21 (1985) 566-591.
- Beyer, Principio di sussidiarità o giusta autonomia nella Chiesa (Nguyên tắc hổ tương hay sự tự trị chính đáng trong Giáo hội), in Vita Consacrata 23 (1987) 318-336.
- De Paolis, Gli Istituti di vita consacrata nella Chiesa (Các tu hội đời sống thánh hiến trong Giáo hội), in Aa.Vv., La vita consacrata [Đời sống thánh hiến] (Il Codice del Vaticano II diretto da A. Longhitano), Bologna 1983, 81-85.
- Ghirlanda, La vita consacrata nella struttura carismatico-istituzionale della Chiesa [Đời sống thánh hiến trong cấu trúc mang tính đoàn sủng-thể chế của Giáo hội], in Aa.Vv., Carisma e istituzione. Lo Spirito interroga i religiosi [Đoàn sủng và thể chế. Chúa Thánh Thần tra vấn các tu sĩ], Roma 1983, 163-180.
G. Lafont, L’Esprit Saint et Le Droit dans l’istitution religieuse [Chúa Thánh Thần và Luật trong định chế Dòng tu], in La vie spirituelle. Supplément 1987, 473-501;
(Bài viết này do cha Antôn P. Nguyễn Thanh Hà,SVD thuyết trình trong dịp Thường Huấn Tu sĩ, Linh mục SVD Việt Nam)