“Người đương thời” mang tên Đức Giêsu Kitô

0
4652

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Một ý tưởng được đề xuất để tìm về một cảm nghiệm đức tin với cùng đức tin mà Đức Giêsu đã đòi hỏi nơi những Do Thái bấy giờ, chúng ta tạm gác một bên 2000 năm lịch sử cùng những xác nhận về Đức Giêsu Kitô và đặt mình vào vị trí của “người đương thời” đang nghe Đức Giêsu nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8, 51). Liệu chúng ta có đủ can đảm để tin vào một lời hứa như vậy, khi mà chính người đưa ra lời hứa đó sẽ chịu đóng đinh và chết trên cây thập giá?

  1. Trở nên “người đương thời” với Đức Giêsu

Đứng trước những giáo lý đầy mới mẻ như diễn từ Bánh Hằng Sống (kéo dài trọn chương 6 trong Tin Mừng Gioan), những lời Đức Giêsu mặc khải về chính Ngài như “Tôi là Con Thiên Chúa…Chúa Cha ở trong Tôi, và Tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,31-42) và đỉnh cao là lời loan báo về sự phục sinh của chính Ngài: “Họ sẽ lên án xử tử Người…họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,32-34). … đâu là phản ứng của những người đương thời?

“Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền” (Mc1,27). Quả vậy, giáo lý mới mẻ là một chuyện, còn tin giáo lý ấy hay chăng lại là một câu chuyện khác. Những thái độ khác nhau đến từ những người Do Thái thời bấy giờ: có những người “nghe Đức Giêsu cách thích thú” (Mc 12,37), lại cũng có những người “tụ họp đông đảo từ khắp các thành thị, kéo đến cùng Ðức Giêsu” (Lc 8,4). Đó là một thái độ tích cực và nó càng nổi bật hơn khi biết rằng, đó không phải là phản ứng của phần đông dân chúng mỗi khi giáo huấn của Đức Giêsu được vang lên. Qua những trang Kinh Thánh, không ít lần chúng ta bắt gặp những thái độ trái nghịch đến từ phía các Kinh sư, người Pharisêu và phần đông dân Do Thái bấy giờ, thậm chí một số môn đệ cũng đã phản ứng lại những giáo huấn của Đức Giêsu: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” (Ga 6,60).

Đặt mình làm “người đương thời” với Đức Giêsu bằng chính những kinh nghiệm đời thường, chúng ta có thể tự nhận thấy rằng thật không dễ dàng để đón nhận những lời lẽ như vậy của một người đương thời. Một người chỉ “là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn. Chị em của ông là bà con lối xóm với” những người Do Thái lúc bấy giờ (Mc 6,3) và xuất thân “từ Nadarét chẳng có cái gì hay” (Ga 1,46)… đã tuyên bố rằng “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Thử hỏi những người Do Thái đương thời, những người được “tắm gội” trong giáo lý mà cha ông họ đã đón nhận từ Thiên Chúa từ thuở xa xưa, làm sao có thể đón nhận “những giáo lý mới mẻ” ấy, liệu họ sẽ dễ dàng tin vào lời hứa ấy của một người đương thời?

Photo: restlesspilgrim.net

Việc đặt lại vấn đề như vậy không phải để bình luận về vấn đề niềm tin của những người Do Thái thời bấy giờ cho bằng để thấy rằng thật sự khó để kiểm chứng lời của một người đương thời, dẫu là trong thời đại nào đi chăng nữa. Thế nên, trong dân Do Thái lúc bấy giờ, có người tin, người không tin, có người cảm thấy được lôi cuốn nhưng cũng có người cảm thấy khó chịu với lời của Đức Giêsu, có chăng cũng là điều thật bình thường. Nhưng chính trong cái bình thường đó, niềm tin của những người môn đệ Đức Giêsu được làm nổi bật lên, bởi lẽ, các ông cũng là những người đương thời với Ngài. Dĩ nhiên, niềm tin ấy chẳng phải là câu chuyện ngày một ngày hai nhưng được tôi luyện bằng cả một hành trình theo Thầy khi Thầy còn ở dương thế lẫn khi Thầy đã về với Chúa Cha. Và điều cốt lõi là các môn đệ, sau cùng, đã mạnh mẽ làm chứng về một niềm tin duy nhất vào Đức Giêsu: “Chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh” (1Cr 1, 22). Và chúng ta được đón nhận niềm tin ấy từ các Ngài.

Đặt mình trong vai trò “người đương thời” với Đức Giêsu không phải là một hành trình trở về tìm hiểu những câu chuyện lịch sử như những nhà sử học hay là một tâm tình hoài niệm, nhưng đó có thể trở nên một phương thế hữu hiệu giúp người môn đệ ngày hôm nay củng cố niềm tin của mình. Một niềm tin đã được loan báo bởi chính người đương thời thực sự của Đức Giêsu. Các tông đồ là những chứng nhân sống động. Họ đã tin vào lời hứa của một người đương thời, trong khi phần đông đã chẳng tin, thậm chí còn phản ứng tiêu cực. Thế nên, khi đặt mình vào hoàn cảnh “người đương thời”, chúng ta phần nào hiểu được điều mà Đức Giêsu đã nói với Phêrô: “Này anh Simôn, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).

Chúng ta nhận thấy rằng trước hết, không phải tự sức riêng mà các môn đệ có thể tin vào lời của Đức Giêsu nhưng là nhờ mặc khải của Thiên Chúa. Đồng thời, những lời chứng của các môn đệ thật đáng tin cậy bởi lẽ các Ngài đã đánh đổi bằng chính mạng sống của mình “vì Danh Đức Kitô” (Lc 21, 17). Thánh Phaolô còn  quả quyết trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh em cũng trống rỗng… và chúng tôi thật là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15, 14-19). Đặt mình làm “người đương thời” với Đức Giêsu để hiểu điều mà những người đương thời đích thực với Đức Giêsu đã tin, đã loan báo. Một niềm tin đã được xác quyết bằng chính mạng sống của các tông đồ. Nhờ đó, đức tin của chúng ta được củng cố biết bao.

  1. Chính Đức Giêsu đã trở nên “người đương thời” với chúng ta

Đức Giêsu luôn đồng hành và đỡ nâng hành trình đức tin của chúng ta, hơn hết, Ngài đã trở nên “người đương thời” với chúng ta: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Nhờ đó, chúng ta xác tín rằng Đấng mà chúng ta đã nghe loan báo và đã tin, không hề xa lạ với chúng ta: “Người ở trong con, Người ở với con và không bao giờ bỏ rơi con. Dù con có rời xa Người, Đấng Phục sinh vẫn ở bên con. Người kêu gọi và chờ đợi con bắt đầu lại. Khi con cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, thù hận, vì lo sợ, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để ban lại cho con sức mạnh và hy vọng” (Tông Huấn “Christus vivit”, số 2).[1]

Trở nên “người đương thời” với chúng ta, Đức Giêsu thật gần với chúng ta ngay trong những thách đố của thời đại, những nỗi đau mà nhân loại đang trải qua: chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… Nhờ đó, Ngài cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn dõi bước với nhân loại, một vị Thiên Chúa là Tình Yêu đang kề bên trong chính những thách đố mà chúng ta đang đương đầu. Không chỉ là những thách đố bên ngoài mà còn ngay trong những cuộc đấu tranh nơi sâu thẳm nội tâm mỗi người. Đức Giêsu vẫn thấy rõ, vì Ngài ở nơi sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Điều đó có nghĩa là ngay cả trong đêm trường của đức tin, chúng ta không chiến đấu một mình nhưng có Đức Giêsu hằng đỡ nâng. Đó, ắt hẳn, là một nguồn trợ lực lớn lao cho chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Đức Giêsu thực sự đã trở nên người đương thời với chúng ta. Không phải chỉ là một Đức Giêsu “hôm qua”, Đấng đã trải qua những đau khổ, thử thách cách đây 2000 năm, nhưng cũng chính là một Đức Giêsu “hôm nay và mãi mãi”. Đối với những người tin, giáo lý Hội Thánh Công giáo nói rõ về sự hiện diện của Đức Giêsu ngày hôm nay: “trong Lời Chúa; trong kinh nguyện của Hội Thánh, “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy”; trong những người nghèo khổ, đau yếu, tù đày; trong các bí tích do Người thiết lập; trong hy tế thánh lễ và nơi thừa tác viên; “nhất là Người hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể”” (GLHTCG số 1373).

Một vấn nạn được đặt ra: Làm sao loan báo cho người đương thời với chúng ta, những người chưa tin vào Đức Giêsu, về sự hiện diện của một “người đường thời” mang tên Đức Giêsu?  Quả là không dễ để nói những điều này cho người ta, phương chi nói cho thế giới tục hóa ngày nay; nhưng đây là điều mà chúng ta, những người rao giảng Tin Mừng, phải thấy rõ trong tâm trí niềm tin vào “Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian” (1Ga 4,4) và chúng ta phải can đảm loan báo sự hiện diện của một Đức Giêsu “đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta… và Người muốn con người được sống!” (Tông Huấn “Christus vivit”, số 1).

Dĩ nhiên, chúng ta không cố gắng “chứng minh” cho thế giới về sự hiện diện của Đức Giêsu, nói theo kiểu của triết gia Søren Kierkegaard: “Một là Thiên Chúa thực sự hiện hữu, thì không thể nói là chứng minh, hai là nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì càng không thể chứng minh có Ngài được”. Như vậy “chứng minh” là một hành động suy tưởng… mà suy tưởng và hiện hữu là hai bình diện cách biệt nhau một trời một vực…Vậy chỉ có một phương châm để đạt tới Thiên Chúa: Con đường hiện sinh”[2]. Người môn đệ được mời gọi trình bày về Đức Giêsu bằng cuộc sống hiện sinh của mình, hay nói cách khác, đời sống của người môn đệ trở nên những chứng từ sống động: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nhờ đó, thế giới nhận biết về sự hiện diện của Đức Giêsu. Thiết nghĩ, trong cuộc sống của con người thời nay, niềm tin đang bị đánh cắp hay bị đặt sai chỗ bởi những chủ thuyết tương đối, dẫn đến tình trạng tục hoá mọi mặt, kể cả những giá trị đạo đức, những chân lý đức tin. Đứng trước thực trạng trên, đời sống của người môn đệ phải đương đầu với thách đố thực sự. Tin tưởng vào lời của Đức Giêsu: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), người môn đệ can đảm dấn thân sống chứng tá để dẫu giữa trăm chiều thử thách, đời sống của họ luôn toát lên sự hiện diện của Đức Giêsu cho nhân loại mọi thời.

Tóm lại

Hơn 2000 năm trước, một vị Thiên Chúa đã đi vào lịch sử khi làm người. Đức Giêsu đã đến và mời gọi con người bước vào sự sống đích thực mà Thiên Chúa Cha hằng hứa ban. Những người đương thời với Đức Giêsu đã lắng nghe nhưng không phải tất cả đều tin nhận. Những người môn đệ, cũng là những người đương thời, nhờ mặc khải của Thiên Chúa, đã thật có phúc khi tin vào những lời của Đức Giêsu. Các Ngài đã dùng chính mạng sống của mình để Lời được loan báo. Nhờ đó, hạnh phúc thay, chúng ta, những hậu nhân, cũng được chia sẻ niềm vinh phúc lớn lao ấy.

Như một “người đương thời” với chúng ta, vị Thiên Chúa ấy hiện hữu và đang thực sự hiện hữu trong thế giới[3]. Người đến để đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, cùng chia sẻ mọi sự với chúng ta, niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và lo lắng. Đó thật là niềm an ủi cho chúng ta, những người môn đệ trên hành trình bước theo Đức Giêsu. Thế nên, chúng ta được mời gọi dùng chính đời sống của mình như là một chứng từ sống động để trình bày cho thế giới sự hiện diện của “một người đương thời” mang tên Đức Giêsu Kitô hầu muôn dân nhận biết Người và được đón nhận ơn cứu độ.

Chú thích:

[1] Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng “Christus vivit” của Đức Phanxicô gửi người trẻ và toàn thể dân Chúa (2019)

[2] Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện sinh, tr.47

[3] ĐGH Benedicto XVI, Thông điệp Spe Salvi, Dg: Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, số 36.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 19 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 19 TN)