Hoàn thiện “tối đa”

0
385
Photo: RAPIDEYE VIA GETTY IMAGES

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

  1. Lời mời gọi “hãy nên hoàn thiện”

“Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, rồi hãy đến theo tôi” (c.21) là câu trả lời mà Đức Giêsu dành cho người thanh niên trong dụ ngôn người thanh niên giàu có (Mt 19,16-22), một người đã cẩn thận tuân giữ các giới luật. Liệu rằng Đức Giêsu có đòi hỏi anh quá mức chăng hay Người còn muốn mở ra điều gì khác nữa?

Trước tiên, chúng ta cùng khám phá hình ảnh người thanh niên mà dụ ngôn đề cập đến. Với câu hỏi, “tôi phải làm gì tốt để được sự sống đời đời?”, chúng ta bắt gặp một người trẻ với lòng khao khát sự tốt lành. Và đáp án của Đức Giêsu là anh hãy tuân giữ các điều răn. Quả thực, việc tuân giữ những giới luật của Thiên Chúa chưa bao giờ là dễ dàng. Chính mỗi người chúng ta cũng phần nào cảm nghiệm được điều đó. Vậy mà Tin Mừng cho biết: “tất cả những điều đó, anh đều đã tuân giữ. Và trong đoạn song song với bản văn Tin Mừng Matthêu, bản văn Tin Mừng Máccô còn cho biết thêm: những điều đó, anh đã tuân giữ “từ thuở nhỏ” (Mc 10,20).

Từ câu hỏi cho đến câu trả lời cũng như chính cuộc sống của anh đã toát lên niềm khao khát điều tốt lành và sự hoàn thiện. Điều đó thật đẹp và đáng trân trọng, Đức Giêsu cũng đã ghi nhận những điều đó mà cũng trong đoạn song song, thánh Máccô đã diễn tả: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,21). Thật vậy, anh đã làm được những điều mà không phải ai cũng làm được, một người trẻ mà đã biết để tâm tìm kiếm một điều cao quý như sự sống đời đời cùng cẩn thận tuân giữ những giới luật của Thiên Chúa ngay tử thuở nhỏ. Xem ra những điều mà anh đã làm được cũng không ít, có thể nói là đáng kể. Vậy mà với Đức Giêsu ngần ấy là chưa đủ, Người còn mời gọi anh: Nếu muốn nên hoàn thiện, hãy bán hết tài sản và đi theo Người (c.21).

Thật vậy, để có được sự sống đời đời, con người cần nỗ lực đạt tới sự hoàn thiện. Với Đức Giêsu, sự hoàn thiện không hệ tại ở việc người môn đệ đã tuân giữ được bao nhiêu, tuân giữ từ lúc nào hay tuân giữ ra sao. Điều đó là tốt nhưng Đức Giêsu còn muốn hơn thế nữa. Sự hoàn thiện đòi hỏi con người không những phải tuân giữ nguyên vẹn những giới luật mà còn phải vượt xa chúng trong cách tuân giữ. Đó là sự tuân giữ trong định mức của tình yêu và nhận ra chẳng còn giới hạn nào cả. Đó là tấm lòng khao khát, rộng mở với Nước Trời, để không bị giới hạn bởi bất cứ thực tại trần thế nào nhưng là sống giới răn lớn nhất và trên hết, đó là yêu mến Thiên Chúa với cả tâm hồn.

Người thanh niên hôm nay đã khao khát sự sống đời đời và cuộc sống của anh đã minh chứng cho điều đó. Dẫu vậy, sự hoàn thiện mời gọi anh không dừng lại ở đó. Lời mời gọi bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo không phải là một đòi hỏi thái quá, cho bằng là cách Đức Giêsu giúp anh đạt đến điều anh đang xin, “sự hoàn thiện”. Rất tiếc là người thanh niên đã “buồn rầu bỏ đi” (xc.22). Thật vậy, lòng anh đã chưa sẵn sàng rộng mở với Nước Trời, anh đã không chấp nhận buông bỏ của cải vật chất như là thứ đang níu chân anh đạt tới sự hoàn thiện như lời mời gọi của Thầy Giêsu.

  1. Hoàn thiện ở mức “tối đa”

Chúng ta cần nhấn mạnh lại một lần nữa rằng sự hoàn thiện đòi hỏi con người không những phải tuân giữ nguyên vẹn những giới luật mà còn phải vượt xa chúng trong cách tuân giữ. Đó là sự tuân giữ trong định mức của tình yêu và nhận ra chẳng còn giới hạn nào cả. Đó là tấm lòng khao khát, rộng mở với Nước Trời, để không bị giới hạn bởi bất cứ thực tại trần thế nào nhưng là sống giới răn lớn nhất và trên hết, đó là yêu mến Thiên Chúa với cả tâm hồn.

Nhìn về thời đại hôm nay, cũng có không ít những trở ngại đang ngăn cản con người đạt tới sự hoàn thiện vì Nước Trời, một trong số đó mang tên “lối sống tối thiểu”. Trong đời sống xã hội, nhân viên mong được trả lương cao nhưng chỉ muốn làm việc tối thiểu, học sinh mong thi đậu nhưng chỉ mong học tối thiểu. Còn trong đời sống tôn giáo, người tín hữu muốn hưởng sự sống đời đời nhưng chỉ cố giữ đạo tối thiểu, thậm chí ngay cả những người bước theo Đức Kitô cũng chỉ muốn dâng hiến ở mức tối thiểu mà thôi, nghĩa là chấp nhận và bằng lòng với một mức độ nào đó. Với lối sống ấy, mọi thứ, bao gồm cả những giá trị thiêng liêng như sự dâng hiến hay hy sinh vì Nước Trời, cũng được cân đo đong đếm để làm sao bản thân không phải chịu thiệt thòi. Dĩ nhiên, sự hoàn thiện đích thực không chấp nhận lối sống tối thiểu kiểu đó. Vì đó là lối suy nghĩ của những người chưa yêu mến Chúa và chưa thực sự khao khát sự hoàn thiện đích thực. Đối lại, sự hoàn thiện mời gọi một nỗ lực không hạn mức và không ngừng nghỉ vì hạnh phúc Nước Trời.

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong thư gửi các linh mục nhân dịp lễ Thánh Tâm năm 2021 có nói: “Sự hoàn thiện không dừng lại ở danh mục các việc phải làm mà còn ở tâm hồn khao khát; sự hoàn thiện không chỉ là làm những việc đạo đức tối thiểu, thực hành đức tin tối thiểu và giữ luật tối thiểu nhưng là hành trình hoán cải liên tục và khao khát nên giống Chúa mỗi ngày một hơn”.[1] Đó phải là sự đói khát Chúa, khao khát được thuộc về Chúa hơn và được sống trong Ngài. Do đó, lòng khao khát ấy không thể dừng ở mức tối thiểu được, nhưng phải luôn nỗ lực không ngừng. Thiết nghĩ, đó cũng chính là thông điệp mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ anh thanh niên xưa cũng như mỗi chúng ta hôm nay.

  1. Chúng ta đã khao khát nên hoàn thiện ở mức nào

Đó hẳn là câu hỏi mà người môn đệ Đức Giêsu được chất vấn. Dĩ nhiên, thật khó để trả lời cho câu hỏi trên, vì lẽ chúng ta khó có một thước đo cụ thể. Như đã nói ở trên, đích điểm của sự hoàn thiện theo Kitô giáo không gì khác hơn chính là nên hoàn thiện như Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu trong dụ ngôn về người thanh niên giàu có (Mt 19,16-22) đã phán với người thanh niên trẻ: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện…hãy theo tôi” (Mt 19,21). Đức Kitô chính là con đường dẫn đến sự hoàn thiện như Hiến chế Lumen Gentium số 40 cũng đã nhấn mạnh: “Đức Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự hoàn thiện”. Thế nên, chúng ta có thể nhìn về hành trình bước theo Đức Kitô như là một “thước đo” để xem bản thân đã nỗ lực đạt tới sự hoàn thiện như thế nào!

Bước theo Đức Kitô là sống chứng nhân tình yêu: Chính Đức Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa đích thực là tình yêu. Hơn ai hết, chúng ta là những người có kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa cao sang, quyền uy vô cùng đã “cúi mình xuống để nâng con người lên”, “đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm… đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4-6). Một tình yêu tột cùng của một vị Thiên Chúa, “đã dám thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13). Giờ đây, vị Thiên Chúa ấy mời gọi những người đang muốn nên hoàn thiện:“Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48).

Bước theo Đức Kitô là trở nên người vác thập giá và “đóng đinh” đời mình: Một người vác thập giá sẽ không bao giờ chối từ thập giá của mình, người ấy sẵn sàng ôm ấp lấy nó vì biết rằng ơn cứu độ của người ấy đến từ thập giá. Thật vậy, chính Đức Giêsu đã chọn cây thập giá làm phương thế cứu độ nhân loại. Ngài đã chịu đóng đinh thân mình trên chính cây thập giá mà Ngài đã vác trên vai, không chút than phiền hay giận dữ, dẫu thập giá ấy thật nặng và khiến Ngài phải ngã đôi lần. Để rồi, chính Ngài mời gọi những người muốn bước theo Ngài để trở nên hoàn thiện: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). Không dừng lại ở đó, mỗi người Kitô hữu còn được mời gọi bước thêm một bước nữa: “Hãy cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu vào thập giá” (Gl 2,19) vì “nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8).

Bước theo Đức Kitô là khám phá hình ảnh của Ngài nơi những người anh em: Đức Giêsu đã không ngần ngại bước đến và đụng chạm đến những anh em của chúng ta, những người đau yếu, bệnh tật, bị xa lánh hoặc bị loại trừ… và giờ đây Ngài mời gọi chúng ta, những người bước trên con đường nên hoàn thiện: “Những lần mà các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25, 40). Điều mà người môn đệ cần làm cho những người anh em bé mọn trong bối cảnh ngày hôm nay được Đức Thánh Cha Phanxicô diễn đạt qua hình ảnh người Samaria nhân hậu (Lc 10,29-37) trong Thông điệp “Fratelli Tutti” với đoạn dẫn nhập như sau: Đức Giêsu kể câu chuyện về một người đàn ông bị kẻ cướp đánh và nằm bị thương bên vệ đường. Nhiều người đi ngang qua nhưng họ bỏ đi, không dừng lại. Họ không thể dành vài phút để chăm sóc những người bị thương hoặc ít nhất là để tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có một người dừng lại, tới gần anh ta và đích thân chăm sóc anh, thậm chí chi tiền riêng của mình để cung cấp những gì anh cần. Chắc chắn, anh đã có kế hoạch riêng cho ngày hôm đó, nhưng anh đã có thể đặt mọi thứ sang một bên để đến trước người đàn ông bị thương, dù không hề quen biết anh ta, anh coi đó là điều xứng đáng để cống hiến thời gian và sự quan tâm của mình”[2]. Đó chính là những cử chỉ phát xuất từ tình yêu dành cho những người bé mọn của Đức Giêsu mà như Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh: “Tình yêu thì biết xót thương và đầy nhân phẩm”[3].

Thiết nghĩ, chúng ta có thể phần nào nhìn nhận mức độ nỗ lực nên hoàn thiện của bản thân khi soi chiếu đời mình vào hành trình bước theo Đức Kitô: chúng ta đã nỗ lực trở nên những chứng tá tình yêu hay chưa? Chúng ta nỗ lực đã vác thập giá đời mình như thế nào và đã tìm gặp được Đức Kitô nơi những người anh em ra sao?

Tóm lại

Lời mời gọi của Đức Giêsu “các con hãy trở nên hoàn thiện” (Mt 5,48) vẫn luôn vang vọng nơi những người môn đệ. Dĩ nhiên, lòng chúng ta khao khát sống lời mời gọi ấy. Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng đã nỗ lực nên hoàn thiện “tối đa”. Chúng ta đã cố gắng tuân giữ các giới răng của Thiên Chúa trong đời sống và có thể đôi lần “Đức Giêsu đã đưa mắt nhìn và đem lòng yêu mến” chúng ta như cái cách mà Ngài đã dành người thanh niên trong dụ ngôn. Nhưng, để trở nên hoàn thiện như lời mời gọi của Đức Giêsu “hãy bán hết tài sản và đi theo tôi” (c.21), liệu chúng ta đã thực sự sẵn sàng hay vẫn còn điều gì đó đang níu giữ chúng ta?

Chú thích

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tgm-giuse-nguyen-nang-thu-gui-cac-linh-muc-nhan-dip-le-thanh-tam-2021-42033

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, Dg: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist, Nxb Tôn giáo (2020), tr. 127-128.

[3] Sđd, tr. 127.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 12 TN)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 13 Thường Niên – Năm A