✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời
Là người lữ hành trong cuộc đời dương thế này, chúng ta bước đi tìm kiếm Thiên Chúa và mong mỏi một ngày kia được về tới Quê Trời, nơi Thiên Chúa hằng ngự trị để được thờ phượng Người luôn mãi. Trong tư cách của những người hành hương, hẳn nhiên mỗi người đều mang nơi mình những niềm hy vọng. Đối với người Kitô hữu, niềm hy vọng đó không mơ hồ cũng chẳng phải là một ảo tưởng. Thông điệp Salvi Spes khẳng định với chúng ta rằng niềm hy vọng mà chúng ta mang lấy trong cuộc hành hương thế trần này có một dung mạo.[1] Vấn đề được đặt ra là chúng ta đã thực sự cảm nhận được niềm hy vọng đó và đã thực sự sống tâm tình của người lữ hành hay chăng?
Đặc biệt trong Năm 2025, năm thánh mang ý nghĩa thiết thực để giúp mỗi người vươn tới tầm mức của “Những người hành hương của niềm hy vọng”. Trong bối cảnh đó, chúng ta được mời gọi nhìn về thánh Giuse như một người hành hương của niềm hy vọng. Ngài trở thành mẫu gương cho những ai bước theo Chúa trong niềm hy vọng giữa những thách đố của cuộc sống.
- Những điều không chắc chắn đón đợi người lữ hành
Người hành hương bước đi kiếm tìm Thiên Chúa trong niềm hy vọng nhưng cuộc hành trình ấy bị bủa vậy bởi những biến cố mà không ai có thể dự liệu được. Những biến cố ấy lắm lúc cũng đầy những bất trắc và bấp bênh. Người hành hương của niềm hy vọng được mời gọi can đảm bước đi ngay trong những điều không chắc chắn. Điều này cho phép chúng ta liên tưởng tới tổ phụ Apraham, người được xem là người hành hương lâu đời nhất mà ai cũng biết[2], người đã bước đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa.
Trở lại với thánh Giuse, biến cố thành hôn với Đức Maria đã khởi đầu cho một tương lai với đầy những bất ngờ đang đón đợi thánh nhân. Đó là hành trình bước đi trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Nhìn lại biến cố Đức Maria mang thai do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần cung cấp cho chúng ta những gợi ý suy tư. Khi thánh Giuse biết người mà mình đã thành hôn đang mang thai (Mt 1,18-25), thánh Giuse đã chọn định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo (Mt 1,19). Tuy nhiên, sau khi sứ thần tỏ cho biết ý định của Thiên Chúa, Giuse đã chọn sống niềm hy vọng thay vì sợ hãi, Ngài tin rằng kế hoạch của Chúa lớn lao hơn trí hiểu của loài người. Quyết định của thánh nhân minh họa cho niềm hy vọng bắt nguồn từ đức tin. Sự tin tưởng vào lời Chúa phán truyền cho phép Ngài tiến bước về phía trước bất chấp những điều không chắc chắn đang đón đợi. Những biến cố xảy ra kế tiếp trong cuộc đời thánh nhân càng làm sáng tỏ điều đó.
- Hành trình của một người hành hương
Cùng lược lại những chuyến hành trình của thánh Giuse, chúng ta có thể kể đến việc đưa Đức Maria vừa được thụ thai về nhà mình sau cuộc báo mộng của sứ thần (Mt 1,20), đưa Mẹ Maria sắp sinh nở về nguyên quán Belem để khai lý lịch (Lc 2,1-5), đưa Mẹ và Hài Nhi trốn sang Ai cập (Mt 2,13-14) và sau đó là đưa gia đình về Nazaret miền Galilê (2,19-23). Cùng với Hài Nhi Giêsu, niềm hy vọng đích thực, thánh Giuse đã thực hiện những chuyến hành trình đầy gian khổ. Hành trình của thánh Giuse không chỉ dừng lại ở những chuyến đi về địa lý nhưng còn là cuộc hành hương nội tâm. Dưới nhãn quan của Tân Ước, khía cạnh hành hương nội tâm này mới là hành hương đích thực, nghĩa là bước đi với Đức Kitô. Thật vậy, Tân Ước cho thấy hành hương không chỉ là đến một nơi thánh theo phương diện địa lý, mà còn là hành trình nội tâm, bước theo Đức Kitô để đến cùng Thiên Chúa (Ga 14,6). Đó là hành trình bước đi trong niềm hy vọng của Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta khám phá ý nghĩa thiêng liêng của hành hương. Hành hương nội tâm không chỉ là một chuyến đi bên ngoài mà còn là hành trình đức tin, như Abraham được gọi ra đi theo tiếng gọi Thiên Chúa (St 12,1-4), là bước vào hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.[3] Trong thư Hípri (Hr 11,13-16), đời sống Kitô hữu được ví như một cuộc hành hương về “một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời”, hành hương nội tâm là trở về với Chúa, ăn năn sám hối và đổi mới đời sống. Đó là hành trình từ bỏ lối sống cũ để đi vào sâu thẳm tâm hồn mình là đền thờ của Thiên Chúa ngự.
Những chuyến đi trong cuộc đời của thánh Giuse tượng trưng cho cuộc hành hương tâm linh của những người tin. Vâng theo lệnh của sứ thần Chúa, thánh Giuse đã bước đi trong những điều không chắc chắn. Thánh nhân mang Hài Nhi trốn sang Aicập mà chẳng biết bao lâu mới được hồi hương và thậm chí, có được hồi hương hay chăng. Thánh nhân vẫn lên đường. Vâng lời sứ thần Chúa đưa Hài Nhi về lại đất Ítraen sau khi vua Hêrôđê đã băng hà mà chẳng biết liệu rằng cuộc sống đã được an cư lạc nghiệp chưa hay vẫn còn phải lên đường chạy trốn? Thánh nhân vẫn lên đường. Thánh nhân bỏ lại mọi thứ phía sau để chỉ tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và sự an toàn cho Hài Nhi Giuse, Đấng là hiện thân cho hy vọng rằng Thiên Chúa “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Là một người hành hương, Giuse cho thấy rằng sống niềm hy vọng là một hành trình bước đi không ngừng nghỉ và hơn hết, đó không phải là sự chờ đợi thụ động. Người hành hương phải lên đường để tìm kiếm và thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
- Hy vọng thầm lặng: Sức mạnh trong sự tin tưởng
Thánh Giuse bước đi dưới ánh sáng của thánh ý Chúa, bước đi trong những điều không chắc chắn và ắt hẳn, hành trình đó không thiếu những thách đố. Thánh nhân đã đương đầu với những điều đó ra sao? Ngài lặng im. Thật vậy, chúng ta không bắt gặp bất cứ một lời nào của thánh nhân trong các bản văn Tin Mừng.
Thực tế, sự im lặng có thể buồn tẻ. Mỗi người đều có thể trải nghiệm về những hoàn cảnh mà sự im lặng có thể trở nên tiêu cực, khó chịu và thậm chí thật đáng sợ. Đôi khi nó là dấu hiệu của sự cô đơn hoặc nỗi buồn. Sự im lặng như vậy thật nặng nề. Sự im lặng của thánh Giuse không như vậy nhưng nó phản ánh một đức tin sâu sắc bên trong, nơi hy vọng không phải là việc đòi hỏi những dấu chỉ từ Thiên Chúa nhưng là kiên trì tiến bước về phía trước trong sự tin tưởng, ngay cả khi đích đến còn mù mờ. Điều này làm sáng tỏ tinh thần của người lữ hành trong niềm hy vọng. Đó là bước theo Đức Kitô để đến với Thiên Chúa và bước đi trong niềm hy vọng của Thiên Chúa. Đặc biệt, trong một thế giới thường đầy rẫy những nghi nan, thất vọng và lo âu, sự kiên trì thầm lặng của thánh Giuse cho thấy rằng hy vọng thực sự không nằm ở những câu trả lời tức thời cho các vấn đề nhưng nằm ở sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng sự im lặng của thánh Giuse cũng chính là cách ngài nói[4] và hành động của thánh nhân là lời tuyên bố về niềm hy vọng còn hùng hồn hơn cả những ngôn từ. Sự im lặng của thánh Giuse có thể thật khó hiểu. Thế nhưng, đôi khi, sự im lặng mà chúng ta không hiểu lại là sự im lặng mạnh mẽ nhất.
- Thánh Giuse là mẫu gương cho những người hành hương của niềm hy vọng
Hành hương “là hành trình của các tín hữu rời nơi mình đang ở, đi tới một nơi thánh thiêng, để tỏ lòng sùng kính, cầu nguyện, làm việc đền tội, tạ ơn hay xin ơn”[5]. Đây cũng là một phương thế để giúp người Kitô hữu vươn lên tới Thiên Chúa. Phương thế này càng được lưu tâm hơn trong Năm Thánh 2025 này. Tuy nhiên, các nhà tu đức cũng không quên nhắc nhở người hành hương ý thức đến chiều kích hành hương nội tâm bên cạnh những chuyến đi thăm viếng đất thánh. Bởi lẽ, một nguy cơ trong bối cảnh hành hương ngày hôm nay là những chuyến hành hương bị giản lược như là những chuyến đi du lịch mà thôi.
Cuộc đời của Thánh Giuse minh chứng sống động cho bản chất của niềm hy vọng Kitô giáo, một niềm hy vọng đầy tin tưởng vào chương trình của Thiên Chúa, vâng lời trong sự thinh lặng và tiến bước về phía trước ngay cả trong những điều không chắc chắn. Chứng tá của thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng hy vọng không chỉ là sự lạc quan suông mà còn là một cuộc hành hương của đức tin, trong đó mỗi bước tiến về phía trước là một hành động tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Trong tinh thần của Năm Thánh 2025, Giáo Hội mời gọi chúng ta lên đường hành hương trong niềm hy vọng và chính niềm hy vọng thúc đẩy chúng ta lên đường hành hương. Hành hương với nhiều niềm vui, nguyện cầu và khát khao. Đây cũng là sụ chỉ dẫn của Giáo Hội: “Những người hành hương nên tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cuộc hành hương”.[6]
Tóm lại
Thánh Giuse, người hành hương đã sống trọn niềm hy vọng trên hành trình bước đi trong chương trình của Thiên Chúa để bảo vệ và chăm lo cho Hài Nhi Giêsu, Đấng là niềm hy vọng cho muôn dân. Hành trình của thánh Giuse không chỉ kinh qua những chuyến đi về mặt địa lý mà trên hết, là hành trình nội tâm. Hành trình của người tin bước đi ngay trong những điều không chắc chắn với bao khó khăn, thử thách và cả những bấp bênh. Thế nhưng, hành trình được củng cố nhờ bám víu vào Thiên Chúa, Đấng là sự chắc chắn tuyệt đối trong mọi lời Chúa hứa và trong mọi việc Người làm.
Thánh Giuse trở nên mẫu gương cho người tin ngày hôm nay, nhất là trong bối cảnh sống tâm tình Năm Thánh của niềm hy vọng. Mỗi người được mời gọi tin tưởng vào niềm hy vọng đích thực và duy nhất là Đức Giêsu, ngay trong cả những yếu đuối của phận người, ngay trong cả đêm trường của tội lỗi. Niềm hy vọng vào Đức Giêsu trở nên niềm an ủi cho những người hành hương của niềm hy vọng bởi vì niềm hy vọng mang tên Đức Giêsu sẽ không làm chúng ta thất vọng.
Chú thích
[1] ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, Bản dịch của HĐGMVN (2008).
[2] Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J, Ý nghĩa và lịch sử của hành hương (Nxb Đồng Nai, 2024), tr.18.
[3] Sđd, tr.22.
[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-benedicto-xvi-su-im-lang-cua-thanh-giuse-cung-la-cach-noi-ngai-noi-50463
[5] Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J, Ý nghĩa và lịch sử của hành hương (Nxb Đồng Nai, 2024), tr.10.
[6] Sđd, tr.22.