Giấc mơ BA NGÔI SAO

0
187

✍️   Chim Bằng

Hôm nay tôi đọc đoạn Tin Mừng về việc Chúa chữa cho con gái ông Giairô sống lại. Chúa đưa ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo (Mc 5,37). Rồi tôi thắc mắc: Khi lên núi Tabo để tỏ lộ vinh quang, Chúa cũng chỉ đưa ba ông này theo (Mt 17,1-2). Khi vào vườn Giêtsêmani cầu nguyện trước khi chịu khổ nạn, Chúa cũng tách riêng ba ông này đi theo mình (Mt 26,36-37). Tại sao? Phải chăng Chúa thiên vị? Hay Chúa cũng thương riêng như kiểu người đời. Chúa thấy hợp ai, thích ai thì ưu ái người đó hơn phải không?

Đêm đó khi đang nằm ngủ, tôi nằm mơ, thấy mình bay lên, lơ lửng giữa không trung. Những luồng gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Tôi dần vượt ra khỏi những tòa nhà. Những ngọn núi cao, những dòng sông cũng trở nên nhỏ bé, chạy dài như những nét vẽ nguệch ngoạc. Rồi cứ như vậy, tôi vượt ra ngoài không gian bao la rộng lớn. Trái đất chỉ như một quả bóng xanh nhỏ bé, và tôi thấy cả những hành tinh khác nữa đó là Sao Mộc, Sao Kim và Sao Hỏa. Một luồng sáng chiếu vào tâm trí tôi và tôi chợt nhận ra. Ba ngôi sao đó tượng trưng cho ba con người Phêrô (Sao Mộc)[1], Gioan (Sao Kim)[2] và Giacôbê (Sao Hỏa)[3]. Phêrô là Tông Đồ trưởng. Phêrô mang trọng trách lớn nhất khi được Chúa làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, trách nhiệm đó cũng đi với uy quyền khi được Chúa giao chìa khóa Nước Trời. Gioan như thần Venus tình yêu. Là người luôn kề cận Chúa và là môn đệ được Chúa yêu mến. Gioan tỏa sáng một tình yêu uyên nguyên khi ngồi cạnh Chúa trong đêm tiệc ly, một tình yêu sắt son khi đứng dưới chân thập giá. Bởi vì là môn đệ của tình yêu, nên Gioan chỉ để lại một di chúc duy nhất “Anh em hãy yêu thương nhau” như lệnh truyền của Chúa. Còn lại, Giacôbê là tông đồ tử đạo đầu tiên của Giáo Hội, làm chứng cho đức tin bằng sự can đảm, kiên cường và bằng chính máu mình. Giờ đây tôi đã hiểu ý nghĩa của ba ngôi sao gắn liền với ba con người ấy. Khi Chúa chọn riêng ai thì cũng trao cho họ một trọng trách nặng nề hơn. Chúa không chọn theo kiểu thiên vị, hay ưu ái riêng tư, nhưng cho một mục đích lớn hơn, cao cả hơn, đòi hỏi hy sinh hơn cho Nước Trời và cho Giáo Hội[4]. Khi tôi đang chìm đắm trong những vẻ đẹp của ba ngôi sao, thì tôi thấy ba ngôi sao này quay xung quanh mặt trời có lúc tạo thành một đường thẳng[5] như ngụ ý sự hợp nhất và quy phục mặt trời, có lúc tạo thành một tam giác cân tạo thành thế kiềng vững chãi vì chính ba con người ấy là cột trụ của Hội Thánh[6]. Cũng bởi vậy, ba con người ấy đã tử đạo theo ba cách khác nhau. Giacôbê là người tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Phêrô xin được đóng đinh ngược vì thấy không xứng đáng như Thầy mình. Gioan là người duy nhất trong các Tông đồ mở ra một con đường tử đạo không đổ máu, tử đạo bằng tình yêu, chính vì vậy mà di chúc của Gioan chỉ vọn vẹn một điều là “anh em hãy yêu thương nhau” như lệnh Chúa đã truyền.

Photo: seeken.org

 Như vậy, Trong Giáo Hội có trật tự, uy quyền như Phêrô, Giáo Hội cũng đầy tình yêu như Gioan và cũng can đảm dám chết cho Chúa Kitô như Giacôbê. Cả ba con người này đã được chứng kiến đầy đủ nhất những giây phút quan trọng của cuộc đời Thầy mình, những giây phút đó tóm gọn những chân lý đức tin mà qua các ông sẽ chiếu sáng cho nhân loại đó là được biết chính Đức Ki-tô (Chúa biến hình), nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh (phục sinh con gái ông Giairô), cùng được thông phần những đau khổ của Người (trong vườn Giêtsimani)[7]. Ba khoảnh khắc ấy cũng nhắc nhở tôi về hành trình của chính mình rằng: cuộc sống là một hành trình đi tìm Chân-Thiện-Mỹ. Cuộc sống là những phép màu. Và cuộc sống luôn có những giây phút đau thương cần bám vào Chúa luôn.

Rồi tôi lại thấy hai ngôi sao là sao Mộc và sao Kim dần xích lại và giao hội[8] như thể có mối liên hệ khắng khít, bổ túc cho nhau. Phêrô và Gioan cũng luôn sát cánh với nhau như vậy khi cùng nhau chạy ra mộ trong ngày đầu Chúa Phục sinh, cùng nhau rao giảng và làm chứng cho Chúa trong những ngày đầu của Giáo Hội (Cv 3). 

Tất cả những hình ảnh và ý nghĩa đó làm no thỏa tâm trí, làm tôi chìm đắm vào không gian bát ngát của muôn vàn tinh tú. Tôi ước rằng mình cũng trở thành một trong những tinh tú trên bầu trời[9], chiếu sáng trong màn đêm dày đặc của vô minh. Rồi tôi thấy ngôi sao Thủy[10] xuất hiện ở đằng xa và chợt tỉnh giấc.

 

Chú thích:

[1] Trong những hành tinh quay xung quanh hệ mặt trời, sao Mộc là lớn nhất. Theo truyền thuyết Hy Lạp, sao Mộc tượng trưng cho thần Zeus (Jupiter theo tiếng Hy Lạp), vị thần tối cao, cai quản các thần khác. Ông đại diện cho sức mạnh và quyền lực, là người giữ cân bằng và trật tự trên đỉnh núi Olimpus.

[2] Sao Kim được đặt tên theo vị thần Venus là thần tình yêu, sao Kim là ngôi sao sáng nhất trong bầu trời đêm.

[3] Sao Hỏa được đặt tên theo thần Ares – thần chiến tranh, đại diện cho sự sức mạnh, kiên cường, dũng cảm.

[4] Xem phần chú giải của R.T. France, The Gospel of Matthew, Wm. B. Eerdmans Publishing Co., 2007, tr. 588, 678, 871, 874.

[5] Hiện tượng Tam tinh tụ hội: là hiện tượng thiên văn kỳ thú khi chuyển động quay của các hành tinh xung quanh mặt trời tạo thành một đường thẳng.

[6] “Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Giacôbê, Kêpha và Gioan, những người được coi là cột trụ” (Gl 2,9).

[7] Pl 3,10.

[8] Hiện tượng giao hội của sao: hai ngôi sao tiến lại gần nhau cảm giác như va chạm vào nhau. Sao Kim và sao Thổ trung bình mỗi năm giao hội một lần.

[9] “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).

[10] Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất và gần mặt trời nhất trong thái dương hệ. Sao Thủy được gán với vị thần Hermes – vị thần đưa tin, chuyển tải thông điệp.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 27 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 27 TN)