Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ
(Tiếp theo Phần II)
- Sự phòng ngừa
Cho đến điểm này, chúng ta có thể nói rằng các quy định của các Hội đồng giám mục khác nhau có một cái nhìn đối mặt với quá khứ, khi thừa nhận hành động sai lầm của mình và thiết định những luật lệ cụ thể để can thiệp thế nào về mặt giáo luật đối với những sự việc đã xảy ra. Bây giờ chúng ta nhìn đến tương lai với ý muốn xác định điều gì phải làm để tránh những trường hợp lạm dụng có thể xảy ra. Đối với vấn đề này, trong các quy định pháp lý có những đề nghị phòng ngừa khác nhau trong một thời gian dài.
5.1 Đối với những nạn nhân khả thể
Đối với những nạn nhân khả thể, người ta dự kiến tạo ra một cơ cấu giám sát đối với những người đã tiếp xúc với những đối tượng có nguy cơ. Nhìn chung, đó là những quy định liên quan đến các em bé[1]. Ngoài ra, người ta còn dự kiến một chiến dịch về sự nhạy cảm của lương tâm cho tất cả các thành viên cộng đoàn (giáo dân, linh mục và tu sĩ) và thông tin liên quan đến các cơ cấu được chuẩn bị trước để giải quyết những trường hợp này[2].
Trong chiều hướng này, việc đào tạo cộng đoàn sẽ đem đến sự hiểu biết về đâu là những thái độ đúng đắn, và đâu là những thái đội sai lạc mà trong đó ai có trách nhiệm mục vụ trong Giáo hội[3]; một sự huấn luyện các linh mục và tu sĩ hơn nữa để họ biết thụ lý và giải quyết những trường hợp này ở cấp độ mục vụ[4]; việc huấn luyện cho các trẻ em về những hành vi ứng xử khả thể mà chúng phải được ngăn ngừa và chúng có thể và phải chống lại các hành vi ấy[5].
Như là một phần của chương trình phòng ngừa, một vài quy định pháp lý thiết định trong trường hợp mà một người được thuyên chuyển từ giáo phận này sang giáo phận khác, trách nhiệm thông báo rằng không có các tố cáo về trách nhiệm của họ. Trách nhiệm của vị Giám mục nhận linh mục mới là phải xin thông tin ở giáo phận gốc nếu như giáo phận ấy đã không chuyển thông tin cho ngài[6].
5.2 Đối với các linh mục và các ứng sinh linh mục
Đối với các linh mục, các văn kiện nhấn mạnh đến những tiêu chuẩn để nhận các ứng sinh linh mục, đến việc huấn luyện họ và đến hành trình hoàn thiện (hay thường huấn) của các vị đang là linh mục.
5.2.1 Các ứng sinh đang trong giai đoạn đào tạo
Nguyên tắc để vào trong giai đoạn đào tạo của chủng viên là sự trưởng thành của ứng sinh, cho nên quan trọng là dự kiến một thời gian và một cơ cấu để đón nhận những ai muốn vào chủng viện, nơi có người trách nhiệm hướng dẫn hành trình này[7].
Mục đích của giai đoạn này là đánh giá ơn gọi của ứng sinh, chẳng hạn như sự nhất quán về mặt tâm lý và thiêng liêng của ứng sinh. Do đó, một phân tích chẩn đoán tâm lý được đề xuất để xem thấy có hay không những khó khăn của ứng sinh đối với đời sống độc thân[8]. Ở mức độ thiêng liêng, phải áp dụng những tiêu chuẩn lựa chọn ưu tiên trước hết những năng lực quan trọng của đương sự hơn là những phương diện tiêu cực của họ. Những phương diện tiêu cực này cũng sẽ không được bỏ qua[9].
Theo chương trình đào tạo, ứng sinh phải tuyên bố về việc có hay không những lời tố cáo chống lại bản thân mình về các lạm dụng tình dục. Bản tuyên bố này không luôn là ép buộc, nhưng vả lại nó phải đúng sự thật. Nếu kết quả là đã có những lời tố cáo, hay lời tuyên bố là sai, người này sẽ không được nhận vào chủng viện hay nhà đào tạo[10].
5.2.2 Việc đào tạo trong các chủng viện
Một sự đào tạo toàn diện được đề xuất, nghĩa là một thời gian mà trong đó ứng sinh khởi đầu một tiến trình phát triển trong sự trưởng thành cá nhân, bao gồm tất cả mọi chiều kích khả thể của nhân cách họ trong ơn gọi linh mục[11].
Những nội dung của việc đào tạo toàn diện này là gì, chúng ta có thể nhận được gì từ những quy định pháp lý hay đề nghị khác nhau?
Việc đào tạo con người toàn diện được tập trung xoay quanh căn tính khác biệt của ứng sinh (căn tính thể lý, căn tính hành động, căn tính cá nhân, căn tính tâm sinh lý, căn tính tâm lý xã hội), và nhằm để tích hợp tất cả các mặt khác nhau của căn tính họ, thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên trong suốt thời gian đào tạo; nhờ đối thoại và ý thức nơi ứng sinh, nó nhằm để làm sáng lên hành vi ứng xử, các quyết định, các chọn lựa, và các kinh nghiệm hằng ngày của úng sinh; nó nhằm để cho ứng sinh đi vào hành trình khám phá bản thân, tự lượng giá và chịu trách nhiệm cho sự tiến triển của mình trước những thách đố mà họ phải đối diện trước khi chịu chức linh mục[12].
Việc đào tạo sẽ luôn được hiểu như là một sự tiến bộ dần dần, mà trong đó sự can thiệp của các chuyên gia (căn bản là các nhà linh đạo, các nhà tâm lý, …), vừa của linh mục, tu sĩ và giáo dân có một sự huấn luyện phù hợp, là thích hợp[13].
Theo cách nào đó, việc đào tạo phải đối diện với những vấn đề liên quan đến tình dục để nhận biết những dấu chỉ của các lệch lạc và những khả năng giúp đỡ và chữa trị[14].
5.2.3 Việc thường huấn
Sự thành công của đời sống linh mục không chỉ phụ thuộc vào việc đào tạo ở chủng viện, mà còn phụ thuộc vào việc đón nhận sự thường huấn, việc chấp nhận phát triển liên tục những yếu tố cá nhân được khám phá trước khi chịu chức linh mục cũng như các yếu tố phát sinh với sự tiếp xúc mục vụ.
Nó bao hàm sự đào sâu đức tin để thừa nhận những bất toàn của mình trong ơn gọi dưới ánh sáng của thừa tác vụ mà họ thực thi. Trong đời sống linh mục, không phải không phổ biến rằng có thể nảy sinh các cơn khủng hoảng, vốn sẽ phải được đối diện với sự giúp đỡ của người khác. Hiển nhiên, không thể diễn ra một sự đào tạo thật sự mà không quan tâm đến tuổi tác của linh mục, đến những vấn đề mà trong mỗi giai đoạn của đời sống linh mục có thể xảy ra, …
Trong lĩnh vực này, sự tiếp xúc của linh mục với đấng bản quyền hay vị bề trên của mình là vô cùng quan trọng, có thể trình bày thực tế của mình cho ngài, từ đó họ có thể được khuyến khích để dùng thời gian mà cập nhật thần học, mục vụ và linh đạo[15].
- Một vài vấn đề
Dọc theo nghiên cứu mà chúng tôi đã làm, chúng tôi nêu lên một vài vấn đề đáng để xem xét cách đặc biệt: sự suy đoán vô tội, thời hiệu của các tội phạm, cách thức sửa chữa vụ bê bối.
6.1 Khung của vấn đề
Điểm xuất phát của vấn đề tội phạm này là đức khiết tịnh. Những người đàn ông và đàn bà, vốn được dựng nên cho nhau, tìm thấy nơi hôn nhân phạm vi duy nhất khả thể để thể hiện cách hợp pháp tình dục của họ, đặc biệt là nơi chiều kích sinh sản của nó, trong mối quan hệ bình đẳng nhằm vì lợi ích của hai vợ chồng và sinh sản con cái (đ. 1055 §1)[16]. Ngoài hôn nhân, với hai mục đích vừa nêu lên, tất cả những hành vi đã phạm ngược với điều răn thứ sáu là vô luân và bất hợp pháp[17], và chúng có nghĩa là không tuân giữ bổn phận nên thánh theo bậc sống riêng của mình, vốn được quy định ở điều 210[18].
Đối với phương diện này, chúng tôi phải thêm một nhận xét khác. Người đàn ông có khả năng thăng hoa những ước muốn và khuynh hướng của mình đến một chiều kích cao hơn, chiều kích thiêng liêng. Vì thế, họ có thể xác định đời sống của mình vào việc tìm kiếm những giá trị và lợi ích thiêng liêng. Điều đó hướng lối sống tính dục của họ vào việc kiêng cử biểu hiện sinh dục[19]. Do đó, trong Giáo hội chức linh mục giả định lời hứa độc thân (đ. 277 §1) và, trong trường hợp các tu sĩ thì giả định lời khấn khiết tịnh (đ. 599). Những hình thức “từ bỏ” biểu hiện sinh dục của tính dục giả định một nền tảng tâm lý quân bình (đ. 241 §1, 642, 1029, 1031 §1, 1051,10) và một sự huấn luyện thiêng liêng để sống tính dục dưới ánh sáng của những giá trị được tìm kiếm (đ. 244, 245 và 652 §§ 2-3)[20].
Khi người vi phạm những nguyên tắc này là các linh mục hay tu sĩ, thì ngoài việc phạm một tội (tội luân lý) và một tội phạm (tội hình sự), còn gây ra vụ bê bối trong cộng đoàn (đ. 694, 1394 và 1395)[21]. Trong số những hành vi mà trong những năm gần đây đã gây ra nhiều vụ bê bối, có sự ấu dâm. Như chúng tôi đã nêu trên, đó không phải là một tội phạm mới, nhưng đó là sự nhạy cảm lớn trong lương tâm xã hội, vốn phải chống lại bất kỳ ai phạm tội này, cho nên sức mạnh của truyền thông xã hội hôm nay đã làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng vì Giáo hội, vừa do vị trí của các người phạm tội, vừa do một sự đồng lõa nào đó trên thực tế từ phía các nhà chức trách đã giữ sự im lặng đối với vấn đề này mà không tiến hành những biện pháp thích hợp. Tất cả điều đó mâu thuẫn với sứ điệp Tin mừng mà Giáo hội muốn thông truyền[22].
Cùng với những hành vi này, chúng tôi còn thấy những hành vi khác rất chung và không phải không gây hại cho nhiệm thể Giáo hội, nhưng chúng không sinh ra nhiều bê bối trong xã hội, bởi vì chúng được thừa nhận như những “hành vi bình thường” giữa những người trưởng thành, chẳng hạn như các quan hệ tình dục dị tính hay kể cả các quan hệ tình dục đồng tính. Cả hai xu hướng đều có trong tất cả mọi người (nam cũng như nữ). Vấn đề không phải là sự hiện diện của chúng, nhưng là biểu hiện của chúng ở cấp độ sinh dục, vốn luôn không tương thích với bậc giáo sĩ và bậc sống tu sĩ[23].
Với phân tích này, biểu hiện sinh dục của tính dục về phía các linh mục hay người được thánh hiến ám chỉ đến sự khó khăn hay tính bất khả thi để sống đức khiết tịnh độc thân cách bình thản. Trong các quan hệ mục vụ điều ấy đặt những người này vào một nguy cơ lớn không thể thành công trong sứ vụ của họ, không thể giúp đỡ và hướng dẫn những người được giao phó cho họ, và nó tác động đến toàn thể nhiệm thể Giáo hội[24].
Và do đó, Giáo hội khiển trách và trừng phạt những hành vi ấu dâm. Vì sự gian ác mà chúng hàm chứa và sự bê bối mà chúng gây ra, nên không thể không trừng phạt những hành vi khác trái ngược về mặt luân lý và thiêng liêng đối với thừa tác vụ hướng đến đời sống thánh hiến và đến việc mục vụ của bất kỳ loại công việc tông đồ nào, mặc dù hiện nay chúng không gây ra nhiều bê bối.
Theo ý kiến của chúng tôi, đây phải là điểm xuất phát đối với bất kỳ sự xem xét nào về vấn đề lạm dụng tình dục: tình dục được sống không phù hợp với niềm tin của Giáo hội và ơn gọi của mình.
6.2 Những “quy định pháp lý” của các Hội đồng giám mục
Tôi đã nói ngay từ đầu rằng chúng tôi dùng những quy định khác nhau của các Hội đồng giám mục cho công trình nghiên cứu này, bao gồm với tên gọi “những quy định pháp lý” (norme) tập hợp những quy định mà trong thực tế chúng không phải thế về mặt kỷ thuật, vì chúng không nhận được sự phê chuẩn của Tòa Thánh[25]. Vì không có sự phê chuẩn của Tòa Thánh, chúng không ràng buộc về mặt pháp lý đối với từng Giám mục (cf. đ. 455 §2).
Những quy định này công khai, các tín hữu và mọi công dân đều có thể tiếp cận cách tự do, và quả thật phần lớn các quy định ấy đã được đưa lên mạng Internet.
Vấn đề tiếp theo được đặt ra cho chúng ta: nếu một Giám mục quyết định không tuân theo tiến trình tố tụng được đề nghị trong những quy định này, ngài sẽ nhận áp lực gì từ dư luận xã hội? Ngài sẽ bị đánh giá như thế nào bởi các tín hữu và những người đồng hương của ngài, đặc biệt ngày nay còn rất khó để có ý kiến khác với ý kiến được khái quát bởi các phương tiện truyền thông? Có lẽ đó không phải là một cách thức “ban hành” làm cho thủ tục tố tụng phi pháp lý trở nên bắt buộc về mặt luân lý?
6.3 Sự suy đoán vô tội
Sự suy đoán này được quy định bởi tất cả những quy định pháp lý được xem xét, nhưng nhiều khi vẫn còn nghi ngờ về mức độ thực tế của suy đoán này.
Manh mối đầu tiên mà chúng tôi tìm thấy trong cách thức mà các biện pháp phòng ngừa được đặt ra. Theo điều 1722, những biện pháp này luôn là một khả năng cho đấng bản quyền. Mục đích của chúng là tránh sự bê bối, bảo vệ sự tự do của các nhân chứng và bảo đảm công lý cho tiến trình tố tụng. Để việc áp dụng chúng, theo điều luật này, phải lắng nghe công tố viên và hội ý với người bị tố cáo. Khi một số quy định pháp lý nào đó xếp đặt các biện pháp này theo hình thức tự động, mà không xem xét những khả năng khác, thì nảy sinh vấn đề rằng nguyên tắc suy đoán vô tội có được áp dụng thật sự không[26]. Từ sự tự động này, có thể nảy sinh trong dân chúng ý nghĩ rằng nhà chức trách bị thuyết phục về lỗi lầm của người mà cho đến bấy giờ vẫn là một người bị tố cáo, cho nên đó là sự can thiệp công khai từ phía của vị bề trên, điều đó có thể hàm chứa sự gây thiệt hại đến thanh danh của người bị tố cáo, vốn có thể là vô tội[27].
Văn kiện của Hội đồng giám mục Úc đưa ra cho chúng ta manh mối thứ hai. Trong đó, ngay sau khi bày tỏ sự suy đoán vô tội, ngay trong cùng đoạn ấy cũng khẳng định rằng sẽ không phải trả tiền đối với sự trợ giúp pháp lý cho người bị tố cáo, bởi vì “việc nhà chức trách của Giáo hội phải bù đắp cho một người về những chi phí pháp lý liên quan đến một sự tố cáo hành vi tội phạm hay hành xử nghề nghiệp xấu là điều không phù hợp”[28].
Có vẻ như trong cả hai văn kiện người ta muốn giữ khoảng cách đối với người bị tố cáo, mặc dù thực tế là cho đến bấy giờ tội phạm của họ chưa được chứng minh và vì thế phải suy đoán họ vô tội.
6.4 Thời hiệu của tội phạm
Vì những quy định pháp lý mà chúng ta đã bình luận quy chiếu đến các tội phạm mang tính lịch sử, nghĩa là những tội phạm trong quá khứ mà sau nhiều năm chúng được mang ra ánh sáng. Các quy định của Mỹ quy định cách đặc biệt rằng “nếu trường hợp này bị kết thúc do hết thời hiệu, vì lạm dụng tình dục trẻ em là một vi phạm nghiêm trọng, vị Giám mục/giáo chủ sẽ phải xin Bộ giáo lý đức tin miễn chuẩn về thời hiệu khi chỉ ra những lý do mục vụ thích hợp”[29].
Những quy định của Hội đồng giám mục Anh, đến lượt họ, khuyên rằng: “Việc xử lý những tố cáo hiện tại về các lạm dụng được thực hiện nhiều năm trước (các tố cáo mang tính lịch sử) theo cùng cách thức với các tố cáo về các lạm dụng hiện thời”[30]. Quyết định này đặt nền trên sự hiển nhiên được suy đoán rằng những người đã lạm dụng trong quá khứ tạo nên một sự đe dọa hiện tại và, cho nên còn tồn tại nguy cơ tái phạm, nếu Giáo hội không đối diện với những trường hợp này theo cùng cách thức với trường hợp khác trong cùng một lỗi lầm của quá khứ để giảm thiểu vấn đề[31].
Chúng tôi tự hỏi về khả năng có luật về thời hiệu cho những người bị nghi ngờ, hay tốt hơn là khả năng có luật không bị bắt bớ cũng không bị trừng phạt đối với một tội phạm mà bây giờ mới được quy định[32].
Thời hiệu là một cách thức mà luật xác định để có được hay mất đi một quyền cá nhân hay để thoát khỏi một nghĩa vụ, vì thời gian được dự kiến đã trôi qua (đ. 197). “Đó là sự sở hữu liên tục hay là sự từ bỏ liên tục quyền lợi hay việc làm tròn một nghĩa vụ trong thời gian mà luật ấn định”[33]. Khi đó là sự sở hữu liên tục phát sinh ra một quyền, nó được gọi là ususcapio hay là thời hiệu thủ đắc (prescrizione acquisitiva), nếu quyền lợi bị mất đi, trái lại nó được gọi là thời hiệu chấm dứt (prescrizione estintiva); trong khi nếu đó là một nghĩa vụ mà việc thực hiện nó đã không được yêu cầu trong một thời gian nào đó, bấy giờ nó được gọi là thời hiệu giải trừ (prescrizione liberativa), bởi vì một người được miễn cho khỏi nghĩa vụ thực hiện một việc phải làm nào đó. Định chế này hoạt động theo nghĩa kép: tương ứng thời hiệu thủ đắc là thời hiệu chấm dứt, nghĩa là khi một người thủ đắc một quyền đối với một vật nào đó, thì người khác mất đi quyền ấy; khi một người được miễn trừ khỏi việc thực hiện một nghĩa vụ, có một người khác mất đi quyền đòi hỏi nghĩa vụ ấy.
Điều kiện cần thiết đầu tiên đối với thời hiệu là sự trôi qua của thời gian, vốn đa dạng theo lợi ích pháp lý được bảo vệ hay người có liên quan. Điều kiện nền tảng của định chế này, theo điều 198, là lòng ngay (buona fede), nghĩa là sự tin chắc rằng việc có một cái gì đó theo nghĩa “chiếm hữu ám chỉ quyền sở hữu; mà việc từ bỏ quyền lợi này được biện minh đầy đủ; và việc không biết nghĩa vụ không được tôn trọng là có căn cứ”[34].
Nếu người ta cố gắng tìm thấy lòng ngay trong tội phạm, thì rõ ràng rằng người ta không thể làm được điều đó, bởi vì tội ác, như nó là thế, giả định sự lừa dối, điều đó loại bỏ lòng ngay. Về điểm này, chính luật pháp có trách nhiệm bổ sung cho sự bất khả thi của lòng ngay bằng cách xác định thời hiệu của hành động tội ác (đ. 1362), nghĩa là sự không thể truy tố một tội ác vì thời gian được luật thiết định đã trôi qua, bởi vì theo cách nào đó thời gian này làm nổi bật rằng kẻ phạm tội đã sửa chữa cách ứng xử của anh ta. Ngoài ra, thời gian được bắt đầu tính từ thời điểm mà một tội phạm đã được thực hiện, hay nếu nó liên tục, thì được tính bắt đầu từ hành vi cụ thể cuối cùng của tội phạm ấy.
Khi thời hiệu được áp dụng vào giáo luật hình sự, người ta làm điều ấy bằng cách quan tâm đến mục đích của tiến trình tố tụng, vốn có mục đích thẩm tra sự thật của các sự kiện để áp dụng hình phạt. Việc áp dụng hình phạt ấy phải có mục đích là hoán cải kẻ phạm tội, sửa chữa vụ bê bối và tái thiết lập công lý (đ. 1341), và tất cả điều đó là để cứu rỗi các linh hồn (đ. 1752).
Về thời hiệu, điều 1362 quy định rằng các tội phạm dành cho Bộ giáo lý đức tin có những thời hạn mà Bộ ấy thiết định. Trong trường hợp này, thời hạn 10 năm đã được xác định, và được tính từ khi người vị thành niên tròn 18 tuổi trọn[35]. Trong cuộc tiếp kiến thư ký của Bộ giáo lý đức tin, Hồng Y Tarcisio Bertone, ngày 7.11.2002, Đức Thánh Cha đã đồng ý cho Bộ này năng quyền sửa đổi thời hiệu của các tội phạm nghiêm trọng theo từng trường hợp dựa trên yêu cầu có lý do của các vị Giám mục.
Tại sao luật xem xét khả năng thời hiệu này? Bởi vì trật tự pháp lý phải bảo đảm cho các thành viên xã hội sự an ninh pháp lý, nghĩa là sự ổn định về các quyền lợi. Để làm điều đó, đôi khi phải xác định rằng những tình huống tội phạm không thể vẫn còn chưa giải quyết mãi mãi, đặc biệt là những tình huống tội phạm liên quan đến các quyền lợi cá nhân hay các nghĩa vụ.
Bây giờ chúng tôi giả thuyết trường hợp một linh mục đã lạm dụng một người vị thành niên. Sau khi mười năm trôi qua, nạn nhân đã tròn 18 tuổi, nạn nhân quyết định tố cáo với nhà chức trách giáo hội. Khi điều tra sơ bộ, người ta khám phá ra rằng linh mục ấy đã không gây ra những hành vi tội ác như vậy, tại vì linh mục ấy đã không có cơ hội hay tại vì vị linh mục ấy đã thành công trong việc tiết chế những xung lực của mình thông qua sự giúp đỡ tâm lý và thiêng liêng, khi thực hiện những trách nhiệm mục vụ của mình cách bình thường. Theo luật phổ quát của Giáo hội, tội phạm đó đã chấm dứt do thời hiệu, và cho nên vị linh mục ấy được thoát khỏi nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm vì tội phạm của mình.
Ngoài ra, điều 1313 §1 nói rằng “nếu luật được thay đổi sau khi tội đã phạm thì phải áp dụng luật nào lợi hơn cho phạm nhân”. Bây giờ, việc sửa đổi thời hiệu sẽ đi ngược lại điều luật này, vốn quy định một quyền lợi cho kẻ phạm tội.
Nếu có thể kết luận rằng đó luôn là một miễn chuẩn, nghĩa là một sự hưu luật (relaxatio iuris) trong một trường hợp đặc biệt (đ. 85), nhưng nếu chúng ta đọc cẩn thận những quy định pháp lý của Hội đồng giám mục Mỹ, chúng ta thấy rằng các quy định ấy thiết định nghĩa vụ xin miễn chuẩn trong từng trường hợp (shall apply), và từ “luôn” muốn ám chỉ rằng chúng ta không luôn có sự miễn chuẩn, tự bản chất sự miễn chuẩn này phải được xin cho từng trường hợp, nhưng hơn nữa chúng ta còn đối diện với sự thay đổi (và, thật thế, đây là thuật ngữ được sử dụng trong văn bản pháp luật)[36]. Ý nghĩa của miễn chuẩn là cần đáp ứng cho từng trường hợp đặc biệt, để có một sự công bằng hơn, vốn không luôn phát sinh từ việc áp dụng nghiêm ngặt văn bản luật. Để dùng sự miễn chuẩn, cần có một lý do chính đáng và hợp lý (đ. 90 §1).
Bây giờ vấn đề là: điều gì có thể là lý do chính đáng, vốn sẽ đưa ra cơ sở cho một tiến trình tố tụng hình sự, cho một trường hợp đã xảy ra nhiều năm trước đây, khi sửa đổi thời hiệu? Nếu xét thấy sự sửa đổi này đem đến việc mất giáo vụ và thậm chí mất bậc giáo sĩ, người ta không thấy rõ ràng nó có thể được biện minh thế nào.
Chắc chắn lý do về mối nguy cơ tái phạm tìm ẩn nơi đối tượng có vẻ không rõ ràng. Nếu nhiều năm đã trôi qua và đã không có những sự biến chất mang tính tội phạm như vậy, và lối sống tương ứng với một khuôn mẫu bình thường trong nhiều năm, thì hiển nhiên điều gì đó được thay đổi, và tôi nghĩ rằng điều này là một lý do có sức nặng nào đó chống lại xác định này. Tôi nghĩ có thể khẳng định rằng ở đây một quyền lợi của người Kitô hữu đang bị đe dọa. Đó là quyền rằng những việc tốt của họ phải được xem quan trọng hơn những sa ngã của họ.
Quyền lợi được sinh ra vừa từ thời hiệu, vừa từ quy định của điều 1313 §1, tuy nhiên nó không tuyệt đối. Theo bản chất của tội phạm, một sự điều tra về những trường hợp khả thể khác là luôn cần thiết khi một lời tố cáo được trình bày, nhưng khi biết chắc không có sự tái phạm, tôi nghĩ rằng sự giám sát hay một biện pháp phòng ngừa nào đó “tương xứng” với tính nguy hiểm vẫn còn tồn tại và với thanh danh của linh mục liên quan là điều khả thể và khôn ngoan, nghĩa là tiến hành các đánh giá tâm lý (hay lấy lại những đánh giá tâm lý mà ngài đã thực hiện), xác định một sự hướng dẫn tâm linh khả thể (nếu đã không có điều đó), ngoài ra một sự thay đổi sang thừa tác vụ hay giáo vụ mà không có những đối tượng gặp nguy hiểm sẽ là một điều khả thể, nhưng không có sự phủ nhận mọi thừa tác vụ hay giáo vụ.
6.5 Tương quan tin tưởng?
Khi có một lời tố cáo chống lại một linh mục, thì bắt đầu cuộc điều tra từ phía người đã thiết lập các quy định pháp lý trong từng quốc gia. Cuộc điều tra này có thể được thực hiện song song với cuộc điều ra mà các nhà chức trách dân sự sẽ tiến hành. Cuộc điều tra dân sự sẽ có thể bắt đầu vừa từ lời tố cáo mà chính nạn nhân thực hiện, vừa từ lời tố cáo mà người có trách nhiệm trong cơ cấu giáo luật đệ trình, vừa từ chính nhà chức trách giáo hội[37]. Nhưng trong tất cả điều này, quyền của người bị tố cáo đối với tiến trình tố tụng kép vẫn luôn tồn tại.
Chắc chắn một vấn đề rất tế nhị về nhà chức trách giáo hội được trình bày ở đây. Một mặt họ có bổn phận thực thi các luật lệ của nhà nước, đặc biệt luật tố cáo, nếu nó được quy định; mặt khác, chính lời tố cáo có điều gì đó xa lạ với tương quan vốn phải được thiết lập giữa Giám mục và linh mục, tương quan được ghi nhận bởi điều 384, trong đó Giám mục là người phải bảo vệ các quyền lợi của các linh mục thuộc về ngài[38]. Làm thế nào để hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước và đồng thời đáp ứng ý nghĩa mục vụ của mối tương quan Giám mục – linh mục?
Những quy định của Hội đồng giám mục Philippines đề xuất một tổng hợp về vấn đề này.
Bởi vì giữa giáo sĩ và Giám mục hay vị bề trên tu sĩ có mối quan hệ tương tự với mối quan hệ giữa cha và con cái, thì việc tố cáo linh mục với các nhà chức trách dân sự không thuộc về công việc mục vụ của Giám mục. Giám mục hay vị Bề trên không phải ngăn chặn, gây khó khăn hay can thiệp bằng bất cứ cách nào vào cuộc điều tra và việc theo đuổi của một người bị tố cáo thuộc giáo hội tại tòa dân sự[39].
Mối tương quan giữa Giám mục và mỗi linh mục của ngài là tình phụ tử. Một mối quan hệ mang theo sau một lịch sử hiểu biết, gặp gỡ và xung đột giữa vị Bề trên và linh mục, nơi mà “tình bác ái mục vụ” đã đặt cơ sở để đối diện vấn đề tố cáo. Nói cách khác, vào thời điểm khủng hoảng được gây ra do sự tố cáo, sẽ phải có sự hiểu biết của Giám mục về các khả năng, khuynh hướng, đời sống thiêng liêng, lòng nhiệt thành, các ước muốn của linh mục, để hướng dẫn những hành vi của ngài và không thực hiện cách quan liêu[40].
Theo chiều hướng ngược lại, câu chuyện ấy sẽ chính là câu chuyện về “tình bác ái mục vụ”, vốn sẽ thúc đẩy vị linh mục bị tố cáo đến với Giám mục hay vị Bề trên để tìm kiếm sự nâng đỡ (không có nghĩa là đồng lõa hay bao che). Mối tương quan sâu xa và được chăm sóc tốt sẽ là sự giúp đỡ tốt nhất cho việc giải quyết vấn đề, khi vị linh mục tìm thấy sự tin tưởng để kể sự thật về các sự việc, để thừa nhận tội lỗi của mình (nếu đã phạm tội), để chịu đánh giá về mặt tâm lý, hay đơn giản để tiếp tục thời gian thử thách.
Mặt khác, Giám mục phải thực hiện bổn phận của mình trước mặt nhà nước. Chắc chắn bản văn của Hội đồng giám mục Philippines đưa ra một tiêu chuẩn khá rõ. Sự tố cáo, mặc dù là bắt buộc trong một số quốc gia, không thuộc về quan hệ mục vụ như thể nó thuộc về bổn phận công dân. Mọi sự xuất hiện tính tự động đều có vẻ hơi có hại cho quan hệ mục vụ. Theo hướng này, đối với tôi sự hiện diện của một người chịu trách nhiệm trình các tố cáo trong các cơ cấu giáo phận là thích hợp. Điều này có thể làm rõ ràng hơn sự phân biệt giữa quan hệ mục vụ và bổn phận công dân.
Sự tin tưởng giữa Giám mục, hay vị Bề trên, và linh mục có thể là kênh để đối diện vấn đề với tất cả các hệ quả dân sự và giáo luật của nó trong bầu không khí tìm kiếm sự thật, sự hoán cải và sự sửa chữa.
6.6 Sửa chữa sự bê bối hay gây ra sự bê bối?
Một vấn đề khác được đặt ra cho chúng ta khi đọc những quy định pháp lý và đề nghị này của các Hội đồng giám mục, đó là: mục đích của các biện pháp được đề nghị là gì. Câu trả lời cho vấn đề này có vẻ gần như hiển nhiên: sửa chữa sự bê bối, tái thiết lập công lý và sửa đổi của tội nhân như điều 1341 quy định. Đây là mục đích chung, nhưng khi chúng ta đi vào những quy định pháp lý, chúng ta thấy rằng có lẽ điều đó không rõ ràng như thế.
Nhìn chung, những quy định pháp lý không sử dụng những thuật ngữ này. Nếu chúng ta quay trở lại một chút, chúng ta phát hiện một vài quy định pháp lý nói đến nghĩa vụ đền trả cho nạn nhân và cho cộng đoàn như thế nào[41]. Chúng tôi đã tự hỏi phải hiểu những thuật ngữ này thế nào, nếu sự xác định được xét cho đến cùng với sự đền bù kinh tế đối với các thiệt hại cho nạn nhân[42]. Chúng ta có thể đặt chung những mục đích được điều 1341 quy định với những mục đích của các quy định do các Hội đồng giám mục ban hành như thế nào?
Trước hết, chúng ta phải xác định những chủ thể của mạng lưới các quan hệ được thiết lập với tội phạm. Chúng ta có linh mục, người phạm tội lạm dụng, vốn đã sử dụng con người vào những mục đích cá nhân của mình khi làm hại họ cách sâu xa. Nạn nhân của các lạm dụng là người được xem như đã bị ngăn cản trong sự phát triển của mình và có lẽ luôn bị trở ngại trong việc sống bình an niềm tin của mình. Nhà chức trách trong vụ kiện tại một thời điểm nào đó đã không can thiệp, cho nên vị ấy đã gây ra sự bê bối. Cuối cùng, cộng đoàn, khi được thông báo về các sự việc, bị tổn thương trong niềm tin của mình đối với các vị mục tử của họ.
Bối cảnh này chồng chéo lên bối cảnh khác, vốn là bối cảnh của những đề nghị cho tương lai. Làm thế nào để có thể “đền trả” khi tính đến sự hoán cải của kẻ phạm tội, sự sửa chữa các thiệt hại và sự tái lập công lý?
“Đền trả” có nghĩa là trả lại cho chủ sở hữu một cái gì đó (res clamat ad dominum). Vậy cái gì đã bị tước đoạt khỏi các nạn nhân và cộng đoàn? Hiển nhiên, đối với các nạn nhân, sức khỏe thể lý, sức khỏe tâm lý, và căn bản là sức khỏe thiêng liêng đã bị thiệt hại[43]. Các nạn nhân chịu đựng hết sức sự rối loạn, sự cô lập, v.v… Sự đau khổ được gây ra không chỉ từ những hành vi của người phạm tội, mà còn từ luật giang hồ của chính các nhà chức trách Giáo hội, vốn đã im lặng trước các sự kiện[44]. Do đó, phát sinh suy nghĩ rằng trong thực tế có một tác giả chính và còn có những “đồng lõa”, cho nên sự đền trả này phải được thực hiện không chỉ bởi người phạm tội mà còn bởi nhà chức trách.
Về phía người phạm tội, như chúng tôi đã nói, phát sinh nghĩa vụ đền trả cho các nạn nhân và cho cộng đoàn. Sau đó, sẽ phải đối diện với sự gần như tự động mất bậc giáo sĩ tại một vài quốc gia (Mỹ và Anh)[45], hay sự điều trị tâm lý để thử xem có khả năng quay trở lại thực thi thừa tác vụ mục vụ xa cách với các đối tượng gặp nguy hiểm không.
Về phía nhà chức trách, sự đáp trả đầu tiên là việc ban hành các quy định pháp lý như là cách thức thể hiện sự sửa đổi của mình và sự mong muốn thay đổi các sự việc. Hơn nữa, bổn phận của họ là không dung thứ nữa cho những loại hành vi này, điều này được thể hiện trong việc thải hồi những người đã phạm tội. Để trả lời cho cộng đoàn, bổn phận của họ là phải đón nhận tất cả các tố cáo đến với họ, khi xem xét chúng với sự nghiêm túc và khi thực hiện cuộc điều tra kỹ lưỡng.
Điều ấy là đủ để thực hiện bản văn của điều 1341 không? Những đề nghị này có tương ứng với những mục đích của điều 1341 không? Những điều khác đã bị tước đoạt khỏi cộng đoàn là gì và phải đền trả như thế nào?
Thiệt hại lớn được sinh ra nơi các nạn nhân và nơi cộng đoàn, mà người ta sẽ phải dự kiến, là nỗi đau vì niềm tin bị thất vọng (fiducia delusa). Niềm tin nơi các linh mục, mà từ đó cộng đoàn đã mong đợi sự giúp đỡ, sự thật, sự vô tư, sự xác thực và sự nhất quán đời sống. Niềm tin nơi nhà chức trách của Giáo hội, vốn đã phải xem xét cách nghiêm túc những lời tố cáo, đón nhận những đau khổ của tất cả các nạn nhân (trực tiếp hay gián tiếp). Điều này có tương ứng với sự bê bối hay sự thiếu công bằng của điều 1341 không? Đó có phải là sự trừng phạt đơn giản để sửa chữa thiệt hại và tái thiết lập công lý không? Chắc chắn sự can thiệp của nhà chức trách sẽ giúp để sửa chữa lại niềm tin đã bị mất. Không kém phần chắc chắn rằng sự trừng phạt người phạm tội, chẳng hạn như sự đền bù các thiệt hại, sẽ giúp lấy lại ý nghĩa của công lý. Nhưng tôi nghĩ rằng điều đó không đủ.
Trước hết, phải cân nhắc đến tội phạm. Chúng tôi thấy rằng nhiều lần những hành vi khác nhau cách rất đáng chú ý được bao hàm dưới chính tựa đề này[46]. Việc phạm một hành vi lỗi đức khiết tịnh với một người 25 tuổi hay 17 tuổi (dị tính hay đồng tính) và việc phạm một hành vi lỗi đức khiết tinh với người chưa đến tuổi dậy thì không giống nhau. Việc vi phạm một lần và việc tái phạm nhiều lần không giống nhau. Nếu không giống nhau, thì câu trả lời của Giáo hội cũng không thể giống nhau. Phải có một sự tỉ lệ hơn giữa tội phạm và hình phạt được thiết định[47].
Những quy định của Hội đồng giám mục Ai len đã làm nổi bật một thái độ mà nhà chức trách của Giáo hội phải tìm kiếm trong mọi tình huống: sự hòa giải. Sứ điệp của Tin mừng là rõ ràng trong mọi ý nghĩa. Sự tha thứ cũng là khả năng thay đổi cụ thể. Khi sự trả lời khả thể duy nhất cho tội phạm là hình phạt đơn thuần, bấy giờ có vẻ rằng sự hoán cải của người phạm tội không còn được tìm kiếm nữa. Điều này không muốn nói rằng sự tha tội cho kẻ phạm tội để đưa họ trở lại thừa tác vụ là đủ, bởi vì trong một vài trường hợp biện pháp duy nhất phải được thực hiện là sự mất bậc giáo sĩ, nhưng chúng tôi tự hỏi rằng không thể công cụ hóa sự trừng phạt để đáp trả lại tinh thần báo thù, vốn không có gì để xem xét với tinh thần Tin mừng. Trái lại, sự đón nhận những ai đã phạm tội trong một tiến trình đôi khi dài và đau khổ là để phục hồi họ trong cộng đoàn.
Kết luận
Trong suốt nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi đã có cơ hội nêu lên một số quyền lợi của các đương sự, để xem xét chúng được bảo vệ theo cách thức nào. Đó là:
- quyền về thanh danh;
- quyền được xem là vô tội cho đến khi sự phạm tội được chứng minh;
- quyền không chịu một cuộc điều tra, trừ phi có một cơ sở tối thiểu;
- quyền không bị trừng phạt đối những tội hết thời hiệu;
- quyền được nhận bản thông báo về sự tố cáo, quyền được biết căn cước (identità) của người tố cáo, và các sự kiện;
- quyền được thông báo về các quyền lợi của mình;
- quyền có những khả năng giống với những khả năng của người tố cáo trong việc bảo vệ các quyền lợi của mình;
- quyền được các vị Bề trên lắng nghe;
- quyền được xét xử theo thủ tục pháp lý kép và độc lập (đ. 221 §§ 2 và 3);
- quyền được trợ giúp pháp lý (dân sự và giáo luật), trợ giúp về mặt thiêng liêng (các bí tích và linh hướng), trợ giúp về mặt tâm lý (sự ủng hộ và đánh giá);
- quyền được chữa trị theo tình trạng của mình;
- quyền được nhận những sự giúp đỡ cần thiết cho sự phục hồi của mình;
- quyền được quay trở lại thừa tác vụ khi những sự tố cáo đã được chứng minh là sai;
- quyền được đào tạo toàn diện;
- quyền được đào tạo thường xuyên.
Một ấn tượng còn lại trong việc đọc toàn bộ những quy định pháp lý này là, trước hết, có ước muốn biểu lộ cách rõ ràng một sự thay đổi thái độ ứng xử từ phía nhà chức trách của Giáo hội đối với những tội phạm này. Tuy nhiên, trong sự thay đổi này, nhà chức trách có vẻ đặt dưới kính lúp hạnh kiểm của tất cả linh mục và các cộng tác viên của Giáo hội để bảo đảm tính chính trực cho sự phục vụ của họ. Theo chiều hướng này, một vài quy định pháp lý đã nhấn mạnh rằng thân thể của các linh mục và tu sĩ cũng là nạn nhân của tội phạm này, bởi vì tất cả hoạt động của họ được đặt dưới sự nghi ngờ[48].
Chắc chắn chúng ta đang đứng trước một vấn đề rất khó giải quyết, bởi vì khi khẳng định công lý thì cần đưa ra sự trả lời rõ ràng và mang tính Tin mừng. Nó cần phải rõ ràng để xác định những cách cư xử nào là đúng và những cách cư xử nào là sai; nó phải mang tính Tin mừng để cũng chuyển tải trong những trường hợp này sứ điệp tha thứ và hòa giải, thay đổi và phục hồi.
Vả lại, một hệ thống tự động hóa có thể đưa đến một sứ điệp ngược lại, đã không hướng đến các nạn nhân, nhưng đến các linh mục. Các linh mục sẽ liên kết với Giám mục của họ như thế nào, nếu họ không thể mong chờ một sự đối xử được cá nhân hóa từ nơi Giám mục? Họ sẽ sống mối quan hệ tin tưởng thế nào để đối diện với những vấn đề của mình, nếu trước sự nghi ngờ nhỏ nhặt họ sẽ bị điều tra? Họ sẽ cảm thấy rằng quyền lợi của họ được bảo vệ bởi Giám mục không (đ. 384)?
Sứ điệp cuối cùng của bài viết này có thể là điều này: không phải tại vì là linh mục mà bị nghi ngờ, không phải tại vì bị nghi ngờ mà là người phạm tội, không phải tại vì là người phạm tội mà không còn niềm hy vọng.
Damián G. Astigueta, S.J.
(HẾT)
[1] Về điểm này, có thể xem Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 59), 3.2-3.4.
[2] “Khuyến nghị 5. Nên bổ nhiệm một giáo dân làm người đại diện bảo vệ trẻ em Giáo xứ trong mỗi giáo xứ và họ có những trách nhiệm chung này: đảm bảo rằng các chính sách và thủ tục của giáo phận được nhận thức và tuân thủ, bảo đảm rằng ý thức được nâng cao, và bảo đảm rằng các nguyên tắc được thực hiện thông qua thực tiễn hằng ngày”. Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 59), 3.2.3. Cũng hãy xem Philippines (cf. nt. 5), đoạn 47.
[3] “Khi nào nhà chức trách Giáo hội quan tâm về thái độ ứng xử của bất kỳ người nào có liên hệ với nhiệm thể Giáo hội đó, thì thực tế này nên được nhà chức trách ấy lưu ý và những bước thích hợp nên được tiến hành để xác định hành vi ứng xử nào là triệu chứng của vấn đề sâu hơn, vốn cần phải lưu ý”. Úc (cf. nt. 6), 10.2.
[4] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 8.9. Theo chiều hướng này, quan trọng là chính đương sự, thông qua thông tin và sự huấn luyện, có thể phỏng đoán khi nào có nguy cơ xảy ra tội này, để xin sự giúp đỡ. Cf. Úc, (cf. nt. 6), 10.3; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 8.2; Philippines (cf. nt. 5), đoạn 48.
[5] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 9.2.1, 9.2.6-9.2.8. Trong những quy định này, muốn làm nổi bật rằng phải tạo ra sự nhận thức rằng việc chống cự lại những lạm dụng không phải là sai lầm, mặc dù tác giả của những hành vi ấy là người đáng tín nhiệm. Sự huấn luyện này không chỉ hướng đến việc tránh né những lạm dụng mà các linh mục đã làm, mà còn né tránh những lạm dụng do các thành viên khác của cộng đoàn thực hiện, bao gồm cả những bậc phụ huynh. Cf. Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 59), 3.7.1 và 3.8.1.
[6] Cf. Úc (cf. nt. 6), 10.4; Mỹ, Những quy định thiết yếu (cf. nt. 34), 12; Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 59), 3.3.25-3.3.26; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 8.4; Philippines (cf. nt. 5), đoạn 53.
[7] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 8.1 và 8.1.4. Đó là giai đoạn dự bị như được xác định trong PDV (Pastores dabo Vobis), số 62. Cf. Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo Vobis về việc đào tạo các linh mục, ngày 25/5/1992, AAS 84 (1992) 767-768.
[8] Cf. Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 59), 3.3.13, 3.3.18; Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 8.6.
[9] Cf. Canada (cf. nt. 16), 56-57.
[10] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 8.6; Úc (cf. nt. 6), 10.5; Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 59), 3.3.15. Thông tin được đưa ra phải được kiểm chứng với bảng thông tin quốc gia về tội phạm. Cf. ibid., 3.3.17.
[11] “Đào tạo con người toàn diện là một tiến trình mà nhờ đó một chủng sinh, trong một môi trường tin tưởng và trách nhiệm, với sự giúp đỡ của một người đồng hành (vị cố vấn trong đào tạo con người), và sự đóng góp từ các nguồn đào tạo khác, có thể nổ lực lớn lên và đạt tới một sự trưởng thành nhân bản cá nhân, thông qua sự gia tăng ý thức và sự tích hợp cách chủ ý các mặt khác nhau của căn tính họ, vốn xem xét tuổi tác của ứng sinh, hoàn cảnh, khuynh hướng sống và tương quan với người khác của họ”. Canada (cf. nt. 16), Phụ lục 5,85.
[12] “La formation humaine intégrale est centrée autour de l’identité différenciée du candidat (identité corporelle, identité d’exécutant, identité individuelle, identité psychosexuelle, identité psychosociale) et vise à l’intégration de toutes les facettes variées de propre identité: au moyen de rencontres régulières pendant la durée de la période de formation; par un dialogue et des prises de conscience par le candidat en vue d’éclairer son comportement, ses décisions et ses choix, et ses expériences de soi, d’auto-évaluation et de responsabilité pour ses propres acquisitions et devant les défis qu’il doit relever avant son ordination sacerdotale”. Canada (cf. nt. 16), Phụ lục 5, 85-86.
[13] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 8.2.2-8.2.4. Theo các quy định của Thụy sĩ, những yếu tố phải đề cập là: sự đối diện với giới tính, sự nhận thức bản thân, quyền lực của các vai trò và sự vi phạm các giới hạn [“Trong suốt thời gian đào tạo, người ta quan tâm đặc biệt đến trách nhiệm gắn liền với các vai trò, đến quyền lực minh nhiên và quyền lực ngầm của các vai trò, cũng như quan tâm đến những hình thức khác của sự vi phạm các vai trò trong sự dấn thân giáo hội. Cần phải lưu ý đến các hình thức tinh vi của sự vi phạm các giới hạn và thừa nhận chúng, vì chúng có thể là những dấu chỉ báo trước về các lạm dụng tình dục. Sự vượt qua các giới hạn, lạm dụng quyền bính và quyền lực phải được xem như là sự vi phạm vị trí đáng tin, vốn chứa một cộng tác viên của Giáo hội”. Thụy Sĩ (cf. nt. 11), 3.5.3], sự thừa nhận các tình trạng phê bình, ý thức trách nhiệm, đối diện với tình trạng lạm dụng và những hậu quả của nó, đời sống cộng đoàn và ý thức thừa tác vụ. Cf. Thụy Sĩ (cf. nt. 11), 3.5.
[14] Cf. Đức (cf. nt. 12), 14.
[15] Cf. Ai len (cf. nt. 8), 8.3. “Việc xét mình, xưng tội cá nhân và đặc biệt là tĩnh tâm năm tạo ra cho mỗi người cơ hội để suy nghĩ và thay đổi về tình trạng của mình trong lĩnh vực tế nhị này. Cần phải chú ý cách đặc biệt đến cách thức mà người ta kiểm soát những nỗi thất vọng, chẳng hạn như trong đời sống cá nhân hay trong đời sống nghề nghiệp. Sự cay đắng, các cơ chế kiềm chế hay những cơ chế cách ly có thể làm dễ nảy sinh một hành vi sai trái”. Thụy Sĩ (cf. nt. 11), 3.
[16] Cf. Bộ giáo dục công giáo, Những định hướng giáo dục về tình yêu con người, ngày 1/11/1983, số 5, trong EV 9/423.
[17] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2351-2391.
[18] Cf. G. Ghirlanda, “Các bổn phận và quyền có liên quan trong các trường hợp lạm dụng tình dục do các giáo sĩ gây ra”, Periodica 91 (2002) 30.
[19] Cf. Bộ giáo dục công giáo, Những định hướng giáo dục cho việc huấn luyện đời sống độc thân linh mục, ngày 11/4/1974, trong EV 5/254, 294-295.
[20] Việc làm rõ rằng vấn đề lạm dụng tình dục không gắn liền trực tiếp với đời sống độc thân trong Giáo hội như người ta nghĩ có vẻ là việc quan trọng. Cf. Mỹ, Hiến chương để bảo vệ (cf. nt. 6), Kết luận.
[21] “Các vi phạm nghiêm trọng những bổn phận cơ bản, vốn đặc trưng cho sự thánh thiện của giáo sĩ, hàm chứa một sự bê bối cho các tín hữu, một cản trở thật sự để những tín hữu này có thể không còn tiếp tục con đường thánh thiện của họ”. G. Ghirlanda, “Các bổn phận và quyền” (cf. nt. 132), 31.
[22] Cf. nt. 5.
[23] Sự tiếp xúc mà Hội đồng giám mục Philippines trình bày có vẻ đặc biệt thú vị (cf. nt. 5), 43-53.
[24] Về điểm này, hãy xem G. Ghirlanda, “Độc thân và sự nhận con nuôi” (cf. nt. 23), 399-407.
[25] Cf. Dẫn nhập.
[26] Cf. Mỹ, Những quy định thiết yếu (cf. nt. 34), 6.
[27] Cf. G. Ghirlanda, “Các bổn phận và quyền” (cf. nt. 132), 35.
[28] “This advice shall be at the accused’s expense. It is not appropriate that a Church authority should indemnify a person for legal expenses relating to alleged criminal behaviour or professional misconduct”. Người ta có thể nghĩ rằng đó là một cái gì khác, nhưng chắc chắn đoạn văn thứ hai không dành chỗ cho sự nghi ngờ: “An exception to the above rule may be necessary in the case of a member of a religious institute who has taken a vow of poverty”. Úc (cf. nt. 6), 6.5.1 và 6.5.2.
[29] “If the case would otherwise be barred by prescription, because sexual abuse of a minor is a grave offence, the bishop/eparch shall apply to the Congregation for the Doctrine of the Faith for a derogation from the prescription, while indicating appropriate pastoral reasons”. Mỹ, Những quy định thiết yếu (cf. nt. 34), 8.A. Những quy định của chính Hội đồng giám mục Mỹ, tháng 06.2002, thậm chí trong điểm này đã trừng phạt những hành vi tương lai.
[30] “Khuyến nghị 69. It is important to treat current allegations about abuse that took place some years ago (‘historical allegations’) in exactly the same way as allegations of current abuse”. Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 14), 3.5.21.
[31] Cf. Anh, Chương trình hành động (cf. nt. 14), 3.5.20-3.5.21.
[32] Cf. điểm 3.2.
[33] F.X. Urruitia, “Prescrizione”, trong C. Corral – V. De Paolis – G. Ghirlanda (edd.), Tân tự điển giáo luật (Nouvo dizionario di diritto canonico), Milano 1993, 828.
[34] F.X. Urruitia, “Prescrizione” (cf. nt. 147), 828-829.
[35] Cf. Gioan Phaolô II, Tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela, art. 5 (cf. nt. 31). Trong các tội phạm mà chúng ta giải quyết tại tòa này, chúng ta phải phân biệt những trường hợp lạm dụng trong quy định của điều 1395. Những quy định pháp lý của Hội đồng giám mục Mỹ đã xác định cách rõ ràng như chủ thể của hành động là các linh mục và phó tế. Trái lại, những quy định pháp lý của Hội đồng giám mục Anh bao gồm cả những lạm dụng vừa được vi phạm bởi các giáo sĩ vừa được vi phạm bởi những người gắn bó với Giáo hội (các nhân viên và tình nguyện viên). Ít nhất một phần các chủ thể này còn nằm ngoài điều luật đang xem xét.
[36] “Tuy nhiên, nếu trường hợp này sẽ bị ngăn bởi thời hiệu, vì sự lạm dụng tình dục một người vị thành niên là một sự phạm tội nghiêm trọng, thì vị giám mục/giáo chủ sẽ xin với Bộ giáo lý đức tin một sự sửa đổi thời hiệu trong khi chỉ ra những lý do mục vụ thích hợp” (If the case would otherwise be barred by prescription, because sexual abuse of a minor is a grave offence, the bishop/eparch shall apply to the Congregation for the Doctrine of the Faith for a derogation from the prescription, while indicating appropriate pastoral reasons). Mỹ, Những quy định thiết yếu (cf. nt. 34), 8.A.
[37] Cf. nt. 70 và bản văn trực thuộc.
[38] Điều 384: “Giám Mục Giáo Phận phải quan tâm đặc biệt đến các Linh Mục mà ngài phải lắng nghe như những phụ tá và cố vấn của mình: ngài phải bênh vực các quyền lợi của họ và phải liệu sao để họ chu toàn đầy đủ những nghĩa vụ hợp với bậc mình và có những phương tiện và những định chế cần thiết để thăng tiến đời sống thiêng liêng và trí tuệ ; cũng vậy, ngài phải liệu sao để họ được trợ cấp xứng đáng và có bảo hiểm xã hội chiếu theo quy tắc của luật”.
[39] “Since between the cleric and the bishop or religious superior there exists a relationship analogous to that between father and son, it does not belong to the pastoral office of the bishop to denounce a priest to civil authorities. The bishop or superior, however will not in any way impede, hinder or interfere with the investigation and prosecution of an accused cleric in the civil forum”. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 36.G.
[40] Cf. G. Ghirlanda, “Các bổn phận và quyền” (cf. nt. 132), 42.
[41] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 6.2.1 và Úc (cf. nt. 6), 9.2.2.
[42] Về điều này hãy xem nt. 35.
[43] Tôi nói căn bản vì nếu phương diện này không được quan tâm, trước hết, như mục đích của tất cả hoạt động của Giáo hội, người ta có nguy cơ lạc đường và dùng những tiêu chuẩn khác, vốn không phải là những tiêu chuẩn kitô giáo, để giải quyết vấn đề đền trả.
[44] Cf. nt. 9 và 10.
[45] “Nếu hình phạt mất bậc giáo sĩ đã không được áp dụng (ví dụ, vì lý do tuổi cao hay bệnh tật), người phạm tội phải hướng đến đời sống cầu nguyện và sám hối. Vị ấy sẽ không được phép cử hành thánh lễ cách công khai hay ban các bí tích. Vị ấy phải được hướng dẫn không mặt trang phục giáo sĩ, hay giới thiệu mình cách công khai như là một linh mục”. Mỹ, Những quy định thiết yếu (cf. nt. 34), 8 B.
[46] Hãy xem sự phát triển trong 2. Hành vi tự thân hay vấn đề.
[47] Về đề tài sự bê bối, hãy xem D.G. Astigueta, “Sự bê bối trong Bộ giáo luật: ý nghĩa và phạm vi pháp lý” (Lo scandalo nel CIC: significato et portata giuridica), Periodica 92 (2003) 589-651.
[48] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 7.1.