Lm. Antôn Pađôva Nguyễn Thanh Hà, SVD chuyển ngữ
Dẫn nhập
Một phần Dân Thiên Chúa được giao phó cho mỗi Giám mục, nghĩa là một giáo phận (đ. 369); trong giáo phận ấy Giám mục thực thi nhiệm vụ chủ chăn với quyền bính mà việc truyền chức thánh và nhiệm vụ giáo luật (missio canonica) trao cho ngài (đ. 381 §1). Nhưng trong giáo phận của mình, ngài cũng sống trong sự hiệp nhất với toàn thể Giáo hội hoàn vũ, bởi vì đó không phải là một quyền bính tuyệt đối nhưng luôn là một quyền bính được thực hiện trong sự hiệp thông với Giám mục đoàn.
Sự chắc chắn của một hành động chung được thêm vào sự ý thức về tính thống nhất. “Khi các Giám mục của một lãnh thổ thực thi cách liên kết một vài nhiệm vụ mục vụ vì lợi ích của các tín hữu, thì sự thực thi cách liên kết thừa tác vụ giám mục này diễn tả thành sự áp dụng cụ thể tinh thần hiệp đoàn (affectus collegialis)”[1] và sự quan tâm của họ đối với các giáo hội khác. Nhưng một vài vấn đề vượt quá ranh giới giáo phận và sự cố gắng của mỗi Giám mục, và chúng thúc đẩy các giám mục này tìm kiếm một giải pháp chung, đặc biệt là cùng với các Giám mục thuộc quốc gia của mình (CD 37; Ap.S 16)[2].
Thông thường, các Giám mục trong Hội đồng giám mục thực thi một vài nhiệm vụ (munera) và không phải là quyền bính của họ. Các Hội đồng giám mục có quyền lấy những quyết định chung mà do tự thân chúng không có hiệu lực như những luật lệ được nhà lập pháp tối cao ban hành và cũng không có hiệu lực như những quyết định của Giám mục trong giáo phận ngài. Hiệu lực được trao cho các quyết định của Hội đồng giám mục đến từ sự kiện rằng Tông Tòa đã thiết lập nó như là một cơ quan có tính quyết định khi trao phó cho nó những thẩm quyền nhất định, trên cơ sở quyền bính của mỗi Giám mục trong Hội đồng ấy (đ. 455 §1, Ap.S. 12), và bởi sự phê chuẩn của chính Tông Tòa qua sự thừa nhận (recognitio) các quyết định của các quyết định được lấy với số đông hai phần ba (đ. 455 §2) hay nếu cần cho nhân loại (Ap.S. 22)[3].
Trước vấn đề lạm dụng tình dục cũng thế, các Hội đồng giám mục khác nhau đã quyết định đưa ra câu trả lời[4]. Chúng tôi đã tự hỏi rằng tập hợp những quy định pháp lý này đối diện với vấn đề lạm dụng tình dục như thế nào, và những vấn đề được trình bày để làm sáng tỏ ở mức độ giáo luật và mục vụ là gì.
Chắc chắn đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng, bởi vì mỗi quy định pháp lý hay hướng dẫn mục vụ, thể hiện một văn hóa khác nhau, thể hiện một cách tiếp cận vấn đề khác nhau, nhưng từ sự đối diện với những sự khác biệt có thể tìm thấy các điểm để suy tư. Sự quan tâm đặc biệt của chúng tôi trong đề tài này là xem nơi mỗi Hội đồng giám mục các quyền của các đương sự có mặt trong tiến trình tố tụng hình sự dài để thẩm tra sự thật và đưa ra một câu trả lời chính đáng cho vấn đề lạm dụng tình dục được tôn trọng như thế nào.
Như tiền đề, chúng tôi phải nói rằng: bởi vì thuật ngữ “các quy định pháp lý” được trình bày ở đây, nó được sử dụng cách không phân biệt, dẫu biết rằng theo nghĩa hẹp chỉ có những quy định được Hội đồng giám mục Mỹ ban hành mới là những quy định pháp lý mà thôi, vì chúng có được sự thừa nhận của Tòa Thánh, trong khi những quy định của các Hội đồng giám mục khác phải được xem như là những đề nghị mục vụ, vốn được áp dụng cách tự do hay ít nhất từ phía của mỗi Giám mục.
- Điểm xuất phát
Thông thường, có thể nói rằng những quy định pháp lý khác nhau được trình bày như là sự trả lời mà Hội đồng giám mục muốn đưa ra cho những người đồng hương của mình (các tín hữu và những người không phải tín hữu) có liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục.
Giáo hội:
– thừa nhận rằng đó không là vấn đề mới[5] và rằng thật sự đã có những lạm dụng; rằng những lạm dụng này đã được thực hiện bởi các linh mục, các tu sĩ và những người khác được gắn kết với Giáo hội[6], và rằng sự thừa nhận này là một bước để giải quyết vấn đề[7];
– biểu lộ sự xấu hổ và nỗi buồn của mình đối với các sự việc đã xảy ra[8];
– thừa nhận trách nhiệm của mình[9], bởi vì sự thinh lặng và việc thiếu sự đối phó đối với vấn đề này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nó[10];
– thể hiện sự lên án cách minh thị đối với loại hành vi này, như thể nó không thuộc về sứ điệp Tin Mừng và cũng không thuộc về giáo lý của Giáo hội;
– biểu thị sự liên đới đối với vết thương gây ra cho các nạn nhân, đối với họ giáo hội dấn thân với lòng thương xót và sự đón nhận nghiêm túc về đau khổ mà họ phải chịu, ý thức về sự hỗn loạn mà họ trải qua vì những việc đã xảy ra[11]; điều này là cần thiết bởi chỉ thông qua sự ý thức về những hệ quả xấu mà các hành vi này gây ra sẽ bắt đầu tạo ra một lương tâm khác trong Giáo Hội;
– ý thức rằng hậu quả của những hành vi này không chỉ là đánh mất lòng tin của các tín hữu đối với những người đã phạm tội, mà còn đối với sự khả tín của chính Giáo hội[12], niềm tin vốn cần thiết đối với nhiệm vụ mà Giáo hội phải thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục[13];
– ý thức rằng những văn kiện này là một biểu hiện sự lắng nghe các nạn nhân[14], chỉ ra nguy hiểm rằng chúng có thể vẫn là văn tự chết nếu mỗi thành viên của cộng đoàn không đóng góp trong cuộc chiến chống lại “căn bệnh” này[15], vốn giả định một tiến trình dài mà chỉ có những ước muốn tốt thôi chưa đủ[16].
Khi đọc những quy định này, chúng ta có thể nói rằng họ đi vào con đường mà Đức Thánh Cha đã mở ra để lấy lại tính khả tín của Giáo hội qua việc thừa nhận lỗi lầm của mình. Hơn nữa, họ chỉ ra sự cần thiết phải đối diện với vấn đề thiếu sự đối phó của nhà chức trách, vốn cùng với vết thương do các tác giả tội ác gây ra đã làm cho các tín hữu mất niềm tin vào khả năng tìm ra không chỉ công lý, mà còn một câu trả lời trong sự đón nhận và thấu hiểu[17]. Ngoài ra, khi ý thức đến các sự việc, họ nhấn mạnh rằng trong tương lai họ phải dự kiến nhiều quy định chính xác, vốn thể hiện một lập trường rõ ràng về phía Giáo hội.
Vậy thì, các Hội đồng giám mục đã đối diện với vấn đề này như thế nào? Những điểm mà chúng ta phải xem xét là: vấn đề tội phạm như chính nó (materia del delitto in se stessa), các tác giả (autori), các nạn nhân, hệ thống phòng ngừa và những vấn đề phát sinh từ tập hợp các quy định pháp lý.
- Hành vi tự thân hay vấn đề
Khi chúng tôi tự hỏi về nội dung cơ bản của những hành vi được xem xét bên trong các quy định này, chúng tôi phải nói rằng đó là những hành vi bên ngoài, vốn nghịch với điều răn thứ sáu, nghĩa là những hành vi tính dục liên quan đến hai người ngoài hôn nhân. Do đó, điểm xuất phát là một hành vi vô luân và bất hợp pháp.
Theo toàn bộ các quy định và theo cách đối diện vấn đề tội phạm, có thể thấy được hai nhóm nhất định: nhóm thứ nhất nói đến lạm dụng tình dục, trái lại nhóm thứ hai nói đến lạm dụng tình dục trẻ em hay ấu dâm[18].
2.1 Lạm dụng nói chung
Một vài Hội đồng giám mục đã chọn đối diện vấn đề từ một khía cạnh rộng lớn, nghĩa là khía cạnh lạm dụng tình dục nói chung. Trong số những định nghĩa mà chúng tôi tìm thấy, định nghĩa rộng hơn là định nghĩa của Bỉ, vốn, bằng cách nại đến bộ luật hình sự của Nhà Nước, bao gồm “tất cả những hình thức ứng xử bằng lời, không lời hay thể lý mang tính chất tính dục, mà người phạm tội biết hay phải biết rằng chúng làm thiệt hại nhân phẩm”[19]. Vì luật này có xã hội dân sự như là người tiếp nhận, hiển nhiên là nó chỉ tính đến những hành vi không tôn trọng tự do và sự ưng thuận của con người, và vì thế chúng làm hại đến giá trị của người, vốn phải tham gia cách tự nguyện vào mỗi loại quan hệ tình dục.
Ngoài hai yếu tố này, những quy định pháp lý khác xem xét đến quan hệ mục vụ (rapporto pastorale). Những quy định pháp lý của Hội đồng giám mục Thụy sĩ khẳng định: “Khi một nhân viên mục vụ phạm những lạm dụng tình dục với những người xin lời khuyên của họ, hay với những người cần đến họ hay lệ thuộc vào họ, thì đó là áp bức tình dục hay lạm dụng tình dục”[20]. Những quy định của Hội đồng giám mục Tân Tây Lan (New Zealand) hiểu lạm dụng tình dục chỉ khi nó được thực hiện bởi một giáo sĩ trong mối quan hệ mục vụ: nó bao gồm “mọi hình thức tấn công, quấy rối tình dục, hay hành xử mang tính tình dục khác, vốn không phù hợp với các lời khấn công của linh mục hay tu sĩ, hay với tính chính trực của mối quan hệ giữa linh mục hay tu sĩ và người được chăm sóc mục vụ […]”[21].
Nên những quy định của Hội đồng giám mục Philippines khẳng định rằng sự phát triển sai lầm này về mối quan hệ mục vụ có thể bao gồm những hành vi thể lý, chẳng hạn như sự đụng chạm mà gây nên sự không hài lòng nơi người bị đụng chạm, sự ôm nhau quá lâu, sự hôn môi khi việc sử dụng bình thường phải làm trên má, hay sự giao tiếp tính dục trực tiếp. Cũng có thể chỉ liên quan đến hành vi truyền thông bằng lời nói, hay bằng cách tặng quà không phù hợp (ví dụ đồ lót), cho thấy nội dung khiêu dâm, dẫn vào những cuộc nói chuyện tình dục, những bình luận mang tính gợi ý, kể những câu chuyện lạm dụng, những kinh nghiệm, hay đề nghị tình dục[22].
Yếu tố quan hệ mục vụ là đặc biệt quan trọng, vì nó liên quan đến quan hệ được thiết lập giữa một người có quyền bính thiêng liêng và luân lý nào đó với những người đến tìm sự giúp đỡ nơi họ.
Như có thể quan sát, thực tế là những hành vi này được thực hiện trong một tình thế đặc biệt, nghĩa là quan hệ mục vụ xác định rõ đương sự theo quan điểm hình sự. Tại sao? Tại vì, bên trong loại quan hệ này, người bị hại nằm trong thế yếu, thế có nhu cầu, vốn tạo điều kiện để thiết lập một loại vòng tròn khép kín: một mặt họ sẽ cảm thấy rằng điều mà họ làm là không tốt, là không phù hợp với Tin mừng vì nó trái với luật của Giáo hội, mặt khác, khi cảm thấy được đồng hành và lắng nghe bởi nhân viên mục vụ (linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, …), họ không có dũng khí để nói thẳng sự việc với người khác, vì có lẽ họ cảm thấy như là một sự phản bội đối với người được xem như người lo lắng cho họ. Do đó, sự tăng trưởng chắc chắn dừng lại, và nhiều lần bị tổn thương.
Chắc chắn nhân viên mục vụ ở trong thế thượng phong đối với người bị lạm dụng, vốn là người có xu hướng làm theo những lời khuyên và chỉ dẫn của nhân viên. Theo nghĩa này, chúng ta phải nói rằng đó là sự lạm dụng quyền bính hay sự lạm dụng niềm tin mà địa vị (status) trao cho tác giả[23]. Thường thì nhân viên mục vụ lừa dối nạn nhân bằng cách trấn an lương tâm của họ về tính hợp pháp của các hành vi được thực hiện. Theo nghĩa này, có thể nói rằng lạm dụng tình dục, hơn nữa còn là một hành vi có thể gây thiệt hại về mặt luân lý, tạo ra một sự phản bội niềm tin mà cộng đoàn đặt nơi con người tội phạm[24].
Vì thế, mọi loại quan hệ mục vụ đều loại bỏ cách tuyệt đối sự tình dục hóa quan hệ, vì không có sự bình đẳng cá nhân cần thiết cho sự tăng trưởng của những người trong quan hệ và vì sự khai thác mối quan hệ làm cho nó trống rỗng ý nghĩa[25]. Để xác định hành vi, không quan tâm rằng người kia, nếu là người trưởng thành, đã đồng ý với những hành động này hay không. Thậm chí không quan trọng rằng người ấy đã hiện diện để khiêu khích nhân viên mục vụ, tại vì việc tình dục hóa mối quan hệ mục vụ gây ra sự thất bại của chính mối quan hệ, do đó giả thuyết rằng người có trách nhiệm được chuẩn bị và đào tạo cách chuyên nghiệp để đối diện với những tình cảm của mình và những “rung động” (“transfer”) khả thể mà người kia có thể dành cho họ[26].
Đến đây, lạm dụng được hiểu bên trong mối quan hệ mục vụ. Những quy định pháp lý của Hội đồng giám mục Philippines phân biệt cách khác khi đưa vào mối quan hệ lao động (rapporto lavorativo): khi những người có mối quan hệ lao động giữa họ trong lòng Giáo hội, thì nói đến những quấy rối tình dục (molestie sessuali)[27], rõ ràng rằng nó sẽ bao gồm mọi loại hành xử hay ngôn ngữ mang nội dung tình dục không được mong muốn. Khó mô tả tất cả những hành vi này, nó sẽ bao gồm việc dụ dỗ hay đề nghị tình dục, việc sử dụng những lời lẽ thô tục để miêu tả thân thể mình hay thân thể của người khác, việc nói đùa không thích hợp hay có tính tình dục, việc trả thù đồng nghiệp khi họ từ chối những đề nghị tình dục. Đến đây, có thể nói rằng không có sự khác biệt với lạm dụng do linh mục hay tu sĩ vi phạm, ngoại trừ sự thật tác giả là một nhân viên của Giáo hội. Nhưng một yếu tố khác được đưa vào: đưa ra những thuận lợi hay lợi ích lao động, chẳng hạn như sự thúc đẩy, sự phân công các nhiệm vụ, những đánh giá tốt nhất, để đổi lấy những quan hệ tình dục[28]. Khi ý thức rằng những quy định này chỉ xem xét những hành vi do các giáo sĩ vi phạm, hiển nhiên việc sử dụng quan hệ lao động như là phương tiện để “mua” hay để dọa nạn nhân, để thành công trong ý định của mình, làm nổi bật tính nghiêm trọng trong hành vi được thực hiện.
Trong trường hợp này, đó không chỉ là sự thiệt hại về tính chính trực của con người, hay về tính chính trực của quan hệ mục vụ thiết yếu cho đời sống của Giáo hội, nhưng đó còn là sự thiệt hại về mối quan hệ liêm chính, vốn phải có trong cơ cấu xã hội của Giáo hội. Nếu nghĩ đến những cơ cấu, vốn trong Giáo hội là phương tiện thông truyền sứ điệp Tin mừng, như trường học, đại học, giáo xứ hay tòa giám mục, thì thấy rõ ràng nguy cơ tạo ra những môi trường của tội lỗi, của những quan hệ không lành mạnh, nơi mà phải tìm thấy điều ngược lại. Đó không chỉ là một sự khai thác con người nhưng còn là sự khai tác các cơ cấu.
Nếu trường hợp lạm dụng xảy ra bên trong quan hệ mục vụ, nạn nhân bị khai thác theo nhu cầu của mình bởi người khác. Còn nếu lạm dụng xảy ra trong quan hệ lao động, nạn nhân bị bẻ cong trong ý muốn của họ, trong sự tự do của họ, và vì thế trong phẩm giá của họ, theo một nghĩa nào đó thông qua các cơ cấu của Giáo hội[29].
2.2 Ấu dâm
Không phải tất cả các quy định xây dựng nên điều được hiểu là ấu dâm khi sử dụng chung thuật ngữ và khi quan tâm đến thủ tục tố tụng[30]. Có hai điểm cần phải xác định, ít nhất là về phạm vi của chúng: trẻ em nghĩa là gì và ấu dâm hay lạm dụng tình dục trẻ em nghĩa là gì.
Nhìn chung, các quy định hiểu mọi quan hệ với trẻ em là ấu dâm, nhưng không quy chiếu đến một độ tuổi đặc biệt. Một phần, vì gần như phổ biến người ta chấp nhận rằng trẻ em được hiểu là người dưới 18 tuổi, như điều 97 §1 đã làm. Hơn nữa, mặc dù điều 1395 §2 quy chiếu đến 16 tuổi, độ tuổi này đã được nâng lên 18 tuổi bởi những quy định pháp lý về các tội phạm rất nghiêm trọng[31]. Những quy định pháp lý khác có vẻ quy chiếu về độ tuổi này.
Có một vài quy định làm nổi bật sự khác biệt cần phải làm. Chẳng hạn như, các quy định của Hội đồng giám mục Philippines trình bày sự khác biệt giữa ấu dâm (lạm dụng tình dục với những người dưới tuổi dậy thì [persone impuberi], dưới 13 tuổi) và thanh thiếu niên dâm [efebofilia] (với những trẻ em ở trong khoảng 13 đến 18 tuổi)[32].
Sự phân biệt này, vốn không có tầm quan trọng vào lúc xác định sự lạm dụng trẻ em, nhưng nó có tầm quan trọng trong lúc xác định mức độ sâu của vấn đề người phạm tội. Những quy định của Hội đồng giám mục Đức khẳng định:
Lạm dụng tình dục các trẻ em có thể có những nguyên nhân khác nhau. Không phải mọi trường hợp đều có thể giản lược thành những khuynh hướng ấu dâm hay thanh thiếu niên dâm. Một sự chấn đoán cần phải có trong mỗi trường hợp khác nhau. Vì thiếu hiểu biết về các hoàn cảnh lạm dụng tình dục trẻ em, người thường đã phản ứng cách không thích hợp […] Ngày nay rõ ràng rằng ấu dâm là một chứng rối loạn tính dục mà theo xu hướng nó không thể thay đổi về mặt cơ chế và khuynh hướng thanh thiếu niên dâm (tendenza efebofila) chỉ là một phần mà thôi[33].
Về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em nghĩa là gì, các quy định có một phạm vi khác nhau. Những quy định của Mỹ quy chiếu đến hành vi bên ngoài, vốn được mô tả cách khách quan như một sự vi phạm nghiêm trọng điều răn thứ sáu với một trẻ em (minore)[34].
Những quy định khác, chẳng hạn như những quy định của Hội đồng giám mục Anh thể hiện một khái niệm rất chung chung: “[…] Sự cư xử không lành mạnh và/hay sự khai thác một em bé hay trẻ em thông qua sự cẩu thả hay thông qua sự quấy rối thể lý, tình cảm hay tình dục”[35]. Việc xác định này về những hệ quả khả thể xảy ra từ sự chểnh mảng (negligenza) đặc biệt thú vị. Chắc chắn, những quy định của Hội đồng giám mục Anh xem một thành viên hàng giáo sĩ, một tu sĩ hay thành viên nhân sự giáo dân của Giáo hội như là chủ thể[36], nhưng chúng còn bao gồm sự chểnh mảng (vốn ít nhất sẽ luôn không lành mạnh) của tất cả những người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em như là một phần của tội hình sự. Theo tiêu chuẩn này, nếu một cha sở không có sự lưu tâm đầy đủ đối với các trẻ em lướt mạng internet với máy vi tính của giáo xứ, ngài có thể bị buộc tội lạm dụng[37].
Có thể nghĩ rằng sự chểnh mảng hay sự lơ là phải được hiểu trong mối quan hệ với sự khai thác (sfruttamento), nhưng bản văn sử dụng một liên từ kép, vốn quy chiếu hành vi này với mối quan hệ không lành mạnh. Nếu bản văn được hiểu như thế, thì phạm vi áp dụng sẽ rất rộng, trong khi việc thừa nhận chủ thể được xác định trong luật như là giới hạn duy nhất: các linh mục, các tu sĩ và những nhân viên khác của Giáo hội.
Những quy định khác, như những quy định của Ai len, đưa ra một miêu tả rất chi tiết hơn. Trước hết chúng thừa nhận rằng, là một định nghĩa không bao gồm tất cả các xâm phạm tình dục khả thể, muốn đưa ra một khung mà bên trong đó có tiêu chuẩn để xem xét những hành vi liên quan đến mục đích của luật. Quy định phân biệt các hành vi thành hai nhóm lớn.
Nhóm thứ nhất, vốn làm nổi bật chủ tâm của tác giả, có vẻ nhấn mạnh sự lệch lạc tình dục nào đó mà nó sử dụng trẻ em để có niềm vui:
1- động chạm cách chủ tâm thân thể của một trẻ em với mục đích đạt đến một sự kích thích tình dục hay sự thỏa mãn tình dục của trẻ em hay của đương sự;
2- thủ dâm cách có chủ tâm trước sự hiện diện của một trẻ em;
3- phơi bày cách có chủ tâm những bộ phận sinh dục của đương sự hay một vài hành vi tình dục khác được thực hiện cách có chủ tâm trước sự hiện diện của một trẻ em để có được sự kích thích tình dục hay sự thỏa mãn tình dục của người trưởng thành hay như biểu hiện của sự gây hấn, đe dọa, dọa nạt đối với trẻ em.
Nhóm thứ hai bao gồm sự khai thác trẻ em, nghĩa là việc sử dụng trẻ em như “đối tượng thương mại” ở nơi mà đương sự làm điều đó như là trung gian giữa trẻ em và những người khác, để có lợi ích về tiền bạc;
4- Sự khai thác tình dục, vốn bao gồm sự cho phép, khuyến khích hay ép buộc một trẻ em gạ gẫm hay tham gia vào tệ nạn mại dâm hay vào những hành vi tình dục đã nói ở trên, với người bị cáo hay một vài người khác, động vật hay sự vật để ghi hình (trên băng video, phim, băng audio hay vật liệu khác mang tính tạm thời hay thường xuyên), đặt để, làm mẫu hay thực hiện hành vi nào đó có liên quan đến việc phơi bày thân thể của trẻ em vì mục đích thỏa mãn tình dục của công chúng hay vì mục đích thực hiện những hành vi tình dục khác như đã nêu trên ở đoạn văn số 1 và 3[38].
Định nghĩa thứ ba đưa ra cho chúng ta một yếu tố khác. Nó có thể phục vụ cho việc thiết lập một yếu tố khác. Những quy định của Hội đồng giám mục Canada (chúng tôi đã sử dụng bản tiếng Pháp) không nói đến những lạm dụng nhưng nói đến những bạo hành tình dục (violenza sessuale):
Mọi sự tiếp xúc hay mọi sự tương tác giữa trẻ em và người trưởng thành, khi trẻ em được dùng như là đối tượng để thỏa mãn tình dục cho người lớn. Trẻ em là nạn nhân của sự tấn công tình dục cách độc lập với thực tế rằng vẻ bề ngoài nó đã bị ép buộc hay không bị ép buộc để tham gia, rằng đã có hay không có sự tiếp xúc thể lý hay sinh dục, rằng hoạt động đã được bắt đầu hay không bởi trẻ em, rằng hoạt động đã có hay không những hậu quả nguy hại bên ngoài[39].
Mọi tiếp xúc tình dục với trẻ em là một sự tấn công (aggressione), bởi vì nó đi ngược lại với luận lý (logica) tự nhiên của tiếp xúc tình dục, nơi mà hai người có thể tương tác với nhau trong điều kiện tự do như nhau[40]. Trẻ em không ở trong tình trạng tự do ngang bằng và do đó nó luôn bị thiệt hại trong những mối quan hệ này, vốn về cơ bản nó ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ[41].
Điều này cũng có giá trị khi trẻ em khởi xướng, vì giả thuyết rằng hậu quả lệch lạc là hoa trái khả thể của những hoàn cảnh trước đó hay sự hiện diện ý muốn của người thứ ba khống chế sự tự do của trẻ[42]. Tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ em có vẻ rõ ràng, do đó trong nhiều quốc gia sự tiếp xúc tình dục với các trẻ em được luôn luôn xem như là một sự vi phạm và bị phạt như thế. Còn hơn thế nữa khi người tấn công là người mà trẻ em được giao phó cho họ với trách nhiệm giáo dục nó hay giúp đỡ nó; điều đó làm cho hành vi còn tàn bạo hơn nữa, vì nó đặt nền tảng trên sự lừa dối những sự mong đợi và sự phản bội niềm tin[43].
( Xin đón đọc tiếp theo: Phần II )
[1] Gioan Phaolô II, Tự sắc Apostolos suos, 01.09. 1998, 457-461; EV/17, 808-850, 829.
[2] Cf. G. Ghirlanda, Luật trong Giáo hội, mầu nhiệm hiệp thông (Il diritto nella Chiesa mistero di communione), Cinisello Balsano-Roma, 20003, 645.
[3] Cf. G. Ghirlanda, “Tự sắc Apostolos suos về các Hội đồng giám mục” (Il M.p. Apostolos suos sulle Conferenze dei Vescovi), trong Perodica 88 (1999) 609-657.
[4] Các quy định pháp lý mà chúng tôi đã xem xét tương ứng với các Hội đồng giám mục của: Mỹ, Canada, Chi lê, Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ai len, Thụy sĩ, Úc, Tân Tây Lan và Philippine. Một vài quy định pháp lý này đã được lấy trên mạng Internet, cho nên có thể nói rằng chúng công khai.
[5] Cf. Hội Đồng Giám Mục Philippines, Những hướng dẫn mục vụ về các lạm dụng tình dục và các hành vi không đúng đắn của hàng giáo sĩ (Pastoral Guidelines on sexual abuses and misconduct by the Clery), 01/09/2003, §3.
[6] “Giáo hội Mỹ đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng không xảy ra trước đây trong thời đại chúng ta. Lạm dụng tình dục trẻ em và người trẻ bởi một số linh mục và giám mục, và các cách thức mà các giám mục chúng ta đã nói những tội phạm và tội lỗi này, đã gây ra nhiều đau khổ, giận dữ, và hỗn loạn. Những nạn nhân vô tội và gia đình của họ đã và đang chịu đau khổ kinh khủng. Trong quá khứ, sự bí mật đã tạo ra một bầu khí hạn chế tiến trình chữa lành và, trong một vài trường hợp, nó làm cho hành vi lạm dụng tình dục có khả năng được lập lại”. Hội Đồng Giám Mục Mỹ, Hiến chương để bảo vệ trẻ em và người trẻ (Bản được sửa đổi) [Charter for the Protection of Children and Young People (Revised Edition)], [http://www.USA.org/bishops/charter.htm], Lời mở đầu. “Với tư cách là các giám mục và các người lãnh đạo các tu hội (religious institutes) của Giáo hội Công giáo, chúng tôi nhận thức với nỗi buồn sâu sắc và hối tiếc về con số các giáo sĩ và tu sĩ đã làm dụng tình trẻ em, thanh thiếu niên và những người trưởng thành nằm trong sự chăm sóc mục vụ của họ. Chúng tôi đưa ra lời xin lỗi chân thành đối với những nạn nhân này”. Hội Đồng Giám mục Úc và Hiệp Hội Các Lãnh Đạo Tu Hội Úc, Hướng đến những nguyên tắc chữa lành và các thủ tục tố tụng để đáp trả lại những than phiền về lạm dụng tình dục chống lại những người thuộc Giáo hội công giáo tại Úc (Towards healing principles and procedures in responding to complaint of sexual abuse against personel of the Catholic Church in Australian), 12/1996, [http://www.catholic.org.au] Dẫn nhập.
[7] “Chấp nhận thực tế và công nhận nguyên nhân xấu đối với các nạn nhân là bước đầu tiên” (Admettre la matérialité des faits et reconnaitre le mai cause aux victimes est une première étape). Hội Đồng Giám mục Bỉ, Xử lý các khiếu nại về các lạm dụng tình dục trong việc thực thi các tương quan mục vụ (Traitement des plaintes pour abus sexuels commis dans l’exercise de Relations pastorales), 22/02/2000 [http://www.catho.be/confep/documents/Abus2.html], Lời nói đầu.
[8] “Chúng tôi biểu lộ sự xấu hổ và nỗi buồn của mình rằng nhiều sự việc làm dụng tình dục như thế đã xảy ra” (we express our shame and sorrow that such incidents of abuse have occurred). Ủy Ban Tư Vấn của Các Giám mục Ai len về lạm Dụng tình dục Trẻ em Bởi Linh Mục và Tu Sĩ, Lạm dụng tình dục trẻ em: Khuôn khổ cho sự đối phó lại của Giáo hội (Child Sexual Abuse: Framework for a Church Response), Dublin 1996, 9.
[9] “Trách nhiệm của giám mục trong lĩnh vực này là rõ ràng và tế nhị […] Chúng tôi muốn nhắc lại quyết tâm của chúng tôi để đảm bảo cách cẩn thận rằng những hành vi này không xảy ra, không tái diễn nữa”. Hội Đồng Giám Mục Pháp, Phiên họp khoáng đại (Assemblée plénière), Lourdes 4-10.11.2000 [http://www.cef.fr./ catho/actus/txtoffic/2000/text20001109pedophilie.php]. “Như là các giám mục, chúng tôi ý thức lỗi lầm và vai trò của chúng tôi trong sự đau khổ ấy, đồng thời chúng tôi xin lỗi và chịu trách nhiệm đối với các nạn nhân và dân của chúng tôi trong quá khứ. Chúng tôi cũng chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này cách cương quyết, kiên trì và hiệu quả trong tương lai”. Mỹ, Hiến chương để bảo vệ (cf. nt. 6), Lời mở đầu.
[10] Cf. Úc (cf. nt. 6), Phần Một, đoạn 6.
[11] Cf. Úc (cf. nt. 6), Phần Một, đoạn 5; Hội Đồng Giám Mục Thụy Sỹ, Những lạm dụng tình dục trong bối cảnh mục vụ. Những chỉ thị theo ý của các giáo phận (Abus sexuels dans le cadre de la pastorale. Directives a l’intention des diocèses), Fribourg, 05/12/2002, [http://www.kath.ch/sbk-ces-cvs/hirtenbriefe.php?sprache =f], 3.
[12] Cf. Deutschen Bischofskonferenz (Hội đồng Giám mục Đức), Zum Vorgehen bei sexuellem Missbrauch Minderjähriger durch Geistliche im Bereich der Deutschen Bischofskonferenz (Về cách xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em bởi các giáo sĩ của Hội đồng Giám mục Đức), Fulda, ngày 26.09.2002 [http://dbk.de] Dẫn nhập. Cùng một ý nghĩa: “sự xuống tinh thần, cảm giác lẻ loi, sự hỗn loạn, đau khổ và giận dữ đang được trải nghiệm trong cộng đoàn Giáo hội”. Ai len (cf. nt. 8), 9.
[13] “Toàn thể Giáo hội, đặc biệt là các giám mục và các vị lãnh đạo của các tu hội, cần nuôi dưỡng một bầu không khí mà ở đó sự giáo dục, trung thực, công lý, tin tưởng lẫn nhau và tình yêu Kitô giáo vượt qua sự im lặng, dốt nát và giảm thiểu”. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 4.
[14] Cf. Hội Đồng Giám Mục Anh và Xứ Wales, Sự lạm dụng trẻ em: những hướng dẫn mục vụ và tố tụng (Child Abuse: Pastoral And Procedural Guidelines), 1994, Lời tựa. Hội đồng giám mục này đã phát hành một văn kiện khác mà tên của nó là Review On Child Protection In The Catholic Church in Inghiterra And Wales (Xem xét lại việc bảo vệ trẻ em trong Giáo hội công giáo tại Anh và xứ Wales), 2001, [http://217.19.224.165/frameset.htm].
[15] Cf. Úc (cf. nt. 6), Dẫn nhập.
[16] Cf. Hội Đồng Giám Mục Canada, Từ đau khổ đến Hy vọng. Báo cáo của ủy ban Ad hoc của Hội đồng giám mục Canada (CECC) về trường hợp tấn công tình dục (De la souffrance a l’Espérance. Rapport du comite ad hoc de la CECC su le cas d’agression sexuelle), [http://www.cecc.ca/Files/ De_la_souffrance.pdf], Ottawa 1992, 8.
[17] Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải làm rõ rằng những quy định này không “công khai” chỉ cho các tín hữu trong Giáo hội, mà còn cho những công dân đang bị xúc phạm bởi những tội phạm này.
[18] Những quy định được bao gồm trong nhóm thứ nhất là những quy định của Úc, Bỉ, Philippines, Thụy sĩ và Tân Tây Lan [New Zealand Catholics Bishops’ Conference and the Congregational Leaders Conference of Aotearoa, Con đường để chữa lành – Te houhanga Rongo. Những nguyên tắc và các thủ tục tố tụng để đáp trả những khiếu nại về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và tu sĩ thuộc Giáo hội công giáo tại Tân Tây Lan (A path to healing – Te houhanga Rongo. Principles and procedures in responding to complaints of sexual abuse by Clergy and Religious of the Catholic Church in New Zealand), 2001, (http://www. catholic.org.nz/healing.htm)]. Trái lại, những quy định thuộc về nhóm thứ hai là những quy định của Đức, Pháp, Mỹ, Canada, Chi lê [Conferencia Episcopal de Chile, Thông cáo báo chí về thái độ của Giáo hội Công giáo ở Chile chống lại sự lạm dụng trẻ em của giáo sĩ hay tu sĩ (Comunicado de prensa sobre la actitud de la Iglesia Católica en Chile ante los abusos contra menores cometidos por un clérigo o un religioso), CECH 126/2003, Punta de Tralca 25/04/2003] Anh và Ai-len.
[19] “[…] toute forme de comportement verbal, non verbal ou corporel de nature sexuelle, don’t celui qui s’en rend coupable, sait ou devrait savoir, qu’il affecte la ‘dignité humaine’”. Bỉ (cf. nt. 7), điều 2, chú thích 2.
[20] “Lorsqu’un agent pastoral commet des actes sexuels avec des personnes qui lui demandent conseil, ont besoin d’aide ou dépendent de lui, il s’agit d’exploitation sexuel ou d’abus sexuel”. Thụy Sĩ (cf. nt. 11), 1.1.
[21] “Sexual abuse includes any form of criminal assault, sexual harassment, or other conduct of a sexual nature that is inconsistent with the public vows taken by a priest or religious, with the integrity or the relationship between a priest or religious and a person in their pastoral care […]”. Úc (cf. nt. 6), 2. Theo nghĩa này, các quy định của Hội đồng giám mục Tân Tây Lan rất hẹp bởi vì chúng không bao gồm những hành vi vi phạm được thực hiện bởi những người khác không phải là giáo sĩ. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 2.3.
[22] “Either sexual exploitation or sex abuse can include physical contact from the Church leader such as: sexual touch or other intrusive touching (i.e. tickling, wrestling or other physical contact) that causes uneasiness or discomfort in the one touched; an inappropriate gift (such as lingerie); a prolonged hug when a brief hug is customary behaviour; kissing on the lips when a kiss on the cheeks would be appropriate; showing sexually suggestive objects of pornography; sexual intercourse, anal or oral sex. Sexual exploitation or sexual abuse can also include verbal behaviour such as: innuendo or sexual; talk and text messaging; suggestive comments; tales of sexual exploits, experiences or conflicts, making sexual propositions”. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 13, B. Một mô tả khá chi tiết được tìm thấy trong Anh, Child Abuse (cf. nt. 14), Phụ lục 2-3.
[23] “Sexual abuse is any conduct of a sexual nature that is inconsistent with the public commitment to celibacy and duties and responsibilities of clerics and/or religious and which involves an abuse of power or status”. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), 2.3. Phải lưu ý rằng sai lầm khi nói đến lời khấn cũng liên quan đến các linh mục. Các giáo sĩ hứa độc thân, chứ không phải lời khấn. Cf. G. Ghirlanda, “Độc thân và sự nhận nuôi trẻ em của các giáo sĩ” (Celibato e adozioni di minorenni da parte di chierici), Periodica 92 (2003) 390-399.
[24] Cf. Tân Tây Lan (cf. nt. 18), Phần Một 6-9; Ai len (cf. nt. 8), Chương I, II; Anh, Lạm dụng trẻ em (Child abuse) (cf. nt. 14), Phần Một, số 3.
[25] Cf. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 9. Thụy Sỹ (cf. nt. 11), I.1.4.
[26] Theo nghĩa này, hãy xem sự phát triển thú vị được trình bày cho những quy định của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ (cf. nt. 11), 4-7.
[27] Cf. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 13.
[28] “Sexual Harassment generally refers to unwanted sexualized conduct or language between co-workers in the church setting […] Making unsolicited sexual advances and propositions; using sexually degrading words to describe an individual or his/her body; telling inappropriate or sexually related jokes; retaliating against a co-worker who refuses sexual advances; offering favours or employment benefits; such as promotions; favourable performance evaluations; favourably assigned duties or shifts; recommendations; etc. in exchange for sexual favours”. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 13, A.
[29] Có thể nói rằng quan điểm này xem lạm dụng tình dục như lạm dụng quyền lực, nó giúp vượt qua sự liên kết được thiết lập bởi dư luận xã hội với sự độc thân linh mục.
[30] Cf. Các quy định của Hội đồng giám mục Chi lê (cf. nt. 18) và của Hội đồng giám mục Đức (cf. nt. 12).
[31] Cf. Gioan Phaolô II, Tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela, 30/04/2001, AAS 93 (2001) 737-739, đ. 4.
[32] Cf. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 12. Cũng nên xem Thụy Sĩ, Lạm dụng tình dục (cf. nt. 11), 18, vốn xác định độ tuổi khoảng từ 14 đến 17 tuổi. Những quy định của Hội đồng giám mục Thụy Sĩ thêm rằng: “Người ta nói đến ấu dâm khi những tượng tượng trong suy nghĩ kích thích tình dục, những nhu cầu hay những hành xử tình dục mang tính bốc đồng, lập đi lập trong một thời gian ít nhất là sáu tháng, có đối tượng là những hành vi tính dục với trẻ em dưới tuổi dậy thì hay con nít (chung chung là dưới 13 tuổi hay rất trẻ)” (On parle de pédophilie lorsque des fantasmes intensifs excitant la sexualité, des besoins ou comportements sexuels impulsifs, répétitifs pendant une durée d’au moins six mois, ont pour objet des actes sexuels avec un enfant prépubère ou des enfants (généralement de 13 ans ou plus jeunes). Ibid.
[33] “Sexueller Missbrauch Minderjähriger kann unterschiedliche Ursachen haben. Nicht jeder Fall ist auf eine pädophile oder ephebophile Neigung zurückzuführen. Eine Diagnose muss in jedem Fall differenziert erfolgen. Aus fehlenden Kenntnissen über die näheren Zusammenhänge sexuellen Missbrauchs Minderjähriger wurde häufig unangemessen reagiert. Im Blick auf die Opfer bedauern wir dies zutiesfst. Heute steht fest, dass Pädophilie eine sexuelle Störung ist, die von der Neigung her strukturell nicht abänderbar ist und ephebophile Neigung als nur zum Teil veränderbar gilt”. Đức (cf. nt. 12), Dẫn nhập.
[34] Cf. Hội đồng Giám mục Mỹ, Những quy định thiết yếu cho các Chính sách giải quyết các cáo buộc về lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục hay phó tế của Giáo phận được Bộ giám mục phê chuẩn (Essential Norms for Diocesan/Eparchial Policies Dealing with Allegations of Sexual Abuse of Minors by Priests or Deacons Approved by the Congregation for Bishops), 08.12.2002 [http://www. nccbuscc.org], Lời nói đầu.
[35] “The ill treatment and/or exploitation of a child or young people whether through neglect or through physical, emotional or sexual molestation”. Anh (cf. nt. 14), Anex one. Quy định hiện tại trở lại những quy định trước, vốn đã nói “[…] all the ways in which a child’s normal development is hindered or damaged by other people”. Có một chút tiến bộ hơn: “Có nhiều hình thức lạm dụng tình dục khác nhau từ việc nhìn, phơi bày, sờ mò và mơn trớn, đến việc thâm nhập bộ phận sinh dục cách trọn vẹn. Lạm dụng tình dục trẻ em bao gồm việc cho xem những điều không đứng đắn như nội dung khiêu dâm đối với trẻ em hay việc sử dụng trẻ em như một chủ thể hay những sản phẩm không đứng đắn. Lạm dụng tình dục còn bao gồm ngôn ngữ khiêu dâm hay thuật ngữ khiêu dâm, hay sự hướng dẫn sai lầm cho một trẻ em bằng bất kỳ loại gợi ý và kích thích không đứng đắn nào” (There are many forms of sexual abuse ranging from looking, exposing, touching and fondling, to full genital penetration. Sexual abuse of a child includes revealing indecent material such as pornography to the child or using the child as a subject o indecent productions. Sexual abuse includes obscene language or terminology, or the misguiding of a child by suggestion and indecent provocation of any kind). Hơn nữa, tài liệu này xác định điều được hiểu là cẩu thả: “Sự bỏ bê liên tục hay nghiêm trọng đối với một trẻ em, hay sự không thực hiện những phương diện quan trọng của việc chăm sóc, dẫn đến sự suy yếu đáng kể về sức khỏe hay sự phát triển của trẻ em, không bao gồm việc thất bại cách hữu cơ” (The persistent or severe neglect of a child, or the failure to carry out important aspects of care, resulting in the significant impairment of the child’s health or development, including non organic failure to thrive). Anh, Lạm dụng trẻ em (cf. nt. 14), Phần Một: Lạm dụng trẻ em là gì?, III.
[36] Cf. Anh, Review on Child protection (cf. nt. 14), Bản tóm tắt (Executive summary), 5.
[37] Nếu chúng ta đem ví dụ này vào bên trong gia đình, một người cha/mẹ mà về mặt luân lý (không quan tâm điều gì xảy ra cho con) hay về mặt lao động (không có thời gian) không có sự lo lắng đầy đủ về điều có thể xảy ra cho con của mình khi lướt mạng internet, người ấy có thể bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ em.
[38] “The definition, while not inclusive of all sexual offences, clearly outlines the behaviour with which this document is concerned. I) Intentional touching of the body of a child for the purpose of the sexual arousal or sexual gratification of the child or the person; II) intentional masturbation in the presence of a child; III) intentional exposure of the sexual organs of a person or any other sexual act intentionally performed in the presence of a child for the purpose of sexual arousal or gratification of the older person or as an expression of aggression, threat or intimidation towards the child and VI) sexual exploitation, which includes permitting, encouraging or requiring a child to solicit for or to engage in prostitution or other sexual acts as referred to above with the accused or any other person, persons, animal or thing or engaging in the recording (on video-tape, film, audio-tape or other temporary or permanent material), posing, modelling or performing of any other sexual act referred to in subparagraphs (I) and (III) above”. Ai len (cf. nt. 18), 20.
[39] “Tout contact ou toute interaction entre un enfant e un adulte, lorsque l’enfant sert d’objet de gratification sexuelle pour l’adulte. Un enfant est victime d’agression sexuelle indépendamment du fait qu’il ait ou n’ait pas été apparemment contraint a participer, qu’il y ait eu ou non un contact physique ou génital, que l’activité ait été amorcée ou non par l’enfant, que l’activité ait eu ou non des effets apparemment nocifs”. Canada (cf. nt. 16), 18. Trong chú tích của định nghĩa này phải hiểu rõ rằng khái niệm này không ám chỉ cách thiết yếu đến sự tấn công thể lý.
[40] “Bất kỳ hình thức nào của hành vi tình dục với trẻ em, con nít hay trẻ vị thành niên, luôn là lạm dụng tình dục. Nó vừa phi luân lý vừa là tội phạm” (Any form of sexual behaviour with a minor, whether child or adolescent, is always sexual abuse. It is both immoral and criminal). Úc (cf. nt. 6), Phần Một, 2.
[41] “Lạm dụng tình dục có thể được xác định như là sự tham gia của những trẻ em và thanh thiếu niên chưa trưởng thành và còn phụ thuộc trong các hoạt động tình dục mà chúng không hiểu biết cách đầy đủ, không có khả năng để đồng ý, hay trong các hoạt động tình dục vi phạm những cấm kỵ xã hội về các vai trò gia đình” (Sexual abuse may be defined as the involment of dependent, developmentally immature children and adolescents in sexual activities that they do not fully comprehend, are unable to give informed consent to, or that violate the social taboos of family roles). Anh, Sự lạm dụng trẻ em (cf. nt. 14), Phụ lục 4.
[42] Trong cùng ý nghĩa, nên xem Anh, Sư lạm dụng trẻ em (cf. nt. 14), Phần Một: Lạm dụng trẻ em là gì? III.
[43] Rất là thú vị trong các quy định của Hội đồng giám mục Philippines, chúng đặt ngang hàng người lớn cần giúp đỡ (adulto in situazione di bisogno) với trẻ em, khi dành thuật ngữ khai thác tình dục cho những hành vi mang nội dung tình dục trong sự chăm sóc mục vụ, và thuật ngữ những lạm dụng tình dục cho những lạm dụng được thực hiện với trẻ em hay người lớn dễ bị tổn thương. Philippines (cf. nt. 5), đoạn 13, B.