BIẾT CHÚA

0
88

✍️ Tu sĩ Giuse Hồ Xuân Hương
—Học viện Ngôi Lời

– Did you belive in God? – the interviewer.
– Oh ! Yes, – Carl Jung.
– Do you now believe in God?
– Difficult to answer. I know. I don’t need to believe, I know.[1]

Đây là trích đoạn hội thoại của một cuộc phỏng vấn năm 1959 trong chương trình Face to Face. Phóng viên đài BBC, John Freeman đã hỏi Carl Jung – nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy sĩ, về niềm tin của ông vào Thiên Chúa. Ban đầu khi người phỏng vấn hỏi câu hỏi ở dạng quá khứ (did) ông có tin vào Thiên Chúa và ông đã trả lời rằng: Oh! Có. Sau đó khi người phỏng vấn hỏi lại ở dạng hiện tại ông lại nói rằng: Thật khó để trả lời. Tôi biết. Tôi không cần tin, tôi biết. Ta thấy đã có sự dịch chuyển trong câu trả lời của Carl Jung từ tin sang biết. Tại sao lại có sự dịch chuyển như vậy và cái biết của ông nên được hiểu như thế nào?

Carl Jung sinh ra trong một gia đình Kitô hữu, có cha là mục sư. Ắt hẳn ông đã được thấm nhuần niềm tin từ tôn giáo mang tính truyền thống ấy. Tuy nhiên, đức tin từ truyền thống đó tốt hơn phải được cá nhân hóa để trở thành một đức tin mà chính tôi sẽ là người khám phá và đi sâu vào. Có lẽ đó cũng là điều mà Carl Jung muốn đề cập tới khi chuyển đổi từ tin sang biết, câu trả lời đó cũng hàm chứa hành trình đức tin của chính ông. Nhưng cái biết đó là gì?

Ta hãy mượn hai từ Hy Lạp để diễn tả về biết (know) đó là Ginosko (γινώσκω) và Oida (οἶδα) . Ginosko thường được hiểu là cái biết mang tính kinh nghiệm, tương quan (experience), còn Oida nhằm diễn tả cái biết mang tính nhận thức (intellectual)[2]. Cái biết mà Carl Jung muốn nói tới có lẽ chính là cái biết mang tính kinh nghiệm (ginosko) như vậy. Vì trong bức thư giải thích cho khán thính giả về câu nói của mình, ông đã thổ lộ “Tôi nhớ đến Ngài, Tôi kêu lên Ngài, mỗi khi những nỗi tức giận hay sợ hãi chi phối, tôi kêu Danh Ngài, cả những khi vô thức tôi thốt lên: ‘Lạy Chúa”[3]. Cái biết (know) Thiên Chúa của Carl Jung không còn là biết Thiên Chúa của những khái niệm, hay những định tín từ bên ngoài của một tôn giáo áp vào nhưng là biết Thiên Chúa trong tương quan cá vị. Ngài đi vào thế giới không chỉ là một thế giới hữu hình vật chất mà là thế giới lịch sử nội tại của tôi. Ở đó có những biến cố trong quá khứ, những gì đang xảy ra ở hiện tại và cả những ẩn hiện trong tương lai trong một mối tương quan giữa tôi với Chúa.

Nhiều người biết Thiên Chúa nhưng chỉ là cái biết duy-lý trí mà thôi. Biết Thiên Chúa như Carl Jung mang đậm tính tương quan hơn. Từ cái biết mang tính lý trí để đi vào kinh nghiệm gặp gỡ. Vậy phải chăng người Kitô hữu cũng cần có được cái biết này. Đúng vậy và hơn thế nữa. Thánh Gioan cho ta thấy một cái biết Thiên Chúa mà mỗi người Kitô hữu cần có và phải có. Ngài nói: Phàm ai nói biết Thiên Chúa mà không giữ điều răn của Ngài là kẻ nói dối[4]. Hay nói cách khác, ai nói biết Thiên Chúa mà không giữ điều răn của Người thì không được kể là biết. Vậy điều răn đó là gì, đó chính là yêu thương. Ngài nói thêm: Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa[5]. Như vậy cái biết mà Thánh Gioan đề cập đến mang chiều kích giao ước[6]. Đối với Thánh Gioan biết không chỉ là có những thông tin về đối tượng, đi vào tương quan với đối tượng nhưng còn là thiết lập một ràng buộc với đối tượng, ở đây là giữa Thiên Chúa và con người. Thánh Gioan đòi hỏi biết (Thiên Chúa) chỉ nên trọn vẹn khi thực hành (giữ giới răn). Qua đó, thánh Gioan muốn nhấn mạnh vào việc thực hành đạo đức để đạt tới ơn cứu rỗi. Nhưng giờ đây câu hỏi đặt ra là phải yêu như thế nào?

Trong Tin Mừng, động từ yêu thường được sử dụng xuất phát từ tiếng Hy Lạp Agapaó. Agapé (danh từ) là hình thức cao nhất của tình yêu.[7] Thánh Matthêu sử dụng từ yêu này 17 lần, Thánh Máccô 9 lần, Thánh Luca 18 lần và Thánh Gioan sử dụng nhiều nhất 57 lần.[8] Việc sử dụng lặp đi lặp lặp từ yêu như vậy phần nào cho thấy tâm hồn luôn khắc khoải trong tình yêu của Gioan. Và chính ông được gọi là người môn đệ Chúa yêu. Gioan lặp lại nhiều lần lệnh truyền của Chúa : Phải yêu thương nhau (1Ga 4,20 – 5,3). Không còn là phải yêu thương người thân cận, cũng không phải là phải yêu thương kẻ thù nữa nhưng là phải yêu thương nhau (love one another). Vì khi yêu thì không còn chia cách giữa người yêu và đối tượng được yêu, và cũng không còn xem ai là kẻ thù nữa, nhưng là thấy-mình-trong-người-khác, nơi người khác mà mình cũng hiện hữu. Như vậy tình yêu đó không còn là một tiến trình đang xảy ra nhưng là đã đầy tràn, chín muồi, khi đó mình với tha nhân hòa trong một tình yêu. Như vậy, thánh Gioan đã cho ta thấy một dạng thức mới của biết đó là biết = yêu và yêu = biết.

Biết Chúa ắt hẳn là khao khát của nhiều con người. Tuy nhiên phải làm sao để đi từ cái biết của lý trí tới tương quan và cuối cùng là biết trong tình yêu. Khi viết những dòng này, người viết cũng chỉ ở trong cái biết của suy lý và chút ít trong tương quan mà thôi. Để tiến tới cái biết như Thánh Gioan nói có lẽ không có con đường nào khác ngoài việc giữ giới răn của Thiên Chúa. Ai giữ giới răn yêu người thì được kể là biết Thiên Chúa ngay cả khi không biết (như dân ngoại) Ngài vậy.

Chú thích:

[1]https://www.bing.com/videos/riverview/relatedvideo?q=hCarl+Jung+Interview+with+John+Freeman+(1959)&mid=EBC6D7F49C45AD0B2B2FEBC6D7F49C45AD0B2B2F&FORM=VIRE, truy cập ngày 10/12/2024, 8:00 am. Trích đoạn hội thoại ở phút thứ 8:00.

[2] Ginosko (come to know), Oida (fullness of knowladge) – Trong Tin Mừng Trong Gioan 8:55 Chúa Giêsu nói với người Do Thái “Các ông không biết (ginosko) Người; còn tôi, tôi biết (oida) Người. Xem thêm phần định nghĩa về hai từ này tại  https://www.studybible.info/vines/Know,%20Known,%20Knowledge,%20Unknown#:~:text=%28a%29%20ginosko%2C%20frequently%20suggests%20inception%20or%20progress%20in,I%20do%20thou%20knowest%20not%20now%2C”%20i.e.%20Pet truy cập ngày 10/12/2024, 8:00 am

[3] I remember Him, I evoke Him, whenever I use His name overcome by anger or by fear, whenever I involuntarily say: ‘Oh God’.(Người viết dịch). https://carljungdepthpsychologysite.blog/2020/05/15/broadcast/#.XsBUNWhKhPY, truy cập ngày 10/12/2024, 9:00 am

[4] 1 Gioan 2:4

[5] 1 Gioan 4:8

[6] Ng       ười viết dùng từ giao ước trong bối cảnh này nhằm diễn tả một cái biết vượt lên cả kinh nghiệm để đi vào một sự ký kết mang tính ràng buộc.

[7] Tình yêu trong theo từ ngữ Hy Lạp thường được chia theo 4 kiểu: Eros (Tình yêu giới tính – có tính dục), Storge (Tình yêu gia đình, quan hệ huyết thống), Philia (tình yêu vì những điểm chung như sở thích – tình bạn), Agape (Tình yêu thuần túy – Nhưng không).

[8] Dictionary of Jesus and The Gospels, Editor by Joel B. Green and Scot McKnight, (USA: Intervarsity Press,1992), 494.

Bài trướcTHIÊN CHÚA VÀ TRẦN THẾ
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Lc 3,10-18)