Bài suy niệm: Thánh Giá Chúa Giê su nói với chúng ta điều gì? (Tác giả: Lm. Jhonatan A. Letada, SVD)

0
1043

THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU NÓI VỚI CHÚNG TA ĐIỀU GÌ?

Linh mục Jhonatan A. Letada, SVD

(Tỉnh Dòng Ngôi Lời Miền Trung Philippines)

 

 

Linh mục Antôn Đỗ Quang Quốc, SVD chuyển ngữ

 

Trong một tạp chí được xuất bản năm 1878, Thánh Arnold Janssen – Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, đã viết ý tưởng của Ngài như sau: “Bất kỳ ai hèn nhát đến mức trốn tránh thánh giá của cuộc đời, để ở lại trong cái được gọi là bình an do chính họ chọn lựa, thì người đó không có khả năng làm bất cứ việc gì cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội của Người”. Như thế, cuộc sống được gắn liền với thánh giá là cuộc sống của ân sủng.

Lần nọ, một cô giáo được một đồng nghiệp đến thăm khi cô đang dạy giáo lý rước lễ lần đầu cho 3 em thiếu nhi. Cô giáo thật sự muốn gây ấn tượng cho đồng nghiệp của mình về việc các em thiếu nhi học hành chăm chỉ như thế nào. Do đó, cô giáo bắt đầu hỏi từng em một: “Ai đã tạo nên em? Tại sao Thiên Chúa lại dựng nên em?” Đến lượt em trai nhỏ ngồi cuối hàng, cô hỏi cậu bé: “Thiên Chúa ở đâu?”. Cậu bé thinh lặng nhìn cô ấy, sau một lúc bồn chồn và lo lắng, cậu ta thốt lên: “Thưa cô! Thiên Chúa ở trên thánh giá”.

Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxico đã mời gọi toàn thể Giáo Hội như sau: “Hãy chăm chú nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh”.

Hãy dành một ít phút để chiêm ngắm và kính thờ thánh giá Chúa Giêsu. Khi chiêm ngắm và kính thờ thánh giá, có lẽ nhiều câu hỏi sẽ xuất hiện nơi chúng ta: “Bạn thấy điều gì? Bạn nhớ điều gì? Những thương đau? Niềm vui? Những khó khăn? Sự an ủi? Đau khổ? Hồng phúc? Sự chết? Sự sống?” Một lần nữa, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm thánh giá và chúng ta sẽ thấy – nghe được thánh giá nói với chúng ta nhiều điều.

Thánh Giá (thập giá) trong tiếng Anh là CROSS. Bạn và tôi hãy suy niệm từng mẫu tự trong từ Cross (C – R – O – S – S)

  1. C – COMMITMENT (Lời Hứa)

Thánh giá (Cross) là minh chứng cụ thể nhất việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài. Đức Giêsu Kitô đến trần gian là để thực hiện lời hứa và thánh ý của Thiên Chúa Cha. Cả cuộc sống và sứ vụ của Đức Kitô là thực thi thánh ý và làm cho lời hứa của Thiên Chúa thành hiện thực. Chúa Giêsu đã từng nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý của Đấng đã sai Thầy” (Ga ,34)

Trong tập sách có tựa đề “Hạt Cải”, linh mục Giuse Ga-đon (Joseph Galdon) – Dòng Tên đã quảng diễn về sứ vụ của Chúa Giêsu là thực thi thánh ý Thiên Chúa Cha, đồng thời mời gọi Kitô hữu sống và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời: “Tất cả cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu là thực thi lời hứa của Thiên Chúa Cha. Hãy nói cho Chúa Giêsu biết những lời hứa của chúng ta là gì và Chúa Giêsu sẽ nói cho chúng ta biết điều gì sẽ hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Như Chúa Giêsu đã sống, đã tự hiến tất cả cho thánh ý của Thiên Chúa Cha, thì chúng ta cũng sẽ sống và làm tất cả những gì chúng ta đã cam kết. Và nếu không có lời hứa của Thiên Chúa Cha và việc làm cho lời hứa thành hiện thực của Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ chẳng là gì. Thực hiện lời hứa của Thiên Chúa chính là sự tự hiến của Đức Giêsu. Lời hứa của Thiên Chúa Cha là món quà rất lớn cho chính chúng ta. Và chính nhờ lời hứa đó đã dẫn chúng ta đến sự tự hiến. Sự tự hiến của Đức Giêsu dẫn chúng ta đến sự toàn vẹn, tròn đầy và hạnh phúc

  1. R – RECONCILIATION (Hoà Giải)

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa Cha. Sự hoà giải này không đến từ những nổ lực chúng ta và khởi nguồn từ chúng ta, mà là khởi nguồn từ Thiên Chúa và ân sủng của Ngài. Hình ảnh của sự hoà giải là sự trở về giống như sự trở về của người con hoang đàng trong Tin Mừng Thánh Luca. Tại sao anh ta lại trở về nhà? Hình ảnh trở về nhà của người con hoang đàng có ý nghĩa gì? Trở về nhà, nghĩa là trở về với Thiên Chúa. Tại sao sự trở về của người con hoang đàng lại thúc đẩy chúng ta hãy trở về với Thiên Chúa? Bởi vì, Thiên Chúa là nguồn Sự Thật và Tình Yêu. Chính Sự Thật và Tình Yêu của Thiên Chúa được miêu tả nơi đặc tính của người cha là động lực và khởi nguồn cho sự trở về của người con hoang đàng. Cũng vậy, khi chúng ta trở về với Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm nếm được kinh nghiệm thế nào là tình yêu của Thiên Chúa, và chính tình yêu của Người sẽ làm cho chúng ta được trọn vẹn và tròn đầy trong Lòng Thương Xót và Chân Lý của Người.

  1. O – OPENNESS (Mở Lòng Đón Nhận)

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã diễn tả sự mở lòng đón nhận của Người như thế nào? Cánh tay của Ngài dang rộng và đôi bàn tay được mở ra. Hình ảnh này diễn tả sống động của việc cầu nguyện. Thật vậy, những lời sau cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá trước khi trao thần khí cho Chúa Cha, Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Người không cầu nguyện cho chính mình, mà cầu nguyện cho bạn, cho tôi và cho tất cả chúng ta.

Chúng ta hãy lắng nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,33). Lời nguyện xin ơn tha thứ. “Thật, tôi bảo cho anh biết, ngày hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,43) Lời nguyện diễn tả sự bảo đảm về ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. “Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19, 26-27). Lời nói diễn tả sự uỷ thác chúng ta cho sự chăm sóc, che chở của Mẹ Maria. “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mt 27,46). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu là niềm hy vọng cho những ai bị bỏ rơi, bi lãng quên. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ. “Ta khát” (Ga 19,28). Lời nguyện diễn tả một thân xác khô cằn, một thân xác cần nước cũng là một thân xác khao khát biết bao tâm hồn. “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Lời nguyện cầu diễn tả sự trọn vẹn và vinh quang cho chính Đức Giêsu và cho cả chúng ta. “Cha ơi, Con phó tâm hồn của con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Lời nguyện trao hiến tất cả chúng ta cho Chúa Cha. Đức Thánh Cha Phanxico đã nói: “Cầu nguyện là mở lòng đón nhận và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Ý nghĩa của cầu nguyện là chúng ta nói với Thiên Chúa. Lạy Chúa, con không có gì cả. Con cần Ngài. Ngài là cuộc sống của con. Ngài là ơn cứu độ của con.

  1. S – SACRIFICE (Hy Sinh, Tự Hiến)

Trên thánh giá, chúng ta cảm thấu được tình yêu hy sinh (tự hiến) của Thiên Chúa. Hy sinh (tự hiến) là hành động tột đỉnh của tình yêu. Đức Hồng Y Tagle đã chia sẻ: “Nếu chúng ta không có tình yêu, chúng ta không thể sống cách trọn vẹn được, bởi vì sự năng động của cuộc sống chính là tình yêu. Đức Giêsu đã yêu, đã chết cho nhân loại được sống và sống lại để cho chúng ta được sống trọn vẹn”.

  1. S – SURRENDERING (Trao Hiến)

Cha ơi! Con phó tâm hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu chính là lời cầu nguyện của sự Trao Hiến trọn vẹn nhất. Sự trao hiến này có phải là một sự yếu đuối, bất lực và vô vọng của Chúa Giêsu? Không, không phải vậy. Sự trao hiến chính là sức mạnh của Tình Yêu Thập Giá, sức mạnh nội tại của Mầu Nhiệm Tử Nạn. Sức mạnh trao hiến của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta bằng cách nào? Thiên Chúa đã chết vì chúng ta và cho tất cả những yếu đuối của chúng ta. Sự trao hiến của Đức Giêsu Kitô là hành động của niềm tín thác vào thánh ý Chúa Cha. Như vậy, chúng ta cũng có thể hiến trao, tín thác và dâng lên tất cả những khó khăn, đau khổ và vô vọng của chúng ta vào Thánh Giá Đức Kitô. Sự trao dâng tất của Đức Giêsu trên thánh giá chính là hành động của tình yêu. Đấng đã chết để biểu lộ tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi hiến trao cho Thiên Chúa và cho tha nhân, khi chúng ta để mình ngụp lặn trong tình yêu của Người. Đức Thánh Cha Phanxico đã nói: “Khi chúng ta bước đi mà không có thánh giá, khi chúng ta xây dựng cuộc sống này mà không có thánh giá, khi chúng ta rao giảng Tin Mừng mà thiếu vắng thánh giá, chúng ta không phải là môn đệ đích thật của Chúa Giêsu. Nếu thiếu vắng thánh giá trong cuộc đời, chúng ta chỉ đơn thuần là những Kitô hữu, chúng ta không phải là môn đệ của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã cứu chuộc chúng con nhờ cái chết của Ngài trên Thánh Giá.

Thánh Giá Chúa là thực thi lời hứa của Chúa Cha.

Thánh Giá Chúa là sự hoà giải chúng con với Chúa Cha.

Thánh Giá Chúa chính là sự rộng mở đón chúng con vào Vương Quốc Tình Yêu.

Thánh Giá Chúa chính là Tình Yêu Tự Hiến.

Thánh Giá Chúa chính là sự Trao Hiến trọn vẹn.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Xin cho chúng con được sống trong ân sủng của Thánh Giá Chúa. Amen

 

 

Bài trướcĐTC Phanxicô thành lập Ủy ban mới nghiên cứu về chức nữ phó tế
Bài tiếp theoLỄ PHỤC SINH: Nguồn Gốc, Ý Nghĩa Và Việc Cử Hành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.