ĐIỆP KHÚC GIÁNG SINH: “NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI”

0
1133

Paulbang

Mỗi dịp Giáng Sinh về, điệp khúc của Thánh Gioan“Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” lại vang lên không biết bao nhiêu lần trong mỗi câu hát, trong từng giờ kinh, trên từng hang đá, nơi những cánh thiệp, trong mỗi gia đình và nơi từng giáo xứ. Ngôi Lời đã làm người, hẳn đó phải là tin vui trọng đại nhất cho toàn thể nhân loại. Biến cố Giáng Sinh là minh chứng rõ nhất cho tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, là cuộc gặp gỡ thân tình nhất giữa con người với Đấng Tạo Hóa và là Niềm Hy Vọng rực sáng trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Giáng Sinh là minh chứng rõ nhất cho tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài yêu thế gian đến nỗi đã ban con một để ai tin vào con của Ngài thì được sống muôn đời (x.Ga 3,16). Đó là lời khẳng định chắc chắn, diễn tả trọn vẹn và tin vui lớn nhất mà Thánh Gioan muốn loan truyền cho nhân loại. Thiên Chúa tạo dựng con người bằng tình yêu. Vì thế, trải qua thời kỳ hồng hoang của lịch sử, Ngài vẫn viếng thăm con người với tình yêu nơi vườn Địa Đàng. Nhưng con người đã đáp trả tình yêu đó với sự bất tuân và phản bội Thiên Chúa. Con người dùng tự do Thiên Chúa ban để đối xử với tình yêu của Ngài bằng sự đòi hỏi và kiêu ngạo. Con người chìm sâu trong đêm trường mịt mù của tội lỗi, lữ hành một cách cô độc trên con đường đưa tới sự chết. Chính con người đã tự phá vỡ hạnh phúc, phản bội lại bản hợp đồng tình yêu đã ký kết với Thiên Chúa. Con người muốn vươn lên cho bằng Chúa, muốn có được quyền năng như Chúa và ngang hàng với Ngài trong vũ trụ này. Con người đã bội ước, thất tín và đánh mất mối tương quan tốt đẹp với Đấng Tạo Hóa. Vườn Địa Đàng không còn là nơi bình yên, là chốn gặp gỡ và là nơi giao hòa giữa thụ tạo và Đấng sáng tạo nữa. Tương quan tình yêu bị phá vỡ, con người chọn cách thức là ẩn mình và chạy trốn. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Tình yêu. Bản Chất của Ngài là Tình Yêu. Dù cho con người có phản bội, có bội tín và bất trung nhưng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương con người với tình yêu của thuở ban đầu “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31, 3). Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người là tình yêu của Đấng sáng tạo dành cho thụ tạo, là tình yêu của người Cha dành cho con cái, là lòng bao dung của ông chủ tốt lành dành cho gia nhân và là lòng trắc ẩn của một người luôn thổn thức trước sự đau khổ của người khác. Thiên Chúa yêu thế gian đến tột cùng, chính tình yêu ấy đã đưa Ngài đến một chọn lựa mà người đời xem như là một sự điên rồ “Hy sinh tính mạng của người con duy nhất cho người phản bội mình”. Như Thánh Vinh Sơn đã từng nói “Tình yêu có sức sáng tạo đến vô tận” và chính trong tình yêu, Thiên Chúa đã tạo ra một bản thiết kế vĩ đại của tình yêu cho công cuộc cứu chuộc loài người mà khởi đầu là sai Con của Ngài nhập thể trong thân phận con người, để con người được gặp gỡ Thiên Chúa.

Giáng Sinh là cuộc gặp gỡ cao nhất giữa con người với Đấng Tạo Hóa. Trải qua hàng ngàn năm, con người vẫn bước đi trong cuộc lữ hành trần thế với sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài hiện diện cùng con người trong vai trò của một Đấng Toàn Năng bao trùm vũ trụ, chăm lo cho vũ trụ và chỉnh sửa công trình sáng tạo của Ngài. Quả thế, từ thời các Tổ phụ, đến thời Xuất hành, các Vua và các Tiên Tri, Thiên Chúa vẫn hiện diện với con người qua nhiều cách thế mà con người có thể kinh nghiệm về Ngài rất khác nhau. Mặc dù vậy, con người vẫn chưa được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn và mật thiết nhất. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của núi đồi, Thiên Chúa cao vời, Thiên Chúa siêu việt đối với Abraham. Thiên Chúa vẫn là một Đấng kỳ bí và thánh thiện nhưng để gặp được Ngài cần bao hàm cả sự đòi hỏi và thử thách như cuộc vật lộn của Giacóp. Thiên Chúa là Đấng Toàn năng nhưng Ngài hiện diện với con người ngang qua Lề luật và Hy lễ như cảm nghiệm của Môsê. Với các Vua, Ngài hiện diện ngang qua hòm bia giao ước và mệnh lệnh từ các ngôn sứ. Còn với các tiên tri, Thiên Chúa Hằng Sống, can thiệp vào lịch sử, hành động, đòi hỏi, nhổ và trồng: ”Coi, hôm nay, Ta cử ngươi cai [quản] các dân tộc và các nước để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá, để xây và cấy trồng” (Gr 1,10). Như thế, trong Cựu Ước, Thiên Chúa hiện diện với con người qua nhiều cách thế khác nhau nhưng chỉ qua một vài trung gian làm nhiệm vụ cầu nối giữa Ngài với dân chúng. Bước qua Tân Ước, Thiên Chúa đã đến sát với con người hơn, cho con người được đụng chạm, được cùng ăn, cùng sống với con của Ngài. Đấng là hình ảnh tuyệt mỹ và chân thật nhất về Ngài “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2). Quả thế, nơi Đức Giêsu Nhập thể và Nhập thế, Thiên Chúa đã đi bước trước để nhân loại được đắm chìm trong ân sủng của tình yêu và chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của Ngài. Nơi Đức Kitô, tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ và diễn tả một cách trọn vẹn nhất. Cũng nơi Đức Kitô, con người tìm về được căn tính đích thực của một người con xa nhà lâu năm, hoán cải và hoan hỷ trở về với khuôn mặt đầy của người Cha đầy nhân từ.

Giáng Sinh là Niềm Hy Vọng rực sáng trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Đức Kitô đến với nhân loại ngang qua tình yêu của Chúa Cha. Ngài đến để con người được gặp gỡ Thiên Chúa cách chân thật và rõ ràng nhất. Đồng thời, Ngài cũng đến để gieo an bình và hy vọng cho nhân loại trong tận sâu thẳm của tâm hồn. Niềm hy vọng được giải thoát khỏi xích xiềng của Nguyên tội để trở về cùng Thiên Chúa trong ngôi nhà đầy ắp tình yêu nơi Thiên Đàng. Đúng như lời tiên báo của ngôn sứ Isaia “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1). Nhìn vào bối cảnh nhân loại đang phải đối diện hiện nay, chúng ta không khỏi ngậm ngùi và đau xót, có khi là hụt hẫng và tuyệt vọng khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành ngày càng khốc liệt, chiến tranh, khủng bố, hận thù, chia rẽ, lũ lụt, thiên tai đang tạo nên một bóng đêm phủ lấp vẽ đẹp mỹ miều của nhân loại vốn có. Một thực trạng dễ nhận thấy là ngôi nhà chung của chúng ta đang bị tàn phá một cách nặng nề. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến ánh sáng diệu huyền của Đấng Emmanuel để chiếu soi sự thánh thiện và bình an, yêu thương và chia sẻ, sự thật và công bình, hy vọng và niềm tin vào trong trong thế giới này. Đồng thời, nhân loại cũng đang ngày đêm mong chờ sự trở lại vinh quang của Đức Kitô như Thánh Luca đã loan báo cách đây hơn 2000 năm “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 10).

Lạy Đức Kitô, Ngài là chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, là nhịp cầu nối kết cuộc gặp gỡ diệu kỳ giữa đất với trời và là ánh sáng khơi lên niềm hy vọng trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi chúng con. Nguyện xin Chúa hãy đến và cự ngụ trong cõi lòng chúng con, giúp chúng con cảm nghiệm được niềm vui trọn vẹn trong tâm hồn, để chúng con biết sống quảng đại và chia sẻ hầu làm cho

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”

Bài trướcHƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG/ Lời Chúc Của Các Nhà Truyền Giáo Ngôi Lời
Bài tiếp theoThông điệp Giáng Sinh 2020 Cha Tổng Quyền Dòng Ngôi Lời