Huấn Luyện Bạn Trẻ Tham Gia Sứ Vụ Truyền Giáo

0
77

 

MỤC LỤC

Dẫn Nhập
I. Lời Mời Gọi Của Chúa Giêsu Đối Với Người Trẻ
II. Lời Mời Gọi Của Giáo Hội Cho Giới Trẻ Dẫn Thân Truyền Giáo
III. Ý Nghĩa Của Truyền Giáo
IV. Giáo Hội Trao Sứ Vụ Truyền Giáo Cho Các Bạn Trẻ
V. Trải Nghiệm Đức Kitô: Tu Đức Cho Giới Trẻ Trong Sứ Mệnh Truyền Giáo
1. Gặp Gỡ Đức Kitô
2. Thực Hành Cầu Nguyện
3. Sống Đức Tin
4. Trại Hè Và Chương Trình Tĩnh Tâm
5.Các Hình Thức Tổ Chức Khác
6. Đối Diện Với Thách Thức
VI. Giáo Dục Và Đào Tạo Truyền Giáo Cho Giới Trẻ
1.Học Hỏi Giáo Lý Và Kinh Thánh
2.Các Khóa Huấn Luyện Và Hội Thảo
3.Tham Gia Cộng Đồng
VII. Giới Trẻ Cộng Tác Trong Sứ Mệnh Truyền Giáo
1. Người Trẻ Dấn Thân Truyền Giáo
2. Những Nhà Truyền Giáo Trẻ Đầy Can Đảm
3.Tham Gia Các Hoạt Động Truyền Giáo
a. Dự Án Phục Vụ Xã Hội
b. Xây Dựng Các Nhóm Lãnh Đạo
c. Giới Trẻ Truyền Giáo Cho Giới Trẻ
d. Mục Vụ Giới Trẻ
e. Truyền Giáo Qua Môi Trường Di Dân
f. Truyền Giáo Qua Môi Trường Sống Và Làm Việc
VIII. Sử Dụng Công Nghệ Trong Sứ Mạng Truyền Giáo Cho Giới Trẻ
1.Nền Tảng Truyền Thông Xã Hội
2. Sáng Tạo Nội Dung
3. Các Phương Tiện Truyền Thông Khác
Kết Luận

 

Dẫn Nhập

Truyền giáo không chỉ là sứ mệnh của các linh mục hay những người có chức vụ trong Giáo Hội, mà là trách nhiệm chung của tất cả tín hữu, đặc biệt là giới trẻ. Giới trẻ không chỉ là tương lai của Giáo Hội mà còn là những người có thể mang lại sự đổi mới và sức sống hiện tại cho cộng đồng đức tin. Vì vậy, việc đào tạo và khuyến khích giới trẻ tham gia vào công cuộc truyền giáo là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Bài viết này sẽ dựa trên các hướng dẫn của Giáo Hội về việc đào tạo và huấn luyện truyền giáo được trình bày qua các văn kiện quan trọng : Tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu (Ecclesia in Asia), Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), Tông huấn Đức Kitô Sống (Christus Vivit), cũng như những hướng dẫn trong các thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, để đề xuất các phương pháp và cách thức huấn luyện giới trẻ Công Giáo Việt Nam, giúp họ ý thức và cộng tác nhiệt huyết trong sứ vụ truyền giáo. Trong đó, việc giáo dục đức tin, tham gia cộng đồng, sử dụng công nghệ và truyền cảm hứng cho giới trẻ sẽ được đề cập như những yếu tố quan trọng để khơi gợi tinh thần truyền giáo trong thế hệ trẻ ngày nay.

I. Lời Mời Gọi Của Chúa Giêsu Đối Với Người Trẻ

Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước luôn khẳng định giá trị và vai trò của người trẻ trong kế hoạch của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, những hình mẫu như Giuse, David, Giêrêmia và Rút… cho thấy người trẻ có thể mang trong mình những phẩm chất cao quý: khiêm tốn, can đảm, lắng nghe và thi hành ý Chúa. Chúa chọn họ thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, dù tuổi còn rất trẻ. Ví dụ, Giuse dù là người nhỏ tuổi nhất nhưng đã cứu gia đình khỏi nạn đói (St 37,2), hay Giêrêmia tuy tự nhận mình còn trẻ nhưng đã hoàn thành sứ mệnh ngôn sứ (Gr 1,6). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đặc biệt yêu mến và đồng hành với người trẻ. Chúa gặp anh thanh niên giàu có và yêu mến mời gọi anh (Mc 10,21), Chúa đồng hành với các bạn trẻ  Matta, Maria, và Lazaro (Ga 11,19-27). Chúa cũng thực hiện phép lạ cho người trẻ, như chữa sống lại con trai bà góa thành Nain (Lc 7,14). Qua đó, cho chúng ta thấy rằng, người trẻ luôn được Thiên Chúa đặc biệt quan tâm và dành cho một vị trí quan trọng trong kế hoạch của Ngài. Thiên Chúa trao cho họ những trách nhiệm lớn lao, sẵn sàng lắng nghe, nâng đỡ, an ủi, dạy dỗ và đồng hành với họ. Ngài luôn dành tình yêu cho người trẻ, giúp họ trưởng thành và hoàn thiện trong sứ mệnh của mình, điều quan trọng là họ đã mau mắn đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa và cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài (x. St 37,2; 1 Sm 16; Gr 1,6).

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng trong xã hội hiện đại, người trẻ thường bị coi nhẹ, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn họ bằng một con mắt khác biệt (x. Christus Vivit [CV] 6). Ngài trao cho họ những nhiệm vụ quan trọng và đồng hành cùng họ. Chúa Giêsu không xem tuổi tác là yếu tố quyết định giá trị con người. Ngài dạy rằng: “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất” (Lc 22,26). Đức Thánh Cha khuyến khích người trẻ đừng tiếc nuối tuổi trẻ, mà hãy dùng nó để trở thành người tốt, sống mở lòng với Chúa, và phục vụ trong tình yêu.  (x. CV 17)

II. Lời Mời Gọi Của Giáo Hội Cho Giới Trẻ Dấn Thân Truyền Giáo

Đức Giêsu Kitô, với tuổi trẻ tràn đầy sức sống và tình yêu, luôn là hình mẫu cho người trẻ trong đời sống đức tin. Ngài đã sống mối tương quan mật thiết với Chúa Cha, sẵn sàng hy sinh và hiến mạng sống khi còn rất trẻ (x. Mc 10,21; Lc 7,11-17). Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định giới trẻ không chỉ là tương lai của thế giới mà là “hiện tại của Thiên Chúa.” (x. CV 64). Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay đối mặt với nhiều thách thức như chiến tranh, bạo lực, áp lực xã hội, và các vấn đề về đức tin (x.CV 72-102). Các bạn trẻ cần được Giáo hội đồng hành, đặc biệt là trong việc phát huy tinh thần sáng tạo và tham gia vào công tác tông đồ (x. Ecclesia in Asia [EA] 47, CV 203).

Tại Việt Nam, giới trẻ đang đối mặt với khủng hoảng đức tin và luân lý. Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam (2019) nêu rõ các khó khăn mà giới trẻ phải chịu, từ lối sống buông thả đến tệ nạn xã hội và gia tăng bạo lực (x. Thư chung HĐGMVN 2019, số 3). Vì vậy, Giáo hội mời gọi các bạn trẻ tham gia vào các chương trình mục vụ như ca đoàn, từ thiện, huấn luyện và các hoạt động khác để giúp họ trưởng thành và sống đức tin (x. CV 202).

Giới trẻ cũng cần những không gian để thể hiện bản thân, phát triển tài năng và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Các chương trình mục vụ cần linh động hơn, khuyến khích người trẻ tự do sáng tạo, đối mặt với thử thách và sống đức tin một cách sâu sắc. Chương trình Hành trình Emmaus trong mục vụ giới trẻ nhấn mạnh việc lắng nghe, phân định và đồng hành với người trẻ để họ sống đầy đủ tuổi trẻ của mình dưới ánh sáng Tin Mừng (x. Thư chung HĐGMVN 2019, số 2).

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, giới trẻ là “ngọn đuốc nhỏ của niềm hy vọng” cho thế giới, giúp Giáo hội duy trì sự trẻ trung và sức sống (x. CV 37). Và mới đây trong Sứ Điệp Truyền Giáo Năm 2025 Đức Thánh Cha nhắc lại rằng mỗi Kitô hữu thuộc về “cộng đoàn những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội – về ơn gọi nền tảng của chúng ta, là những người bước theo Chúa Kitô, trở thành sứ giả và người kiến tạo hy vọng” (Phần mở đầu, Sứ Điệp Truyền Giáo Năm 2025). Vì thế đồng hành mục vụ giới trẻ không chỉ là sự hỗ trợ mà còn là sự tin tưởng vào khả năng và sáng tạo của họ, mời gọi họ trở thành những sứ giả của niềm hy vọng và là tác nhân của sự thay đổi trong Giáo Hội và xã hội (x. CV 203-204).

III. Ý Nghĩa Của Truyền Giáo

Qua các Tin Mừng, chúng ta thấy rằng truyền giáo không chỉ là một nhiệm vụ của các tông đồ, mà là một sứ mệnh chung cho tất cả các tín hữu, bắt đầu từ các môn đệ đầu tiên và tiếp tục đến với mỗi thế hệ (x.Mt 28, 19-20). Truyền giáo không chỉ là việc rao giảng Lời Chúa mà còn ý thức sư hiện diện sống động của Đức Kitô và đồng hành của Thánh Thần trong đời sống của Kitô hữu (x. Mc 16,15-20). Như vậy, trong sứ mệnh này giới trẻ, với sức mạnh và khả năng tiếp cận thế giới hiện đại, có thể trở thành những người làm mới và làm phong phú thêm công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

Truyền giáo là một sứ mạng thiêng liêng, mang trong mình sứ điệp của tình yêu và sự cứu rỗi mà Thiên Chúa muốn dành cho tất cả mọi người (x. 1Tm 2,3-4). Như Giáo Hội đã dạy, truyền giáo không chỉ là một nhiệm vụ mà là một phần của bản chất Giáo Hội (x. Ad Gentes [AG] 2). Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định lại rằng “Giáo Hội tồn tại để truyền giáo” (Evangelii Gaudium [EG] 14). Điều này có nghĩa là truyền giáo không chỉ là những công việc của sứ vụ, mà là cốt lõi trong sứ mệnh của Giáo Hội, là cách Giáo Hội thực hiện sứ điệp yêu thương và cứu rỗi mà Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Truyền giáo không chỉ đơn giản là việc loan truyền đức tin mà còn là sự mời gọi mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đến với tình yêu của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định “Đức Kitô sống, và Ngài mời gọi chúng ta sống” (CV 1), điều này nhấn mạnh rằng việc truyền giáo là lời mời gọi sống động, không chỉ để chia sẻ đức tin mà còn để mời gọi con người, nhất là giới trẻ, trở thành những nhân chứng của niềm vui và hy vọng trong Đức Kitô cho thế giới (x. Fratelli Tutti [FT] 9-55). Vì thế, truyền giáo trở thành một cuộc sống đích thực và tràn đầy ý nghĩa khi người Kitô hữu tìm thấy sự sống trong tình yêu của Thiên Chúa, hơn nữa giúp họ không chỉ hiểu rõ giá trị của đức tin mà còn nhận ra sứ mạng của mình trong việc mang tình yêu của Thiên Chúa đến với cộng đồng.

IV.  Giáo Hội Trao Sứ Vụ Truyền Giáo Cho Các Bạn Trẻ

Nền tảng truyền giáo của Giáo Hội không chỉ được xác định qua các Tin Mừng mà còn được tiếp tục phát triển qua các văn kiện tài liệu quan trọng trong Giáo Hội, đặc biệt là qua Sắc Lệnh Truyền Giáo Ad Gentes, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng và Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu. Các tài liệu này không chỉ vạch ra sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội mà còn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong công cuộc này.

Sắc Lệnh Truyền Giáo chỉ ra rằng truyền giáo là “một sứ mệnh được giao phó cho toàn thể Giáo Hội” (AG 1). Đặc biệt, Sắc Lệnh nhấn mạnh rằng việc truyền bá Tin Mừng không phải chỉ là một công việc mà là một cuộc sống, và giới trẻ với sức sống dồi dào, nhiệt huyết và sáng tạo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại sinh khí mới cho công cuộc truyền giáo, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, nhấn mạnh sự cần thiết phải “mang Tin Mừng đến với mọi người, đặc biệt là những người đang ở ngoài rìa xã hội” (EG 20). Giới trẻ được kêu gọi không chỉ để tiếp nhận Tin Mừng mà còn để là những người truyền giáo, mang thông điệp của Đức Kitô đến với xã hội, đặc biệt qua các công cụ truyền thông và các phương tiện hiện đại. Đức Thánh Cha khuyến khích giới trẻ trở thành những “người truyền giáo vui tươi” (EG 106), đem đến sự đổi mới cho Giáo Hội và làm sống lại niềm vui của đức tin trong xã hội.

Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu tập trung vào sứ mệnh truyền giáo ở Châu Á, nơi có nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nhấn mạnh rằng “giới trẻ Á Châu cần phải trở thành những người truyền giáo đích thực, mang Tin Mừng vào mọi ngõ ngách của xã hội” (EA 23). Trong bối cảnh các thách thức văn hóa và tôn giáo của khu vực, giới trẻ được mời gọi sống đức tin và truyền bá đức tin trong các môi trường khác nhau, từ gia đình đến cộng đồng và xã hội rộng lớn hơn. Các bạn trẻ có thể làm cầu nối giữa các thế hệ và văn hóa, giúp Giáo Hội phát triển và lan rộng Tin Mừng trong sự đa dạng và phức tạp của xã hội Á Châu.

Như vậy, nền tảng truyền giáo của Giáo Hội không chỉ được xác định qua những chỉ dẫn trong các văn kiện quan trọng mà còn được thực hiện qua sự tham gia tích cực của giới trẻ. Các bạn trẻ, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, có thể trở thành những người tiên phong trong việc truyền bá Tin Mừng, đóng góp vào sự đổi mới và phát triển của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Nhưng trước khi tham gia sứ vụ, bạn trẻ cần được huấn luyện trải nghiệm Đức Kitô một cách sâu sắc.

V. Huấn Luyện Trải Nghiệm Đức Kitô: Tu Đức Cho Giới Trẻ Trong Sứ Mệnh Truyền Giáo

Giáo hội liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giới trẻ gặp gỡ và trải nghiệm Đức Kitô để sống đức tin một cách trọn vẹn. Điều này không chỉ là yếu tố thiết yếu trong đời sống cá nhân của các bạn trẻ mà còn là nền tảng vững chắc để họ tham gia vào sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Việc thực hành cầu nguyện, tham gia các chương trình tĩnh tâm và các hoạt động cộng đồng không chỉ giúp giới trẻ phát triển đời sống thiêng liêng mà còn trở thành nguồn sức mạnh để họ mang Tin Mừng đến với thế giới.

1. Gặp Gỡ Đức Kitô

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Tông Huấn Đức Kitô Sống là mời gọi giới trẻ tìm kiếm và gặp gỡ Đức Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Nếu bạn không gặp gỡ Ngài, bạn sẽ không biết được con người thật của mình” (CV 126). Lời mời gọi này khẳng định rằng chỉ khi gặp gỡ Đức Kitô, giới trẻ mới có thể khám phá sứ mệnh và giá trị thực sự của cuộc đời mình. Đây không chỉ là một sự kiện nhất thời, mà là một quá trình liên tục. Trong quá trình này, giới trẻ được mời gọi trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và từ đó trở thành những nhân chứng sống động của Tin Mừng. Sắc Lệnh Ad Gentes cũng khẳng định rằng việc truyền giáo bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, nguồn gốc và mục đích của tất cả sứ mệnh truyền giáo (x.AG 2). Chỉ khi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, yêu mến và gắn bó sâu sắc trong tương quan với Ngài, thì chúng ta mới thuộc về Ngài và thuộc về Giáo hội, để có thể gắn bó mật thiết với Chúa, chỉ có một con đường là cầu nguyện và thực thi ý Chúa.

2. Thực Hành Cầu Nguyện

Cầu nguyện là cách thức quan trọng để giới trẻ kết nối với Thiên Chúa, giúp họ cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống hàng ngày. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên “Giới trẻ cần học cách cầu nguyện, vì cầu nguyện là trung tâm của mọi hành động đức tin” (CV 62). Thực hành cầu nguyện không chỉ giúp giới trẻ sống mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa mà còn làm cho đức tin của họ trở nên sinh động và hữu hình trong cuộc sống. Việc tổ chức các buổi cầu nguyện đặc biệt dành cho giới trẻ tại các giáo xứ hoặc cộng đoàn sẽ tạo cơ hội cho họ cảm nhận sự hiện diện của Chúa và khơi gợi niềm tin mạnh mẽ để tham gia vào công cuộc truyền giáo.

3. Sống Động Đức Tin

Giới trẻ không chỉ được kêu gọi tin vào Đức Kitô mà còn phải sống đức tin mỗi ngày trong cuộc sống. Vì “đức tin không phải là một lý thuyết, mà là một cách sống” (CV 157). Điều này cho thấy đức tin phải được thể hiện qua hành động cụ thể, từ những cử chỉ nhỏ như giúp đỡ người khác đến việc tham gia vào các hoạt động từ thiện hoặc lãnh đạo các nhóm thanh niên trong giáo xứ. Sống đức tin không phải chỉ là lý thuyết suông mà là một hành trình, nơi mỗi bạn trẻ đóng góp vào công cuộc truyền giáo bằng chính cuộc sống của mình. Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng cũng khẳng định rằng đức tin phải được thể hiện qua hành động và lòng nhiệt huyết (x. EG 121). Khi sống đức tin, giới trẻ không chỉ truyền cảm hứng mà còn dẫn dắt cộng đồng đến gần hơn với Thiên Chúa.

4. Trại Hè và Chương Trình Tĩnh Tâm

Trại hè: Tổ chức các trại hè dành cho giới trẻ là một phương thức tuyệt vời để tạo không gian cho họ kết nối với nhau và với Thiên Chúa. Các hoạt động tập thể, trò chơi, buổi thảo luận về đức tin và những trải nghiệm sống động tại các trại hè không chỉ giúp giới trẻ thư giãn mà còn giúp họ nhận thức được sự quan trọng của cộng đoàn và mối tương quan với Chúa. Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng đề cập đến tầm quan trọng của việc tạo ra những không gian cho giới trẻ gặp gỡ nhau, cùng sống đức tin và thảo luận về những vấn đề quan trọng của cuộc sống (x. EG 107).

Chương trình tĩnh tâm: Các chương trình tĩnh tâm là dịp để giới trẻ có thời gian lắng đọng và suy tư về cuộc sống và mối tương quan của họ với Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khuyến khích giới trẻ tìm kiếm những khoảnh khắc yên tĩnh để làm mới lại đức tin và sự tận hiến của mình cho Chúa. Vì thế, Giáo Hội cần tạo cơ hội cho giới trẻ “trở lại với Chúa trong những khoảnh khắc tĩnh lặng, để có thể phục hồi sức mạnh thiêng liêng và cống hiến cho sứ vụ truyền giáo” (EA 26). Các chương trình tĩnh tâm giúp giới trẻ làm mới lòng tin và sự cam kết với sứ mệnh của Giáo Hội, cũng như khơi gợi trong họ một tinh thần hy sinh và phục vụ.

5. Các Hình Thức Tổ Chức Khác

Ngoài các hoạt động cầu nguyện và chương trình tĩnh tâm, còn có nhiều hình thức khác để giới trẻ trải nghiệm và sống đức tin, chẳng hạn như các buổi chia sẻ về đời sống thiêng liêng, các cuộc thảo luận nhóm về các vấn đề xã hội và đức tin, hoặc tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng. Bởi vì “giới trẻ không chỉ được kêu gọi cầu nguyện và suy tư, mà còn phải hành động, mang tình yêu của Chúa đến với những người xung quanh” (CV 243). Chính qua các hoạt động này, giới trẻ có thể học cách thể hiện đức tin trong cuộc sống thực tế và sẵn sàng tham gia vào công cuộc truyền giáo.Top of FormBottom of Form

6. Đối Diện Với Thách Thức

Giới trẻ hiện nay đối diện với nhiều thử thách, từ áp lực của công nghệ, xã hội đến môi trường sống đầy thay đổi. Mặc dù có nhiều khó khăn, giới trẻ không chỉ được mời gọi để đối diện với những thách thức này mà còn phải có lòng can đảm để vượt qua, dựa vào niềm hy vọng và đức tin vững mạnh, vì “Đức Kitô là nguồn hy vọng” (CV 65).  Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng cũng khẳng định rằng Giáo Hội không thể tách rời khỏi những thách thức của thế giới. Các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ, cần phải mang Tin Mừng vào cuộc sống và trở thành những người thay đổi xã hội (x. EG 79). Giới trẻ có khả năng làm mới và làm phong phú thêm công cuộc truyền giáo, đưa ra những sáng kiến và phương thức mới để chia sẻ tình yêu của Đức Kitô. Tuy nhiên, để có thể tham gia vào công cuộc truyền giáo, việc quan trọng là bạn trẻ cần được huấn luyện và đào tạo.

VI. Giáo Dục và Đào Tạo Truyền Giáo Cho Giới Trẻ

Việc giáo dục và đào tạo là yếu tố then chốt trong việc hình thành một thế hệ trẻ có đức tin vững vàng và nhiệt huyết trong sứ mệnh truyền giáo. Như đã trình bày ở trên, Tông Huấn Đức Kitô Sống nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo giới trẻ để họ có thể hiểu và sống đức tin, đồng thời tham gia tích cực vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Các giáo huấn từ Sắc Lệnh Ad Gentes đến Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng cũng đã góp phần làm rõ vai trò của giới trẻ trong truyền giáo và cung cấp những chỉ dẫn về cách thức đào tạo họ.

1. Học Hỏi Giáo Lý và Kinh Thánh

Giáo dục và đào tạo là nền tảng quan trọng giúp giới trẻ hiểu rõ về đức tin và giáo lý. Việc tổ chức các khóa học về Kinh Thánh, giáo lý và các chủ đề liên quan đến đức tin sẽ giúp họ có nền tảng vững chắc để sống và chia sẻ đức tin. Vì thế, “Giới trẻ cần có những cơ hội để học hỏi và trải nghiệm đức tin” (CV 62). Việc học hỏi không chỉ giúp các bạn trẻ nắm vững kiến thức mà còn phát triển khả năng suy tư và làm chứng cho đức tin trong cuộc sống hàng ngày.

Tạo ra các nhóm học hỏi Kinh Thánh là một phương thức hiệu quả giúp giới trẻ có không gian để nghiên cứu, thảo luận và cầu nguyện. Những nhóm học hỏi này không chỉ tạo cơ hội để chia sẻ kiến thức mà còn giúp các bạn trẻ xây dựng mối liên kết chặt chẽ với nhau trong hành trình đức tin. Như Sắc lệnh Ad Gentes đã chỉ ra, việc truyền giáo cần được thực hiện trong sự hiệp thông cộng đoàn, nơi mà mọi người có thể hỗ trợ và nâng đỡ nhau trong đức tin (x. AG 2). Các nhóm học hỏi sẽ là nơi giúp giới trẻ phát triển cả về mặt trí tuệ lẫn tâm linh, từ đó trở thành những nhân chứng đích thực của Tin Mừng trong xã hội.

2. Các Khóa Huấn Luyện và Hội Thảo

Các khóa học giáo lý là một công cụ quan trọng trong việc đào tạo và huấn luyện giới trẻ. Những khóa học này không chỉ cung cấp kiến thức về Kinh Thánh và giáo lý mà còn tạo cơ hội để các bạn trẻ thảo luận, chia sẻ và đặt câu hỏi. Đây là những môi trường tạo dựng sự hiểu biết sâu sắc về đức tin và khuyến khích các bạn trẻ tham gia vào cộng đồng đức tin. Theo Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Giáo Hội cần phát triển các phương pháp giáo dục hiệu quả để giới trẻ có thể tham gia vào việc truyền giáo từ khi còn trẻ (x. EG 106). Các khóa học có thể được tổ chức tại các giáo xứ hoặc trường học, giúp các bạn trẻ hiểu hơn về giá trị của đức tin và sứ mệnh truyền giáo mà họ đang mang trong mình.

Ngoài các khóa học giáo lý, tổ chức các hội thảo và chương trình tọa đàm về các vấn đề xã hội, đạo đức và tôn giáo sẽ giúp giới trẻ có cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Đây là cơ hội để các bạn trẻ thảo luận về các vấn đề hiện đại, đồng thời kết nối đức tin với thực tiễn đời sống. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các bạn trẻ tham gia vào các chương trình này để “có thể trưởng thành trong đức tin và trở thành những nhân chứng cho Đức Kitô” (CV 235).

3. Tham Gia Cộng Đồng

Cộng đồng Giáo hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng đức tin của giới trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hoạt động của Giáo Hội, từ việc phục vụ đến việc lãnh đạo, nhằm xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ và gắn kết. Ngài nói: “Chúng ta cần các bạn trẻ tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội” (CV 159). Tham gia cộng đồng không chỉ giúp các bạn trẻ cảm nhận sự yêu thương, hỗ trợ từ người khác mà còn là cơ hội để phát triển kỹ năng lãnh đạo và tinh thần phục vụ. Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu cũng nhấn mạnh rằng cộng đồng là nơi giúp giới trẻ sống đức tin một cách cụ thể, tạo ra những điều kiện thuận lợi để họ thực hiện sứ mệnh trong xã hội (x. EA 22).

VII. Giới Trẻ Cộng Tác Trong Sứ Mệnh Truyền Giáo

1. Người Trẻ Dấn Thân Truyền Giáo

Người trẻ ngày nay không chỉ là “tương lai” mà là “hiện tại” của thế giới, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định (x. CV 64). Họ đang đóng góp vào mọi lĩnh vực của xã hội, gia đình và đặc biệt là trong Giáo Hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới không ngừng thay đổi, người trẻ cũng đối diện với không ít thách thức. Điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng: người trẻ hiện nay là ai và họ đang làm gì để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn? Thời đại này đòi hỏi những người trẻ không chỉ là người thụ hưởng của nền văn minh mà còn là những người chủ động, dấn thân và trở thành những người truyền giáo, mang Tin Mừng đến với mọi người.

Theo Đức Thánh Cha, người trẻ có trách nhiệm không chỉ trong việc tham gia vào các hoạt động của xã hội mà còn là những “nhà truyền giáo can đảm,” những người sống và làm chứng cho Tin Mừng bằng chính cuộc sống của mình (CV 175). Đức Thánh Cha không chỉ mời gọi người trẻ giữ vững đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa, mà còn khuyến khích họ “đừng đứng nhìn cuộc sống từ ban công” mà hãy tích cực tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội, chính trị và văn hóa, để đưa ra những quyết định mang tính xây dựng và hướng tới công ích (CV 143). Đây chính là một phần của sứ mạng truyền giáo, nơi người trẻ không chỉ là người nghe lời Chúa mà còn là người hành động, làm gương sáng cho mọi người xung quanh.

Trong hành trình dấn thân này, người trẻ không chỉ tham gia vào các hoạt động tôn giáo như cầu nguyện, tham dự các bí tích, hay phục vụ trong cộng đồng mà còn phải thể hiện trách nhiệm xã hội rõ ràng. Giáo hội cần những người trẻ siêng năng học hỏi Lời Chúa và sống theo những giá trị mà Giáo hội truyền đạt (x.Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên “Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội”, Trích trong Bản tin Hiệp Thông Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024). Người trẻ được mời gọi để trở thành những tông đồ của Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh, từ việc giúp đỡ người nghèo cho đến việc tham gia vào các chương trình từ thiện xã hội hay những công tác bảo vệ công lý và nhân quyền. Điều này thể hiện qua những việc làm cụ thể như tham gia các hoạt động hỗ trợ người vô gia cư, tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường hay là những hoạt động bảo vệ quyền lợi của người yếu thế trong xã hội.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng việc truyền giáo không phải là một hành động mang tính hình thức, mà là một hành động sống động, diễn ra trong từng hành động, từng quyết định và từng bước đi của người trẻ. Họ không chỉ rao giảng về Chúa Giêsu mà còn phải sống như Chúa, trở thành “hiện thân của chân lý” (CV 175). Những người trẻ truyền giáo sẽ không dừng lại ở những lời nói suông mà sẽ chứng minh niềm tin của mình qua hành động cụ thể, chẳng hạn như việc chăm sóc người bệnh, thăm viếng các gia đình khó khăn, hay tham gia vào những chương trình thiện nguyện. (x.Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Giới trẻ ngày 27 tháng 10 năm 2018, sô 54.)

2. Những Nhà Truyền Giáo Trẻ Đầy Can Đảm

Tông huấn Đức Kitô Sống khẳng định rằng những người trẻ yêu mến Đức Kitô được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng không chỉ qua lời nói, mà còn bằng chính đời sống của mình. Thánh Alberto Hurtado nhấn mạnh rằng việc trở thành tông đồ không phải là mang một huy hiệu hay thuyết giảng về chân lý, mà là sống và trở thành hiện thân của chân lý, để Tin Mừng trở thành sự sống hiện thực trong chúng ta (x. CV 175).

Chứng từ của người trẻ không chỉ là im lặng, mà là can đảm chia sẻ tình yêu và sức sống mà Đức Giêsu mang lại. Các bạn trẻ không nên để mình bị cuốn vào những điều tầm thường, mà hãy chia sẻ Đức Giêsu và đức tin của Người, như Thánh Phaolô đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16) (x. CV 176). Đức Phanxicô còn khích lệ các bạn trẻ rằng Đức Giêsu sai chúng ta đi đến mọi người, không có giới hạn, không phân biệt ai. Các bạn đừng sợ mang Tin Mừng đến với mọi môi trường, từ những vùng ngoại vi đến những người xa lạ, thờ ơ. Đức Kitô tin tưởng vào can đảm và lòng nhiệt thành của người trẻ, vì các bạn là phương tiện để Người chiếu sáng hy vọng (x. CV 177).

Bên cạnh đó, trong hành trình truyền giáo, người trẻ cũng phải tránh khỏi nguy cơ thu mình trong những nhóm nhỏ, nơi mà họ chỉ sống cho bản thân và quên đi trách nhiệm xã hội. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng người trẻ phải luôn hướng ra ngoài, tìm kiếm lợi ích chung và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội. Họ được kêu gọi trở thành những “tác nhân của sự thay đổi,” không chỉ trong gia đình, trong giáo xứ mà còn trong xã hội, chính trị, và toàn cầu (x. CV 169). Họ không thể đứng ngoài cuộc mà phải tham gia vào những công cuộc chung tay xây dựng một thế giới công bằng hơn, huynh đệ hơn.

Hành trình dấn thân của người trẻ không hề dễ dàng và không thiếu thử thách. Tuy nhiên, chính trong những thử thách ấy, người trẻ có cơ hội để trưởng thành trong đức tin, trong tình yêu với Chúa và trong lòng nhiệt thành phục vụ (x. CV 158). Đức Thánh Cha đã khích lệ người trẻ: “Tuổi trẻ của các con không phải là một thời gian chuyển tiếp. Các con là hiện tại của Thiên Chúa, Ngài muốn các con trổ sinh hoa trái” (CV 178). Đây là lời mời gọi mạnh mẽ và đầy hy vọng đối với mỗi người trẻ hôm nay: đừng chờ đợi đến một ngày nào đó để cống hiến sức trẻ và sự sáng tạo của mình, mà ngay từ bây giờ, trong từng hành động nhỏ bé, họ đã có thể làm thay đổi thế giới, trở thành những tông đồ của Tin Mừng. Người trẻ không chỉ là những người tiếp nhận đức tin mà còn là những nhà truyền giáo, những người dấn thân phục vụ trong cộng đồng và xã hội. Họ được mời gọi sống đức tin một cách sống động, không chỉ qua lời nói mà qua hành động cụ thể, trong việc xây dựng một thế giới đầy nhân ái và tốt đẹp.

3. Tham Gia Các Hoạt Động Truyền Giáo

Giáo hội không ngừng kêu gọi giới trẻ tham gia vào công cuộc truyền giáo, không chỉ qua việc sống đức tin trong cuộc sống cá nhân mà còn qua việc tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng và truyền giáo. Việc tham gia vào các dự án phục vụ xã hội và xây dựng các nhóm lãnh đạo giúp giới trẻ không chỉ phát triển đức tin cá nhân mà còn củng cố vai trò của họ trong việc lan tỏa tình yêu của Chúa đến với thế giới.

Dự Án Phục Vụ Xã Hội

Giới trẻ cần có cơ hội tham gia vào các dự án phục vụ xã hội để hiểu rõ hơn về tình yêu thương của Chúa và ý nghĩa của việc phục vụ. Quả thật, “việc phục vụ người nghèo và những người gặp khó khăn chính là một trong những hình thức truyền giáo thiết yếu, vì qua đó chúng ta làm chứng cho tình yêu của Chúa đối với tất cả mọi người” (EG 188). Việc tham gia vào các hoạt động hỗ trợ người nghèo, các dự án bảo vệ môi trường là cách mà giới trẻ có thể làm sống động đức tin của mình trong thực tế. Các dự án này không chỉ giúp họ trải nghiệm sự hiện diện của Chúa trong hành động mà còn cho họ cơ hội truyền bá Tin Mừng qua hành động cụ thể, là hình thức phục vụ rất thực tế đối với cộng đồng.

Xây Dựng Các Nhóm Lãnh Đạo

Để phát triển khả năng lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm, việc xây dựng các nhóm thanh niên trong giáo xứ là một chiến lược quan trọng trong việc khuyến khích giới trẻ tham gia truyền giáo. Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu đã khẳng định rằng “Giới trẻ có khả năng lãnh đạo rất lớn, và Giáo Hội cần tạo cơ hội cho họ phát triển những kỹ năng này để phục vụ trong cộng đoàn” (EA 23). Các nhóm thanh niên trong giáo xứ không chỉ là nơi để giới trẻ gặp gỡ và trao đổi đức tin mà còn là môi trường phát triển những kỹ năng lãnh đạo, tổ chức sự kiện, và làm việc nhóm, giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho những sứ vụ truyền giáo lâu dài.

Chương trình hỗ trợ: Cung cấp các chương trình hướng dẫn và hỗ trợ là một cách thức để giới trẻ nhận được sự đồng hành trong hành trình đức tin. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “Giới trẻ cần những người hướng dẫn và đồng hành cùng họ, để họ không cảm thấy lạc lối trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa” (CV 241). Các chương trình hướng dẫn và hỗ trợ này giúp giới trẻ nhận thức được những giá trị đức tin qua sự chỉ dạy và đồng hành của những người lớn trong cộng đoàn, đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong công cuộc truyền giáo.

Bằng cách tham gia vào các dự án phục vụ xã hội và xây dựng các nhóm lãnh đạo, giới trẻ không chỉ được trang bị những kỹ năng quan trọng mà còn trở thành những người truyền giáo thực sự, thể hiện đức tin của mình qua hành động và qua sự lãnh đạo trong cộng đồng. Những hoạt động này tạo cơ hội cho giới trẻ trải nghiệm và sống đức tin một cách đầy đủ, đồng thời khẳng định vị trí của họ trong công cuộc xây dựng và phát triển Giáo Hội.

Giới Trẻ Truyền Giáo Cho Giới Trẻ

Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng Giáo Hội, với lịch sử lâu dài và sống động, luôn là tuổi trẻ của thế giới, nơi con người gặp Đức Kitô, người bạn đồng hành của giới trẻ (Công đồng Vaticanô II, Sứ điệp gửi Người trẻ, 08/12/1965, AAS 58, 18). Hội Thánh phải luôn tươi mới, không bị kìm hãm bởi quá khứ hay những cám dỗ của thế gian, mà cần duy trì sự tươi mới qua Lời Chúa và sự hiện diện của Đức Kitô. Người trẻ trong Giáo Hội cần phải sống không tách biệt, nhưng đồng thời phải dám khác biệt, làm chứng cho những giá trị cao quý như quảng đại, phục vụ, tha thứ và công lý (x. CV 34-36). Chúng ta cần tạo cơ hội để giới trẻ lên tiếng và có không gian để truyền tải sứ điệp Tin Mừng, kết nối giữa các thế hệ (x. CV 38). Để “mỗi người trẻ đều có sự can đảm để gieo lời loan báo đầu tiên trong thửa đất màu mở là trái tim của một người trẻ khác” (CV 210). Đức Phanxicô đã xác tín cho chúng ta rằng “nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của Dân Thiên Chúa trở thành một môn đệ truyền giáo (x. Mt 28,19). Mọi người đã được rửa tội, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng. Xác tín này được biến đổi thành một lời kêu gọi trực tiếp dành cho mọi Kitô hữu, bởi vì không ai được phép chối bỏ cam kết rao giảng Tin Mừng. Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói rằng chúng ta là “môn đệ” và “nhà truyền giáo”, nhưng chúng ta luôn luôn là “môn đệ – truyền giáo” (x. EG 120).

Mục Vụ Giới Trẻ

Mục vụ giới trẻ đối mặt với những thách thức về xã hội và văn hóa, khi giới trẻ không tìm thấy lời giải cho những lo lắng và nhu cầu của mình trong các cấu trúc truyền thống (x. CV 202). Chính những người trẻ phải là tác giả của mục vụ này, với sự sáng tạo và táo bạo, tìm ra con đường mới cho bản thân và cộng đồng (x. CV 203). Mục vụ này cần phải uyển chuyển, mời gọi giới trẻ tham gia vào các hoạt động cộng đoàn, giúp họ chia sẻ cuộc sống và gặp gỡ Thiên Chúa (x. CV 204). Đồng thời, mục vụ giới trẻ phải là một hành trình tìm kiếm và lớn lên, khơi gợi tình yêu và hy vọng nơi trái tim người trẻ, không phải bằng cách thuyết giảng mà là qua sự gần gũi và tình yêu thực sự (x. CV 210-211). Chúng ta luôn ý thức rằng mục vụ giới trẻ “phải luôn luôn là mục vụ truyền giáo” (CV 240). Người trẻ cần được tôn trọng tự do, “nhưng họ cũng cần được đồng hành” bởi những người lớn, bắt đầu từ gia đình (x. CV 242), rồi đến cộng đoàn.

Truyền Giáo Qua Môi Trường Di Dân

Di dân trở thành một mô hình quan trọng trong thời đại chúng ta, với những lý do như chiến tranh, bạo lực, và thảm họa môi trường (x. CV 91). Những người trẻ di cư, đôi khi sống tách biệt với môi trường gốc và cảm thấy mất gốc về văn hóa và tôn giáo, cần được sự giúp đỡ và đồng hành từ Giáo Hội. Di dân cũng là cơ hội để cộng đồng tiếp nhận và làm giàu thêm kinh nghiệm và sự phát triển con người toàn diện (x. CV 93). Giáo Hội có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người trẻ di cư, giúp họ duy trì đức tin và hội nhập vào xã hội mới, đồng thời khuyến khích sự đoàn kết và phát triển cộng đồng.

Truyền Giáo Qua Môi Trường Sống Và Làm Việc

Giới trẻ ngày nay có khả năng lan tỏa Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông và các sự kiện xã hội, từ lễ hội đến các hoạt động trực tuyến như tin nhắn và video. Điều quan trọng là tạo không gian cho họ thể hiện đức tin và truyền bá Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh (x. CV 210). Mục vụ giới trẻ cần giúp họ nhận ra sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống, không chỉ qua học thuyết mà qua những kinh nghiệm đức tin sâu sắc (x. CV 214). Đồng thời, mục vụ này phải gắn liền với tình huynh đệ, giúp người trẻ xây dựng cộng đồng và phục vụ người nghèo (x. CV 215). Việc cầu nguyện chiêm niệm và tôn thờ Thánh Thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người trẻ sống thân mật với Chúa và sống đức tin chân thành (x. CV 224).

VIII. Sử Dụng Công Nghệ trong Sứ Mạng Truyền Giáo cho Giới Trẻ

Trong thời đại toàn cầu hóa, truyền thông xã hội đã trở thành công cụ quan trọng để thông tin, giáo dục và tác động đến hành vi của cá nhân và xã hội. Giới trẻ đang sống trong một thế giới bị điều kiện hóa bởi truyền thông đại chúng, nơi có sự xuất hiện của một nền văn hóa mới với những ngôn ngữ và kỹ thuật mới (x. EA 48). Truyền thông không chỉ giúp rao giảng Tin Mừng, mà còn phải hội nhập sứ điệp này vào văn hóa mới của thế giới (x. RM 37). Các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội, cần được sử dụng một cách khôn ngoan để tiếp cận và làm chứng cho Tin Mừng trong thế giới số, dù cũng có những nguy cơ như cô đơn và bạo lực trong môi trường số (x. EA 48, CV 88). Các giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt là từ Đức Thánh Cha Phanxicô trong các Tông huấn như Evangelii GaudiumChristus Vivit, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng truyền thông để kết nối và chia sẻ sứ điệp Tin Mừng một cách sáng tạo và hiệu quả.

1. Nền Tảng Truyền Thông Xã Hội

Giới trẻ hiện nay đặc biệt quen thuộc với các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và TikTok… Đây là những công cụ mạnh mẽ mà Giáo Hội có thể sử dụng để tiếp cận và giao tiếp với giới trẻ. “Công nghệ có thể là một công cụ tuyệt vời để truyền bá sứ điệp của Đức Kitô, nếu chúng ta biết sử dụng chúng đúng cách” (EG 47). Việc khuyến khích giới trẻ chia sẻ đức tin của mình, các hoạt động truyền giáo, và những khoảnh khắc sống động của cộng đoàn qua các nền tảng mạng xã hội giúp họ không chỉ kết nối với bạn bè mà còn góp phần lan tỏa thông điệp của Tin Mừng tới những người khác, đặc biệt là những ai chưa biết đến Chúa.

2. Sáng Tạo Nội Dung

Một cách khác để giới trẻ tham gia vào sứ vụ truyền giáo là sáng tạo và chia sẻ nội dung liên quan đến đức tin qua các hình thức truyền thông hiện đại. Các bạn trẻ có thể sản xuất video, bài viết, hình ảnh hoặc các bài thuyết trình ngắn để chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận về đức tin và các hoạt động của họ. Chúng ta khuyến khích giới trẻ sử dụng khả năng sáng tạo của mình để “đưa ra những thông điệp về hy vọng và tình yêu” trong thời đại kỹ thuật số (CV 94). Các video chia sẻ lời giảng, các bài viết về tình yêu của Thiên Chúa hay những hình ảnh phản ánh đức tin trong cuộc sống hàng ngày đều có thể tạo ra những tác động sâu rộng đối với người xem.

Ngoài video và bài viết, các bạn trẻ có thể khởi xướng các blog hoặc podcast để chia sẻ về đức tin và hành trình tâm linh của họ. Những kênh này có thể là nơi các bạn trẻ khám phá và chia sẻ những suy tư về đời sống Kitô hữu, đồng thời mời gọi những người khác cùng tham gia vào cộng đoàn đức tin. Chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng “Giới trẻ có khả năng lan tỏa niềm vui Tin Mừng một cách sáng tạo và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng kỹ thuật số” (CV 248).

3. Các Phương Tiện Truyền Thông Khác

Ngoài các nền tảng mạng xã hội và blog, giới trẻ có thể sử dụng các phương tiện truyền thông khác như ứng dụng di động, video trực tuyến hoặc các nền tảng truyền hình cáp để chia sẻ đức tin. Giáo Hội đã nhận thức được tiềm năng lớn của các phương tiện này trong việc rao giảng Tin Mừng và mời gọi giới trẻ tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Việc tham gia vào các chương trình truyền thông Công Giáo hoặc sản xuất các chương trình giáo dục đức tin trực tuyến cũng là cách giúp giới trẻ đóng góp vào sứ vụ truyền giáo.

Thông qua việc sử dụng công nghệ một cách sáng tạo, giới trẻ có thể tham gia tích cực vào công cuộc truyền giáo, truyền bá thông điệp của Đức Kitô, và kết nối với các tín hữu khác trên toàn thế giới. Vì trong thế giới ngày nay, “công nghệ có thể là một cây cầu dẫn đến gặp gỡ và xây dựng tình thân ái” (EG 72), và giới trẻ chính là những người có thể xây dựng cây cầu ấy một cách mạnh mẽ và hiệu quả.

Kết Luận

Giới trẻ luôn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và khả năng sáng tạo, các bạn trẻ có thể đóng góp vào việc truyền bá Tin Mừng, làm mới và làm phong phú thêm công cuộc truyền giáo trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, để làm được điều đó, họ cần một trải nghiệm sâu sắc về Đức Kitô, một đời sống thiêng liêng vững chắc và sự đồng hành của Giáo Hội. Việc huấn luyện và khuyến khích giới trẻ tham gia vào công việc truyền giáo không chỉ là nhiệm vụ của Giáo Hội mà là trách nhiệm chung của tất cả tín hữu, đặc biệt là những người đang đồng hành với giới trẻ trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Qua các hoạt động như dấn thân trong công cuộc từ thiện, tham gia vào các dự án xã hội, hay truyền bá Tin Mừng qua công nghệ, giới trẻ có thể góp phần không nhỏ vào việc lan tỏa tình yêu Thiên Chúa và giá trị Tin Mừng trong cộng đồng. Hơn nữa, công nghệ ngày nay đã mở ra nhiều cơ hội cho giới trẻ truyền bá Tin Mừng một cách sáng tạo và hiệu quả. Các nền tảng truyền thông xã hội và các phương tiện kỹ thuật số có thể giúp họ kết nối và chia sẻ đức tin, không chỉ với cộng đồng Kitô hữu mà còn với những người chưa biết Chúa. Chính trong hành động của họ, mỗi người trẻ có thể trở thành “môn đệ – truyền giáo,” mang ánh sáng của Tin Mừng đến với thế giới. Cuối cùng, thông qua việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng và sứ vụ truyền giáo, giới trẻ sẽ không chỉ phát triển đức tin cá nhân mà còn góp phần làm cho Giáo Hội trở thành một cộng đồng sống động và sôi nổi, lan tỏa niềm vui và hy vọng của Tin Mừng tới tất cả mọi người đang hành trình hy vọng trong Năm Thánh 2025  với ý thức “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”.

 

✍️ Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

(Trung Tâm Nghiên Cứu và Đào Tạo Truyền Giáo / Học Viện CGVN)

 

Thư Mục và Viết Tắt

 

  1. Công đồng Vaticanô II, Sắc Lênh Truyền Giáo (Ad Gentes [AG]), 1965.
  2. Công đồng Vaticanô II, Sứ điệp gửi Người trẻ, AAS 58, 18, 1965
  3. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2, Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio [RM]) 1990.
  4. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2, Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu (Ecclesia in Asia [EA], 1999
  5. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium [EG]), 2013.
  6. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Đức Kitô Sống (Christus Vivit [CV]), 2019
  7. Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về Tình Huynh Đệ Và Tình Bằng Hữu Xã Hội, 2021.
  8. Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Giới trẻ, 2018.
  9. HĐGMVN, Bản Tin Hiệp Thông, số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024).
  10. Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) 2019
  11. Phêrô Nguyễn Văn Viên, “Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội.” (09/11/2024) Bản Tin Hiệp Thông, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024) https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/gioi-tre-tham-gia-doi-song-giao-hoi.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 1 Mùa Chay)
Bài tiếp theoTHÁNH GIUSE – NGƯỜI CHA ĐẦY NHÂN ĐỨC