Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: ANSCAR J. CHUPHUNGCO, O.S.B., “Handbook For Liturgical Studies – Liturgical Time and Space”, Volume V, The Liturgical Press, Collegeville Minnesota, 1997, tr. 317-330.
(Matthias Augé, C.M.F. tr. 317-330)
Nhu cầu xây dựng một nền thần học và sự hiểu biết đúng đắn về Năm Phụng Vụ vốn đã là mối quan tâm của những vị tiên phong trong phong trào phụng vụ và càng trở nên cấp thiết hơn đối với các nhà phụng vụ đã dày công làm việc và nghiên cứu sau Công Đồng Vaticanô II. Một nền thần học như thế không chỉ vượt lên trên giá trị tổ chức vốn có nơi cơ cấu của Năm Phụng Vụ, mà còn cung cấp những yếu tố cần thiết cho việc giáo huấn phụng vụ và mục vụ – điều thiết yếu để Năm Phụng Vụ mang lại ý nghĩa đích thực trong đời sống thiêng liêng của các Kitô hữu. Năm Phụng Vụ được sắp đặt như một chu kỳ thường niên nhằm cử hành các mầu nhiệm của Đức Kitô cũng như của các thánh – những người đã trở nên hiện thân sống động của mầu nhiệm ấy. Được cử hành bởi Giáo Hội, Năm Phụng Vụ là chỗ dựa vững chắc cho sự lớn mạnh của cộng đoàn Kitô hữu và của mỗi tín hữu, những người được mời gọi đạt đến tầm vóc viên mãn trong Đức Kitô.
- Hướng Tới Một Nền Thần Học Về Năm Phụng Vụ
Trong Sách Lễ Rôma năm 1570, cũng như các ấn bản trước đó, phần các Mùa Phụng Vụ (Temporale) bắt đầu từ Mùa Vọng và kết thúc bằng Chúa Nhật XXIV sau Lễ Hiện Xuống. Điều này cho thấy rằng chu kỳ về các cử hành trong Năm Phụng Vụ được xem như một thể thống nhất, và cũng được phân biệt rõ ràng với năm dân sự. Tuy nhiên, vấn đề này hầu như chưa được khai triển sâu cho đến khi Phong Trào Phụng Vụ bắt đầu nghiên cứu thấu đáo về Năm Phụng Vụ. Những người dấn thân trong phong trào này đã tìm cách phát triển một nền thần học thiêng liêng – vượt lên trên giáo huấn đơn thuần – để giúp cộng đoàn Dân Chúa có thể sống trọn vẹn hơn các mầu nhiệm được cử hành trong suốt chu kỳ Năm Phụng Vụ. Trong phần này, chúng ta sẽ giới hạn trong việc tìm hiểu hai học giả tiêu biểu mà chúng tôi xem là đại diện cho giai đoạn tiền Công Đồng Vaticanô II.
Đan sĩ Biển Đức Père Guéranger (1805–1875) đã xuất bản bộ sách gồm chín tập mang tựa đề Năm Phụng Vụ (L’année liturgique) trong khoảng thời gian từ năm 1841 đến 1866. Tác phẩm này đã nhiều lần được tái bản và chuyển ngữ sang các ngôn ngữ khác.[1] Trong bộ sách này, tác giả nhấn mạnh đến sức mạnh của các cử hành trong Năm Phụng Vụ, vốn tái hiện mầu nhiệm cứu độ. Tác giả viết: “Năm Phụng Vụ của Giáo Hội… không gì khác hơn chính là việc mặc khải về Đức Giêsu Kitô và các Mầu Nhiệm của Ngài trong Giáo Hội và trong tâm hồn tín hữu.”[2] Sau này, dựa trên một diễn ngữ của thánh Phaolô (x. Gl 4,19), Guéranger khẳng định rằng kết quả của việc hiệp thông với các mầu nhiệm – vui mừng, đau khổ và vinh quang – được cử hành trong Năm Phụng Vụ, chính là “việc Đức Kitô hiện diện trong chúng ta.”[3] Tác phẩm này đã để lại ảnh hưởng đáng kể đối với việc hình thành một nền thần học Phụng Vụ. Tuy nhiên, mặc dù đã đặt nền tảng cho những tiền đề về một cái nhìn thần học đúng đắn về Năm Phụng Vụ, Guéranger vẫn hiểu Năm Phụng Vụ chủ yếu theo hướng giáo huấn và sư phạm hơn là một thực tại thần học sống động.
Để có được một cái nhìn mang tính thần học thật sự về Năm Phụng Vụ, chúng ta cần hướng đến một đan sĩ Biển Đức khác, đó là Odo Casel (1886–1948), cùng với “học thuyết về các mầu nhiệm” (Mysterienlehre) của ngài. Trong tác phẩm Das christliche Kultmysterium (Mầu Nhiệm Phụng Tự Kitô Giáo), lần đầu xuất bản năm 1932, Casel lập luận rằng nội dung của Năm Phụng Vụ vượt lên trên chiều kích lịch sử, bởi đó chính là “công trình vĩ đại của Thiên Chúa dành cho nhân loại, công trình cứu độ của Đức Kitô, Đấng muốn dẫn đưa nhân loại ra khỏi những biên giới hạn hẹp của thời gian để bước vào không gian bao la của thế giới vĩnh cửu.”[4] Năm Phụng Vụ từng bước phát triển về mầu nhiệm Đức Kitô và tái hiện mầu nhiệm ấy, nhưng Casel nhấn mạnh: “chính toàn bộ mầu nhiệm cứu độ hiện tại hoá một cách cụ thể trước mắt Giáo Hội và người tín hữu trong mỗi lần cử hành.”[5] Điều này có thể xảy ra vì: “Chính toàn thể Mầu Nhiệm được hiện tại hoá trong Thánh Lễ; mầu nhiệm ấy luôn là trọn vẹn.”[6] Như tác giả bài viết này khẳng định: học thuyết này của Casel, về bản chất đã được Công Đồng Vaticanô II đón nhận, đặc biệt trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium).
- Những Tiền Đề Phương Pháp Luận[7]
Hầu hết các học giả chuyên nghiên cứu về Năm Phụng Vụ đều bắt đầu bằng một lược sử hình thành, sau đó tiếp tục phân tích các văn bản phụng vụ khác nhau – cả kinh nguyện phụng vụ lẫn Thánh Kinh – tương ứng với các mùa trong Năm Phụng Vụ. Nhìn chung, phương pháp này tôn trọng tiến trình phát triển lịch sử của Năm Phụng Vụ, điều vốn là thiết yếu nếu muốn hiểu đúng bản chất của từng cử hành phụng vụ trong năm, cũng như nội dung tín lý và chiều kích thiêng liêng của các mùa Phụng Vụ và các ngày lễ khác nhau. Tuy nhiên, hầu như tất cả các tác giả này đều mở đầu công trình của mình bằng một cuộc khảo sát ngắn về quan niệm thời gian và các ngày lễ theo truyền thống Kinh Thánh.
Một số học giả còn thêm vào một chương giới thiệu về thần học của toàn bộ Năm Phụng Vụ. Trong chương này, người ta có thể tìm thấy những khảo luận về nhiều chủ đề phong phú và đa dạng (bản chất của thời gian, ý nghĩa của các đại lễ, các mầu nhiệm về Chúa Kitô, chiều kích Ba Ngôi trong phụng vụ, cũng như chiều kích Giáo Hội học và nhân học, …). Xét từ góc độ phương pháp luận thuần tuý, điều hiển nhiên là: chỉ sau khi đạt được một cái nhìn toàn diện về Năm Phụng Vụ và về tất cả các yếu tố của nó – xét trên phương diện lịch sử, phụng vụ và cử hành, cũng như thần học và mục vụ – người ta mới có thể đưa ra những ý tưởng có tính tổng hợp về thần học của cả Năm Phụng Vụ. Tuy nhiên, đa số các chuyên luận hiện nay về Năm Phụng Vụ vẫn thiếu vắng chương thần học này – nghĩa là một chương có khả năng hệ thống hoá và đào sâu tất cả các yếu tố thần học nổi bật đã được rút ra từ việc phân tích các mùa phụng vụ khác nhau. Hệ quả là những công trình như thế này không đi đến một nền thần học thống nhất về Năm Phụng Vụ, nhưng đưa ra nhiều nền thần học khác nhau, mỗi nền tương ứng với một hoặc nhiều mùa phụng vụ và các đại lễ riêng biệt.
Năm Phụng Vụ được trình bày cho chúng ta như một thực tại đa dạng bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, nhưng vẫn mang tính hữu cơ, nhằm cử hành và khai triển một mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô dưới mọi khía cạnh. Trung thành với tư tưởng này – vốn xuất phát từ chính cơ cấu của Năm Phụng Vụ – trước hết, chúng tôi sẽ trình bày một tổng quan thần học vắn gọn, nhấn mạnh đến tính trung tâm của Mầu Nhiệm Đức Kitô trong Năm Phụng Vụ, vốn là sự cử hành theo chu kỳ để tưởng niệm mầu nhiệm ấy. Kế đến, chúng tôi sẽ đưa ra một tóm lược về các bài đọc khác nhau cấu thành các mùa trong chu kỳ Năm Phụng Vụ, qua đó làm sống động lại mầu nhiệm này.
- Năm Phụng Vụ Là Cuộc Tưởng Niệm Theo Chu Kỳ Về Mầu Nhiệm Đức Kitô
Trước hết và trên hết, Năm Phụng Vụ bao gồm “Ngày của Chúa” hằng tuần, ngày tưởng niệm sự Phục Sinh của Chúa (x. SC 102; 106) và Đại Lễ Phục Sinh hằng năm, cùng với các ngày lễ khác tạo thành “việc cử hành các mầu nhiệm của Đức Kitô” (SC 103). Do đó, điều làm cho các mùa phụng vụ trong năm trở nên đặc thù không chỉ là việc chúng tiếp nhận sự thánh thiện của toàn thể tạo thành, cũng không chỉ là việc chúng mang ý nghĩa lịch sử và thần học của các ngày lễ trong Kinh Thánh, nhưng đặc biệt là bởi vì chúng quy chiếu về Mầu Nhiệm Đức Kitô như là biến cố nguồn mạch và chóp đỉnh của mọi đại lễ và các cử hành phụng vụ. Công Đồng Vaticanô II đã dạy:
“Mẹ thánh Giáo Hội luôn ý thức về bổn phận phải thực hành việc tưởng niệm để cử hành công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân chí thánh vào những ngày được ấn định trong năm. Mỗi tuần, vào ngày được gọi là Chúa Nhật, Giáo Hội tưởng nhớ việc Chúa Phục Sinh, và mỗi năm một lần, Giáo Hội lại long trọng cử hành mầu nhiệm ấy vào dịp lễ Chúa Phục Sinh, cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.”
“Giáo Hội trình bày toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô trong chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, cũng như sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa quang lâm” (SC 102).
Phụng vụ hiểu theo cách này như là hành động của Thiên Chúa – Đấng không ngừng cứu độ qua các dấu chỉ nghi lễ – sẽ duy trì và hiện tại hóa trong thời gian nhờ vào các cử hành phụng vụ, những kho tàng cứu độ của Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta có thể cùng với Marsili[8] xác quyết rằng: Năm Phụng Vụ là thời điểm mà toàn thể lịch sử cứu độ được thực hiện – nghĩa là trong tất cả mọi phương thế, chính Chúa Kitô được tỏ bày trong quá khứ, hiện tại và tương lai – được hiện tại hóa vào một thời điểm nhất định trong thời gian, nơi một cộng đoàn Giáo Hội cụ thể và vào một thời khắc đặc biệt trong năm. Thời gian phù du vốn mong manh và dễ tan biến, nên thời gian phụng vụ mang đặc tính của kairos – tức là khoảnh khắc mà ơn cứu độ được trao ban và hiện thực hoá: “Sau cuộc Thăng Thiên vinh hiển của Đức Kitô, công trình cứu độ tiếp tục được thực hiện cách đặc biệt qua việc cử hành phụng vụ – và nhờ đó có thể được gọi là thời đại cuối cùng trong lịch sử cứu độ.”[9]
Vì thế, Năm Phụng Vụ không phải là một chuỗi các tư tưởng, cũng không đơn thuần là một loạt những ngày lễ có tầm quan trọng lớn nhỏ khác nhau, nhưng là một Ngôi Vị – “chính Đức Kitô, Đấng hằng sống trong Giáo Hội của Người.”[10] Ơn cứu độ, được Người thực hiện “cách chủ yếu qua mầu nhiệm Vượt Qua – tức là cuộc Khổ Nạn diễm phúc, sự Phục Sinh từ cõi chết và cuộc thăng thiên vinh hiển của Người” (x. SC 5), được ban tặng cho các tín hữu qua những hành động bí tích khác nhau, vốn làm nên động lực sống động của niên lịch phụng vụ. Trong chiều hướng này, Giáo Hội khẳng định rằng: Biến cố Vượt Qua của Đức Kitô và công trình cứu độ phát xuất từ mầu nhiệm ấy – chính là trung tâm của lịch sử cứu độ và của phụng vụ, và vì thế, cũng là trung tâm của các cử hành trong Năm Phụng Vụ. Cùng chính thực tại ấy mà Năm Phụng Vụ được cử hành vào mỗi Chúa Nhật (Lễ Phục Sinh hằng tuần), cũng được tưởng niệm trong Đại Lễ Phục Sinh (Lễ Phục Sinh hằng năm). Và chính mầu nhiệm này cũng là trung tâm điểm và là chóp đỉnh của tất cả các cử hành phụng vụ khác trong chu kỳ Năm Phụng Vụ.
Trong khi cử hành mầu nhiệm vốn có sự hiện diện vĩnh cửu nơi Đức Kitô, Phụng vụ của Giáo Hội vừa thể hiện các giai đoạn khác nhau của mầu nhiệm ấy trong dòng lịch sử, vừa hiện tại hoá mầu nhiệm ấy cách sống động vào những thời khắc đặc biệt trong Năm Phụng Vụ. Như đã trình bày trên đây, việc khẳng định tính trung tâm của Mầu Nhiệm Đức Kitô trong Năm Phụng Vụ không có nghĩa là phủ nhận chiều kích biểu tượng mang tính vũ trụ học của Năm Phụng Vụ. Trái lại, một số yếu tố và hiện tượng thuộc vũ trụ đã giữ vai trò quan trọng trong nhiều đại lễ, cả trong tiến trình hình thành các chủ đề thần học lẫn nghi thức phụng vụ. Chính những yếu tố và hiện tượng vũ trụ ấy trở thành những phương tiện thông truyền mầu nhiệm được cử hành.[11]
Các tước hiệu được tìm thấy trong những sách Lễ cổ Rôma diễn tả cách rất rõ ràng đặc tính “tuần hoàn” hay “chu kỳ” của các cử hành trong Năm Phụng Vụ. Việc cử hành hằng năm về Mầu Nhiệm và các mầu nhiệm của Đức Kitô được lặp lại trong “chu kỳ Năm Phụng Vụ” (anni circulus).[12] Thời gian phụng vụ vốn mang đặc tính “tuần hoàn” riêng của năm vũ trụ, tạo nên một tổng hợp về lịch sử cứu độ, nhưng không đóng khung lịch sử ấy trong một vòng luẩn quẩn. Tính “tuần hoàn” của Năm Phụng Vụ mời gọi chúng ta hiểu rằng Năm Phụng Vụ không đơn giản là một vòng quay khép kín, mà là một chuỗi những thời gian trong dòng lịch sử cứu độ, mỗi thời điểm ấy là một “kairos” – một thời khắc của Năm Hồng Ân trọng đại (x. Lv 25), hay chính là “năm hồng ân của Thiên Chúa” mà Đức Kitô đã khai mở (x. Lc 4,19.21).
Vì thế, Năm Phụng Vụ không thể bị đồng hóa với quan niệm mang tính định mệnh về sự vần xoay theo các mùa tự nhiên trong năm. Trái lại, đó là một thời gian mang tính chu kỳ theo hình xoắn ốc, tiến dần về ngày Chúa Quang Lâm. Sự lặp đi lại các cử hành phụng vụ từ năm này qua năm khác đem lại cho Giáo Hội một cơ hội để có thể tiếp xúc liên lỉ và không gián đoạn với các mầu nhiệm của Thiên Chúa. “Giống như con đường vòng quanh triền núi dần dà dẫn lên đỉnh cao, chúng ta cũng được mời gọi bước đi trên cùng một con đường đó, nhưng mỗi lần lại ở một cao độ mới và tiếp tục tiến bước cho đến khi đạt đến cùng đích là chính Đức Kitô.”[13]
Biến cố Đức Kitô đạt tới đỉnh điểm nơi Lễ Vượt Qua, mang lại sự viên mãn cho thời gian, nhưng không khép lại trong thời gian. Mỗi con người đang sống trong lịch sử đều được mời gọi bước tới và tham dự vào biến cố cứu độ ấy. Nhờ đó, phụng vụ hiện thực hoá lịch sử cứu độ và đổ tràn trong mọi thời gian bằng chính Mầu Nhiệm Đức Kitô.
- Lời Chúa Và Bí Tích Trong Năm Phụng Vụ
Vì thế, Năm Phụng Vụ mang một chiều kích bí tích, nghĩa là một dấu chỉ vừa biểu lộ vừa làm cho hiện diện cách hữu hiệu quyền năng cứu độ của mầu nhiệm Vượt Qua đối với các tín hữu. Quả vậy, Năm Phụng Vụ thiết lập một khung ý nghĩa, trong đó Giáo Hội loan báo Lời Chúa và cử hành các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Đây chính là biến cố cứu độ đạt tới đỉnh điểm trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô – một biến cố độc nhất và xảy ra một lần duy nhất cho tất cả mọi người (άπαξ: x. Dt 9,26-28; 1 Pr 3,18; và x. Rm 6,10; Dt 7,27; 9,12; 10,10), và vẫn tiếp tục hiện diện và phát huy hiệu quả cho mọi người thuộc mọi thời đại trong chính cộng đoàn nơi các ân huệ cứu độ được ký thác – là Hội Thánh của Đức Kitô (εφαπάξ: x. Cv 2,42–46; 4,32tt…). Dưới tác động của công trình cứu độ, điều đó thật khả dĩ nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần.[14] Sau lễ Phục Sinh, Đức Kitô và các mầu nhiệm của Người được “thông phần sự sống thần linh”. Từ thời điểm ấy, như Odo Casel khẳng định: “Chính nhờ các mầu nhiệm của Đức Kitô mà con người gặp gỡ được Thần Khí của Thiên Chúa.”[15] Tuy nhiên, Chính Chúa Thánh Thần cũng là Đấng truyền đạt các mầu nhiệm của Đức Kitô qua việc cử hành các mầu nhiệm ấy trong suốt chu kỳ Năm Phụng Vụ.
Những gì Kinh Thánh thuật lại từ Sách Sáng Thế cho đến Sách Khải Huyền thì phụng vụ tái hiện lại theo hành trình hằng năm, từ Chúa Nhật I Mùa Vọng cho đến Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Thường Niên: đó là một kế hoạch cứu độ duy nhất. Trong Kinh Thánh, “nhiệm cục mặc khải này được thực hiện bằng những hành động và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, đến độ các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố những giáo huấn cũng như các thực tại được diễn tả bằng lời nói; còn các lời nói được dùng để công bố và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong các việc làm” (Dei Verbum 2). Bằng cách thức riêng của mình, Phụng vụ thuật lại một lần nữa câu chuyện cứu độ ấy, giải thích và công bố rằng tất cả đã được hoàn tất trong Mầu Nhiệm Đức Kitô, “Đấng vừa là trung gian, vừa là sự viên mãn của toàn thể Mặc Khải” (DV 2). Phụng vụ thông truyền một thực tại nhất định cho Lời Chúa, khi công bố rằng Lời ấy được ứng nghiệm trong thời đại chúng ta: “… đặc biệt trong Mùa Vọng, Mùa Chay và nhất là đêm Canh Thức Vượt Qua, Giáo Hội đọc lại và sống lại các biến cố trọng đại đó của lịch sử cứu độ trong ‘ngày hôm nay’ qua phụng vụ của mình.”[16]
Trong việc cử hành phụng vụ, lời tuyên bố của Đức Giêsu một lần nữa lại trở nên hiện thực: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21). Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng phụng vụ thực hiện một sự hiện tại hóa còn cao cả hơn nữa, bởi chính Đức Kitô là Đấng… “hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội” (SC 7).
Trong mọi trường hợp, sự viên mãn của mầu nhiệm Đức Kitô được cử hành qua Lời và Bí tích (per verbum et sacramentum). Điều loan báo trong Lời được đạt tới chỗ viên mãn trong hành động bí tích. Lời dẫn đến Bí tích trong cử hành, nơi những thực tại sâu xa nhất – nơi bảo đảm rằng mầu nhiệm cử hành luôn có sự tiếp xúc với thực tại cứu độ của Đức Kitô, Đấng luôn sống động và hành động trong Thần Khí và trong cộng đoàn của Người.[17] Phụng vụ “chính là nơi mà Lời Thiên Chúa một lần nữa được đạt đến sự viên mãn, được hiện thực hóa qua việc cử hành tưởng niệm.”[18]
Sự hiện diện bí tích của Đức Kitô vinh hiển trong Năm Phụng Vụ chính là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô được hiện tại hoá, qua đó công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô cho chúng ta trở nên hiện thực. Điều này khả hữu bởi vì trong phụng vụ, “với Thiên Chúa, ‘Hôm nay’ là một sự hiện diện vĩnh cửu.”[19] Mầu nhiệm Đức Kitô được biểu lộ nhờ các “mầu nhiệm” – tức là các “hành động”, qua đó Đức Kitô mạc khải kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Giáo Hội có thể xác tín trong mọi ngày lễ của mình rằng, ngày đó là “hôm nay” của mầu nhiệm được tưởng niệm trong ngày đặc biệt ấy.[20] Giáo Hội xác tín rằng tất cả mọi biến cố trong cuộc đời của Đấng Cứu Thế đều là những “mầu nhiệm” mang lại ơn cứu độ. Do đó, Năm Phụng Vụ chính là việc cử hành toàn bộ các hành động cứu độ của Đức Kitô xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ từ lúc khởi đầu trong công trình tạo dựng cho đến lúc hoàn tất viên mãn.
Đức Piô XII đã khẳng định trong Thông điệp Đấng Trung Gian của Thiên Chúa (Mediator Dei) rằng các mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Kitô luôn hiện diện và hoạt động, và “mỗi mầu nhiệm đều mang lại một ân sủng riêng biệt để cứu độ chúng ta.”[21] Mặc dầu Thông điệp này thường trình bày các mầu nhiệm của Đức Kitô như những gương mẫu nhân đức, nhấn mạnh khía cạnh luân lý mô phạm hơn là nền tảng bản thể học, nhưng giáo huấn của Đức Piô XII vẫn có giá trị nền tảng trong việc củng cố điều đã được nói ở trên và sẽ được lặp lại nơi đây, qua lời của Burkhard Neunheuser: “Hiệu quả cứu độ của từng mầu nhiệm của Đức Kitô sinh công hiệu khi chúng ta cử hành ngày lễ tương ứng, qua việc công bố Lời Chúa, cử hành bí tích và tất cả những hành vi biểu tượng tương ứng.”[22]
Thật vậy, Năm Phụng Vụ không phải là tấm gương phản chiếu cuộc đời trần thế của Chúa, nhưng là phản ánh “mầu nhiệm” của Người, tức là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô. Vì chính Đức Kitô là Đấng đã thực hiện những hành vi đem lại ơn cứu độ, nên mọi biến cố cứu độ mà Giáo Hội cử hành đều làm cho mầu nhiệm của chính Đức Kitô trở nên hiện tại hoá, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Mục đích của tất cả những điều ấy không phải là tái hiện một thảm kịch về cuộc đời của Đức Giêsu như người ta lầm tưởng, mà là hiện tại hoá toàn bộ mầu nhiệm duy nhất của Người, vốn là thực tại sâu xa và tối hậu của mọi cử hành phụng vụ.
Trong mọi cử hành, dù thoạt nhìn có vẻ như chỉ là những phần rời rạc, nhưng bí tích Thánh Thể vẫn luôn được cử hành – nơi đó, mầu nhiệm cứu độ được thể hiện cách trọn vẹn. “Chính toàn thể mầu nhiệm cứu độ hiện diện trước mắt Giáo Hội…”[23] Vì thế, Năm Phụng Vụ có thể được hiểu như một Thánh Lễ Phục Sinh duy nhất, nhưng được phân chia thành nhiều phần, mỗi phần cử hành một khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm cứu độ, được trải dài suốt dòng thời gian trong năm.
Năm Phụng Vụ tiếp nhận và triển khai các mầu nhiệm của Chúa mà việc tưởng niệm Bí tích Thánh Thể (anamnesis) được thực hiện.[24] Trong các cử hành Thánh Thể theo phụng vụ cổ Mozarabic của Tây Ban Nha, có một nghi thức có tầm quan trọng đặc biệt minh hoạ cho điều này. Sau lời truyền phép, sử dụng chính lời của Chúa Giêsu trong 1 Cr 11, 24-25 với mệnh lệnh kép: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, khi cử hành nghi thức bẻ bánh, linh mục bẻ Bánh Thánh thành chín phần và xếp thành hình thập giá trên đĩa thánh. Mỗi mảnh Bánh Thánh tượng trưng cho một mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu: Nhập Thể, Giáng Sinh, Cắt Bì, Hiển Linh, Thương Khó, Tử Nạn, Phục Sinh, Lên Trời Vinh Quang và Quang Lâm.[25] Có thể nói rằng, trên bàn thờ lúc này không chỉ hiện diện Mình Thánh Chúa – tức Bí tích Thánh Thể – mà còn là một hình ảnh của toàn thể Năm Phụng Vụ. Lời nguyện dâng lễ vật trong Thứ Năm Tuần Thánh (Sách lễ Roma 1970) viết: “…Mỗi khi tưởng niệm lễ tế này được cử hành, thì công trình cứu chuộc chúng con được thực hiện.”
Do đó, Năm Phụng Vụ mang một chiều kích mầu nhiệm khai mở, nghĩa là nó dẫn đưa các tín hữu vào mầu nhiệm của Đức Kitô.[26] Sự hiện diện của Đức Kitô trong chu kỳ hằng năm không mang tính tĩnh tại, nhưng là một hiện diện năng động: một sự thông truyền – hiệp thông với cộng đoàn Giáo Hội và từng thành viên của cộng đoàn ấy. Việc tham dự vào mầu nhiệm phụng vụ nuôi dưỡng đức tin, gia tăng niềm hy vọng và củng cố đức ái (x. lời nguyện sau hiệp lễ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay trong Sách Lễ Rôma 1970). Đặc biệt, các lời nguyện đầu lễ và lời nguyện sau hiệp lễ diễn tả rõ nét khía cạnh này của cử hành phụng vụ. Dưới đây là hai ví dụ tiêu biểu:
“Lạy Chúa, này chúng con được hoan kỷ mừng mầu nhiệm Vượt Qua, xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với mầu nhiệm đó, để Đức Kitô sống lại luôn giữ gìn và cứu độ chúng con.” (SLRM 1970, Lời Nguyện Nhập Lễ – Thứ Sáu sau Chúa Nhật V Phục Sinh).
“Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Đức Kitô để nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong Thánh Lễ cũng như trong đời sống hằng ngày.” (SLRM 1970, Lời Nguyện Hiệp Lễ – Chúa Nhật XXV Thường Niên).
“Để đời sống chúng ta nên đồng hình đồng dạng” với mầu nhiệm Vượt Qua” hoặc “được biến đổi nhờ các mầu nhiệm được cử hành” không chỉ đơn thuần được hiểu trên bình diện tâm lý, cảm xúc, trí thức hay luân lý, nhưng sâu xa hơn, là một thực tại chạm đến chính bản thể của con người. Việc tham dự vào các mầu nhiệm của Đức Kitô không chỉ là sự tưởng nhớ, mà là sự hiệp thông thực sự với Người, trong sự hiện diện sống động và hiệu quả của mầu nhiệm Vượt Qua, được thực hiện qua Lời Chúa và Bí tích. Từ việc tham dự vào các mầu nhiệm của Đức Kitô, đời sống người tín hữu phải tỏ rõ những bằng chứng cụ thể: “Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được bổ dưỡng bởi các bí tích thánh, xin giúp chúng con luôn biết khát khao nguồn mạch sự sống đích thực và không ngừng tìm kiếm Chúa, Đấng duy nhất có thể thỏa mãn mọi khát vọng của tâm hồn.” (Lời Nguyện Hiệp Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay).
Thời gian cứu độ của Năm Phụng Vụ là dành riêng cho Giáo Hội. Mầu nhiệm của Đức Kitô trở nên nguồn sống cho Giáo Hội (x. SLRM 1970, Lời nguyện hiệp lễ thứ Bảy sau Thứ Tư Lễ Tro), và chính trong mầu nhiệm ấy, đến lượt mình Giáo Hội kiện toàn mầu nhiệm Đức Kitô. Cái “hôm nay” của các ngày lễ phụng vụ vừa biểu lộ tính thời gian lẫn vĩnh cửu nơi các mầu nhiệm được cử hành, đồng thời cho thấy ý nghĩa của chúng đối với đời sống tín hữu.
5. Trong Các Mầu Nhiệm Khác Nhau Của Chu Kỳ Năm Phụng Vụ, Chúng Ta Cử Hành Một Mầu Nhiệm Duy Nhất của Đức Kitô
“Trong Năm Phụng Vụ, các khía cạnh khác nhau của một mầu nhiệm Vượt Qua Duy Nhất được triển khai.”[27] Thật vậy, mặc dù trong chu kỳ Năm Phụng Vụ có các giai đoạn khác nhau và những thời khắc dừng lại để chiêm ngắm từng biến cố cứu độ riêng biệt, nhưng tất cả đều quy hướng về một kế hoạch cứu độ duy nhất được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô, mà tuyệt đỉnh là mầu nhiệm Phục Sinh. Chu kỳ tưởng niệm về mầu nhiệm Đức Kitô trong phụng vụ diễn ra theo một hành trình gồm ba mùa chính: Mùa Vọng – Giáng Sinh – Hiển Linh, Mùa Chay – Phục Sinh và Mùa Thường Niên. Tuy nhiên, để trình bày nội dung thiết yếu của chu kỳ này, chúng ta không đi theo thứ tự thời gian – phụng vụ, mà theo một trật tự thần học – phụng vụ.
a) Trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, Giáo Hội long trọng công bố các biến cố Vượt Qua: cuộc thương khó, sự chết, Phục Sinh và Thăng Thiên của Đức Kitô, được kiện toàn bằng ân sủng của Chúa Thánh Thần. Những biến cố này chính là trung tâm và đỉnh cao của kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện cho toàn thể nhân loại. Nên những biến cố này có ý nghĩa là “cho chúng ta và vì chúng ta”, bởi lẽ chúng ta được thông phần vào sự sống mới trong Chúa Phục Sinh. Điều này được Giáo Hội thể hiện cách đặc biệt và trọn vẹn qua các dấu chỉ phong phú trong Đêm Vọng Phục Sinh, là trung tâm của mọi cử hành trong Tam Nhật Thánh và của toàn bộ Năm Phụng Vụ. Thế nhưng Mùa Chay, như là hành trình chuẩn bị cho mầu nhiệm ấy và năm mươi ngày của Mùa Phục Sinh kéo dài đến Lễ Hiện Xuống đều cùng hướng về một thực tại duy nhất: mầu nhiệm sự sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh
Mùa Chay được cấu thành như một hành trình thiêng liêng đích thực, theo ba phương thức khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, tạo thành một tổng thể hài hòa. Dưới sự hướng dẫn bởi các trang Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, hành trình này cho phép chúng ta lần theo các giai đoạn quan trọng trong lịch sử cứu độ, mà đỉnh cao là nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu. Chúng ta sống lại lịch sử cứu độ ấy với xác tín rằng mình cần hoán cải, để chuẩn bị đón nhận sự sống mới mà Thiên Chúa ban qua cuộc Vượt Qua của Con Ngài. Hành trình Mùa Chay không chỉ đơn thuần là một ký ức lịch sử, nhưng là một lời mời gọi sâu xa cho từng Kitô hữu: canh tân đời sống, trở về với Thiên Chúa và mở lòng đón nhận hồng ân cứu độ.
Mùa Phục Sinh cử hành cùng những biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu, nhưng đồng thời làm sáng tỏ hoa trái mà chúng ta lãnh nhận nơi Giáo Hội qua các bí tích khai tâm Kitô giáo (Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể), cùng với ân sủng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lời Tiền Tụng trong Thánh Lễ Chúa Nhật Hiện Xuống khẳng định rằng hồng ân Chúa Thánh Thần “đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua. Nhờ được thông phần vào các bí tích Vượt Qua, Giáo Hội được hình thành trong Chúa Thánh Thần như một thực tại duy nhất với Chúa Giêsu Kitô, trở nên Thân Thể của Người. Toàn bộ mầu nhiệm của Giáo Hội khởi phát từ mầu nhiệm Phục Sinh và được nuôi dưỡng từ chính nguồn sống vĩnh cửu ấy. Biến cố Vượt Qua được sống như một biến cố bí tích Giáo Hội, như nguồn lực của sự canh tân và chứng tá, như suối nguồn của sự phát triển và sứ vụ truyền giáo cho Giáo Hội, như lời tiên báo về sự sống mới và niềm hy vọng vào sự viên mãn cánh chung trong Đức Kitô. Tất cả những điều ấy được gợi lên cách sâu sắc qua các bài đọc trích từ sách Khải Huyền trong phụng vụ Lời Chúa của Mùa Phục Sinh.
b) Nội dung của Mùa Vọng – Giáng Sinh – Hiển Linh được phụng vụ chiêm ngắm trong khuôn khổ của lịch sử cứu độ. Cách riêng, việc Chúa Giêsu giáng sinh được hiểu như một phần trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, kế hoạch ấy được đạt tới sự viên mãn nơi mầu nhiệm Vượt Qua. Chúa Giêsu, “theo xác thịt thì sinh ra bởi dòng dõi vua Đavít,” chính là Đấng “được xác nhận là Con Thiên Chúa đầy uy quyền theo thần khí thánh thiện, nhờ sự phục sinh từ cõi chết” (x. Rm 1,1-7).[28] Sinh nhật của Đức Giêsu được Giáo Hội cử hành như sinh nhật của Đấng Cứu Thế, Đấng đến để cứu độ chúng ta. Lời nguyện tiến lễ trong Thánh Lễ ban chiều Vọng Giáng Sinh đã diễn tả rõ điều này như sau:“Lạy Chúa, xin thương nhận của lễ chúng con cùng dâng tiến trong đêm Giáng Sinh này. Và nhờ cuộc trao đổi kỳ diệu trong mầu nhiệm Nhập Thể, xin cho chúng con được nên giống Đức Giêsu là Đấng đã phối hợp nhân tính của chúng con với thiên tính của Chúa trong chính bản thân Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.”
Phụng vụ ý thức rằng lễ Giáng Sinh luôn hiện diện trong Giáo Hội dưới ánh sáng và thực tại của mầu nhiệm Vượt Qua.
Một chủ đề được nhấn mạnh đặc biệt trong những tuần đầu của Mùa Vọng là cuộc viếng thăm của Đức Kitô lần thứ hai, có mối liên hệ mật thiết với cuộc viếng thăm của Ngài lần thứ nhất. Chính niềm xác tín rằng Con Thiên Chúa đã đến trong xác phàm củng cố niềm hy vọng của chúng ta khi chờ đợi cuộc quang lâm vinh hiển của Ngài, lúc các lời hứa cứu độ của Đấng Mêsia sẽ được hoàn tất cách trọn vẹn và chung cục. Thực vậy, trong việc hạ sinh của Đức Giêsu, những lời hứa xưa đã được ứng nghiệm và con đường dẫn đến ơn cứu độ đời đời đã được mở ra. Ơn cứu độ này tuy đã được thành toàn vào lễ Phục Sinh, nhưng sẽ chỉ được hoàn tất cách trọn vẹn khi Chúa trở lại trong vinh quang. Ý tưởng này được triển khai rõ nét trong Lời Tiền Tụng I Mùa Vọng như sau:
“Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Khi ngự đến lần thứ nhất, mặc lấy thân xác yếu hèn, Người đã thực hiện hồng ân mà Chúa dự định từ xưa và mở đường cứu độ đời đời cho chúng con; để khi Người đến lần thứ hai trong uy linh, nhờ hồng ân bấy giờ được tỏ hiện, chúng con sẽ lãnh nhận điều Chúa đã hứa mà ngày nay chúng con đang tỉnh thức vững dạ đợi chờ. Vì thế, cùng với các Thiên thần và Tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng”.
Giáo Hội mong đợi Đấng vốn đã hiện diện giữa lòng Giáo Hội, nhưng sẽ tỏ mình cách mới mẻ trong cuộc quang lâm vinh hiển vào thời cánh chung. Niềm hy vọng mà Mùa Vọng công bố chính là lời mời gọi đón nhận tính tiệm tiến của chương trình cứu độ được hoàn tất nơi mỗi người chúng ta và trên thế giới.
Trong thời gian này của chu kỳ Năm Phụng Vụ, các bản văn phụng vụ mời gọi chúng ta sống thái độ tỉnh thức, thể hiện qua các việc lành, lòng chân thành và sự hoán cải của chúng ta để hiệp thông với Thiên Chúa. Mùa Vọng khơi dậy trong tâm hồn chúng ta một niềm vui phát xuất từ kinh nghiệm được cứu độ. Chủ đề vui mừng hiện diện cách đặc biệt trong các bản văn của Chúa Nhật III Mùa Vọng. Ca nhập lễ trong Sách Lễ Rôma kêu mời: “Hãy luôn luôn vui lên trong Chúa.” Chủ đề này cũng được lặp lại trong lời nguyện đầu lễ, nhiều điệp ca trong Phụng Vụ Giờ Kinh và trong một số bài đọc Thánh Kinh được công bố trong Thánh Lễ.
c) Mùa Thường Niên, khởi đầu bằng ngày Chúa Nhật là hạt nhân nền tảng trình bày một cái nhìn toàn diện về mầu nhiệm Đức Kitô. Chính vào ngày Chúa Nhật, thực tại của mầu nhiệm Vượt Qua – tức cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Lên Trời của Con Chúa được cử hành và hiện tại hóa cách liên lỉ. Trong ngày này, cách thức cầu nguyện, việc đón nhận hồng ân cứu độ và niềm vui mong đợi Ngày Chúa Nhật cánh chung – ngày không bao giờ tàn – tất cả được kết hợp lại với nhau. Việc đọc Tin Mừng theo hình thức bán liên tục là lời công bố về Đức Kitô Phục Sinh, đồng thời giúp cộng đoàn tín hữu chiêm ngắm cuộc sống trần thế của Người giữa nhân loại trong từng biến cố một. Trong việc suy gẫm hằng ngày về lời nói và việc làm của Đức Giêsu, chúng ta được trợ giúp để mặc lấy chính tâm tình của Người trong suốt cuộc đời dương thế: đó là một sự tự hiến trọn vẹn theo thánh ý Chúa Cha, đến mức dâng hiến chính mình làm lễ tế. Hiểu mầu nhiệm Đức Kitô như được trình bày trong Mùa Thường Niên có nghĩa là chúng ta phải nghiêm túc sống ơn gọi làm môn đệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải biết lắng nghe và bước theo Thầy Chí Thánh trong đời sống hằng ngày, không xem đó là điều phụ thuộc mà là một thời khắc cứu độ. Việc đọc gần như liên tục các sách khác của Cựu Ước và Tân Ước trong Mùa Thường Niên là cơ hội để chúng ta đối chiếu hành trình theo Chúa của mình với Dân Thiên Chúa xưa và với lòng trung thành bền bỉ của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Mùa Thường Niên là thời gian để ta không ngừng đối diện với cuộc đời của Đức Kitô, nhờ đó đời sống người Kitô hữu càng ngày được kết hợp mật thiết hơn với Người.
Sự hiện diện đậm nét của các ngày lễ kính các thánh tử đạo và các thánh trong niên lịch phụng vụ trong Mùa Thường Niên phải được hiểu dưới ánh sáng của việc đào sâu mầu nhiệm Đức Kitô nơi mỗi tín hữu. Các thánh, cách riêng là các thánh tử đạo đã tham dự cách trọn vẹn vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa và sự thánh thiện của các ngài chính là hoa trái của sự hiệp thông ấy. Các ngài nên thánh nhờ được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, chính vì thế, Giáo Hội trình bày các thánh như là mẫu gương sống đạo cho các Kitô hữu, và cũng là những vị chuyển cầu hữu hiệu trước mặt Thiên Chúa cho dân Người (x. SC s. 104).
- Kết luận
Năm Phụng Vụ không nhằm mục đích chỉ đơn thuần tái hiện các biến cố trong cuộc đời trần thế của Đức Giêsu theo quan điểm lịch sử hay thứ tự thời gian, cũng không chỉ xem các biến cố ấy như những mẫu gương đạo đức để noi theo. Thay vào đó, Năm Phụng Vụ cử hành chính Mầu Nhiệm Đức Kitô được hiện tại hoá cho chúng ta trong thời gian, qua việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự vào các bí tích. Do đó, Năm Phụng Vụ mang chiều kích bí tích, nghĩa là không chỉ là việc “bắt chước” (imitatio) mà còn là cuộc tưởng niệm sống động (anamnesis), là sự hiện diện mầu nhiệm của ơn cứu độ đang hoạt động trong đời sống Giáo Hội. Vì thế, tinh thần của Năm Phụng Vụ là một hành trình biến đổi liên lỉ trong Đức Kitô. Trong suốt chu kỳ Năm Phụng Vụ, cộng đoàn tín hữu được mời gọi tái khám phá, cử hành và sống trọn vẹn hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần.
Kết luận, chúng ta có thể khẳng định rằng thần học về Năm Phụng Vụ đòi buộc phải dựa trên nền tảng của thần học phụng vụ căn bản. Nếu Năm Phụng Vụ là việc Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Đức Kitô trong thời gian, thì thần học của Năm Phụng Vụ cũng chính là thần học của phụng vụ vậy. Điều đặc thù của thần học Năm Phụng Vụ chỉ là điểm nhấn vào việc cử hành mang tính chu kỳ mầu nhiệm Đức Kitô trong không gian và thời gian của năm dương lịch. Sự luân chuyển của các mùa phụng vụ và các ngày lễ thiết lập nên một cách đọc đặc biệt về mầu nhiệm Đức Kitô – một cách đọc phát xuất từ các bản văn Kinh Thánh và lời nguyện phụng vụ (euchologia) mà Giáo Hội sử dụng khi cử hành các mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô.
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: ANSCAR J. CHUPHUNGCO, O.S.B., “Handbook For Liturgical Studies – Liturgical Time and Space”, Volume V, The Liturgical Press, Collegeville Minnesota, 1997, tr. 317-330.
Thư Mục Tham Khảo
- AUF DER MAUR, H. Feiern im Rhythmus der Zeit I: Herrenfeste in Woche und Jahr. Gottesdienst der Kirche: Handbuch der Liturgiewissenschaft, Teil 5, tr. 223-228. Regensburg, 1983.
- AUGÉ, M. “Thần học về Năm Phụng Vụ” (Teologia dell’Anno liturgico). Anamnesis 6 (năm xuất bản không ghi): tr. 9–34.
- BARSOTTI, D. Mầu Nhiệm Kitô giáo trong Năm Phụng Vụ (Il mistero cristiano nell’anno liturgico), ấn bản thứ hai. Firenze, 1956.
- BERGAMINI, A. “Năm Phụng Vụ” (Anno liturgico). Trong Nuovo Dizionario di Liturgia (NDL), tr. 60–66.
- CASEL, O. Mầu Nhiệm của Phụng Vụ Kitô giáo (The Mystery of Christian Worship). Westminster, Maryland, 1962.
- MARSILI, S. “Năm Phụng Vụ” (Anno liturgico). Trong Các Dấu Chỉ của Mầu Nhiệm Đức Kitô: Thần Học Phụng Vụ về Các Bí Tích (I segni del mistero di Cristo: Teologia liturgica dei sacramenti), tr. 408–411. BELS 42. Rôma, 1987.
- TRIACCA, A. M. “Năm Phụng Vụ: Hướng tới một trình bày thần học có hệ thống” (Anno liturgico: Verso una sua organica trattazione teologica). Salesianum 38 (1976): tr. 613–621.
- VAGAGGINI, C. Những Chiều Kích Thần Học của Phụng Vụ (Theological Dimensions of the Liturgy). Bản dịch tiếng Anh của L. Doyle và W. Jurgens. Collegeville, Minnesota, 1976.
- VERHEUL, A. “Năm Phụng Vụ: Từ Lịch Sử đến Thần Học” (L’Année liturgique: De l’histoire à la théologie). Quaderni di Liturgia 74 (1993): tr. 5–16.
Chú thích:
[1] F. Brovelle, “Về việc nghiên cứu Năm Phụng Vụ của Dom Guéranger: Một đóng góp cho lịch sử về phong trào phụng vụ,” in Ephemerides Liturgicae 95 (1981) 145-219.
[2] Abbot Guéranger, O.S.B., Mùa Vọng, tập 2 trong bộ Năm Phụng Vụ, bản dịch của L. Shepherd, O.S.B., ấn bản lần thứ tư (Westminster, Maryland: Nhà xuất bản Newman, 1948), trang 9.
[3] Ibid., 17.
[4] Odo Casel, Mầu Nhiệm của Phụng Vụ Kitô Giáo, thuộc bộ sách Những Dấu Mốc trong Thần Học Công Giáo, bản dịch của Burkhard Neunheuser, ấn bản lần thứ tư (New York: Crossroad, 1999), trang 67.
[5] Ibid.
[6] Ibid., 68
[7] A. M. Triacca, “Năm Phụng Vụ: Hướng tới một trình bày thần học có hệ thống,” Salesianum 38 (1976) trang 613-621; G. Cavagnoli, “Tổng quan thư mục về Năm Phụng Vụ,” Tập san Phụng Vụ 75 (1988) trang 443-459.
[8] S. Marsili, “Năm Phụng Vụ,” Những dấu chỉ về mầu nhiệm của Chúa Kitô: Thần Học phụng vụ về các bí tích, BELS 42, ed. M. Alberta (Rome, 1987) 439.
[9] Tổng hợp các Thánh lễ kính Đức Trinh Nữ Maria – Sách Lễ (Collegeville, Minn., 1992), Lời Tiền Tụng, số 11.
[10] Piô XII, Đấng Trung Gian của Thiên Chúa, (Mediator Dei) s. 165.
[11] A. Chupungco, “Các ngày lễ phụng vụ và mùa phụng vụ trong năm,” Tạp chí, số 17 (1981) 249-260.
[12] Sách Bí Tích của Giáo Hội Rôma theo chu kỳ phụng vụ trong năm (Liber sacramentorum romanae ecclesiae ordinis anni circuli – còn gọi là Sách Bí Tích Gelasiô, thế kỷ thứ VII); Bắt đầu phần các bí tích theo chu kỳ Năm Phụng Vụ (Incipit sacramentorum de circulo anni expositum – Sách Bí Tích Grêgôriô [bản Hadrianum], thế kỷ thứ VIII).
[13] Casel, Mầu Nhiệm Phụng Tự Kitô Giáo, (Mystery of Christian Worship) 63.
[14] “Trong việc phân phát cách bí tích mầu nhiệm của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần cũng hành động cùng một cách thức như trong các thời đại khác của Nhiệm cục cứu độ: Ngài chuẩn bị cho Hội Thánh gặp gỡ Chúa của mình; Ngài nhắc nhớ và làm tỏ hiện Đức Kitô cho đức tin của cộng đoàn; Ngài làm cho hiện diện và hiện tại hoá mầu nhiệm của Đức Kitô bằng quyền năng biến đổi của Ngài; sau cùng, Thánh Thần của sự hiệp thông kết hợp Hội Thánh vào đời sống và sứ vụ của Đức Kitô” (GLHTCG s. 1092).
[15] O. Casel, Casel, Phụng Vụ như là việc cử hành mầu nhiệm,” EO 9 (Freiburg im Breisgau, 1922), tr. 102.
[16] GLHTCG, s. 1095.
[17] P. Visentin, “Cử hành trong Hội Thánh và năng động tính của Lời: Một viễn cảnh thần học,” Từ chú giải đến diễn giải qua việc cử hành, Kinh Thánh và Phụng Vụ 1, Caro Salutis Cardo, Chuyên đề số 6 (Padova, 1991), tr. 183–191.
[18] A. M. Triacca, “Lời được cử hành: Thần học về việc Cử hành Phụng vụ Lời Chúa,” Từ chú giải đến diễn giải qua việc cử hành, Kinh Thánh và Phụng Vụ 1, Caro Salutis Cardo, Chuyên đề số 6 (Padova, 1991), tr. 46.
[19] Casel, Mầu Nhiệm Phụng Tự Kitô Giáo, 142.
[20] x. chẳng hạn, Sách Lễ Rôma 1970, nơi bản công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exsultet) trong Đêm Vọng Phục Sinh tuyên xưng: “Haec nox est, in qua, destructis vinculis mortis, Christus ab inferis victor ascendit” – “Chính đêm nay, khi xiềng xích sự chết bị phá tan, Đức Kitô đã chiến thắng từ cõi chết bước lên.” Cũng nên tham khảo Kinh Tiền Tụng của Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống và nhiều bản văn khác trong các Thánh Lễ Giáng Sinh.
[21] Piô XII, Mediator Dei, s. 165.
[22] B. Neunheuser, “Năm Phụng Vụ Theo Dom Casel,” (L’année liturgique selon Dom Casel), đăng trên tạp chí Questions Liturgiques et Paroissiales (QLP), tập 38 năm 1957, tr. 290.
[23] Casel, Mầu Nhiệm Phụng Tự Kitô Giáo, (Mystery of Christian Worship) 67.
[24] O. Casel, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Sách Lễ Rôma 34 (Paris, 1962), tr. 41–44. Tác giả so sánh sự phát triển của lời tưởng niệm trong Kinh Tạ Ơn với sự phát triển của Năm Phụng Vụ, cả hai đều bắt đầu từ trung tâm là mầu nhiệm Vượt Qua.
[25] x. Sách Lễ Hispano-Mozarabic, các số 121–130 (Phần dẫn nhập – Praenotanda), Notitiae tập 21 (năm 1988), các tr. 712–714.
[26] x. GLHTCG, s. 1075.
[27] x. Ibid, s. 1075.
[28] Đoạn văn này, trích từ thư của Thánh Phaolô, là bài đọc hai trong Thánh lễ Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A.
Vui lòng ghi: “Nguồn: Truyền Thông Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam – ngoiloivn.net” khi đăng tải lại các bài viết từ trang này.