♦ Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch sang Việt ngữ từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Lent”, Volume 5, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 29-42.
CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM MÙA CHAY>>>
CHƯƠNG III: THỰC HÀNH TRONG MÙA CHAY
Sau khi đã trải qua ba tuần của thời kỳ Septuagesima trong việc suy niệm về một tinh thần yếu nhược và về những vết thương mà do tội lỗi gây ra, giờ đây chúng ta hãy sẵn sàng để bước vào mùa sám hối mà Giáo Hội đã khởi đầu. Chúng ta đã hiểu rõ hơn về sự công chính và thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như những hiểm họa đang chờ đợi một tâm hồn không chịu ăn năn sám hối. Để việc sám hối của chúng ta được chân thành và bền vững, chúng ta phải biết nói lời giã từ với những niềm vui hão huyền và phù phiếm của thế gian. Lòng kiêu hãnh của chúng ta sẽ được giảm xuống nhờ lời nhắc nhở rằng thân xác này chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành tro bụi, thứ đã ghi dấu ấn trên trán và nhắc nhớ về cái chết của chúng ta.
Trong suốt 40 ngày sám hối này, dù khoảng thời gian này xem ra có vẻ khá dài đối với bản tính yếu đuối của chúng ta, nhưng Chúa Giêsu vẫn luôn đồng hành với chúng ta. Tuy nhiên, cảm giác dường như Ngài đang rời xa chúng ta trong những tuần lễ của Mùa Septuagesima, khi mọi thứ đều đề cập đến những lời nguyền rủa của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Nhưng chính cảm giác ấy đã mang lại lợi ích cho chúng ta. Nó dạy chúng ta biết run sợ trước lời cảnh báo về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. “Sự kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan”[1]; và chúng ta đã nghiệm thấy điều đó: tinh thần sám hối nay đã được đánh thức trong tâm hồn chúng ta bởi vì chúng ta đã biết kính sợ Ngài.
Và giờ đây, chúng ta hãy chiêm ngắm Đấng Thiên Sai trước mắt chúng ta. Đó là Emmanuel, chính Chúa Giêsu của chúng ta, nhưng Ngài không còn mang hình hài của Hài Nhi bé bỏng và yếu ớt mà chúng ta đã thờ lạy trong máng cỏ. Ngài đã to lớn và trưởng thành như một con người hoàn hảo và khoác lên mình dáng vẻ của một tội nhân, run rẩy và hạ mình trước Đấng Tối Cao, Cha của Ngài, Đấng mà chúng ta đã xúc phạm. Giờ đây, Ngài tự dâng hiến chính mình làm Lễ Vật đền bù để làm nguôi cơn thịnh nộ của Chúa Cha.
Ngài yêu thương chúng ta bằng tình yêu của một người anh em; và khi thấy rằng mùa sám hối đã bắt đầu, Ngài đến để khích lệ chúng ta bằng sự hiện diện và gương sáng của chính Ngài. Chúng ta sẽ trải qua 40 ngày chay tịnh và hãm mình: Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn vô tội, cũng đã thực hành việc sám hối ấy. Chúng ta đã tạm thời tách mình khỏi những thú vui và phù phiếm của thế gian: Chúa Giêsu cũng rút lui khỏi sự đồng hành và ánh mắt của con người.
Chúng ta có ý định tham dự vào các nghi thức thánh thiêng một cách siêng năng và cầu nguyện sốt sắng hơn so với những thời điểm khác: Chúa Giêsu dành 40 ngày đêm để cầu nguyện, như một người khiêm tốn khẩn cầu; và Ngài làm tất cả điều này là vì chúng ta. Chúng ta sẽ suy nghĩ về quá khứ tội lỗi của mình và khóc than vì tội lỗi ấy trong nỗi đau xót tột cùng: Chúa Giêsu đau khổ vì tội lỗi chúng ta và khóc than về chúng trong sự thinh lặng của sa mạc, như thể chính Ngài đã phạm những tội ấy.
Ngay sau khi lãnh nhận phép rửa từ tay thánh Gioan, Chúa Giêsu liền được Thánh Thần dẫn vào hoang địa. Giờ đã đến để Ngài tỏ mình ra cho thế gian. Ngài sẽ bắt đầu dạy cho chúng ta về một bài học vô cùng quan trọng. Ngài rời xa vị Tiền Hô thánh thiện và đám đông ngưỡng mộ, những người đã chứng kiến Thánh Thần Thiên Chúa xuống trên Ngài và nghe tiếng Chúa Cha phán rằng Ngài là Con yêu dấu của Người; Ngài rời bỏ họ và tiến vào hoang địa. Ở đó, có một ngọn núi hiểm trở không cách xa sông Giođan bao nhiêu, sau này được gọi là Quarantana. Từ đó có thể nhìn ra đồng bằng màu mỡ của Giêricô, sông Giođan và Biển Chết. Chính trong một hang động của ngọn núi hoang vu này, Con Thiên Chúa bước vào, với những bạn đồng hành duy nhất là những loài vật không biết nói, đã chọn nơi đây làm nơi trú ẩn cho mình. Ngài không có gì để làm dịu cơn đói; tảng đá cằn cỗi không thể đem lại cho Ngài một giọt nước nào; chiếc giường duy nhất để ngã lưng là những hòn đá. Tại đây, Ngài sẽ trải qua 40 ngày; và sau thời gian đó, Ngài sẽ cho phép các thiên thần đến gặp Ngài và mang thức ăn đến cho Ngài.
Như vậy, Đấng Cứu Độ chúng ta đã đi trước trên con đường thánh thiện của Mùa Chay. Ngài đã chịu đựng mọi gian lao và khổ hạnh, để khi chúng ta được mời gọi bước vào con đường hẹp của sự sám hối Mùa Chay, chúng ta có gương sống của Ngài làm mẫu mực, hầu dập tắt mọi lời biện hộ, lý lẽ giả trá và sự chống đối của lòng tự ái cùng với tính tự cao tự đại. Bài học ở đây đã được trình bày rất rõ ràng; luật buộc phải thực hành sám hối vì ở đây tội lỗi đã được minh chứng cách rõ ràng và chúng ta không thể viện cớ là mình không biết. Vậy, hãy chân thành đón nhận giáo huấn này và thực hành nó. Chúa Giêsu rời hoang địa, nơi Ngài đã trải qua 40 đêm ngày và bắt đầu sứ vụ rao giảng và Ngài nói với mọi người rằng: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”[2] Chớ gì chúng ta đừng để lòng chai dạ đá trước lời mời gọi của Thiên Chúa, kẻo lời đe dọa khủng khiếp của Đấng Cứu Thế lại trở nên ứng nghiệm nơi chúng ta: “Nếu các ngươi không sám hối, các ngươi cũng sẽ phải chết”[3].
Sự đền tội hệ tại ở lòng ăn năn thống hối của tâm hồn và sự khổ chế của thân xác; hai yếu tố này rất cần thiết cho lòng sám hối. Chính linh hồn đã muốn phạm tội và thân xác cũng thường cộng tác vào hành vi đó. Hơn nữa, con người được tạo dựng bởi cả linh hồn và thể xác; do đó, cả hai đều phải tri ân và tôn vinh Đấng Tạo Hóa. Thân xác sẽ cùng linh hồn hoặc được hưởng vinh phúc thiên đàng, hoặc phải chịu cực hình hỏa ngục. Vì thế, không thể có một đời sống Kitô hữu đích thực, cũng không thể có sự đền tội chân thành, nếu thân xác không cùng chung phần với linh hồn trong cả hai phương diện này.
Nhưng chính linh hồn mới làm cho sự đền tội trở nên chân thật. Tin Mừng dạy chúng ta điều này qua các mẫu gương như: người con hoang đàng, thánh Maria Mađalêna, ông Giakêu và thánh Phêrô. Vậy, linh hồn phải quyết tâm từ bỏ mọi tội lỗi; phải chân thành đau buồn vì những lỗi lầm đã phạm; phải chê ghét tội lỗi và xa lánh dịp tội. Thánh Kinh có một từ ngữ dành cho thái độ nội tâm này, một từ đã được toàn thể thế giới Kitô giáo đón nhận và diễn tả cách tuyệt hảo tình trạng của linh hồn khi từ bỏ tội lỗi: Đó chính là “hoán cải”. Do đó, trong Mùa Chay, người Kitô hữu phải cố gắng khơi dậy nơi tâm hồn mình lòng sám hối chân thành và coi đó là nền tảng thiết yếu cho mọi việc đạo đức trong thời gian này. Tuy nhiên, cũng phải nhớ rằng sự sám hối thiêng liêng có thể trở thành ảo tưởng nếu không đi kèm với sự khổ chế của thân xác. Hãy nhìn vào gương mẫu của Đấng Cứu Độ chúng ta: quả thật, Ngài đau buồn và khóc than vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài cũng đền bù cho tội lỗi của chúng ta bằng những đau khổ trong thân xác. Chính vì thế, Giáo Hội là Người Giải Thích không thể sai lầm về thánh ý của Thầy Chí Thánh nói với chúng ta rằng, lòng thống hối chân thành của chúng ta sẽ không được Thiên Chúa chấp nhận, nếu không đi kèm với việc ăn chay và hãm mình.
Thật là một ảo tưởng khủng khiếp biết bao đối với những người Kitô hữu quên đi tội lỗi trong quá khứ của mình, hoặc so sánh bản thân với những người khác mà họ cho là sống tệ hơn mình! Vì tự mãn với chính mình, họ không nhận ra điều nguy hại hay hiểm họa nào khác trong nếp sống dễ dãi mà họ định an hưởng suốt quãng đời còn lại! Họ sẽ nói rằng chẳng cần phải nghĩ đến những tội lỗi đã qua, vì họ đã xưng tội cách sốt sắng! Chẳng phải đời sống họ từ đó đến nay đã là một minh chứng đủ cho lòng đạo đức vững vàng của họ sao? Và tại sao lại có người nhắc họ về sự công minh của Thiên Chúa và việc khổ chế? Vì thế, khi Mùa Chay đến gần, họ tìm đủ mọi cách để được miễn chuẩn. Việc hãm mình là một sự bất tiện; ăn chay ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, sẽ cản trở công việc của họ, nó khác hẳn với nếp sống thường ngày của họ; ngoài ra, có rất nhiều người còn tốt hơn họ, nhưng lại không bao giờ ăn chay hay hãm mình. Và vì họ không bao giờ nghĩ đến việc thay thế những hình thức đền tội mà Giáo Hội quy định bằng các hình thức ăn năn khác, nên những người như vậy dần dần đánh mất đi tinh thần Kitô Giáo một cách vô thức.
Giáo Hội nhìn thấy sự suy giảm khủng khiếp về tinh thần siêu nhiên; nhưng Giáo Hội vẫn nâng niu gìn giữ những gì còn sót lại, bằng cách nới lỏng kỷ luật Mùa Chay hằng năm. Với niềm hy vọng bảo tồn những gì còn lại và mong rằng chúng sẽ lớn mạnh trong một tương lai tốt đẹp hơn. Giáo Hội phó thác cho sự công minh của Thiên Chúa về những người con của mình không biết lắng nghe những lời giáo huấn của Mẹ Giáo Hội, nhằm giúp họ có thể xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa ngay từ bây giờ. Than ôi! Những người con mà chúng ta đang nói đến lại thỏa mãn với tình trạng hiện nay, và chẳng bao giờ nghĩ đến việc xét mình theo gương Chúa Giêsu và các thánh, hay theo những quy luật bất di bất dịch về việc đền tội theo tinh thần Kitô giáo. Đúng vậy, tuy vẫn có những ngoại lệ nhưng thật hiếm hoi, nhất là trong các thành phố lớn! Những thành kiến vô căn cứ, những lời biện hộ vô ích, những gương xấu – tất cả đều góp phần làm cho người ta xa rời việc giữ chay trong Mùa Chay thánh. Há chẳng phải là điều đáng buồn khi nghe người ta đưa ra lý do không ăn chay hay hãm mình chỉ vì họ cảm thấy khó chịu hay họ cảm thấy mệt mỏi sao? Hẳn họ đã quên mất rằng chính mục đích của việc ăn chay và hãm mình là làm cho thân xác tội lỗi này phải chịu đau khổ và cảm nhận sự khắc khổ. Và rồi, họ sẽ trả lời thế nào trong ngày phán xét, khi Đấng Cứu Độ cho họ thấy rằng ngay cả người Hồi Giáo, những tín đồ của một tôn giáo đầy tính xác thịt, cũng can đảm thực hành mỗi năm những khổ hạnh nghiêm nhặt của tháng Ramadan?
Nhưng chính lối sống của họ sẽ là kẻ tố cáo mạnh mẽ nhất chống lại họ. Những người này, trong khi tự thuyết phục mình rằng họ không đủ sức để giữ chay và hãm mình trong Mùa Chay, dù kỷ luật đã được giảm nhẹ, lại chẳng hề nao núng khi phải chịu đựng những mệt nhọc gấp bội vì lợi ích thế gian hay thú vui trần thế. Biết bao thân xác đã kiệt quệ vì mải mê theo đuổi những thú vui phù phiếm, mà phần lớn lại rất nguy hại! Những thân xác ấy hẳn vẫn còn tràn đầy sinh lực, nếu đời sống của họ được hướng dẫn bởi lề luật của Thiên Chúa và Hội Thánh, thay vì bởi lòng ham muốn nghiêng chiều theo dục vọng thế gian. Nhưng sự thờ ơ đối với việc không tuân giữ Mùa Chay đã bành trướng đến mức nó chẳng hề gợi lên một chút băn khoăn hay cắn rứt lương tâm nào. Những ai vi phạm điều này thậm chí còn tranh luận rằng: có lẽ vào thời Trung Cổ người ta có thể tuân giữ Mùa Chay được, nhưng ngày nay thì điều đó là không thể: và họ thản nhiên nói như thế bất chấp tất cả những gì Giáo Hội đã làm để thích nghi kỷ luật Mùa Chay với sự yếu đuối thể lý và luân lý của thời đại hôm nay! Làm sao có thể như thế được, khi những người này đã được đào luyện trong đức tin của cha ông mình hoặc đã được hoán cải để trở về cùng đức tin ấy, mà lại quên rằng việc giữ chay trong Mùa Chay là một dấu chỉ thiết yếu của người Công Giáo? Há họ không nhớ rằng, khi những người Tin Lành khởi xướng công cuộc cải cách vào thế kỷ XVI, một trong những điều họ công kích mạnh mẽ nhất chính là việc Giáo Hội buộc con cái mình phải khổ chế bằng cách ăn chay và hãm mình hay sao? Nhưng sẽ có người hỏi rằng: “Vậy chẳng lẽ không có những miễn chuẩn hợp pháp hay sao?” Chúng tôi trả lời rằng: Có, và ngày nay những miễn chuẩn ấy còn cần thiết hơn so với các thời đại trước, bởi vì thể trạng chung của con người đã suy yếu đi nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, nguy cơ tự dối mình vẫn luôn rình rập. Nếu chúng ta có đủ sức chịu đựng những vất vả lớn lao khi lòng tự ái của chúng ta được thỏa mãn, thì tại sao chúng ta lại quá yếu đuối khi phải sống hãm mình? Nếu chỉ một chút bất tiện cũng khiến chúng ta từ bỏ việc đền tội này, thì làm sao chúng ta có thể đền bù tội lỗi mình được? Vì bản chất của sự đền tội chính là mang lại đau khổ cho thân xác. Các bác sĩ cho rằng việc ăn chay sẽ làm chúng ta suy nhược, điều này có thể đúng hoặc có thể sai; nhưng chẳng phải Giáo Hội vẫn luôn nhắm đến việc khổ chế thân xác, vì biết rằng chính linh hồn chúng ta sẽ được thanh luyện khi thể xác bị chế ngự hay sao? Nhưng giả như việc miễn chuẩn là thực sự cần thiết – rằng sức khỏe chúng ta sẽ bị tổn hại, và bổn phận trong bậc sống của chúng ta sẽ bị sao lãng nếu chúng ta giữ luật Mùa Chay một cách trọn vẹn – thì liệu chúng ta có cố gắng bù đắp bằng những việc đền tội khác hay không, để thay thế cho những điều mà thể trạng chúng ta không cho phép thực hành? Chúng ta có buồn đau và khiêm nhường nhận ra sự bất lực của chính mình khi không thể cùng với những người con trung tín của Hội Thánh mang lấy ách kỷ luật Mùa Chay hay không? Chúng ta có cầu xin Chúa ban cho mình ân sủng để trong năm tới có thể được dự phần vào công phúc của anh chị em tín hữu và thực hành những việc đạo đức thánh thiện, hầu đem lại cho linh hồn sự bảo đảm về lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa hay không? Nếu chúng ta thực hành như vậy, thì việc miễn chuẩn sẽ không gây tổn hại đến đời sống thiêng liêng của chúng ta. Và khi lễ Phục Sinh đến, mời gọi các tín hữu cùng chia sẻ niềm vui trọng đại, chúng ta có thể an tâm đứng bên cạnh những anh chị em đã giữ chay. Bởi lẽ, dù sự yếu đuối thể lý không cho phép chúng ta theo kịp họ cách bề ngoài, nhưng tâm hồn chúng ta vẫn trung thành với tinh thần của Mùa Chay thánh.
Chúng ta có thể liệt kê một danh sách dài về những chứng cứ cho thấy sự lơ là về việc ăn chay và hãm mình của lối sống hiện đại về sự nuông chiều bản thân dẫn đưa rất nhiều người trong chúng ta đến chỗ hư mất! Thật vậy, có những người Công Giáo ở khắp nơi trên thế giới, những người rước lễ Phục Sinh và tuyên xưng mình là con cái của Giáo Hội Công Giáo, nhưng lại hoàn toàn không hiểu biết gì về những nghĩa vụ trong Mùa Chay. Khái niệm về việc ăn chay và hãm mình của họ mơ hồ đến mức họ không nhận thức được rằng hai việc này hoàn toàn khác biệt nhau; và việc miễn chuẩn một trong hai không có nghĩa là miễn chuẩn cho việc còn lại. Nếu họ đã được miễn chuẩn hợp pháp hay bất hợp pháp khỏi việc hãm mình, họ hoàn toàn không nghĩ rằng nghĩa vụ ăn chay vẫn còn đương nhiên áp dụng đối với họ trong suốt 40 ngày; hoặc nếu họ được miễn ăn chay, họ kết luận rằng họ có thể ăn bất kỳ loại thức ăn nào họ muốn vào bất kỳ ngày nào. Sự thiếu hiểu biết như vậy là hệ quả tự nhiên của thái độ thờ ơ đối với các điều răn và truyền thống của Giáo Hội.
Cho đến nay, chúng ta đã nói về việc không tuân giữ kỷ luật Mùa Chay liên quan đến từng cá nhân và người Công Giáo; giờ đây, hãy cùng bàn thêm một chút về ảnh hưởng mà việc không tuân giữ Mùa Chay của một số dân tộc hoặc quốc gia. Có rất ít vấn đề xã hội nào mà các nhà văn công chúng thời đại này không thể hiện tài năng và nhiệt huyết của mình trong việc phân tích, nhiều người đã dồn hết tâm sức vào việc nghiên cứu kinh tế chính trị; tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên khi họ bỏ qua một vấn đề quan trọng như việc tuân giữ kỷ luật Mùa Chay: những hậu quả mà việc bãi bỏ Mùa Chay gây ra cho xã hội; nghĩa là của một thể chế mà hơn bất kỳ thể chế nào khác, duy trì trong tâm trí công chúng một cảm thức sâu sắc về việc đúng – sai về mặt đạo đức, vì nó ấn định cho một quốc gia về việc đền tội hàng năm. Không cần phải có sự thấu hiểu sắc bén để nhận ra sự khác biệt giữa hai quốc gia, một quốc gia hàng năm thực hiện một mùa ăn chay 40 ngày để đền tội cho những lỗi phạm chống lại lề luật của Thiên Chúa, và một quốc gia từ chối điều đó. Và nếu nhìn từ một góc độ khác – liệu có phải lo ngại rằng việc sử dụng quá mức thực phẩm động vật sẽ làm yếu đi thể lực của con người chứ không phải làm mạnh mẽ hơn? Chúng tôi tin rằng điều này là đúng: sẽ đến lúc khi tỉ lệ sử dụng thức ăn từ thực vật nhiều hơn thức ăn từ động vật sẽ được xem là những biện pháp cần thiết để duy trì sức khỏe của cơ thể con người.
Vậy, con cái của Giáo Hội hãy can đảm tuân giữ những thực hành đền tội của Mùa Chay. Bình an lương tâm là điều thiết yếu cho đời sống Kitô hữu; nhưng nó chỉ được hứa ban cho những tâm hồn thực sự sám hối. Sự trong sạch đã bị đánh mất có thể được phục hồi bằng cách khiêm nhường xưng thú tội lỗi cùng với lời xá giải của linh mục; nhưng các tín hữu hãy cảnh giác trước sai lầm nguy hại, khiến họ lầm tưởng rằng, họ không còn gì phải sám hối nữa một khi đã được tha thứ. Hãy nhớ lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Thánh Thần đã phán dạy trong Kinh Thánh: “Chớ nên không lo sợ về tội đã được tha!”[4]. Lòng tín thác vào ơn tha thứ của chúng ta phải tỷ lệ thuận với sự đổi mới và hoán cải của tâm hồn. Càng chê ghét tội lỗi trong quá khứ và càng khát khao thực hành đền tội suốt đời, chúng ta càng có cơ sở vững chắc để tin rằng mình đã được thứ tha. Chính Sách Thánh đã quả quyết: “Con người không biết được, mình đáng yêu hay đáng ghét”[5]; nhưng ai luôn giữ trong lòng tinh thần sám hối thì có mọi lý do để hy vọng rằng Thiên Chúa yêu thương mình.
Nhưng việc can đảm tuân giữ lệnh truyền của Giáo Hội về việc ăn chay và kiêng thịt trong Mùa Chay phải đi đôi với hai việc lành trổi vượt khác mà Thiên Chúa luôn kêu gọi chúng ta trong Kinh Thánh: “cầu nguyện và bố thí”. Cũng như dưới thuật ngữ “chay tịnh”, Giáo Hội ám chỉ mọi hình thức khổ chế, thì dưới danh từ “cầu nguyện”, Giáo Hội cũng bao gồm tất cả những thực hành đạo đức, nhờ đó linh hồn được đối thoại thân tình với Thiên Chúa. Siêng năng tham dự các cử hành Phụng vụ của Giáo Hội, tham dự Thánh Lễ hằng ngày, đọc sách thiêng liêng, suy niệm về các chân lý đời đời và Cuộc Thương Khó của Chúa, lắng nghe các bài giảng, và nhất là siêng năng lãnh nhận các Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể – đó là những phương thế chính yếu để các tín hữu dâng lên Thiên Chúa tâm tình cầu nguyện trong mùa thánh thiêng này.
Việc bố thí bao gồm tất cả các công việc bác ái đối với tha nhân và đã được các thánh Tiến sĩ Hội Thánh đồng lòng khuyến khích như là yếu tố bổ túc cần thiết cho việc ăn chay và cầu nguyện trong Mùa Chay. Thiên Chúa đã thiết lập một lề luật mà chính Ngài đã thương kết buộc mình vào đó: lòng bác ái đối với tha nhân, khi được thực hiện với ý hướng làm đẹp lòng Đấng Tạo Hóa sẽ được Ngài thưởng công như thể chính Ngài là Đấng đã nhận lãnh. Chắc chắn điều này làm cho chúng ta nhận thức rõ ràng và sâu sắc về thực tại cũng như sự thánh thiêng của mối dây liên kết mà Thiên Chúa muốn thiết lập giữa mọi người! Thật vậy, mối dây này cần thiết đến mức Cha trên trời của chúng ta sẽ không chấp nhận tình yêu của bất kỳ tấm lòng nào từ chối thể hiện lòng thương xót: nhưng mặt khác, Ngài chấp nhận lòng bác ái chân thành của mọi Kitô hữu đã thể hiện lòng thương xót đối với anh chị em đồng loại như đã làm cho chính Ngài vậy. Ngài thực sự thừa nhận và tôn vinh sự hiệp nhất cao cả, làm cho mọi người trở thành một gia đình với Thiên Chúa là Cha. Do đó, những việc làm bác ái khi thực hiện với ý định này không chỉ là hành động từ bi của con người, mà còn được nâng lên thành những hành động tôn giáo, với Thiên Chúa là đối tượng trực tiếp, và có sức mạnh làm dịu đi sự công minh chính trực của Ngài.
Chúng ta hãy ghi nhớ lời khuyên của Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael dành cho ông Tôbia. Khi sắp từ biệt gia đình thánh thiện này để trở về trời, Ngài đã nói: “Cầu nguyện đi đôi với chay tịnh và bố thí thì tốt hơn là tích trữ vàng bạc, vì việc bố thí cứu thoát khỏi sự chết, tẩy xóa tội lỗi và giúp tìm được lòng thương xót cùng sự sống đời đời.”[6] Những lời khuyên dạy trong Sách Huấn Ca về đức bác ái cũng mạnh mẽ không kém: “Nước dập tắt lửa hừng hực, và bố thí đền bù tội lỗi.”[7] Và lại nữa: “Hãy cất giữ của bố thí trong lòng người nghèo, thì nó sẽ trở thành sự trợ giúp cho con chống lại mọi sự dữ”[8]. Người Kitô hữu hãy luôn luôn ghi nhớ những lời khuyên dạy đầy an ủi này, đặc biệt là trong Mùa Chay. Người giàu cần thể hiện cho người nghèo (những người mà cả năm dường như là một mùa chay liên lỉ) thấy rằng cũng có thời điểm mà chính họ tự nguyện từ bỏ những tiện nghi của mình. Việc giữ chay thánh thiện trong Mùa Chay tự nhiên mang lại một sự tiết kiệm; vậy hãy dành sự tiết kiệm đó cho Lazarô. Chắc chắn không có gì trái ngược hơn với tinh thần của mùa thánh này bằng việc duy trì bàn tiệc được chuẩn bị chu đáo và tinh tế như trong những thời điểm khác trong năm khi Thiên Chúa cho phép chúng ta hưởng dùng những tiện nghi phù hợp với điều kiện mà Người đã ban cho chúng ta. Nhưng thật thấm đượm tinh thần Kitô Giáo biết bao khi trong những ngày sám hối và bác ái này, cuộc sống của người nghèo được an ủi hơn, nhờ vào sự hy sinh và chia sẻ của người giàu, những người tự nguyện thông phần vào những gian khổ và thiếu thốn của anh chị em mình trên khắp thế giới! Khi đó, người giàu và kẻ nghèo sẽ cùng nhau tiến đến Bàn Tiệc Thánh Thể với tâm hồn rạng ngời tình huynh đệ, để đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô Phục Sinh sau 40 ngày chay thánh.
Còn một phương thế nữa để chúng ta bảo đảm lãnh nhận được những ân sủng cao cả của Mùa Chay, đó là tinh thần hồi tâm và tách biệt khỏi thế gian. Đời sống thường ngày của chúng ta, vốn diễn ra như bao tháng ngày khác trong năm, cần phải được uốn nắn theo tinh thần của mùa sám hối thánh thiện này; nếu không, những tâm tình sốt sắng mà nghi thức trọng thể của Thứ Tư Lễ Tro khơi lên trong lòng ta sẽ sớm bị phai nhạt. Vì thế, người Kitô hữu phải tự khước từ mọi thú vui phù phiếm, các cuộc giải trí và hội hè của thế gian trong suốt Mùa Chay. Đặc biệt, đối với các rạp hát và vũ hội – những nơi mà thế gian bộc lộ trọn vẹn quyền lực cám dỗ và gây nguy hại – không ai tự xưng là môn đệ của Đức Kitô lại có thể hiện diện ở đó, trừ khi vì bổn phận hoặc địa vị trong xã hội buộc họ phải tham dự. Nhưng nếu do ý muốn tự do của mình, người Kitô hữu tự đẩy mình vào những nguy cơ ấy trong chính mùa thánh thiêng của sám hối và hồi tâm thì đó chính là một sự xúc phạm đến phẩm cách của mình. Họ hẳn đã không còn tin rằng mình có tội cần đền bù và một Thiên Chúa để nguôi lòng họ. Thế gian (chúng tôi muốn nói đến thành phần còn mang danh Kitô giáo) đã gạt bỏ tất cả những dấu chỉ bề ngoài của sự thống hối và ăn năn, những điều mà chúng ta đọc thấy đã được tuân giữ cách sốt sắng trong các thời đại đức tin; hãy để điều đó qua đi, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi: sự công minh của Thiên Chúa và bổn phận của con người để làm nguôi sự công minh ấy. Thế gian có thể nổi loạn chống lại phán quyết ấy bao nhiêu tùy ý, nhưng phán quyết đó vẫn không thể thay đổi: “Nếu các ngươi không sám hối, thì tất cả sẽ phải chết như vậy”[9]. Đó chính là lời của Thiên Chúa. Nếu các ngươi nói rằng ngày nay ít người còn lắng nghe lời ấy và chính vì lý do đó mà nhiều người đã bị hư mất. Những ai nghe lời này cũng đừng quên những lời cảnh báo mà chính Đấng Cứu Thế chí thánh của chúng ta đã phán dạy trong trình thuật Tin Mừng được đọc vào Chúa Nhật Sexagesima. Ngài đã nói với chúng ta rằng: có những hạt giống rơi xuống ven đường thì bị người qua kẻ lại giẫm đạp hoặc chim trời đến ăn mất; có những hạt rơi trên đá sỏi thì bị khô héo; và có những hạt bị gai góc bóp nghẹt. Vậy, chúng ta hãy khôn ngoan, đừng tiếc công khó để trở thành mảnh đất tốt, không chỉ đón nhận hạt giống thần linh, mà còn sinh hoa kết quả gấp trăm lần cho mùa gặt Phục Sinh đang đến gần.
Một cảm giác không thể tránh khỏi sẽ nảy sinh trong tâm trí một số độc giả khi họ đọc lướt qua những trang này, trong đó chúng tôi đã cố gắng thể hiện tinh thần của Giáo Hội, không chỉ được diễn tả qua phụng vụ mà còn qua các sắc lệnh của các Công Đồng và trong các tác phẩm của các thánh Giáo Phụ. Cảm nhận mà chúng tôi muốn đề cập đến chính là sự nuối tiếc khi không tìm thấy trong khoảng thời gian này của Năm Phụng Vụ những vần thơ sâu lắng và tuyệt mỹ đã làm nên sức hấp dẫn diệu kỳ cho 40 ngày của mùa Giáng Sinh trọng đại. Trước hết là Chúa Nhật Septuagesima phủ bóng u buồn lên những thị kiến đầy huyền nhiệm của mầu nhiệm Bêlem; và giờ đây, chúng ta đã bước vào một miền hoang địa, nơi đầy gai góc trên từng bước chân và chẳng có suối nước nào để giải khát. Tuy nhiên, chúng ta đừng than phiền, vì Mẹ Giáo Hội thấu hiểu những nhu cầu đích thực của chúng ta và luôn tận tâm đáp ứng. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi Mẹ Giáo Hội đòi hỏi có một sự chuẩn bị nghiêm khắc hơn cho Lễ Phục Sinh so với Lễ Giáng Sinh. Vào lễ Giáng Sinh, chúng ta đến với Chúa Giêsu là một Hài Nhi; khi ấy, toàn thể Giáo Hội hướng dẫn chúng ta qua những thực hành của Mùa Vọng, vì các mầu nhiệm Cứu Chuộc chúng ta chỉ mới khởi đầu.
Và trong số những kẻ tìm đến bên máng cỏ của Chúa Giêsu, có nhiều người giống như các mục đồng nghèo khó tại Bêlem, có thể được gọi là đơn sơ, ít nhất trong ý nghĩa này là họ chưa ý thức đủ về sự thánh thiện của Thiên Chúa Nhập Thể hoặc sự khốn cùng và tội lỗi của chính lương tâm mình. Nhưng giờ đây, khi Con Thiên Chúa vĩnh cửu đã bước vào con đường sám hối; giờ đây chúng ta sắp thấy Ngài là nạn nhân của mọi sự sỉ nhục, và thậm chí phải chịu chết trên thập tự giá. Giáo Hội không tiếc lời răn dạy và đánh thức chúng khỏi sự ngu muội và tự mãn. Giáo Hội bảo ban chúng ta hãy đấm ngực, ăn năn trong tâm hồn, hãm mình vì chúng ta là tội nhân. Tất cả đời sống của chúng ta phải là một cuộc đời sám hối; các tâm hồn đạo đức thánh thiện luôn luôn sống trong tinh thần sám hối: liệu có thể có điều gì chính đáng và cần thiết hơn việc chúng ta phải sám hối trong những ngày này, khi Đức Giêsu, Chúa của chúng ta đang ăn chay trong hoang địa và sẽ phải chết trên đồi Canvê? Đấng Cứu Chuộc đã nói với các thiếu nữ Giêrusalem vào ngày Ngài chịu khổ hình. Chúng ta hãy áp dụng lời dạy ấy cho chính mình: “Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”[10]. Ôi, thật là một sự mặc khải lớn lao! Và như thế, nhờ lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng nói lên điều này, cây khô có thể trở nên xanh tươi và như vậy sẽ không bị thiêu hủy.
Hơn nữa, Giáo Hội hy vọng và đang dốc hết sức lực của mình để điều đó trở thành hiện thực; vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta mang lấy ách của Chúa và Ngài đã trao ban cho chúng ta Mùa Chay. Chỉ cần can đảm bước theo con đường sám hối, ánh sáng cứu độ sẽ dần chiếu rọi trên chúng ta. Nếu bây giờ tội lỗi làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, thì mùa hồng phúc này sẽ là giai đoạn mà các thánh gọi là thời gian thanh luyện sẽ mang lại cho chúng ta sự thanh sạch, giúp chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa trong vinh quang chiến thắng của Ngài trên sự chết. Trái lại, nếu chúng ta thực sự đang sống một đời sống được chiếu soi; và nếu trong ba tuần của Septuagesima (ba tuần chuẩn bị bước vào Mùa Chay thánh), chúng ta đã can đảm nhìn sâu vào vực thẳm tội lỗi của mình thì Mùa Chay sẽ giúp chúng ta chiêm ngưỡng rõ ràng hơn Đấng là ánh sáng của chúng ta. Và nếu chúng ta đã nhận ra Ngài là Thiên Chúa khi chiêm ngắm Hài Nhi Bêlem, thì đôi mắt linh hồn chúng ta cũng sẽ không thể không nhận ra Ngài nơi Đấng Chay Tịnh trong hoang địa, hay trong Hiến Tế đẫm máu trên đồi Canvê.
_________________________________________
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Lent”, Volume 5, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 29-42.
CHÚ THÍCH
[1] Tv 110, 10.
[2] Mt 4, 17.
[3] Lc 13, 3.
[4] Hc 5, 5.
[5] Hc 9, 1.
[6] Tb 12, 8-9.
[7] Hc 3, 33.
[8] Hc 29, 15.
[9] Lc 13, 3.
[10] Lc 23, 31.
Vui lòng ghi: “Nguồn: Truyền Thông Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam – ngoiloivn.net” khi đăng tải lại các bài viết từ trang này.