CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM CỦA MÙA THƯƠNG KHÓ VÀ TUẦN THÁNH

0
52

👆  CHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA THƯƠNG KHÓ VÀ TUẦN THÁNH>>>

👆    CHƯƠNG III: THỰC HÀNH TRONG MÙA THƯƠNG KHÓ VÀ TUẦN THÁNH>>>


Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Passiontide And Holy Week”, Volume 6, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 11-15.

 

CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM CỦA MÙA THƯƠNG KHÓ VÀ TUẦN THÁNH

Phụng vụ thánh trong những ngày này thật phong phú về các mầu nhiệm khi Giáo Hội cử hành các đại lễ để tưởng niệm về biết bao biến cố kỳ diệu. Tuy nhiên, vì phần chính yếu của những mầu nhiệm này được thể hiện trong các nghi thức và cử hành phụng vụ riêng biệt của từng ngày, nên chúng tôi sẽ đưa ra những lời giải thích tương ứng với từng hoàn cảnh cụ thể. Mục đích của chương này là trình bày đôi nét về đặc điểm chung của các mầu nhiệm trong hai tuần lễ này.

Chúng tôi không có gì để thêm vào phần giải thích đã được trình bày trong Mùa Chay về mầu nhiệm con số 40. Mùa thánh thiện của việc đền bù tội lỗi vẫn được tiếp tục cho đến khi việc chay tịnh của nhân loại tội lỗi được mô phỏng theo thời gian ăn chay mà Thiên Chúa làm người đã thực hiện trong hoang địa. Những người con trung thành của Giáo Hội vẫn đang chiến đấu chống lại những kẻ thù vô hình đe dọa ơn cứu độ của nhân loại. Họ vẫn khoác trên mình áo giáp thiêng liêng và được các thiên thần ánh sáng trợ giúp, họ đang chiến đấu mặt giáp mặt với các tà thần của bóng tối bằng chính lòng thống hối và sự hãm mình.

Như chúng ta biết, có ba mục đích chính chi phối các tư tưởng của Giáo Hội trong suốt Mùa Chay. Đó là: thứ nhất là Cuộc Thương Khó của Đấng Cứu Thế, mà chúng ta cảm nhận được đang đến gần với chúng ta từng tuần một; thứ hai là sự chuẩn bị của các dự tòng cho Bí Tích Rửa Tội, sẽ được ban cho họ vào đêm Vượt Qua; và thứ ba là sự hòa giải công khai của các tội nhân, những người sẽ được tái hoà nhập với Giáo Hội vào ngày Thứ Năm, ngày của Bữa Tiệc Ly. Giáo Hội luôn quan tâm và hướng lòng tới ba mục đích này mỗi khi thời gian cử hành càng đến gần hơn.

Phép lạ mà Đấng Cứu Thế đã thực hiện ngay gần cổng thành Giêrusalem khi Ngài cho anh Lazarô sống lại đã khiến cơn thịnh nộ của những kẻ thù chống đối Ngài bùng lên đến tột đỉnh cuồng nộ. Lòng nhiệt thành của dân chúng đã bùng lên khi họ thấy người chết đã nằm trong mồ bốn ngày rồi, nay bước đi trên các đường phố của thành thánh. Họ hỏi nhau liệu khi Đấng Mêsia đến, Người có thể làm những kỳ công lớn lao hơn những điều mà Đức Giêsu đã thực hiện hay không và liệu họ có nên lập tức đón nhận Đức Giêsu như Đấng Mêsia và cất tiếng tung hô Ngài hay không, vì Ngài là Con Vua Đavít. Họ không thể kìm nén cảm xúc của mình. Khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem và họ đón chào Ngài như vị Vua của họ. Các thượng tế và các thủ lãnh của dân tỏ ra lo lắng trước tấm lòng yêu thương và quý mến này; họ không còn thời gian để chần chừ nữa, nên quyết định phải giết Đức Giêsu. Chúng ta sắp chứng kiến âm mưu phạm thượng của họ: Máu của Đấng Công Chính sẽ bị đem bán và giá bán Ngài chỉ là 30 đồng bạc. Hy Tế Chiên Thiên Chúa bị một trong các môn đệ phản bội, bị xét xử, kết án và đóng đinh vào thập giá. Mọi tình tiết của thảm kịch khủng khiếp này sẽ được Phụng Vụ trình bày trước mắt chúng ta, không chỉ bằng lời nói mà còn qua tất cả sự diễn tả sống động của những nghi thức cao trọng.

Các dự tòng chỉ còn ít ngày nữa là được đến với nguồn suối ban sự sống. Mỗi ngày, họ càng được dạy dỗ sâu rộng và đầy đủ hơn; các hình ảnh của Luật Cũ đang được tỏ bày cho họ, và giờ đây, họ chỉ còn rất ít thời gian để học hỏi về các mầu nhiệm cứu độ. Biểu tín Đức tin sắp được trao cho họ; được dẫn vào sự vinh hiển cũng như sự hạ mình của Đấng Cứu Thế, họ sẽ cùng với các tín hữu mong chờ giây phút Phục Sinh vinh quang của Ngài. Và chúng ta sẽ đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện và những bài thánh ca trong giờ trọng đại ấy, khi họ rũ bỏ mọi vết nhơ tội lỗi trong dòng nước ban sự sống, bước ra tinh tuyền và rạng rỡ trong sự thanh sạch, được tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần và được nuôi dưỡng bằng Thịt Máu thần linh của Chiên Thiên Chúa, Đấng hằng sống muôn đời.

Giờ phút hòa giải của các hối nhân cũng đã gần kề. Các hối nhân vẫn tiếp tục công cuộc đền tội của mình bằng việc mặc áo nhặm và rắc tro để tỏ lòng sám hối. Giáo Hội cũng sử dụng nhiều đoạn Kinh Thánh để đọc cho các hối nhân mà chúng ta đã được nghe trong một số tuần cuối của Mùa Chay và các trích đoạn Kinh Thánh này cũng sẽ mang lại sự an ủi và nâng đỡ tâm hồn cho các hối nhân. Ngày Chiên Thiên Chúa chịu sát tế đang đến gần làm gia tăng niềm hy vọng của họ, vì họ biết rằng Máu của Chiên Thiên Chúa có giá trị vô song và có thể xóa bỏ tội lỗi của toàn thể nhân loại. Trước ngày Phục Sinh của Đức Giêsu, họ sẽ tìm lại được sự trong sạch đã đánh mất; ơn tha thứ sẽ đến với họ ngay tức khắc, để họ như người con hoang đàng sám hối có thể cùng tham dự vào Bữa Tiệc trọng đại của ngày Thứ Năm, khi Đức Giêsu nói với các môn đệ của Ngài: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ nạn.”[1]

Đó là những mầu nhiệm cao cả sắp được tỏ bày trước mắt chúng ta. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng sẽ thấy Mẹ Giáo Hội than khóc như một người góa phụ sầu muộn, với nỗi buồn thẳm sâu vượt trên mọi nỗi đau trần thế. Cho đến nay, Mẹ Giáo Hội đã khóc than vì tội lỗi của con cái mình, nhưng giờ đây, lại than khóc trước cái chết của Thiên Chúa Tình Quân. Lời hoan ca Alleluia đã từ lâu phải im lặng trong các bài thánh ca của Giáo Hội. Giờ đây, Giáo Hội sắp loại bỏ thêm một lời tung hô nữa, vì dường như nó vẫn còn quá vui tươi đối với thời khắc này. Ban đầu[2] chỉ loại bỏ một phần nào, nhưng trong ba ngày cuối cùng, Giáo Hội sẽ hoàn toàn từ chối việc sử dụng lời tung hô thân thương ấy: Vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Lời tung hô này mang âm hưởng hoan ca, điều không phù hợp với tâm tình sầu thương của Mẹ Giáo Hội và bầu khí u sầu của các bài ca phụng vụ trong thời khắc thánh này.

Những lời dạy của Giáo Hội  trong giờ Kinh Đêm được trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia, vị ngôn sứ của sự ai oán hơn bất cứ vị ngôn sứ nào khác. Màu sắc nơi các phẩm phục của Giáo Hội chính là tông màu mà Giáo Hội đã mặc khi Giáo Hội qui tụ chúng ta vào thời điểm khởi đầu của Mùa Chay để rắc tro trên chúng ta. Nhưng khi ngày Thứ Sáu Tuần Thánh kinh hoàng đến, thì màu tím cũng không đủ để diễn tả hết nỗi sầu thương sâu thẳm của Giáo Hội. Mẹ Giáo Hội sẽ khoác lên trên mình màu đen giống như con người vẫn thường mặc khi than khóc một người đồng loại qua đời; vì Đức Giêsu, Tân Lang của Giáo Hội sẽ chịu chết vào ngày đó: tội lỗi của nhân loại và sự nghiêm minh của công lý Thiên Chúa sẽ đè nặng trên Ngài và trong nỗi hấp hối sau cùng, Ngài sẽ phó dâng Linh Hồn của Ngài trong tay Chúa Cha.

Linh cảm về giờ phút kinh hoàng ấy khiến Mẹ Giáo Hội đau khổ che phủ hình ảnh Đức Giêsu: thánh giá được che khuất khỏi ánh mắt của người tín hữu. Tượng ảnh các thánh cũng được che phủ; vì đó là lẽ công bằng, nếu vinh quang của Thầy bị che khuất thì tôi tớ cũng không được tỏ lộ. Các nhà chú giải phụng vụ cho chúng ta biết rằng, nghi thức phủ khăn che Thánh Giá trong Mùa Thương Khó diễn tả sự khiêm hạ mà Đấng Cứu Thế đã chấp nhận, khi Ngài ẩn mình để tránh cơn cuồng nộ của người Do Thái, những kẻ đã toan tính ném đá Ngài như được thuật lại trong Tin Mừng Chúa Nhật Thương Khó. Vì thế, trong những năm khi lễ Truyền Tin của Đức Mẹ rơi vào Tuần Thương Khó, tượng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vẫn được phủ khăn ngay cả trong chính ngày mà Tổng Lãnh Thiên Thần chào kính Mẹ là Đấng đầy ơn phúc và được chúc phúc giữa muôn người phụ nữ.


Chú thích

[1] Lc 22, 15.

[2] Trừ khi là ngày lễ kính một vị thánh, thường xảy ra trong tuần thứ nhất của hai tuần này. Ngoại lệ tương tự cũng sẽ được áp dụng trong những phần tiếp theo.


Vui lòng ghi: “Nguồn: Truyền Thông Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam – ngoiloivn.net” khi đăng tải lại các bài viết từ trang này.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 4 MC)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 4 MC)