Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên, năm C (Lc 9,51-62)

0
586

VÌ SAO ĐỨC GIÊSU PHẢI LÊN GIÊRUSALEM?

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Lc 9,51-62)

Hy Lạp Việt
51 Ἐγένετο δὲ ἐν τῷ συμπληροῦσθαι τὰς ἡμέρας τῆς ἀναλήμψεως αὐτοῦ καὶ αὐτὸς τὸ πρόσωπον ἐστήρισεν τοῦ πορεύεσθαι εἰς Ἰερουσαλήμ.

52 Καὶ ἀπέστειλεν ἀγγέλους πρὸ προσώπου αὐτοῦ. καὶ πορευθέντες εἰσῆλθον εἰς κώμην Σαμαριτῶν ὡς ἑτοιμάσαι αὐτῷ·

53 καὶ οὐκ ἐδέξαντο αὐτόν, ὅτι τὸ πρόσωπον αὐτοῦ ἦν πορευόμενον εἰς Ἰερουσαλήμ.

54 ἰδόντες δὲ οἱ μαθηταὶ Ἰάκωβος καὶ Ἰωάννης εἶπαν· κύριε, θέλεις εἴπωμεν πῦρ καταβῆναι ἀπὸ τοῦ οὐρανοῦ καὶ ἀναλῶσαι αὐτούς;

55 στραφεὶς δὲ ἐπετίμησεν αὐτοῖς.

56 καὶ ἐπορεύθησαν εἰς ἑτέραν κώμην.

57 Καὶ πορευομένων αὐτῶν ἐν τῇ ὁδῷ εἶπέν τις πρὸς αὐτόν· ἀκολουθήσω σοι ὅπου ἐὰν ἀπέρχῃ.

58 καὶ εἶπεν αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς· αἱ ἀλώπεκες φωλεοὺς ἔχουσιν καὶ τὰ πετεινὰ τοῦ οὐρανοῦ κατασκηνώσεις, ὁ δὲ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου οὐκ ἔχει ποῦ τὴν κεφαλὴν κλίνῃ.

59 Εἶπεν δὲ πρὸς ἕτερον· ἀκολούθει μοι. ὁ δὲ εἶπεν· [κύριε,] ἐπίτρεψόν μοι ἀπελθόντι πρῶτον θάψαι τὸν πατέρα μου.

60 εἶπεν δὲ αὐτῷ· ἄφες τοὺς νεκροὺς θάψαι τοὺς ἑαυτῶν νεκρούς, σὺ δὲ ἀπελθὼν διάγγελλε τὴν βασιλείαν τοῦ θεοῦ.

61 Εἶπεν δὲ καὶ ἕτερος· ἀκολουθήσω σοι, κύριε· πρῶτον δὲ ἐπίτρεψόν μοι ἀποτάξασθαι τοῖς εἰς τὸν οἶκόν μου.

62 εἶπεν δὲ [πρὸς αὐτὸν] ὁ Ἰησοῦς· οὐδεὶς ἐπιβαλὼν τὴν χεῖρα ἐπ᾽ ἄροτρον καὶ βλέπων εἰς τὰ ὀπίσω εὔθετός ἐστιν τῇ βασιλείᾳ τοῦ θεοῦ. (Lk. 9:51-62 BGT)

51 Khi những ngày lên trời của Người đến hồi hoàn tất, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem.

52 Người sai các sứ giả đi trước mặt Người, sau khi lên đường, họ đi vào làng Samari để chuẩn bị cho Người.

53 Nhưng họ không đón chào Người vì Người đang đi hướng về Giêrusalem.

54 Khi thấy như thế, các môn đệ Gioan và Giacôbê nói: “Thưa Ngài, Ngài có muốn chúng con làm cho lửa từ trời đi xuống và thiêu rụi họ không?”

55 Sau khi quay lại, Đức Giêsu khiển trách họ.

56 Rồi họ đi qua làng khác.

57 Và khi họ đang hành trình trên đường, một ai đó đã nói cùng Người, tôi sẽ đi theo Ngài, bất cứ nơi đâu Ngài đi”.

58 Đức Giêsu nói cùng anh ta: “Những con chồn có hang và những con chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu.

59 Người lại nói cùng người khác: “Hãy đi theo tôi”. Nhưng anh ta nói: “Thưa Ngài, xin cho phép con ra đi để chôn cất cha của con đã”.

60 Người nói cùng anh ta: “Hãy để những người chết chôn những người chết của họ, còn con hãy ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa”.

61 Một người khác lại nói với Người: “Thưa Ngài! Con sẽ đi theo Ngài, nhưng trước tiên hãy cho phép con chia tay những người trong nhà con đã”

62 Đức Giêsu nói cùng anh ta: “Không ai đã đặt tay trên một cái cày và quay lại đằng sau phù hợp với Nước Thiên Chúa”.

 

Bối cảnh

Lc 9,51-57 là phần đầu của trình thuật về kỳ giảng thứ hai trong ba kỳ trong thời giảng dạy công khai của Đức Giêsu: (1) Kỳ giảng tại Galilaia (Lc 3,1 – 9,50); (2) Kỳ giảng trên đường lên Giêrusalem (9,51 – 19,27); (3) Kỳ giảng tại Giêrusalem (9,28 – 21,38).[1] Đây là kỳ giảng rất quan trọng đối với tác giả Luca, bằng chứng là kỳ giảng này chiếm hơn kém 10 chương trong tổng số 19 chương của thời kỳ giảng dạy (Mt chỉ có 2 chương:19 – 20; Mc chỉ có 1 chương: 10). Chủ đề về “khổ nạn và phục sinh” được nhắc đến ngay đầu đoạn văn này (những ngày lên trời Đức Giêsu) là chủ đề đã được nói trước đó: Tiền báo về biến cố Thương Khó – Phục Sinh lần thứ nhất (Lc 9,22); Con Người đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các Thiên Thần (Lc 9,26); Đức Giêsu biến hình (Lc 9,28-36); Tiền báo về biến cố Thương Khó – Phục Sinh lần thứ hai (Lc 9,43b-45). Chủ đề về Nước Thiên Chúa, được nhắc đến hai lần trong đoạn văn này (9, 60.62) cũng được Đức Giêsu nhắc đến trước đó ít lâu (Lc 9,2.11). Đây cũng là chủ đề quan trọng bao trùm tất cả thông điệp Tin Mừng của Đức Giêsu: Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Mục đích của hành trình của Đức Giêsu là để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa (Lc 4,43; Cf. Lc 8,1; 9,2.11). Chủ đề “từ bỏ và đi theo” trải dài trong đoạn văn này gợi nhớ đến sự kiện đám đông “đi theo” Đức Giêsu vào sa mạc (Lc 9,11); Lời mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Cách nói “Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” nối kết chặt chẽ danh ngữ “cuộc xuất hành Người sắp hoàn tất tại Giêrusalem” nhấn mạnh địa danh Giêrusalem như là điểm cuối cùng của hành trình dương thế của Đức Giêsu.

Cấu Trúc

Bối cảnh: Đường lên Giêrusalem (51)

Dân làng Samari không tiếp đón (52-56)

Ba ứng sinh trên đường lên Giêrusalem (57-62)

Người thứ nhất (57-58): Tự nguyện theo Chúa

Đáp trả: Con Người không có chỗ tựa đầu.

Người thứ hai (59-60): Được Đức Giêsu mời gọi

Xin phép được chôn cất cha

Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết

Rao giảng Nước Thiên Chúa

Người thứ ba (61-62): Tự nguyện theo Chúa

Xin phép được chia tay người nhà

Ai cầm cày mà nhìn lại đằng sau – không xứng với Nước Thiên Chúa

 

Một số điểm chú giải

  1. Những ngày lên trời của Người đến hồi hoàn tất”: Tác giả Luca dùng kỹ thuật văn chương gọi là “báo trước” (foreshadowing). Tác giả báo trước cho độc giả về “ngày lên trời của Người”. Kỹ thuật này vừa cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh hành trình của Đức Giêsu, vừa gây sự tò mò, lý thú cho độc giả để tiếp tục đọc tiếp phần còn lại của Tin Mừng. Cuối cùng, Đức Giêsu, nhân vật chính của câu chuyện Tin Mừng, sẽ lên trời.[2] Tuy nhiên, muốn biết Người sẽ lên trời như thế nào thì độc giả phải theo dõi phần còn lại của câu chuyện. Trước đó, Đức Giêsu đã hai lần bật mí về giai đoạn cuối của hành trình rao giảng của Người là “khổ nạn – Phục Sinh”: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các Kỳ Lão, Thượng Tế và Kinh Sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22; Cf. Lc 9,44). Động từ “hoàn tất” (συμπληροῦσθαι) gợi nhớ đến sự hoàn tất của cuộc xuất hành mà ông Môsê và ông Êlia đã bàn luận với Đức Giêsu trong trình thuật Đức Giêsu biến hình (Lc 9,28-36).[3] Như thế, cuộc xuất hành mà Đức Giêsu sắp hoàn tất ở tại Giêrusalem bao hàm cuộc Thương Khó – Phục Sinh và cả lên trời nữa. Danh từ “ngày” được dùng ở số nhiều “những ngày” (τὰς ἡμέρας) ngụ ý rằng sự “thăng thiên” của Đức Giêsu là một tiến trình chứ không phải là một biến cố đơn lẻ trong một ngày.[4]
  2. “Nhất quyết đi lên Giêrusalem”: Tác giả dùng một cách diễn tả khá lạ lùng đề nói về quyết tâm của Đức Giêsu. Ngữ động từ “τὸ πρόσωπον ἐστήρισεν” có nghĩa đen là “bố trí khuôn mặt” hay “làm cho gương mặt phù hợp” để đi về Giêrusalem. Bản dịch các ngôn ngữ hiện đại tương đương là: “He set his face to go to Jerusalem” (ESV); “he resolutely determined to journey to Jerusalem” (NAB); “Jésus prit résolument la route de Jérusalem” (TOB); “Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (CGKPV); “Người quả cảm đi lên Giêrusalem” (NTT). Có lẽ, tác giả cố ý dùng danh từ “khuôn mặt” để kết hợp hài hòa với hành động “sai các thiên sứ đi trước mặt Người” (πέστειλεν ἀγγέλους πρὸ προσώπου αὐτοῦ, 9,52); và “Người đang hành trình hướng về Giêrusalem” (9,53), tiếp nối sau đó. Hơn nữa, danh từ “khuôn mặt” còn có thể nối kết chặt chẽ với hình ảnh “nhìn về phía sau” (βλέπων εἰς τὰ ὀπίσω) mà Đức Giêsu dùng để khuyên ứng sinh thứ ba trong đoạn văn này. Hướng mặt về Giêrusalem có nghĩa là không nhìn về phía sau nữa. Tác giả F. Bovon cho rằng “bố trí khuôn mặt” diễn tả sự xác quyết và diễn tả việc Đức Giêsu đối diện với số phận, chấp nhận đau khổ và cái chết.[5] “Đi lên Giêrusalem” là một ngữ động từ đặc trưng của tác giả Luca, đặc biệt là trong kỳ giảng thứ hai (kỳ giảng trên đường lên Giêrusalem). Động từ “lên đường” được lặp lại năm lần trong đoạn văn này (9, 51.52.53.56.57), trong đó, có một lần tác giả nói rằng: “Khi họ đang đi trên đường” (πορευομένων αὐτῶν ἐν τῇ ὁδῷ), nhấn mạnh hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu và các môn đệ. “Đi lên Giêrusalem” là đi vào cuộc khổ nạn, phục sinh và lên trời. Trong suốt trình thuật về kỳ rao giảng thứ hai, tác giả không ngừng nhắc đi, nhắc lại cho độc giả nhớ rằng Đức Giêsu đang trên hành trình lên Giêrusalem: “Trong khi họ đang hành trình, Đức Giêsu vào làng kia” (Lc 10,38); Đức Giêsu băng qua các thị trấn, làng mạc, giảng dạy và hành trình về Giêrusalem (Lc 13,22; Cf. Lc 13,31.33); Trên hành trình đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi băng qua Samari và Galilaia (Lc 17,11); Sau khi mang riêng nhóm Mười Hai ra, Đức Giêsu nói cùng họ rằng: “Này, chúng ta đi lên Giêrusalem” (Lc 18,31.35); và “Sau khi nói những điều ấy Người đi đầu, tiến lên Giêrusalem” (Lc 19,28; Cf. 19,1.11). Đức Giêsu nhất quyết phải lên Giêrusalem để chịu chết trong tư cách là một vị ngôn sứ: “Một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13,33).[6]
  3. Làng Samari: Samari là thủ đô của quốc gia miền Bắc thời đất nước chia đôi. Nước miền Bắc của mảnh đất Ítrael – Palestin được gọi là vương quốc Ítrael, có thủ đô là Samari (1 V 16,24); Nước miền Nam được gọi là vương quốc Giuđa, thủ đô là Giêrusalem. Vương quốc miền Bắc bị tàn phá và thủ đô Samari bị đế quốc Átsyri san thành bình địa vào năm 722-720. Một bộ phận dân chúng di chuyển vào vương quốc miền Nam, trong khi phần lớn bị lưu đày và phấn tán.[7] Đế quốc Átsyri bố trí những nhóm dân ngoại quốc trên mảnh đất Đế Quốc đã bị sụp đổ (2 V 17,24).[8] Samari sau đó trở thành một vùng đất có dân trộn lẫn giữa người ngoại quốc và dân Ítrael. Họ thờ phượng Chúa nên núi Garidim và không qua lại với những người Do Thái (x. Ga 4,1-42). Đền thờ Garidim bị John Hyrcanus (lãnh đạo nhà Macabê) phá hủy vào khoảng năm 128 tCn. Sách Thánh của họ được giới hạn vào bộ Ngũ Thư và có phụng vụ riêng của họ.[9] Sự xung đột giữa những người Samari và những người Giuđa có lẽ bắt đầu từ thời điểm dân lưu đày của vương quốc miền Nam (Ítrael) được vua của đế quốc Ba Tư cho trở về quê hương và xây lại đền thờ. Khi ấy, những người ở Samari đến và xin cùng góp công, góp tiền xây lại đền thờ, nhưng những người trở về từ Babylon từ chối thẳng thừng: “Việc xây nhà cho Thiên Chúa chúng tôi là việc của chúng tôi, không phải việc chung của các ông và chúng tôi, vì chỉ có chúng tôi sẽ xây nhà cho Chúa, Thiên Chúa của Ítrael, theo lệnh của vua Kyrô, vua Ba Tư đã ban cho chúng tôi” (Er 4,3; Cf. Nkm 2,19; 4,2-9). Những người Samari nổi giận và gửi một bản cáo tội dân cư Giuđa và Giêrusalem lên các hoàng đế tiếp theo của Ba Tư, là Xécxét (Ahátsuerus) và Áctắcsátta, phá hoại việc tái thiết đền thờ (Er 4,6-23). Kết quả là việc tái thiết đền thờ phải bị ngưng lại cho đến năm thứ hai triều vua Đariô, vua Ba Tư (Er 4,24). Tác giả Luca có cái nhìn khá tích cực về người Samari. Ông là tác giả Tin Mừng duy nhất ghi lại dụ ngôn “Người Samari nhân hậu”, trong đó, một người Samari đã tỏ lòng nhân hậu tuyệt vời đối với người đi đường bị nạn, rất có thể là một người Do Thái (x. Lc 10,29-37); và câu chuyện “Phép lạ chữa lành mười người phong hủi” (Lc 17,11-19), trong đó, chỉ có một người duy nhất (người Samari) quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, Samari đối lại với Giêrusalem. Người thuật chuyện cho biết lý do những người Samari không đón tiếp Đức Giêsu là “vì Người đang hành trình hướng về Giêrusalem” (ὅτι τὸ πρόσωπον αὐτοῦ ἦν πορευόμενον εἰς Ἰερουσαλήμ). Người miền Giuđê đối lại với người vùng Samari. Dù sao Đức Giêsu cũng phải băng qua biên giới Samari và Galilaia: như tác giả đã cho biết: “Trên hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilaia”.[10] Tại một làng trên vùng biên giới, Người gặp gỡ và chữa lành mười người phong cùi (Lc 17,11-19), trong đó có cả người Do Thái và người Samari. Tương tự Luca, tác giả Gioan cũng có cái nhìn khá tích cực về những người Samari. Câu chuyện “người phụ nữ Samari” (Ga 4,1-42) kết thúc bằng việc dân làng đã đón tiếp Đức Giêsu hai ngày và tuyên xưng rằng “Người là Đấng Cứu Độ trần gian”.
  4. Gioan và Giacôbê: Cặp anh em này là hai trong bốn môn đệ được gọi đầu tiên theo truyền thống Nhất Lãm. Họ cũng là hai trong số ba môn đệ “vòng trong”, được Đức Giêsu mang theo trong những biến cố đặc biệt.[11] Trong các tác giả sách Tin Mừng chỉ có Máccô ghi chú rằng Đức Giêsu gọi anh em Giacôbê và Gioan là Bôanêghê, nghĩa là con của Thiên Lôi (Mc 3,17). Trong câu chuyện này, chúng ta thấy rõ tính chất nóng nảy của hai anh em này. Việc họ muốn mang lửa từ trời xuống để thiêu rụi ngôi làng Samari cho thấy đặc tính của thần sấm sét nơi hai con người này.
  5. Đức Giêsu khiển trách họ: Sự khiển trách của Đức Giêsu cho thấy ý của họ không giống ý của Người và nhiều khi ngược lại ý Người nữa. Tác giả thường dùng động từ “khiển trách” (ἐπιτιμάω) để diễn tả sự quát mắng của Đức Giêsu dành cho quỷ (Lc 4,35; 9,42; Cf. Mt 17,18); Bệnh tật (Lc 4,39; Cf. Mc 9,25), ngụ ý tác nhân bệnh tật là quỷ; Gió và sóng biển (Lc 8,24). Tác giả Máccô sử dụng động từ này để khiển trách ông Phêrô cách nặng nề: “Satan, lui lại đằng sau Ta, vì ngươi không nghĩ điều của Thiên Chúa nhưng là điều của loài người” (Mc 8,33). Những dẫn chứng này cho thấy sự khiển trách của Đức Giêsu khá nặng nề. Dù Người muốn vào làng Samari để rao giảng nhưng nếu họ không đón tiếp Người, Người vẫn bình thản đón nhận. Hành động của các môn đệ là một hành động trả đũa, loại trừ, không phù hợp với giáo huấn của Đức Giêsu.[12] Khi đưa ra đề xuất trừng phạt, các môn đệ cho thấy sự hiểu lầm của họ và sự lạm quyền của họ theo ba cách: (1) Họ lặp lại sai lầm của ông Gioan Tẩy Giả trong việc nghĩ rằng uy quyền của Đấng Mêsiah được hóa thân vào một sứ vụ xét xử; (2) Thực hành quyền lực của họ có thể bao hàm khả năng truyền lửa từ trời để xét xử; (3) Họ đồng hóa cách dễ dàng giữa Đức Giêsu và ông Êlia, người đã khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy sứ giả của vua Akháp, vì nhà vua không nhận biết Chúa của Ítrael (2 V 1,1-16).[13] Hơn nữa, sự “chối từ” luôn là một thực tại bình thường mà vị ngôn sứ phải trải qua. Nó đã bắt đầu bằng sự kiện dân cùng làng Nadarét từ chối, muốn đẩy Người xuống vực trong buổi đầu tiên Người rao giảng tại hội đường trên quê nhà (Lc 4,16-30) và kết thúc bằng sự kiện dân chúng muốn Người bị kết án tử hình trên thập giá.[14]
  6. Tôi sẽ theo Ngài: Tác giả Luca không ngừng nhắc độc giả rằng Đức Giêsu đang hành trình trên đường và hành trình ấy có những người xin đi theo. Đối lại với hình ảnh các sứ giả đi trước là hình ảnh những người đi theo.[15] Đối lại với sự chối từ của một làng Samari, có một người tỏ ý muốn đi theo Đức Giêsu. Đi theo Đức Giêsu trong bối cảnh này không còn là đi theo Người trên hành trình rao giảng bình thường như lúc đầu nữa, nhưng là theo Người trên hành trình tiến về Giêrusalem, hành trình tiến vào cuộc khổ nạn và cái chết. Trước đó ít lâu, Đức Giêsu đã tiền báo về cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh lần thứ nhất và đưa ra điều kiện phải có để theo Người: “Phải từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá Người mà theo” (Lc 9,23). Vác thập giá theo Người chỉ có nghĩa là chịu đau khổ, nhưng sẵn sàng “liều mất mạng sống mình”: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).
  7. Con Người không có nơi gối đầu: Để đáp trả lại biên giới mở rộng, “bất cứ nơi đâu Ngài đi”, của ứng sinh thứ nhất, Đức Giêsu cho thấy sự bấp bênh, vô định của cuộc đời “Con Người”. Đây là điều mà có lẽ ứng sinh không ngờ tới. Cuộc sống của chim trời, chồn cáo còn có vẻ ổn định hơn Người. Đức Giêsu không muốn cho người theo Chúa nuôi mộng quyền chức, địa vị và phú quý như các môn đệ của Người đã và đang có. Người sẽ chết treo trên thập giá và được chôn trong một ngôi mộ của người khác. Ngay cả khi chết, Người cũng không có một ngôi mộ cho riêng mình. Người được mệnh danh là vị ngôn sứ ba “Đ”: Sinh trên đồng, sống trên đường và chết trên đồi.[16] Sự từ chối của dân làng Samari trước đó cho thấy một sự bấp bênh trong đời sống của vị ngôn sứ. Nơi ăn, chốn ở của vị ngôn sứ tùy thuộc vào sự hiếu khách của dân làng, nơi mà họ đặt chân đến. Sứ giả Tin Mừng luôn được dặn là: “Không mang gậy, lương thực, bao bị, tiền bạc và không có hai áo” (Lc 9,3; 10,4).
  8. Chôn cất cha của con: Trong khi ứng sinh thứ nhất tự nguyện ứng cử thì ứng sinh thứ hai được Đức Giêsu mời gọi: “Hãy theo Ta”. Đây là lời mời gọi Đức Giêsu dành cho Lêvi, người thu thuế, và ông đã đứng dậy đi theo Người (Lc 5,27-28; Mc 2,14; Mt 9,9). Đây cũng là lời mời gọi Đức Giêsu dành cho người đàn ông giàu có, muốn theo Người. Lời mời gọi này là bước cuối cùng trong số nhiều bước dài: Giữ điều răn của Chúa, bán tất cả những gì anh ta có và cho người nghèo. Anh ta đã không thể hoàn tất bước cuối cùng vì anh ta quá giàu có (Lc 18,22-23; Mt 19,21-22; Mc 10,21-22). Người đàn ông trong đoạn Tin Mừng này không chối từ lời mời gọi của Chúa, nhưng trì hoãn khéo với mục đích “chôn cất cha”. Cách nói “chôn cất cha” ngụ ý thi hành nhiệm vụ thảo hiếu chăm sóc cha cho đến khi cha qua đời.[17] Đây là một điều kiện rất hợp lý, vì anh giữ trọn đạo hiếu theo điều răn của Chúa như được nói đến trong sách Tôbia (Tb 4,3-4; 6,13-14; 14,11-13).[18] Dầu vậy, Đức Giêsu lại đáp trả là “hãy để kẻ chết, chôn kẻ chết”. Những người không chia sẻ “cuộc sống mới” được xem như là “người chết”. Mệnh lệnh của Đức Giêsu chứa đựng đòi buộc kép: (a) Đòi buộc đi với Người ngay lập tức và hoàn toàn; (b) Từ bỏ gia đình và ngay cả nhiệm vụ về tôn giáo (chôn cất cha).[19]
  9. Hãy ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa: Vấn đề cần thiết trước mắt là phải đi rao giảng Nước Thiên Chúa. Đây là sứ điệp quan trọng, nòng cốt mà cả Đức Giêsu và các môn đệ đã rao truyền (Lc 4,43; 9,2.6; Cv 1,3). Danh xưng “Nước Thiên Chúa” được lặp lại hai lần trong đoạn văn này (Lc 9,60.62). Ai đã đặt tay lên cày mà còn nhìn lại đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, nếu ai không sẵn sàng bỏ tất cả để ưu tiên cho việc rao giảng Nước Thiên Chúa thì không phù hợp với Nước Thiên Chúa. Nhìn lại đằng sau, đối với ứng sinh thứ hai, là sự trì hoãn với lý do phải chôn cất cha của mình xong xuôi đã.
  10. Chia tay những người trong nhà con: Ứng sinh thứ ba tự nguyện theo Chúa giống như ứng sinh thứ nhất, nhưng anh đặt điều kiện giống như ứng sinh thứ hai: “Hãy để con nói lời từ biệt với gia quyến của con”. Điều kiện này gợi nhớ đến thỉnh cầu của ngôn sứ Êlisa trước lời mời gọi của ngôn sứ Êlia: “Xin cho con về hôn từ giã cha mẹ, rồi con sẽ theo ngài”. Ông Êlia trả lời rằng: “Cứ về đi! Ta có làm gì con đâu” (1 V 19,20). Sau đó, ông Êlia về bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Êlia và phục vụ ông (1 V 19,21). Nếu ứng sinh chỉ đơn giản là từ biệt như thế, thì Đức Giêsu chắc chắn sẽ không chối từ yêu cầu của anh. Có lẽ, cách nói “từ biệt người nhà” biểu lộ một sự quyến luyến lâu dài, làm cho ứng sinh khó dứt ra được nên Đức Giêsu tỏ vẻ không hài lòng. Hơn nữa, sứ vụ của người môn đệ có thể dẫn đến cái chết. Đó là lúc họ phải lìa bỏ tất cả những người thân thật sự về mặt thể lý. Thực tế, Đức Giêsu đã phải lìa xa Đức Maria và người thân của Người khi đón nhận cái chết. Trong giây phút hấp hối, Người đã trao thân mẫu của mình lại cho “Người môn đệ yêu dấu” và trao người ấy lại cho thân mẫu (Ga 19,25-27).
  11. Nhìn lại đằng sau: Là hình ảnh cho thấy chọn lựa hàng hai, không dứt khoát. Cụ thể là quyến luyến gia quyến. Người này cũng giống như người thứ hai, bận tâm đến việc chăm sóc cha cho đến khi cha qua đời. Cả hai đều là biểu tượng của những người đặt tay lên cày rồi nhưng cứ nhìn về phía sau, khiến cho luống cày không hoàn chỉnh. Đối với người môn đệ, sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa dở dang, không đi đến đích. Thái độ này xem ra ngược lại với tiêu chuẩn của Đức Giêsu: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy, ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37); “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Theo Đức Giêsu không nhất thiết phải từ bỏ cha mẹ, người thân nhưng là mở rộng biên giới người thân, ôm trọn tất cả mọi người. Các môn đệ đầu tiên đã phải bỏ lại tất cả để theo Chúa: “Các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người” (Mc 1,20). “Rao giảng Nước Thiên Chúa” (9,60) và “phù hợp với Nước Thiên Chúa” (9,62) giả định một sự tái định nghĩa về tương quan bà con thân thuộc đặt trọng tâm nơi việc nghe và thi hành Lời Chúa: “Mẹ tôi và anh em của tôi là những người nghe Lời Chúa và thực hành” (Lc 8,21).[20]

Bình luận tổng quát

Hành trình rao giảng của Đức Giêsu đến một bước ngoặt mới: “Những ngày lên trời của Người được hoàn tất”. Lên trời là bước cuối cùng trong hành trình dương thế của Người. Người nhất quyết phải đi lên Giêrusalem vì một ngôn sứ phải chết trong thành Giêrusalem (Lc 13,33). Giêrusalem chắc chắn gắn liền với những kỷ niệm đẹp của Người thời thơ ấu, trong đó, có một lần Người chủ động ở lại và ngồi giữa những bậc Thầy Do Thái, vừa nghe, vừa đặt câu hỏi (Lc 2,41-50). Nhưng rồi, Giêrusalem cũng là tử địa dành cho vị ngôn sứ như Người đã nói trước: “Này chúng ta lên Giêrusalem và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất… Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ, sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người và ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (Lc 18,31-33). Dẫu biết đó là tử địa, Đức Giêsu cũng nhất quyết tiến lên, không lùi bước. Tác giả dùng lặp lại nhiều lần danh từ “khuôn mặt” (làm cho gương mặt phù hợp, đi trước mặt, đi hướng mặt về) cùng với ngữ động từ “nhìn lại đằng sau” để nhấn mạnh sự kiên định, nhất quyết hướng về Giêrusalem của Đức Giêsu. Trên hành trình của Người, có những người chối từ, nhưng cũng có những người thiện chí muốn bước theo. Dân làng Samari đã không tiếp đón Người vì Người đang đi hướng về Giêrusalem. Sự chối từ này có thể phản ánh một thực tế lịch sử “không đội trời chung” giữa những người Do Thái và những người Samari. Tuy vậy, đó cũng có thể là một hình ảnh tượng trưng cho sự chối từ của vô số người dành cho Người. Khởi đầu từ dân làng Nadarét cho đến đám đông dân chúng, đặc biệt là giới lãnh đạo tại thành đô Giêrusalem. Họ muốn dồn Người vào chỗ chết, còn Người thì lại muốn đón nhận cái chết để hoàn tất chương trình cứu độ. Đối lại với những người chối từ, trên hành trình tiến về Giê-ru-sa-lem, có ít nhất ba ứng cử viên muốn đi theo Người: Hai người tự nguyện xin theo, còn một người được Đức Giêsu mời gọi. Ngôn ngữ liên quan đến cuộc hành trình được tác giả sử dụng một cách hài hòa. Đức Giêsu và các môn đệ đang hành trình trên đường, thì có người xin đi theo. “Xin đi theo”, bình thường có nghĩa là xin làm môn đệ, muốn được ở với, được học hỏi, rồi được sai đi rao giảng và làm phép lạ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, xin đi theo cũng có nghĩa là xin bước vào hành trình khổ nạn và phục sinh với Chúa, vì Đức Giêsu đang bước vào hành trình đó. Đối với ứng sinh thứ nhất, Đức Giêsu cởi mở về một sự bất ổn liên quan đên nơi ăn chốn ở của vị ngôn sứ: “Con Người không có chỗ tựa đầu”. Hành trình này sẽ dẫn Người đến thập giá và thập giá thì không có chỗ tựa đầu. Đối với hai ứng sinh còn lại, Đức Giêsu mời gọi một sự từ bỏ triệt để và nhanh chóng những người thân của mình. Sự từ bỏ ấy giúp cho các ứng sinh ưu tiên dấn thân cho sứ vụ “Rao giảng Nước Thiên Chúa” và nhờ đó, “xứng đáng với Nước Thiên Chúa”. Nếu như Đức Giêsu hướng mặt về Giêrusalem và không nhìn lại đằng sau, thì những người theo Chúa cũng phải đi chung một hướng với Người. Đức Giêsu đã rời bỏ quê hương, người thân, để ra đi rao giảng Tin Mừng. Các môn đệ cũng đã bỏ mọi sự để đi theo Người. Cuối cùng, Người sẽ rời bỏ Đức Maria và các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn và đón nhận cái chết. Sự từ bỏ cha mẹ, và người thân vì sứ vụ Nước Trời sẽ giúp cho các môn đệ mở rộng hơn biên giới tương quan thân thích. Tất cả những ai nghe và thi hành Lời Chúa đều là anh chị em của Chúa và là người thân của nhau. Sự lìa bỏ cha mẹ, và người thân để sống và chết cho ơn gọi làm môn đệ sẽ giúp các môn đệ gặp lại họ trong hạnh phúc viên mãn vĩnh cửu. Cái kết của ba câu chuyện về ba ứng sinh đều được bỏ ngõ. Người ta không biết là, trong ba người ấy, cuối cùng có người nào chấp nhận theo Chúa hay không. Cái kết được trao lại cho chính các độc giả và cho những người Kitô hữu qua mọi thời đại. Chính mỗi người phải đưa ra một lời đáp trả cho lời mời gọi của Đức Giêsu.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

 

Chú thích

[1] Th.N.H. Cầu, Tìm Hiểu Các Sách Tin Mừng & Công Vụ Tông Đồ. Kitô Hữu Đọc Sách Thánh (Biên Hòa 2020) 82-95.

[2] “The OT background to the “assumption” of Jesus is to be seen in that of Enoch (Gen 5:24b) and Elijah (2 Kgs 2:11; 1 Macc 2:58; Sir 48:9). In intertestamental literature there is also the Assumption of Moses” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 828]; “On purely lexical grounds, this reference to Jesus’ “assumption” could be taken as an allusion to his death, but the Elijah-typology manifest in vv 51–56 indicates that his “ascension” is in view (cf. 2 Kgs 2:10–11; Sir 48:9; 1 Macc 2:58” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 402-403].

[3] “The most immediate cue for understanding the designation of “Jerusalem” as the final destination of the impending journey is found in 9:31, where Luke summarizes the conversation between Jesus, Moses, and Elijah as having to do with the exodus Jesus was about to fulfill in Jerusalem” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 404).

[4] “The word ἀνάλημψις which referred not only to Jesus’ final “being taken up” in the ascension, but also to his passion, and perhaps to his long journey up to Jerusalem as well” [F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2013) 6].

[5] “The emphatic ‘and he,’ as well as the triple mention of his ‘face’ (vv. 51–53), establish Jesus’ identity and his authority as the Messiah (F. Bovon, Luke 2,6).

[6] “The reader is told dearly that it is as the prophet that Jesus makes his way to Jerusalem” [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Collegeville 1997) 164].

[7] K.L. Younger, Jr. “The Deportaions of the Israelites”, JBL 117/2 (1998) 201-227.

[8] I. Finkelstein, The forgotten kingdom. The archaeology and history of Northern Israel (2013) 152.

[9] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 829.

[10] “Josephus tells of the problems that Galilean pilgrims had “at the time of a festival to pass through Samaritan territory on their way to the Holy City” (Ibid.).

[11] Xem thêm về “Bộ ba môn đệ” trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: VINH QUANG VÀ KHỔ NẠN. Chú Giải Tin Mừng CN II MC C (Lc 9,28-36) (josephpham-horizon.blogspot.com).

[12] “God’s plan is to be carried out not violently but through weakness, that is to say, through the acceptance of defeat, suffering, and finiteness” (F. Bovon, Luke 2,7).

[13] J.B. Green, The Gospel of Luke, 406.

[14] “Just as the Galilean ministry was introduced by a rejection-story (4:16–30), so now the next major part of the Gospel, the travel account, will be introduced by a rejection-story” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 827); “That Jesus is rejected precisely on the terms in which his prophetic resolution had first been expressed is reminiscent of Jesus’ rejection by the people of Nazareth (4:16–30)” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 405).

[15] “whereas the theme of sending (the disciples who go on ahead) was dominant in the previous verses, in these verses the center of focus is following (the disciples who follow)” (F. Bovon, Luke 2,10).

[16] “Even the humblest animals have their shelters and lairs, while the Son of Man, who is nonetheless powerful and lordly, has nowhere to lay his head. He is assuredly not deprived of security, but his security resides not in a material or human protection but in God’s love and authority” (F. Bovon, Luke 2,13). .

[17] Cyril held that, contrary to normal usage, “bury” does not here mean “inter” but rather “take care of someone up to the point that they draw their last breath (F. Bovon, Luke 2,16).

[18] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Collegeville 1997) 163.

[19] F. Bovon, Luke 2,14.

[20] J.B. Green, The Gospel of Luke, 408.

Bài trướcBài giảng LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU (24/6, Thứ Sáu)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật 13 TN – C)