“Tôi có quyền hy vọng gì?”

0
320
Photo: Tác giả cung cấp

Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

“Tôi có quyền hy vọng gì?” là một trong những câu hỏi cốt lõi trong tư tưởng triết học của Immanuel Kant. Khám phá ra niềm hy vọng của mình, con người phần nào khám phá ra bản chất của mình. Quả vậy, con người có niềm hy vọng nhưng con người có quyền hy vọng vào điều gì, đó lại là một câu hỏi lớn thực sự. Câu hỏi của Kant đã trở thành lời gợi mở cho những suy tư của con người thời nay, nhất là khi đứng trước những vấn nạn của kiếp nhân sinh, “đâu là niềm hy vọng đích thực?” Con người tìm đến tôn giáo và mong đạt được một câu trả lời thoả đáng. Đó có thể là nơi Phật giáo, Đạo giáo hay bất kỳ tôn giáo nào khác. Nhiều người còn tìm đến “tôn giáo” của thời đại mang tên “sự phát triển của khoa học kỹ thuật”. Nhưng, cũng có người chọn nói “không” với tôn giáo, với những niềm hy vọng “trên trời” và đầy mông lung; thay vào đó, họ chọn những niềm hy vọng “đơn sơ” hơn nhưng gần gũi hơn.

Về phần mình, Kitô giáo cũng muốn trình bày cho nhân loại một niềm hy vọng đích thực. Trong buổi tiếp kiến chung trong đại thánh đường Phaolô VI ngày 21/12/2016, với 8.000 tín hữu và du khách hành hương, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại cho chúng ta niềm hy vọng đích thực ấy: “Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, niềm hy vọng đã bước vào trong thế giới”.[1] Ngài nhấn mạnh rằng lễ Giáng Sinh của Đức Giêsu là suối nguồn của niềm hy vọng và chúng ta đang sống trong niềm hy vọng lớn lao ấy. Vậy biến cố Giáng sinh mang đến niềm hy vọng nào cho chúng ta và Niềm hy vọng ấy sẽ đối diện như thế nào với những vấn nạn của thời đại.

 Biến cố Giáng sinh mang đến niềm hy vọng nào cho chúng ta?

Cũng trong buổi tiếp kiến chung ngày 21/12/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn tả rằng khi nói tới hy vọng, người ta thường quy chiếu đến những điều không nằm trong quyền bính của con người và không trông thấy được. Thật ra, điều chúng ta hy vọng vẫn thường vượt ngoài khả năng và cái nhìn của chúng ta. Tuy nhiên, lễ Giáng Sinh của Đức Kitô trình bày cho chúng ta về một một niềm hy vọng có thể tin cậy được, trông thấy được và hiểu được, bởi vì nó được xây dựng trên Thiên Chúa. Thiên Chúa bước đi với chúng ta trong Đức Giêsu và việc bước đi cùng Ngài hướng về “sự sống vĩnh cửu” trao ban cho chúng ta sức mạnh hiện hữu cách mới mẻ trong hiện tại. Như thế, đối với Kitô giáo, đó còn là niềm tin chắc chắn được bước đi với Đức Kitô để tiến về với Thiên Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta. Niềm hy vọng không bao giờ dừng lại, niềm hy vọng luôn luôn tiến bước và làm cho chúng ta tiến bước.

Đó đích thực là niềm hy vọng của chúng ta được biểu lộ nơi biến cố Giáng Sinh của Đức Giêsu, Đấng đã hạ sinh và đã mở ra cho nhân loại một tương lai vốn trước đó không có tương lai.

 Những vấn nạn của kiếp nhân sinh chất vấn niềm hy vọng của Kitô giáo

Niềm hy vọng nơi Hài Nhi trao ban một niềm hy vọng mới cho nhân loại, đó là sự sống vĩnh cửu, đó quả thực là niềm hy vọng của Kitô giáo. Thế nhưng, liệu rằng đó có phải là một niềm hy vọng xa vời với thực tại hay chăng? Không ít người đã xem niềm hy vọng của Kitô giáo chẳng khác gì một thứ “giáo điều” và chẳng dính dáng gì đến thân phận của con người.

Triết gia Friedrich Nietzsche còn xem niềm hy vọng đó như một liều thuốc độc, “đau khổ và bất lực, đấy là cái đã tạo nên những cõi bên kia”.[2] Con người ảo tưởng về cõi bên kia để né tránh đối diện với những đau khổ kiếp này: “Đối với những kẻ đang chịu đựng thống khổ, quả là một niềm vui ngây ngất khi được rời mắt khỏi nỗi đau khổ và được tự quên lãng mình”.[3] Sự sống vĩnh cửu kia chỉ là những hy vọng lững lờ và bất khả tri, vì nó được cho là cõi vô hạn nên con người dễ phủi chân với cõi đời hữu hạn này. Dĩ nhiên, Nietzche có lý của ông, bởi lẽ, dưới cái nhìn thực tiễn, sự sống vĩnh cửu chưa thấy còn đau khổ vẫn nhan nhản trong kiếp nhân sinh. Và cái nhìn của một triết gia hiện sinh không cho phép Nietzche lặng im.

Hơn nữa, trong bối cảnh ngày hôm nay đau khổ, chiến tranh và bệnh tật tràn lan, con người lại càng có quyền chất vấn về niềm hy vọng mà chúng ta đang ấp ủ và loan báo. Chúng ta sẽ nói gì với những nạn nhân chiến tranh hay lời khuyên nào sẽ thắp lên hy vọng cho những người đang đau khổ trên giường bệnh. “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất…Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21, 1-5), sứ điệp niềm hy vọng trong sách Khải huyền sẽ được trình bày cách nào đây?

Quả vậy, đứng trước một thế giới đau khổ và bất công, chính tôn giáo cũng cảm thấy bối rối trong việc đưa ra lời giải thoả đáng cho con người. Câu hỏi về sự dữ và những bất công trong thế giới trở thành một cản trở gần như không vượt qua được đối với một số người về sự hiện diện của Thượng Đế. Trong khi đó, thế giới của tiến bộ muốn cho thấy niềm hy vọng khác, niềm hy vọng có thể tạo ra một thế giới “tốt đẹp hơn” nhờ vào kiến thức khoa học và các đường lối chính trị. Và niềm hy vọng về một thế giới như vậy đang dần thay thế niềm hy vọng Thánh Kinh nơi Nước Trời. Nhiều người đã thực sự xem đó là niềm hy vọng thực tế nhất mà con người cần đến lúc này.[4]

Làm sao niềm hy vọng của Kitô giáo đối thoại với những vấn nạn của kiếp nhân sinh?

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng đau khổ là một phần của cuộc sống con người. Đau khổ một phần xuất phát từ những giới hạn của chúng ta và chắc chắn chúng ta phải làm bất cứ điều gì trong khả năng để giảm bớt đau khổ: để hết sức tránh đau khổ cho người vô tội; để làm giảm nhẹ cơn đau đớn; để giúp vượt thắng các đau khổ tinh thần. Dưới góc nhìn này, chúng ta không thể phủ nhận những tiến bộ lớn lao đã được thực hiện trong cuộc chiến chống lại những đau đớn thể lý nhờ những thành tựu của khoa học kỹ thuật và văn minh tiến bộ.

Tuy vậy, một sự thật đang được phơi bày, những đau khổ của người vô tội và những đớn đau tinh thần mà con người phải gánh chịu lại gia tăng trong những thập niên vừa qua. Quả thế, chúng ta phải làm hết sức chúng ta để vượt thắng đau khổ, nhưng loại trừ hoàn toàn đau khổ khỏi thế giới này là việc vượt quá tầm tay chúng ta. Đơn giản là vì chúng ta không thể loại bỏ sự giới hạn của chúng ta và vì không ai trong chúng ta có khả năng loại trừ quyền lực của sự dữ, của tội lỗi, như chúng ta thấy, vốn là nguồn mạch thường hằng của đau khổ.[5]

Ngay tại đây, chúng ta bắt gặp giá trị của niềm hy vọng Kitô giáo, niềm hy vọng nơi Con Thiên Chúa Giáng Sinh. Quả thật, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm điều ấy: chỉ mình một Thiên Chúa đã tự ý đi vào lịch sử khi làm người và chịu đau khổ trong lịch sử. Nơi biến cố Giáng sinh, chúng ta nhận ra rằng vị Thiên Chúa ấy hiện hữu và đang thực sự hiện hữu trong thế giới.[6] “Đức Giêsu sinh hạ giữa chúng ta. Người đến để đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, cùng chia sẻ mọi sự với chúng ta, niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và lo lắng”.[7] Nơi trẻ thơ ấy, sự thật, công lý và yêu thương được trao ban cho nhân loại. Đó không chỉ đơn thuần là những lý tưởng, nhưng là những thực tại. Bởi lẽ, chính Thiên Chúa – hiện thân của Sự Thật và Tình Yêu – đã muốn chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta. Thiên Chúa không thể đau khổ, nhưng con người đáng giá đến mức chính Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân để đau khổ với con người. Thành ra, trong mọi đau khổ nhân sinh chúng ta được liên kết với Đấng đã giáng sinh cho nhân loại, chính Đấng ấy sẽ chịu và gánh lấy đau khổ đó với chúng ta.

Chắc chắn rằng trong nhiều đau khổ và thử thách, chúng ta cũng cần đến những hy vọng “rất con người”, đó có thể là một cuộc thăm viếng thân tình, sự chữa lành những vết thương trong ngoài hay một sự thuận lợi trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng… Trong những hoàn cảnh ấy, những hình thái hy vọng này cũng có thể là đủ cho chúng ta. Nhưng trong những thử thách thực sự cam go, trước những quyết định chung cuộc, con người cần đến sự xác tín của niềm hy vọng thực sự.[8] Chúng ta cần những hy vọng “rất con người” để sống ngày qua ngày nhưng những hy vọng này là không đủ nếu thiếu một hy vọng cao cả, một thứ hy vọng vượt lên trên tất cả. Hy vọng cao cả này chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng có một dung mạo loài người và đã yêu thương chúng ta đến cùng.[9] Cách riêng, trong bối cảnh mà nhân loại đang thiếu vắng sự hoà bình: hoà bình giữa các quốc gia, hoà bình trong tâm hồn mỗi người… niềm hy vọng ấy trở nên gần gũi với nhân loại hơn bao giờ hết. Chúng ta hướng về Bêlem để chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, sự Hoà Bình của chúng ta, sự hoà bình mà thế giới này không thể ban tặng. Quả thật, ngày Giáng Sinh của Đức Giêsu cũng là ngày sinh hạ của hoà bình. Đức Giêsu Kitô chính là con đường dẫn đến hoà bình. Người đã mở ra một con đường giữa lòng một thế giới đóng kín, bị phủ bọc bởi bóng tối của sự thù hận, của chiến tranh, để hướng đến một thế giới rộng mở, tự do để sống cho tình huynh đệ và hoà bình.

Tóm lại

Nơi biến cố Giáng Sinh, niềm hy vọng đích thực đã được trao ban cho nhân loại, đó chính là Hài Nhi Giêsu. Trong niềm hy vọng ấy, con người nhận ra bản chất yếu đuối mỏng giòn của mình trước những thực tại của đau khổ, bất công… Sự hiện diện của những đau khổ trong đời sống là một sự thật, chúng ta không thể chối bỏ hay trốn tránh nhưng buộc phải đối diện với nó. Một khả năng đón nhận đau khổ tuỳ thuộc vào niềm hy vọng mà chúng ta có, và cũng chỉ trong niềm hy vọng, chúng ta mới có thể đặt hết niềm tin tưởng. Quả vậy, nơi biến cố Giáng Sinh, chúng ta thực sự đón nhận một niềm hy vọng. Nơi Hài Nhi Giêsu, chúng ta có quyền hy vọng và chúng ta thực sự được phép hy vọng vào tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng liệu rằng “chúng ta có dám đặt niềm hy vọng nơi Hài Nhi Giêsu hay không?”

 

Chú thích:

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung trong đại thánh đường Phaolô VI ngày 21/12/2016, với 8000 tín hữu và du khách hành hương, http://www.vietcharities.org/News/Html/209458.htm

[2] Friedrich Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, Dg.Trần Xuân Khiêm, Nxb Văn học (2021), tr.47.

[3] Sđd, tr.46.

[4] ĐGH Benedicto XVI, Thông điệp Spe Salvi, Dg: Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, số 30.

[5] Sđd, số 36.

[6] Sđd, số 36.

[7] Sứ điệp Giáng Sinh 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-12/su-diep-giang-sinh-2022-va-urbi-et-orbi.html

[8] ĐGH Benedicto XVI, Thông điệp Spe Salvi, Dg: Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, số 37.

[9] Sđd, số 31.

Bài trướcAI TÍN: Ông cố Phaolô Lê Quang Nhậm (thân phụ của Lm. Martinô Lê Quang Tuấn, SVD)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Ngày 7/1, trước Lễ Hiển Linh)