SỐNG ĐƠN GIẢN

0
60

“Sống đơn giản không phải là từ bỏ tất cả, mà là giữ lại những gì thực sự cần thiết cho hành trình đi đến hạnh phúc. Đó là sự lựa chọn giữa bộn bề và thanh thản, giữa nô lệ và tự do, giữa phù du và vĩnh cửu.” ___(Super Quoc)

 “Sống đơn giản còn là biết chấp nhận giới hạn của chính mình và giới hạn của cuộc sống. Suy cho cùng con người vẫn luôn giới hạn và cuộc sống này cũng không ngoại lệ. Chấp nhận là một cái tôi bình thường trong cuộc sống, chấp nhận là một kẻ lữ hành đang ngao du một chặng đường nhân thế và sống một cuộc sống ít ham muốn hơn để nắm giữ vận mệnh của mình tốt hơn. Chúng ta khao khát những gì vĩ đại nhưng cuối cùng lại nhận ra rằng những gì đẹp nhất, quý giá nhất chính là hạnh phúc giản đơn trong tâm hồn.”__(Super Quoc)

Nếu cuộc đời là một hành trình thì hành trang cần thiết cho kẻ lữ hành là những gì? Cứ ngỡ rằng hành trang càng nhiều, sẽ càng vững vàng hơn trước mọi khó khăn, thử thách. Chuyến đi sẽ không chỉ thuận lợi hơn mà còn dễ dàng tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc. Thế nhưng, ta chợt nhận ra những gánh nặng ấy không chỉ khiến ta kiệt sức mà còn phải đấu tranh và vật lộn nhiều hơn. Càng mang vác, càng bám víu, càng sở hữu nhiều, ta càng dễ lạc đường, dễ bỏ cuộc. Khi không còn đủ sức để lê những bước chân mỏi mệt, ta phó thác số phận cho dòng đời đưa đẩy. Vậy nên, để có thể hoàn thành hành trình một cách trọn vẹn, kẻ lữ hành phải khôn ngoan buông bỏ những hành trang tưởng chừng như rất cần thiết ấy. Sống đơn giản là buông bỏ những gì không cần thiết để đôi chân được thanh thoát, để đôi vai được nhẹ nhàng, để thân xác được tự do, để trái tim được hoà nhịp, để tâm hồn được bình an và để hạnh phúc được đong đầy. Chỉ có vậy, kẻ lữ hành mới có thể ngao du khắp thiên hạ, đi trọn hành trình mà tìm được hạnh phúc đích thực.

Sống đơn giản có vẻ như đơn điệu, thiếu thốn nhưng thực chất là sống đúng hơn, sống trọn vẹn hơn, sống cho những gì đáng sống hơn. Sống đơn giản không chỉ là dọn dẹp, sắp xếp, buông bỏ những ngăn trở mà còn là cách nhìn thấu được những điều quan trọng với bản thân mình. Đơn giản là biết bỏ qua những gì là thứ yếu mà tập trung vào những gì là cốt lõi. Cuộc sống và tâm trí của ta cũng giống như một khu vườn. Nếu cứ để cỏ dại “tham sân si” mọc tràn lan mà không dọn dẹp thì khi mùa vụ đến sẽ chẳng thu hoạch được bao nhiêu. Sống đơn giản để dọn dẹp cỏ dại trong tâm hồn, gỡ bỏ những rối ren để chỉ giữ lại những gì thực sự quý giá. Đó là nghệ thuật biết đủ – là “sống thanh thoát” khi không còn chạy theo những thứ không thuộc về mình. Khi buông bỏ những điều không cần thiết, ta không mất đi, ta không nghèo đi, mà chỉ là đang mở rộng không gian cho những gì xứng đáng hơn.

Sống đơn giản còn là biết chấp nhận giới hạn của chính mình và giới hạn của cuộc sống. Suy cho cùng con người vẫn luôn giới hạn và cuộc sống này cũng không ngoại lệ. Chấp nhận là một cái tôi bình thường trong cuộc sống, chấp nhận là một kẻ lữ hành đang ngao du một chặng đường nhân thế và sống một cuộc sống ít ham muốn hơn để nắm giữ vận mệnh của mình tốt hơn. Chúng ta khao khát những gì vĩ đại nhưng cuối cùng lại nhận ra rằng những gì đẹp nhất, quý giá nhất chính là hạnh phúc giản đơn trong tâm hồn.

Bài viết không chỉ là những dòng suy tư của tác giả mà còn là một lời mời gọi – mời bạn sống một cuộc sống đơn giản để có thể tìm được tự do, bình an và hạnh phúc đích thực. Hãy để lòng mình lắng lại, trò chuyện với chính mình và lắng nghe chính mình: Tôi đang sống vì điều gì? Tôi thật sự cần những thứ tôi đang tìm kiếm không? Tôi có thực sự đang sống hạnh phúc không? Trong hành trình cuộc đời này, tôi đi đến đâu và đi về đâu?…

Cuộc sống không đơn giản nhưng hãy sống đơn giản, chỉ khi đơn giản hoá cuộc đời, ta mới sống cho những gì quan trọng nhất, ý nghĩa nhất và hạnh phúc nhất. Có lẽ, một mẫu gương để ta có thể học theo vẫn tốt hơn trăm ngàn lí lẽ. Trong thế giới của các vĩ nhân, có không ít những mẫu gương sống đơn giản đáng cho ta học hỏi. Một trong những mẫu gương gần gũi nhất, có lẽ là mẫu gương Giêsu. Thử sống đơn giản như Giêsu để có được hạnh phúc như Ngài.

Đơn giản trong vật chất

Chúa Giêsu sống đơn giản trong vật chất không phải vì Ngài không có khả năng sống giàu có. Ngài chọn sống nghèo để gần gũi với những người nghèo hèn, bé mọn và để tự do khỏi sự lệ thuộc vào của cải. “Cáo có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có nơi gối đầu.” (Lc 9, 58). Ngài sinh ra trong máng cỏ, không sở hữu tài sản, không có nơi cố định để ở. Giêsu không tích trữ của cải, tiền bạc, thậm chí những vật dụng cần thiết cũng rất tối giản. Ngài không diện trang phục xa hoa mà thay vào đó là chiếc áo chùng đơn sơ của người Do Thái thời bấy giờ. Khi bị đóng đinh, binh lính đã chia nhau áo của Ngài, điều đó cho thấy Ngài chỉ sở hữu vài món đồ cơ bản. Khi cần vào thành Giêrusalem, Ngài mượn một con lừa. Khi chịu chết, Ngài được chôn trong mộ của người khác… Cuộc đời Ngài là một minh chứng sống động về sự tự do khỏi cám dỗ vật chất.

Chúa Giêsu không chỉ sống nghèo, Ngài giảng dạy một tinh thần từ bỏ: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mt 6,19-21). Ngài không bao giờ xem của cải là điều xấu, nhưng Ngài cảnh báo mạnh mẽ về sự cám dỗ và mối nguy hiểm của vật chất. Đó là lý do tại sao Ngài mời gọi người thanh niên giàu có bán tất cả để theo Ngài, vì của cải vật chất đang trói buộc tâm hồn anh.

Giêsu sống đơn giản, sống nghèo không phải để khổ hạnh cực đoan, không phải để hành hạ thân xác mà để sống trọn vẹn cho sứ mạng yêu thương. Một người càng ít bị ràng buộc bởi nhu cầu vật chất, càng dễ dàng hiến thân vì người khác. Chính sự đơn giản ấy giúp Giêsu hoàn toàn tự do, Ngài có thể chia sẻ bữa ăn với người nghèo, sống với người nghèo mà không sợ thiếu thốn bất cứ điều gì. Ngài có thể đến đâu cũng được, ở với ai cũng được, vì giàu sang hay bần cùng đối với Ngài cũng như nhau. Ta được mời gọi sống tinh thần đơn giản trong vật chất một cách cụ thể hơn: tránh nô lệ cho vật chất, tránh sở hữu những vật dụng không cần thiết, tránh bận tâm quá nhiều về vật chất…

Đơn giản trong tâm hồn

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu không ít lần lên án những tâm hồn phức tạp: “Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp.” (Mt 23,27). Đó chính là tâm hồn của những kẻ đạo đức giả, tâm hồn ấy phức tạp bởi nhiều đam mê và dục vọng của tội lỗi. Trái lại, “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa.” (Mt 5,8). Tâm hồn đơn giản là tâm hồn trong sạch, thánh thiện, quy hướng về Chúa.

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,29). Chúa Giêsu có tâm hồn hiền hậu để yêu thương và tâm hồn khiêm nhường để tôn vinh Thiên Chúa. Ngài yêu thương tất cả mọi người, thường xuyên làm phép lạ để chữa lành cho những người khốn khổ, bất hạnh. Ngài không tìm kiếm hư danh, không vinh danh bản thân mà vinh danh Chúa Cha. Ngài làm phép lạ nhưng luôn nhắc nhở người được chữa lành đừng kể cho người khác biết. Ngài nhiều lần rời khỏi đám đông khi họ tìm cách tôn vinh Ngài.

Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới “đa nhân cách”. Ai cũng cố gắng mang cho mình những chiếc mặt nạ đẹp nhất, tô vẽ vẻ hào nhoáng bên ngoài hơn là những gì bên trong. Những tâm hồn ấy dù có vẻ thành công nhưng luôn dằn vặt, bất an và sầu khổ. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy mặc lấy tâm hồn của trẻ thơ để không phải giả tạo, không đóng kịch, không giấu giếm, không lo sợ bất cứ điều gì. Chỉ có vậy, ta mới có được tâm hồn bình an và hạnh phúc như Ngài.

Đơn giản trong sứ mạng

Chúa Giêsu chỉ có một sứ mạng duy nhất là thực thi thánh ý Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Ngài không có bất kỳ tham vọng hay mục tiêu cá nhân nào khác. Mọi hoạt động từ cầu nguyện, giảng dạy đến làm phép lạ đều phục vụ cho sứ mạng này. Khi dân chúng muốn Ngài làm vua để dẫn dắt họ, Ngài lánh đi. Khi người ta thách Ngài làm phép lạ để thể hiện uy quyền, Ngài từ chối. Ngài không bị cám dỗ bởi danh vọng, tiền tài, vật chất, quyền lực… Đối với Giêsu, sứ mạng của Ngài quan trọng hơn mọi thành công của trần thế.

Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cũng không làm nhiều điều cùng lúc, Ngài chỉ làm một việc trong một thời điểm. Con người ngày nay cứ như những con rô bốt, đa nhiệm đến nỗi không thể sống trọn vẹn phút giây nào trong ngày. Học theo Giêsu, hãy chọn điều quan trọng nhất và tập trung vào nó. Nếu không biết sứ mạng của mình là gì thì hãy đi tìm ngay hôm nay.

Đơn giản trong suy nghĩ, lời nói và hành động

Đức Giêsu sống với một tâm trí đơn giản chứ không hề suy tính thiệt hơn theo lẽ thường. Sự đơn giản ấy không đồng nghĩa với sự nông cạn mà ngược lại chính là sự minh triết. Khi suy nghĩ, Ngài suy xét đến cốt lõi của vấn đề, hiếm khi Ngài quan sát sự việc một cách phiến diện hay đưa ra kết luận một hàm hồ. Ngài nghĩ về sự thật, chỉ ra chân lý và tiếp cận mọi việc dưới góc nhìn này. Khi bị chất vấn hay gài bẫy, Ngài thường trả lời rất đơn giản nhưng khiến người ta chỉ biết lặng im. “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22,17). Người Pharisêu muốn gài bẫy Đức Giêsu, nếu Ngài trả lời là không thì Ngài sẽ bị cáo buộc là chống đối La Mã, còn nếu trả lời có thì sẽ bị coi là kẻ phản bội dân Do Thái. Thế nhưng, Ngài đã trả lời: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21). Cũng vậy, khi các kinh sư và Pharisêu dẫn người phụ nữ ngoại tình đến với Chúa Giêsu để hỏi Ngài về việc ném đá theo luật Môsê. Ngài trả lời đơn giản rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8,7). Thậm chí, khi người Pharisêu ngăn cấm Chúa Giêsu chữa bệnh vào ngày sabát nhưng Ngài không những chữa bệnh mà còn hỏi lại: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ?” (Mc 2,4). Chỉ cần những điều đơn giản như thế nhưng đủ sức phá tan những định kiến sai lạc của hệ thống tôn giáo phức tạp thời bấy giờ.

Bên cạnh đó, đơn giản trong lời nói, giảng dạy và hành động là những điều không thể thiếu khi Ngài thi hành sứ mạng. Đơn giản trong lời nói vì Ngài không đến để phô trương kiến thức, mà để đánh thức con tim. Ngài không dùng thuật ngữ triết học cao siêu hay lý luận hàn lâm như các kinh sư thời đó. Trái lại, Ngài nói bằng ngôn ngữ đời thường, từ ruộng đồng, bầy chiên, hạt giống, men bột, người cha nhân hậu, người Samari tốt lành… Những hình ảnh gần gũi ấy đi vào lòng người, vượt qua lý trí để chạm tới trái tim. Bởi lẽ, lời của Ngài phát xuất từ tình yêu và chân lý sống động, chứ không phải từ sách vở hay lý thuyết trừu tượng. Ngài không cố gắng làm cho mình có vẻ uyên bác, cũng không giảng dạy để người ta thán phục, mà chỉ muốn giúp họ hiểu và sống. Ngay cả khi Ngài lên án hay khuyên răn, Ngài cũng không dùng lời đao to búa lớn. Thay vào đó, Ngài nêu gương, kể chuyện, hỏi một câu, hay thậm chí chỉ im lặng. Chính sự đơn giản ấy lại đầy uy quyền, vì nó đến từ sự chân thật và yêu thương. Dân chúng thích nghe Ngài giảng dạy, họ lũ lượt kéo theo Ngài, bởi họ cảm thấy mình được lắng nghe, được thấu hiểu, được mời gọi sống những điều đơn giản nhưng cao quý.

Ngày nay, giữa một thế giới ngập tràn ngôn từ, lý thuyết, và thông tin phức tạp, mẫu gương Giêsu lại vang lên như một lời mời gọi trở về với sự chân thật, giản dị và thiết yếu. Làm chứng cho Tin Mừng không nhất thiết phải cần lời lẽ cao siêu, mà cần trái tim biết yêu thương và cách sống chân thành. Chân thật trong suy nghĩ, giản dị trong lời nói, rõ ràng trong nội dung cũng đủ là nghệ thuật mà các bậc thầy hùng biện ao ước muốn có được.

Đơn giản trong tương quan

Đức Giêsu sống đơn giản trong tương quan vì Ngài yêu mọi người cách chân thành, không phân biệt, không vụ lợi tính toán, không quan trọng hình thức. Ngài không kết bạn dựa trên địa vị hay lợi ích. Bạn thân của Ngài là những người ngư phủ mộc mạc, những tội nhân hoàn lương, những phụ nữ từng bị xã hội khinh miệt. Ngài đối thoại với người Samari – điều cấm kỵ theo truyền thống Do Thái. Ngài gọi người thu thuế là bạn, ăn uống với những người bị coi là xấu xa, tội lỗi. Tất cả chỉ đơn giản là yêu thương.

Chúng ta sống trong một thế giới mà các mối tương quan ngày càng phức tạp với toan tính, đóng kịch và vụ lợi. Người ta đến với nhau vì mục tiêu, vì lợi ích, vì hình ảnh, vì nhu cầu tạm thời. Tình bạn, tình yêu và cả đời sống cộng đoàn nhiều khi cũng trở thành một cuộc chơi hình thức, khiến ta mệt mỏi và đơn độc.

Chúa Giêsu mời gọi ta trở về với sự đơn giản trong mọi mối quan hệ. Xem người khác như anh chị em, sống thật, nói thật, yêu thật. Ngài khuyên người tội lỗi hoán cải bằng lòng thương xót. Ngài khiển trách các môn đệ khi họ kiêu ngạo bằng tình yêu và tha thứ. Tình yêu nơi Giêsu là tình yêu chân thật, không giả vờ, không phô trương, không mang mặt nạ. Hãy sống đơn giản trong tương quan bằng cách để tình yêu Giêsu được triển nở trong tim mình và chia sẻ tình yêu ấy cho tha nhân.

Đơn giản trong cách đối diện với mọi biến cố cuộc đời

Đức Giêsu sống đơn giản ngay cả trong cách đối diện với mọi biến cố cuộc đời – những thăng trầm, vui buồn, vinh nhục, và cả cái chết. Ngài đều đón nhận mọi thứ với một tâm hồn phó thác. Khi được đón tiếp, tôn vinh, Ngài không kiêu ngạo. Khi bị khinh chê, chống đối, Ngài cũng không buồn giận. Khi được reo hò, tung hô, Ngài vẫn âm thầm tiến bước. Khi bị bắt, bị đánh đòn, bị phỉ nhổ vào mặt, bị đóng đinh trên thập giá, Ngài cũng không phản kháng, không oán trách. Với Ngài, mọi biến cố đều xảy ra theo thánh ý Chúa và đó là cơ hội để thực thi và hoàn thành sứ mạng.

Sự đơn giản đó không phải là ngây thơ hay trốn tránh thực tế, nhưng là kết quả của một tâm hồn tự do, biết mình từ đâu đến, đang đi đâu và sẽ về đâu. Với Giêsu, điều quan trọng không phải là biến cố xảy ra thế nào, mà là sống nó với tâm thế ra sao. Chính vì thế, Ngài không bị hoàn cảnh điều khiển, không bị chi phối bởi những điều trái ý, không bị áp đặt bởi dư luận hay áp lực xã hội.

Một dòng suối chỉ chảy êm đềm khi nó không bị ngăn bởi những tảng đá lớn. Tâm hồn con người cũng vậy, chỉ khi buông bỏ tham sân si, ta mới có thể sống nhẹ nhàng và an nhiên. Sống đơn giản không phải là từ bỏ tất cả, mà là giữ lại những gì thực sự cần thiết cho hành trình đi đến hạnh phúc. Đó là sự lựa chọn giữa bộn bề và thanh thản, giữa nô lệ và tự do, giữa phù du và vĩnh cửu. Khi sống đơn giản, con người sẽ không còn bị cuốn trôi theo dòng thác lũ của nhân loại, mà dường như trở thành một nhánh suối riêng – tự do, âm thầm, giản dị nhưng đủ sức tưới mát cả một thế giới đang khô cằn.

“Khi sống đơn giản, con người sẽ không còn bị cuốn trôi theo dòng thác lũ của nhân loại, mà dường như trở thành một nhánh suối riêng – tự do, âm thầm, giản dị nhưng đủ sức tưới mát cả một thế giới đang khô cằn.” ___(Super Quoc)

 

Bài trướcGiữa đêm gặp lại “ánh sáng”
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (THỨ NĂM TUẦN THÁNH)