Người xa lạ

0
373
Photo: pinterest.com
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời

 

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp “Fratelli Tutti” đã nhấn mạnh rằng thế giới toàn cầu hoá không làm cho con người trở nên anh em của nhau nhưng dần trở nên những con người xa lạ với Thiên Chúa, với tha nhân và cả với chính mình. Dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” (x. Lc 10,29-37) được Ngài đề cập đến trong Thông điệp như một lời nhắc nhở con người về sự xa lạ giữa con người với nhau, điều mà triết gia Albert Camus, người Pháp, gọi là “cảm thức người xa lạ”.

“Cảm thức người xa lạ” được Albert Camus nêu bật và làm sáng tỏ trong tác phẩm Người xa lạ (L’Étranger). Nhân vật chính trong tác phẩm, Meursault, thông qua sự quan sát và cảm nghiệm đã nhận thấy và ý thức được rằng dường như mình đang xa lạ (khác lạ) với thế giới và ngược lại, tha nhân cũng xem họ như những người xa lạ, người ngoài cuộc và đẩy họ ra khỏi cõi người. Chính tác giả Camus đã thốt lên rằng: Tôi mãi mãi là một kẻ xa lạ với chính mình!

Trong hành trình đức tin, chúng ta cũng cảm nhận được đâu đó sự hiện diện của“cảm thức người xa lạ”: con người đã trở nên xa lạ với Thiên Chúa và ngay cả với chính mình từ bao giờ mà con người đã chẳng hay?

 

Con người trở nên xa lạ với Thiên Chúa

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo làm sáng tỏ như sau: “Con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa” (GLHTCG số 27). “Con người là chóp đỉnh của công trình sáng tạo. Trình thuật Sáng Thế diễn tả điều đó, khi phân biệt rõ ràng việc sáng tạo con người với việc sáng tạo các loài khác ( x.St 1,26)” (GLHTCG số 343). Con người được Thiên Chúa dựng nên và cho dự phần vào sự sống của Ngài. Quả thật, con người “thật gần” với Thiên Chúa. Những chương đầu của trình thuật sách Sáng Thế làm nổi bật tương quan quá đỗi gần gũi này. Con người không chỉ gần với Thiên Chúa, xét theo nghĩa con người được dựng nên và mang hình ảnh Thiên Chúa, nhưng ngay trong sâu thẳm tâm hồn con người, Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng thật gần gũi. Để rồi, con người luôn khắc khoải về Ngài.

Thế nhưng, tội lỗi đã làm rạn nứt mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Nhân loại mỗi ngày một xa rời Thiên Chúa, đánh mất tình trạng ân nghĩa với Ngài, phải đau khổ và phải chết: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Êđen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra. Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Êđen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh” (St 3,24). Con người trở nên xa lạ với Thiên Chúa do bởi tội lỗi của mình.

Điều đáng nói ở đây là điều mà triết gia Camus đã nhấn mạnh: “cảm thức người xa lạ”. Con người, do bởi tình trạng tội lỗi, cảm thấy mình dường như xa lạ với Thiên Chúa và ngay cả chính Thiên Chúa cũng xem con người là những kẻ xa lạ. Đó quả là điều nguy hại. Bởi lẽ, “cảm thức người xa lạ” không những làm con người tự ti, mặc cảm về thân phận tội lỗi của mình mà còn nguy hại hơn biết bao khi cảm thức ấy dẫn con người đến một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa đã xa rời, bỏ mặc và xem con người là kẻ xa lạ.

Nhưng không phải thế! Thiên Chúa luôn gần kề với con người. Đến nỗi, Thiên Chúa đã ban chính Con Một yêu dấu của Người đến để cứu độ chúng ta. Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, đã đến và đã chung chia thân phận với chúng ta để cuộc lữ hành của chúng ta không còn cảm thấy bơ vơ hay đơn độc. Quả thật, Thiên Chúa quá đỗi gần gũi với con người nhưng “cảm thức người xa lạ” làm cho con người ngày càng xa rời Thiên Chúa. Con người dần trở nên xa lạ với Thiên Chúa và xa lạ với cả chính mình.

 

Con người trở nên xa lạ với cả chính mình

Triết gia Camus đã nói rằng: Tôi mãi mãi là một kẻ xa lạ với chính mình! Ông có lý của ông khi nhận định như vậy, bởi lẽ, trong tư tưởng triết học của Camus, sự phi lý của cuộc sống luôn vây khốn ông để rồi tất cả mọi sự trong cuộc đời này vốn dĩ đã xa lạ với ông. Camus qua nhân vật chính trong tác phẩm Người xa lạ có cảm giác như luôn có sự hiện diện của một “cái tôi phân đôi”, luôn có “một cái tôi khác ngoài tôi”. Và điều đó được thể hiện và khắc hoạ một cách trực tiếp nơi những suy nghĩ và hành vi của mỗi người.

Con người trở nên xa lạ với chính mình được thể hiện rõ nét nơi sự mất hài hoà trong bản thân, sự đối nghịch giữa ước muốn và chọn lựa. Chính Thánh Phaolô cũng cho thấy điều trong những dòng thư gửi tín hữu Rôma: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, mà điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,15); “Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó… thật vậy, sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (x. Rm 7, 17.19). Những lời của thánh Phaolô làm sáng tỏ về một sự phân tách mạnh mẽ nơi con người, như là “có một cái tôi khác ngoài tôi vậy”.

Sự xa lạ nơi chính bản thân ấy không chỉ đơn thuần là sự xa lạ giữa ước muốn và chọn lựa hay tinh thần và thể xác như Kinh Thánh thường nhắc đến nhưng còn là một điều gì đó sâu xa hơn nơi cõi lòng của chúng ta, một sự xa lạ đến tận căn: Chúng ta là con cái Thiên Chúa nhưng chúng ta không cảm nhận thấy mình là con cái Thiên Chúa. Quả vậy, con người xa lạ với chính căn tính của mình, không còn cảm thấy niềm vui vì được làm con cái Chúa và sau hết, con người không còn cảm thấy Thiên Chúa là chúng ta nữa! Tự vấn chính mình, con người cảm thấy rõ nét về những giây phút mà con người trở nên xa lạ với chính mình. Cũng một phần nào đó, chúng ta cảm được sự xa lạ với chính mình mà Camus đã trải qua: Tôi mãi mãi là một kẻ xa lạ với chính mình!

 

Đức Giêsu lôi kéo con người đến gần Thiên Chúa

Do bởi tội lỗi mà con người bị xa rời Thiên Chúa, dẫn đến, con người trở nên xa lạ với Đấng đã dựng nên mình. Thiên Chúa không bỏ mặc con người nhưng đã hứa ban Con Một yêu dấu để lôi kéo con người trở về gần gũi với Ngài. Đức Giêsu, Đấng đã đến thế gian để cứu độ con người. Vì yêu thương, Ngài đã đến chung chia thân phận với con người, những thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên. Chính Đức Giêsu cũng cảm nhận được “cảm thức xa lạ” nơi con người thời bấy giờ. Dân chúng luôn nói về niềm tin vào Thiên Chúa của cha ông họ nhưng khi Đấng là Thiên Chúa thật đã đến, con người đã xem Ngài như người xa lạ: “Người đã đến nhà mình mà người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Đức Giêsu đã chẳng phiền lòng về điều đó nhưng Ngài đã sống với sứ vụ được Chúa Cha trao phó hầu lôi kéo con người đến cùng Thiên Chúa.

https://frted.wordpress.com/wp-content/uploads/2017/05/8186047331_e19fe9005e.jpg
Photo: https://frted.wordpress.com

Trong thân phận một người Do thái, Đức Giêsu đã xoá bỏ ranh giới của sự xa lạ giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác. Đức Giêsu đã không xem người phụ nữ xứ Samari (x. Ga 4) hay người Samari trong dụ ngôn Người Samaria nhân hậu (Lc 10,29-37) là những người xa lạ. Chính Đức Giêsu đã trở nên thật gần với những người bị người Do thái thời bấy giờ xem là “những người xa lạ” với dân chúng: Người đưa tay xin nước từ một người phụ nữ Samari (x. Ga 4), Người đứng gần người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-11), Người đụng chạm đến những người bị phong cùi và Người đến nhà dùng cơm với những người thu thuế… Đức Giêsu đã thật gần với những con người ấy. Chính Đức Giêsu cũng bị giới Kinh sư và Pharisêu thời bấy giờ xem là “người xa lạ”. Thế nhưng, Đức Giêsu đã không ngần ngại đến với những người bị xem là “người xa lạ” và kéo họ đến gần với Người để tỏ lộ cho họ chân dung một vị Thiên Chúa thật đỗi gần gũi với con người. Sau cùng, Đức Giêsu đã dùng cuộc khổ nạn và phục sinh của người để diệt trừ tội lỗi, nguồn gốc gây nên sự xa lạ giữa con người và Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau:“Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep 2,13).

 

Tóm lại

Con người rơi vào “cảm thức người xa lạ” và đánh mất luôn niềm khao khát tìm kiếm Thiên Chúa cũng như kiếm tìm chính mình. Con người dần cảm thấy trở nên xa lạ với tất cả mọi thứ: với thiên nhiên, với tha nhân, với chính mình và với Thiên Chúa. Đó là lý do dẫn con người rơi vào tình trạng phi lý trong cuộc sống mà triết gia Albert Camus nhắc đến. Con người đánh mất chính mình vì đánh mất ý nghĩa của cuộc sống.

Đức Giêsu đã đến thế gian để chung chia phận người với chúng ta và nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu, con người cũng nhận ra và ý thức rằng đã một thời gian rất lâu, con người đã trở nên xa lạ với Thiên Chúa và ngay cả với chính mình. Đức Giêsu nhắc chúng ta về “cảm thức người xa lạ”. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta là con cái Thiên Chúa và là anh em của nhau, đó là căn tính của chúng ta. Do đó, con người thật gần gũi với Thiên Chúa ngay từ thuở tạo thiên lập địa và Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta về một chân lý yêu thương và vĩnh cửu: Thiên Chúa chưa bao giờ rời xa hay bỏ rơi con người. Thiên Chúa không bao giờ là “người xa lạ” với chúng ta!

Bài trướcTổng Tu Nghị XIX của Dòng Ngôi Lời (16/06 – 14/07/2024)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 15 TN)