Cao Bá Quát nói: “Xưa nay, nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ”. Thật vậy, cuộc sống của mỗi chúng ta được dệt nên từ những mối tương quan gặp gỡ. Sống trong môi trường của một giáo xứ truyền giáo, điều này lại mang một vai trò và ý nghĩa quan trọng. Nhà truyền giáo phải là cầu nối gặp gỡ giữa Thiên Chúa với đàn chiên của mình. Sự gặp gỡ mang lại cho con người nhiều cảm nghiệm sâu sắc trong tâm hồn.
Trong dịp hè vừa qua, tôi đã có dịp đi mục vụ tại Giáo xứ Mân Côi, và có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người ở đây.
Lược Sử Giáo Xứ Mân Côi
Năm 1999, khoảng 80 giáo dân từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Đăk Lắk đến Làng Long, xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai lập nghiệp.
Tháng 10 năm 2000, nhóm giáo dân này đọc kinh liên gia tháng Mân Côi và nhận tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng.
Cũng năm 2000, ông bà Giuse Lưu Viết và ông bà Giuse Nguyễn Mạnh Hà dâng cúng cho xóm giáo hai mảnh đất với tổng diện tích 2,3 hecta để làm nhà nguyện.
Trong giai đoạn này, linh mục Giuse Trần Sĩ Tín, thuộc dòng Chúa Cứu Thế, phụ trách Trung tâm Truyền giáo Plei Kly – Phú Nhơn, kiêm luôn Hrú – Phú Quang, Mỹ Thạch và cả vùng Chư Sê.
Tính đến năm 2004, thuộc địa bàn xã Ia Dun[1]:
+Xóm giáo Mân Côi (người Kinh) có 83 giáo dân.
+Cộng đoàn tín hữu Jrai (Plei Sul) có tổng cộng 262 giáo dân, trong đó: Plei Sul (126), Plei Kueng O (9), Plei Kueng Thoa (51), Plei Pan (56), Plei Tâu (11). Plei Hlong (5), Plei Greo Sek (1), Plei Tao Rong Ngo’(11), Plei Kenh Siu (3), Plei Hơbi (1), Plei Rung Rang (4), Plei Ia Chuan (4).
Năm 2006, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh sai thầy Antôn Hoàng Văn Lợi đến xóm giáo Mân Côi để qui tụ nhóm giáo dân này với mong muốn thành lập giáo họ Mân Côi.
Năm 2006, cha Hilariô Hoàng Đình Thiều, Naza (Cha Tám) đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà nguyện với diện tích 130 m2 và được hoàn thành vào năm 2007. Tuy nhiên, chính quyền chưa chấp nhận nơi đây là nơi sinh hoạt tôn giáo.
Ngày 24/11/2009, nhằm lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha quản hạt Phêrô Nguyễn Vân Đông đã đến dâng thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện với tổng số 280 giáo dân. Từ đó, các thánh lễ Chúa Nhật được cử hành.
Ngày 05/10/2015, Đức Cha Micae quyết định thành lập giáo họ Mân Côi trực thuộc giáo xứ Mỹ Thạch, giáo hạt Chư Sê, giáo phận Kontum. Cũng trong năm 2015, giáo họ xây dựng tháp chuông.
Ngày 16/11/2016, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị bổ nhiệm Cha Giuse Đặng Xuân Hải, Dòng Ngôi Lời (SVD) đặc trách Giáo họ Mân Côi.
Sau ba năm Cha Giuse Đặng Xuân Hải cùng với cộng đoàn đại tu lại nhà thờ bằng khung sắt với kích thước 30m x 23m trên triền đồi Sáu Gà. Sau đó, Giáo họ xây dựng nhà xứ, nhà máy nước lọc tinh khiết, tượng đài Đức Mẹ và thánh Giuse.
Ngày 04/04/2019, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị đã nâng Giáo họ Mân Côi lên thành Giáo xứ và bổ nhiệm cha Giuse Đặng Xuân Hải, SVD làm chánh xứ tiên khởi Giáo xứ Mân Côi.
Năm 2020: Giáo xứ có tổng cộng 1.023 giáo dân. Trong đó người Kinh: 249 giáo dân; người Thượng (J’rai): 774 giáo dân. Cha Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD được bổ nhiệm phụ tá.
Năm 2022 tổng số giáo dân của giáo xứ là 1.199 người.
Năm 2023, Cha Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD được bổ nhiệm về làm chánh xứ, và cha Luy Nguyễn Lê Bảo, SVD làm phó xứ.

Vùng đất và con người
Giáo xứ Mân Côi thuộc giáo hạt Chư Sê, giáo phận Kontum. Có vị trí hành chính tại làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Giáo xứ Mân Côi có khoảng 900 giáo dân, trong đó người Kinh chiếm khoảng 1/3, còn lại là người đồng bào Jarai tập trung chủ yếu các làng: Pan và Blút Griêng. Cha xứ là người rất tâm huyết với công cuộc truyền giáo cho các làng. Cha đã dành cả tâm huyết của mình để dạy Giáo lý cho những người đồng bào ở đây và những công việc mục vụ nhằm phát triển Giáo xứ.
Nhìn chung, cuộc sống của những người giáo dân Giáo xứ Mân Côi còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vì họ đa phần làm nghề nông nên vấn đề trồng trọt đều phụ thuộc vào thời tiết. Trong những năm gần đây, nắng mưa thất thường nên bà con nơi vùng cao nguyên thường hay mất mùa khiến họ phải rời bỏ nơi này để đi nơi khác làm ăn.
Đời sống thiêng liêng của Giáo xứ diễn ra đều đặn. Mỗi ngày đều có thánh lễ vào buổi sáng tại nhà xứ, còn buổi chiều thì các cha vào làng dâng lễ cho người đồng bào. Riêng ngày Chúa Nhật có ba thánh lễ: một cho người đồng bào làng Pan, lễ thứ hai cho thiếu nhi và lễ thứ ba cho người lớn. Mặc dù lượng giáo dân ít ỏi, Giáo xứ vẫn có những con người nhiệt huyết cộng tác trong các sinh hoạt của Giáo xứ.
Cảm nghiệm mục vụ hè
Trong thời gian mục vụ tại giáo xứ, tôi phụ trách dạy các lớp Giáo lý cho các em chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm sức ở làng Blút Griêng và lớp dự bị các em xưng tội rước lễ cho người Kinh. Còn thầy Sơn, bạn đồng hành cùng Dòng, thì phụ trách lớp Thêm sức cho người Kinh. Ngoài ra, tôi và thầy Sơn cùng nhau lên kế hoạch về ngày trại hè cho các em trong Giáo xứ. Với thời gian đồng hành với các em, tôi cảm thấy rất quý mến các em. Và tôi nghĩ rằng, Giáo xứ không chỉ là nơi dạy Giáo lý cho các em mà còn là nơi để các em gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Tôi được gần gũi và lắng nghe những điều rất đơn sơ, giản dị của các em. Qua công việc dạy Giáo lý và đồng hành với các em, tôi ý thức hơn về tương lai của mình. Nơi họ, tôi cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Tôi nhìn thấy họ cũng khao khát được gặp Chúa. Thế nên, tôi cố gắng làm cầu nối để họ được Gặp Chúa qua những buổi dạy Giáo lý, qua những buổi chia sẻ, nói chuyện và sinh hoạt với các em.
Hai tháng mục vụ ở Giáo xứ Mân Côi, tôi cảm nhận được tình thương của Chúa đã dành cho tôi cách đặc biệt qua những người tôi gặp gỡ, tiếp xúc, chia sẻ và thăm viếng. Họ đa phần là những người nghèo. Tuy vậy, họ có tấm lòng quảng đại và sẵn sàng chia sẻ những gì họ có, sẵn sàng hy sinh công việc cho Giáo xứ.
Ngoài ra, tôi nhận thức rằng: Gặp gỡ không phải chỉ dừng lại ở việc phát đi thông điệp mà đó còn là một cơ hội để tôi tiếp nhận, lắng nghe những nhịp điệu của cuộc sống dành cho mình. Người ta nói vui rằng Thượng Đế quyết định không để chìa khóa cuộc đời mỗi người trong chính bàn tay của họ mà đặt nó ở trong tay những người họ sẽ gặp trong đời. Do đó, thiết nghĩ, nhiệm vụ của tôi là phải gặp gỡ những con người mà tôi có dịp gặp gỡ để nhận ra được sứ vụ của mình trong tương lai. Vì vậy, tôi trân trọng những giây phút mà tôi có cơ hội gặp gỡ họ. Và tôi luôn tâm niệm rằng mình phải có tình yêu trong sứ vụ. Như Thánh Joseph Freinademetz, bậc tiền bối trong Dòng Ngôi Lời, từng tâm niệm: Chỉ có một ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu được đó là “ngôn ngữ” của yêu thương. Thật vậy, chỉ trong tình yêu cho sứ vụ truyền giáo, tôi mới có thể vượt qua những khó khăn và thách đố. Để rồi, tôi có thể can đảm hơn trong sứ vụ truyền giáo.
Chia tay Giáo xứ Mân Côi sau hai tháng hiện diện, tôi thầm cám ơn những con người mà tôi gặp gỡ, tiếp xúc. Tuy thời gian không dài nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh những con người nơi này. Tôi nhớ về sự giản dị, hi sinh của cha xứ trong công cuộc truyền giáo. Tôi nhớ về những sinh hoạt đạo đức bình dân của giáo dân. Tôi nhớ về những buổi gặp gỡ với các em, các giờ giáo lý, với các gia đình mà tôi có cơ hội thăm viếng. Qua những cuộc gặp gỡ, tôi có thêm những kinh nghiệm cho bản thân mình. Thế nên, mỗi ngày, tôi có biết bao cuộc gặp gỡ: với người này với người kia và ngay cả giữa những người mà tôi không hề quen biết. Những cuộc gặp gỡ ấy sẽ là một cơ hội để tôi phát triển bản thân, sẽ là hành trang cho tôi trong sứ vụ truyền giáo sau này.
Có thể nói, hai tháng được gặp gỡ với mọi người trong Giáo xứ, tôi đã cảm nghiệm sâu sắc hơn về đời sống mục vụ, đặc biệt là tôi hiểu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của người đồng bào nơi vùng đất cao nguyên này. Tôi cảm nhận được tình yêu mà người dân ở đây đã dành cho tôi và đọng lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm khó quên giống như tâm tình mà tác giả Chế Lan Viên đã nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn.” Qua đó, tôi ý thức hơn về sứ vụ truyền giáo của mình là sứ vụ yêu thương và phục vụ những con người mà tôi có cơ hội gặp gỡ.
Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD
[1] Theo Bảng Thống kê Giáo phận Kontum: Giáo hạt Pleiku, tỉnh Gia Lai thời điểm 31/12/2004, tr.13-14.