Làm người một cách say mê hơn…

0
116
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời

Con người hằng không ngừng nỗ lực đi tìm bản chất, ý nghĩa và mục đích của cuộc đời. Những câu hỏi như con người là ai, nơi nguồn cội và cùng đích của nó vẫn luôn là nỗi trăn trở của những ai say mê kiếp nhân sinh. Kitô giáo cũng không đứng ngoài lãnh vực này, thậm chí, đây còn là một trong những mối bận tâm hàng đầu của Giáo Hội. Chương I, Phần I của Hiến chế Gaudium et spes được mở đầu với câu hỏi: “Giáo Hội nghĩ gì về con người?” (GS, số 11). Có lẽ, không có định nghĩa nào đơn sơ mà sâu sắc cho bằng: “Con người là hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Cũng chỉ là một thụ tạo như muôn loài khác, xét theo nghĩa là được Thiên Chúa dựng nên, nhưng con người lại được ban tặng phẩm giá đặc biệt, vượt trên muôn loài đến nỗi tác giả Thánh Vịnh phải thốt lên: “Chúa ban cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,5-7). Con người quả là một huyền nhiệm. Thế nhưng, huyền nhiệm con người đang dần bị lu mờ trong bối cảnh xã hội khoa học kỹ thuật và cá nhân chủ nghĩa hôm nay, đến độ, người ta đã chẳng còn thấy những nét lôi cuốn nào mỗi khi bàn về con người.

Một sự giản lược hoá huyền nhiệm con người

Trong công trình sáng tạo thuở ban đầu, con người được trao ban cho một vị thế trổi vượt so với muôn loài. Vị thế ấy được Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo làm sáng tỏ như sau: “Con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa (số 27) . Con người là chóp đỉnh của công trình sáng tạo” (số 343). “Con người là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ (x.GS 24,3). Con người được tạo dựng vì mục đích ấy, và đó là lý do căn bản của phẩm giá con người” (số 353). Khi bàn về con người, Thánh Tôma cũng đã nhận định: “Ngôi vị con người, thực tại cao quý nhất trong thế giới”[1]. Sách Sáng thế chương 1 câu 27 càng làm nổi bật lên huyền nhiệm về con người: “Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa”.

Thế nhưng, những tranh luận của giáo thuyết Kitô giáo liên quan đến con người cùng với sự phá triển của khoa học kỹ thuật đã làm dấy lên những trao lưu giản lược hoá huyền nhiệm con người. Con người trở thành đối tượng của các nghiên cứu khoa học thực chứng, tựa như những sự vật. Người ta đề xuất việc suy tư về con người không được rời khỏi lãnh vực hiện tượng của các sự vật, vì thế, cần phải loại bỏ các khái niệm trừu tượng và siêu hình nơi con người như linh hồn, “hình ảnh Thiên Chúa”… Con người được mổ xẻ dưới các khía cạnh đặc thù, có thể kể đến như nhân chủng học, nhân học xã hội, nhân học chính trị… với thao thức tìm ra một quy luật tổng thể, phổ quát, hầu đưa ra một “bản tính người” cho toàn thể nhân loại. Một vấn nạn được đặt ra là làm sao có một thứ bản tính người như thế khi mà đối diện với cuộc sống là những con người cụ thể, với những khác biệt đến đa dạng?

Con người đi tìm một sự giản lược huyền nhiệm con người. Thay vì, dày công đào sâu phẩm giá của con người cũng như ý nghĩa của kiếp nhân sinh hầu làm sáng ngời thêm huyền nhiệm mà Thiên Chúa đã tạo dựng, nhân loại lại tìm cách giản lược con người thành những sự vật, là đối tượng của các môn khoa học thực nghiệm. Thế mà, con người đâu phải là những vật vô tri như những cỗ máy, cũng chẳng phải là giống loài như thực vật hay động vật… Trên hết và trước hết, con người là hình ảnh của Thiên Chúa sống động, được dự phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa và con người có linh hồn bất tử. Những xác quyết đó của đức tin Kitô giáo cho thấy sự giản lược huyền nhiệm con người là bất khả thi và tiềm ẩn những nguy cơ. Bởi lẽ, một sự giản lược như thế dẫn con người đi đến sự tự huỷ và điều đó thật đáng lo ngại biết bao. Nhân loại sẽ ra sao khi con người, một huyền nhiệm được Thiên Chúa tạo dựng cách lạ lùng, bị giản lược thành những vật vô tri được mổ xẻ riêng rẽ trong các lãnh vực khoa học?

Huyền nhiệm con người không thể bị giản lược do bởi chiều kích “thần thiêng”, điều mà không một thụ tạo nào khác có được. Chiều kích này không chỉ phát xuất từ linh hồn nhưng còn từ ơn gọi trong Thần Khí của Thiên Chúa, tức là ơn gọi tiến đến sự hiệp thông với Người[2]. Do đó, một sự giản lược huyền nhiệm con người là một điều bất khả thi!

Photo: Pixabay.com

Một tôn giáo mới mang tên “tôn giáo nhân loại”

Cuộc sống của con người thời đại chúng ta mang dấu ấn của tính hữu lý kỹ thuật, của sự mỏng giòn, của tình cảm bị khiên chế về mặt xã hội. Con người là tác giả và cũng đồng thời là nạn nhân của sự sụp đổ những giá trị nhân sinh. Chúng ta hiểu được lý do con người đi tìm một thứ tôn giáo mới để khoả lấp nỗi nhớ nhung những giá trị nhân sinh cao đẹp mà Kitô giáo mang lại mà nay đã bị đánh mất.

Thế kỷ XX chứng kiến một đề xuất của nhà xã hội học Auguste Comte[3] đã được không ít các nhà triết học như John Stuart Mill hay Alain de Botton tiếp nhận. Comte đề xuất một tôn giáo được gọi là “tôn giáo nhân loại” (religion de l’Humanité) nhằm thay thế Kitô giáo. Trong tôn giáo mới này, Comte vẫn giữ lại những hình thức của Kitô giáo như các nghi thức, bí tích… nhưng thay thế Thiên Chúa bằng Nhân Loại: chư thánh trong niên lịch phụng vụ được thay thế bằng những con người vĩ đại; chức tư tế được trao cho những con người có trí tuệ xã hội… Quan điểm này của Comte được khởi đi từ trào lưu nhân bản chủ nghĩa ở Tây phương thời Phục Hưng (TK XV-XVI). Khởi điểm của trào lưu này là muốn nhắm đến việc thăng tiến những giá trị đặt nền tảng trên phẩm giá con người. Đó quả là một ý hướng tốt đẹp, bởi lẽ, con người có giá trị đích thực, trổi vượt trên hết mọi loài. Giáo huấn của Giáo Hội cũng mời gọi con người không ngừng thăng tiến những giá trị bản thân như là cách thức cộng tác và tiếp diễn công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thế nhưng, vấn đề nảy sinh khi trào lưu này đã đi quá xa bằng việc đẩy khoa học lên thành một thứ tôn giáo, trong đó, con người là thước đo cho mọi sự, như “một loại Thiên Chúa”: “Con người phải cố chỉ huy mọi nơi, có mặt khắp mọi nơi chốn như Thiên Chúa”[4].

Con người thời đại có lý do để biện minh cho việc loại trừ Thiên Chúa. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng với sự hỗ trợ của chủ nghĩa thực nghiệm sẵn sàng loại bỏ tất cả những suy luận siêu hình và cả những nhận thức tiên thiên (a priori, nghĩa là những điều có trước mọi kinh nghiệm và có sẵn trong trí óc) về các sự vật, để chỉ xây dựng nhận thức trên các kinh nghiệm khả giác, trên khoa học và trên sự quan sát hậu nghiệm (a posteriori, nghĩa là những kiến thức có được từ những hiểu biết thực chứng). Xét dưới góc độ này, Thiên Chúa không gì khác hơn là những nhận thức tiên thiên. Thời đại của khoa học kỹ thuật không chấp nhận những kiểu tri thức như thế, đặc biệt, khi chứng kiến những thành tựu to lớn mà khoa học thực nghiệm mang lại. Đề xuất về một tôn giáo mới, “tôn giáo nhân loại” của A. Comte nhằm thay thế Kitô giáo được lan rộng và đón nhận rộng khắp. Con người hân hoan khi nghĩ về một viễn cảnh tươi đẹp nơi không còn Thiên Chúa cũng chẳng còn những giáo điều. Giờ đây, con người được làm chúa của chính mình.

Cũng chính khoảnh khắc ấy, con người đánh mất phẩm giá của bản thân. Một hình thức nô lệ mới xuất hiện và con người trở thành nô lệ cho chính những tham vọng, đam mê và tham – sân – si của bản thân. Con người đánh mất sự tự do của con cái Thiên Chúa, điều làm nên huyền nhiệm con người. Chính trong đề xuất về “tôn giáo nhân loại” này, chúng ta tái khám phá sự đáng ngạc nhiên đến độ khiến con người phải kinh sợ khi luận bàn về Thiên Chúa, Đấng vượt lên trên các phạm trù nhận thức của lý trí con người. Những lập luận của Comte có thể có lý khi áp dụng cho những sự vật, nhưng là không thể khi quy chiếu lên Thiên Chúa, một mầu nhiệm siêu việt. Như chính triết gia E. Kant đã quả quyết, chỉ có thể nhận thức được Thiên Chúa bằng niềm tin, chứ không thể bằng lý trí. Nói cách khác, trong vấn đề liên quan đến Thiên Chúa thì chỉ có đức tin là câu trả lời duy nhất.[5]

Hiến chế Gaudium et spes số 12 khẳng định: “Mọi vật trên địa cầu phải quy hướng về con người như là trung tâm và đỉnh cao của vạn vật”. Con người đáng được nâng lên một vị thế xứng hợp. Câu nói thời danh của Đức Phaolô VI trong diễn văn bế mạc Công đồng Vaticanô II càng cho thấy vị thế của con người: “Cả chúng tôi nữa, chúng tôi cũng “tôn sùng” con người”. Đối diện với một loại “tôn giáo tôn thờ con người”, Đức Phaolô VI, một đàng, Ngài đã làm sáng tỏ vị thế trổi vượt của con người; một đàng, Ngài quả quyết rằng Kitô “tôn sùng” con người không có nghĩa là Kitô giáo đặt con người lên bục thờ để thay chỗ Thiên Chúa.[6] Sự xuất hiện của “tôn giáo nhân loại” không những không làm gia tăng giá trị của con người mà còn khiến họ đánh mất đi phẩm giá cao quý của mình, đánh mất đi ý niệm về một huyền nhiệm.

Photo: Pixabay.com

Huyền nhiệm con người sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô

Những câu hỏi về kiếp nhân sinh vẫn luôn được lưu tâm trong lòng Giáo Hội. Phải làm sao để nhân loại, bao hàm cả những người không chia sẻ niềm tin Kitô giáo (nhưng vẫn đang tìm kiếm một ý nghĩa cao cả của con người) cũng có thể tìm thấy nơi giáo lý Kitô giáo ánh sáng và hy vọng cho vận mệnh cuộc đời của họ.

Chương I, Phần I của Hiến chế Gaudium et spes được mở đầu với câu hỏi: “Giáo Hội nghĩ gì về con người?” (GS, số 11), sau khi đã lắng nghe những trăn trở, băn khoăn của thời đại (GS, số 4-10). Sau những phân tích và trình bày, Hiến chế khẳng định cách mạnh mẽ: “Mầu nhiệm con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS, số 22). Quả vậy, sự thật về con người được tìm thấy nơi Đức Giêsu Nazarét. Chính Người “giúp nhân loại hiểu biết đầy đủ về chính họ và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý cuả họ”. Chỉ nơi Đức Kitô, Đấng là nguyên mẫu cho chúng ta, con người mới hiểu cách tường tận đâu là căn tính của mình, đâu là đích điểm mà chúng ta được kêu gọi hướng tới. Như vậy, các chân lý về con người liên kết chặt chẽ với chân lý về Đức Kitô. Kitô giáo bàn về huyền nhiệm con người nhưng được đặt trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, “bàn về con người, trước mặt Thiên Chúa”. Giáo lý Kitô giáo nhằm trình bày huyền nhiệm con người trên nền tảng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.  Nơi Đức Giêsu, con người khám phá ra những nét “thần linh” làm nên huyền nhiệm con người. Con người như là “giao điểm giữa thần linh và thế tục”. Con người không vận hành đời mình như một cơ chế đã được lập trình, trái lại, con người được thúc đẩy vươn lên bởi khao khát. Khao khát hướng về Đấng đã dựng nên họ.

Hơn nữa, con người, ngay từ thuở ban đầu đầu, là thụ tạo được kêu gọi bởi Thần Khí Thiên Chúa và do chính ơn gọi này mà họ được ban cho một linh hồn thiêng liêng. Và vì thế, họ không thể đạt tới mức “hoàn bị” nếu chưa đón nhận và sống dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta Chúa Cha và tình yêu của Người. Chính trong mạc khải này, Người chỉ cho chúng ta biết chúng ta là ai, và đâu là phẩm giá của ơn gọi chúng ta. Vì lẽ đó, mầu nhiệm con người chỉ được sáng tỏ trong mầu nhiệm Đức Giêsu. Chỉ trong ánh sáng của Đấng là nguyên mẫu cho chúng ta, chúng ta mới có thể nhận thức được đâu là đích điểm mà chúng ta được kêu gọi hướng tới.

Tóm lại

Công cuộc Phúc Âm hoá của Giáo Hội cũng khởi đi từ việc làm mới lại cái nhìn về con người đích thực như “hình ảnh của Thiên Chúa”. Con người cần làm mới mình, theo gương mẫu của Đức Kitô, con người mới như Hiến chế Gaudium et spes đã giới thiệu. Con người được mời gọi hoàn thiện huyền nhiệm người nơi mình theo khuôn mẫu Đức Kitô. “Những con người mới”, được xây dựng theo khuôn mẫu của Đức Kitô, là những người “không những biến đổi vạn vật và xã hội, mà còn hoàn thiện chính mình…”[7] Con người được mời gọi hoàn thiện hình ảnh của Thiên Chúa nơi bản thân khi họ chinh phục thế giới trong sự nhận biết và yêu mến Thiên Chúa và xây dựng tình huynh đệ phổ quát trong cộng đồng nhân loại, chứ không phải dựng nên một thứ tôn giáo mới, “tôn giáo nhân loại”. Huyền nhiệm con người vẫn luôn lôi cuốn những ai say mê kiếp nhân sinh. Mỗi lần đào sâu, con người lại ý thức phẩm giá cao quý của mình, ý thức mỗi người là một huyền nhiệm. Nhờ đó, con người ý thức “làm người một cách say mê”[8] hơn.

Chú thích:

[1] Giuse Nguyễn Hữu Nghị, O.P, Một số luận đề chính trong tư tưởng Tôma, TTHV Đa Minh (2021), tr.440.

[2] Lm Phêrô Trần Ngọc Anh, Nhân học Kitô giáo, Tập Một, Nxb Đồng Nai (2018), tr. 245.

[3] Auguste Comte (1798-1857) là một nhà tư tưởng Pháp, nhà lý thuyết xã hội, nhà thực chứng luận đã đưa ra thuật ngữ “Xã hội học, Sociology”.

[4] Sđd, tr.10-11.

[5] Sđd, tr. 9.

[6] Sđd, tr.174.

[7] Sđd, tr.175.

[8] Hạ Trân, Lời hứa ghép tim, Nxb Tôn Giáo (2021), tr. 20.

Bài trướcGIÁO XỨ MỸ THANH KHAI GIẢNG NĂM HỌC GIÁO LÝ  2024-2025
Bài tiếp theoLiên tu sĩ Việt Nam tại Đông Phi nối dài vòng tay loan báo Tin Mừng với nhóm Bạn đường Truyền giáo