✍️ Tu sĩ Phêrô Lê Văn Lợi, SVD
Mùa hè năm nay là một mùa hè đặc biệt đối với tôi. Lần đầu tiên tôi được đi mục vụ hè. Trong chương trình đào tạo của hội Dòng, hằng năm, anh em chúng tôi đều có những tháng hè để thực tập. Mỗi nơi mục vụ luôn mang lại cho anh em chúng tôi những kinh nghiệm, trải nghiệm mới và rất nhiều bài học bổ ích làm hành trang quý báu cho đời sống mục vụ sau này. Và giáo xứ Kon Thụp là nơi tôi đến trong dịp mục vụ hè 2024 này.
Giáo xứ Kon Thụp thuộc giáo phận Kon Tum, thuộc làng Đak Pnan, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Lịch sử phát triển của giáo xứ cũng có nhiều thăng trầm. Theo như tôi tìm hiều được, năm 1979, ông Bơih (Yao phu trường Cuénot) vào làng Groi, xã Kon Thụp lập nghiệp. Ông gặp những người bệnh phong bị dân làng xa lánh, ruồng bỏ. Ông đã quy tụ họ lại một vùng núi phía sau làng Groi, chia đất làm nhà cho họ ở. Ông ra giáo xứ Phú Thọ, xã An Phú, Pleiku, xin thuốc men, lương thực cho bệnh nhân, các Soeurs Phaolô vào tận làng để giúp đỡ người dân nghèo. Biết được việc làm tốt đẹp của ông Bơih dành cho đồng bào, không phân biệt tôn giáo, nhiều bệnh nhân ở các làng khác cũng đến nhập thành Làng Phong Groi nhỏ. Sau này, ông Bơih đặt tên cho làng là Đak Pnan (theo tên con suối). Hiện nay, giáo xứ được coi sóc bởi cha Phêrô Nguyễn Đình Phụng, SVD chánh xứ và cha Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD phó xứ. Ngoài giáo xứ, còn có 3 điểm mục vụ truyền giáo nữa là Sơ Bir, Kon Chiêng và Đăk trôi. Giáo dân ở đây chủ yếu là người Bahnar và có một số hộ người Kinh gốc Huế.
Về đời sống, tôi thấy đa phần làm nông và nương rẫy, còn người Kinh thì làm nghề buôn bán và một số làm rẫy. Người dân ở đây hầu hết là hộ nghèo, họ luôn thiếu cái ăn cái mặc, thiếu luôn những ‘con chữ’. Thỉnh thoảng có các đoàn từ thiện vào giúp họ ít nhiều qua các phần quà. Hơn thế nữa, vì ở đây là làng phong cùi, nên trong làng còn có nhiều người bị bệnh phong. Thật may mắn, nhờ những kế hoạch của các cha và có sự giúp đỡ của các ân nhân, giờ đây, ở cạnh giáo xứ có một nhà thuốc để cấp phát thuốc cho các bệnh nhân. Hơn nữa, vào Thứ Bảy hàng tuần, có 2 người đã được trang bị kiến thức về bệnh phong đến lấy thuốc ở nhà xứ để đi đến từng nhà rửa vết thương cho những bệnh nhân bị phong. Hơn hai tháng ở đó, tôi đã thấy nhiều bệnh nhân phong lành bệnh. Mặc dù những ngón tay, ngón chân của họ đã không còn nhưng họ vẫn không mặc cảm mà vẫn tham gia sinh hoạt với cộng đoàn giáo xứ.
Về việc mục vụ, hầu hết thời gian của tôi dành cho các hoạt động trong giáo xứ. Vì đây là lần đầu tiên tôi được đi giúp xứ, nên trong lòng tôi không thiếu những lo lắng và sợ hãi. Tôi tự hỏi mình sẽ giúp được gì cho giáo xứ? Liệu mình có chu toàn những công việc được giao? Hay mình có đủ khả năng hay không?… Tuy nhiên, từ khi đặt chân đến giáo xứ Kon Thụp, những lo lắng của tôi đã được thay thế bằng sự an tâm, nhiệt huyết mà chính các cha cũng như các giáo dân mang lại cho tôi. Ngày đầu tiên đến đây, tôi được chào đón bằng một bữa tiệc nhỏ cùng quý cha và quý ban ngành. Những ngày sau đó, tôi được hai cha hướng dẫn, chỉ dạy và khích lệ tinh thần cho mình. Thật vậy, nhờ những kinh nghiệm quý báu của các cha mà tôi được tiếp thêm năng lượng, thêm sự nhiết huyết, cũng như sự tự tin cho những ngày thực tập của mình.
Công việc hằng ngày của tôi chủ yếu là dạy Toán cho các bạn nhỏ và giáo lý cho các em chuẩn bị thêm sức. Khi dạy học, tôi cảm nhận được nhiều niềm vui từ công việc đó. Không chỉ là tôi dạy các em nhưng các em cũng dạy cho tôi nhiều bài học bổ ích. Tôi dạy các em những con chữ, con số hay những bài học giáo lý; các em cho tôi nhiều bài học về lòng đơn sơ, sự vui tươi, hăng hái của các em. Thầy và trò cùng học hỏi lẫn nhau.

Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui, sự nhiệt huyết và tinh thần truyền giáo của một tu sĩ Dòng Ngôi Lời, còn có đó những khó khăn, thách đố mà tôi phải vượt qua. Trước hết, đa phần các em là người đồng bào, nên việc học là một chuyện gì đó không quan trọng với mấy em. Các em ham chơi nhiều hơn là ham học và khi đến trường các em cũng không được học nhiều như những nơi khác. Cho nên, khi tổ chức dạy học, tôi phải dạy lại cho các em từ đầu. Hơn nữa, việc giữ cho các em đi học đầy đủ lại là một chuyện khác nữa. Cha xứ thường hay bảo với tôi: “Các em sẽ lúc đi lúc không, nên thầy đừng la mắng mà hãy kiên nhẫn với các em”. Vì vậy, những chiếc bánh, gói kẹo hay những chiếc bút, cuốn vở là những điều không thể thiếu sau mỗi buổi học. Chúng chỉ là những điều bình thường nhưng đó lại là niềm vui to lớn của các em. Nhờ đó mà các em đi học đầy đủ và chịu khó học bài hơn.
Mặc dù chỉ ở đây hơn hai tháng nhưng tôi thấy được những khó khăn mà các cha phải trải qua. Khi ngồi ăn cơm chung với nhau, tôi được các cha chia sẻ cho nghe về những kinh nghiệm mục vụ. Cha xứ kể cho tôi nghe từng người, từng gia đình, từng hoàn cảnh khác nhau trong giáo xứ hay là những dự định, kế hoạch xây dựng trong tương lai. Từ xây dựng nhà thờ, các cơ sở vật chất, đến xây dựng con người trong giáo xứ. Tôi thầm nghĩ, điều này sẽ đòi hỏi thời gian lâu dài. Qua đó, tôi thấy được những hy sinh lớn lao mà các cha đã dành cho con người nơi đây. Thật vậy, những khó khăn không thể làm chùn bước của người tu sĩ truyền giáo. Nhưng những điều đó giúp họ tin tưởng và phó thác hơn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Và cứ như vậy, hơn hai tháng giúp hè của tôi trôi qua một cách nhanh chóng. Để giờ đây khi nhìn lại, còn có đó những lưu luyến về Kon Thụp, về những người dân thân thương ở đó. Tôi quay về Sài gòn để tiếp tục chương trình học của mình. Tôi không có gì để lại cho giáo xứ, chỉ có những lời cầu nguyện chân thành cho giáo xứ ngày càng phát triển về đời sống tinh thần cũng như vật chất. Tạ ơn Chúa và cám ơn quý Cha cũng như giáo xứ Kon Thụp đã cho con một mùa hè thật ý nghĩa và trọn vẹn.