GẶP GỠ VÀ BIẾN ĐỔI trong Mùa Hè Sứ Vụ

0
22

 

Trước khi về trời, Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Là một người môn đệ của Chúa ngang qua Dòng Ngôi Lời, hôm nay tôi cũng đi ra để đem Tin Mừng của Chúa đến cho muôn dân, cụ thể là tại mảnh đất Châu Đốc xa xôi. Để thành công chuyển tải các giá trị Tin Mừng thì hành trang lớn nhất của người môn đệ là lòng nhiệt thành sứ vụ truyền giáo và tinh thần khiêm hạ phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nỗ lực gặp gỡ văn hóa để từ đó biến đổi mình nhiều hơn là điều cần thiết cần có nơi người môn đệ đi gieo Tin Mừng. Đức Giêsu cũng nhắn nhủ các nhà truyền giáo cũng nói lên rằng họ phải có cảm thức thuộc về, toàn tâm toàn ý sống cho và sống với mảnh đất mà mình được sai đến: “Hãy ở lại đó đến lúc ra đi”(Mt 10,11). Ngài muốn khuyên các môn đệ cứ cố gắng hòa nhập, sống tinh thần “ở lại và gặp gỡ” tại nơi mảnh đất sứ vụ .

Kỳ nghỉ hè vừa qua, tôi cũng có dịp được “sai đi” đến vùng đất mới nhằm mục đích thực tập và trải nghiệm công việc mục vụ ở một môi trường thựsc tế sau một năm đèn sách. Khoảng hai tháng không phải là nhiều nhưng nó cũng đủ để tôi học hỏi, tìm hiểu thêm những điều mới mẻ gì đó. Sau đây là một vài suy tư và đúc kết cho chương trình mục vụ hè vừa qua.

  1. Giáo xứ Châu Đốc, An Giang.

Địa điểm: Giáo xứ Châu Đốc, Giáo hạt Châu Đốc, Giáo phận Long Xuyên; Cha quản xứ là Lm. Giuse Nguyễn Thanh Dũng; Là một giáo xứ lâu đời với hơn 100 năm thành lập, với khoảng hơn 3000 giáo dân, trong đó có khoảng hơn 300 bạn thiếu nhi, đang sinh hoạt giáo lý. Giáo xứ có Trung tâm Hành hương hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quý và Enmanuel Lê Văn Phụng, bởi vì Châu Đốc là nơi các ngài đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin vào ngày 31/07/1859. Nhiều khách hành hương đến viếng hai vị thánh thường xuyên, đặc biệt trong ngày lễ của các ngài (31/7) hằng năm.

Châu Đốc là thành phố ở tỉnh An Giang, giáp ranh biên giới Campuchia. Đây là trung tâm của Phật giáo Hòa Hảo, một tôn giáo bản địa của Việt Nam, và là nhánh Phật giáo có tư tưởng không muốn thay đổi để đón nhận tư tưởng Kitô giáo. Bởi vậy, việc làm mục vụ truyền giáo ở đây rất khó trong vấn đề đối thoại, đặc biệt là hôn nhân khác đạo với người có truyền thống tư tưởng Hòa Hảo. Giáo xứ Châu Đốc tọa lạc tại trung tâm thành phố Châu Đốc, và xung quanh là các sắc dân Phật giáo Hòa Hảo, các ngôi chùa, miếu và đền thờ Phật giáo vây quanh nhà thờ giáo xứ. Giáo xứ có lượng lớn giáo dân di cư trở về từ Campuchia trong thời kỳ chiến tranh Biên giới Tây nam. Giống dân cư trong vùng, giáo dân sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, một số ít sống trên ghe trên thuyền. Vì xung quanh giáo dân là lương dân, nên tình trạng “rối” hôn nhân trở nên phổ biến. Nhiều người sống chung như vợ chồng mà chưa có phép đạo. Từ tình trạng đó, nhiều người trở nên thờ ơ, bỏ đạo.

Mặc dù là thành phố, nhưng một bộ phận lớn dân cư còn nghèo. Số thiếu nhi giáo xứ tham gia sinh hoạt hè khoảng gần 300 em. Cha quản xứ đã tạo nhiều điều kiện để các em thiếu nhi có một mùa hè bổ ích, học hỏi nhân bản cũng như kiến thức giáo lý phổ thông xuyên suốt thời gian hè. Như vậy, có thể nói Châu Đốc là giáo xứ có bề dày truyền thông với hơn 100 năm thành lập, và tiềm năng cho mục vụ truyền giáo rất lớn vì đa số dân xung quanh là người thuộc tôn giáo bạn.

  1. Những kinh nghiệm tích lũy được

Mục vụ hè ở Gx. Châu Đốc được gần 2 tháng, điều đầu tiên tôi học được là tinh thần “nên gống trẻ thơ”, bởi vì công việc quan trọng nhất của tôi là sinh hoạt hè với các em thiếu nhi của giáo xứ. Tôi được cha quản xứ giao phụ trách lớp Thêm sức III vào buổi chiều và một lớp Anh văn vào buổi sáng. Nhờ việc đứng lớp thường xuyên, tôi đã có môi trường thuận lợi trau dồi kỹ năng giáo dục đức tin và truyền đạt kiến thức cho các em thiếu nhi. Thứ hai, tôi nhận thấy chương trình mục vụ hè như một chuyến hành trình “ra đi” để “gặp gỡ”. Bởi vì, trong thời gian rãnh, tôi cố gắng sắp xếp đi thăm mục vụ để lắng nghe thấu hiểu các tín hữu ở đây hơn. Mỗi chuyến ra đi như vậy, là cơ hội tốt để gặp gỡ và thấu hiểu hơn. Qua tất cả, tôi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, Ngài vẫn hiện diện nơi những bổn phận hằng ngày của tôi nơi hành trình sứ vụ. Có nhiều giáo dân trong giáo xứ gặp những vấn đề về hôn nhân gia đình, tôi đã cố gắng đồng cảm với hoàn cảnh của họ, từ đó gieo lại trong tâm hồn họ niềm tin và lòng mến Chúa. Cuối cùng, nhờ tham gia dạy học và thăm viếng giáo dân, tôi có dịp được thực tập các kỹ năng quan trọng như kỹ năng sinh hoạt giáo lý, kỹ năng chia sẻ và rao giảng Lời Chúa. Tôi như tìm thấy niềm vui và sự tươi trẻ của cuộc sống khi tiếp xúc với các em thiếu nhi, thông qua đó tôi cảm thấy vui vì đã đóng góp một phần nào đó trong sứ vụ giáo dục đức tin của Giáo hội, cách riêng của Dòng Ngôi Lời.

Một trong những điều làm tôi cảm thấy ấn tượng trong kỳ mục vụ hè 2024 vừa qua chính là hình ảnh của cha quản xứ, Lm. Giuse Nguyễn Thanh Dũng và quý cha trong giáo xứ. Được sống, được làm việc với các cha, tôi đã học hỏi được nhiều điều. Nơi cha quản xứ, tôi thấy được tinh thần trách nhiệm và thao thức với sứ vụ, với đoàn chiên, đặc biệt với các em thiếu nhi. Cha đã đầu tư nhiều tâm huyết cho việc giáo dục đức tin và nhân bản cho thế hệ trẻ. Quả thực, cha có trái tim của người mục tử hết mình vì đoàn chiên và có nhiều hoạt động để cải thiện sinh hoạt của các hội đoàn. Tất cả những điều đó sẽ là động lực giúp tôi cố gắng hoàn thiện bản thân để trở thành một nhà truyền giáo tốt.

  1. Những khó khăn và thách đố

Ngoài những niềm vui và thành quả gặt hái, tôi cũng còn nhiều trăn trở và băn khoăn. Thứ nhất, vì đặc thù là mục vụ giáo lý và giáo dục đức tin, nên tinh thần ra đi là chưa đủ nhưng còn đòi hỏi nơi nhà truyền giáo cần có nhiều tìm tòi và khám phá, mà điều này tôi cảm thấy mình còn nhiều hạn chế. Nhiều lúc, tôi cảm thấy như mình còn thiếu nhiều kỹ năng mục vụ. Phải chăng niềm phó thác của tôi còn yếu. Đặc thù khi sinh hoạt và giáo dục đức tin cho thiếu nhi đó là tình thần đơn sơ “trở nên giống trẻ thơ”, nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy mình quá người lớn, vẫn để cái tôi quá lớn của mình trở thành rào cản gặp gỡ với trẻ nhỏ. Thứ hai, khi đối diện những trao lưu tư tưởng mới, những phong cách sống mới, não trạng mới gắn liền với Miền Tây sông nước, tôi cảm thấy mình khó để đi sâu vào tương quan ngã vị với họ, tôi cảm thấy khó để có thể hiểu được họ. Vì khó khăn để hiểu các nhu cầu của giáo dân nơi đó, mà tôi nhiều lần như tạo cho mình bức tường ngăn cách. Tôi cảm thấy ngại để đi ra, đi thăm viếng giáo dân. Với các em thiếu nhi bây giờ, chúng không còn mặn mà với các hoạt động xã hội, sinh hoạt hội đoàn nữa. Các mối tương quan, tính hồn nhiên đơn sơ dần thu hẹp vì ảnh hưởng của các thiết bị công nghệ điện tử. Thật vậy, chỉ cần có chiếc điện thoại là chúng có thể cắm đầu vào đó chơi game. Điều này đặt ra nơi những người thi hành sứ vụ truyền giáo nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi người thi hành sứ vụ truyền giáo phải tiếp cận lối giới thiệu Thiên Chúa một cách mới mẻ sinh động và dùng ngôn ngữ thời đại để giới thiệu Chúa.

Những khó khăn này luôn nhắc nhở tôi cần mặc lấy một tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường, đặc biệt là sự kiên trì để có thể thấu cảm. Những niềm vui sứ vụ là điều giúp tôi yêu mến ơn gọi truyền giáo hơn, và đồng thời những khó khăn thách đố cũng chính là những bài học và động lực để tôi cố gắng. Cũng như khi xưa, Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ những khó khăn gặp phải trên đường. Nhưng những khó khăn này lại là cơ hội để người môn đệ rèn luyện đức tin và tinh thần dấn thân.

Quả thật, chương trình mục vụ dịp hè là một trải nghiệm rất thiết thực, bổ ích cho chúng tôi. Những lần mục vụ hè dù ngắn ngủi nhưng đã tạo cơ hội để tôi tích góp cho bản thân nhiều kinh nghiệm bổ ích cho sứ vụ tương lai. Bởi vì, cánh đồng truyền giáo là nơi chúng tôi đã có cơ hội nhìn rõ hơn khuôn mặt của tha nhân và chính mình, từ đó sống tốt hơn căn tính tu sĩ truyền giáo. Từ đó, tôi ý thức hơn về lệnh truyền “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) như lời mời gọi của Chúa Giêsu xưa kia.

Tu sĩ Gioan B. Nguyễn Văn Đồng, SVD


Bài trướcTin vào Đức Kitô để được công chính
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 Phục Sinh, Lòng Thương Xót của Chúa)