Mỗi độ hè về, trong tôi lại rực lên vũ điệu như lời sai đi của Thầy Giêsu: “Hãy đến vùng ngoại biên”. Và năm nay tôi được may mắn đến một vùng đất, có thể gọi là vùng ngoại biên. Nơi đây tuy chưa lớn mạnh về đức tin lẫn kinh tế, nhưng tình người và lòng khao khát niềm tin lại chan chứa. Vùng đất đó có tên: “Giáo xứ An-tôn”.
Giáo xứ An-tôn thuộc Giáo phận Kon-tum, nằm trên địa bàn xã Kông H’tok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Được coi sóc bởi cha chánh xứ Giuse Võ Lê Thanh Sơn – SVD và cha phó Phao-lô Trần Phúc Chân – SVD. Giáo xứ có khoảng hơn 1.100 giáo dân, trong đó người Kinh chiếm khoảng 300, còn lại là anh em đồng bào J’rai và Bahnar. Giáo xứ có 4 giáo điểm mục vụ cho người đồng bào: làng Chư Rui, làng Diep, làng Sul, và làng Dơlâm cách xa nhà xứ hơn 11 cây số. Đa số người Kinh là dân di cư từ phía Bắc, chủ yếu là Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Nhìn chung, đời sống còn khá vất vả, nghề nghiệp chủ yếu là chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn trái, nấu rượu. Còn anh chị em người đồng bào chủ yếu là làm rẫy, làm nông.
Năm nay, tôi được mục vụ cùng với thầy Vĩnh thuộc cộng đoàn Thần học. Với những kinh nghiệm, anh đã hướng dẫn và chỉ bảo cách tận tình trong công việc. Kèm với đó là sự ưu ái, giúp đỡ của hai ‘anh lớn’ đang đảm nhiệm cha xứ và cha phó tại giáo xứ.
Công việc của tôi là tổ chức và huấn luyện trại hè. Thực chất công việc này tôi đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi cũng có chút ưu tư và lo lắng. Bởi lần này là trại hè tại giáo xứ chưa được tổ chức trước đó. Vả lại nguồn lực về trợ tá, huynh trưởng, dự trưởng còn bị giới hạn khá nhiều. Cuối cùng là nghiêm tập, cách sinh hoạt và hoạt động trong trại hè dường như là con số zero đối với các em. Song tôi cũng muốn giúp các em có được một trại hè ý nghĩa, vui tươi và một kỷ niệm đáng nhớ. Có một điều mà suốt quá trình huấn luyện tôi có chút lo ngại: làm sao tôi có thể gắn kết và tạo sân chơi hòa hợp cho các em người Kinh lẫn người Đồng bào. Những lo lắng trên không làm tôi chán nản, bỏ cuộc, nhưng tạo động lực để tôi tìm tòi và học hỏi thêm các kiến thức cần thiết. Thêm vào đó là lời cầu nguyện hằng đêm đã giúp tôi giảm được sự lo lắng và thêm tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa hơn. Quả thật với ơn Chúa giúp, tôi và các bạn nhỏ đã hoàn thành khóa huấn luyện. Không chỉ dừng lại ở đó, các bạn nhỏ đã học được những bài học về sự gắn kết, giúp đỡ và giảm thiểu sự phân biệt giữa người kinh và người đồng bào. Đồng thời, tôi và các em thân thiết và hiểu nhau hơn. Trong quá trình huấn luyện có một kỷ niệm mà tôi khó quên, và đó là bài học về sự quan tâm, thấu hiểu. Chuyện là, khoảng buổi thứ hai của khóa huấn luyện, tôi có mua ít nước cho các em dùng. Khi đến giờ giải lao, tôi mời các em đến dùng chút nước. Các em người Kinh đến và dùng nó một cách vui tươi, sảng khoái. Còn các em Đồng bào lại ngồi một nơi mà không dùng nước. Tôi nghĩ rằng, các em không khát hay không thích nước ngọt. Đến ngày hôm sau, tôi nghe tin về việc không dùng nước của các em Đồng bào: thầy cho chúng con uống nước, nhưng các bạn người Kinh uống hết, còn chúng con thì không có. Khi nghe điều đó, tôi có chút buồn và suy nghĩ nhiều. Bởi lúc đó tôi mời hết thảy, tôi có phân biệt ai với ai đâu. Sau mấy ngày tham vấn các anh lớn cũng như dành thời gian nói chuyện với các em, tôi mới hiểu: các em có tính ngại ngùng và giữ khoảng cách với các bạn và tôi. Thế là tôi lên kế hoạch để tất cả cùng hòa đồng và cởi mở với nhau. Câu Lời Chúa mà tôi chọn để làm kim chỉ nam: Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng (Mc 10, 14). Mỗi buổi chiều huấn luyện, tôi thức dậy trước giờ lên lớp khoảng 30 phút nhằm giao lưu và nói chuyện với các em Đồng bào nhiều hơn. Do các em thường đến sớm hơn rất nhiều so với các em người Kinh. Những lúc đó, tôi mới cảm nhận các em muốn có được một sân chơi vui nhộn và năng động cùng với các bạn. Đồng thời, tôi hiểu thêm con người và cuộc sống của người Đồng bào nói chung và các em nói riêng. Bên cạnh đó, trong mỗi buổi học, tôi thường khuấy động bằng các trò chơi đồng đội nhằm hạn chế khoảng cách, tăng thêm niềm vui. Và những lúc uống nước, ăn nhẹ, tôi có chút ưu tiên cho các em đồng bào cũng như để ý các em hơn. Cứ như thế, sau hơn một tháng huấn luyện, kết quả khá tốt: các em gắn kết và chính tôi cũng được các em yêu quý hơn. Tôi được các em đồng bào gọi mỗi khi gặp: “Thầy Thành đẹp trai, dễ mến và dễ gần”. Cho đến ngày trại hè, tôi đã rơi những giọt nước mắt của hạnh phúc, sự thỏa mãn khi thấy các em cùng nhau chơi và cùng nhau sinh hoạt như một gia đình. Cảm ơn Thầy Chí Thánh đã trao ban kinh nghiệm quý giá và ban cho con lòng yêu mến để đến gần và thấu hiểu các em.
Khép lại mùa hè vui tươi, chan chứa kỷ niệm tại vùng ngoại biên, tôi thầm tạ ơn Chúa đã cho tôi gặp được những con người chất phác, thân thiện. Đồng thời giúp tôi học được nhiều điều qua cách mục vụ của các “anh lớn”. Hy vọng rằng, với sự năng động và lòng nhiệt huyết truyền giáo của quý anh, giáo xứ ngày càng lớn mạnh trong Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Cách riêng, các bạn nhỏ sẽ mỗi ngày một trưởng thành. Cầu chúc mọi điều tốt đẹp đến với từng người trong giáo xứ.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Xuân Thành, SVD