Anh chị em là bức thư của Đức Kitô

0
545

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Bối cảnh

Tông đồ Phaolô gặp phải khó khăn tại Côrintô. Có các nhà truyền giáo khác đến đó, tự xưng là tông đồ, nhưng họ gây ấn tượng mạnh mẽ hơn những gì Phaolô đã làm. Họ làm phép lạ, họ giảng giải đầy uy quyền và giải nghĩa sâu sắc sứ điệp. Và họ có thư giới thiệu chứng thực rằng họ đã hoạt động tích cực và hiệu quả trong các cộng đoàn khác. Đoạn trích từ một bức thư giả tưởng của tín hữu ở Côrintô gửi cho Phaolô giúp chúng ta hiểu được tình huống ở đó rõ ràng hơn:

Tông đồ Phaolô kính mến, chúng con có khách đến thăm: Các tông đồ mới. Và họ mang đến một luồng khí mới vào trong các buổi họp mặt của chúng con. Họ cũng mang theo các thư giới thiệu – điều làm cho chúng con tò mò. Trong đó, cộng đoàn ở Pergamon đã mô tả cho chúng con việc họ đã chữa lành người bệnh tật, và đã trừ ma đuổi quỷ như thế nào. Một cộng đoàn khác tường trình về uy lực giảng dạy của họ: lời giảng thuyết gây rung động sâu sắc và sự phấn chấn khó tin.“

Và đoạn kết nghe như vậy – sau phần mô tả tỉ mỉ các việc chữa lành và tác động của các bài giảng:

Tông đồ Phaolô kính mến, mọi sự thật tuyệt vời và khó tả. Chỉ có một điều làm chúng con bối rối: Các kinh nghiệm mới làm cho chúng con cảm thấy một chút bất lực… Chúng con cần phải đánh giá điều đó như thế nào, và cả những gì mà Ngài đã truyền dạy cho chúng con? Thú thật là những điều đó không so được với sự rực rỡ và uy lực đang khuất phục chúng con bây giờ… Xin Ngài đừng hiểu sai ở đây, thưa Tông đồ Phaolô, chúng con viết cho Ngài vì Ngài rất quan trọng với chúng con. Nhưng chúng con lo sợ rằng Ngài chạm đáy với sức lực của Ngài rồi …“[1]

Phaolô là gì so với các nhà truyền giáo tự xưng là tông đồ này? Trong thư thì ngài khá mạnh mẽ, nhưng sức cuốn hút và sự xuất hiện nơi công cộng của ngài thì không phải là tốt nhất. Ngài không có thư giới thiệu để trình, và như người ta nghe thì ngài có một quá khứ là đề tài của những bàn luận. Phaolô bị “chạm tự ái” nặng. Hỏi ngài có cần thư giới thiệu ở Côrintô, của cộng đoàn được chính ngài gầy dựng? Phaolô hỏi họ: Anh chị em không phải là thư giới thiệu hay sao? Và xác quyết của ngài là: “Anh chị em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2 Cr 3,2-3).

Một lời nghe như một mission statement [tuyên ngôn sứ vụ], không chỉ cho cộng đoàn tại Côrintô mà cho cả cho chúng ta hôm nay. Hay như một bảng chỉ đường: chỉ mục đích cuộc đời và lối sống. Hay như một bảng chỉ tên một địa phương: Chúng ta là nơi thế giới đọc sứ điệp của Đức Kitô, được viết bằng Thần Khí hằng sống của Thiên Chúa. Thần Khí biến đổi những con người tầm thường thành những sứ giả can trường cho Tin Mừng Đức Kitô. Thần Khí giúp chúng ta thực hiện sứ vụ cuộc đời, là: trở nên bức thư và sứ điệp của Đức Giêsu cho thế giới.

Sứ điệp

Thư từ có những hình thức khác nhau. Thư giao dịch thương mại, thư cơ quan, thư trang trí, mảnh ghi nhớ trên giấy hay email và các hình thức nhắn tin. Điều quyết định không là hình thức mà là nội dung, là sứ điệp được chuyển tải trong đó. Một mảnh giấy trên đó ghi: “I love you!”, mặt sau tờ lịch với hàng chữ: “Thank you!” hay một tin nhắn: “Sorry!”, thì có giá trị đối với người nhận hơn là một bức thư viết tay trên giấy quý giá mà toàn là khẩu hiệu, hay những câu khéo léo mà vô nghĩa và không bày tỏ một cảm nghĩ cá nhân nào.

Là bức thư của Đức Kitô, chúng ta chuyển tải sứ điệp mà chúng ta sống từ đó, và đồng thời cũng là sứ điệp mà mọi người cần để sống. Giáo hội không là một tổ chức phục vụ việc bảo trì các truyền thống tôn giáo. Và cộng đoàn Dân Chúa không là hợp tác xã tiêu thụ các “sản phẩm thiêng liêng”, mà là Bức thư của Đức Kitô, được Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống viết trên con tim.

Đó là một bức thư tình, trong đó có lời: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Bức thư chứa đựng lời mời dành cho “những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”, cùng với lời hứa sẽ được Chúa cho “nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28t). Người đọc cần nhận ra rằng họ “là con yêu dấu của Thiên Chúa” (Mc 1,11) – những người được mời gọi xây dựng hòa bình, sống công chính với một tâm hồn ngay sạch (x. Mt 5, 9tt) và yêu thương không phân biệt người nhà hay người dưng, bạn hay thù. Bởi vì Thiên Chúa “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 44tt). Bức thư của Đức Kitô động viên người đọc đang gặp khó khăn để họ không xao xuyến, vì có thể tin vào Thiên Chúa và vào một tương lai trong nhà Chúa, nơi có đủ chỗ cho mọi người. Những ai sống trong sợ hãi cần đọc được nơi chúng ta lời: “Hãy vững lòng! Chúa Kitô đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Chúng ta là bức thư viết tay của Đức Giêsu Kitô gửi cho người đối diện, cho người sống quanh ta trong bối cảnh đặc thù của họ. Sứ điệp có thể rất ngắn, không dài hơn một tin nhắn, nhưng chúng cần mang màu sắc cá nhân. Câu hỏi cần được đặt là: Nội dung nào cần được làm sáng tỏ cho người đọc trong bối cảnh của chúng ta? Lời nào thế giới xung quanh đang khao khát đợi chờ? Hẳn phải là một lời giúp người đọc nhận ra nguồn gốc và giá trị của bản thân – vì được tác tạo theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26). Đây là một chân lý mở tầm nhìn cho tương lai và phục vụ sự sống con người và mọi loài; một lời làm nền tảng cho sự phát triển con người toàn diện.

Người nhận

Bức thư được viết là để gửi cho ai đó. Điều được viết cần được chuyển tới người nhận và được đọc. Tông đồ Phaolô ngỏ lời khen ngợi cộng đoàn tại Côrintô, vì họ đã thi hành tốt sứ vụ. Ngài nói rằng mọi người có thể đọc và hiểu sứ điệp niềm tin của họ. Phần này được Phaolô tô đậm – đây là một nét tiêu biểu của ngài. Nhưng lời được nhấn mạnh cho thấy mục đích sự hiện diện của người Kitô hữu.

Giá trị của sứ điệp không được giữ gìn bằng việc đặt nó vào trong tủ sắt khóa kỹ và được cất trong phòng kín chắc chắn, mà trong việc chúng ta can đảm mang nó vào thế giới. Tất nhiên, nhập thể là một cuộc mạo hiểm, nhất là ở nơi những kẻ “có đạo” được “quan tâm” cách đặc biệt. Đối diện với thực tế kém hiệu quả hay thất bại của sự dấn thân, nhiều câu hỏi được đặt theo lối kinh tế thị trường: Có cần quảng cáo thêm trên những phương tiện truyền thông mới? Làm thế nào tạo những thành tích lớn để hút khách – nhà thờ to, lễ hội lớn, rước sách rầm rộ, sự kiện gây tiếng vang?

Cũng vậy, có nhiều quan điểm khác nhau về việc bảo vệ cách tốt nhất bản nguyên mẫu và làm thế nào để chuyển tiếp bức thư cách tốt nhất. Có người chú trọng đến cái tem của bưu điện, kẻ khác coi trọng cái danh xưng, người thì đặt nặng sự chính xác của ngữ pháp và lối hành văn. Có người cho rằng hình thức đúng chuẩn Rôma là quan trọng nhất. Lại có người nghĩ đến cách thức hội nhập sứ điệp vào bối cảnh văn hóa. Họ quan tâm đến thái độ ngôn ngữ trình bày, suy tư về điều giống điều khác giữa Tin Mừng và văn hóa. Thực tế ngày nay đòi hòi hỏi sự trình bày một sứ điệp trong nhiều cách khác nhau. Nhưng sự da dạng đó đến từ một sứ điệp được viết trên con tim: đa diện nhất tâm. Chúng ta có thể sống bức thư đó theo những cách khác nhau, nhưng luôn cần làm rõ rằng: chỉ có một người gửi là Đức Kitô. Hình thức đúng đắn là một chuyện. Nhưng điều quyết định là cái chữ viết của Đức Kitô trong tim chúng ta cần được nhận rõ và hiểu rõ.

Anh chị em là bức thư của Đức Kitô. chứ không nên là, phải là, cần là. Một xác ngôn chứ không là một ước mong hay chờ đợi, một lời cầu chúc hay mệnh lệnh. Mọi lúc mọi nơi thế giới đọc nơi chúng ta: cách chúng ta sống, nói chuyện, cầu nguyện, chia sẻ, học hành, làm việc, suy nghĩ và nhận định về mình, về người khác, về thế giới, về Thiên Chúa, về quá khứ, hiện tại, tương lai – để biết Đức Kitô là ai. Khi cộng đoàn tôn trọng từng con người và chấp nhận sự khác biệt, sống chân thành và biết tha thứ, thực hiện công bằng và chia sẻ, động viên, hỗ trợ sự khám phá và phát triển của mỗi người, thì thế giới đọc và hiểu được sứ điệp Đức Kitô. Thật vậy, thứ “ngôn ngữ của con tim thì ở đâu người ta cũng hiểu được” (Thánh Joseph Freinademetz). Nhưng đó luôn là một thách đố, có khi như một sự đòi hỏi quá sức – nếu chúng ta nhìn vào thực trạng các cộng đoàn.

Lịch sử Giáo hội và đời sống các tín hữu cho thấy có nhiều điều che lấp bản văn nguyên thủy của tình yêu Đức Kitô. Các nhà nghiên cứu thời nay quan tâm đến các bản văn bị xóa mờ. Bằng phương pháp chiếu sáng đặc biệt họ làm cho chúng có thể đọc lại được[2]. Có lẽ đó là một phương pháp cần được chú ý và áp dụng trong đời sống chứng nhân: nơi nào chữ viết của Đức Kitô trong đời sống Giáo hội bị lu mờ, nơi nào tính triệt để của Tin Mừng bị che đậy vì những thích nghi quá mức, thì bản văn nguyên thủy lại rạng sáng khi được Thần Khí Chúa chiếu rọi vào. ▄

Chú thích:

[1] Theo: Predigtstudien VI,2, 1995/96, Kreuz Verlag 1996, 268.

[2] Trong các bản văn viết tay cũ có một loại bản văn đáng để ý: Palimpsest – là các bản văn thời cổ đại hay trung cổ, trong đó bản gốc bị rửa hay cào xóa và được viết lại trên đó. Người ta muốn dùng lại các tấm da cũ, mà chữ viết trên đó khó đọc hay được cho là cũ quá, hết thời rồi, nên mới cào, bào hay rửa sạch nó đi và dùng nó để chép lại các bài viết thần học của các Giáo phụ.

Bài trướcNgày 29/06 – THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ
Bài tiếp theoNgày 30/06 – XIN CHÚA PHỤC SINH ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI