Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XVI TN-B (Mc 6,30-34)

0
785

CHẠNH LÒNG THƯƠNG ĐÀN CHIÊN KHÔNG CÓ CHỦ CHĂN

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XVI TN B (Mc 6,30-34)

Chú giải của linh mục Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

Hy Lạp

Việt

30  Καὶ συνάγονται οἱ ἀπόστολοι πρὸς τὸν Ἰησοῦν καὶ ἀπήγγειλαν αὐτῷ πάντα ὅσα ἐποίησαν καὶ ὅσα ἐδίδαξαν.

31  καὶ λέγει αὐτοῖς· δεῦτε ὑμεῖς αὐτοὶ κατ᾽ ἰδίαν εἰς ἔρημον τόπον καὶ ἀναπαύσασθε ὀλίγον. ἦσαν γὰρ οἱ ἐρχόμενοι καὶ οἱ ὑπάγοντες πολλοί, καὶ οὐδὲ φαγεῖν εὐκαίρουν.

32  Καὶ ἀπῆλθον ἐν τῷ πλοίῳ εἰς ἔρημον τόπον κατ᾽ ἰδίαν.

33  καὶ εἶδον αὐτοὺς ὑπάγοντας καὶ ἐπέγνωσαν πολλοὶ καὶ πεζῇ ἀπὸ πασῶν τῶν πόλεων συνέδραμον ἐκεῖ καὶ προῆλθον αὐτούς.

34  Καὶ ἐξελθὼν εἶδεν πολὺν ὄχλον καὶ ἐσπλαγχνίσθη ἐπ᾽ αὐτούς, ὅτι ἦσαν ὡς πρόβατα μὴ ἔχοντα ποιμένα, καὶ ἤρξατο διδάσκειν αὐτοὺς πολλά.

(Mk. 6:30-34 BGT)

30 Các Tông Đồ quy tụ với Đức Giê-su và tường thuật với Người tất cả những điều các ông đã làm và đã dạy.

31 và Người nói cùng họ: ‘đến đây, anh em hãy vào nơi hoang vắng riêng mình và hãy nghỉ ngơi đôi chút vì những ngươi đi, kẻ đến nhiều và các ông không tìm được cơ hội mà ăn

32 và họ đi riêng vào nơi hoang vắng bằng thuyền.

33 và khi họ [người dân] thấy họ ra đi và nhiều người nhận biết và tất cả thành phố chạy đến đó bằng đường bộ và họ [người dân] đi trước họ.

34 khi ra khỏi Đức Giê-su thấy đám đông lớn thì Người “chạnh lòng thương” vì họ như những con chiên không có người chăn chiên, và Người bắt đầu dạy họ nhiều điều.

Bối cảnh bản văn

Đoạn Mc 6,30-34 là đoạn nối tiếp giữa trình thuật gợi nhớ về cái chết của Gioan Tẩy Giả (Mc 6,17-29) và trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất (Mc 6,35-44). Mc 6,30-34 được xem là “miếng dưới” của chiếc “bánh mì kẹp thịt” từ Mc 6,6b-34. Đoạn 6,6b-13 là “miếng trên” (sứ vụ sai đi) ghép với “miếng dưới” (6,30: Trở về và báo cáo sứ vụ) của chiếc “bánh mì kẹp thịt”. Miếng thịt ở giữa chính là trình thuật về Hê-rô-đê và vụ án hành quyết Gioan Tẩy Giả. Toàn bộ chiếc “bánh mình kẹp thịt là” [A – B – A’]: Mc 6,7-13: Các môn đệ được sai đi (A) – Mc 6,14-29: Vụ án Gioan Tẩy Giả (B) – Mc 6,30-34: Các môn đệ trở về báo cáo (A’). Nói như thế có nghĩa là đoạn văn Mc 6,30-34 chỉ được hiểu trọn vẹn khi đọc chung với hai đoạn còn lại (6,6b-13 và 6,14-29).[1] Chủ đề trọng tâm của những đoạn văn này vẫn là sự rao giảng. Sự sai đi rao giảng (6,6b-13) sẽ dẫn đến kết quả nơi sự trở về báo cáo sứ vụ (6,30-34). Giữa hai đoạn này là trình thuật nói về số phận bị chối từ, hãm hại và bị giết chết của những sứ giả Tin Mừng. Người đầu tiên là Gioan Tẩy Giả (Mc 6,14-29). Mc 6,30-34 không những đóng lại chiếc “bánh mì kẹp thịt” mà còn mở ra cho phần trình thuật “hóa bánh mì ra nhiều” (6,35-44). Chủ đề “chạnh lòng thương” trong đoạn này có sự nối kết chặt chẽ với hành động cụ thể trong đoạn sau: hóa bánh ra nhiều để cho đám đông ăn no nê (6,35-44). Nó cũng nối kết với phép lạ chữa lành người phong hủi (Mc 1,40-45); phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8,1-10); với phép lạ chữa lành người bị quỷ ám mắc chứng bệnh động kinh (Mc 9,14-29). Ngoài ra, chủ đề này còn liên kết mật thiết với các trình thuật khác trong Tin Mừng Mát-thêu và Tin Mừng Lu-ca: “Dụ ngôn người mắc nợ không biết thương xót” (Mt 18,23-35); Phục sinh con trai bà góa thành Nain (Lc 7,11-17); Dụ ngôn “Người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,29-37); Dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” (Lc 15,11-32). Chủ đề mục tử và đàn chiên cũng là một chủ đề nối kết cả Tân Ước và Cựu Ước. Mác-cô nhắc đến sự kiện đàn chiên sẽ tan tác khi vị mục tử bị đánh (14,27). Mát-thêu cũng nhiều lần diễn tả Đức Giê-su như là một mục tử (Mt 2,6; 18,12; 25,32; 26,3). Đặc biệt tác giả Tin Mừng thứ tư có một khảo luận dài về “mục tử nhân lành” (Ga 10,1-21). Sách Khải Huyền cũng nói đến hình ảnh “Con Chiên” sẽ là mục tử dẫn dân tới nguồn nước sự sống, và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt (Kh 7,17). Cựu Ước cũng nhiều lần diễn tả Thiên Chúa như là một mục tử (Tv 23; Is 40,11; Ez 34,11.15; Dcr 11,7.9).

Cấu trúc:

Đoạn Mc 6,30-34 có thể được chia thành hai tiểu đoạn. Tiểu đoạn I: nói về sự kiện các môn đệ trở về, sau khi đã đi rao giảng và báo cáo với Đức Giê-su kết quả của hành trình rao giảng. Tiểu đoạn II: là một cấu trúc gồm 4 thành phần song song và quy tâm. Phần (A) Sự quan tâm của Đức Giê-su dành cho các môn đệ // phần (A’) sự quan tâm của Đức Giê-su dành cho dân chúng. Phần (B) Các môn đệ đi riêng bằng thuyền vào nơi hoang vắng // (B’) Dân chúng chạy bộ đến cùng nơi với các môn đệ.

I. Quy tụ và báo cáo những việc đã làm và đã dạy (6,30)

II.      (A) Sự quan tâm của Đức Giê-su: Hãy vào nơi hoang vắng và nghỉ ngơi (6,31)

(B) Các môn đệ đi riêng bằng thuyền vào nơi hoang vắng (6,32)

(B’) Dân chúng chạy đường bộ đến đó trước các môn đệ (6,33)

(A’) Sự quan tâm của Đức Giê-su: Thấy, chạnh lòng thương, dạy (6,34)

 

Một số điểm chú giải

  1. Quy tụ và tường thuật: Như đã đề cập trong phần “bối cảnh bản văn”. Phần “quy tụ và tường thuật” là phần thiết yếu để hoàn trọn trình thuật “sai đi” đã được khởi sự ở 6,6b-13. Đức Giê-su đã sai các Tông Đồ đi với quyền trừ quỷ (6,7) và nhiều lời căn dặn. Các ông đã ra đi “từng cặp”, đến nhiều nơi theo chỉ thị của Người, bây giờ trở về và tường thuật lại với Thầy tất cả. Đây là bầu khí thân thương của tình Thầy – Trò. Động từ “quy tụ” được chia ở thể bị động với tác nhân là Đức Giê-su. Cũng như trước đó, Đức Giê-su đã gọi các ông đến và sai các ông đi rao giảng, giờ đây Người cũng quy tụ các ông để nghe các ông tường thuật về chuyến hành trình. Đức Giê-su vẫn là chủ thể trong mọi hoạt động truyền giáo của các Tông Đồ. Danh xưng “Tông Đồ”, được dùng chỉ một lần duy nhất ở trong bối cảnh này có một chủ ý rõ ràng. Trước đó, Mác-cô gọi họ là “Nhóm Mười Hai” (Mc 6,7). Tông đồ trong Tiếng Việt có lẽ là viết tắt của cụm từ “chính Tông, môn Đồ”. Kiểu gọi này không diễn tả được ý nghĩa của danh xưng này trong tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ gốc của Tân Ước. Trong Hy Ngữ, danh từ “Tông Đồ” (apostolos) phát xuất từ động từ “sai đi” (apostello). Nghĩa là, “Apostolos” là một người được người khác sai đi, hay nói cách khác là “sứ giả” của ai đó. Trong trường hợp này Nhóm Mười Hai là những sứ giả của Đức Giê-su. Sứ giả của Đức Giê-su thì nhận lấy sứ điệp từ Người và phụ thuộc vào Người. Sứ vụ của họ chỉ là sứ vụ của Đức Giê-su được mở rộng.[2] Chính vì thế, sau khi họ thi hành sứ vụ trao thông điệp cho người khác, họ được gọi đến để báo cáo về “những điều họ đã làm và đã dạy”.
  2. Tất cả những điều các ông đã làm và đã dạy: Túc từ của động từ tường thuật, diễn tả nội dung mà các Tông Đồ tường thuật gồm 2 phần: (i) Những gì các ông đã làm và (ii) Những điều các ông đã dạy. Đây là một cách nói tóm tắt với chỉ hai mệnh đề nhưng nó cũng cho phép mở rộng biên độ nội dung ra vô hạn. Các ông đã làm những gì và đã dạy những gì? Trong trình thuật liên quan đến sứ vụ rao giảng (Mc 6,6b-13), Mác-cô đã cho biết là các Tông Đồ “rao giảng để người ta có thể hoán cải”. Đây có có thể là một trong những nội dung các ông đã dạy.[3] Trong những bài giảng của các ông không thể thiếu được sứ điệp nòng cốt của Đức Giê-su: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Tuy nhiên, không chỉ có thế, để người ta hiểu về Triều Đại Thiên Chúa, các ông cũng có thể rao giảng và giải thích những dụ ngôn về Nước Trời như các ông đã nghe Đức Giê-su rao giảng. Nội dung giảng dạy của các ông cũng có thể là bất cứ điều gì các ông đã nghe từ Đức Giê-su trong suốt quá trình theo Chúa. Ngoài ra, các ông cũng có thể chia sẻ về con người, thân phận của Đức Giê-su như các ông hiểu về Người. “Những điều các ông đã làm” rất có thể là “trừ nhiều quỷ” và “xức dầu trên các bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6,13).
  3. Nơi hoang vắng: Danh từ “ἔρημος” trong tiếng Hy Lạp vừa có nghĩa là “nơi hoang vắng” (không người ở) vừa có nghĩa là “sa mạc, nơi hoang dã”. Trong bối cảnh này có thể hiểu cả hai nghĩa. Hầu hết những vùng đất hoang vắng ở Palestine đều là sa mạc, hoặc núi đồi. Trong đoạn này từ ngữ “sa mạc” được nhắc đến 2 lần (6,31.32). Từ ngữ chỉ nơi chốn này được dùng để báo trước khung cảnh của phép lạ “hóa bánh ra nhiều” ngay sau đó (Mc 6,35-44). Phép lạ này cũng diễn ra trong nơi hoang vắng: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn, xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” (6,35-36). Ý tưởng “nơi hoang vắng” nối kết với việc “nghỉ ngơi” khá lạ trong truyền thống Thánh Kinh. Hoang mạc thường nối kết nhiều hơn đến việc thử thách. Đức Giê-su đã ở trong sa mạc 40 ngày, chịu Sa tan cám dỗ (Mc 1,12-13; Mt 4,1-11; Lc 4,14-15). Đức Chúa đã dẫn con cái Ít-ra-en đi trong sa mạc 40 năm để bắt họ phải cùng cực, như vậy, Người thử thách cho biết lòng dạ của họ ra sao, xem họ có giữ các mệnh lệnh của Ngài không (Đnl 8,2). Sa mạc cũng là nơi để trừng phạt và thanh tẩy. Dân Ít-ra-el lang thang trong sa mạc 40 năm vì tội bất tuân của mình (Ds 14,34; 32,13). Sa mạc cũng là nơi Chúa chăm sóc dân Người (Xh 16,35: Con cái Ít-ra-el đã ăn man-na suốt 40 năm cho đến khi họ tới đất định cư ( Đnl 2,7): là 40 năm Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi ở với các người và các người đã chẳng thiếu thốn điều gì;( Đnl 8,2.4): Ta đã dẫn các ngươi 40 năm trong sa mạc mà áo các ngươi mặc đã không rách, dép chân các ngươi đi đã không mòn). Đức Giê-su và các môn đệ đi vào sa mạc với mục đích là nghỉ ngơi, du lịch sinh thái. Tuy nhiên, nơi ấy lập tức lại trở thành bối cảnh cho cuộc gặp gỡ giảng dạy và làm phép lạ (hóa bánh ra nhiều) của Đức Giê-su.[4] Cả hai phép lạ hóa bánh ra nhiều đều diễn ra trong sa mạc (Mc 6,35-44=Mt 14,13-21; Mc 8,1-10=Mt 15,32-39). Ngoài ra, sa mạc cũng là nơi Đức Giê-su cầu nguyện và gặp gỡ Chúa Cha (Mc 1,35; Lc 5,16).
  4. Hãy nghỉ ngơi: Động từ “ἀναπαύω” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nghỉ ngơi” và  “hồi phục”. Nghỉ ngơi sẽ đem lại cho người ta sự hồi phục cả thể xác lẫn tinh thần. Cứ bình thường sau một thời gian làm việc mệt nhọc, người ta sẽ phải đi du lịch để bồi dưỡng thể xác và tinh thần. Các linh mục tu sĩ nam nữ, sau một năm làm việc sẽ có một thời gian linh thao để hồi phục thể xác và tâm hồn. Đó là chưa kể đến những lần tĩnh tâm tháng và mùa. Xem ra việc mời gọi và tặng thưởng cho các môn đệ một chuyến du lịch sinh thái, sau khi các ông đã lao nhọc trên hành trình rao giảng Tin Mừng là quá hợp lý. Tuy nhiên, một hành trình vào sa mạc, có lẽ mang đến cho các ông sự hồi phục về tâm hồn hơn là thể xác.[5] Bởi lẽ, sa mạc là nơi gặp Chúa và nguyện cầu. Đức Giê-su từng hứa trao ban sự nghỉ ngơi, hồi phục tâm hồn cho những ai “vất vả” và “mang gánh nặng nề”: “Những ai vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi, hồi phục” (Mt 11,28). Lời hứa “tâm hồn anh chị em sẽ được nghỉ ngơi, hồi phục” đến ngay sau lời mời gọi “hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Đó là một sự hồi phục cần có về mặt tâm linh. Đức Giê-su cũng đã có lần trách các môn đệ vì nghỉ ngơi, ngủ mê và thiếu sự nguyện cầu: “giờ này mà còn ngủ, còn nghỉ sao, này đã đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi” (Mc 14,41; Mt 26,45). Đó là sự nghỉ ngơi đối nghịch lại với sự cầu nguyện. Với sự nghỉ ngơi mệt mỏi này, các môn đệ đã sa ngã và xa Chúa. Sự nghỉ ngơi của các môn đệ trong đoạn Tin Mừng này có thể là sự nghỉ ngơi về mặt thể xác, vì người thuật chuyện đã giải thích rằng: “Bởi vì, người đến kẻ đi quá đông nên họ không có cơ hội để ăn uống” (6,31).[6] Tuy nhiên, đi vào “sa mạc” cũng hướng tới một sự nghỉ ngơi và phục hồi về mặt tâm linh.
  5. Đi bằng thuyền: Hành trình bằng thuyền trên biển là hành trình bình thường của Đức Giê-su và các môn đệ (Mt 8,23; 9,1; 13,2; 14,13.22; Mc 4,36; 5,18.21; 6,45; 8,10.13). Nhiều lần, họ lên thuyền bắt đầu hải trình để trốn chạy khỏi đám đông: Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, “lập tức, Đức Giê-su ra lệnh cho các môn đệ lên thuyền qua bờ bên kia, vào thành Bết-sai-đa” (Mc 6,45; Mt 14,13). Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai cũng vậy, “lập tức Người lên thuyền với các môn đệ và đi về quận Dalmanutha (Mc 8,10; Mt 15,39). Lần này cũng không ngoại lệ. Họ lánh khỏi đám đông bằng thuyền, để người ta khó đi theo và khó biết được họ đi đâu. Tuy nhiên, đám đông vẫn nhận biết nơi họ định đến và hành trình đường bộ theo họ.
  6. Tất cả thành phố chạy đến trước: Cách diễn tả này xem ra cường điệu hóa. Mác-cô muốn nói rằng rất nhiều người theo Đức Giê-su. Cách nói này cũng là để chuẩn bị bối cảnh cho phép lạ hóa bánh ra nhiều, nơi mà số đàn ông ăn bánh lên đến 5 ngàn người. Số phụ nữ và trẻ em có thể hơn thế nữa. Đó là đám đông kinh khủng mà Mác-cô gọi là “tất cả các thành phố” (πασῶν τῶν πόλεων). Động từ “συντρέχω” diễn tả một cách sống động cách di chuyển của họ. Họ không mảnh ai nấy đi nhưng “chạy cùng nhau”. Chúng ta có thể tưởng tưởng khung cảnh như là một cuộc chạy marathon đang diễn ra trên bờ biển hồ. Hải trình của Đức Giê-su và các môn đệ lần ấy chắc hẳn là dọc theo biển hồ chứ không phải băng từ bên này qua bên kia, bởi lẽ, nếu thế thì “tất cả các thành phố” không thể nào chạy nổi để theo Người. Mác-cô cho biết là họ chạy và đi trước (προῆλθον) Đức Giê-su và các môn đệ. Theo Lu-ca, Đức Giê-su đưa các môn đệ lui về thành Bết-sai-đa. Đích đến của Đức Giê-su theo Lu-ca dường như trái ngược với đích đến của Giê-su trong Mác-cô (sa mạc đối lại với thành thị).
  7. Thấy đám đông lớnKhi ra khỏi thuyền Đức Giê-su đã “thấy đám đông lớn”. Nghĩa là đám đông đã chạy đến trước và chờ Đức Giê-su trên trên bờ. Đám đông rất lớn vì như Mác-cô miêu tả là “tất cả các thành phố” đã chạy cùng nhau. Trước đó đám đông đã “nhìn thấy” Đức Giê-su và các môn đệ khởi hành. Bây giờ Đức Giê-su “nhìn thấy” đám đông. Động từ “ὁράω” trong tiếng Hy Lạp vừa có nghĩa đơn giản là “nhìn thấy” nhưng cũng có nghĩa sâu xa hơn là “nhận thức, biết”. Cái “nhìn thấy” của đám đông dành cho Đức Giê-su và của Đức Giê-su dành cho họ chắc chắn vượt trên mức nhìn thấy đơn giản. Hành động “nhìn thấy” của đám đông đi kèm với hành động “biết, hiểu” (ἐπέγνωσαν): “nhìn thấy họ [Giê-su và môn đệ] khởi hành và nhiều người biết, hiểu”. Họ hiểu lộ trình, đích đến của Đức Giê-su và các môn đệ nên đã chạy theo đúng hướng. Hành động “nhìn thấy” của Đức Giê-su kéo theo hành động “chạnh lòng thương”. Đức Giê-su cũng nhận biết sự thiếu thốn, bơ vơ, lạc lõng nơi những con người này.
  8.  “Chạnh lòng thương”: Có sự song song giữa sự quan tâm của Đức Giê-su dành cho các môn đệ: Người khuyên họ lánh riêng ra một nơi và nghỉ ngơi (6,31). Giờ đây, sự quan tâm dành cho đám đông làm cho sự quan tâm dành cho các Tông Đồ không được như ý. Động từ “chạnh lòng thương” (σπλαγχνίζομαι[7]) là một động từ diễn tả cảm xúc một cách sâu sắc nhất: “Rung động, thương xót trong những phần bên trong của ai đó”; “bị đánh động bởi”; “có lòng thương xót đối với”. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su là chủ ngữ duy nhất của động từ này. Thật vậy, Mác-cô ghi lại 4 lần Đức Giê-su “chạnh lòng” thương. (i) Đức Giê-su “chạnh lòng thương” đưa tay chạm vào người bị bệnh phong và nói: ‘tôi muốn anh sạch đi’ (Mc 1,41); (ii) Người “chạnh lòng thương” đám đông vì họ như bầy chiên không có mục tử (Mc 6,34); (iii) Người “chạnh lòng thương” đám đông vì họ đã ở với Người 3 ngày và không có gì ăn (Mc 8,2); (iv) Cha của đứa bé bị bệnh động kinh thưa cùng Đức Giê-su: ‘Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin “chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9,22). Trong Tin Mừng Lu-ca, động từ này được dùng cho Đức Giê-su chỉ một lần duy nhất. Trong trình thuật “phục sinh con trai bà góa thành Nain”, khi trông thấy bà góa thành Nain, người có đứa con trai vừa chết, Đức Giê-su “chạnh lòng thương” và nói: “bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Ngoài ra, Lu-ca còn dùng động từ này hai lần khác với chủ từ không phải là Đức Giê-su. (i) Người Sa-ma-ri nhân hậu: “Một người Sa-ma-ri kia, đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương” (Lc 10,33); (ii) Người cha nhân hậu: “Anh ta [người con thứ] còn ở đằng xa, người cha đã trông thấy, Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn một cách nồng nhiệt” (Lc 15,20). Sự kết hợp giữa động từ “nhìn thấy” và “chạnh lòng thương” trong cả 3 lần Lu-ca dùng động từ này rất giống với cách dùng của Mác-cô trong đoạn Tin Mừng này (Nhìn thấy đám đông lớn, Đức Giê-su chạnh lòng thương). Mát-thêu là tác giả dùng động từ “chạnh lòng thương” nhiều nhất trong các tác giả sách Tin Mừng (Mt 5 lần; Mc 4 lần; Lc 3 lần). Trong năm lần của Mát-thêu, có bốn lần động từ này có chủ từ là Đức Giê-su và 1 lần khác, chủ từ là một nhân vật khác. Có hai lần động từ này xuất hiện ở hai phép lạ hóa bánh ra nhiều (Đức Giê-su chạnh lòng thương đám đông), giống với trình thuật của Mác-cô (Mt 14,14=Mc 6,34; 15,32=Mc 8,2). Một lần khác, Mát-thêu cũng ghi lại Đức Giê-su “chạnh lòng thương” đám đông nhưng không nằm trong bối cảnh “phép lạ hóa bánh ra nhiều” mà là bối cảnh sai đi (Mt 9,36). Mát-thêu còn cho biết Đức Giê-su “chạnh lòng thương” hai người mù ở Giê-ri-khô: “Đức Giê-su chạnh lòng thương sờ vào mắt họ; tức khắc họ nhìn thấy được và đi theo Người” (Mt 20,34). Trong dụ ngôn “người mắc nợ không biết xót thương”, người chủ “chạnh lòng thương” người đầy tớ thiếu nợ và “cho y về và tha luôn món nợ” (Mt 18,27). Tiếc thay, người này lại không biết chạnh lòng thương và tha cho người bạn thiếu nợ y (Mt 18,28).
  9. Những con chiên không có người chăn chiênLý do Đức Giê-su phải chạnh lòng thương là “vì họ nhữ những con chiên không có người chủ chăn”. Hình ảnh Thiên Chúa là mục tử và Ít-ra-el là đàn chiên là một hình ảnh quen thuộc trong truyền thống Thánh Kinh Do Thái.[8] Bắt nguồn từ truyền thống du mục, chăn nuôi xa xưa của người Do Thái. Hình ảnh Thiên Chúa là người mục tử luôn được nhắc đi nhắc lại trong những áng văn chương Thánh Kinh. Thánh Vịnh 23 là một trong những áng văn chương đẹp nhất về hình ảnh Thiên Chúa-mục tử: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi. Tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tương, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi đến dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23,1-3). Ngôn sứ I-sai-a cũng phác họa một hình ảnh không thể đẹp hơn và gần gũi hơn về Thiên Chúa-mục tử: “Như mục tử. Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). Ê-dê-ki-el có những lời đanh thép lên án những mục tử-nhân loại chăn dắt dân Ít-ra-el: “khốn cho các mục tử Ít-ra-el, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đoàn chiên sao? sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt, chiên đau yếu các ngươi không làm cho mạnh, chiên bệnh tật các ngươi không chữa cho lành, chiên bị thương, các ngươi không băng bó, chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo hà khắc.” (Ed 34, 2-4). Cho nên, Đức Chúa là Chúa Thượng phán “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm… chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ” (Ed 34,11.15). Trong cuộc chiến với A-ram, ngôn sứ Mi-kha-giơ-hu nói tiền báo với vua A-kháp một viễn cảnh về một đàn chiên Ít-ra-el không người chăn dắt, không còn chủ nữa (1V 22,17; Sbn 18,16). Trong bối cảnh đoạn Tin Mừng này, Đức Giê-su cũng thấy đàn chiên Ít-ra-el bơ vơ, lạc lõng, không có chủ chăn. Dĩ nhiên, vào thời Đức Giê-su, có rất nhiều Kinh Sư và Pha-ri-sêu để lãnh đạo tinh thần cho dân Do Thái. Tuy nhiên, đa số họ bị nhiễm men giả hình mà Đức Đức Giê-su căn dặn các môn đệ phải coi chừng: “Phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc” (Mt 16,6.11; Lc 12,1) (Mc 8,15: men Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê). Các Kinh Sư và Pha-ri-sêu còn bị kết án là “nuốt hết tài sản của các bà góa còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mt 23,14; Mc 12,40; Lc 20,47). Có thể, vì sự băng hoại, giả hình của những vị mục tử nên dân chúng khao khát một vị mục tử như Đức Giê-su. Tin Mừng Nhất Lãm nhiều lần ví Đức Giê-su như là mục tử. Trong bối cảnh Cuộc Thương Khó, Đức Giê-su nhắc đến lời đã chép rằng: “Ta sẽ đánh chủ chăn và đàn chiên sẽ tan tác” (Mc 14,27). Câu Thánh Kinh này rõ ràng áp dụng cho Đức Giê-su. Đức Giê-su được ví như vị thủ lãnh chăn dắt Ít-ra-el, được sinh ra tại Bê-lem như lời ngôn sứ Mi-kha (Mt 2,6). Mát-thêu cũng nhiều lần diễn tả Đức Giê-su như là một mục tử (Mt 2,6; 18,12; 25,32; 26,3). Người như vị mục tử đi tìm con chiên lạc (Mt 18,12). Tuy nhiên, nơi Tin Mừng thứ tư, người ta mới gặp thấy hình ảnh mục tử Giê-su một cách rõ ràng sống động nhất: “Ta là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đàn chiên …Tôi biết các chiên tôi và các chiên tôi biết tôi” (Ga 10,11.14). Kết thúc Thánh Kinh, Sách Khải Huyền cũng nói đến hình ảnh “Con Chiên” sẽ là mục tử dẫn dân tới nguồn nước sự sống, và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt (Kh 7,17). Hơn nữa, lối diễn tả “Những con chiên không có vị mục tử” là kiểu nói thường xuyên nhất trong Thánh Kinh về một dân không có vua. Cho nên kiểu nói này lặp lại trong khung cảnh này như ám chỉ Đức Giê-su mà Đấng Ki-tô, Đấng Mê-si-ah của Ít-ra-el, vị vua họ đang mong đợi.[9]
  10. Bắt đầu dạy họ nhiều điều: Giảng dạy và làm phép lạ là hai hoạt động chính yếu của Đức Giê-su trong sứ vụ công khai. Cấu trúc động từ “bắt đầu” + “Động từ dạy” là đặc trưng của Tin Mừng Mác-cô. Thật vậy, Mác-cô là tác giả duy nhất sử sụng cấu trúc này và ông sử dụng đến 4 lần (Mc 4,1; 6,2; 6,34; 8,31). Động từ “dạy” (didasko), nói chung, được Mác-cô dùng 17 lần trong đó có 16 lần Đức Giê-su là chủ từ, chỉ có duy nhất một lần duy nhất chủ từ là “dân này”.[10] Đó là lần Đức Giê-su trích sách ngôn sứ I-sai-a nói rằng: “dân này tôn kính Ta bằng môi, miệng còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta cũng vô ích, vì giáo lý chúng dạy chỉ điều răn của phàm nhân (Mc 7,7). Ngoài ra, Mác-cô cũng dùng danh từ “thầy dạy” (didaskalos) 12 lần[11] cho một mình Đức Giê-su. Những thống kê về cách dùng từ này cho thấy Đức Giê-su chính là Đấng duy nhất có thẩm quyền giảng dạy trong Tin Mừng Mác-cô. Thầy dạy Giê-su luôn thu hút dân chúng, bởi giáo lý mới mẻ và sự uy quyền của người dạy (Mc 1,27; Lc 4,32). Trong vai trò của một vị mục tử, điều quan trọng nhất là biết “chạnh lòng thương” và giảng dạy cho dân. Mác-cô nhấn mạnh đến sự dạy dỗ của mục tử Giê-su, trong khi đó Mát-thêu lại nhấn mạnh đến sự chữa lành: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người đông đảo thì chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh tật của họ” (Mt 14,14).

Bình luận tổng quát

Chúng ta đang trong hành trình khám phá Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, và là Con Thiên Chúa, theo mô tả của tác giả sách Tin Mừng Mác-cô. Tin Mừng Mác-cô bắt đầu bằng lời giới thiệu rằng: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Nghĩa là, qua những trang Tin Mừng này có hai điều trọng yếu mà độc giả, cũng như các tín hữu phải khám phá cho được về ông Giê-su Na-gia-rét: (i) Người là Đấng Ki-tô mà dân Do Thái đang mong đợi; (ii) Người là Con Thiên Chúa. Khởi đầu chương 6, dân cùng làng Na-gia-rét đã thất bại trong việc nhận ra căn tính Ki-tô nơi con người của Đức Giê-su. Người vẫn giảng dạy với uy quyền và đầy khôn ngoan. Người vẫn làm phép lạ bằng cách đặt tay và chữa lành một vài bệnh nhân. Thế nhưng, những người cùng làng chỉ khư khư cho rằng, anh chàng Giê-su này chỉ là chàng thợ mộc con bà Ma-ri-a. Sứ mạng ngôn sứ của Đấng Ki-tô nơi làng quê Na-gia-rét dường như thất bại, vì họ không tin vào Người. Tuy nhiên, sự thất bại ấy không làm cho Người nản chí bỏ cuộc. Có thể nói rằng sự chối từ của những người cùng làng lại mở ra cơ hội cho những làng khác khi Đức Giê-su “đi các làng chung quanh mà giảng dạy” (6,6b). Hơn thế nữa, Người lại trao sứ vụ giảng dạy và làm phép lạ cho Mười Hai Tông Đồ là những người đã “ở với Người” và được Người huấn luyện. Họ đã ra đi từng hai người một đến nhiều làng để giảng dạy. Sau khi thi hành sứ vụ họ lại được quy tụ để chia sẻ, báo cáo cùng Đức Giê-su về những việc họ đã làm và đã dạy (6,30). Họ chắc hẳn đã làm nhiều phép lạ trừ nhiều quỷ. Họ cũng đã xức dầu trên nhiều bệnh nhân và chữa lành bệnh (6,13). Họ có lẽ cũng đã dạy người ta về Tin Mừng Nước Thiên Chúa: “Thời Kỳ đã mãn, Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”. Cùng với sứ điệp nòng cốt này, chắc hẳn họ cũng phải dạy những dụ ngôn về Nước Trời. Họ cũng phải giới thiệu về Đức Giê-su, bởi Đức Giê-su chính là Tin Mừng mà người ta cần phải tin. Có lẽ họ cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về “sự hoán cải” của chính họ, rằng họ đã bỏ mọi sự để theo Đức Giê-su thế nào. Rồi có thể có những người trong họ đã nếm mùi thất bại, vì sự chối từ của một làng nào đó và đã phải “giũ bụi chân lại” để cảnh cáo người ta. Sứ vụ rao giảng dù thành công hay thất bại đều làm cho các môn đệ tiêu hao năng lượng xác hồn. Họ cần một thời gian nghỉ ngơi để hồi phục. Đức Giê-su đã thấy rõ nhu cầu thiết yếu đó và quyết định cho cả nhóm đi nghỉ mát ở vùng “sa mạc”. Đó là một nơi gặp gỡ và hẹn hò với Chúa, để Người bồi bổ tinh thần và họ cũng được nghỉ ngơi về thể xác, khi không phải quá tải, vì giúp đỡ dân chúng. Đó là những khoảnh khắc cần thiết trong nhịp sống của mỗi ki-tô hữu để “xạc pin”, để có đủ năng lượng mà tiếp tục sống cho Chúa và cho mọi người. Tuy nhiên, chuyến du lịch “sa mạc” của Thầy – trò Giê-su dường như thất bại, không được như ý. Bởi lẽ, đám đông đã nhìn thấy, và nhận biết nơi Thầy – trò định đến và “tất cả các thành phố” đều chạy đến trước để đón đầu Thầy – trò Giê-su. Vừa ra khỏi thuyền, trông thấy đám người rất đông, Đức Giê-su lại rung cảm, xót thương trong lòng, vì họ như những con chiên không người chăn dắt. Một đàn chiên không người chăn dắt sẽ lang thang vô định. Chúng không biết đi đâu về đâu và nơi đâu có đồng cỏ xanh tươi và dòng suốt mát để ăn uống bổ sức. Chưa nói đến nguy cơ sói rừng luôn  rình rập cướp đi mạng sống của chúng. Đức Giê-su, vị mục tử nhân lành, cũng là mục tử Thiên Chúa, không thể bỏ rơi đàn chiên của mình. Họ đã không tìm thấy nơi những vị lãnh đạo tinh thần đương thời (các kinh sư và Pha-ri-sêu) một sự bảo đảm no đủ về tinh thần, tâm linh, nên họ phải chạy theo Đức Giê-su.[12] Nơi Đức Giê-su họ tìm được sự tốt lành, thánh thiện, nhiệt tâm và khôn ngoan uy quyền nữa. Mục tử Giê-su đã dạy họ nhiều điều. Tính từ “πολλά” (nhiều) làm danh từ túc từ cho động từ “đidasko” (dạy) mở rộng nội dung giảng dạy của Đức Giê-su ra vô hạn. Người đã dạy họ “nhiều điều” về Nước Trời, về niềm tin, về Lề Luật, về Thiên Chúa, về tình yêu, về sự phó thác, về cách đối nhân xử thế trên đời… Nói chung là tất cả những điều Người có thể dạy, vì sự “chạnh lòng thương” từ con tim của Người.

Đời người là một chuỗi dài của những hoạt động yêu thương không biết mệt mỏi vì chính mình và vì người khác. Trong cơn đại dịch, có biết bao nhiêu bàn tay, khối óc và tấm lòng đã “vã mồ hôi, sôi nước mắt vì” miếng cơm, manh áo, bảo vệ sức khỏe và giành dựt sự sống cho người khác. Thiết nghĩ, đó hẳn là nhịp sống và là tinh thần của người Tông Đồ của Chúa Giê-su. Họ phải luôn lên đường như thế chứ không phải chỉ trong cơn đại dịch mà thôi. Và rồi, họ cũng phải ý thức phận người mỏng giòn, đầy giới hạn của mình, để rồi biết dành thời gian nghỉ ngơi bên Chúa, và cả du lịch, dã ngoại nữa  nhằm kín múc những ơn thánh cần thiết cũng như được hồi phục năng lượng dồi dào cho những hoạt động “chạnh lòng thương” với người thân và nhân thế. Có hai sự nguy hiểm trong cuộc sống của con người. Thứ nhất, làm việc không ngừng nghỉ. Nếu làm việc không ngừng nghỉ thì sẽ có nguy cơ ngừng thở về tâm linh cũng như thể xác. Thứ hai, nghỉ ngơi quá nhiều. Cầu nguyện không hoạt động không phải là cầu nguyện thật. Tận hiến không hoạt động là tận hiến thật. Chúng ta không tìm theo Chúa để tránh theo đuổi tha nhân. Đúng hơn, theo Chúa để làm cho chúng ta làm tốt hơn sứ vụ phục vụ tha nhân.[13] Đời người Ki-tô hữu cũng có lúc như những con chiên không người chăn dắt. Họ đứng giữa ngã ba đường của cuộc đời, giữa dòng người đông đảo, nhưng bơ vơ lạc lõng. Họ không biết đi đâu, về đâu, bởi không có mục đích tối hậu rõ ràng của đời mình. Họ bơ vơ lạc lõng giữa dòng người đông đúc, vì họ không hề có một cam kết yêu thương cụ thể với một ai cả. Họ cảm thấy cô đơn vì chưa từng gắn bó với Chúa và với tha nhân.

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] Xem thêm về kiểu hành văn “bánh mì kẹp thịt” của tác giả Mác-cô trong, Joseph Phạm Duy Thạch, “Talitha kum: Này Bé, Hãy Trỗi Dậy” [HORIZON MISSIONARY: “TALITHA KUM: NÀY BÉ, HÃY TRỖI DẬY”. Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIII TN B (Mc 5,21-43) (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 21/07/2021).

[2] R.A. Guelich, Mark 1-8:26 (WBC; Dallas 2002) 34B, 339.

[3] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 314.

[4] R.A. Guelich, Mark 1-8:26, 339.

[5] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 318.

[6] Lexically, but even more so substantively, it is reminiscent of the scene in 3:20 that led the family of Jesus to think that he was out of his senses, “the crowd gathered again, so that they were not even able to eat” [6] [Ibid.]; W. Barclay cho rằng đây là cách diễn tả nhịp sống của ki-tô hữu: gặp Chúa và gặp tha nhân, nghi ngơi và lao động, thời gian để xạc pin: “Here we see what might be called the rhythm of the Christian life. The Christian life is a continuous going into the presence of God from the presence of men and coming out into the presence of men from the presence of God. It is like the rhythm of sleep and work. We cannot work unless we have our time of rest; and sleep will not come unless we have worked until we are tired.” [W. Barclay, The Gospel of Mark. Lecturer in the University of Glasgow (DSB; Philadelphia 2000) 155].

[7] M. Zerwick – M. Grosvenor, A grammatical analysis of the Greek New Testament (Rome 1974) 123.

[8] Theo quan sát của J.Marcus, những vị vua miền Lưỡng Hà đã xem họ như những người chăn chiên của dân và trong Cựu Ước, rồi văn chương Do Thái sau đó cả Chúa và lãnh đạo nhân loại được phác họa như những mục tử [J. Marcus, Mark 1-8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 27A, 406].

 [9] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 319.

[10] Mc 1,21.22; 2,13; 4,1.2; 6,2.6.30.34; 7,7; 8,31; 9,31; 10,1; 11,17; 12,14.35; 14,49.

[11] Mc 4,38; 5,35; 9,17.38; 10,17.20.35; 12,14.19.32; 13,1;14,1.

[12] Theo J. Marcus, kiểu nói “Con chiên không có mục tử” đã trở thành ẩn dụ mang tính tục ngữ dành cho những người đau khổ qua hoặc là thiếu một sự dẫn dắt lành mạnh (Ds 27,17; 1 V 22,17= 2 Sbn 18,16; Gđt 11,19) hoặc là qua những vị lãnh đạo xấu xa (Ed 34,8; Dcr 10,2) (J. Marcus, Mark 1-8, 406).

[13] W. Barclay, The Gospel of Mark. Lecturer in the University of Glasgow (DSB; Philadelphia 2000) 155.

Bài trướcCHƯƠNG TRÌNH “BỮA CƠM SẺ CHIA” CỦA CỘNG ĐOÀN THẦN HỌC SVD
Bài tiếp theoNGHỈ NGƠI ĐỂ TIẾN BƯỚC (Chúa Nhật XVI TN-B)