CHƯƠNG III: THỰC HÀNH TRONG MÙA PHỤC SINH

0
15
👉 CHƯƠNG I: LỊCH SỬ CỦA MÙA PHỤC SINH>>>
👉 CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM CỦA MÙA PHỤC SINH>>>

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year – Paschal Time”, Book I, Volume 7, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 20 – 26.

CHƯƠNG III: THỰC HÀNH TRONG MÙA PHỤC SINH

Việc thực hành trong mùa thánh này chủ yếu là sống niềm vui thiêng liêng mà mỗi tâm hồn tín hữu được mời gọi để cùng sống lại với Đức Giêsu. Niềm vui này chính là hương vị tiên báo của hạnh phúc vĩnh cửu, và người Kitô hữu phải xem đó là một bổn phận để luôn gìn giữ trong tâm hồn, bằng cách tha thiết kiếm tìm sự sống đích thực nơi Đấng là Đầu của chúng ta, đồng thời cẩn trọng tránh xa tội lỗi, là nguyên nhân gây ra sự chết. Trong suốt chín tuần qua, chúng ta đã than khóc vì tội lỗi và thực hành sám hối; chúng ta đã theo chân Đức Giêsu lên đồi Canvê. Nhưng giờ đây, Mẹ Thánh Giáo Hội của chúng ta khẩn nài tha thiết mời gọi chúng ta hãy vui mừng. Chính Giáo Hội cũng đã cởi bỏ mọi sầu thương; tiếng khóc than của Giáo Hội đã biến thành bài ca hoan hỷ của Hiền Thê đầy hạnh phúc.

Để có thể trao ban niềm vui này cho tất cả con cái mình, Giáo Hội đã quan tâm đến sự yếu đuối của các tín hữu. Sau khi nhắc nhở con cái mình về sự cần thiết của việc đền tội, Giáo Hội đã dành cho các tín hữu bốn mươi ngày để thực hành sám hối; và rồi, khi tháo bỏ những kiềm chế của việc hãm mình trong Mùa Chay, Giáo Hội dẫn đưa chúng ta đến Đại Lễ Phục Sinh, như dẫn vào một miền đất mới chỉ tràn ngập niềm hân hoan, ánh sáng, sự sống, niềm vui, bình an và niềm hy vọng ngọt ngào về sự sống đời đời. Vì vậy, Giáo Hội khơi dậy trong tâm hồn những người con của mình, đặc biệt những người con đang sống trong tình trạng nguội lạnh một tâm tình hòa hợp với đại lễ, như một cảm nhận trọn vẹn nhất. Nhờ vậy, tất cả mọi tín hữu, dù sốt sắng hay nguội lạnh, đều hợp nhất tiếng ca trong cùng một bài thánh thi ngợi khen Đức Giêsu Phục Sinh.

Chân phước Rupert, một nhà phụng vụ vĩ đại thế kỷ XII cũng là Viện phụ Deutz đã nói về cách thế khôn ngoan mà Giáo Hội sử dụng để thấm nhuần tinh thần Phục Sinh vào mọi tín hữu như sau: “Có những tâm trí còn nặng tính xác thịt, dường như không thể mở mắt ra trước thực tại thiêng liêng, trừ khi được đánh động bởi một sự thôi thúc đặc biệt; và chính vì lý do đó mà Giáo Hội sử dụng những phương thế này. Vì thế, khi thân xác còn đang chịu sự kiềm chế và phải tiếp tục như thế cho đến Đêm Phục Sinh, thì ngay cả những tâm hồn còn nặng tính xác thịt cũng háo hức mong chờ đêm thánh ấy. Họ khát khao đêm thánh ấy mau đến; và trong khi chờ đợi, họ cẩn thận đếm từng ngày trong bốn mươi ngày Chay Thánh, giống như một lữ khách mệt mỏi đếm từng dặm đường còn lại vậy. Vì thế, đại lễ thánh thiêng này trở nên ngọt ngào đối với tất cả chúng ta, đáng quý đối với mọi người và được mọi người mong ước như ánh sáng đối với những ai đang bước đi trong bóng tối, như suối nước hằng sống đối với những ai đang khát và như “một lều trại mà Chúa đã dựng lên” cho những lữ khách mỏi mệt dừng chân.”[1]

Như lời thánh Bênađô diễn tả: thật là một khoảng thời gian hạnh phúc biết bao khi không một ai trong toàn thể đạo binh Kitô giáo xao lãng bổn phận sống mầu nhiệm Phục Sinh của mình; khi mà mọi người, cả những bậc công chính lẫn tội nhân đều cùng nhau bước đi trên con đường chay tịnh của Mùa Chay thánh! Nhưng than ôi! Những ngày tháng ấy nay đã qua và đại lễ Phục Sinh không còn tác động mạnh mẽ trên những con người của thời đại chúng ta như xưa nữa! Nguyên nhân là do lòng yêu thích sự dễ dãi và một lương tâm sai lạc đã khiến biết bao Kitô hữu xem nhẹ luật Mùa Chay, sống luật thánh này một cách hờ hững như thể nó không hề tồn tại. Vì thế, Lễ Phục Sinh đến với họ chỉ như một ngày lễ hội – có thể là một đại lễ – nhưng chỉ dừng lại ở đó; họ ít cảm nhận được niềm vui bừng lên mãnh liệt, tràn ngập cõi lòng Giáo Hội trong suốt mùa này, một niềm vui mà Giáo Hội thể hiện trong mọi cử hành phụng vụ và sinh hoạt của mình. Và nếu ngay cả trong chính ngày đại lễ vinh quang ấy, họ vẫn còn dửng dưng vô cảm, thì làm sao có thể mong đợi họ duy trì được tinh thần hân hoan vui mừng suốt trọn năm mươi ngày, một niềm vui vốn là cốt lõi của mùa Phục Sinh? Họ đã không giữ chay, cũng chẳng thực hành kiêng thịt trong Mùa Chay: hình thức giảm nhẹ mà Giáo Hội ngày nay đưa ra cho con cái mình vì lòng thương xót trước sự yếu đuối vẫn bị họ cho là quá khắc nghiệt! Họ tìm cách hoặc tự ý miễn trừ hoàn toàn khỏi luật nhiệm nhặt của Mùa Chay mà không một chút hối tiếc hay cắn rứt lương tâm. Lời Alleluia vang lên, nhưng chẳng tìm được lời đáp lại trong tâm hồn họ: làm sao có thể được? Vì họ chưa để cho sự thống hối thực hiện công việc thanh luyện; họ chưa để cho tâm hồn mình được thánh hóa; vậy làm sao họ có thể bước theo Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng mà từ nay cuộc sống của Ngài chỉ mang tính thiên quốc hơn là trần thế? Nhưng những suy tư này quá ảm đạm đối với một mùa vui mừng như vậy. Chúng ta hãy nài xin Chúa Giêsu Phục Sinh chiếu tỏa ánh sáng chiến thắng của Ngài trên thế gian và xác thịt, để soi sáng những tâm hồn khô khan, nguội lạnh, cứng cỏi và nâng họ lên cùng Ngài. Không, giờ đây không gì có thể làm chúng ta xao lãng niềm vui này. “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ?”[2]. Chúa Giêsu sẽ ở với chúng ta trong bốn mươi ngày; Ngài sẽ không còn chịu đau khổ, cũng chẳng phải chết nữa. Vậy, tâm tình của chúng ta là hãy hòa cùng vinh quang và hoan lạc bất tận của Ngài. Đúng vậy, Ngài sẽ rời xa chúng ta, Ngài sẽ lên ngự bên hữu Chúa Cha; nhưng Ngài sẽ không để chúng ta mồ côi. Ngài sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến, Đấng ấy sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi.[3] Những lời đầy ngọt ngào và an ủi này phải trở thành kim chỉ nam cho mùa Phục Sinh của chúng ta: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi Chàng Rể còn ở với họ?” Chính những lời này là chìa khóa để hiểu toàn bộ Phụng Vụ của mùa thánh thiêng này. Chúng ta phải luôn ghi nhớ những lời này, và nhờ đó, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng niềm vui của mùa Phục Sinh mang lại ơn cứu độ không kém gì tâm tình thống hối và việc đền tội của Mùa Chay. Chính Chúa Giêsu trên thập giá và cũng chính Chúa Giêsu trong biến cố Phục Sinh – Ngài vẫn là một. Nhưng giờ đây, điều Ngài mong muốn nơi chúng ta là ở lại bên Ngài, cùng với người Mẹ chí thánh, các môn đệ và thánh Maria Mađalêna, những người đang ngây ngất trong niềm hân hoan vì chiến thắng của Ngài và đã quên đi những ngày sầu thương của cuộc Thương Khó.

Nhưng lễ Phục Sinh trong ký ức của chúng ta rồi cũng sẽ khép lại; thị kiến rạng ngời về Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ dần qua đi; và điều còn lại nơi chúng ta chỉ là ký ức về vinh quang khôn tả của Ngài cùng với sự gần gũi diệu kỳ mà Ngài đã dành cho chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì khi Đấng là sự sống và ánh sáng của chúng ta rời xa và lên trời vinh hiển? Hãy vững lòng, hỡi các Kitô hữu! Chúng ta còn mong đợi một lễ Phục Sinh khác. Mỗi năm, chúng ta sẽ lại được hưởng niềm vui mà giờ đây chúng ta đang cảm nhận. Hết lễ Phục Sinh này đến lễ Phục Sinh khác sẽ dẫn dắt chúng ta đến với lễ Phục Sinh vĩnh cửu trên trời, nơi không bao giờ tàn phai, và những niềm vui Phục Sinh dưới thế này chỉ là một sự báo trước hạnh phúc đời đời ấy. Nhưng không chỉ có thế! Hãy lắng nghe Giáo Hội. Trong một lời nguyện, Giáo Hội mạc khải cho chúng ta một bí mật cao cả: làm thế nào để chúng ta có thể kéo dài niềm vui Phục Sinh ngay khi còn ở trong cuộc lữ hành trần thế này – “Lạy Thiên Chúa, xin ban cho các tôi tớ Chúa biết duy trì trong đời sống của mình mầu nhiệm Phục Sinh.”[4] Quả thật, mầu nhiệm Phục Sinh phải luôn hiện diện trên trần gian này; Đức Giêsu Phục Sinh của chúng ta đã lên trời, nhưng Ngài để lại nơi chúng ta dấu ấn vinh quang của Ngài, và chúng ta phải gìn giữ dấu ấn ấy trong tâm hồn mình cho đến khi Ngài lại đến.

Và làm sao chúng ta lại không thể giữ mãi dấu ấn thần linh này trong tâm hồn mình? Chẳng phải tất cả các mầu nhiệm của Thầy Chí Thánh cũng là của chúng ta sao? Ngay từ khi nhập thể, Ngài đã cho chúng ta được thông phần vào tất cả những gì Ngài đã thực hiện. Ngài đã sinh ra tại Bêlem: chúng ta cũng được sinh ra cùng với Ngài. Ngài đã chịu đóng đinh: “con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh với Ngài.”[5] Ngài đã được mai táng: “chúng ta cũng được mai táng với Ngài.”[6] Vì thế, khi Ngài từ cõi chết sống lại, chúng ta cũng lãnh nhận ân sủng để “bước đi trong đời sống mới.”[7]

Như lời giáo huấn của thánh Tông Đồ dạy rằng: “Chúng ta biết rằng, một khi Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, thì không bao giờ Người chết nữa; sự chết không còn quyền chi đối với Người. Vì một lần Người đã chết, là chết đối với tội lỗi; nhưng nay, Người sống là sống cho Thiên Chúa.”[8] Ngài là Đầu và chúng ta là chi thể của Ngài: chúng ta được thông phần vào những gì thuộc về Ngài. Nếu chúng ta chết trong tội lỗi một lần nữa, chúng ta sẽ từ bỏ Ngài, tự tách mình khỏi Ngài và đánh mất đi mầu nhiệm Sự Chết và Phục Sinh mà chính Ngài nhân từ muốn ban tặng cho chúng ta. Vậy, chúng ta hãy gìn giữ trong mình sự sống ấy, sự sống của chính Chúa Giêsu và cũng là kho tàng quý báu của chúng ta; vì Ngài đã chiến thắng sự chết để mang lại sự sống ấy cho chúng ta, cùng với muôn vàn công nghiệp của Ngài. Vậy, anh chị em, những người trước mùa Phục Sinh còn là tội nhân, nhưng nay đã trở về với sự sống ân sủng, hãy tỉnh thức đừng để mình chết trong tội nữa, nhưng hãy để mọi hành động của anh chị em phản chiếu sự phục sinh vinh hiển. Còn anh chị em, những người nhờ Đại Lễ Vượt Qua mà được lớn lên trong ân sủng, hãy tỏ lộ sự gia tăng của sự sống dồi dào này qua những kỷ luật và cách sống của mình. Chính nhờ đó, tất cả chúng ta sẽ “bước đi trong đời sống mới”.

Với điều này, chúng ta tạm khép lại những bài học mà biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta; phần còn lại, chúng ta dành cho những cảm nhận khiêm tốn mà chúng ta phải đưa ra trong Phụng Vụ thánh này. Khi ấy, chúng ta sẽ ngày càng hiểu rõ hơn không chỉ bổn phận phải sống mầu nhiệm Phục Sinh của Thầy Chí Thánh, mà còn nhận ra vẻ huy hoàng rực rỡ của Mầu Nhiệm cao cả nhất ấy nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Mùa Phục Sinh – với ba sự tỏ mình tuyệt vời của tình yêu và quyền năng Thiên Chúa: biến cố Phục Sinh, biến cố Thăng Thiên và biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống – quả thật, Phục Sinh chính là sự viên mãn của công trình Cứu Độ chúng ta. Tất cả mọi sự, cả trong trật tự thời gian lẫn trong diễn tiến của Phụng Vụ đều là một sự chuẩn bị cho lễ Phục Sinh. Bốn ngàn năm kể từ khi Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ cho nguyên tổ chúng ta đã được hoàn tất trong biến cố mà giờ đây chúng ta cử hành. Tất cả những gì Giáo Hội đã thực hiện cho chúng ta từ khởi đầu Mùa Vọng đều hướng về biến cố vinh quang này. Và giờ đây, khi đã đạt tới đỉnh cao ấy, chúng ta nhận thấy rằng những mong đợi của mình không chỉ được hoàn tất mà còn vượt quá mọi hy vọng. Quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa được tỏ lộ cách sống động đến nỗi sự hiểu biết trước đây của chúng ta về Ngài dường như chẳng là gì so với sự cảm nhận và lòng yêu mến mà chúng ta đang có trong hiện tại. Chính các thiên thần cũng phải sững sờ kinh ngạc trước Mầu Nhiệm cao cả này, như Giáo Hội diễn tả cho chúng ta trong một thánh thi Phục Sinh: “Các thiên thần nhìn xuống trần gian với niềm kinh ngạc trước sự đổi thay kỳ diệu nơi nhân loại: chính xác phàm đã phạm tội, nhưng nay cũng chính Xác Phàm ấy xóa bỏ mọi tội lỗi, và Thiên Chúa hiển trị chính là Thiên Chúa đã mặc lấy Xác Phàm.”[9]

Mùa Phục Sinh cũng thuộc về những gì được gọi là Sự Sống Chiếu Soi (Illuminative Life); hơn nữa, đây chính là phần quan trọng nhất của đời sống này. Bởi lẽ, không chỉ như bốn mùa Phụng Vụ trước đã trình bày về sự khiêm hạ và đau khổ của Ngôi Hai Thiên Chúa Làm Người, mà Mùa Phục Sinh còn cho chúng ta chiêm ngưỡng Ngài trong tất cả vinh quang lớn lao của Ngài. Mùa Phục Sinh còn cho chúng ta thấy nơi chính nhân tính cực thánh của Đức Giêsu sự biến đổi vĩ đại nhất của thụ tạo trong Thiên Chúa. Biến cố hiện xuống của Chúa Thánh Thần sẽ làm tăng thêm ánh sáng cho sự soi sáng này; Người sẽ tỏ bày cho chúng ta thấy mối tương quan thẳm sâu giữa linh hồn và Ngôi Ba Thiên Chúa trong Ba Ngôi Cực Thánh. Và đây, chúng ta nhận thấy con đường và tiến trình của một linh hồn trung tín. Linh hồn ấy đã được trở nên con cái nghĩa tử của Chúa Cha trên trời; đã được dẫn vào mọi bổn phận và mầu nhiệm của ơn gọi cao cả nhờ những bài học và gương sáng của Ngôi Lời Nhập Thể; và đã được kiện toàn nhờ sự ngự đến và cư ngụ của Chúa Thánh Thần. Từ đây phát sinh những thực hành Kitô giáo, nhờ đó hình thành trong Giáo Hội một mẫu gương Mẫu Mực thánh thiện và chuẩn bị cho Giáo Hội sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô mà chính Ngài đã mời gọi. Chính Ngài đã ban cho những ai đón nhận Ngài quyền trở nên con cái Thiên Chúa, “Họ được sinh ra, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.”[10]

Chú thích

[1] De Divinis Officiis, lib. vi, cap. xxvii. (De Divinis Officiis, cuốn 6, chương 27).

[2] Mt 9, 15.

[3] x. Ga 14, 16-18.

[4] Collect for Tuesday in Easter Week. (Lời nguyện Nhập lễ cho Thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh).

[5] Rm 6, 6.

[6] Rm 6, 4.

[7] x. Rm 6, 4.

[8] Rm 6, 9-10.

[9] Hymn for the Matins of Ascension Day.

[10] Ga 1, 13.


Vui lòng ghi: “Nguồn: Truyền Thông Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam – ngoiloivn.net” khi đăng tải lại các bài viết từ trang này.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh, năm C (Ga 21,1-19)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm C