CHƯƠNG I: LỊCH SỬ MÙA THƯƠNG KHÓ…>>>
CHƯƠNG II: MẦU NHIỆM MÙA THƯƠNG KHÓ…>>>
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch từ: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Passiontide And Holy Week”, Volume 6, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 15-25.
CHƯƠNG III: THỰC HÀNH TRONG MÙA THƯƠNG KHÓ VÀ TUẦN THÁNH
Bốn tuần vừa qua dường như chỉ là một sự chuẩn bị cho nỗi sầu muộn tột cùng của Mẹ Giáo Hội trong hai tuần cuối này. Mẹ Giáo Hội biết rằng nhân loại đang tìm kiếm Đức Giêsu và họ quyết tâm giết Ngài. Chỉ trong vòng mười hai ngày nữa, Giáo Hội sẽ chứng kiến họ ra tay phạm thượng bắt lấy Ngài. Giáo Hội sẽ phải bước theo Ngài lên đỉnh đồi Canvê; Giáo Hội sẽ phải đón nhận hơi thở cuối cùng của Ngài; Giáo Hội sẽ phải chứng kiến tảng đá được lấp trước cửa mộ, nơi Thân Xác bất động của Ngài được mai táng. Vì thế, trong những tuần này, chúng ta không ngạc nhiên khi Giáo Hội mời gọi tất cả con cái mình chiêm ngắm Đấng là đối tượng duy nhất của tất cả tình yêu và nỗi sầu thương của Giáo Hội.
Nhưng Mẹ Giáo Hội không chỉ thỉnh cầu chúng ta lòng trắc ẩn và những giọt nước mắt thống hối mà còn mong muốn chúng ta biết tận dụng những bài học từ Cuộc Thương Khó và Cái Chết của Đấng Cứu Thế dạy cho chúng ta. Chính Ngài, khi tiến lên đỉnh đồi Canvê đã nói với những phụ nữ thánh thiện, những người can đảm bày tỏ lòng trắc ẩn ngay trước mặt những kẻ hành hình Ngài: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi”.[1] Không phải vì Ngài từ chối tấm lòng trắc ẩn qua những giọt nước mắt của họ – bởi lẽ Ngài hài lòng với bằng chứng yêu mến ấy – nhưng chính vì tình thương của Ngài dành cho họ mà Ngài đã nói như vậy. Trên hết, Ngài mong muốn họ nhận ra tầm quan trọng của những gì họ đang chứng kiến và học được bài học về sự nghiêm minh khôn lường về công lý của Thiên Chúa đối với tội lỗi.
Trong bốn tuần vừa qua, Giáo Hội đã dẫn dắt tội nhân đến với ơn hoán cải; tuy nhiên, cho đến lúc này, sự hoán cải ấy mới chỉ khởi đầu: giờ đây, Giáo Hội muốn hoàn thành điều đó. Giáo Hội không còn mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa nữa, nhưng chính Đức Giêsu, Đấng đang được hiến tế và trở nên Hy Tế cao cả nhất cho ơn cứu độ trần gian. Giờ định mệnh đã gần kề; quyền lực của bóng tối đang ráo riết tận dụng những giây phút cuối cùng này; tội ác lớn nhất sắp được trao vào tay kẻ tội lỗi và họ sẽ kết án tử cho Người. Giáo Hội không còn cần phải thúc giục con cái mình ăn năn sám hối nữa; bởi giờ đây, họ đã hiểu quá rõ sự khủng khiếp của tội lỗi, khi phải trả một cái giá đền bù quá đắt như vậy. Giáo Hội hoàn toàn chìm đắm trong suy tư về biến cố kinh hoàng sắp khép lại cuộc đời của Đấng Thiên-Chúa-Làm-Người trên trần thế. Qua phụng vụ thánh, Giáo Hội diễn tả những tâm tình của mình và dạy chúng ta phải biết rằng tâm hồn mình cũng phải hòa chung với những tâm tình ấy.
Tâm tình thấm nhuần trong các lời nguyện và nghi thức phụng vụ của hai tuần này là nỗi sầu muộn sâu xa khi chứng kiến Đấng Công Chính bị bách hại cho đến chết bởi những kẻ thù nghịch, cùng với sự phẫn nộ mạnh mẽ đối với tội ác sát hại Con Thiên Chúa. Phần lớn các bản văn diễn tả hai tâm tình này được trích từ Thánh Vịnh của Đavít và lời các ngôn sứ. Ở đây, chính Đấng Cứu Độ bày tỏ cho chúng ta nỗi thống khổ trong tâm hồn Người; ở đó, Mẹ Giáo Hội công bố những lời nguyền rủa nghiêm khắc nhất đối với những kẻ đã hành hình Đức Giêsu. Hình phạt sắp giáng xuống dân tộc Do Thái được tiên báo với tất cả những chi tiết kinh hoàng của nó; và trong ba ngày cuối cùng, chúng ta sẽ nghe ngôn sứ Giêrêmia cất lên những lời ai ca than khóc về thành đô bất trung. Giáo Hội không nhắm đến việc khơi dậy những cảm xúc hời hợt; điều mà Giáo Hội tìm kiếm trên hết là ghi khắc vào tâm hồn con cái mình một nỗi sợ hãi thánh thiện, đem lại ơn cứu độ. Nếu tội ác của Giêrusalem khiến họ kinh hãi, và nếu họ nhận ra rằng chính mình cũng đã dự phần vào tội lỗi ấy, thì những giọt nước mắt sám hối sẽ tuôn trào dạt dào.
Do đó, chúng ta hãy hết lòng đón nhận những tâm tình sâu sắc này – nhưng than ôi, lại quá ít người biết đến lòng đạo đức quá hời hợt của con người thời đại hôm nay. Chúng ta hãy suy ngẫm về tình yêu và lòng trắc ẩn của Con Thiên Chúa, Đấng đã tin tưởng vào thụ tạo của Người một cách vô biên, đã sống như một con người giữa họ, đã trải qua ba mươi ba năm giữa nhân loại -không chỉ trong sự khiêm nhường và hiền hòa, mà còn luôn rong ruổi khắp nơi để thi ân giáng phúc.[2] Và giờ đây, cuộc đời đầy nhân ái, hạ mình và khiêm nhường ấy sắp bị kết thúc bằng một cái chết ô nhục – một cái chết mà chỉ những kẻ nô lệ mới phải chịu: cái chết trên thập giá. Chúng ta hãy suy gẫm, một bên là dân tộc tội lỗi này – họ không thể buộc tội Đức Giêsu về bất cứ điều gì, nên đã lên án chính những ân phúc mà Người đã ban; họ đã đẩy sự bội bạc đáng ghê tởm của mình đến mức đổ máu của Chiên Thiên Chúa vô tội; và sau đó, chúng ta hãy hướng về Đức Giêsu, Đấng Công Chính tuyệt hảo, và chiêm ngắm Người trở thành đối tượng của mọi nỗi thống khổ cay đắng nhất: Linh hồn Người sầu đến chết được[3]; bị đè nặng bởi án phạt do tội lỗi chúng ta gây ra; uống cạn chén đắng mà Ngài đã khiêm tốn nài xin Chúa Cha cất khỏi Ngài. Và cuối cùng, chúng ta hãy lắng nghe những lời trăng trối sau cùng của Ngài trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con?”[4]
Chính điều này làm tràn ngập nỗi sầu muộn khôn nguôi nơi Mẹ Giáo Hội; và cũng chính vì thế mà Giáo Hội mời gọi chúng ta suy ngẫm về những đau khổ của Đức Giêsu. Bởi Giáo Hội biết rằng, nếu chúng ta thực sự hiểu được những đau khổ của Đức Giêsu, thì chắc chắn chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, vì chính tội lỗi đã làm cho chúng ta trở nên đồng phạm với tội ác mà chúng ta kinh tởm nơi những người Do Thái năm xưa.
Nhưng Giáo Hội cũng biết rõ lòng con người chai đá biết bao, và làm thế nào để khiến họ quyết tâm hoán cải cách triệt để thì cần phải khơi dậy trong lòng họ một nỗi sợ thánh thiện. Vì thế, nhân danh Đức Giêsu, Giáo Hội đặt trước mắt chúng ta những lời nguyền rủa kinh hoàng mà các ngôn sứ đã công bố để chống lại những kẻ đã giết hại Chúa chúng ta. Những lời nguyền rủa của các ngôn sứ đã được ứng nghiệm cách tỏ tường trên dân Do Thái lòng chai dạ đá. Các ngôn sứ cũng dạy cho chúng ta rằng, người Kitô hữu cũng phải đối diện với số phận như, giống như lời thánh Tông Đồ đã mạnh mẽ cảnh báo nếu chúng ta lại một lần nữa đóng đinh Con Thiên Chúa.[5] Khi lắng nghe những gì Mẹ Giáo Hội nói với chúng ta lúc này, chúng ta không thể không run sợ khi nhớ lại những lời khiển trách khác của thánh Tông Đồ: “Phương chi kẻ đã chà đạp Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao Ước đã thánh hiến mình và nhục mạ Thần Khí ban ân sủng, thì anh em thử nghĩ xem, kẻ ấy đáng chịu hình phạt ghê gớm hơn biết mấy! Vì chúng ta biết Đấng đã nói: ‘Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả’. Lại có lời rằng: ‘Chúa sẽ xét xử Dân Người’. Thật là khủng khiếp, khi phải rơi vào tay Thiên Chúa hằng sống!”[6].
Thật kinh khủng biết bao! Ôi! Trong những ngày Thương Khó này, Thiên Chúa dạy chúng ta một bài học đầy nghiêm khắc về sự công bình khôn lường của Người! Đến ngay cả Con Một của Người, Đấng mà Người hằng hết lòng yêu thương quý mến, Thiên Chúa cũng không dung tha – thì liệu Người có dung tha chúng ta không, nếu sau biết bao ân sủng mà Người đã thương ban, nhưng Người vẫn thấy chúng ta chìm đắm trong tội lỗi? Tội lỗi ấy chính là hậu quả mà Thiên Chúa đã trừng phạt không nương tay ngay cả nơi Đức Giêsu, khi Ngài mang lấy nó trên mình để đền tội thay cho chúng ta! Những suy tư như thế này về sự công minh của Thiên Chúa đối với những nạn nhân vô tội và cao cả nhất, cũng như những hình phạt đã giáng xuống dân Do Thái cứng lòng – ắt hẳn sẽ huỷ diệt trong chúng ta mọi quyến luyến đối với tội lỗi, vì chúng sẽ hình thành trong chúng ta nỗi sợ thánh thiện vốn là nền tảng vững chắc cho một niềm hy vọng kiên định và một tình yêu nồng cháy đối với Thiên Chúa.
Vì nếu bởi tội lỗi, chúng ta đã làm cho mình trở nên kẻ tội đồ trong cái chết của Con Thiên Chúa, thì cũng chính nhờ Máu Châu Báu từ những vết thương chí thánh của Ngài có quyền năng tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi của sự ác mình gây ra. Sự công chính của Cha trên trời chỉ có thể được xoa dịu nhờ Máu Châu Báu của Con Một Chúa đổ ra; và chính lòng thương xót của Người cũng muốn rằng Máu ấy được tuôn đổ để cứu chuộc chúng ta. Sự tàn nhẫn của những kẻ hành hình Đức Giêsu đã gây ra năm vết thương trên Thân Xác cực thánh của Ngài; và từ đó tuôn trào năm nguồn suối cứu độ, thanh tẩy thế gian và phục hồi trong mỗi người chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa mà tội lỗi đã hủy hoại. Vậy, chúng ta hãy tin tưởng tiến đến với Máu cứu độ này, dòng máu khơi nguồn và mở toang cánh cửa thiên đàng cho tội nhân, và có giá trị lớn lao đến nỗi có thể cứu chuộc hàng triệu thế giới, dù chúng có tội lỗi hơn nhân loại chúng ta. Chúng ta đang tiến đến gần hơn ngày tưởng niệm khi Máu ấy đã đổ ra; biết bao thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Máu chảy xuống từ Thân Thể chịu thương tích của Đức Giêsu và tuôn tràn từ thập giá xuống mảnh đất vô ơn này. Thế nhưng, quyền năng của Máu ấy vẫn luôn mãnh liệt như thuở ban đầu.
Vậy, chúng ta hãy đến và kín múc từ những suối nguồn cứu độ của Đấng Cứu Thế;[7] linh hồn chúng ta sẽ được tràn đầy sự sống, trở nên tinh tuyền và rực rỡ với vẻ đẹp thiên quốc; không còn một vết nhơ nào của tội lỗi cũ lưu lại, và Chúa Cha sẽ yêu thương chúng ta với chính tình yêu mà Người dành cho Con Một của Người. Tại sao Thiên Chúa lại trao nộp Người Con yêu dấu của mình cho sự chết? Há chẳng phải để giành lại chúng ta, những người con mà Người đã đánh mất sao? Vì tội lỗi, chúng ta đã thuộc về Satan; án phạt là hoả ngục dành cho chúng ta. Thế nhưng, chúng ta đã được giải thoát cách bất ngờ và mọi quyền lợi nguyên thủy của chúng ta đã được phục hồi. Thế nhưng, Thiên Chúa đã không dùng bạo lực để giải thoát chúng ta khỏi tay kẻ thù; vậy làm sao chúng ta lại được giải thoát? Hãy lắng nghe lời vị thánh Tông Đồ: “Anh em đã được mua chuộc với một giá rất đắt.”[8] Và giá ấy là gì? Thủ lãnh các Tông Đồ giải thích: “Anh em hãy biết rằng: không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô.”[9] Máu Châu Báu này đã được đặt lên cán cân công lý của Thiên Chúa và Máu ấy đã nặng hơn biết bao so với tội lỗi chúng ta, đến nỗi khiến cán cân nghiêng về phía chúng ta. Quyền năng của Máu Châu Báu này đã phá tan cửa địa ngục, bẻ gãy xiềng xích của chúng ta và thiết lập hòa bình cho mọi loài dưới đất cũng như trên trời.[10] Vậy, chúng ta hãy đón nhận Máu Châu Báu này trên chính mình, lấy Máu ấy rửa sạch vết thương của chúng ta và ghi dấu trên trán như một dấu ấn không thể phai mờ, để trong ngày thịnh nộ, chúng ta được bảo vệ khỏi lưỡi gươm công thẳng.
Có một đối tượng khác vô cùng quý giá đối với Giáo Hội mà trong hai tuần này, Giáo Hội khuyến khích chúng ta hết lòng tôn kính: đó chính là Thánh Giá, bàn thờ nơi Đấng Hy Lễ vô song của chúng ta đã hiến tế chính mình. Hai lần trong năm, vào các lễ Suy Tôn Thánh Giá và Tìm Thấy Thánh Giá, Giáo Hội dâng kính Cây Gỗ thánh thiêng này, để chúng ta tôn vinh nó như biểu tượng khải hoàn của Đức Giêsu. Nhưng trong thời gian này, Thánh Giá chỉ nói với chúng ta về những đau khổ của Ngài; nó không gợi lên điều gì khác ngoài sự khiêm hạ tột cùng của Ngài. Thiên Chúa đã phán trong Giao Ước Cũ: “Đáng nguyền rủa thay kẻ bị treo trên cây gỗ.”[11] Nhưng Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã không nề chịu lấy sự nguyền rủa đó. Chính vì thế, cây gỗ ô nhục này nay đã trở nên vô cùng quý giá đối với chúng ta. Nó là khí cụ cứu độ, là bảo chứng tuyệt vời của tình yêu Đức Giêsu dành cho chúng ta. Vì lẽ đó, Giáo Hội sắp bày tỏ lòng tôn kính và tình yêu sâu xa đối với Thánh Giá, và chúng ta cũng quyết tâm noi gương Giáo Hội, cùng hiệp thông với Giáo Hội trong mọi nghi lễ mà Giáo Hội cử hành. Một lòng tri ân thờ lạy đối với Máu Châu Báu đã cứu chuộc chúng ta và lòng tôn kính yêu mến đối với Thánh Giá – đó là hai tâm tình phải tràn ngập trong tâm hồn chúng ta suốt hai tuần quan trọng này.
Nhưng đối với Chiên Thiên Chúa – Đấng đã ban cho chúng ta Máu Châu Báu của Ngài và quảng đại đón nhận Thánh Giá cứu độ chúng ta – chúng ta phải làm gì? Há chẳng phải là điều chính đáng khi chúng ta luôn ở bên Ngài và trung tín với để ngày lại ngày, từng giờ từng phút, theo sát Ngài trên con đường Thánh Giá mà Ngài đang bước đi vì chúng ta sao? Vâng, chúng ta sẽ trở nên những người bạn trung tín của Ngài trong những ngày cuối cùng trên cuộc đời dương thế, khi Ngài tự hạ mình chịu ẩn mình trước kẻ thù. Chúng ta sẽ có lòng ghen tỵ với một số người tận tình đã đón rước Ngài vào nhà mình và vì lòng hiếu khách can đảm ấy, họ chấp nhận đối diện với cơn cuồng nộ của những kẻ thù của Ngài. Chúng ta sẽ cùng động lòng trắc ẩn với Mẹ của Ngài, Đấng đã chịu nỗi thống khổ mà không một tâm hồn nào có thể thấu hiểu, vì không một thụ tạo nào có thể yêu mến Ngài như người Mẹ đã yêu. Trong tâm trí, chúng ta sẽ tiến vào Thượng Hội Đồng đầy gian ác, nơi đang bày mưu thâm độc chống lại Đấng Công Chính. Bỗng chốc, một ánh sáng huy hoàng sẽ bừng lên giữa chân trời u tối; các đường phố và quảng trường Giêrusalem sẽ vang dội lời tung hô: “Hosanna! Chúc tụng Con Vua Đavít!”. Lời tôn vinh bất ngờ dâng lên cho Chúa Giêsu, những cành lá vạn tuế, những tiếng reo hò vang dậy của đoàn con trẻ Do Thái đầy ngưỡng mộ sẽ tạm thời xua tan nỗi u buồn sầu muộn trong lòng chúng ta. Tình yêu thúc giục chúng ta cùng hòa mình vào đoàn người thành kính tôn vinh Vua Israel, Đấng hiền lành tiến vào viếng thăm ái nữ Sion, như ngôn sứ đã tiên báo. Nhưng than ôi! Niềm vui này chẳng kéo dài bao lâu, và chúng ta sẽ mau chóng rơi vào nỗi sầu muộn sâu thẳm trong tâm hồn!
Người môn đệ phản bội chẳng bao lâu nữa sẽ thỏa thuận giá bán Thầy với các thượng tế; sau cùng Lễ Vượt Qua sẽ được cử hành và chúng ta sẽ chứng kiến con chiên tượng trưng nhường chỗ cho Chiên thật, Đấng sẽ ban Thịt Mình làm lương thực cho chúng ta và Máu Ngài trở nên của uống cho chúng ta. Đó sẽ là Bữa Tiệc Ly của Chúa chúng ta. Khoác trên mình y phục hôn lễ, chúng ta sẽ cùng hiện diện nơi bàn tiệc với các môn đệ; vì ngày ấy là ngày giao hòa, quy tụ cả tội nhân sám hối lẫn người công chính trung tín cùng chung một bàn tiệc thánh. Rồi đây, chúng ta sẽ phải tiến về khu vườn định mệnh, nơi chúng ta sẽ thấu hiểu được tội lỗi khủng khiếp dường nào, và khi chứng kiến Chúa Giêsu chịu đau đớn dưới gánh nặng của tội lỗi và nài xin Chúa Cha hằng hữu ban cho Ngài chút ủi an. Sau đó, trong giờ tăm tối nhất của đêm khuya, bọn đầy tớ của các thượng tế cùng với quân lính, được tên phản bội Giuđa Iscariốt dẫn đường, sẽ ra tay bắt giữ Con Thiên Chúa cách bất kính; thế nhưng, muôn đạo binh thiên thần hằng tôn thờ Ngài vẫn phải nín lặng, đã không ra tay trừng phạt tội ác phạm thượng kinh hoàng ấy! Sau đó, chúng ta sẽ phải bước theo Chúa Giêsu đến các tòa án, nơi mà Ngài bị điệu đến xét xử, và chứng kiến cảnh bất công đắc thắng. Trong khoảng thời gian từ lúc Ngài bị bắt trong vườn Cây Dầu cho đến khi phải vác thập giá lên đồi Canvê sẽ chất đầy những biến cố của các phiên tòa bất công: những lời dối trá, vu khống, sự hèn nhát đáng khinh của tổng trấn Rôma, những lăng mạ của kẻ qua đường và những tiếng gào thét của đám dân bội bạc, đang khát khao đổ máu Đấng Vô Tội! Chúng ta sẽ hiện diện trong tất cả những biến cố ấy; tình yêu không cho phép chúng ta lìa xa Đấng Cứu Chuộc chí ái, Đấng sắp chịu mọi khổ hình vì chúng ta, vì ơn cứu độ của chúng ta.
Cuối cùng, sau khi chứng kiến Ngài bị đánh đòn, bị khạc nhổ, sau trận đòn tàn khốc và nỗi ô nhục khôn tả của mão gai, chúng ta sẽ theo chân Chúa Giêsu lên đỉnh đồi Canvê; chúng ta sẽ nhận ra dấu chân thánh của Ngài qua những vết Máu in trên đường khổ giá. Khi bước đi với Ngài, chúng ta sẽ phải len lỏi qua đám đông, sẽ nghe những lời nguyền rủa khủng khiếp thốt ra chống lại Thầy Chí Thánh của chúng ta. Khi đến nơi hành hình, chúng ta sẽ chứng kiến Chiên Thiên Chúa chí thánh bị lột trần, bị đóng đinh vào thập giá, rồi bị nâng cao lên, như thể để càng phơi bày Ngài cho những lời nhục mạ! Chúng ta sẽ tiến gần đến Cây Sự Sống, để không đánh mất dù chỉ một giọt Máu Châu Báu đang tuôn đổ hầu thanh tẩy trần gian, cũng không bỏ sót một lời trăng trối nào của Chúa Giêsu thốt ra khi Ngài hấp hối để giáo huấn nhân loại chúng ta. Chúng ta sẽ động lòng trắc ẩn với Mẹ của Ngài, Đấng đã bị lưỡi gươm đâm thấu trái tim. Chúng ta sẽ đứng kề bên Mẹ trước khi Con của Mẹ trút hơi thở cuối cùng, Ngài sẽ trao phó chúng ta cho vòng tay từ mẫu của Mẹ. Sau ba giờ hấp hối, chúng ta sẽ cung kính chiêm ngắm đầu cực thánh của Ngài gục xuống và với lòng tôn thờ yêu mến, chúng ta sẽ đón nhận hơi thở sau cùng của Ngài.
Một thân xác bầm dập và tan nát, cứng đờ trong lạnh lẽo của sự chết – đó là tất cả những gì còn lại với chúng ta về Con Người, Đấng mà ngày đầu tiên giáng trần đã mang đến cho chúng ta bao niềm hoan lạc! Người Con của Chúa Cha hằng hữu đã không chỉ thỏa lòng khi tự hủy mình, mặc lấy thân phận tôi tớ;[12] việc Ngài sinh ra trong xác phàm chỉ mới là khởi đầu của lễ tế. Tình yêu đã dẫn đưa Ngài đến tận cái chết, chết trên thập giá. Ngài đã biết trước rằng chỉ có thể chinh phục được lòng yêu mến của chúng ta bằng chính hy tế cao cả này và trái tim Ngài đã không ngần ngại dâng hiến. Thánh Gioan đã nói: “Vậy chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì chính Người đã yêu thương chúng ta trước.”[13] Đây chính là mục đích mà Giáo Hội nhắm đến khi cử hành những ngày lễ trọng đại này. Sau khi đã khiêm hạ và mở lòng đón nhận ân sủng, Ngài cho chúng ta thấy công lý Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi ra sao, và Giáo Hội dẫn dắt tâm hồn chúng ta đến chỗ yêu mến Chúa Giêsu, Đấng đã tự nộp mình thay cho chúng ta và chịu mọi hình phạt khắc nghiệt của công lý ấy. Khốn thay cho chúng ta, nếu Tuần Thánh cao cả này không khơi dậy trong tâm hồn chúng ta một lòng đáp trả xứng đáng đối với Đấng đã yêu thương chúng ta hơn chính bản thân Ngài, dù chúng ta đã từng là kẻ thù của Ngài và chính chúng ta đã làm cho mình ra như vậy! Chúng ta hãy cùng thưa lên như thánh Tông Đồ: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng ta, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Đấng đã chết vì họ.”[14] Chúng ta mắc nợ Ngài lời đáp trả xứng đáng, vì Ngài đã tự hiến làm Hy Lễ vì chúng ta. Đến giây phút cuối cùng, thay vì tuyên án nguyền rủa chúng ta điều mà chúng ta đáng phải chịu, Ngài lại cầu xin và mang lại cho chúng ta lòng thương xót cùng ân sủng. Rồi một ngày kia, Ngài sẽ lại xuất hiện trên đám mây trời và như lời ngôn sứ đã chép: “Họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đã đâm thâu.”[15] Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta được thuộc về số những kẻ, nhờ tình yêu chân thành, đã đền bù tội lỗi của mình đối với Chiên Thiên Chúa; để đến ngày ấy, khi nhìn thấy những thương tích của Ngài, chúng ta không run sợ nhưng tràn đầy tín thác!
Chúng ta hãy hy vọng rằng, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, thời khắc thánh thiêng mà giờ đây chúng ta sắp bước vào sẽ được thực hiện trong chúng ta một sự đổi mới diễm phúc; để đến ngày phán xét, chúng ta có thể vững tâm ngước nhìn Đấng mà giờ đây chúng ta sắp suy ngắm: Ngài chịu đóng đinh bởi tay những kẻ tội lỗi. Cái chết của Chúa Giêsu làm cho toàn thể vũ trụ rung chuyển: giữa ban trưa, mặt trời tối sầm, đất chuyển rung, đá vỡ tung ra. Ước mong rằng tâm hồn chúng ta cũng sẽ rung động, và từ sự thờ sang yêu mến, từ sợ hãi sang hy vọng, và cuối cùng, từ hy vọng đạt tới tình yêu; để cùng với Đấng Chịu Đóng Đinh đi xuống tận đáy vực sâu buồn đau, chúng ta cũng xứng đáng được phục sinh với Ngài trong ánh sáng và niềm vui, rạng ngời vinh quang Phục Sinh của Ngài và mang trong mình bảo chứng của một đời sống mới, đời sống ấy sẽ chẳng bao giờ phải chết nữa!
Chú thích:
[1] Lc 23, 28.
[2] Cv 10, 38.
[3] Mt 26, 38.
[4] Mt 27, 46.
[5] Hr 6, 6.
[6] Hr 10, 29-31.
[7] Is 12, 3.
[8] 1 Cr 6, 20.
[9] 1 Pr 1, 18-19.
[10] Cl 1, 20.
[11] Đnl 21, 23.
[12] Phil 2, 7.
[13] 1 Ga 4, 19.
[14] 2 Cr 5, 14. 15.
[15] Dcr 12, 10.
Vui lòng ghi: “Nguồn: Truyền Thông Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam – ngoiloivn.net” khi đăng tải lại các bài viết từ trang này.