Trong khi anh Nguyễn Long Thao cuả VietCatholic thường cổ động cho phong trào Ngắm cuà Việt nam trong nhiều năm qua, thì đây cũng là năm thứ hai liên tiếp các báo Công Giáo Mỹ đã lên tiếng ca tụng hình thức ‘Ngắm Nguyện’ cuả các giaó phận Việt Nam, coi đó là một phong tục sống đạo độc nhắt vô nhị, kết hợp các cung điệu nhạc lý cổ truyền vào lời kinh nguyện để suy gẫm và để cảm nghiệm sâu sa hơn về cuộc thương khó cuả Đức Kitô.
Chúng tôi xin lược dịch bài dưới đây cuả phóng viên Công giáo Antonio Anup Gonsalves cuả các báo NCR, CNA, EWTN. Ông viết thường trực về vùng Đông Á như Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam và Philippines.
Bài có tựa đề “This unique chant brings Vietnamese Catholics deeper into Christ’s Passion”:
Hà Nội, Việt Nam, ngày 14 tháng 4 năm 2017 / 04:48 am ( CNA ). – Trong khi việc ‘Đi Đàng Thánh Giá’ là một thực hành đạo đức cuả người Công Giáo trên khắp thế giới, thì ở Việt Nam các tín hữu có thêm một thực hành bổ sung là dùng các điệu ca hò cổ truyền pha trộn với lời kinh cầu để suy niệm về mầu nhiệm Thập Giá.
“Ngắm Nguyện”. .. là một phương thức độc đáo của người Công Giáo Việt Nam, dùng việc ngâm nga những bài suy gẫm kể lại cuộc Thương Khó của Chúa Kitô. Theo lời cha Anthony Lê Đức, tuyên úy cuả cộng đồng người Việt ở Thái Lan.
Cha Đức nói với CNA rằng những bài ngâm nga nhiều cung điệu mô tả sự đau khổ của Chúa Giêsu đó được gọi là “Ngắm”. Mục đích là giúp cho mọi người đi sâu hơn vào những biến cố và cảm xúc mà Đấng Kitô đã phải trải qua trong suốt cuộc Thương Khó. Những biến cố và cảm xúc ấy, thể hiện bằng những lời kinh nguyện soạn thảo ra do những nhà truyền giáo vào đầu thế kỷ 16-17, đã được thích nghi với giai điệu truyền thống thành các bài hát dân gian.
Có tổng cộng 15 bài Ngắm kể lại những cơn đau cùng cực và sự đau buồn mà Đức Giêsu đã phải trải qua khi Ngài bị bắt, bị đưa ra xét xử và bị đóng đinh trên đồi Golgotha.
Những đề tài cuà ‘Ngắm’ khác với đề tài cuả ‘đi đàng Thánh Giá’ truyền thống vì sự suy gẫm cuả ‘Ngắm’ tập trung chủ yếu vào những gì xảy ra trong phiên tòa cuả Pontius Pilatô và trên cây Thập giá tại Calvariô, trong khi ‘đàng Thánh Giá’ thì tập trung vào những sự việc ở giữa hai biến cố này.
Bắt đầu với sự phản bội của Giu-đa, và kết thúc với việc ‘cạnh nương long’ của Chúa bị ngọn giáo đâm vào, sự suy niệm cuả ‘Ngắm’ đưa người ta đắm chìm vào sự Thương Khó của Chúa Kitô.
Cung điệu cuả Ngắm chú trọng vào những giai điệu du dương, phù hợp với bản chất âm thanh của tiếng Việt. Vì sự suy niệm là nhắc nhở lại những nỗi đau và khổ của Đấng Kitô, cho nên bài ngắm có cung điệu cực kỳ u sầu, làm tăng thêm cảm xúc và khiến cho người nghe thường phải rơi lệ.
Khi ngắm, người ngắm phải tuân thủ nhiều quy tắc nghiêm ngặt, tùy thuộc vào việc có một dấu phẩy, dấu ‘chấm phẩy’, dấu ‘chấm câu’ hay dấu ‘chấm xuống dòng’. Nếu người đọc thấy tên của Chúa Giêsu trong văn bản, ông ta phải cúi đầu.
Những buổi Ngắm tại nhiều nhà thờ ở Việt Nam – có thể ngắm toàn bộ hay một phần nào đó – thường diễn ra mỗi ngày trong suốt mùa Chay, có thể như là một phần của phụng vụ sau Thánh lễ, hoặc có thể là một buổi phụng vụ riêng biệt. Buối Ngắm bắt đầu với lời cầu nguyện chung cho Giáo Hội, rồi tiếp đó là bài ngắm. Giữa các bài ngăm, người ta đọc một kinh Lậy Cha và 10 kinh Kính Mừng. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, buổi ngắm được kết thúc bằng một bài thơ than vãn và những lời cầu nguyện khác. Toàn bộ buổi ngắm có thể kéo dài hơn hai giờ đồng hồ.
Người Việt Nam thực hiện truyền thống này một cách rất nghiêm túc, coi đó như là vừa có tính chất phụng vụ và vừa có tính chất nghệ thuật. Trong mùa Chay, nhiều giáo xứ tổ chức thi, và chỉ có những ‘tay ngắm’ có kỹ năng cao nhất mới dám bước vào.
Người thi ngắm không hề dùng nhạc cụ. Khi lên thi, người đó thường đứng hoặc quỳ trước bàn thờ với quyển sách đặt ớ trước mặt. Ở hai bên, có nhiều người làm giám khảo theo dõi bài ngắm. Nếu người thi có lỗi, giám khảo sẽ gõ một tiếng mõ. Nếu người thi mắc phải ba lỗi, ông ta phải rời cuộc thi và một người khác sẽ lên, ngắm lại bài ngắm bị dở dang.
“Hình thức ngắm thể hiện một sự thích ứng đầy sáng tạo giữa việc phụng vụ của Giáo Hội với bối cảnh địa phương” Cha Đức nói. “Và nó cho thấy có một sự hợp tác tuyệt vời giữa các nhà truyền giáo nước ngoài và các tín hữu địa phương trong việc phát minh ra truyền thống Mùa Chay này, đã được duy trì hàng nhiều thế kỷ”.
Các nhà truyền giáo châu Âu đi theo các thương gia trên các tuyến đường biển mới được phát hiện, đã đưa đức tin Công Giáo đến Việt Nam vào năm 1533. Sau đó vào thế kỷ 16, với sự xuất hiện của những thành viên dòng Tên (SJ), dòng Đa Minh (OP), dòng Phanxicô Hèn mọn (OFM) và Hội Truyền Giáo Ba Lê (MEP) đã tăng cường các nỗ lực truyền giáo ở miền đông.
Các nhà truyền giáo dạy các lẽ thật của đức tin Công Giáo cho các thày giảng bản xứ, là những người có nguồn gốc tôn giáo và văn hoá khác nhau. Sau đó các thày giảng bản xứ lại dạy giáo dân bản địa những lời kinh nguyện bằng cách sử dụng phương pháp giáo dục sẵn có ở địa phương là ngâm nga các bài kinh kệ (tụng kinh)̣, được sử dụng trong các chuà chiền và trong các bài ca quan họ cuả dân gian.
Trong những thế kỷ trước, bài ngắm được viết bằng chữ Nôm, một biến thể cuả chữ Hán. Tuy nhiên, vào thế kỷ 20, các bài ngắm đã được in bằng chữ quốc ngữ.
Mỗi giáo phận ở Việt Nam thường có các phiên bản riêng, có chút khác biệt trong từ ngữ cho phù hợp với ngôn ngữ địa phương. Ngoài những khác biệt này, thì văn bản chính đã không có sửa đổi là bao nhiêu trong nhiều chục năm qua.
Cha Đức giải thích rằng lời văn cuả “Ngắm Nguyện” chủ yếu là những lời nói bình thường, thậm chí có khi thô tục (colloquial), “có lẽ để cho những giáo dân bình dân có thể hiểu được dễ dàng hơn”.
Truyền thống Ngắm lan rộng khắp Việt Nam, và cả trong các cộng đồng di cư ở Hoa Kỳ, Úc và Thái Lan.
Hiện có hơn 5,5 triệu người Công Giáo ở Việt Nam. Trong nhiều thế kỷ qua, Kitô hữu ở Việt Nam đã bị bức hại. Năm 1988, ĐGH Gioan Phaolô II đã phong 117 thánh Việt Nam, bao gồm giáo sĩ và giáo dân.