Estonia không những không cấm điện thoại mà còn trang bị AI trong trường học

0
47
Created by AI

Nguồn: theguardian.com
– Hoàng Văn Loan dịch

Quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng giáo dục hướng đến việc trang bị cho học sinh và giáo viên ‘kỹ năng trí tuệ nhân tạo đẳng cấp thế giới’.

Trong khi nhiều trường học ở Anh đã cấm điện thoại thông minh, thì ở Estonia – được coi là cường quốc giáo dục mới của châu Âu – học sinh thường được yêu cầu sử dụng điện thoại trong lớp học và từ tháng 9 tới đây, các em sẽ được cấp tài khoản AI riêng.

Với chỉ 1,4 triệu dân, đất nước nhỏ bé vùng Baltic này đã âm thầm vươn lên dẫn đầu châu Âu trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thực hiện, vượt qua cả quốc gia láng giềng là Phần Lan.

Trong lần thi PISA gần đây nhất, được tổ chức vào năm 2022 và công bố kết quả một năm sau đó, Estonia đứng đầu châu Âu về toán, khoa học và tư duy sáng tạo, và chỉ xếp sau Ireland về kỹ năng đọc hiểu. Trước đây là một phần của Liên Xô, nay đất nước Estonia đã vượt mặt nhiều quốc gia có dân số đông hơn và ngân sách lớn hơn nhiều.

Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của Estonia, nhưng chính việc quốc gia này áp dụng tối đa công nghệ số đã tạo nên sự khác biệt. Trong khi Anh và nhiều nước khác hạn chế việc sử dụng điện thoại trong trường học vì lo ngại ảnh hưởng đến khả năng tập trung và sức khỏe tinh thần của học sinh, thì giáo viên ở Estonia lại khuyến khích học trò dùng điện thoại để hỗ trợ cho việc học.

Hiện Estonia đang triển khai một chiến lược quốc gia mang tên Bước Nhảy AI nhằm trang bị cho học sinh và giáo viên “các công cụ và kỹ năng trí tuệ nhân tạo đẳng cấp thế giới”. Chính phủ đang đàm phán với OpenAI về các giấy phép nhằm biến Estonia thành nơi thử nghiệm AI trong trường học. Mục tiêu là cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các công cụ học tập AI hàng đầu cho 58.000 học sinh và 5.000 giáo viên vào năm 2027, bắt đầu với học sinh từ 16 đến 17 tuổi vào tháng 9 tới đây.

Giáo viên sẽ được đào tạo về công nghệ, nhất là về việc tự học và đạo đức kỹ thuật số, đồng thời ưu tiên công bằng trong giáo dục và hiểu biết AI. Các quan chức cho biết sáng kiến này sẽ làm cho Estonia trở thành “một trong những quốc gia sử dụng AI thông minh nhất, chứ không chỉ là quốc gia cập nhật công nghệ nhất”.

Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu của Estonia, bà Kristina Kallas đã phát biểu trong Diễn đàn Giáo dục Thế giới nhân dịp thăm London tuần này rằng: “Tôi hiểu sự hoài nghi và thận trọng của hầu hết các quốc gia châu Âu đối với màn hình, điện thoại di động và công nghệ. Tuy nhiên, trong trường hợp của Estonia, nhìn chung xã hội cởi mở hơn và có xu hướng sử dụng các công cụ cũng như dịch vụ kỹ thuật số nhiều hơn. Giáo viên cũng không phải là ngoại lệ.”

Bà Kallas cho biết Estonia không cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. Ngược lại, điện thoại thông minh được coi là một phần không thể thiếu trong chính sách giáo dục ứng dụng kỹ thuật số rất thành công của Estonia. “Thành thật mà nói, tôi chưa từng nghe thấy vấn đề gì cả,” bà nói. “Các trường tự ra quy định và thực hiện ở cấp địa phương. Chúng tôi sử dụng điện thoại di động cho mục đích học tập.”

Bà bộ trưởng cho biết thêm: “Tháng 10 tới đây, chúng tôi sẽ bầu cử ở cấp địa phương và các em ở độ tuổi 16 có quyền bầu cử sẽ bỏ phiếu trực tuyến qua điện thoại di động của các em. Thật vậy, chúng tôi muốn chúng sử dụng điện thoại để thực hiện nghĩa vụ công dân, để tham gia bầu cử, để thâu nhận thông tin và phân tích các nền tảng chính trị.”

“Sẽ hơi lạ nếu chúng ta không cho phép học sinh dùng điện thoại ở trường học và trong môi trường giáo dục. Sẽ rất khó hiểu khi chúng ta bảo các em tuổi 16 rằng hãy bỏ phiếu và bầu cử bằng điện thoại nhưng đừng dùng ChatGPT trên điện thoại để học hành”.

Bà Kallas nhấn mạnh: “Chúng tôi không cấm đoán. Chúng tôi hướng dẫn các em, đặc biệt trẻ dưới 12 – 13 tuổi, về cách thức sử dụng hoặc không sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, hầu hết các trường cũng đã có quy định riêng.”

“Các trường đã thiết lập quy chế hầu học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ giải lao nhưng được dùng trong lớp học khi giáo viên yêu cầu bởi vì các em cần sự trợ giúp của điện thoại để làm một số bài tập nhất định.”

Thay vì cố gắng chống lại công nghệ hiện đại, Estonia đón nhận chúng. Năm 1997, họ đã đầu tư mạnh mẽ vào máy tính và cơ sở hạ tầng mạng trong chương trình Tiigrihüpe (Tiger Leap). Tất cả các trường học đã được cấp tốc trang bị internet. Giờ đây, điện thoại thông minh và AI được coi là bước tiếp theo.

Bà kallas nói rằng cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo sẽ là dấu chấm hết cho những bài luận tại nhà, là lời chia tay với thói quen học thuộc lòng, sự lặp lại và áp dụng trong mô hình học tập kéo dài hàng trăm năm qua và thay vào đó sẽ là những kỳ thi vấn đáp. Thách đố hiện tại là giúp người trẻ phát triển các kỹ năng tư duy bậc cao, vì AI có thể làm những phần còn lại tốt hơn và nhanh hơn.

“Đây là một vấn đề cấp bách” bà nói. “Chúng ta đang đối mặt với thách thức tiến hóa và phát triển ngay bây giờ. Nếu chúng ta không tiến hóa thành những sinh vật có tư duy nhanh hơn và ở tầm cao hơn, công nghệ sẽ chiếm lĩnh ý thức của chúng ta.”


(Hoàng Văn Loan dịch từ bản tiếng Anh trên trang nhật báo The Guardian theguardian.com, đăng ngày 26/05/2025).

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 6 Phục Sinh)
Bài tiếp theoQuý Yắ Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum thăm Nha Trang