MỸ THANH – MẢNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI

0
220

✍️ Tu sĩ Giuse Đinh Ngọc Hiển, SVD

Ngồi trên chiếc xe từ sân bay Cam Ranh đến Giáo xứ với bao điều khắc khoải, tôi mường tượng về con người, về cảnh vật; những chương trình, những kế hoạch mà bản thân sẽ thực hiện trong những ngày hè tại Mỹ Thanh, mảnh đất nơi tôi đến thực tập mục vụ. Chiếc xe máy dừng trước cổng nhà thờ lúc 13h30, trời nắng gắt, có lẽ, giờ này, mọi người đang bình an trong giấc ngủ trưa nên cảnh vật yên tĩnh đến lạ. Khung cảnh hiện ra trước mắt là ngôi nhà thờ nhỏ xinh bên cạnh dãy nhà hai tầng khang trang, sạch sẽ. Tôi bước vào nhà xứ, thật vui và bất ngờ khi cha xứ và cô bếp vẫn đang chờ tôi trong bữa cơm trưa. Một sự gần gũi và đầy thân thương và đó cũng là niềm vui và hạnh phúc đầu tiên cho kỳ thực tập tôi cảm nhận được.

Giáo xứ Mỹ Thanh là một giáo xứ truyền giáo đang được các cha Dòng Ngôi Lời coi sóc. Giáo xứ Mỹ Thanh nằm dọc theo Quốc lộ 1A, từ cầu Trại Cá ở phía Bắc cho đến cầu Suối Đá ở phía Nam. Phía Đông giáp vịnh Cam Ranh, phía Tây giáp Xã Phước Thành (Huyện Bác Ái, Tỉnh Ninh Thuận) và Xã Phước Chiến (Huyện Thuận Bắc, Tỉnh Ninh Thuận). Địa bàn của Giáo xứ nằm ở ranh giới của 2 Tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, trong lãnh thổ của Thị xã Cam Ranh và Huyện Thuận Bắc, thuộc phạm vi hành chánh của 5 Xã: Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Lập, Công Hải và Lợi Hải.[1]

Giáo xứ Mỹ Thanh được thành lập ngày 02 tháng 9 năm 1991 bởi Linh mục Phaolô Nguyễn Định. Hiện nay, Giáo xứ có hơn 900 giáo dân chia thành 5 giáo họ: Mỹ Thanh I; Mỹ Thanh II; Nước Ngọt; Trại Cá và Thịnh Sơn, trải rộng trên địa bàn ba xã Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây và Cam Lập.

Để chuẩn bị cho sứ vụ tương lai là một nhà truyền giáo, dịp hè là khoảng thời gian giúp mỗi người chúng tôi, những người đang được đào tạo, học hỏi và trau dồi thêm kinh nghiệm cho đời sống, ơn gọi và hành trang để sẵn sàng cho sứ vụ của mình.

Mỗi nơi tôi được gửi đến đều mang những nét riêng về cung cách sống, văn hóa, phong tục và kể cả đời sống đức tin. Mỹ Thanh cũng vậy, một Giáo xứ có hơn 900 giáo dân sống rải rác. Đặc biệt, Giáo họ Thịnh Sơn, Giáo họ của người dân tộc Raglai với hơn 300 giáo dân. Hơn hai tháng được sống chung, sống cùng, ăn uống, sinh hoạt cùng với những con người nơi đây, tôi thật sự cảm nhận được rất nhiều niềm vui và ơn Chúa. Có lẽ, với những trải nghiệm thực tế như vậy, thì những kiến thức bản thân tôi học được mới có dịp để đi vào “mục vụ” và gặt hái được những kinh nghiệm cho đời sống ơn gọi và sứ vụ của mình.

Trước hết, cảm nhận về những ơn ban của Chúa. Cái cách Chúa làm việc trên cuộc đời tôi luôn khác với những gì tôi dự định. Đời sống ơn gọi của tôi đã trải qua hơn 9 năm, nhưng mỗi năm, mỗi dịp, mỗi nơi tôi đến, mỗi người tôi gặp hay thậm chí, mỗi biến cố xảy đến trong tôi đều là những ơn lành mà Chúa đã ban xuống. Về với Mỹ Thanh cũng là một sự sắp đặt ngoài dự định và lựa chọn của tôi khi đi mục vụ hè. Thế nhưng, khi về với Mỹ Thanh tôi mới cảm nhận được chính Chúa đang hướng dẫn và đặt để tôi ngang qua quý Cha Bề Trên hữu trách. Những học hỏi về đời sống đức tin; những học hỏi về đời sống thiêng liêng của một người tu sĩ; những học hỏi về cung cách mục vụ; những tận tình và hy sinh của người mục tử … tôi đều được học hỏi và cảm nhận. Với một con người thích hoạt động như tôi, khi về với Mỹ Thanh, tôi có thời gian và môi trường để nhìn lại mình. Tôi có thể thấy mình rõ hơn và những điều cần thiết phải bổ sung, thay đổi để phù hợp hơn với ơn gọi. Tạ ơn Chúa, vì cách mà Ngài làm việc trên cuộc đời của con, vì những ơn lành mà Ngài ban cho con.

Thứ đến, là những cảm nhận về con người được gặp gỡ. Mỗi người gặp gỡ dù là bạn hay không là bạn đều cho ta những cảm nhận, những bài học và kinh nghiệm. Về với Mỹ Thanh, biết bao nhiêu cảm nhận về những con người lần đầu gặp gỡ, về những tình cảm mà con người nơi đây dành cho tôi. Có lẽ, vì có Đức Kitô là Đấng Trung Gian kết nối mà dù xa lạ cũng trở nên như thân thiết; chưa gặp gỡ mà như đã từng thân quen. Được sự hướng dẫn đầy tận tình của cha xứ trong các công việc hằng ngày, trong các giờ cử phụng vụ; hỏi hỏi từ ngài cung cách làm việc, sinh hoạt: từ những việc nhỏ bé như chăm hoa, tưới cây, quét dọn đến những việc đi thăm mục vụ, đi tham dự các giờ kinh ở các hộ gia đình… tất cả đều cho tôi những bài học, những kinh nghiệm và những cảm nhận về hình ảnh của người mục tử luôn tận tâm, hy sinh và hết mình cho sứ vụ. Bên cạnh đó là những con người chất phác, mộc mạc, giàu tình cảm và luôn có những cái cách quan tâm làm cho tôi cảm nhận như những người thân thuộc trong gia đình: từ cô bếp đến các ông trong Hội Đồng Mục Vụ; các bà Mẹ Công Giáo; ca đoàn; các thầy cô Giáo Lý Viên; các hội đoàn… những sự quan tâm đó chính là hình ảnh về một gia đình trong Đức Kitô, tất cả đều là anh chị em, là người thân với nhau. Đó chính là động lực và hành trang giúp tôi trong tương lai về ơn gọi truyền giáo của mình: đến sống cùng, ở với và trở nên như nhà truyền giáo đầu tiên của Dòng Ngôi Lời đến Trung Hoa, cha thánh Giuse Freinademetz.

Cuối cùng là về chính mình. Hơn hai tháng ở Mỹ Thanh đã giúp tôi rất nhiều để có thể thay đổi một số suy nghĩ và thói quen của bản thân. Tôi có thời gian để nhìn rõ mình hơn. Có lẽ, cách Chúa làm mọi sự trên tôi thật đặc biệt. Mỗi lần đi đến giáo họ Thịnh Sơn, nơi người dân tộc Raglai đang sống, những tâm tình đơn sơ của họ, những chia sẻ tự đáy lòng hay những câu chào khi gặp gỡ thoát lên một sự trong sáng đến lạ thường. Tôi thấy mình nhỏ lại. Tôi thiết nghĩ, nếu mình đi đến một giáo xứ lớn hơn với nhiều hoạt động hay các chương trình sinh hoạt nhiều hơn, liệu tôi có được những cảm nhận như vậy không? Liệu tôi có thời gian để nhìn lại mình rõ hơn mà thay đổi những thói quen không phù hợp với ơn gọi không? Liệu tôi có những cảm nhận về cung cách sống, làm việc và sự tận tình trong các công việc dù nhỏ nơi người mục tử không? Ơn gọi truyền giáo phải đối diện với những thách đố mới, từ con người đến việc mục vụ, Mỹ Thanh đã giúp tôi có thêm những kinh nghiệm.

Tạ ơn Chúa và cảm ơn con người Mỹ Thanh đầy tình cảm đã cho tôi có những ngày hè thật nhiều kỷ niệm, niềm vui, kinh nghiệm cho sứ vụ và ơn gọi. Nguyện xin tình yêu của Thiên Chúa đổ đầy ơn lành trên con người nơi đây, để vùng đất truyền giáo này trở thành vườn hoa muôn màu khoe sắc.

[1] Lược sử Giáo xứ Mỹ Thanh, Giáo phận Nha Trang, https://giaophannhatrang.org/vi/lich-su-giao-xu/lich-su-giao-xu/luoc-su-giao-xu-my-thanh-25.html, xem ngày 14 tháng 9, năm 2024.

Bài trướcTHƯƠNG VỀ CHÂU ĐỐC – Cảm nghiệm mục vụ mùa hè
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Hai, Tuần 5 MC)