✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD
Sau khoảng thời gian thực tập mục vụ hè ở giáo xứ Châu Đốc, điều làm tôi thực sự ưu tư đó là bối cảnh sống đạo của bà con giáo dân ở đây. Thật vậy, đời sống đức tin của bà con ở đây, nếu phải diễn tả bằng một từ thì đó là “rối”. Rối ở đây được hiểu cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Trước khi đi vào những kinh nghiệm mà tôi có được nơi đây, thiết nghĩ, cũng cần nên biết một số thông tin về nơi này.
Giáo xứ Châu Đốc là giáo xứ hạt thuộc hạt Châu Đốc – giáo phận Long Xuyên. Về mặt hành chính, đây là giáo xứ duy nhất nằm trong thành phố Châu Đốc, thuộc tỉnh An Giang. Đây là thành phố được xếp hạng là đô thị loại II và trực thuộc tỉnh. Phía bắc của thành phố này giáp huyện An Phú và Campuchia; phía đông giáp huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu; phía nam giáp huyện Châu Phú; phía tây giáp Campuchia; phía tây nam giáp thị xã Tịnh Biên. Thành phố này nằm kề bên con sông Hậu với dòng chảy mang đầy phù sa và nhìn chung là khá êm đềm. Theo ước tính, giáo xứ có khoảng trên 3.000 tín hữu, tuy nhiên số giáo dân thường xuyên tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ dao động từ 1.000 – 1.500. Trong đó, số thiếu nhi khoảng 300 em, huynh trưởng – giới trẻ khoảng 150 người, phần còn lại là những người thuộc các hội đoàn khác cũng như những người không tham gia vào hội đoàn nào. Giáo xứ có cơ cấu tổ chức hành chính khá chặt chẽ và nhiều hội đoàn dưới sự điều hành của cha chánh xứ. Ngoài cha chánh xứ, còn có sự cộng tác của cha phó, cha linh hướng và quý sơ dòng Chúa Quan Phòng. Điều đặc biệt làm cho giáo xứ này được nhiều người biết đến là vì nơi đây có đền hai vị thánh tử đạo Việt Nam (Emanuel Lê Văn Phụng và Phêrô Đoàn Công Quý). Chính vì điều này mà giáo xứ đã trở thành trung tâm hành hương của cả giáo phận. Hằng năm, vào dịp “lễ giỗ” hai vị thánh này (31/07), giáo xứ tiếp đón trên dưới 10.000 lượt khách hành hương đến từ trong nước lẫn ngoài nước. Tuy là một trung tâm hành hương, nhưng điều lạ lùng là, không giống như những trung tâm hành hương ở nơi khác, đời sống đức tin ở đây vẫn còn “rối” rất nhiều.

Trước hết, cái “rối” đầu tiên phải kể đến là chính sắc dân ở đây. Tại Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được đến và trải nghiệm cuộc sống ở một vùng đất có nhiều sắc dân nhất. Thành phần sắc dân ở đây bao gồm: người gốc Khmer, người Chăm, người gốc Cao Miên, người gốc Hoa, người đến từ các tỉnh phía nam, người gốc Bắc… Tất cả đều lưu giữ khá tốt những truyền thống của sắc dân mình. Giữa những sắc dân này lại có sự pha trộn và kết duyên với nhau nên sinh ra các thế hệ mới. Tuy rằng, điều này ở đây được xem là không lạ, nhưng lại là sự khó khăn trong việc xác định sắc dân, truyền thống và văn hoá. Vì tính chất này mà mỗi một nhóm sắc dân, tuy cùng một tôn giáo nhưng lại có những quan điểm và thực hành đạo khác biệt. Điều này làm cho giáo xứ này vẫn là một cánh đồng cần được truyền giáo thay vì là một giáo xứ truyền giáo.
Thứ đến, là cái “rối” về kinh tế. Nếu như đi dọc các trục đường chính, người ta sẽ dễ dàng thấy đây quả thật là một thành phố giàu đẹp. Thế nhưng đó chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” hay đó chỉ là những thứ kiểu “tốt khoe, xấu che” của những thứ hình thức bề ngoài. Khi đi sâu vào trong các ngõ ngách, khung cảnh lại hoàn toàn đối nghịch. Ở trong những con hẻm đó, phần đa là những ngôi nhà cũ nát và xập xệ, hay thậm chí là có cả những túp lều tồi tàn. Cũng ở trong những con hẻm ấy, lần đầu tiên tôi thấy được những căn nhà “tình thương” do các liên hiệp của nhà nước xây cất cho. Đó là những căn nhà “độc nhất vô nhị” theo nghĩa là chỉ “ở được một người” mà thôi. Nói là nhà, nhưng đúng hơn thì đó là những cái lán dựng bằng những miếng tôn mỏng trên nền khoảng 4m2. Nói cho đúng nghĩa, ở trong các hẻm đó là những khu “ổ chuột”. Tình trạng này là do bà con ở nơi đây thiếu những công việc có thu nhập ổn định. Thật vậy, các dịch vụ cũng như các hoạt động giao thương của thành phố này chưa thực sự thu hút các nguồn vốn đầu tư cũng như du khách. Mặc dầu thành phố này giáp với một khu công nghiệp, nhưng quy mô của nó là không đủ để đáp ứng nhu cầu việc làm ở địa phương. Nhìn chung, điều này mà bức tranh kinh tế ở đây xem ra là khá “rối”. Tôi được thấy nhiều những em nhỏ, khi mà đáng ra còn đang tuổi ăn-chơi-ngủ hoặc cắp sách đến trường, đã phải bươn chải tìm cách mưu sinh như bán vé số, cào cá, ăn xin…. Nhiều những cụ già đến tuổi nghỉ ngơi nhưng vẫn phải “dầm sương dãi nắng” kiếm kế sinh nhai. Chính vì sự “rối” này nên ở đây có rất nhiều tệ nạn như: trộm cắp, buôn bán hàng lậu, buôn bán các chất cấm… Cũng chính sự rối này mà nó cũng kéo theo một loạt sự “rối” nữa.
Điều tiếp nữa là vấn nạn “rối” hôn nhân. Có lẽ, vấn nạn này xem ra là rất phức tạp và gây “nhức nhối” nhất ở đây. Vấn đề ly dị-tái hôn, xảy ra cả ở những gia đình toàn tòng lẫn tân tòng, cả ở trong hôn nhân cùng đạo lẫn hôn nhân khác đạo. Có nhiều những ca khó đến độ những vị chủ chăn không biết phải gỡ “rối” từ đâu và gỡ như thế nào. Có những ca thậm chí họ còn không biết cũng như không tin mình đang trong tình trạng rối. Lại có những ca những vị chủ chăn đã tìm được cách gỡ, nhưng họ lại không muốn gỡ nữa. Thực tế cho thấy, có nhiều người ly dị-tái hôn không chỉ một lần, nhưng rất nhiều lần. Có những gia đình có 5 người anh chị em nhưng lại mang 4 “dòng máu” khác nhau. Những điều này xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tôi nghĩ, nguyên nhân chính phải chăng là do chính cái chất “đơn sơ và phóng khoáng” của người dân nơi đây?
Thêm nữa, cái “rối” ở đây còn phải kể đến đó là tình trạng lệch lạc trong quan niệm về giới tính. Theo cảm quan cá nhân, đây là nơi có số người lệch lạc về giới tính nhiều nhất mà tôi từng biết đến. Những tín hữu thuộc “hệ phái” này cũng không phải là số ít. Điều này là do thiếu sự quan tâm và giáo dục cả từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Những người này càng ngày càng trở nên đông và dường như làm thành một xu hướng gây ảnh hưởng rất nhiều đến thiếu nhi và giới trẻ. Thậm chí, ngay cả trong một gia đình, tất cả thành viên đều có xu hướng này. Chính vì cái “rối” về giới tính này đã gây ra không ít phiền toái cho công tác mục vụ ở đây.
Cuối cùng là tình trạng “rối” đạo. Hạn từ “rối đạo” ở đây không đơn thuần chỉ quy chiếu vào tín hữu Công giáo, nhưng còn cả những người nơi “tôn giáo bạn”. Nhiều người thuộc các tôn giáo khác, sau khi nghe các giai thoại về các “phép lạ” của Đức Mẹ và hai thánh tử đạo vẫn đến đây cúng bái, cầu nguyện, thực hành nghi lễ theo niềm tin của họ, hay thậm chí là thỉnh về bàn thờ tư gia. Điều xem ra là lạ lùng với người ngoài nhưng lại là điều bình thường với người dân ở đây là trong cùng một nhà có nhiều bàn thờ các vị thần minh của nhiều tôn giáo khác nhau. Tôi có cảm tưởng rằng, người dân ở đây thấy vị nào “thiêng” thì lập bàn thờ để thờ cúng. Nếu chỉ xét trên bình diện tôn giáo học thì đây có thể được xem là tình trạng mê tín dị đoan, thế nhưng, trên thực tế, thì điều này diễn tả sự thiếu hiểu biết, sự phóng khoáng và đơn sơ của người dân nơi đây. của người dân ở đây. Sau khi nói về cái “rối” đạo của những người tôn giáo bạn, thiết nghĩ, cũng không thể không nói về cái “rối” đạo của chính những bà con giáo dân ở đây. Cái “rối” của bà con giáo dân ở đây xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo cảm nhận cá nhân, tôi thấy rằng cái “rối đạo” ở vùng này đến từ năm nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ nằm ở chính cái “chất người đơn sơ của miền sông nước”. Thứ hai là do vấn nạn “rối” hôn nhân. Thứ ba là do tâm lý ngại ngùng hoặc ù lì trong việc sống, thực hành và giữ đạo của bà con. Thứ tư, đây là nơi mà bà con lương-giáo sống xen kẽ nhau. Và nguyên nhân cuối cùng là do thiếu sự sát sao đồng hành mục vụ dành cho những trường hợp đặc biệt này.
Những cái “rối” ở trên đây không khiến cho tôi nản chí, nhưng chúng làm cho tôi thấy thương cảm cho bà con giáo dân ở đây. Những trải nghiệm này làm tôi nhớ lại đoạn Lời Chúa: “Ðức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đẩy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,36-37). Dường như “cánh đồng” hay “bầy chiên” ở đây không cần đến những vị chủ chăn hay thợ gặt “thời vụ” nhưng cần đến những người yêu mến, sẵn sàng gắn bó và đồng hành lâu dài cách kiên trì. Mặc dầu, những điều ở trên đây thực sự là những thách đố, nhưng đồng thời nó cũng là cơ hội mở ra dành cho những nhà thừa sai có thể thi hành căn tính và sứ vụ truyền giáo của mình. Nơi đây, tôi dường như bắt gặp được một Đức Giêsu đang “khát” các “linh hồn” cũng như khuôn mặt Đức Giêsu đang “khát” sự chăm sóc mục vụ nơi chính người dân ở đây.
Nghĩ về Châu Đốc mà thương
Đi về Châu Đốc vấn vương tình người.
[Cảm Nghiệm Mục vụ Hè tại giáo xứ Châu Đốc – Giáo Phận Long Xuyên]