✍️ Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời
Chúng ta đang sống trong Năm Thánh 2025 – Năm Thánh của niềm hy vọng. Đây quả là dịp thuận tiện để mỗi người tái khám phá niềm hy vọng của chúng ta. Đối với người Kitô hữu, niềm hy vọng đó không mơ hồ cũng chẳng phải là một ảo tưởng nhưng rất gần gũi và cụ thể. Thông điệp Salvi Spes khẳng định với chúng ta rằng niềm hy vọng của chúng ta mang một dung mạo đích thực. Đó là dung mạo của Đức Giêsu Kitô.[1]
Chúng ta đặt niềm hy vọng nơi Đức Giêsu. Một cách cụ thể hơn, đó không phải là niềm hy vọng nơi một Đức Giêsu như một vị lãnh đạo quốc gia trần thế hay thủ lãnh một phong trào giải phóng dân tộc… mà đám đông dân chúng thời bấy giờ mong đợi. Nhưng, niềm hy vọng của chúng ta nơi một Đức Giêsu chịu chết trên cây thập giá. Hành trình bước theo Đức Giêsu là một chặng đường đi từ niềm hy vọng đến những lúc cảm tưởng như chỉ còn lại những chán chường, thất vọng… Thế nhưng, sau cùng, điều còn lại chính là niềm hy vọng không làm thất vọng (Rm 5,5).
- Sự hiện diện của Đức Giêsu mang đến “những niềm hy vọng” cho dân chúng
Thật vậy, sự hiện diện của Đức Giêsu không chỉ dẫn đến những sự tò mò, hiếu kỳ nhưng sự hiện diện đó còn mang đến “những niềm hy vọng”. Ngay khi bắt đầu rao giảng khắp vùng đó đây của Israel, Đức Giêsu đã mở ra một viễn cảnh đầy hy vọng cho dân chúng, nhất là cho những người theo Ngài. Về phần mình, Ngài chỉ loan báo về một niềm hy vọng duy nhất, niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ đến giải cứu dân Ngài khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thế nhưng, niềm hy vọng mà đám đông dân chúng đặt nơi Ngài lại không giống nhau và thậm chí, khác xa với niềm hy vọng mà Đức Giêsu muốn loan báo. Phần đông dân chúng đặt để nơi Đức Giêsu niềm hy vọng về một vị thủ lãnh quân sự, người sẽ giải thoát họ khỏi sự thống trị của đế quốc Rôma và khôi phục thời hưng thịnh như triều đại vua Đavít. Một số ít các môn đệ theo Đức Giêsu vì niềm hy vọng rằng họ sẽ được làm quan trong vương quốc mà Chúa sẽ thiết lập. Dĩ nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người nghèo của Thiên Chúa, những người tìm thấy nơi Đức Giêsu niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã hứa ban, niềm hy vọng về Đấng Cứu Thế sẽ cứu dân người khỏi tội lỗi. Chung quy, Đức Giêsu làm sáng tỏ niềm hy vọng đích thực mà Thiên Chúa hứa ban. Thế nhưng, cũng có không ít những niềm hy vọng theo lối trần thế mà đám đông dân chúng kỳ vọng nơi Người.
- Thập giá Đức Giêsu làm vụt tắt “những niềm hy vọng” của bao người
Trong hành trình sống sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã đưa đám đông dân chúng, cả người tin lẫn người không tin Ngài, đi trọn những cung bậc của hy vọng và thất vọng. Sự hiện diện của Đức Giêsu vừa mang đến những niềm hy vọng cho con người thời bấy giờ, dẫu là theo ý hướng nào đi chăng nữa. Thế mà, biến cố Đức Giêsu chịu khổ hình và chịu đóng đinh trên cây thập giá như làm vụt tắt đi “những niềm hy vọng” của bao người. Cần nhấn mạnh rằng, “những niềm hy vọng” bị vụt tắt là những sự kỳ vọng của đám đông dân chúng đặt nơi Đức Giêsu chứ không phải là niềm hy vọng mà Đức Giêsu muốn biểu lộ.
Đám đông dân chúng nay thất vọng ê chề vì người mà họ hy vọng sẽ giải thoát dân khỏi ách cai trị của người Rôma nay bị chịu án tử cách thảm thương. Những môn đệ theo Chúa vì những mưu toan danh lợi cũng cảm thấy hụt hẫng. Mới hôm nào tưởng như ngày Chúa làm vua đã sắp gần kề, ngày Chúa vào thành và được đám đông dân chúng reo hò vang dậy: “Hoan hô con vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9). Vậy mà, nay Ngài chịu treo thân trên thập giá cùng hai trộm (Lc 23,40-42). Và ngay cả nhóm các môn đệ, những người thân cận nhất với Đức Giêsu cũng đã “tan đàn xẻ nghé”, mỗi người một nơi, sau biến cố Chúa chịu tử nạn. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35) hay trình thuật trong Tin Mừng Thứ Tư về việc các tông đồ rủ nhau đi đánh cả (Ga 21,1-14) là những hình ảnh tiêu biểu… “Những niềm hy vọng” của bao người nay đã thực sự lụi tàn, chẳng còn gì nữa ngoài những nỗi niềm thất vọng và chán chường mà thôi!
- Thập giá Đức Giêsu làm sáng tỏ niềm hy vọng đích thực
Biến cố thập giá tưởng như khép lại cuộc đời của Đức Giêsu, dập tắt niềm hy vọng của bao người nhưng chính nhờ biến cố thập giá, Đức Giêsu chính thức làm sáng tỏ niềm hy vọng đích thực. Niềm hy vọng mà Thiên Chúa muốn tỏ cho con người chứ không phải niềm hy vọng do những khát vọng của con người vẽ nên. Hay nói cách khác, nơi thập giá của Đức Giêsu, những niềm hy vọng đích thực được bày tỏ cho con người. Niềm hy vọng đó là “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8).
Niềm hy vọng mà chúng ta bám víu, niềm hy vọng đã được các ngôn sứ loan báo từ thuở xưa lại gắn liền với cây thập giá, nơi bị xem là khổ hình ô nhục nhất dành cho những nô lệ phạm trọng tội, “điều mà người Do Thái cho là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” (x.1Cr 1,23). Niềm hy vọng ấy gắn liền với cây thập giá, do bởi cây thập giá ấy đang treo trên mình Đấng cứu độ loài người. Trên cây thập giá, Đức Giêsu cho thấy rõ đâu mới là niềm hy vọng thực sự và từ đó, Ngài cho thấy lý do mà con người phải đặt niềm hy vọng nơi một Đấng chịu treo trên thập giá. Hơn nữa, đó còn là niềm hy vọng duy nhất, nhờ đó mà thập giá trở thành lý do để tự hào, đến độ chúng ta cảm thấy được thúc đẩy để vui mừng thốt lên như thánh Phaolô: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô!” (Gl 6,14).
Chúng ta sống biến cố Đức Giêsu chịu khổ nạn và Phục sinh trong bầu khí Năm Thánh của niềm hy vọng. Điều đó càng thêm ý nghĩa khi chúng ta tái khám phá niềm hy vọng mà Đức Giêsu đã biểu lộ trên cây thập giá, nơi mà những người không tin chỉ thấy toàn là bóng tối của thất vọng, của đau thương hay sự u ám của sự chết. Còn đối với chúng ta, những người môn đệ của Đức Giêsu, thập giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian, trở thành nơi phát xuất và tuôn tràn niềm hy vọng, niềm vui và sự sống cho toàn thể nhân loại.
Tóm lại
Sự hiện diện của Đức Giêsu đã mang đến niềm hy vọng đích thực cho nhân loại. Thế nhưng, đám đông dân chúng thời bấy giờ đã không nhận ra được sứ điệp mà Đức Giêsu loan báo và họ chất lên vai Đức Giêsu những ảo vọng của họ, một niềm hy vọng theo lối thế gian. Thế nên, khi Đức Giêsu chịu treo trên cây thập giá cũng là lúc mà niềm hy vọng của họ vụt tắt và nơi họ, chỉ còn lại là bóng tối của thất vọng.
Người tin được mời gọi tái khám phá ra niềm hy vọng đích thực mà Đức Giêsu loan báo, đó là niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ đến và giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ tội lỗi và trong ý hướng đó, biến cố thập giá thắp sáng niềm hy vọng của chúng ta. Bởi lẽ, trên cây khổ hình kia, Đấng Cứu Độ chúng ta đã chiến thắng sự chết và mang đến ơn cứu độ cho nhân loại. Đó là niềm hy vọng đích thực, niềm hy vọng không làm con người thất vọng.
Bước theo Đức Giêsu, lắm lúc, chúng ta cũng mang lấy nơi mình những niềm hy vọng cá nhân. Không ít trong số đó là những niềm hy vọng còn vương mùi trần thế. Thế nhưng, chúng ta hãy can đảm ký thác hết thảy niềm hy vọng của chúng ta lên cây thánh giá Chúa. Ngài sẽ thanh luyện và biến đổi niềm hy vọng của chúng ta hầu chúng được dự phần vào niềm hy vọng đích thực mà Thiên Chúa trao ban.
[1] ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, Bản dịch của HĐGMVN (2008).