LỜI SỐNG (THỨ BA TUẦN THÁNH)

0
965

Bài đọc: Is 49,1-6

Tin mừng: Ga 13,21-33.36-38

21 Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”

22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su.

24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai ?”

25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy ?”

26 Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.

27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!”

28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế

29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo.

30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.

31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.

32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.

36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” Đức Giê-su trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.”

37 Ông Phê-rô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!”

38 Đức Giê-su đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.

—– SUY NIỆM —–

LỜI CẢNH BÁO (Tu sĩ  Louis Nguyễn Tuấn Lâm, SVD)

Lời cảnh báo trước một vấn nạn mà con người không biết trước luôn là điều mang lại lợi ích cho họ. Biển báo giao thông trước sự nguy hiểm giúp con người đi đường an toàn hơn. Việc cảnh báo trước sự lầm lạc giúp con người tránh được những hậu quả về sau.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai lời cảnh báo; một cho Giuđa và một cho Phêrô. Nhưng cả hai đều không để tâm đến lời của Người. Trong khi Giuđa vẫn nộp Người thì Phêrô cũng đã chối Chúa ba lần, mặc dù Người đã cảnh báo trước hai ông. “Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,20). Lời cảnh báo này Chúa Giêsu đã dành cho Giuđa. Chắc có lẽ chưa rõ ràng để thức tỉnh Giuđa nên Người tiếp lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy” (Ga 13,26). Thế mà ông vẫn cứng đầu, vẫn theo dự định riêng của bản thân, vẫn rời bỏ mái nhà chung với cộng đoàn. Và rồi ông đã bán thầy. Chúa cũng đã cảnh báo Phêrô: “Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối thầy ba lần” (Ga 13,38). Dường như, lời cảnh báo này cũng chẳng có tác dụng gì với Phêrô, bởi chính ông cũng đã chối Thầy. Tuy nhiên, điều khác biệt giữa Phêrô và Giuđa là sự tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót Chúa. Trong khi Phêrô khóc lóc thảm thiết, kêu cầu Chúa thứ tha, thì Giuđa lại một lần nữa ra đi khỏi nhà và chấm dứt cuộc đời.

Như vậy, lời cảnh báo của Chúa rất quan trọng để giúp ta vượt thắng sự dữ. Chính vì thế, ta cần chú tâm lắng nghe lời Chúa thì thầm, và nỗ lực thực hiện. Nhưng nếu lỡ như ta có phạm tội, không nghe theo lời Chúa cảnh báo, thì vẫn còn có đó lòng thương xót và tình yêu của Ngài. Noi gương thánh Phêrô ta hãy ăn năn, sám hối, tin tưởng rằng Chúa luôn yêu thương và tha thứ để được cứu thoát ta.

Lạy Chúa, xin khai lòng mở trí để chúng con có thể nghe, hiểu và nhận ra những lời cảnh báo của Ngài, nhờ đó, chúng con bước đi trên đường ngay nẻo chính và biết hồi tâm trở về để nhận được ơn tha thứ. Amen.


SỰ PHẢN BỘI CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Tu sĩ Giuse Mai Văn Dương, SVD)

Phản bội và trung thành là hai thái cực đối nghịch nhau. Ai cũng  thích  sự trung thành và ghét sự phản bội. Khi bị phản bội, con người thường cảm thấy hụt hẫng và đau xót, Chúa Giêsu cũng cảm thấy như vậy khi bị Giuđa phản bội. Vậy nên, chúng ta hãy sống trung thành với Chúa và với nhau, để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan diễn tả việc Chúa Giêsu tiên báo về hành động phản bội của Giuđa. Sự phản bội này thật chua xót và cay đắng. Giuđa đã phản bội Chúa chỉ với ba mươi đồng bạc. Ông đã để cho lòng tham và quyền lực thống trị mình. Vì lòng tham, ông không còn nhận ra chân lý, lương tâm bị che phủ, tâm hồn bị vẩn đục,… ông đã ngang nhiên cắt đứt tình nghĩa thầy trò, bạn hữu. Từ nay, Chúa Giêsu không còn là Thầy, là Chúa của ông, mà là một món hàng không hơn không kém để bán cho những kẻ muốn giết Người. Quả là một sự đau buồn tột độ khi Chúa Giêsu nhìn thấy kẻ mình yêu thương và chọn gọi, nay lại muốn phản bội mình. Và điều đáng buồn hơn nữa, khi Chúa Giêsu muốn Giuđa ăn năn hối cải, nhưng ông đã cứng lòng và không chịu đón nhận tình thương của Người. Như thế, ông đã bị kết án và bóng tối bao phủ lấy ông, khiến ông phải đau khổ và phải chết.

Cuộc sống ngày nay, nhiều người đã và đang tiếp tục phản bội Chúa và phản bội nhau bằng nhiều cách thế khác nhau. Sự phản bội này khiến nhiều người phải đau khổ, rơi lệ và phải chết. Mỗi lần chúng ta phạm tội, không chịu ăn năn thống hối, lương tâm bị chai lì, và không còn cảm thức về tội, lúc đó chúng ta đang phản bội Chúa. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, hãy trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh và hãy tín thác vào tình thương của Người.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật yếu đuối và tội lỗi, xin thanh tẩy lòng trí chúng con, để mỗi ngày chúng con biết sống trung thành với Chúa và với nhau hơn. Amen.


 

TRỜI ĐÃ TỐI (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

ĐỂ TÔN VINH CHA (Tu sĩ Giuse Thái Viết Mậu, SVD)

Theo từ điển phổ thông, hạn từ “tôn vinh” được hiểu là tôn lên vị trí, danh hiệu cao quý vì được ngưỡng mộ hoặc vì có năng lực hay phẩm chất đặc biệt. Hạn từ này, cũng được nhắc đến rất nhiều lần trong Kinh Thánh, đặc biệt là Tin Mừng hôm nay, qua nhân vật chính là Đức Giêsu.

Quả vậy, phải khẳng định rằng cuộc đời của Đức Giêsu là một bản hùng ca “tôn vinh” Thiên Chúa. Cụ thể, ngay từ thuở nhỏ, Người đã ý thức được sứ vụ cốt lõi của mình “Cha mẹ không biết con làm việc cho Cha con sao?”. Chưa dừng lại ở đó, trong suốt hành trình rao giảng, qua từng lời dạy, từng phép lạ, … Người đều làm nổi bật dung mạo yêu thương và tốt lành của Chúa Cha. Hơn thế nữa, nơi biến cố chịu chết và Phục Sinh, Đức Giêsu một lần nữa diễn tả tình yêu tột cùng mà Chúa Cha muốn gửi gắm cho nhân loại qua “Người Con yêu dấu”. Từ góc độ cuộc đời Đức Giêsu được đề cập ở trên, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng Người đã khiêm nhường để không nhận lấy sự tôn vinh cho mình. Ngược lại, Người chấp nhận những đau khổ để thi hành và làm cho Danh Thánh Cha được tôn vinh. Chính vì lẽ đó, “Thiên Chúa đã siêu tôn người và tặng ban danh hiệu trổi vượt hơn muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9) để rồi “Khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quỳ.” (Pl 2,10) Như vậy, xuyên suốt cuộc đời, Đức Giêsu quả thật là một bản hùng ca tôn vinh Thiên Chúa. Vậy, là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta phải làm gì để Thiên Chúa được tôn vinh? Xin thưa rằng: Hãy trở nên giống Đức Giêsu, nghĩa là sống để tôn vinh Thiên Chúa chứ không phải sống để tôn vinh chính mình.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời Ngài là lời tôn vinh sống động nhất dành cho Chúa Cha. Xin hãy dạy chúng con biết khước từ việc tôn vinh bản thân, nhưng luôn dành cuộc đời chúng con để tôn vinh Thiên Chúa. Amen.


ĐÁP TRẢ THẾ NÀO KHI BỊ PHẢN BỘI? (Tu sĩ G.B. Nguyễn Văn Mạnh, SVD)

Một trong những nỗi đau lớn nhất của con người có lẽ là bị phản bội. Dường như con người ngày nay dễ dàng phản bội lẫn nhau vì nhiều lý do. Nó đã trở thành một căn bệnh trầm kha của xã hội nhưng con người vẫn chưa thực sự biết cách để chữa lành và vượt qua nó. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy ta cách đối diện với sự phản bội.

Chúa Giêsu đã đối diện với sự phản bội, và kẻ phản bội Ngài lại là Giuđa, một trong Nhóm Mười Hai. Dù bị phản bội, Đức Giêsu vẫn đối xử rất công bằng, bác ái, nhân từ và tế nhị với Giuđa. Nhìn lại chặng đường theo Chúa của Giuđa, ta thấy được rằng, trước hết ông được Chúa yêu thương tuyển chọn, được cùng ăn uống, đi theo, nghe Ngài giảng dạy và chứng kiến bao việc Ngài làm. Trong đêm Tiệc Ly, Chúa cho ông đồng bàn với mình và còn rửa chân cho ông nữa. Chúa đã thương yêu, không nêu tên, vạch trần, làm bẽ mặt, ngăn cản hay trừng phạt ông. Chúa đã tế nhị nhắc nhở để mong thức tỉnh ông. Như thế, Chúa rất nhân từ, yêu thương và tế nhị trước con người đầy tính toán, tham lam và bội phản này.

Cách đối xử trên là bài học cao quý, là mẫu gương cho chúng ta khi đối diện với sự phản bội. Bởi khi đứng trước sự phản bội, con người thường hụt hẫng, đau khổ, thù hận, thiếu tha thứ, muốn báo thù, hay có thái độ tiêu cực khác. Thái độ đó không làm thoả mãn chính mình, nhưng càng làm cho mình đau khổ và đắm chìm hơn trong vũng lầy. Do đó, tha thứ cho người phản bội là phương thuốc chữa lành không chỉ cho người khác nhưng là cho cả chính mình nữa. Nó sẽ giúp ta chữa lành vết thương và vượt qua sự đau khổ.

Lạy Chúa, xin mở rộng trái tim chúng con để chúng con biết sống yêu thương và tha thứ như Chúa đã nêu gương. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (THỨ HAI TUẦN THÁNH)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (THỨ TƯ TUẦN THÁNH)