LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 4 Phục Sinh)

0
622

Bài đọc: Cv 13,13-25

Tin Mừng: Ga 13,16-20

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

— O —

Suy niệm


ĐÓN TIẾP (Tu sĩ Phêrô Trần Công Lượng, SVD)

Gặp gỡ và đón tiếp cách chân thành, quý mến và vui tươi là bước đầu giúp con người lại gần nhau và tạo nên các mối liên hệ tốt đẹp. Đón tiếp người khác cũng có thể được xem như là đón tiếp Chúa, vì Đức Giêsu đã nói rằng: “ai tiếp đón người Thầy sai đến là tiếp đón Thầy” (Ga 13,20).

Việt Nam có câu ca dao gói gém tình cảm dành cho thực khách mang đầy tính nhân văn: “Khách đến nhà không gà thì cũng vịt.” Đó là truyền thống đáng quý của người dân Việt khi có khách đến nhà chơi. Thế nhưng không phải vị thực khách nào cũng được tiếp đón nồng hậu như nhau. Người có máu mủ, có tiếng tăm thường được đón tiếp cách trọng vọng. Trái lại, người yếu kém thấp hèn lại không được mấy ai quan tâm tới, thậm chí còn bị hắt hủi, khinh khi. Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta mở rộng con tim, mở rộng nhà mình để đón tiếp những vị khách mà Chúa gửi tới. Nhưng làm sao biết được những vị khách nào là người mà Chúa gửi tới? Ta dễ dàng trả lời đó là những người “làm việc Nhà Chúa”, như các linh mục, tu sĩ, cha xứ,… Điều đó không sai nhưng nó quá giới hạn. Hơn nữa, đón tiếp những người ấy thì quá dễ dàng và thậm chí là điều vinh dự. Thế nhưng Chúa còn hiện diện nơi những phận người đau khổ, bệnh tật, đói khát, những người cô thế cô thân, những người bị xã hội loại trừ, hắt hủi,… Đó là lúc Ngài đến gõ cửa nhà ta cách thống thiết, là lúc Ngài cần sự đón tiếp của ta hơn hết. Ngày nay, con người có cuộc sống giàu sang hơn, nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường hơn. Đó như là cách để người ta tránh khỏi những phiền toái từ những người nghèo khổ đến nhờ vả. Vậy nên, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy mở cánh cửa nhà mình lẫn cánh cửa tâm hồn để đón tiếp những con người đau khổ, bất hạnh đang kêu cứu.

Lạy Chúa, xin mở rộng tâm hồn chúng con để chúng con biết đến với những người nghèo khổ đang cần đến sự chăm sóc và chia sẻ của chúng con. Amen.


 

MỐI PHÚC LẠ ĐỜI (Lm GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

LÒNG TRUNG TÍN (Tu sĩ Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD)

Trung tín là một nhân đức không thể thiếu của đời sống con người trong mọi thời đại. Bài Tin Mừng hôm nay, trong khi tiên báo về cuộc khổ nạn của mình, Đức Giêsu cũng đã báo trước về sự phản bội và bất tín của Giuđa với Người “kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”.

Cuộc sống của chúng ta được xây dựng trên mối quan hệ hỗ tương với nhau. Trung tín chính là một trong những sợi dây liên kết đó. Thật vậy, cuộc sống cần lắm sự tín trung. Chính vì thế mà chữ tín được xếp vào trong “ngũ thường”, năm đức tính cần có của con người trong cuộc sống. Sẽ ra sao khi một xã hội không còn sự trung tín và chân thành? Sự ngờ vực liệu có giúp chúng ta đạt được hạnh phúc? Sống trung tín trong lời nói và việc làm chính là cách để con người có được một cuộc sống an bình.

Ngày nay, khi mà sự trung tín trở nên xa xỉ thì chúng ta vẫn còn một nơi để nương cậy, một Đấng luôn trung tín, đó chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho thấy “dù ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín” (2Tm 2,13). Chính nhờ lòng trung tín của Người, cho dù có lúc ta bất trung thì chúng ta cũng được nhận ơn cứu độ cách trọn vẹn, cũng nhận được lòng khoan dung tha thứ bởi tình yêu đến cùng của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta cứ sống bất tín với Người. Cảm nhận được tình yêu và ân sủng đó, chúng ta được mời gọi đáp trả bằng chính lòng trung tín với Thiên Chúa, cũng như với tha nhân trong đời sống hằng ngày.

Lạy Chúa, xin tha lỗi cho những lần bất tín của chúng con với Ngài. Xin ban thêm sức mạnh, để chúng con luôn biết sống trung tín, và nương cậy vào Ngài, vì Ngài chính là nguồn hạnh phúc đích thực mà chúng con kiếm tìm. Amen.

———————————————————————————————-

PHỤC VỤ KHIÊM NHƯỜNG (Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD)

Ngay sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các ông phải theo gương Ngài mà hiến thân phục vụ anh em. Ngài muốn các môn đệ là: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật là phúc cho anh em” (Ga 13,17). Vậy điều Đức Giêsu muốn nói là gì?

Đức Giêsu đã cúi xuống và chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa cho các ông với sự trân trọng và đầy yêu thương. Ngài đã biến hành vi rửa chân thành một mối phúc. Ngài đã nhắc các môn đệ về vị thế của họ, vị thế của người tôi tớ, người được sai đi. Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai đi, vì “tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16). Hay việc rửa chân cho chủ là việc của người tôi tớ, người nô lệ, thế mà Đức Giêsu đã là chủ, là người sai đi, mà khiêm hạ cúi xuống rửa chân cho những người được mình sai đi. Đó là một tinh thần phục vụ trong sự khiêm nhường và hy sinh cần phải có nơi người môn đệ của Đức Giêsu.

Thế nhưng, theo lẽ thường, chúng ta luôn muốn tìm hạnh phúc khi được kẻ hầu người hạ, được tôn vinh hơn là khiêm nhường cúi xuống để phục vụ. Chúng ta vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những quyền lợi trong cuộc sống. Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi của mình để tìm phần phúc, nhưng phần phúc đích thực không phải được phục vụ, mà là hạ mình phục vụ như một tôi tớ. Đó mới là phần phúc thực sự sẽ được Thiên Chúa trao ban.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thấm nhuần những lời nhắn nhủ của Ngài, để chúng con biết thay đổi bản thân, biết đối xử và phục vụ tha nhân trong sự khiêm nhường, ngỏ hầu hưởng được phần phúc Chúa dành cho chúng con. Amen.

NGUỒNPhoto: reflectionsofgodslove.files.wordpress.com/2020/04/2020.04.09_v134-n3-feetwashing-1440x864-1.jpg?w=1024
Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 Phục Sinh – A)
Bài tiếp theoƠn Chúa Thánh Thần