NGƯỜI THANH NIÊN TRẺ, GIUSE

0
988

Ban Truyền thông Triết học Ngôi Lời

“Nada te turbe, nada te espante… solo Dios, basta”, đó là lời bài hát Taizé được cất lên bởi cha Giuse Bùi Quang Minh, SJ trước khi bước vào buổi chia sẻ, gợi ý cầu nguyện tĩnh tâm tháng cho quý thầy thuộc Cộng đoàn Triết học, ngang qua lộ trình thiêng liêng của chàng thanh niên Giuse.

Giuse, một thanh niên bình thường sống ở miền quê Nazareth được Thiên Chúa để ý, chọn lựa để làm một điều phi thường trong công trình cứu chuộc của Con Thiên Chúa cho nhân loại. Và trong công trình cứu độ ấy, lộ trình thiêng liêng của Giuse được hiện tỏ dựa trên những nét tiêu biểu, như là khởi điểm với những dự phóng, khủng hoảng, phân định, hoán cải và đỉnh cao là sự dâng hiến.

“Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse” (x. Mt 1,18). Dự phóng của Giuse được mô tả cách đơn giản qua hình ảnh một hôn lễ: một hôn lễ bình thường, giữa hai con người là Giuse và Maria. Tuy nhiên, ẩn sâu trong những dự phóng “riêng tư” ấy là một định hướng, vừa mang tính lịch sử vừa mang tính cứu độ, vốn là trật tự “2 trong 1”: Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa và con của nhân loại. Dự phóng này hàm chứa tinh tuý và di sản của văn hoá con người và mang mầm giống của ý định cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả đều được đặt trong sự mong manh của định chế và ý chí con người, nhưng đều là cơ hội của Thiên Chúa.

“Ông định tâm lìa bỏ Maria cách kín đáo và toan tính như vậy” (x. Mt 1,19). Cuộc khủng hoảng của Giuse cũng là điều thường thấy, bởi đến từ bản chất sự “chênh lệch bất khả san bằng” giữa dự phóng và kinh nghiệm, giữa lý tưởng và hiện thực, giữa ân sủng và điều kiện con người. Dường như Giuse được gọi là công chính trong cơn khủng hoảng bởi cơn khủng hoảng này mang bản chất của một sự khắc khoải tích cực, không để mình rơi vào vị thế của nạn nhân bị động bởi hoàn cảnh. Mà trái lại, nó tìm lối thoát bằng mọi phương diện, trong khi vẫn để ngỏ cho cuộc đối thoại thầm lặng của “tinh thần nhân bản” nơi mình với cái khôn dò khôn thấu của ý định Thiên Chúa.

“Sứ thần đến trong giấc mộng… Giuse liền trỗi dậy” (x. Mt 2,14.21). Điểm đến của một chuỗi thái độ nội tâm với những khắc khoải, dự định, đối thoại, nếu được thực hiện trong sự khiêm hạ và thinh lặng, sẽ dẫn đến cuộc mặc khải của ý định Thiên Chúa. Đã hẳn, phân định không là một cuộc biện luận về cái thiệt hơn trong tư duy lý tính, nhưng là một hành trình thiêng liêng. Tự sâu xa, trong khi điểm đến của cuộc phân định là nhận ra ý muốn của Thiên Chúa, qua sự lôi kéo của Thần Khí, thì hành trình này chỉ có thể thực hiện được nhờ sự nhạy bén của con người cầu nguyện và lắng nghe – như hình ảnh Giuse đang ngủ, trước những “dấu chỉ” vốn chỉ được nhận ra bởi con người vốn quen thuộc với việc lao tác và chuyển động cùng với cuộc sống, của nhân loại cũng như trong đời tư của mình.

“Ông lui về miền Galilê” (x. Mt 2,22). Hoán cải không chỉ là đổi hướng mà còn là gìn giữ mình trong trạng thái chuyển động liên tục của ân sủng. Hoán cải đã hẳn là việc phải bỏ một số điều, để đón nhận một số điều khác. Tuy nhiên, sự thành toàn của hành trình hoán cải là trở nên ứng trực hoàn toàn cho mọi dự án lớn nhỏ của Thiên Chúa. Trở về Galilê là sự kiện kết thúc chuỗi hành trình thiêng liêng của Giuse. Từ đây, hành trình thiêng liêng của Giuse đã kết thúc với phần nhân bản được “gia cố”, mở ra cách tự nhiên và lặng thầm trước mọi động thái cứu độ của Thiên Chúa, ngang qua người con Giêsu của ông.

“Con bác thợ mộc” (x. Mt 15,55). Có thể coi khởi đầu của cuộc đời Giuse, ông được xác định bởi người con Giêsu. Sau này, Đức Giêsu Kitô được xác định như là con của bác thợ Giuse. Một sự tự hiến lớn hơn cả việc định danh, mà trở nên trọn vẹn nhờ sự hy sinh bản thân. Tự hiến không là đánh mất chính mình, nhưng đầu tư toàn bộ những gì thuộc về mình nơi người khác. Nó vừa là việc đảm đương những nhịp thiêng liêng nhọc nhằn (dự phóng, khủng hoảng, nhận định, hoán cải) nhưng vừa là sự tận hưởng những ngọt ngào và an ủi của những nhịp ấy, nhờ sự hun đúc trung thành của tình yêu Chúa Kitô.

Thật vậy, với lộ trình của chàng thanh niên Giuse, người tu sĩ trẻ của thời nay trong hành trình thiêng liêng cũng được mời gọi nhìn lại chính mình như là một kinh nghiệm mới để khám phá ra ý định của Thiên Chúa, ngang qua tình yêu của Ngài dành cho chúng ta trong Chúa Kitô.

Bài trướcChương trình viếng thăm Iraq của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bài tiếp theoThỉnh sinh Ngôi Lời mục vụ tại Gx. Thánh Gia