Lạ lẫm- Quen Thuộc.

0
726

Thầy Gioan Baotixita Hoàng Gia Bảo – Học  viện Ngôi Lời

Theo chương trình đào tạo của học viện, vào các dịp hè, những tu sĩ trong giai đoạn thụ huấn sẽ được gởi nơi các cộng đoàn, giáo xứ để thực tập mục vụ. Thời gian mục vụ hè này vừa là cơ hội để anh em có dịp thực hành những kiến thức trường lớp, vừa là dịp để cọ xát với công việc truyền giáo cũng như học hỏi kinh nghiệm thực tiễn. Hè này, tôi được gởi về mục vụ tại giáo xứ Kim Cương, thuộc giáo phận Hà Tĩnh. Đây là giáo xứ do các cha dòng Ngôi Lời quản nhiệm.

 Giáo xứ Kim Cương thuộc xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. giáo xứ nằm ở vùng sơn cước, sát biên giới Lào, cách cửa khẩu Cầu Treo tầm chục cây số. Địa bàn giáo xứ rất rộng, gần 43 km2. Giáo xứ hiện nay có khoảng 2200 giáo dân. Giáo xứ chia làm hai giáo họ: Kim Cương, Chè và ba giáo nhóm: Antôn, Tổng Đội và Trung Tâm. Vị trí giáo xứ nằm ở vùng miền núi nên cuộc sống người dân nơi đây, về mặt bằng chung, còn nhiều khó khăn, bấp bênh. Người dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, đi rừng và vận chuyển hàng hóa. Nhưng sau mùa Covid, cửa khẩu bị đóng cửa cộng với việc hạn hán kéo dài làm cho cuộc sống người dân thêm phần khốn khó.

Mục vụ nơi Kim Cương, tôi có những trải nghiệm vô cùng thú vị nhưng cũng đầy khó khăn. Đến với vùng đất Hà Tĩnh lần đầu nên cảm giác lạ lẫm là điều khó có thể tránh khỏi. Lạ lẫm bởi vùng đất, ngôn ngữ, công việc và con người. Nhưng ẩn sau những cảm xúc xa lạ là những hình ảnh, cảm xúc quen thuộc, thân thương mà tôi đã bắt gặp và từng trải qua trong cuộc sống của mình.

Vùng đất mi l. Hà Tĩnh là tỉnh xa nhất mà tôi có dịp ghé qua và ở lại mục vụ. Được sống ở môi trường miền Nam với hai mùa mưa nắng, tôi chưa có dịp được tiếp xúc cái nắng trên 40 độ C và Kim Cương là vùng đất mới lạ để tôi trải nghiệm cái nắng gay gắt cũng như gió Lào khô nóng. Ở Kim Cương, tôi có dịp được trú dưới bóng râm của cái nắng trên 40 độ C. Năm nay, vùng Sơn Kim gặp hạn hán nên việc nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao là lẽ thường tình. Ra đó, tôi mới hiểu và nhận ra vì sao người dân nơi đây tận dụng thời gian ban sáng và chiều tối một cách triệt để cho công việc đồng áng và chăn nuôi.

Lạ lẫm ngôn ngữ. Khi tiếp xúc với người dân Hương Sơn, tôi như đứa trẻ đang học nghe nói. Những từ ngữ địa phương được người dân sử dụng thường xuyên nên tôi hơi bỡ ngỡ, lạ lẫm. Hầu như các cuộc tiếp xúc, nói chuyện ban đầu tôi chỉ cười mỉm và gật đầu cho qua. Nhưng dần dà, tôi cũng quen tai với “giọng nói líu lo” của người dân. Ngôn ngữ mà tôi cảm thấy lạ lẫm dần trở nên thân thuộc, “nỏ chộ” hay hơn “không thấy”, “hề, tề” cuối câu nghe thân thương hơn “dạ, à”.

Công việc “lần đầu”. Tôi được hai cha giao việc dạy giáo lý, trao Mình Thánh, thăm hỏi giáo dân và đồng hành với huynh trưởng. Đa phần đây là những công việc tôi tiếp xúc lần đầu, đặc biệt là việc đồng hành với huynh trưởng. Huynh trưởng Kim Cương đa số đều ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Những người có kinh nghiệm đều đi làm ăn xa nên ở nhà đa phần là các bạn học sinh. Công việc chính của huynh trưởng trong mùa hè là tạo sân chơi vào các buổi tối thứ năm và sáng Chúa Nhật hằng tuần cho các em thiếu nhi. Ban đầu tôi cảm thấy xa lạ, ngại ngần với các em thiếu nhi. Nhưng rồi tôi cảm nhận sự thân thuộc, sự nhiệt huyết, năng động của tuổi trẻ nơi các em, sự nhiệt huyết đã từng xuất hiện ở tôi khi mình ở lứa tuổi đó. Khoảng cách giữa tôi và các bạn trẻ được thay thế bằng sự gần gũi, cởi mở qua những bước nhảy hết tình, hết mình. Tham gia vào các điệu nhảy khiến tôi cũng như người anh em mục vụ cùng quên mất tuổi thật của mình, cứ ngỡ mình ở độ tuổi thanh thiếu niên như các em. Công việc “lần đầu” nữa mà tôi làm là việc thăm hỏi và trao Mình Thánh cho bệnh nhân. Những buổi chiều, anh em chúng tôi rong ruổi trên chiếc xe, rảo qua nhà của người dân thuộc giáo xứ để thăm hỏi. Buổi đầu còn có sự dè chừng nhưng qua những chén “nác ngon”, dần dà hai anh em và người dân như trở nên những người họ hàng thân thiết, như những cố hữu lâu ngày gặp lại.

“Con người xa lạ”. Ở nhà dòng mới tầm 4 năm nên còn nhiều cha, thầy cùng dòng tôi chưa có dịp gặp mặt. Hai cha đang giúp ở Kim Cương cũng là lần đầu tôi được tiếp xúc và sống cùng. Nhưng khi tiếp xúc, hai anh em cảm thấy sự gần gũi, thân thuộc nơi hai cha. Sự thân quen đó có lẽ đến từ mối dây liên kết là con của một Đấng sáng lập, là anh em trong gia đình Ngôi Lời. Sự xa lạ dần thay thế bằng sự gần gũi được biểu hiện qua những tiếng cười trong các bữa ăn, qua những lời hướng dẫn chỉ bảo trong công việc mục vụ. Đặc biệt, ở nơi hai cha, chúng tôi cảm nhận rõ sự đạo đức cũng như đời sống cộng đoàn qua việc cùng tham gia vào các giờ kinh nguyện chung. Và người dân nơi đây cũng thế, từ sự lạ lẫm ban đầu nhưng rồi sự thân quen dần hiện lên rõ nét sau những lần gặp gỡ, nói chuyện, thăm hỏi; qua những chén “nác ngon, nác mát” hay qua món “mít lọc”. Có lẽ vì cùng một đức tin, một phép rửa mà khoảng cách giữa hai anh em chúng tôi và người dân được nhảy vọt cách nhanh chóng. Sự thân quen được thể hiện rõ sau những lần chúng tôi thăm hỏi các gia đình trong giáo xứ, sau những lần chia sẻ về cuộc sống đời và đạo của người dân, về những khó khăn, bấp bênh.

Nơi giáo xứ Kim Cương, tôi nhận thấy sự lạ lẫm trong từng việc mình làm, trong từng người mình tiếp xúc. Nhưng ẩn đằng sau những lạ lẫm, những lần đầu lại là sự thân thuộc, gần gũi. Sự thân quen trong từng lời nói, thân thuộc trong từng cử chỉ và thân thương trong từng ánh mắt. Cảm ơn Kim Cương, vì nhờ lạ mà ta có thể nên thân, nhờ “nỏ” biết mà ta nên quen thuộc. Hai tháng tuy không nhiều nhưng một ngày cũng là nghĩa là tình. Cũng nhờ nơi đây, tôi có thêm niềm tin vào Thiên Chúa, lòng cậy trông vào ơn của Người như lời Người từng nói “Ơn Cha đủ cho con”. Nguyện xin Chúa luôn tuôn đổ muôn ơn lành trên giáo xứ và giáo dân. Hẹn một ngày gần nhất được gặp và sống cùng với “mối tình đầu mục vụ” của tôi.

Bài trướcNgày 8/4 – LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ SỰ TỰ DO ĐÍCH THỰC ?
Bài tiếp theoNgày 9/4 – XIN CHO CON BIẾT NHẬN RA GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA CUỘC SỐNG