Cộng Đoàn Thần Học Tĩnh Tâm Mùa Chay 2021

0
787

Ban Truyền Thông Cộng Đoàn Thần Học

“Sám Hối Mùa Chay” là đề tài mà Cha Giuse Đỗ Quang Khang, Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đã chia sẻ với anh em Cộng đoàn Thần học trong ngày Tĩnh tâm Mùa Chay năm nay.

Khởi đi từ suy nghĩ thông thường, sám hối được hiểu là ăn năn hối hận về tội lỗi của mình và quyết tâm chừa cải. Hiểu như vậy lắm khi con người rơi vào tình trạng sống vắng bóng sự sám hối, vì lẽ, sám hối vì mình là tội nhân nhưng, nếu xét không có tội thì có cần phải sám hối hay chăng? Và theo nguyên tắc đó, lắm khi người theo Đức Giêsu cũng không khác gì những người không có niềm tin vì đều cùng một lối sám hối như nhau, cùng đều có tội thì sám hối bằng cách ăn năn, hối hận, quyết tâm chừa cải. Đó cũng là cách hiểu sám hối theo nghĩa thụ động.

Cha giảng phòng đã mời gọi mỗi người khám phá ý nghĩa mới mẻ hơn của sám hối, sám hối theo nghĩa của Bản Văn Máccô 1, 14-20.

Khởi đầu sứ vụ của mình, Đức Giêsu mời gọi mọi người “sám hối và tin vào Tin Mừng”. Thế nhưng, đó lại là hai khái niệm hết sức trừu tượng. Và Đức Giêsu đã chẳng giải nghĩa gì thêm. Điều đó chẳng khác gì Ngài trao vào tay con người hai cái ổ khoá mà không có chìa. Thế nhưng, câu chuyện “Đức Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên” kế đó đã cho chúng ta khám phá ra nghĩa của sám hối mà Đức Giêsu muốn. Trước lời mời gọi của Thầy Giêsu, cả 4 môn đệ đầu tiên đều có chung thái độ “từ bỏ và đi theo Người”. Hai hành vi hết sức cụ thể này cũng chính là chìa khoá cho 2 ổ khoá trên.

Thế nên, sám hối nghĩa là từ bỏ. Như trong bản văn, các môn đệ đầu tiên đã từ bỏ nghề nghiệp, gia đình, tài sản, quyền sở hữu… để đi theo lời mời gọi. Những điều đó xét cho cùng không có gì xấu mà thậm chí còn là điều chính đáng, thế nhưng tại sao phải từ bỏ? Từ bỏ để bước theo Đức Giêsu. Qua đó, chúng ta nhận được một ý nghĩa đầy tích cực và chủ động của sám hối,“tôi muốn sám hối”, chứ không còn mang ý nghĩa thụ động, “vì tôi có tội nên phải sám hối nữa”.

Sự sám hối có thể khởi đi từ hành vi nhưng sẽ chẳng bền vững và phát sinh hiệu quả cho bằng khởi đi từ chính suy nghĩ. “Tôi có thực sự muốn sám hối, muốn tránh xa tội lỗi hay không?” phải là câu hỏi cốt lõi để mỗi người suy nghĩ. Vì chừng nào, chúng ta chưa muốn dứt khoát với tội lỗi thì chừng ấy, sự sám hối của chúng ta chỉ dừng lại ở mức tạm thời,“nay đây mai đó” mà thôi. Dĩ nhiên, để sống được điều đó, thời gian và ơn Chúa là những yếu tố không thể thiếu. Trong ý hướng ấy, Mùa Chay thật là một dịp thuận tiện để mỗi người suy nghĩ, khám phá và đào sâu: “Ý nghĩa của sám hối mà Đức Giêsu đã mời gọi”.

Thời gian còn lại của ngày tĩnh tâm, anh em trong Cộng đoàn đã dành thời giờ để lãnh nhận bí tích Hoà Giải, suy ngẫm và cầu nguyện. Xin Chúa tiếp tục đồng hành và chúc lành cho mỗi người và Cộng đoàn trong thời gian còn lại của Mùa Chay Thánh.

Bài trướcBài giảng của Đức Thánh Cha trong Phụng vụ Thánh tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của Baghdad
Bài tiếp theoTông du Iraq: Cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh – Mosul